Tôi không quan tâm nhiều đến cuộc vận động sửa đổi hiến pháp ở Việt Nam hiện nay; rất hiếm khi tôi đọc các bài tham gia thảo luận, dù thuộc phe “lành mạnh” hay phe “suy thoái đạo đức” – nói theo chữ của Nguyễn Phú Trọng, vậy mà, cuối cùng, hôm nay lại ngồi viết về đề tài này. Có cái gì như oái oăm.
Hiến Pháp Cú Vọ
Có hai lý do chính khiến tôi không quan tâm đến một vấn đề có vẻ như rất quan trọng này.
Lý do thứ nhất: Tôi không tin mấy vào tác dụng của hiến pháp trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay. Trên nguyên tắc, hiến pháp được xem là văn kiện pháp lý quan trọng nhất trong sinh hoạt chính trị của một nước. Nó là nền tảng của pháp quyền. Nó là những nguyên tắc chủ đạo để xây dựng hệ thống luật pháp cũng như các thiết chế quyền lực. Nó là một thứ khế ước giữa những người cai trị và những người bị trị để mỗi bên, một mặt, nhận thức được quyền hạn và trách nhiệm của mình; mặt khác, tránh việc lạm quyền cũng như tạo sự tin cậy và đồng thuận trong việc theo đuổi những lý tưởng chung. Nó cũng đồng thời là một bảng giá trị để hướng tới tương lai và để nối kết thế hệ này với các thế hệ khác. Vừa có kích thước theo chiều ngang (giữa các tầng lớp khác nhau trong xã hội) vừa có kích thước theo chiều dọc (giữa các thế hệ), hiến pháp, một mặt, bảo đảm tự do và niềm tin cho dân chúng, mặt khác, tạo nên tính chính đáng và từ đó, sức mạnh cho nhà nước.
Tuy nhiên, dù có ý nghĩa lớn lao như vậy, hiến pháp vẫn cũng chỉ là một văn bản được hình thành bằng chữ viết. Từ văn bản đến hiện thực, nó cần hai bước kế tiếp: Một, được diễn dịch; và hai, được thực hiện. Kinh nghiệm cho thấy, ở Việt Nam từ mấy chục năm nay, chính ở hai bước này, nhà cầm quyền luôn luôn gian lận. Hiến pháp ghi nhận quyền tự do ngôn luận ư? Nhưng nhân dân mới mở miệng ra để có “vài lời” với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là đã bị đuổi việc ngay tức khắc (trường hợp phóng viên Nguyễn Đắc Kiên mới đây); mới lên tiếng chống lại ngoại xâm là đã bị đạp vào mặt (trường hợp Nguyễn Chí Đức) hoặc bị bắt bỏ tù (Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần…). Bây giờ, một số điều khoản trong hiến pháp được sửa lại cho hợp tai hơn nhưng nếu nhà cầm quyền vẫn sẵn sàng chà đạp lên tất cả các điều khoản hay ho ấy thì sao? – Thì cũng chả có gì thay đổi cả. Trong thế giới chính trị, cần phân biệt tu từ (rhetoric) và thực tế. Hiến pháp, nếu không được tôn trọng và ứng dụng, chỉ là một hình thức tu từ. Trong chính trị, phần lớn các hình thức tu từ chỉ có tác dụng mê hoặc và lừa dối.
Lý do thứ hai: Tôi ngờ cuộc vận động sửa đổi hiến pháp lần này chỉ là một trò chơi chính trị của nhà cầm quyền Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam đã có bốn bản hiến pháp: 1946, 1959, 1980 và 1992 và một lần sửa hiến pháp (2001). Ở đây, tôi không bàn đến nội dung; tôi chỉ bàn về thời điểm: nói chung, cả bốn thời điểm ấy đều hợp lý. Năm 1946, mới thành lập chính quyền; năm 1959: sau hiệp định Geneve, đảng Cộng sản nắm chính quyền ở cả miền Bắc; năm 1980, sau khi đất nước thống nhất; và năm 1992, sau khi áp dụng chính sách đổi mới cũng như sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa bị sụp đổ hoàn toàn ở Liên Xô và Đông Âu. Nhưng còn bây giờ? Tình hình có gì đổi mới đến độ phải sửa đổi hiến pháp? – Có. Chỉ có một vấn đề lớn: xu hướng dân chủ hóa. Tuy nhiên, điều chắc chắn là đảng Cộng sản không hề có ý định sửa đổi hiến pháp để đáp ứng lại xu hướng dân chủ hóa ấy. Chắc chắn là họ sẽ không đụng đến các điều khoản căn bản như vấn đề đa nguyên, đa đảng hay vấn đề phân quyền để bảo đảm dân chủ. Chưa gì Nguyễn Phú Trọng đã lên án những người đề nghị bỏ điều 4 trong hiến pháp Việt Nam là những kẻ “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, hơn nữa, còn yêu cầu chính quyền “quan tâm xử lý” (hiểu theo nghĩa là cấm đoán, trù dập hay bắt bớ!).
