Un gouvernement [qui] n’a pas d’oreilles pour écouter, n’a pas de tête pour diriger. Proverbe latin
Một Nhà nước không biết lắng nghe, sẽ không có đủ trí tuệ để lãnh đạo. Tục ngữ La-tinh
I. Giới Thiệu Chung về Hiến Pháp
Hiến pháp là một văn bản có giá trị cao nhất trong hệ thống luật pháp của một đất nước. Hiến pháp quy định hình thức tổ chức của Nhà nước và xác định các mối quan hệ giữa các cơ quan công quyền và nhân dân, đồng thời Hiến pháp cũng nêu rõ các quyền tự do cơ bản của con người và bảo vệ các quyền đó. Hiến pháp bao gồm hai loại: Hiến pháp mềm và Hiến pháp cứng, hay còn được gọi là Hiến pháp dễ sửa và Hiến pháp khó sửa.
Hiến pháp mềm là những nguyên tắc bất thành văn, đó là những quy định mang tính phong tục, tập quán tồn tại lâu đời mà chế độ quân chủ dưới thời phong kiến phải tuân theo. Ví dụ, quyền lực của vương quốc phải được trao cho người con trai cả của vua, vua phải được giáo hội phong vương, và quyền lực không được trao cho phụ nữ trong hoàng tộc. Hiến pháp mềm vẫn đang được một số nước áp dụng, tuy nhiên Hiến pháp mềm được bổ sung bằng một số văn bản viết. Việc sửa đổi một điều trong Hiến pháp mềm cũng dễ dàng giống như sửa đổi một đạo luật, và như vậy không có sự khác nhau giữa luật và Hiến pháp. Một số nước như Anh, Israel, Ả-rập Xê-út vẫn đang áp dụng Hiến pháp mềm. Nước Anh mặc dù không có Hiến pháp thành văn nhưng một số nguyên tắc cơ bản như bảo vệ quyền con người hay mối quan hệ giữa Nghị viện và Hoàng gia lại được quy định bằng văn bản viết. Ví dụ bản “La Magna Carta”, bản Hiến chương năm 1215 quy định nhà vua phải từ bỏ một số quyền lực, hay bản “Bill of Rights” năm 1689 quy định các quyền cơ bản của công dân mà chế độ quân chủ phải tôn trọng.
Hiếp pháp cứng hay còn gọi là Hiến pháp khó sửa được hầu hết các quốc gia sử dụng. Sửa đổi Hiến pháp cứng khác với sửa đổi một đạo luật bởi vì các nguyên tắc sửa đổi được Hiến pháp quy định khác với sửa đổi luật. Thông thường Hiến pháp được sửa đổi thông qua hai cách:
– Các điều sửa đổi sẽ được đệ trình trước toàn dân, nhân dân sẽ phúc quyết thông qua hình thức trưng cầu dân ý.
– Hiến pháp sẽ được sửa đổi với 2/3 hay 3/4 số phiếu tán thành của Nghị viện gồm cả Thượng viện và Hạ viện ở các quốc gia có hai cơ quan dân biểu, hoặc của Quốc hội ở các quốc gia có một cơ quan dân biểu.
Các nguyên tắc sửa đổi của Hiến pháp cứng sẽ rất khó thực hiện nếu không có sự thống nhất của đa số nhân dân hoặc nghị sĩ.
Nhân loại đã biết đến những bản Hiến pháp thành văn đầu tiên (Hiến pháp cứng) như Hiến pháp nước Cộng hòa Saint-Marin năm 1600, bản Hiến pháp đầu tiên của một quốc gia nhỏ bé nằm trong lòng nước Ý, tiếp theo là bản Hiến pháp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ngày 17 tháng 9 năm 1787 và bản Hiến pháp của Pháp ngày 3 tháng 9 năm 1791.
II. Các Bản Hiến Pháp Dân Chủ Tiêu Biểu Trên Thế Giới
2.1. Hiến pháp Mỹ ngày 17 tháng 9 năm 1787
Đây là một trong những bản Hiến pháp có ảnh hưởng lớn nhất đối với quá trình xây dựng nền dân chủ ở các nước trên thế giới. Bản Hiến pháp tuy ngắn gọn nhưng đã đưa ra được những nguyên tắc cơ bản của một nền dân chủ tiêu biểu, đó là bảo vệ các quyền tự do của công dân, xây dựng một nhà nước pháp quyền theo chính thể liên bang, và tôn trọng nguyên tắc tam quyền phân lập.
Bản Hiến pháp gồm lời giới thiệu, và bảy điều cơ bản được chia ra thành các mục nhỏ. Lời giới thiệu của bản Hiến pháp: “Chúng tôi, nhân dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, với mục đích xây dựng một liên minh hoàn thiện, nhằm thiết lập nền luật pháp và đảm bảo nền hòa bình ở trong nước, nhằm tăng cường quốc phòng đồng thời đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng chung, chúng tôi mong muốn đảm bảo những lợi ích của tự do cho chính nhân dân chúng tôi và cho các thế hệ mai sau. Chúng tôi thừa lệnh và ban ra bản Hiến pháp này, bản Hiến pháp của nước Mỹ”.
Điều 1 xác định rõ các quyền hạn của Nghị viện, bao gồm Thượng viện và Hạ viện. Các nghị sĩ được nhân dân trực tiếp bầu ra. Số lượng dân biểu ở Hạ viện được quy định theo số dân ở các bang, còn ở Thượng viện, mỗi bang chỉ có hai đại diện cho dù dân số ở các bang rất chênh lệch.
Điều 2 quy định quyền hạn của cơ quan hành pháp mà ở đây là Tổng thống Mỹ:
“Không ai được bầu làm Tổng thống nếu như người đó không phải là công dân Mỹ từ khi mới ra đời, hay người đó chưa phải là công dân Mỹ khi bản Hiến pháp này được thông qua. Công dân phải từ 35 tuổi trở lên mới được là ứng cử viên Tổng thống”.
“Tổng thống sẽ được nhận một khoản thù lao trong thời gian phụng sự của mình, giá trị của khoản thù lao ấy không được thay đổi trong suốt thời gian đương nhiệm. Tổng thống sẽ không được nhận bất cứ một khoản thù lao nào khác của nước Mỹ hay của các bang”.
Trước khi nhận chức, Tổng thống sẽ tuyên thệ hay sẽ tuyên bố như sau: “Tôi xin thề (hay tôi tuyên bố), tôi sẽ luôn trung thành và đảm đương tốt nhiệm vụ của Tổng thống Mỹ, với khả năng quyền hạn của mình, tôi sẽ bảo vệ, giữ gìn những giá trị của bản Hiến pháp Mỹ”.
Các nhà soạn thảo Hiến pháp viết ra điều này vì họ giữ gìn được những lễ nghi của cha ông, những nghi thức tôn giáo có từ thời Trung cổ được du nhập từ Châu Âu bởi những người nhập cư. Đó là nghi lễ phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ. Người được phong danh hiệu Hiệp sĩ phải là người dũng cảm và lập được những chiến công. Để được phong tặng danh hiệu này, họ phải trải qua một đêm trắng, cầu nguyện bên cây thánh giá. Họ phải thề sẽ luôn chiến đấu bảo vệ lẽ phải, bảo vệ niềm tin và bênh vực những người yếu đuối. Họ không được dùng sức mạnh để làm điều ác. Nếu họ vi phạm những nguyên tắc của bộ luật Hiệp sĩ, họ sẽ bị rút phép thông công và bị mất danh dự. Nghi lễ bãi bỏ danh hiệu Hiệp sĩ diễn ra quanh một bãi phân bò với sự tham gia của các Hiệp sĩ khác, thanh gươm của Hiệp sĩ bị phế truất, bị bẻ gẫy.
