Henry Matisse được nhiều nhà phê bình nghệ thuật coi là nhà danh họa quan trọng bậc nhất thuộc thế kỷ 20 của nước Pháp. Ngoài biệt tài về Hội Họa, Henry Matisse còn xuất sắc về các ngành điêu khắc, minh họa (illustration), đồ họa (graphics) và thiết kế phong cảnh (scenic design). Vào khoảng năm 1900, Henri Matisse là người dẫn đầu phong trào Hội Họa Dã Thú (Fauvism) với đặc điểm về cách diễn cảm rất khác lạ về màu sắc, rất linh hoạt về đường nét. Tác phẩm nghệ thuật sau cùng của Henri Matisse khi ông đã ngoài 80 tuổi là toàn bộ cảnh trang trí ngôi Giáo Đường Rosaire dành cho các nữ tu Dominican, tại thị trấn Vence gần thành phố Nice thuộc miền nam nước Pháp.
1. Bước vào Hội Họa
Henri Matisse là con của một gia đình buôn ngũ cốc với người cha, ông Emile Matisse, có ý định huấn luyện cho cậu con trai đảm nhiệm cơ sở thương mại sẵn có, và cậu Henri cho tới tuổi 20 vẫn chưa biết yêu thích nghệ thuật Hội Họa. Henri Matisse sinh ngày 31-12-1869 tại Le Cateau – Cambrésis, thuộc miền đông bắc của nước Pháp. Cậu Henri này không phải là một thần đồng về Hội Họa như Pablo Picasso. Cậu theo học bậc trung học từ năm 13 tới 18 tuổi tại Saint Quentin rồi sau đó, theo học Luật hai năm tại thành phố Paris.
Năm 1889, Henri trở lại Saint Quentin làm thư ký cho một văn phòng luật sư. Vào thời gian này Henri theo học một lớp hội họa buổi sáng tại trường Quentin-Latour rồi vào năm 1890, do mắc bệnh ruột dư, Henri phải nằm dưỡng bệnh trên giường. Để giúp cho cậu con trai tiêu khiển, bà mẹ Héloise đã cho cậu Henri một hộp bút màu và cậu bắt đầu vẽ, trước tiên bắt chước các phiên bản in trong hộp màu và đã cảm thấy chính mình say mê hội họa. Henri Matisse đã thực hành môn hội họa bằng cách trang trí ngôi nhà của ông bà nội tại Le Cateau rồi vào đầu năm 1891, đã từ bỏ ngành Luật Pháp, trở về Paris để theo các lớp học của ông Adolphe William Bouguereau tại Hàn Lâm Viện Julian, với hy vọng có thể dự thi vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật (Ecole des Beaux Arts). Nhưng Henri đã không đậu trong kỳ thi tuyển nên sau đó, đã theo học trường Nghệ Thuật Trang Trí (Ecole des Arts Décoratifs) và tại nơi này, đã quen thân với Albert Marquet.
Tháng 3 năm 1895, cả hai chàng Albert và Henri đều được tuyển vào Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật và theo học họa sĩ biểu tượng Gustave Moreau (symbolist painter). Họa sĩ Moreau là một ông thầy có lòng dung thứ, đã không bắt buộc các môn đệ phải theo lối vẽ của ông mà để họ phát triển các cá tính riêng cũng như học hỏi từ kho tàng nghệ thuật của Viện Bảo Tàng Louvre. Vào thời gian này, thành phố Paris đã quen thuộc với các phong trào hội họa như các trường phái Ấn Tượng, Hậu Ấn Tượng, với các nhà danh họa đại biểu như Paul Cézanne, Paul Gauguin và Vincent Van Gogh.
Năm 1896, Henri Matisse đã trưng bày bốn họa phẩm trong cuộc triển lãm của Hội Quốc Gia Nghệ Thuật (Salon de la Société Nationale des Beaux-Arts) và đã thành công rực rỡ, với tác phẩm hội họa “Người đàn bà đang đọc sách” (Woman Reading, 1894) được chính phủ Pháp mua và Henri Matisse được mời làm họa viên của Phòng Triển Lãm. Kể từ lúc này, Henri Matisse cảm thấy vững tâm trên con đường sáng tạo. Henri Matisse cùng với một người bạn là Emile Wéry tới thăm miền Brittany và gặp họa sĩ lão thành thuộc trường phái Ấn Tượng là Camille Pissaro, rồi về sau, lại có cơ hội nghiên cứu các họa phẩm ấn tượng thuộc bộ sưu tập Gustave Caillebotte, mới được tặng cho nước Pháp, mặc dù các phản đối lúc đó của những người bảo thủ.