Nhưng nếu không có ý định thay đổi mà họ vẫn tổ chức một cuộc vận động rầm rộ như vậy, họ nhắm đến điều gì? Theo tôi, lý do đơn giản: để đánh lạc hướng dư luận. Để mọi người có ảo tưởng là họ đang rục rịch thay đổi. Để mọi người xúm vào trò chơi chữ nghĩa và quên đi những vấn đề quan trọng khác. Thì cứ quan sát mà xem: Từ khi có cuộc vận động ấy, ngay trên các tờ báo mạng và blog độc lập nhất ở trong nước, người ta hầu như chỉ tập trung bàn cãi về vấn đề hiến pháp. Nạn tham nhũng tạm thời bị gác lại. Sự lỗ lã và từ đó nợ nần chồng chất của các đại công ty quốc doanh cũng như sự kiệt quệ của kinh tế Việt Nam bị tạm thời gác lại. Vấn đề Biển Đông cũng tạm thời bị gác lại. Người vui nhất trong các cuộc vận động này chắc chắn không ai khác hơn là Nguyễn Tấn Dũng, “đồng chí Ếch” một dạo được nhắc nhở hầu như hàng ngày.
Với hai lý do nêu trên, tôi không thấy có gì đáng quan tâm đến cuộc vận động sửa đổi hiến pháp tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, tôi vẫn viết bài này. Như một sự cảnh giác.
Xin nói thêm, liên quan đến hiến pháp nói chung, có mấy vấn đề cần được lưu ý:
Thứ nhất, mặc dù có tầm quan trọng như vậy, không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có hiến pháp thành văn. Ít nhất ba nước không có: Anh, New Zealand và Do Thái. Nhưng hầu như không ai nghi ngờ tính chất dân chủ ở ba nước ấy cả. Như vậy, vấn đề không phải là văn bản hay văn kiện. Vấn đề chính là sự tôn trọng của mọi người, từ giới cầm quyền đến dân chúng, đối với những nguyên tắc pháp quyền và dân chủ nói chung.
Thứ hai, không phải hiến pháp nào dài dòng và rườm lời là hay. Bản hiến pháp cổ nhất thời hiện đại và cũng là mẫu mực cho hiến pháp của hầu hết các quốc gia khác là của Mỹ. Được viết năm 1787, thông qua năm 1788 và có hiệu lực từ năm 1789, đó là bản hiến pháp ngắn nhất thế giới: nó chỉ có 4.543 từ (trong đó chữ “dân chủ” – democracy- không hề xuất hiện). Trong khi đó bản hiến pháp của Ấn Độ dài đến 117.369 từ (căn cứ trên bản tiếng Anh), được xem là bản hiến pháp của quốc gia dài nhất trên thế giới (ở một số nước, như Mỹ, một số tiểu bang cũng có hiến pháp riêng. Ở phạm vi tiểu bang, hiến pháp của tiểu bang Alabama, với 340.136 từ, dài gấp ba lần hiến pháp Ấn Độ; và gấp 40 lần hiến pháp của nước Mỹ). Không ai dám nói Mỹ ít dân chủ hơn Ấn Độ cả. (Ở Việt Nam, sau mỗi lần thay đổi, hiến pháp lại dài ra: bản 1946 có 70 điều khoản; năm 1959: 112 điều khoản; năm 1980 và 1992: 147 điều khoản. Tôi không tính từ vì trên computer chỉ tính được từng tiếng rời – đúng hơn là âm tiết, syllable – thôi.)
Thứ ba, như Dawn Oliver và Carlo Fusaro ghi nhận trong cuốn How Constitutions Change: A Comparative Study (Hart Publishing, 2011, tr. 405-433), chuyện sửa đổi hiến pháp, với những mức độ và dưới những hình thức khác nhau, là điều bình thường: Mỗi hiến pháp đều vừa có tính vững chắc để phác họa những hướng phát triển chiến lược lâu dài lại vừa có tính uyển chuyển đủ để đáp ứng các thay đổi của từng thời đại, thậm chí, từng thời kỳ. Tuy nhiên, như Jose Luis Cordeiro ghi nhận trong bài “Constitutions around the world: a view from Latin America”, việc sửa đổi hiến pháp quá nhiều không phải là một dấu hiệu tốt. Trên thế giới, không có nơi nào người ta thay đổi hiến pháp nhiều bằng ở vùng châu Mỹ Latin. Theo thứ tự: Dominican Republic (32 lần), Venezuela (26 lần), Haiti (24 lần), Ecuador (20 lần), El Salvador, Honduras và Nicaragua (cả ba đều 14 lần). Tất cả các nước này đều liên tục bị bất ổn. Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là sự cố định của một bản hiến pháp, tự nó, không phải là điều hay: ở hầu hết các quốc gia độc tài ở Trung Đông và châu Phi, người ta chẳng tha thiết gì đến việc sửa đổi hiến pháp cả.