Các nhà soạn thảo Hiến pháp dựa trên nghi lễ này, và họ mong muốn Tổng thống Mỹ phải là một hiệp sĩ bảo vệ lẽ phải, bảo vệ Hiến pháp và đặc biệt phải trung thực. Tổng thống Nixon đã phải trả giá cho sự gian dối của mình trong vụ Watergate khi cho đặt máy ghi âm để nghe trộm tin tức của Đảng Dân chủ trong chiến dịch tái tranh cử Tổng thống của mình.
Điều 3 xác định quyền hạn của cơ quan lập pháp. Cơ quan này độc lập, các quan tòa có nhiều quyền hạn và được luật pháp bảo vệ. Họ không thể bị bãi miễn và có quyền giữ chức vụ đến suốt đời nếu không vi phạm pháp luật.
Các điều còn lại quy định quyền hạn của Nhà nước liên bang và các bang cùng các thủ tục sửa đổi Hiến pháp.
Bản Hiến pháp được hoàn thiện sau 27 lần sửa đổi. Các quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp được bổ sung qua lần sửa đổi thứ nhất. Chế độ nô lệ được bãi bỏ qua lần sửa đổi thứ 13. Lần sửa đổi quan trọng này gắn liền với sự nghiệp của Tổng thống Abraham Lincoln. Ông nhận xét rằng nếu chế độ nô lệ không bị coi là xấu xa thì sẽ chẳng có gì là xấu xa cả, để xã hội trở nên tốt đẹp hơn cần phải loại bỏ chế độ người bóc lột người. Lần sửa đổi thứ 19 khẳng định quyền bình đẳng giới. Lần sửa đổi thứ 24 thừa nhận rằng các công dân được bầu ra Tổng thống hay các đại cử tri và quyền bầu cử của họ không thể bị tước đoạt vì không đóng thuế.
Hiến pháp Mỹ ngày 17 tháng 9 năm 1787 đã tồn tại được 224 năm. Bản Hiến pháp này vẫn đang được áp dụng, đó là điều kì diệu, minh chứng cho sức sống lâu bền của một bản Hiến pháp. Các nguyên tắc được nêu ra cách đây hơn hai thế kỷ vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay. Ví dụ như nguyên tắc tam quyền phân lập. Các nhà soạn thảo Hiến pháp rất lo lắng khi nghĩ đến sự lạm quyền của nhà nước. Theo họ, nếu không có sự tách biệt rõ ràng về vai trò của ba cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp sẽ dẫn đến độc tài, hoặc sẽ là mầm mống của các chính thể đầu sỏ, độc đoán. Vì vậy họ cố gắng tạo sự độc lập giữa ba cơ quan này. Alexander Hamilton, một trong các tác giả của bản Hiến pháp đã viết những lời sáng suốt dưới đây, trong quá trình chuẩn bị biên soạn Hiến pháp: “Con người thường yêu quyền lực, nếu trao quyền lực cho số đông, thiểu số sẽ bị chèn ép, còn nếu trao quyền lực cho thiểu số, số đông sẽ bị chèn ép”. Để chế ra phương thuốc chống căn bệnh quyền lực, cách duy nhất là dùng quyền lực để ngăn chặn quyền lực theo cách nói của Montesquieu. Nghĩa là phải áp dụng nguyên tắc phân quyền, một cơ quan soạn luật, một cơ quan thi hành và cơ quan thứ ba kiểm soát và xét xử hai cơ quan kia. Chính vì vậy người Mỹ đã áp dụng triệt để nguyên tắc tam quyền phân lập. Khi bản Hiến pháp mới được ban hành, nước Mỹ vẫn còn là một đất nước rất nghèo (nước Mỹ khi đó chỉ có khoảng 4 triệu dân, chủ yếu người Mỹ sống bằng nghề buôn bán hàng hải với Châu Âu và nông nghiệp), thì ngày nay khi đã trở thành một cường quốc số một thế giới với hơn 300 triệu dân, bản Hiến pháp vẫn đang được áp dụng. Điều này đánh dấu thành công rất lớn của những người soạn thảo Hiến pháp. Họ đã viết ra một bản Hiến pháp cho thế hệ tương lai.
2.2. Hiến pháp nước Cộng hòa Pháp, ngày 4 tháng 10 năm 1958
Nước Pháp từ cách mạng 1789 đến nay đã biên soạn 15 bản Hiến pháp. Hiến pháp năm 1958 được viết ra để giải quyết những khó khăn cho nước Pháp, một là cuộc khủng hoảng của nền cộng hòa thứ 4 kể từ thất bại của Pháp tại Đông Dương, hai là cuộc khủng hoảng chính trị tại Algerie. Bản Hiến pháp đã được 85% dân Pháp bỏ phiếu ủng hộ thông qua trưng cầu dân ý ngày 28 tháng 9 năm 1958. Hiến pháp bao gồm 89 điều và đã được sửa đổi 24 lần. Bản Hiến pháp đã thiết lập nền Cộng hòa thứ 5. Đây là một bản Hiến pháp dân chủ và rất linh hoạt. Cùng với Luật Cơ bản Đức, bản Hiến pháp này có ảnh hưởng sâu rộng ở Châu Âu. Các nước Đông Âu đã dựa theo hai bản Hiến pháp này để biên soạn Hiến pháp mới cho mình sau khi khối Xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Hiến pháp xác nhận nước Pháp là một nước Cộng hòa, một số quyền lực được chuyển giao cho các vùng và nước Pháp theo chế độ Nghị viện.
Vì bản Hiến pháp được soạn ra để giải quyết tình hình chính trị khó khăn lúc ấy nên có nhiều thiếu sót, ví dụ như các quyền con người không được nêu rõ trong Hiến pháp. Để bổ sung cho khiếm khuyết này, năm 1971, Hội đồng Hiến pháp đã có một quyết định mang tính lịch sử, quyết định có tên “Tự do lập hội”. Theo đó bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền ngày 26 tháng 8 năm 1789 và lời tựa của bản Hiến pháp năm 1946 được bổ sung vào Hiến pháp năm 1958. Năm 2004, Hiến pháp được bổ sung thêm bản Hiến chương về môi trường gồm 10 điều. Như vậy Hiến pháp năm 1958 có 151 điều, trong đó bao gồm một số điều tiêu biểu dưới đây:
Theo bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789:
– Điều 2 xác định mục đích của tất cả các tổ chức chính trị là bảo vệ các quyền tự nhiên và vĩnh cửu của con người. Đó là các quyền tự do, quyền sở hữu, quyền được đảm bảo an toàn, quyền đối kháng khi bị áp bức.
– Điều 4 quy định tự do là có thể làm tất cả những gì mà không hại đến người khác, đó là các quyền tự nhiên của mỗi người. Các quyền ấy cũng có giới hạn là làm sao phải đảm bảo cho những người khác cũng được hưởng các quyền tự do, và những giới hạn ấy được quy định bằng pháp luật.
– Điều 11 khẳng định tự do trình bày suy nghĩ và ý kiến của mình là một trong những quyền cao quý nhất của con người. Mỗi công dân có quyền nói, viết hay in ra các văn bản trình bày suy nghĩ của mình, trừ khi lạm dụng các quyền ấy trong một số trường hợp được pháp luật quy định.