Henri Matisse tiếp tục học hỏi về hội họa tại xưởng vẽ của ông Moreau tới năm 1899, khi ông Moreau qua đời, thay thế bởi Giáo Sư Fernand Cormon, một bậc thầy khó tính khiến cho Henri phải xin nghỉ khỏi trường Cao Đẳng Mỹ Thuật nhưng vẫn theo học với họa sĩ chân dung Eugène Carrière. Do việc làm quen với trường phái Ấn Tượng, Henri Matisse cảm thấy ưa thích các màu sắc cầu vồng và bắt đầu tìm kiếm các màu sắc thuần chất (pure colors). Sự việc này biểu lộ trong họa phẩm “Chiếc bàn ăn” (Dinner Table, 1897) qua đó Henri Matisse đã phối hợp vẻ sáng dạ quang của Renoir với các màu đỏ sẫm và màu lục theo cách bố cục cổ điển.
Năm 1898, Henri Matisse kết hôn với nàng Amélie Parayre, người gốc miền Toulouse rồi theo lời khuyên của Pissaro, Matisse đã cùng vợ qua thăm thành phố London trong tuần trăng mật và nghiên cứu các họa phẩm của J.M.W. Turner. Sau khi trở lại Paris, ông dọn nhà về đảo Corsica, sống tại tỉnh Ajaccio trong mùa xuân và mùa hè. Trong thời gian cư ngụ tại miền nam nước Pháp này, Henri Matisse bắt đầu vẽ một số tranh phong cảnh, tĩnh vật, chân dung, phần lớn thuộc khổ nhỏ. Ánh sáng chan hòa của miền Địa Trung Hải đã làm cho họa sĩ Matisse phải tìm hiểu về các màu sắc, rồi bắt đầu thí nghiệm với phương pháp diễn tả ấn tượng và chấm điểm (pointillism).
2. Đường lối hiện thực và trang trí
Vào năm 1898, sau khi Georges Seurat qua đời, Paul Signac là lý thuyết gia và người dẫn đầu của phong trào hội họa Tân-Ấn Tượng hay Chấm Điểm (Pointillists). Do được đọc bài viết ” Từ Eugène Delacroix tới Tân Ấn Tượng” của Paul Signac đăng trong tạp chí văn chương La Revue Blanche, qua đó Signac đã đề cập tới cách phân tích các màu sắc và bàn tới việc biến đổi các loại ánh sáng màu, Henri Matisse bắt đầu dùng các chấm màu pha trộn, đặt sát cạnh nhau, để tạo nên cảm giác trong con mắt của người ngắm tranh. Henri Matisse đã mua từ nhà buôn tranh nổi tiếng Ambroise Vollard họa phẩm “Ba người tắm” (the Three Bathers) của Paul Cézanne, họa phẩm “Đầu của một cậu trai” (Boy’s Head) do Paul Gauguin và một họa phẩm của Vincent Van Gogh.
Cùng với Albert Marquet, Henri Matisse đã chú tâm tới loại màu thuần chất và cố gắng tìm cách phát triển một phương pháp mới, mang tính cải cách, dùng màu sắc theo cấu trúc (structural) hơn là mô tả. Henri Matisse bắt đầu vẽ phong cảnh bên ngoài của khu vườn Luxembourg tại Paris, của khu ngoại ô Arcueil và cũng vẽ từ khung cửa sổ của căn phòng thuê, số 19 Quai Saint Michel, nhìn xuống giòng sông Seine. Các họa phẩm của Henri Matisse vào thời kỳ này đã mang đặc tính táo bạo, khác thường, dùng tới các tảng màu bằng phẳng, thuần chất, nên đã làm bất mãn các nhà phê bình nghệ thuật người Pháp.
Cuộc mưu sinh tại thành phố Paris của Henri Matisse gặp khó khăn mặc dù bà vợ Amélie đã mở một cửa hàng làm mũ nón và các con được gửi về cho ông bà nội nuôi dạy. Vào lúc này, Matisse cùng với Marquet lãnh công việc trang trí Đại Lâu Đài (Grand Palais) của thành phố Paris, dùng vào dịp Triển Lãm Quốc Tế năm 1900. Năm 1901, Henri Matisse gửi họa phẩm tham dự Phòng Triển Lãm của các họa sĩ tự do (Salon des Indépendants), một tổ chức được thành lập năm 1884 do các họa sĩ không được các ban giám khảo nghệ thuật chính thức chấp nhận. Họa phẩm của các họa sĩ tự do này được trưng bày tại Phòng Trưng Bày Berthe Weill năm 1902 rồi vào năm sau, các họa sĩ tốt nghiệp từ xưởng vẽ của ông Moreau và Hàn Lâm Viện Carrière đã hợp tác với nhau, thành lập nên “Phòng Triển Lãm Mùa Thu” (Salon d’Automne). Ngoài việc tham dự vào Phòng Triển Lãm này, Henri Matisse còn tổ chức một lần ra mắt riêng các họa phẩm tại phòng tranh của Ambroise Vollard vào năm 1904.
