“Liệu con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn lốc ở Texas?” Đó là chủ đề mà năm 1972, nhà khí tượng học và chuyên gia về lý thuyết hỗn loạn [chaos theory] Edward Norton Lorenz đã giới thiệu trước Hiệp Hội Hoa Kỳ Phát Triển Khoa Học (American Association for the Advancement of Science) trong một bài nói chuyện có tựa đề “Predictability: Does the Flap of a Butterfly’s Wings in Brazil Set off a Tornado in Texas? (Tính dự đoán được: Liệu con bướm đập cách ở Brazil có thể gây ra cơn lốc ở Texas?).
Theo đó một cái đập cánh của con bướm nhỏ bé [dù rất nhỏ trong điều kiện gốc của hệ thống vật lý], có thể đem lại những thay đổi lớn về thời tiết như cơn lốc tại một địa điểm cách nơi con bướm đập cánh cả 7 tới 8 ngàn cây số. Cũng theo Lorenz thì tỉ lệ động năng giữa một cái đập cánh của con bướm với toàn bộ cơn lốc là quá nhỏ, vì thế bên cạnh cái đập cánh của con bướm này thì còn có vô vàn hoạt động khác cũng có động năng đáng kể có thể ảnh hưởng tới sự thay đổi thời tiết…THỜI CUỘC.
Vậy, “hiệu ứng cánh bướm” (Butterfly effect) là một thuật ngữ dùng để mô tả khái niệm trong lý thuyết hỗn loạn [chaos theory] về độ nhạy cảm của hệ thống đối với điều kiện gốc (sensitivity on initial conditions). Vốn được sử dụng ban đầu như một khái niệm khoa học đơn thuần, ‘hiệu ứng cánh bướm” sau đó đã được nhắc đến nhiều lần trong văn hoá đương đại, đặc biệt là trong các tác phẩm có đề cập tới quan hệ nhân quả hoặc nghịch lý thời gian.
Nếu chúng ta áp dụng “hiệu ứng cánh bướm” trong hệ thống quản trị & tổ chức chính quyền, với mục tiêu cải tiến/cải thể chính quyền, cải tiến/cải thể cơ sở hành chính, cải tiến/cải thể cơ sơ kinh tài, tại Việt Nam, tại Mỹ Châu, tại Âu Châu v.v., thì những đòi hỏi chính đáng của khách hàng, những phát biểu bất đồng chính kiến của dân, những tiếng kêu oan của nạn nhân, những tiếng “dao động” lẫn giao cảm của lương tâm bất bình, bất ổn, là những tác động gốc, dù bé nhỏ tới mấy, dù bất bạo động tới mấy lúc ban đầu, cũng có thể tiếp nối khai mở cả một phong trào cải biến lớn trong hệ thống mậu dịch, chính trị, tổ chức chính quyền, với hệ quả thay đổi chính quyền, thay đổi cơ sở quản trị bất xứng, bất công, bất lực.
Mỗi một tiếng nói lương tâm tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền, cho công bằng và bác ái là một tiếng “vỗ cánh của con bướm” [nhân cách hoá] có lương tâm và trách nhiệm, có nghị lực và ý chí, dần dà đưa tới cơn lốc cải tổ. Mỗi một tiếng nói lương tâm tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền, cho công bằng và bác ái, cũng là một trung tâm khởi động [epicenter] tác phong đem hậu quả lay chuyển cơ sở tai ương, giải thể chế độ tai hại.
“Hiệu ứng cánh bướm” sẽ vận chuyển những lời tuyên bố đanh thép của nhà tranh đấu Lê Thị Công Nhân: “Tôi không thấy có sự thay đổi nào về lý tưởng của tôi, để từ đó mà tôi làm nên những việc mà tôi đã đi tù. Tôi không từ bỏ! Tôi không từ bỏ! Tôi không từ bỏ không phải vì tôi ngoan cố, tôi lì lượm, tôi vì sĩ diện. Mà tôi không từ bỏ vì 3 năm tù vừa rồi – một khoảng thời gian cực kỳ khác thường trong cuộc đời của tôi – thì tôi đã nhận ra một điều rằng những gì tôi đã biết, những cái mà làm cho tôi dẫn đến sự xúc cảm mãnh liệt là mình phải đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền…”
“Hiệu ứng cánh bướm” sẽ vận chuyển những lời thành khẩn, trong sáng của một J.A.N [Joyce Anne Nguyen], của một anh thư “blogger” trẻ, tự trọng, với những xác định như sau:
Đừng bảo tôi im vì tôi sống ở Na Uy.
Đừng bảo tôi im vì tôi 16 tuổi.
Đừng bảo tôi im và bảo tôi chưa đủ trải nghiệm.
Đừng bảo tôi im và bảo tôi thiếu hiểu biết.
Đừng bảo tôi im và kết tội tôi chỉ copy và paste.