Theo lời tựa của bản Hiến pháp năm 1946:
– Điều 11 nêu rõ nhà nước đảm bảo cho tất cả công dân, nhất là người già và trẻ em được khám, chữa bệnh và có chế độ bảo hiểm, chế độ nghỉ dưỡng. Tất cả mọi người tùy theo điều kiện tuổi tác, tình trạng sức khỏe hay tình trạng tâm lý, hoặc ở những hoàn cảnh kinh tế khác nhau, người không có khả năng làm việc được hưởng những điều kiện thích hợp để tồn tại.
– Điều 14 khẳng định Cộng hòa Pháp luôn trung thành với những truyền thống tốt đẹp của mình. Nước Pháp tôn trọng luật quốc tế và sẽ không tiến hành bất cứ cuộc chiến tranh nào với mục đích chinh phục nước khác. Nước Pháp không bao giờ sử dụng sức mạng của mình để chống lại tự do của các dân tộc khác.
Hiến pháp Cộng hòa Pháp qua 24 lần sửa đổi để phù hợp với luật của Tòa án về quyền con người của Hội đồng Châu Âu và luật của Liên minh Châu Âu. Về cơ bản, bản Hiến pháp này vẫn giữ nguyên các tiêu chuẩn về dân chủ như: bảo vệ quyền con người, tôn trọng nguyên tắc tam quyền phân lập. Tuy vậy thể chế nghị viện của Pháp đang dần chuyển hóa thành thể chế tổng thống theo mô hình của nước Mỹ. Qua lần sửa đổi Hiến pháp năm 1962 dưới thời Tổng thống Charles de Gaulle, Tổng thống Pháp từ đó do người dân trực tiếp bầu chọn. Hiến pháp ngày 4 tháng 10 năm 1958 đã được các nước như Bungari, Ba Lan, Rumani… nguyên cứu và dựa theo để viết ra các bản Hiến pháp mới vào năm 1991. Ngoài ra bản Hiến pháp này có ảnh hưởng rất lớn ở các nước Châu phi như Marốc, Algeria, Mali, Senegan…, trước đây vốn là thuộc địa của Pháp.
2.3. Luật Cơ bản nước Cộng hòa Liên bang Đức
Luât Cơ bản nước Cộng hòa Liên bang Đức (tạm gọi là Hiến pháp Đức) được ban hành ngày 23 tháng 5 năm 1949, gồm 141 điều. Đây là bản Hiến pháp rất đầy đủ và chi tiết về các quyền tự do của công dân, về cơ chế của nhà nước liên bang và mối quan hệ giữa Bundestag và Bundesrat (Thượng viện và Hạ viện). Bản Hiến pháp được các nước đồng minh Mỹ, Anh, Pháp giúp đỡ biên soạn cho Cộng hòa Liên bang Đức. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, bản Hiến pháp dân chủ này được áp dung cho toàn bộ nước Đức thống nhất.
Luật Cơ bản xác lập một nhà nước liên bang theo cơ chế Nghị viện. Việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người được chú trọng nhất trong bản Hiến pháp, nên được đưa lên phần đầu (từ điều 1 đến điều 20). Luật Cơ bản khẳng định các quyền này và giải thích rất chi tiết. Lý do là vì nước Đức đã trải qua một thời kỳ đau thương và xấu hổ, là đất nước đã gây ra cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và là nước bại trận. Dưới thời Đức quốc xã, các quyền con người bị vi phạm nặng nề, 10 triệu người chết trong các trại tập trung, 5 triệu người Đức chết trong cuộc chiến, vì vậy nhiệm vụ bảo vệ quyền con người là trách nhiệm đầu tiên của các nước đồng minh khi giúp Cộng hòa Liên bang Đức soạn thảo Hiến pháp. Hơn nữa mối lo lắng trường trực về khả năng thiết lập một chế độ độc tài theo kiểu Hitler là có thể xảy ra. Chính vì vậy, để tránh nguy cơ này, các nước đồng minh muốn xây dựng một nhà nước liên bang, trong đó sức mạnh của nhà nước được chia nhỏ cho các Länder (các bang). Phe đồng minh đứng đầu là Mỹ lập ra bản Hiến pháp xây dựng nước Đức theo thể chế liên bang kiểu Mỹ, và họ đã thành công.
Luật Cơ bản Đức được sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Nhờ có những nguyên tắc chuẩn của một thể chế Nghị viện nên tình hình chính trị của Đức về cơ bản là ổn định.
Lời tựa: “Ý thức rõ về trách nhiệm của mình trước Chúa trời và trước con người, cùng với ước muốn được đóng góp và phục vụ nền hòa bình trên thế giới, nhân dân Đức, với tư cách là thành viên bình đẳng trong một Châu Âu thống nhất, xin giới thiệu Luật Cơ bản này. Đó là Hiến pháp của nhân dân, và nhân dân nắm giữ quyền lập hiến…”.
Điều 1 khẳng định phẩm giá của con người là điều bất biến. Tất cả các cơ quan công quyền bắt buộc phải tôn trọng và bảo vệ phẩm giá của con người. Bởi vậy, nhân dân Đức tôn trọng các quyền bất khả xâm phạm vì các quyền đó gắn bó chặt chẽ với con người và là cơ sở của cộng đồng, của hòa bình và công lý trên thế giới.
Điều 2 nêu rõ quyền tự do của con người là bất khả xâm phạm, những vi phạm quyền này chỉ có thể minh chứng bằng luật pháp.
Điều 5 khẳng định mỗi người đều có quyền bày tỏ, tuyên truyền, tự do phát biểu ý kiến của mình thông qua lời nói, văn bản hay hình ảnh. Mỗi người đều có quyền được thông tin và tiếp cận các nguồn thông tin. Tự do báo chí , tự do thông tin qua đài, ti vi, điện ảnh phải được đảm bảo và không có kiểm duyệt. Các quyền này có một số giới hạn thông qua luật, và thông qua một số những quy định hợp pháp trong việc bảo vệ thanh thiếu niên, hay bảo vệ quyền được tôn trọng danh dự cá nhân. Khoa học nghệ thuật, nghiên cứu và giảng dạy phải được tự do. Tự do giảng dạy không tách rời với quy định của Hiến pháp.
Điều 70 quy định các bang (Les Länder) có quyền ban hành các đạo luật trong trường hợp mà bộ Luật Cơ bản Đức không dành cho Nhà nước liên bang quyền ban hành. Giới hạn thẩm quyền của nhà nước liên bang và các bang được phân định theo Hiến pháp. Đó là thẩm quyền riêng và thẩm quyền chung giữa Nhà nước liên bang và các bang. Có nghĩa là nếu Hiến pháp không nêu ra thẩm quyền của Nhà nước liên bang thì các thẩm quyền này thuộc về các bang.
Điều 79 dòng 3 của Hiến pháp được coi là sáng tạo và hấp dẫn nhất trong toàn bộ bản Hiến pháp: “Cấm sửa đổi Hiến pháp liên quan đến các điều xác định thể chế liên bang của nước Đức, và các điều từ số 1 đến số 20”. Có nghĩa là mô hình của Nhà nước liên bang và các quyền cơ bản bảo vệ con người trong bản Hiến pháp này là bất biến, cấm được sửa đổi. Đó cũng là mối quan tâm lớn nhất của các nước đồng minh khi giúp Cộng hòa Liên bang Đức soạn thảo Hiến pháp này.