Vào mùa hè năm 1905, Henri Matisse sống tại Collioure, một làng đánh cá bên bờ Địa Trung Hải, và làm việc cùng với các họa sĩ André Derain và Maurice de Vlaminck. Thời gian sáng tác tại miền biển này đã là một khúc rẽ quan trọng trong cuộc đời nghệ thuật của Henri Matisse. Cũng vào năm này, Matisse đã cùng với Derain, Vlaminck và Marquet trưng bày các họa phẩm tại Phòng Triển Lãm Mùa Thu và ngay sau đó là một trận bão công luận, phản kháng cách diễn tả mỹ thuật quá cấp tiến của các nhà họa sĩ tiền phong kể trên. Matisse đã là mục tiêu chính của trận chỉ trích. Đại diện cho cách tự do diễn tả hội họa này là hai họa phẩm của Henri Matisse: bức “Bên trong nhà tại Collioure” (Interior at Collioure, 1905) và bức “Người đàn bà với chiếc mũ” (Woman with the Hat, 1905) và đây là một chân dung của bà vợ Amélie thực hiện tại Paris vào tháng 9. Họa phẩm sau này vẽ người đàn bà mặc loại áo dạ hội đắt tiền, đầu đội một chiếc mũ rực rỡ với khuôn mặt nghiêng ba phần tư hướng về người ngắm tranh. Điều khác lạ ở đây là các hình thể quy ước đã được thay thế bằng các tảng màu lòe loẹt và khuôn mặt của người mẫu đã bị lấn át bởi các màu sắc phát nổ (explosive colors) của cái mũ và chiếc áo dạ hội.
Trong họa phẩm “Đường màu lục” (the Green Line), Henri Matisse đã vẽ chân dung của người vợ, với màu sắc còn dữ dội hơn nhưng ảnh hưởng của toàn thể bức họa lại bình lặng. Đối với Henri Matisse, các đường nét xử dụng vừa nhịp nhàng, vừa có tính trang trí, là các dấu hiệu phân chia bức họa thành các miền màu sắc bổ túc lẫn nhau và “một hình ảnh” là một cấu trúc về màu sắc. Cách thử nghiệm các màu sắc cường bạo (violent colors), cách dùng màu sắc không biết kiềm chế của Henri Matisse và vài họa sĩ bạn đã bị nhà phê bình Louis Vaucelles gọi nhóm này là “nhóm Dã Thú” (les fauves) và từ đó có danh từ Trường Phái Dã Thú (Fauvism) mà Henri Matisse đương nhiên được coi là người dẫn đầu.
Lần “tai tiếng” thành công kể trên đã cứu vãn hoàn cảnh kinh tế của họa sĩ Matisse. Các họa phẩm của ông được bán ra với giá cao hơn trước và gia đình Stein tại Paris, gồm Leo, Gertrude, Michael và về sau là Sarah, đã trở nên những nhà sưu tập, mua tranh của Henri Matisse. Gertrude và Leo Stein là những người rất coi trọng nền hội họa tiền phong và các họa sĩ có tương lai hứa hẹn gồm Pablo Picasso và Henri Matisse. Hai nhà nghệ sĩ này thường kính trọng nhau và trao đổi với nhau những quan điểm về đường hướng hội họa. Trong cuốn sách “Liên quan tới Tinh Thần trong Nghệ Thuật” (Concerning the Spiritual in Art, 1912), Wassily Kadinsky đã đề cập tới một lý thuyết về nghệ thuật trừu tượng và đã dùng Pablo Picasso và Henri Matisse làm hai thí dụ tương phản: “Matisse – màu sắc, Picasso – hình thể. Cả hai đường lối đi tới cùng mục tiêu lớn lao” (Matisse – color, Picasso – form. Two approaches to one great goal). Các họa phẩm thuộc cả hai đường hướng này đã được Leo Stein thu mua rồi gửi cho Albert Barnes, treo trong phòng triển lãm tại Merion, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ.
Năm 1905, Henri Matisse bắt đầu sáng tác họa phẩm “Vui Sống” (La Joie de Vivre) mang mức độ cao về sự trong sáng và hài hòa. Các màu sắc mạnh – màu lục, cam, tím, xanh, hồng và vàng – đã chiếm chỗ của cây cối, phong cảnh và hình ảnh của con người, và các hình ảnh này vừa mang tính biểu tượng (symbolic), vừa có tính trang trí (ornemental) trong một khung cảnh đồng quê truyền thống, mô tả một thời kỳ mà con người và thiên nhiên là một.