Đừng bảo tôi im vì bạn im.
“Hiệu ứng cánh bướm” sẽ vận chuyển lời “Đả đảo Cộng Sản” của Linh mục Nguyễn Văn Lý khi bị Toà Án Phi Pháp CSVN tại Huế xử 8 năm tù ở và 5 năm quản chế, dù đã nhiều lần bị công an bóp cổ, bịt miệng…với các tội danh mơ hồ “phá hoại chính sách đoàn kết” (Điều 87 BLHS), “tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCNVN” (Điều 88 BLHS) và “không chấp hành án” (Điều 304 BLHS).
“Hiệu ứng cánh bướm” sẽ vận chuyển những lời cương quyết của Huỳnh Thục Vy: “Như tôi luôn nói, không ai muốn phải trả giá, hy sinh. Nhưng cuộc đấu tranh cho tự do này đòi hỏi ở những người đấu tranh bản lĩnh và trách nhiệm. Đây là một cuộc đấu tranh cam go với chế độ độc tài để mở sinh lộ cho đất nước, hy sinh là điều không tránh khỏi. Và khi chúng ta càng nỗ lực vượt thắng mình, hy vọng vượt thắng chế độ càng gần, càng lớn. Đó là những điều tôi muốn chia sẻ với mọi người mà cũng là nói với chính mình.” [Huỳnh Thục Vy, Việt thức, “Danh Dự và Trách Nhiệm”, July 20, 2013.]
“Hiệu ứng cánh bướm” sẽ vận chuyển những lời uất hận của trăm, ngàn dân oan mất nhà mất đất, như dân oan Rạch Giá, dân oan Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, dân oan Công giáo Thái Hà, dân oan Phật giáo Hoà Hảo Miền Tây, những vụ giáo nạn Phật giáo Bát Nhã, Giáo xứ Tam Tòa…khi Chế Độ Cộng Sản Việt Nam và lũ Tài Phiệt Ma-phi-a Đỏ ra tay cướp đoạt nhà cửa, đất đai của dân, cướp đất thờ phụng của Giáo hội, của tín đồ.
“Hiệu ứng cánh bướm” sẽ vận chuyển lời than oán của những nô lệ lao động, của những kẻ bần cùng chạy theo các chương trình “xóa đói giảm nghèo”, “đẩy mạnh xuất khẩu lao động”, khi phải trả giá cắt cổ qua “hệ thống các Ngân hàng Nhà nước tài trợ có giá biểu cụ thể theo từng lộ trình: Đi Anh bằng đường bộ phải trả 15 000$US . Đường hàng không là 20 000$US, mượn ngân hàng 15 000 $US phải trả tiền lời ngay sau khi lấy tiền 5,3 $US mỗi ngày.”
“Hiệu ứng cánh bướm” sẽ vận chuyển lời than vãn não nùng của nhóm người “xuất khẩu lao động” bị lừa đảo, bị bỏ rơi tại những điểm hẹn lao công bất trắc, thiếu thốn mọi phương tiện sống như tại khu rừng Tétéghem lạnh lẽo, thuộc Tỉnh Calais, bên Pháp, để đợi ngày “chui xe” sang Anh Quốc trồng lậu cần sa…trước khi vào tù xứ lạ.
“Hiệu ứng cánh bướm” cũng sẽ vận chuyển lời lẽ líu ngọng của những người Việt Tỵ nạn cần cù làm ăn nơi đất tạm dung, để ngơ ngác thấy căn nhà thế chấp bỗng bị tịch biên bởi những cơ sở thương mại tham lam, những ngân hàng vô trách nhiệm, những hệ thống tài phiệt thả láng đâu-cơ-bong-bóng [balloon economy] trên mọi thương trường, Âu cũng như Á, Mỹ cũng như Toàn Cầu…khi giới tài phiệt-đủ-màu-vàng-xanh-đỏ đánh mất lương tâm, chỉ vì tiền không mùi vị, không dơ, cũng không bẩn, miễn thu hoạch tối đa, không cần biết tới hậu quả xa gần, theo đường lối sống …chết mặc bay.