Luật Cơ bản của Đức ngày 23 tháng 5 năm 1949 được coi là một bản Hiến pháp tiến bộ và rất chi tiết.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nước Đức là một nước đầu hàng phe đồng minh, nền luật pháp được xây dựng lại từ đầu vì Đức và các nước đồng minh không thể lấy lại các bộ luật và Hiến pháp của Đức quốc xã. Trải qua quá trình xây dựng nền luật pháp cho mình, nước Đức đã hoàn thiện Luật Cơ bản và các bộ luật. Luật Cơ bản đã trở thành bản Hiến pháp có ảnh hưởng lớn ở Châu Âu. Sau khi khối Xã hội chủ nghĩa sụp đổ, các nước như Tiệp, Slovaquia, Ucraina … đã biên soạn Hiến pháp mới dựa trên Luật Cơ bản Đức.
Hiện nay bản Luật Cơ bản này được đánh giá cao nhất Châu Âu. Cùng với Hiến pháp Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha và Ý, Luật Cơ bản Đức đã tạo dựng nền dân chủ tiêu biểu trên thế giới, và trở thành mô hình cho các nước noi theo.
III. Sửa Đổi Hiến Pháp
Hiến pháp phải được sửa đổi cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh mới (nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay). Hiến pháp chịu sự tác động của luật quốc tế thông qua các Công ước quốc tế, hay các hiệp ước song phương và đa phương. Các nước đều phải sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với luật quốc tế. Hiến pháp của nền cộng hòa thứ nhất ngày 24 tháng 6 năm 1793 (Hiến pháp năm thứ nhất theo lịch cộng hòa), điều 28 có ghi rằng: “Một dân tộc có quyền xem xét, sửa đổi hay lập ra Hiến pháp mới. Thế hệ đi trước không thể lập ra các đạo luật bắt thế hệ đi sau phải tuân theo”. Nhất là khi hoàn cảnh thay đổi, một số điều ghi trong Hiến pháp không còn phù hợp với điều kiện mới. Sửa đổi Hiến pháp trở thành nhu cầu cấp bách, nó trở thành mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước và nhân dân. Nhưng cũng cần lưu ý rằng sửa đổi Hiến pháp phải theo chiều hướng tích cực, nghĩa là các điều sửa đổi phải góp phần vào tiến trình dân chủ, phát triển kinh tế văn hóa, bảo vệ các quyền tự do của công dân… Một bản Hiến pháp có thể được sửa đổi toàn bộ hoặc sửa đổi một phần, nhưng điều quan trọng là Hiến pháp sau khi được sửa phải tiến bộ hơn Hiến pháp cũ.
Các nhà soạn thảo Hiến pháp rất thận trọng với nguy cơ sửa đổi Hiến pháp theo chiều hướng ngược lại, vì vậy trong quá trình soạn thảo, họ cố gắng đưa vào Hiến pháp một số nguyên tắc và khẳng định các nguyên tắc đó không được phép sửa đổi. Ví dụ trong lần sửa Hiến pháp lần thứ 8, Nghị viện Mỹ ghi thêm điều này: “Việc bổ sung thêm một số quyền công dân vào Hiến pháp phải luôn tôn trọng điều kiện đi kèm là các quyền mới được công nhận này không thể hạn chế hay ngăn cấm các quyền công dân đã được thừa nhận trước đây”. Hay ở điều 79 dòng 3 của Luật Cơ bản Đức có ghi: “Chính thể liên bang của nước Đức cùng với các quyền tự do của con người được điều 1 đến điều 20 công nhận sẽ không bao giờ được phép sửa đổi”. Điều 89 của Hiến pháp nền cộng hòa thứ 5 của nước Pháp ghi nhận: “Toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia và thể chế cộng hòa của nước Pháp sẽ không bao giờ được sửa đổi trong Hiến Pháp”. Các điều này thể hiện nguyện vọng của các nhà soạn thảo Hiến pháp, họ đại diện cho ý chí và mong ước của nhân dân, họ viết ra các điều này nhằm giữ gìn các giá trị quý nhất mà Hiến pháp ghi nhận như bảo vệ các quyền thiêng liêng của con người, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, duy trì và củng cố nền dân chủ.
Thủ tục sửa đổi Hiến pháp
Ý tưởng sửa đổi Hiến pháp xuất phát từ nhân dân hay từ các cơ quan công quyền như Chính phủ, Quốc hội… Nhìn chung, Nhà nước chủ động trong việc sửa đổi Hiến pháp. Sửa đổi Hiến pháp cũng như soạn thảo Hiến pháp phải được phổ biến rộng rãi đến toàn dân, nhân dân mới là những người chủ thực sự trong việc sửa đổi Hiến pháp, ví dụ ở Thụy Sĩ, nhân dân đưa ra ý kiến sửa đổi Hiến pháp. Nếu họ tập hợp được đa số chữ ký ủng hộ trong một vùng thì Nhà nước bắt buộc phải sửa Hiến pháp theo ý nguyện của nhân dân. Tuy nhiên, thủ tục này rất khó thực hiện ở các nước đông dân, do đó Nhà nước thường bầu ra một Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, trong đó các thành viên là nghị sĩ Quốc hội có uy tín và hiểu biết về luật pháp, ngoài ra Ủy ban còn có các thành viên độc lập như các giáo sư luật, các nhà văn hóa ưu tú của đất nước… Ủy ban sửa đổi Hiến pháp càng được mở rộng thì tính dân chủ và hiệu quả công việc càng cao.
Khi các điều cần sửa đổi được thảo luận và quyết định xong, Ủy ban đệ trình lên Quốc hội xem xét lần cuối, sau đó Tổng thống (Chủ tịch nước) sẽ thông qua bằng hai cách. Một là dự án sửa đổi Hiến pháp sẽ được đệ trình trước nhân dân để nhân dân phúc quyết bằng hình thức trưng cầu dân ý, đây là cách thức mang tính dân chủ cao nhất. Hai là Tổng thống quyết định sửa đổi bằng con đường Nghị viện. Các nghị sĩ sẽ bỏ phiếu, việc sửa đổi Hiến pháp chỉ được thông qua với 3/4 hay 4/5 số phiếu ủng hộ của các đại biểu tham dự. Ngày sửa Hiến pháp đánh dấu một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Đại hội sửa đổi Hiến pháp tại Pháp được tổ chức tại cung điện Versailles, tất cả các nghị sĩ của hai viện tham dự, đó là sự kiện chính trị quan trọng. Trong hai cách sửa đổi Hiến pháp bằng trưng cầu dân ý và bỏ phiếu tại đại hội, người đứng đầu Nhà nước thường chọn cách thứ hai vì trưng cầu dân ý có thể tiềm ẩn những nguy cơ khi nhân dân không đồng tình với các chính sách của Nhà nước. Nhân dân sẽ biểu hiện nỗi tức giận và thất vọng của mình với Nhà nước bằng cách không đi bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu từ chối. Kết quả là kế hoạch của Nhà nước bị thất bại, điều này thể hiện niềm tin của nhân dân đối với nhà cầm quyền bị suy giảm nghiêm trọng, Chính phủ cầm quyền bị lung lay vì không được lòng dân. Ví dụ tiêu biểu là cuộc trưng cầu dân ý năm 1968 tại Pháp, Tổng thống Charles de Galle muốn thông qua trưng cầu dân ý để cải cách Thượng viện bằng cách sửa đổi Hiến pháp xong nhân dân Pháp đã bỏ phiếu để gạt bỏ kế hoạch này. Kết quả là Tổng thống đã quyết định từ chức vì chính sách của ông không hợp lòng dân.
