LOS ANGELES – Sân bay quốc tế LAX trưa ngày Thứ Ba, 4 Tháng Sáu, chứng kiến một hình ảnh thật đẹp và thật xúc động: đó là cuộc tái ngộ của gia đình ông Ngô Văn Việt ở Glendale cùng người con trai Ngô Văn Đảm bị bắt cóc ở Thái Lan từ 32 năm trước trên đường vượt biên.
Ông Việt, người cha từng bắt đầu hành trình đi tìm con từ 20 năm trước, nói về tâm trạng của mình trong lúc chờ đón con tại phi trường, “Hôm nay là ngày đầu tiên con tôi đến Mỹ từ Thái Lan. Cảm xúc của hôm nay là không bao giờ, không bao giờ tưởng tượng được sau 32 năm gặp lại nó, không biết tả như thế nào cho hết tình cha con trong 32 năm qua. Không thể nào tả hết đượcniềm nhớ thương trong chừng ấy thời gian.”
Gia đình ông Ngô Văn Việt và đứa con trai Ngô Văn Đảm (thứ hai từ phải), bị bắt cóc ở Thái Lan lúc 3 tháng tuổi, hội ngộ tại phi trường LAX. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt))
|
Bà Kim Lê, người mẹ từng “coi như chết đứng, hết biết mình mẩy gì hết, không biết mình mấy tuổi luôn” khi đứa con “còn ẵm bồng cho bú mà tự dưng bị bắt mất đi,” nói một cách xúc động, “Tôi chờ con tôi thất lạc đã 32 năm, giờ tôi đang hồi hộp chờ con tôi ra. Suốt đêm tôi ngủ không được mong cho tới sáng tôi được gặp con tôi.” Giọng bà nghẹn lại trong nỗi hồi hộp lẫn niềm vui ngập tràn.
Và đứa bé Ngô Văn Đảm ngày xưa nay đã là người đàn ông 32 tuổi, không thể nói được tiếng Việt, chỉ có nụ cười rạng rỡ trên gương mặt và vài chữ tiếng Anh khi đặt chân xuống phi trường, “I love my family!”
Quay ngược hành trình
Hơn ba thập niên trôi qua, nhưng ông bà Việt-Kim vẫn không thể nào quên được một ngày của Tháng Ba, 1981, khi đứa con trai út hơn 3 tháng tuổi bị chiếc tàu đánh cá Thái Lan bắt cóc cùng với đứa cháu gái 11 tháng tuổi của họ.
Trong khi người cha “chỉ còn biết khóc” thì người mẹ “gần như cũng muốn chết theo nó được.”
Sau 10 năm định cư tại Mỹ, cuộc sống bắt đầu ổn định, cũng là lúc sự thôi thúc phải đi tìm đứa con bị bắt cóc năm xưa trỗi dậy mạnh mẽ trong lòng người cha này.
Tuy nhiên, dù mang nặng niềm tin rằng con trai mình còn sống do “người ta muốn xin mang về nuôi mà mình không cho nên họ bắt mang đi” nhưng chuyến đi tìm con lần thứ nhất vào năm 1993 và lần thứ hai năm 1997 của ông Việt ở Thái Lan đều không tìm ra một manh mối nào. Những tưởng phải bỏ cuộc, vì ông Việt thực sự không biết phải bắt đầu từ đâu, thì gần 15 năm sau, một bài báo được đăng trên nhật báo Người Việt nhân ngày Lễ Thanksgiving 2011 mang tên “Vượt biên, bị cướp biển, thất lạc: Cha và con đoàn tụ” lại làm bừng lên trong vợ chồng ông Việt niềm hy vọng.
Sau khi đọc bài viết trên về hành trình ông Trương Văn Hào ở Rochester, New York, đi tìm được người con trai tại một tỉnh xa xôi của Thái Lan sau 34 năm thất lạc, ông Việt liên lạc và được ông Hào đưa trở lại Thái Lan, bắt đầu hành trình tìm kiếm mới.
Dù không phải lần đầu gặp lại con sau 32 năm bị mất tích, nhưng bà Kim Lê vẫn hồi hộp chờ đợi giây phút được nhìn thấy con tại Hoa Kỳ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
|
Thế nhưng, một lần nữa, sau 16 ngày lặn lội ở Thái Lan, qua nhiều tỉnh, nhiều làng, với sự giúp đỡ của ông Hào, ông Việt vẫn không có được một chút tin tức nào. Ông quyết định trở về Kiên Giang thăm người mẹ đang bệnh nặng, trước khi quay trở về Mỹ.
Trong thời gian này, người nhà của ông Việt ở Việt Nam tình cờ nhìn thấy trên TV một người thanh niên tên Buff xuất hiện trong chương trình “Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly” giống ông Việt như tạc!
Điều lạ lùng là người thanh niên ấy cũng đang trong quá trình đi tìm kiếm cội nguồn Việt Nam của mình.
Ông Việt nhớ lại, “Khi vừa nhìn thấy hình ảnh người con trai tên Buff đó trên TV, tôi xác nhận ngay rằng đó chính là con tôi, vì gương mặt nó giống tôi dữ lắm. Tôi không thể tin tưởng được là tại sao lại có người giống tôi một cách kỳ lạ như vậy. Nên tôi cảm giác rằng nó là con mình liền. Tôi nhìn hình ảnh nó bước từ trong ra và kêu lên trong đầu trời ơi sao anh chàng này giống tôi lạ kỳ.”