Song song, “hiệu ứng cánh bướm” cũng sẽ vận chuyển những lời khuyên ngăn tử tế của các thế hệ đàn anh, của những người lão thành có kinh nghiệm sống, có huyết khí chân tình với tổ quốc, với dân tộc. Họ là những người tỵ nạn cộng sản nay sinh sống tại hải ngoại, nhưng vẫn một lòng hướng về xứ sở, nguồn gốc, vẫn chọn con đường bảo trọng danh dự, bảo tồn lý tưởng tự do, dân chủ, công lý, bác ái. Trong nước, họ là những thế hệ trước-sau 1954, cộng với giới trẻ sinh sau 1975, đã nhiều lần bị mua chuộc, phỉnh gạt, bị lừa đảo bởi những giáo điều pa-nô rỗng tuếch, bị thanh trừng, ly khai, bị ruồng bỏ, khai thác, nay nghĩ lại nhập cuộc tranh đấu cho tương lai dân tộc, cho thế hệ sau được may mắn, tử tế, tiến bộ hơn. Họ là những người dân chất phác, phục thiện, cố tìm hiểu sự thật để xét lại thời cuộc. Họ là những công dân bất đắc dĩ, sinh đẻ nhầm thời, sống nhầm môi trường xã hội, nay dám đứng lên đòi hỏi chủ quyền và phúc lợi cho toàn dân. Họ chỉ là những nhà trí thức bất đồng chính kiến, những tiếng nói lương tâm tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền, cho công bằng và bác ái.
Song song, “hiệu ứng cánh bướm” cũng tiếp tục vận chuyển kiến thức tự do, mở rộng, cùng lý tưởng phụng sự nhân loại không biên giới, không kỳ thị của các thế trẻ Việt Nam lớn lên và thành tài tại hải ngoại. Họ là những thành phân trí thức yêu nghề nghiệp, trọng trách nhiệm và sẵn sàng đứng lên bảo vệ quyền lợi của cộng đồng, của dân chúng thất thế, lâm nạn. Họ là những y sĩ khám bệnh miễn phí, là nhựng thầy giáo thiện nguyện dạy ngoại ngữ, Anh ngữ cho người di dân mới nhập cảnh, hoặc dạy tiếng Việt cho các con em không thông thạo tiếng “mẹ đẻ”. Họ là những luật sư trẻ vùng Bắc Cali, đoàn kết thiện nguyện, đem luật pháp và kiến thức nghề nghiệp để bảo vệ quyền lợi mong manh của đồng bào ruột thịt lâm cảnh mất nhà, mất cửa, trước thế chấp, sau tịch biên.
Song song, “hiệu ứng cánh bướm” cũng tiếp tục vận chuyển rộng rải trên toàn cầu, tại hải ngoại và trong nước, những tin tức trong sáng, chân thực, kiểm chứng, xây dựng, xuất xứ từ những mội trường tự do, từ những tư tưởng chân chính, ôn hoà, công bình, nhân đạo.
Cứ như thế, “hiệu ứng cánh bướm” tụ tập, chuyển hoá từ mọi nơi, mọi hướng, mọi giới, sẽ đem lại những phong trào, những cơn gió mới nào ? những kết quả nào?
Trước cơn gió tảo thanh, khai quang môi trường, chính quyền hoặc các cơ sợ quản trị liên hệ có cơ hội cải tiến, kịp thời thay đổi, mở rộng cơ sở và hàng ngũ để đón tiếp những thành phần tốt, những giải pháp tiến bộ, đa nguyên, đa thể; những luồng tư tưởng mới, cải thiện, hướng thượng. Đó không phải là thứ “Đổi Mới” giả tạo, lai căng, hạn chế, mập mờ, mà phải là triển vọng và quyết tâm thực sự Cải Tiến Kết Sinh Toàn Bộ theo một chính sách hiến định trọng pháp, trọng sinh, cân bằng, trong sáng, mà quyền thế và trách nhiệm được phân định và thi hành đúng mức, từ trên xuống dưới, từ chính quyền tới người dân, trong mọi địa hạt quản trị, tổ chức chính quyền, bảo vệ lãnh thổ, bảo trọng quyền lợi dân tộc, tự do và nhân phẩm con người.
Còn không, cơn lốc sẽ tới để san bằng mọi cơ sở cổ hủ, bấp bênh, mục nát, mọi thành trì trở ngại thu hút hiểm hoạ, ngược chiều tiến hoá.
Phá nhà, phá nước thì dễ, là điều chẳng đặng đừng, chẳng ai mong muốn, nhưng có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, vì tai ương thiên tạo, vì lỗi lầm của chủ thể chểnh mảng, ngoan cố, của manh tâm phá sản, bán nước, hại dân.
Cảnh tỉnh bảo trì, đôn đốc sửa nhà, sửa nước là khó. Dựng nhà, dựng nước còn khó hơn, nhưng đáng làm, đáng kiến tạo thành một giang sơn tụ điểm của kiến thức, kỹ thuật và tiến bộ, của nhân từ bác ái và hạnh phúc con người, của tự do chân chính và nhân phẩm xác thực.
Nếu đúng như dự đoán, tiếng nói khởi đầu từ lương tâm, từ một điểm gốc nhỏ bé linh động, chính xác, tử tế, cũng đạt được mục tiêu và nghĩa cử của “hiệu ứng cánh bướm” [góp gió thành bão] làm lợi cho xứ sở, làm mạnh cho dân tộc vậy.
TS & LS Lưu Nguyễn Đạt
Cập nhật Feb. 14, 2014