Một bản Hiến pháp dân chủ và cách thức sửa đổi cho dù minh bạch cũng sẽ không có ý nghĩa gì nếu không có mặt của một Tòa án Hiến Pháp.
IV. Tòa Án Hiến Pháp
Các nước đều thiết lập một Tòa án Hiến pháp, trừ các quốc gia như Anh và các nước Bắc Âu, không có Tòa án Hiến pháp hoặc Tòa án Hiến pháp tồn tại dưới dạng một ủy ban trong Nghị viện. Nhưng đó là đặc điểm riêng của các quốc gia này, nơi mà Nghị viện có vai trò quan trọng hơn Chính phủ, cho dù các quan tòa Hiến pháp vắng mặt nhưng nền dân chủ và các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền vẫn được đảm bảo.
4.1. Vai trò của Tòa án Hiến pháp
Tòa án Hiến pháp có vai trò chính là giám sát các đạo luật của Nghị viện để xem xét chúng có hợp hiến không. Nếu đạo luật hay một số điều trong đạo luật không tôn trọng các quy định của Hiến pháp. Tòa án Hiến pháp ra phán quyết đạo luật vi hiến và cấm không cho ban hành. Nghị viện có hai lựa chọn, thứ nhất, hủy bỏ đạo luật vi hiến, thứ hai, Nghị viện phải nghiên cứu và thảo luận lại đạo luật đó cho phù hợp với Hiến Pháp. Tiếp theo, đạo luật sau khi đã sửa đổi, lại được Tòa án Hiến pháp xem xét lần hai. Nếu các quan tòa Hiến pháp vẫn cho rằng đạo luật vi hiến, Nghị viện phải xem xét và sửa lại cho đến khi đạo luật đúng với Hiến pháp thì thôi. Đạo luật hợp hiến sẽ được Tổng thống (Chủ tịch nước) ban hành và đạo luật sẽ có hiệu lực từ ngày ban hành.
Đây là hình thức giám sát luật trước khi ban hành của Tòa án Hiến pháp, nguyên tắc này được áp dụng rộng rãi tại Châu Âu. Nguyên tắc thứ hai là hình thức giám sát luật sau khi ban hành, nguyên tắc này được áp dụng chủ yếu tại Mỹ và tỏ ra rất hiệu quả. Nghị viện thông qua đạo luật và sau đó luật được ban hành, đạo luật ấy sẽ được xem xét trong từng trường hợp cụ thể. Các quan tòa của Tòa án liên bang và Tòa án tối cao sẽ giám sát tính hợp hiến của đạo luật trong từng vụ việc cụ thể và loại bỏ nó khi bị coi là vi hiến. Nhưng đạo luật vi hiến ấy chỉ không có giá trị trong vụ việc này nhưng lại hợp hiến trong vụ việc khác, do đó đạo luật vi hiến không mất đi mà tiếp tục tồn tại. Ở Mỹ, tất cả các quan tòa đều có nghĩa vụ giám sát luật để bảo đảm những giá trị cơ bản của Hiến pháp, còn tại Châu Âu, nhiệm vụ này được giao cho một cơ quan duy nhất là Tòa án Hiến pháp. Các nước hiện nay áp dụng cả hai hình thức giám sát này. Tòa án Hiến pháp chỉ thực hiện nhiệm vụ giám sát luật khi Nghị viện hay Chính phủ yêu cầu. Qua việc giám sát luật, Tòa án Hiến pháp bảo vệ các quyền tự do của công dân được Hiến Pháp công nhận. Ngoài ra, Tòa án Hiến pháp còn kiểm tra và công bố kết quả các cuộc bầu cử quan trọng như bầu cử Nghị viện, bầu cử Tổng thống để bảo vệ tính minh bạch trong quá trình bầu cử.
4.2. Bầu chọn các quan tòa cho Tòa án Hiến pháp
Tòa án Hiến pháp giữ vai trò độc lập. Các quyết định của Tòa phải được tuân thủ, tất cả các cơ quan công quyền đều phải tôn trọng các phán quyết của Tòa án Hiến pháp vì Tòa án này có vị trí cao nhất trong hệ thống luật pháp. Quan tòa ở Tòa án Hiến pháp là người bảo vệ các giá trị của Hiến pháp.
Các thành viên của Tòa án Hiến pháp là những gương mặt ưu tú của đất nước, họ là các luật sư giỏi, các giáo sư luật hay những quan chức cao cấp có uy tín… Phán quyết của họ mang tính độc lập và không chịu sự chi phối của bất cứ cơ quan nào vì vậy mỗi quyết định của Tòa thường chuẩn xác và được nhân dân mong đợi.
Hội đồng Hiến pháp ở Pháp gồm 9 thành viên chính thức và hai thành viên là các Tổng thống mãn nhiệm được Hiến pháp công nhận là các thành viên suốt đời, 9 thành viên lần lượt được Tổng thống, chủ tịch Thượng viện và chủ tịch Quốc hội cử ra, quan tòa Hiến pháp có nhiệm kỳ 9 năm và không được bầu lại.
Tòa án Hiến pháp Đức gồm 16 thành viên, do Thủ tướng và Thượng viện bầu ra.
Tòa án tối cao Mỹ có 9 thành viên, đều do Tổng thống bầu, quan tòa ở Tòa án tối cao có thể giữ chức vụ bao lâu mà họ muốn. Họ không thể bị bãi miễn, trừ trường hợp vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, có nhiều vị giữ chức vụ qua nhiều đời Tổng thống Mỹ, khiến nhiều người có chung nhận xét là: “Các quan tòa ở Mỹ không chết và chẳng bao giờ già đi!”.
Tòa án Hiến pháp có ngân sách riêng do nhà nước chu cấp và giữ vai trò độc lập.
V. Hiến Pháp Và Sửa Đổi Hiến Pháp ở Việt Nam
Việt Nam đã biên soạn được 4 bản Hiến pháp, đó là Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992. Người viết bài này chỉ đề cập đến hai bản Hiến pháp năm 1946 và năm 1992.
5.1. Hiến pháp năm 1946
Hiến pháp năm 1946 của Chính phủ liên hiệp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một văn bản pháp lý rất có giá trị, đây là bản Hiến pháp dân chủ nhất trong 4 bản Hiến pháp. Điều này khiến nhiều người ngạc nhiên vì nhìn chung các Hiến pháp soạn thảo về sau phải đầy đủ và dân chủ hơn các bản Hiến pháp trước đó, nhưng trong trường hợp này lại ngược lại.
Hiến pháp năm 1946 thiết lập nền cộng hòa và đặt tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cái tên ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị và là mục tiêu hướng đến của nước Việt Nam độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Bản Hiến pháp năm 1946 công nhận các quyền cơ bản của công dân như quyền bầu cử, quyền tự do ngôn luận, quyền sở hữu…
Nguyên tắc tam quyền phân lập chưa được nêu ra đích danh nhưng các nhà soạn thảo Hiến pháp đã tách biệt được các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp.
Đăc biệt vai trò của Nghị viện được nhấn mạnh và nhắc đến nhiều lần, các nhà soạn thảo mong muốn thiết lập chế độ Nghị viện ở Việt Nam, đó là một thể chế chính trị dân chủ phổ biến tại Châu Âu. Ví dụ điều thứ 25: “Nghị viện không phải chỉ thay mặt cho địa phương mình mà còn thay mặt cho toàn thể nhân dân”. Hiến pháp năm 1946 nêu ra chế độ bầu cử trực tiếp và thực hiện bình đẳng giới. Hiến pháp này còn đưa ra quyền phúc đáp của nhân dân, điều đặc biệt là bản Hiến pháp đề cao và giữ gìn tiếng nói, văn hóa của các dân tộc thiểu số. Đây là những giá trị rất nhân văn và tiến bộ, ngay cả các nước có truyền thống soạn thảo Hiến pháp như nước Pháp cũng còn bỏ quên ý này trong các bản Hiến pháp đầu tiên.