Tháng 5 năm 1906, Henri Matisse viếng thăm ốc đảo Biskra của xứ Algeria và khi trở lại Collioure, mới vẽ ra họa phẩm “Khỏa thân màu xanh” (Blue Nude -1906), phụ đề là “Kỷ niệm của Biskra”, trong đó thân hình người mẫu nằm nghiêng, nặng nề, còn hình ảnh các cây gồi ở phía sau là dấu hiệu chỉ rõ về địa điểm. Cuộc thăm viếng vài xứ Bắc Phi đã khiến cho Henri Matisse chú ý tới nền nghệ thuật của Hồi Giáo, nhất là sau cuộc Đại Triển Lãm năm 1900 với các gian hàng của Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, Marốc, Tunisia, Algeria và Ai Cập. Từ thời gian này, Henri Matisse đã dùng tới kiểu đường nét uốn lượn ả rập (arabesque line), loại màu sắc thuần chất áp dụng vào các mặt phẳng dẹp, để đạt tới sự rực rỡ tối đa mà chỉ dùng năng lực tối thiểu. Henri Matisse đã tìm kiếm sự cân bằng về màu sắc (chromatic equilibrium) và cách tiết kiệm về đường nét (linear economy) trong một loạt các tác phẩm chính sáng tác từ năm 1905 tới cuối thời kỳ Thế Chiến Thứ Nhất, chẳng hạn như các họa phẩm “Vui Sống” (1906), “Sa Mạc – sự Hài Hòa về Màu Đỏ” (the Dessert, a Harmony in Red, 1908), “Phòng Vẽ màu đỏ” (the Red Studio, 1911), “Cá Vàng” (Goldfish, 1915), “Bài học Dương Cầm” (Piano Lesson, 1916) và “Montalban, phong cảnh rộng lớn” (Montalban, Large Landscape, 1918).
Trường phái Hội Họa Dã Thú (Fauvism) sau khi được Henri Matisse khởi đầu, đã suy tàn vào năm 1907 và kể từ năm này, Henri Matisse không thuộc về một đường lối sáng tác nào. Matisse tin tưởng rằng một nghệ sĩ không nên để cho chính mình trở thành tù nhân của một thể mẫu (style) hay một danh tiếng, cho nên các tác phẩm của Henri Matisse đã trình bày sự đa dạng, bao gồm các thể mẫu mô tả từ khắc khổ tới sa đọa, từ cách trình bày theo hình học tới thuần trang trí. Các họa phẩm của Henri Matisse rất giàu màu sắc, giàu đường nét trang hoàng kỳ mỹ (exotic). Henri Matisse đã cố gắng diễn tả qua các họa phẩm các xúc cảm dạt dào bằng đường nét, bố cục và màu sắc.
Sau khi lập gia đình vào năm 1898, Henri Matisse có khi cư ngụ tại ngoại ô thành phố Paris, có khi trong xưởng vẽ tại Nice, thuộc miền Riviera. Các họa phẩm đặc sắc của Matisse đã khiến cho Sarah, Stein và hai họa sĩ người Đức Hans Purrmann và Oskar Moll kính trọng, khuyên nhà danh họa nên lập ra một trường dạy hội họa. Vì vậy từ năm 1907 tới 1909, Henri Matisse có một số môn đệ, có khi đông tới 60 người nhưng công việc giảng dạy đã khiến cho nhà danh họa sao lãng việc sáng tác và cuối cùng, ngôi trường nghệ thuật nhỏ bị đóng cửa. Henri Matisse đã nói: “Tôi tự hỏi muốn mình là một Giáo Sư hay một Họa Sĩ và vì vậy tôi đã đóng cửa lớp dạy”.
Từ năm 1909, Henri Matisse đã đạt được danh vọng về Hội Họa và trở nên giàu có. Ông đã rời khỏi căn nhà thuê trên đường Quai Saint-Michel và mua một ngôi nhà tại Issy-les-Moulineaux, một nơi mà nhiều họa phẩm lớn được ông sáng tác. Tại cuộc triển lãm mùa thu năm 1908, nhà sưu tập hội họa người Nga là Sergei Schchukin đã đặt mua một họa phẩm của Henri Matisse có tên là “Hài Hòa trong Màu Xanh” (Harmony in Blue) nhưng đến khi nhận bức họa vào năm sau, 1909, bức tranh đã biến thành “Hài Hòa trong Màu Đỏ”. Henri Matisse đã sửa lại tác phẩm này vì cho rằng màu xanh không đủ tính trừu tượng, và đã dùng màu đỏ cho cả bức tường lẫn chiếc khăn trải bàn, để làm bằng phẳng các mặt phẳng và các chiều không gian. Henri Matisse đã dùng tới một cảnh nhìn ra bên ngoài qua cửa sổ và đây là một tượng ý (motif) ưa thích của tác giả, với cả cửa sổ lẫn khung cảnh trong tranh đều đóng khung trong một loại hình chữ nhật, bên trong là thể trang trí với hoa lá, trái cây, bình nước… với người hầu gái đang bận rộn bày bàn.