Bà Kim Lê lúc đó đang ở Mỹ, nghe chồng gọi điện thoại báo tin, bà cũng mở Youtube có chương trình đó lên xem.
“Vừa mới nhìn thấy nó tôi nhận ra liền. Cảm thấy rợn người hết trơn, nhận ra được liền vì nó giống ổng quá! Tôi mừng lắm. Coi như suốt ngày đó không làm gì được hết. Mừng khóc luôn.” Bà Kim kể.
Nhưng để chắc chắn đến 100% rằng đó là con mình, ông Việt vẫn quyết định sang Thái Lan tìm gặp người thanh niên tên Buff để thử DNA.
Lúc bác sĩ báo cho biết kết quả thử DNA của ông và Buff hoàn toàn khớp với nhau, người cha này cùng những người có mặt chứng kiến khi đó “đều nhảy lên muốn đụng trần nhà luôn” vì “Mừng quá mà!” như ông Việt nói.
Ngày 19 Tháng Bảy, 2012, tại quê nhà ở Giồng Riềng, Kiên Giang, không chỉ gia đình ông bà Việt-Kim mà “cả làng” đều đổ xô đến để mừng cuộc hội ngộ đầu tiên của họ ngay tại nơi từ đó họ bước chân đi vượt biên.
Hội ngộ tại Hoa Kỳ
Ngày xuống tàu vượt biên, gia đình ông Việt có tổng cộng 6 người, trong đó 5 người đã đặt chân đến mảnh đất tự do từ năm 1983. Riêng đứa con út Ngô Văn Đảm, tức Buff, mãi 32 năm sau mới có thể hội ngộ cùng cha mẹ và anh chị, cùng một đứa em gái ra đời sau ngày anh bị bắt cóc, tại đích đến cuối cùng.
Dù rằng đây không phải là lần đầu tiên họ gặp nhau kể từ lúc tìm gặp được nhau, nhưng sự bồn chồn, háo hức chờ đón đứa con nơi gia định chọn làm quê hương từ hơn 30 năm qua vẫn thể hiện rõ trên nét mặt của người cha, người mẹ, người anh, người em.
Anh Đoàn Ngô, người anh trai lớn của Đảm, cùng đi trong chuyến tàu vượt biên năm xưa, nói, “Tôi rất vui vì không bao giờ ngờ có ngày hôm nay, dù đây là lần gặp thứ hai chứ không phải lần đầu, nhưng vẫn thấy rất là vui vì trong lòng mong chờ biết bao lâu, ba mươi mấy năm rồi.”
Ông Tăng Bảo Can (giữa): “Hôm nay, đi đón con của bạn mà tôi cũng ngỡ như gặp được con của mình. Anh Việt cho tôi niềm vui, niềm hy vọng là tôi cũng sẽ tìm được con của mình.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
|
Có mặt trong những người ra đón Đảm là ông Tăng Bảo Can, một người cha cũng có đứa con gái bị bắt cóc trên đường vượt biên từ hơn 30 năm trước.
Ông Can tâm sự, “Tôi đến phi trường để chia sẻ niềm vui với anh Việt. Niềm vui của gia đình anh Việt khiến tôi nghĩ rằng cũng sẽ sắp có niềm vui cho tôi. Tôi đã đi tìm con gái tôi gần 33 năm rồi. Hôm nay, đi đón con của bạn mà tôi cũng ngỡ như gặp được con của mình. Anh Việt cho tôi niềm vui, niềm hy vọng là tôi cũng sẽ tìm được con của mình.”
Trong tâm tình của một người cha đang dạt dào niềm hạnh phúc, ông Việt nói, “Niềm vui của tôi không chấm dứt sau khi tìm được con trai mình, mà tôi muốn niềm vui của mình được gửi đến mọi người để cho tất cả có thêm niềm hy vọng sẽ tìm được con em của mình. Chúng tôi muốn mang những kinh nghiệm và khả năng mà mình đã có được trong quá trình đi tìm con để giúp lại cho những người đi sau được dễ dàng hơn chúng tôi. Quý vị nào có con cái bị thất lạc cứ liên lạc với tôi, tôi xin được giúp đỡ bằng những kinh nghiệm mà mình đã có.”
Từ trong phi trường bước ra, Đảm, đứa bé bị tước khỏi vòng tay cha mẹ từ ngày còn ẵm ngữa, nay đã là một người đàn ông đĩnh đạc, cười thật tươi trong vòng tay của cha mẹ, anh em.
Một điều thật lạ, Đảm lại là đứa con giống cha nhất trong số các anh em trai của mình.
Dù bất đồng ngôn ngữ, dù chỉ có thể nói với nhau được ít câu tiếng Anh, “Em mệt không?” “Em vui không?” “Anh sẽ mua cà phê cho em” nhưng giữa anh em họ dường như không có bất kỳ khoảng cách nào của sự yêu thương.
Nhìn sự sum họp của họ, những người còn đang trông mong tin tức con cái mình bị thất lạc trên hành trình vượt biển từ mấy mươi năm qua lại cảm thấy có chút gì như an ủi, và hy vọng, một ngày nào đó, mình cũng có những khoảnh khắc đoàn tụ như thế.