Hiến pháp năm 1946 là một văn bản pháp lý ngắn gọn, súc tích, nêu được những nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ. Thành công của bản Hiến pháp này là do các thành viên trong ban soạn thảo có hiểu biết sâu sắc về pháp luật và họ biết vận dụng các bản Hiến pháp dân chủ của nước Pháp. Ảnh hưởng của nền luật pháp phương Tây được thể hiện rất rõ qua một số điều được lấy lại từ Hiến pháp của Pháp và được chuyển hóa cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, ví dụ điều thứ 16: “Những người ngoại quốc tranh đấu cho dân chủ và tự do mà phải trốn tránh thì được trú ngụ trên đất Việt Nam” được dựa trên điều 120 của bản Hiến pháp ngày 24 tháng 6 năm 1793 (Hiến pháp năm thứ nhất của nền cộng hòa): “Nhân dân Pháp cho phép những người ngoại quốc được cư trú trên đất nước mình một khi những người này bị truy đuổi khỏi tổ quốc của họ vì sự nghiệp đấu tranh cho tự do. Nhân dân Pháp không chấp nhận những tên bạo chúa cư trú trên đất Pháp”.
Hiến pháp năm 1992 lấy lại điều này và bổ sung thêm khái niệm Chủ nghĩa xã hội ở điều 82 khiến ý nghĩa điều này trở nên lan man: “Người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì Chủ nghĩa xã hội… Nhà nước CHXHCH Việt Nam xem xét việc cư trú ”. Nếu được chọn giữa hai bản Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1992, tôi sẽ chọn Hiến pháp năm 1946 đồng thời bổ sung thêm một số điều cho phù hợp với hoàn cảnh mới.
5.2. Hiến pháp năm 1992
Đây là một bản Hiến pháp dài, một số điều có những câu từ lan man và khó hiểu, qua đó có thể thấy năng lực của những người soạn thảo Hiến pháp năm 1992 thua xa thế hệ đi trước. Tuy vậy, Hiến pháp năm 1992 cũng có một số điều tiến bộ và có tính nhân văn như điều 29, điều 32, điều 61, điều 67, điều 119. Các điều 17 đến điều 22 không nhất thiết phải đưa vào Hiến pháp mà nên chuyển thành luật vì Hiến pháp phải có giá trị khái quát cao, thể hiện được tầm nhìn của Nhà nước ở mức độ vĩ mô. Hiến pháp phải thể hiện khát vọng và cái đích hướng đến của nhân dân Việt Nam vì một tương lai tươi sáng. Một số điều như điều 34, điều 42 hay nhưng lại thiếu ý, còn các điều khác như điều 47, 48 có thể gộp làm một.
Ví dụ điều 49: “Công dân nước CHXHCN Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”.
Điều này tuy ngắn gọn và định nghĩa được người mang quốc tịch Việt Nam là ai nhưng lại không nêu rõ được những điều kiện để trở thành công dân Việt Nam. Xin được sửa là: Công dân Việt Nam là người sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam, là người Việt Nam sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Công dân Việt Nam là người có cha mẹ hoặc cha hoặc mẹ là người Việt Nam nhưng sinh ra ở nước ngoài, biết nói, viết tiếng Việt, nếu có nguyện vọng giữ quốc tịch Việt Nam, sẽ được chấp thuận và được hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ của người Việt Nam. Những người nước ngoài có đóng góp lớn lao cho sự nghiệp khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục. Hay họ sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Nhà nước Việt Nam sẽ ban tặng quốc tịch Việt Nam theo nguyện vọng của họ.
Ủy ban sửa đổi Hiến pháp lần này cần sửa lại một số điều cho ngắn gọn, súc tích nhưng cũng giải thích cụ thể các điều chưa rõ ràng, đặc biệt cần đưa thêm một số điều quan trọng vào Hiến pháp cho phù hợp với hoàn cảnh và tình hình mới. Hiến pháp năm 1992 sẽ trở nên thực sự dân chủ, tiến bộ hơn, phù hợp với thế hệ tương lai, đó cũng là nguyện vọng của nhân dân.
5.3. Những đề nghị sửa đổi Hiến pháp
Đề nghị thứ 1: Đổi tên nước “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” thành nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” điều này rất quan trọng và mang tính chiến lược lâu dài. Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có nhiều ý nghĩa đó là mục tiêu hướng đến của nhân dân Việt Nam, nhân dân thiết lập nền cộng hòa.
Ý nghĩa gốc của từ cộng hòa trong tiếng la tinh: Res publica , nghĩa là cái của chung, Nhà nước được nhân dân bầu ra, Nhà nước bao gồm các cơ quan công quyền như Quốc hội, Chính phủ, Tòa án… để phục vụ nhân dân, công nhận nền cộng hòa có nghĩa là từ bỏ chế độ quân chủ, chính thể đầu sỏ, hay độc tài mà quyền lực tập trung trong tay một số người hay một gia đình… Nền cộng hòa ở đây được hiểu là quyền lực nằm trong tay nhân dân và nhân dân bầu ra những người đại diện cho mình để thực thi những quyền nhân dân giao phó. Nền cộng hòa thể hiện ở chỗ các cơ quan công quyền phải phục vị lợi ích chung của nhân dân, luật pháp thể hiện ý nguyện của nhân dân. Dân chủ thể hiện qua chế độ bầu cử trực tiếp, nhà nước thuộc về tay nhân dân và đáp ứng những đòi hỏi của nhân dân. Hai khái niệm dân chủ và cộng hòa bổ sung và đan xen nhau, góp phần tạo dựng một nước Việt Nam tiến bộ, giàu mạnh, người dân được tự do, hạnh phúc. Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bao hàm tất cả những ý nghĩa tốt đẹp đó, đây cũng là ước muốn của thế hệ đi trước muốn gửi đến chúng ta hôm nay và thế hệ mai sau. Vì vậy Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn đúng và phù hợp với đà phát triển của nhân loại tiến bộ. Còn Quốc hiệu hiện nay: “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” – một khái niệm mơ hồ, không biết con đường đi của đất nước sẽ ra sao, không thể hiện được ý nguyện của nhân dân, khái niệm này không nhắc đến từ dân chủ.
Ở đây cũng cần giải thích vì sao Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại chuyển thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp năm 1946 và 1959 không hề nhắc đến khái niệm Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Khái niệm này chỉ xuất hiện ở Hiến pháp năm 1980 và sau đó được lặp lại ở Hiến pháp 1992, vì sao như vậy?