Cũng vào năm 1909, Schchukin đã mua của Henri Matisse hai tác phẩm cỡ lớn: “Nhẩy Múa” (La Danse, khổ 2.60 x 3.9 mét) và “Âm Nhạc” (La Musique – khổ 2.6 x 4 mét). Hai họa phẩm này đều mang các phẩm chất khác lạ về màu sắc: màu đỏ trái nghịch với màu hồng, màu cực xanh nước biển (ultramarine) đối chọi với màu xanh da trời, màu ngọc thạch (emerald green) tương phản với màu lục Veronese, và trong tác phẩm “Nhẩy Múa”, các nhân vật đã cầm tay nhau, tạo nên một đường cong uyển chuyển, xoay theo chiều kim đồng hồ và hình thể biến dạng của các người nhẩy múa trong tranh đã diễn tả năng lực, nét nhịp nhàng và vẻ hài hòa của động tác nhẩy.
Trong họa phẩm “Âm Nhạc”, các yếu tố diễn tả đã được trình bày bằng 5 hình thể con người màu đỏ, ngồi trên ngọn đồi màu lục với bàu trời xanh. Các nhân vật không nối với nhau như trong tác phẩm “Nhẩy Múa” mà rời rạc, cô đơn, xếp đặt thành hàng như thể 5 nốt nhạc. Henri Matisse đã chú tâm tới nghệ thuật về bố cục, bằng cách đặt các nhân vật vào đúng chỗ, theo tỉ lệ, để đóng các vai trò thích hợp, dù là chính yếu hay thứ yếu, không có chi tiết nào làm hại toàn cảnh và toàn thể bức họa phải mang bên trong sự hài hòa cần thiết.
Cùng với họa sĩ Purrmann, Henri Matisse đã thăm viếng Munich và nhất là Berlin vào năm 1908, đã thấy nhiều họa phẩm ấn tượng của các họa sĩ Đức. Rồi các chuyến du lịch của ông qua các nước Ý, Tây Ban Nha, Marốc, các xứ Corsica và Tahiti, đã thêm vào trong ngôn ngữ hội họa những hình ảnh mới, các cách diễn tả khác trước. Sau đó, qua họa phẩm “Người đàn bà Algerie” (the Algerian Woman -1909), Henri Matisse đã cân nhắc về các hình thể tương phản, dùng tới loại đường viền sắc và rõ, với đề tài đặt trên nền chói lọi và cách diễn tả mạnh bạo hơn.
Mùa đông năm 1910, Henri Matisse tới Seville nước Tây Ban Nha và trong căn phòng của khách sạn, ông đã sáng tác họa phẩm “Tĩnh vật Tây Ban Nha” (Spanish Still Life -1911) với đặc điểm là phép trang trí trừu tượng được đặt nặng hơn cách mô tả thực tế ba chiều. Các hình ảnh hiện thực trong các họa phẩm của Henri Matisse đã bị thay thế bởi nhiều biểu hiện trừu tượng và đặc biệt quan trọng trong một số họa phẩm của Henri Matisse là việc mô tả các tấm thảm (carpet) với đường nét trang trí khác lạ, màu sắc kỳ ảo. Thời kỳ sinh sống tại Marốc vào các mùa đông năm 1911 và 1912 đã xuất hiện các họa phẩm “Phong Cảnh Morocco” (Moroccan Landscape), “Miếng Vườn Moroccan” (Moroccan Garden), và “Lá Gồi” (the Palm Leaf -Tangier) và 3 họa phẩm này đã tượng trưng cho sự biến dạng (transfiguration) trong tinh thần tôn giáo. Lần lưu ngụ thứ hai tại xứ Marốc vào năm 1912-13 là lúc ra đời họa phẩm “Tĩnh Vật với các trái cam” (Still Life with oranges). Cam là loại trái cây thường thấy xuất hiện trong các tác phẩm hội họa của Henri Matisse, loại quả vật với màu sắc chói chan.
Ngày 03 tháng 8 năm 1914 bùng nổ Thế Chiến Thứ Nhất. Căn nhà của Henri Matisse tại Paris đã bị tàn phá. Người em trai của ông bị quân lính Đức bắt đi và Henri Matisse không được tin tức gì của bà mẹ. Hậu quả của chiến tranh đã làm cho đường hướng sáng tạo của Henri Matisse thiên về việc đơn giản, nhà danh họa đã dùng tới các hình thể căn bản như các hình vuông, chữ nhật, hình tròn, bầu dục và cách đơn giản hóa hình thể này đã ở mức tối đa trong họa phẩm “Cảnh nhìn nhà thờ Notre Dame” (View of Notre Dame, 1914).