Từ những năm 50 cho đến những năm 90, đó là thời kì chiến tranh lạnh, là giai đoạn đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô. Hai cường quốc này chạy đua vũ trang. Mỹ tập hợp được các đồng minh như Anh, Pháp, Tây Đức còn Liên Xô kiểm soát được một loạt các quốc gia Đông Âu bằng bàn tay sắt của mình. Việt Nam với vị trí địa lý chiến lược ở Đông Nam Á, không thoát khỏi tầm ảnh hưởng của các cường quốc đó. Mỹ muốn biến miền Nam Việt Nam thành đồng minh và xây dựng một nhà nước theo kiểu Mỹ, còn miền Bắc Việt Nam lại trong vòng ảnh hưởng của Liên Xô va Trung Quốc. Hai quốc gia này giúp đỡ miền Bắc Việt Nam đánh Mỹ giải phóng đất nước. Miền Bắc nhận được nhiều viện trợ và càng ngày càng ngả theo Liên Xô và Trung Quốc đồng thời chịu ảnh hưởng về ý thức hệ của các cường quốc này, kết quả là miền Bắc trở thành đồng minh chiến lược của Liên Xô và là một bộ phận của khối XHCN do Liên Xô áp đặt để đối đầu với khối Tư bản. Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chuyển thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là một hệ quả lịch sử, minh chứng cho hoàn cảnh lúc đó bởi vì khi trở thành đồng minh của khối XHCN, miền Bắc Việt Nam có nhiều điểm lợi như tranh thủ được sự giúp đỡ của nhiều nước cùng ý thức hệ. Hàng vạn thanh niên miền Bắc được đào tạo tại các nước XHCN để trở thành lực lượng cán bộ sau này, năm 1991 khối XHCN sụp đổ, cái tên XHCN giờ chỉ còn trên văn bản. Chúng ta không còn lý do gì để níu kéo khái niệm này, chúng ta cần trở lại với Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà những người con ưu tú đã chọn lựa trước đây.
Đề nghị thứ 2: Bổ sung nguyên tắc tam quyền phân lập trong bản Hiến pháp năm 1992. Các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp phải có vai trò và vị trí độc lập, ba cơ quan này có thể hợp tác với nhau trong một mức độ giới hạn. Cơ quan lập pháp phải được củng cố bằng việc cử ra quan tòa, thẩm phán có vai trò độc lập và không thể bãi miễn trừ khi vi phạm luật. Ở mỗi tòa án từ cấp cơ sở đến tòa án tối cao phải được phân ra thành các phòng ban, đặc biệt phải có phòng phụ trách hành chính gọi là tòa án hành chính. Các quan tòa hành chính xét xử các vi phạm của Nhà nước đối với công dân và buộc Nhà nước phải đền bù những thiệt hại do mình gây ra. Tòa án hành chính là một bộ phận trong tòa án nhân dân, có thêm trách nhiệm xử lý các thông tư, nghị định, nghị quyết vi phạm luật và phải hủy bỏ các quyết định đó.
Đề nghị thứ 3: Thiết lập Tòa án Hiến pháp Việt Nam gồm 11 thành viên, trong đó 3 thành viên do Chủ tịch nước bầu ra, 3 thành viên do Thủ tướng bầu ra, 3 thành viên khác được Ủy ban thường vụ Quốc hội bầu, 1 thành viên do Tổng liên đoàn lao động cử ra, một thành viên khác do Mặt trận tổ quốc bầu ra. Các thành viên được bầu phải là những trí thức có uy tín, có hiểu biết về pháp luật, họ không nhất thiết phải nằm trong bộ máy hành chính nhà nước. Tòa án Hiến pháp có vai trò độc lập, không chịu sức ép từ Đảng, Chính phủ hay Quốc hội. Quyết định của Tòa án Hiến pháp có giá trị cao hơn luật và không thể khiếu nại. Tòa án Hiến pháp có một khoản ngân sách độc lập, có quy chế làm việc và nội quy riêng. Ngân sách của Tòa án và lương trả cho quan tòa Hiến pháp do nhà nước chi, khoản chi ngân sách phải được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng vào trước Tết Nguyên Đán hàng năm. Nhiệm kì của quan tòa Hiến pháp là 10 năm và không được bầu lại. Xây dựng một Tòa án Hiến pháp ở Việt Nam là chiến lược rất quan trọng để bảo đảm sự tồn tại của một Nhà nước pháp quyền.
Đề nghị thứ 4: Tổ chức Hội nghị Diên Hồng khi tình hình đất nước lâm nguy: Khi giặc ngoại xâm đe dọa bờ cõi và biển đảo của Tổ Quốc, khi đất nước bị thiên tai, lụt lội nghiêm trọng… Chủ tịch nước sau khi thảo luận với Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước cần hỏi ý kiến của Tòa án Hiến pháp, sau đó triệu tập Hội nghị Diên Hồng tại thủ đô Hà Nội để bàn bạc và tìm ra biện pháp đối phó với tình hình nguy nan của đất nước.
Các đại biểu dự Hội nghị Diên Hồng đến từ 63 tỉnh thành của cả nước, họ đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội Việt Nam. Mỗi tỉnh thành cử từ 20 đến 100 đại diện tùy theo dân số của các tỉnh thành (ví dụ: Hà Nội cử 80 đại biểu, HưngYên cử 20 đại biểu…) Hội nghị Diên Hồng dưới sự chủ trì của Nhà nước, các đại biểu dự hội nghị bày tỏ ý kiến bằng cách bỏ phiếu. Nhà nước phải xem xét và theo quyết định của Hội nghị.
Nếu tình hình quá khẩn cấp, Nhà nước không kịp triệu tập Hội nghị Diên Hồng, Chủ tịch nước sẽ họp bàn với Tòa án Hiến pháp cùng với sự tham gia của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng chính phủ và các Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao và Công an. Quyết định sẽ được thi hành ngay sau cuộc họp.
Mô hình Hội nghị Diên Hồng cần được nhân rộng trong nhiều lĩnh vực đời sống, các thành viên tham gia phải có chuyên môn theo từng lĩnh vực của Hội nghị: Hội nghị Diên Hồng khoa học kĩ thuật, Hội nghị Diên Hồng giáo dục…
Nhà nước cần tài trợ và tổ chức Hội Nghị Diên Hồng đồng thời tiếp thu các ý kiến từ Hội nghị.
Đề nghị thứ 5: Chủ tịch nước được nhân dân trực tiếp bầu ra, tất cả các công dân Việt Nam trên 30 tuổi không có tiền án, tiền sự, không có dấu hiệu tâm thần đều có quyền ứng cử chức Chủ tịch nước nếu tập hợp được 3000 chữ ký của nhân dân trên 63 tỉnh thành, ứng cử viên Chủ tịch nước còn được các cơ quan công quyền cử ra.
Nhà nước nên bỏ một số chức danh như Phó thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước thay vào đó bầu ra các Bộ trưởng thường trực, không cần thiết giữ vị trí Phó Chủ tịch nước vì nhiệm vụ của Chủ tịch nước được Hiến pháp giao cho không nhiều. Chủ tịch nước hoàn toàn đàm nhiệm được công việc của Phó Chủ tịch nước.
Công việc của các Phó Thủ tướng sẽ do Thủ tướng và các bộ trưởng đảm nhiệm, như vậy bộ máy của Chính phủ sẽ đỡ cồng kềnh và hiệu quả hơn, nếu thấy cần thiết Chính phủ có thể tuyển thêm cố vấn.
Để tôn trọng nguyên tắc tam quyền phân lập, các thành viên Chính phủ không nên ứng cử Quốc hội hoặc các nghị sĩ Quốc hội không là thành viên của Chính phủ.
Đề nghị thứ 6: Thành lập Hội đồng ngân sách Quốc gia gồm 13 thành viên là các chuyên gia tài chính, cơ quan này hoạt động độc lập có thẩm quyền giám sát việc chi tiêu của Chính phủ, Quốc hội, các bộ và các cơ quan hành chính cơ sở. Tất cả các cơ quan công quyền phải có báo cáo chi tiêu hàng năm cho Hội đồng ngân sách Quốc gia. Hội đồng công bố kết quả giám sát trước Tết Nguyên Đán. Hội đồng cũng là cơ quan tiếp thu các đơn, thư tố cáo tham nhũng của nhân dân. Các thư ký Hội đồng xem xét và gửi các đơn tố cáo đến tòa án hành chính các cấp. Hội đồng tổ chức họp báo và công bố các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng.