3. Thời kỳ sáng tác tại Nice
Năm 1916, theo lời khuyên của bác sĩ về cách chữa trị bệnh sưng phổi, Henri Matisse phải tới miền Côte d’Azur để tĩnh dưỡng và đã cư ngụ tại Nice. Vào giai đoạn này, Thế Chiến Thứ Nhất còn đang tiếp diễn, máu vẫn đổ, người dân châu Âu vẫn sống trong cảnh tàn phá nhưng các họa sĩ lại đi tìm kiếm các đường hướng sáng tạo mới. Picasso quay về thể cổ điển (classicism), Derain hướng về sắc thái trật tự (a mood of order), Gino Severini quay về với truyền thống (tradition), các nghệ sĩ tại Đức, Nga, Hòa Lan đang phân vân trước hai miền kỹ thuật và nghệ thuật với các bộ môn như Hội Họa, Kiến Trúc, Nhiếp Ảnh, Điện Ảnh, Ấn Loát với Quảng Cáo, và Chỉnh Trang Đô Thị. Các nghệ thuật mới mang các dạng hình học. Thế hệ các nghệ sĩ trẻ đang trưởng thành. Vào giai đoạn này, Henri Matisse thí nghiệm và tìm cách khám phá ra loại hài hòa mới (harmony), thiết lập nên lối diễn tả vừa trong sáng, vừa đơn giản. Với chủ trương dùng lối trừu tượng của màu sắc phối hợp với các hình thể (forms) phong phú, ấm áp và rộng rãi… Henri Matisse đã kết hợp tất cả qua hình ảnh của cung nữ Odalisque.
Trong nhiều năm, Laurette, một phụ nữ Ý, là người mẫu ưa thích của Henri Matisse và nhà danh họa đã vẽ từ người mẫu này các họa phẩm như chân dung, họa khỏa thân và vẽ nghiên cứu toàn thân. Bức họa “Laurette với tách cà phê” (Laurette with a Coffee Cup -1917) mô tả vị thế người nằm nghiêng theo chiều ngang, hình ảnh đề tài với những đường nét nhẹ nhàng, trôi chảy, với bóng tối (shades) chuyển từ sám nhạt tới lục đậm. Qua họa phẩm, đề tài có đôi mắt mở rộng nhưng không nhìn vào họa sĩ, không nhìn vào người ngắm tranh mà có vẻ như mơ mộng. Trong 2 năm 1916-17, Henri Matisse sống tại khách sạn Beaurivage tại Nice, tìm cách thu ngắn khoảng cách giữa ấn tượng ngắn hạn (brief impression) và ấn tượng kéo dài (lasting impressison).
Từ cuối tháng 5 sang tháng 9 mỗi năm, Henri Matisse có thói quen trở lại xưởng vẽ tại Issy-les-Moulineaux để sáng tác và qua tác phẩm “Khu vườn tại Issy” (Garden at Issy, 1917-19), Henry Matisse đã dùng cách bố cục trừu tượng phối hợp với các màu nâu nóng và lục để mô tả một hồ nước tròn có cá vàng bơi lơ lửng, và cảnh trí được nhìn từ một khung cửa sổ trên cao. Họa phẩm này cũng diễn tả cảm giác về các diện (sense of planes) đồng thời hàm chứa sự căng thẳng giữa thực tại và trừu tượng.
Khi vẽ phong cảnh hay một thực thể bên ngoài, Henri Matisse ưa thích đặt vào cảnh trí một tác dụng về khoảng cách, phân cách chính mình với đề tài: một lan can, một hàng rào, một căn phòng… Trong khi các họa sĩ ấn tượng vẽ trực tiếp từ thiên nhiên thì Henri Matisse lại đề cao biểu tượng (expression) hơn là ấn tượng, ưa thích trang trí hơn là hiện thực (decoration above realism) và các đại tác phẩm của nhà danh họa thường được vẽ trong xưởng vẽ hay trong căn phòng khách sạn. Họa phẩm “Bên trong phòng với hộp đàn vĩ cầm” (Interior with a Violin Case, 1918/19) được vẽ trong khách sạn Méditerranée với đồ đạc và trang trí mang vẻ sân khấu và qua khung cửa lớn, không gian bên trong phòng được mở ra thiên nhiên bên ngoài.
Henri Matisse luôn luôn tìm kiếm các tác dụng của màu sắc, cố gắng tạo nên sự hòa hợp hai chiều và tập trung vào biểu tượng của đường nét và màu sắc, cũng như tận dụng sức mạnh của cách tương phản giữa trắng và đen.
Vào thập niên 1920, Henri Matisse đã được chính phủ Pháp công nhận là nhà Danh Họa, được trao tặng Bắc Đẩu Bội Tinh và họa phẩm “Cung nữ mặc quần đỏ” (Odalisque in Red Trousers, 1924/25) được bán cho Viện Bảo Tàng Luxembourg. Họa phẩm này đã chứa nhiều đặc điểm diễn tả: lối trang trí đông phương bên trong, vẻ rực rỡ của các bức tường và tấm thảm, y phục và dục tính của thân hình người mẫu với đôi mắt lười biếng, các tay và chân đặt theo các vị thế khác nhau trong thái độ nghỉ ngơi.