Đề nghị thứ 7: Mở rộng các quyền tự do cho nhân dân, nhất là tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội, tự do biểu tình đặc biệt là biểu tình yêu nước…
Đề nghị thứ 8: Việt Nam ủng hộ sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ của các dân tộc trên thế giới. Việt Nam sẵn sàng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (Điều này có lợi để giúp Việt Nam xích lại gần hơn với Mỹ và Châu Âu, hơn nữa đây là cơ hội học hỏi của Quân đội nhân dân Việt Nam với quân đội của các nước tiên tiến, thế giới sẽ ủng hộ Việt Nam nhiều hơn trong cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền lãnh thổ và biển đảo của tổ quốc).
Đề nghị thứ 9: Tất cả các hiệp định song phương và đa phương ký kết giữa Việt Nam và nước ngoài liên quan đến lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam đều phải được thảo luận ở Quốc hội trước khi ký kết. Mọi hiệp định hay công hàm ngoại giao liên quan đến nhượng bộ đất đai và biển đảo của tổ quốc đều không có giá trị, toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam là bất khả xâm phạm, cấm sửa đổi điều này trong Hiến pháp.
(Hoàng Sa và Trường Sa là mảnh đất thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Thế hệ hôm nay chưa lấy lại được Hoàng Sa, thì trách nhiệm này thuộc về các thế hệ tương lai, khi điều kiện và hoàn cảnh cho phép. Việt Nam cần lấy lại Hoàng Sa, ải Nam Quan, một nửa thác bản Dốc, dãy núi Đất. Chúng ta không đi ăn cướp, chúng ta chỉ lấy lại những gì thuộc về của mình, điều đó cũng hợp với mệnh trời và lòng người, cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao sẽ rất khó khăn nhưng chúng ta không lùi bước).
Đề nghị thứ 10: Tất cả các hiệp ước quốc tế một khi được ký kết, đều có giá trị cao hơn luật pháp, tuy nhiên khi luật quốc tế trái với Hiến pháp, để luật quốc tế được thực thi trên lãnh thổ Việt Nam, trước hết, Hiến pháp cần được sửa đổi.
Đề nghị thứ 11: Mọi công dân Việt Nam đều có quyền được sống, học tập và làm việc trong một môi trường trong lành. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước và nhân dân, Nhà nước phải làm mọi việc cần thiết để giữ gìn tài nguyên thiên nhiên vì một môi trường xanh, sạch, đẹp.
Kết luận
Trên đây là bài phân tích đi kèm những ý kiến đóng góp của một người con sống xa đất mẹ Việt Nam, với tấm lòng yêu quê hương thiết tha như bao nhiêu người con Việt Nam khác, người viết bài này kính mong Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội quan tâm đến ý kiến đóng góp của mình cũng như các ý kiến đóng góp của các trí thức ưu tú trong và ngoài nước. Là người Việt Nam, ai cũng mong muốn đất nước giàu mạnh, dân chủ, văn minh. Đất đai và biển đảo quê hương được giữ gìn để trao lại cho con cháu. Người viết bài này không có một ý định nào khác ngoài những ước nguyện trên. Đất nước Việt Nam đang phải hứng chịu nhiều mối đe doạ của chủ nghĩa dân tộc Đại Hán với chính sách bành trướng hung bạo. Trung Quốc thường xuyên hãm hại những ngư dân Việt Nam đánh cá trên vùng biển truyền thống của mình. Chủ quyền biển đảo quê hương đang dần bị thôn tính theo kiểu tằm ăn rỗi.
Nhân dân Việt Nam đã chịu nhiều mất mát hy sinh trong chiến tranh, nay lại thêm nạn tham nhũng hoành hành, cùng thói hách dịch và coi thường nhân dân của một bộ phận quan chức. Tài nguyên thiên nhiên của cha ông để lại, đang bị đào bới, khai thác vô tội vạ. Những nguy cơ về môi trường, an ninh, cùng sự mai một văn hóa của các dân tộc thiểu số là rõ ràng, thêm vào đó là các tệ nạn xã hội, nhất là nạn buôn người đang đe dọa đến đạo đức và truyền thống của dân tộc.
Chúng ta sẽ để lại gì cho con cháu mai sau ngoài các khoản nợ nước ngoài ngày càng gia tăng ? Tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chất lượng cuộc sống ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… đang bị giảm sút do môi trường ô nhiễm quá mức, những người dễ bị tổn thương nhiều nhất là người già và trẻ em.
Thế hệ tương lai sẽ nghĩ gì về chúng ta hôm nay, nếu như Việt Nam không đổi mới về chính trị ? Con tàu Việt Nam phải được những người tài giỏi và có tầm nhìn cầm lái. Chúng ta cần mạnh dạn tiến về hướng Tây, vì ở đó có dân chủ, đất nước sẽ giàu mạnh và chúng ta cần tránh xa hướng Bắc vì ở đó chỉ có sấm sét và giông tố đang đe dọa. Tiến về hướng Tây, Việt Nam hợp tác mật thiết với các nước như Mỹ, các quốc gia Châu Âu và cả Nhật và Ấn Độ sẽ tạo thế cân bằng đối trọng với Trung Quốc, thêm nữa sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi vòng kiểm soát của Trung Quốc mà vòng vây đang ngày càng siết chặt.
Đảng và nhà nước cần đổi mới về chính trị, một cuộc cải cách sâu rộng về chính trị đem lại tự do, dân chủ sẽ giúp Việt Nam xích lại gần hơn với các nước tư bản. Tất cả đều phụ thuộc vào Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ chỉ có lòng yêu nước và tư duy đổi mới sẽ chuyển biến những ý tưởng ấy thành sự thực.
Nhân dân Việt Nam đang chờ đợi quyết định của các đồng chí thông qua đợt sửa đổi Hiến pháp mang ý nghĩa lịch sử này.
LS Phan Thành Đạt
2 Comments
Le Thanh Nhan
Cam on tac gia ve mot bai viet rat cong phu va bieu lo long yeu Nuoc dang quy.
Xin gop y ve vai diem:
1. Xin tac gia xem lai cau trich bang tieng Phap: thieu chu “QUI” (Un gouvernement QUI….
2. Neu tac-gia dung chu “HOA KY” thay cho chu “MY” (Danh My cuu nuoc! Nhung nen dung Hien-phap Hoa-Ky) thi tot hon.
3. Toi nghi tranh dung chu “NHA NUOC” cua che do hien nay, vi no sai nghia. Nha nuoc = quoc-gia=etat cho khong phai gouvernement. Trong Mien Nam khong he dung chu “nha nuoc” de chi gouvernement ma dung chu “chanh phu” nhu Phap va Hoa Ky. Chung toi dung chu Ngan-hang Quoc-gia, Thu-vien Quoc-gia. Vi du: neu noi “NHA NUOC QUAN-LY” la khong dung, vi “etat” khong the quan-ly duoc ma phai “gouvernement.
Toi chi co y gop y xay dung va xin loi tac-gia va doc gia ve cac nhan xet thang than neu neu
virgo star sign
Aw, this was an incredibly nice post. Spending some time and actual effort to
produce a good article… but what can I say… I procrastinate a lot and never seem to get nearly anything done.