4. Vượt qua các giới hạn không gian
Tháng 2 năm 1930, trên đường đi tới Tahiti, Henri Matisse đã ghé qua New York và San Francisco. Nhà danh họa đã bị ám ảnh bởi cảnh vật của miền đất Hoa Kỳ rồi trên đường trở về vào tháng 9 năm đó, ông đã viếng thăm Viện Bảo Tàng tư nhân của ông Albert Barnes tại thị trấn Merion, tiểu bang Pennsylvania. Tổ chức Barnes này đã thu mua và trưng bày nhiều danh tác của Seurat, Cézanne, Renoir và Matisse. Chính tại Merion, nhà danh họa Matisse đã nhận lời trang trí 3 phần vòng cung trên cửa sổ (lunettes) của đại sảnh chính thuộc Viện Bảo Tàng. Khi nghiên cứu việc trang trí, Henri Matisse đã tìm ra cách vượt qua các giới hạn không gian để tạo nên một cảm giác về vô tận không đo lường nổi (measureless infinity).
Khi khảo sát các tranh tường (frescoe) của Giotto tại Padua, nước Ý, Henri Matisse đã sáng tác ra họa phẩm “Vũ Khúc” (the Dance, 1931/33) với họa phong trang trí rồi sau đó, làm các dự án về thảm dệt (tapestry projects) và minh họa các cuốn sách, chẳng hạn cuốn Ulysses của James Joyce. Kể từ năm 1908, Henri Matisse cho phổ biến các bài khảo luận, rồi tới cuối năm 1939, cuốn sách “Các ghi chú của một họa sĩ về vẽ nét” (A Painter’s Notes on Drawing) của ông đã được xuất bản và đối với nhà danh họa Matisse: “một bức vẽ xuất sắc phải giống như một chiếc giỏ đan tại đó bạn không thể lấy đi một cọng đan mà không để lại một lỗ hổng”.
Trong các năm 1935 và 1936, phần lớn các họa phẩm của Henri Matisse là về khỏa thân. Vào năm sau này, nàng Lydia Delektorskaya đã là người mẫu trong bức họa “Khỏa thân màu hồng” (Pink Nude -1935) qua đó đã thể hiện một thứ cảm giác về độ lớn và tay chân của đề tài đã bị cắt bớt bởi cạnh của khung vẽ, mang đặc tính ra ngoài giới hạn không gian. Trong thời kỳ này còn có các hoạ phẩm danh tiếng như “Phu nhân mặc áo xanh” (Lady in Blue, 1937), “Âm Nhạc” (Music, 1939), “Cảnh trong nhà với bình Estrucan” (Interior with Estrucan Vase, 1940), “Tĩnh vật với các con sò” (Still Life with Oysters, 1940).
Từ năm 1941, Henri Matisse trải qua giai đoạn suy yếu về sức khỏe vì bị giải phẫu ung thư, vì mắc bệnh cúm, nhiều tháng phải nằm liệt giường. Chính trong tình trạng thể chất này, nhà danh họa đã minh họa cho các văn phẩm. Ngoài tác phẩm Poésies (Thơ) của Stéphane Mallarmé xuất bản năm 1932 trước kia với 29 tấm hình linh động, Henri Matisse còn biểu lộ tài năng là một nghệ sĩ minh họa, với tác phẩm Pasiphaé (xuất bản năm 1944) của Henri de Montherland, Visages (1946) và Lettres Portuguaises (1946)(Các bức thư Bồ Đào Nha) của Pierre Riverdy, Fleurs du Mal (1947) của Charles Baudelaire, Florilège des Amours (1948) của Pierre de Ronsard, Poèmes (1950) của Charles d’Orleans.
Từ năm 1944, Henri Matisse chuẩn bị cuốn Jazz trong đó trình bày các suy tư về nghệ thuật và đời sống cùng với các bản minh họa màu rực rỡ, dùng một kỹ thuật mà ông gọi là “vẽ bằng kéo” (drawing with scissors), với các tượng ý được cắt ra từ các giấy màu và dán lại với nhau. Từ các cách giải đáp thị kiến (visual), Henri Matisse đã lập ra các nguyên tắc mới, trình bày vào năm 1946 trong tác phẩm hội họa “Polynesia, bầu trời” và “Polynesia, biển cả”, và những kiểu mẫu này được dùng trong kỹ nghệ dệt thảm tại miền Beauvais. Ngoài ra, Henri Matisse còn trang trí sân khấu cho nhà đạo diễn vũ ba-lê nổi danh là Sergei Diaghilev.
Vào các năm cuối đời, Henri Matisse sống xa cách bà vợ và các con đã trưởng thành. Năm 1944, bà Matisse và con gái Marguerite bị mật vụ Đức Gestapo bắt rồi bà Matisse bị giam tại Fresnes trong 6 tháng. Tuy thế trong các năm sau, Henri Matisse vẫn sáng tác ra các họa phẩm với màu sắc đạt cường độ cao nhất như: “Cảnh trong phòng đỏ, tĩnh vật trên chiếc bàn xanh “(Red Interior, Still Life on a Blue Table, 1947), “Cảnh phòng lớn màu đỏ” (Large Red Interior, 1948), “Chiếc màn cửa Ai Cập” (the Egyptian Curtain, 1948). Tất cả các họa phẩm này đều mang các đặc tính về tương phản: trong và ngoài, sáng và tối, phong cảnh và tĩnh vật, đường thẳng và đường cong, khắc khổ và phong phú, và nhà danh họa đã cố gắng đạt tới sự cân bằng tuyệt đối về đường nét và màu sắc.
Sau năm 1950, Henri Matisse gặp nhiều trắc trở về bệnh suyễn và bệnh tim. Người chăm sóc cho nhà danh họa là một người đàn bà trung thành gốc Nga, một trong các người mẫu từ đầu thập niên 1930. Henri Matisse sống trong xưởng vẽ lớn đặt trong khách sạn Regina tại thị trấn Cimiez, nhìn xuống khu vực nghỉ mát Nice và ông vẫn tiếp tục làm các dự án lớn cỡ bức tường, đôi khi ngồi trên giường bệnh, vẽ bằng cây bút chì buộc vào đầu một cây gậy. Những tác phẩm của Henri Matisse vào giai đoạn này lại mang các đặc điểm táo bạo nhất, hoàn chỉnh nhất và cũng lạc quan nhất. Ngoài ra, vào tháng 6 năm 1951, sau 4 năm trời trù liệu và thực hiện, Henri Matisse đã hoàn thành việc trang trí giáo đường Chapelle du Rosaire của các nữ tu giòng Dominican, tọa lạc tại Vence, một thị trấn trên đồi Riviera. Nguyên do của công trình trang trí độc đáo kể trên là để đáp lại ân tình của cô Monique Bourgeois, một y tá tại Nice, đã chăm sóc nhà danh họa trong trận ốm đau thập tử nhất sinh vào năm 1942-43. Năm 1946, khi trở thành Dì Phước Jacques-Marie, cô Monique khi xưa đã hỏi ý kiến nhà danh họa về việc trang trí các cửa sổ kính bằng nhiều màu sắc và Henri Matisse đã đề nghị trang hoàng lại toàn bộ ngôi giáo đường, cả bên trong lẫn bên ngoài, và ngày nay Giáo Đường Rosaire là nơi thu hút chính các du khách tới thăm miền Riviera.
Vào các năm sau, Henri Matisse lại rất bận rộn với công trình nghiên cứu về đường hướng trừu tượng, chẳng hạn với họa phẩm “Zulma” (1950), nhà danh họa đã dùng kỹ thuật cắt giấy màu phối hợp với bột màu (gouache) để sáng tác như loại tranh sơn dầu với cảm giác về phối cảnh vẫn được duy trì. Henri Matisse qua đời vì bệnh tim vào ngày 3-11-1954.
Do các công trình nghệ thuật về Hội Họa, Điêu Khắc, Minh Họa và Thiết Kế, nhà Danh Họa Henri Matisse đã trở nên một trong các nghệ sĩ trung tâm có ảnh hưởng nhất trong tiền bán thế kỷ 20, với các đặc điểm hài hòa về đường nét và cân bằng về sắc độ.
© Phạm Văn Tuấn © www.Vietthuc.org
Le bonheur de vivre (The Joy of Life)
1905-06 (150 Kb); Oil on canvas, 175 x 241 cm (69 1/8 x 94 7/8 in); Barnes Foundation, Merion, PA
Flowers in a Pitcher
1906 (100 Kb); Canvas, 21 1/2 x 18 in; Barnes Foundation
Photograph by Charalambos Amvrosiou
Mme Matisse: Madras Rouge (The Red Madras Headress)
Summer 1907 (120 Kb); Oil on canvas, 99.4 x 80.5 cm (39 1/8 x 31 3/4 in); Barnes Foundation, Merion, PA
Le Rifain assis (Seated Riffian)
Late 1912 or early 1913 (130 Kb); Oil on canvas, 200 x 160 cm (78 3/4 x 63 in), Barnes Foundation, Merion, PA
La leçon de musique (The Music Lesson)
1917 (160 Kb); Oil on canvas, 244.7 x 200.7 cm (96 3/8 x 79 in); Barnes Foundation, Merion, PA
Seated Figure, Tan Room
1918 (110 Kb); 16 x 13 in; Barnes Foundation
Photograph by Charalambos Amvrosiou
Two Figures Reclining in a Landscape
1921 (150 Kb); 15 x 18 3/8 in; Barnes Foundation
Photograph by Charalambos Amvrosiou
Robe violette et Anemones
1937; Purple Robe and Anemones; Cone Collection, Baltimore Museum of Art
La Musique
1939 (180 Kb); Oil on canvas, 115.2 x 115.2 cm (45 3/8 x 45 3/8 in); Albright-Knox Art Gallery, Buffalo, NY
Deux fillettes, fond jaune et rouge (Two Girls in a Yellow and Red Interior)
1947 (160 Kb); Oil on canvas, 61 x 49.8 cm