Vấn đề, như Cordeiro nhấn mạnh, là ở chỗ: “Câu trả lời cho những khủng hoảng về kinh tế và chính trị không phải là có nhiều luật hơn, đặc biệt nếu chúng xấu hoặc không được ứng dụng hoặc không thể ứng dụng. Tốt hơn hết là có ít luật: Đó là những luật tốt và được tôn trọng. Luật lệ không được thiết chế hóa cũng như không được tôn trọng là những luật lệ vô ích.”
Ở Việt Nam hiện nay, cũng như ở nhiều quốc gia độc tài trên thế giới, hiến pháp chỉ là một trò chơi tu từ (rhetorical game).
Nó vô ích.
Dĩ nhiên, nếu khéo léo, những người đối lập hoặc độc lập vẫn có thể biến trò chơi tu từ vô ích ấy thành một thứ cơ hội tốt để đạt được hai mục tiêu chính: một, gây nên một phong trào tranh luận thực sự trong dân chúng về những vấn đề chính trị quan trọng trong nước để, qua đó, rèn luyện ý thức công dân và hướng đến việc hình thành một xã hội dân sự tại Việt Nam; và hai, qua hiến pháp, đặt vấn đề về bản chất của chế độ và nhu cầu dân chủ hoá chế độ.
Làm giỏi, người ta có thể đẩy chính quyền và đảng lãnh đạo – những kẻ gài bẫy – vào thế bị sập bẫy.
TS Nguyễn Hưng Quốc
2 Comments
Tha Nhân
Kính tặng tác Giả bài viết này, như một đồng cảm:
SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP CHỈ LÀ BÁNH VẼ*
DÂN VIỆT NAM LẠI ĐƯỢC ĂN BÁNH VẼ
DÂN tớ từ xưa bị phỉnh rồi
VIỆT nòi đôn hậu tiếng lâu đời
NAM phương Âu Lạc xây cơ nghiệp
LẠI có sách Trời chỉ rõ nơi
ĐƯỢC lão Hồ già mê ngoại thuyết
ĂN tươi nuốt sống cả dân tôi
BÁNH trông hấp dẫn dung không đặng
VẼ mãi giờ đây lại vẽ chơi
Vẽ mãi giờ đây lại vẽ chơi
Sửa thêm lần nữa vững thêm ngôi
Nhìn qua ‘’Nhà nước’’ đang thay đổi
Ngó lại ‘’chính quyền’’ chỉ giỡn thôi
Tiếng nói người dân ‘’sai hỏng’’ cả
Lập trường ‘’lãnh đạo’’ ‘’đúng’’ muôn đời?
Cũng vì thời thế bày ra thế
Lòe mắt nhân gian một chút chơi
Tha Nhân
• Trước tin nhà nước VN lấy ý kiến của Nhân dân trong việc
sửa đổi HP kỳ này. 1. 12. 2013
UYên
Đối với đa số người dân VN có trình độ hiểu biết hạn chế, nhất là về lĩnh vực pháp lý, khi hỏi họ HP là gì, thì câu trả lời sẽ là “Biết rồi khổ lắm hỏi mãi!”. HP là gì? Câu trả lời chắc chắn sẽ để dành cho giới trí thức và các chính khách.
Một thường dân như tôi, đã hơn một lần góp ý với những bài báo nói về HP trên báo Dân Luận. Nay tôi lại làm chuyện đó ở đây vì thấy hợp ý với ông Quốc. HP tốn quá nhiều thời gian và sự chú ý của xã hội. Trong khi tầng lớp bình dân Vn chúng tôi đang cần biết, cần xác định ý nghĩa của “đảng phái”, nó nằm trong cái điều 4, cái điều đã gây ra rất nhiều điều tiếng, chứ không phải cả cái HP.
Riêng ở VN, đảng phái là gì mà nó được xem là quá quan trọng, đôi khi lại quá linh thiêng như vậy? Đối với tôi, những người mê tín, cuồng tín, ngay cả vô thần, tất cả họ đều không hiểu gì về tôn giáo. Ngay cả tôn giáo, nó tồn tại cũng chỉ để phục vụ con người. Đảng phái là gì? Câu trả lời sẽ khác nhau đối với những nền văn hóa và dân trí khác nhau. Sự khác nhau ở những câu trả lời cũng là một điều kiện để khẳng định hay phủ nhận cái điều 4 đó trong HPVN. Đảng phái là phương tiện hay là mục đích?
Nếu thật sự mọi người Vn ngay cả các đảng viên ĐCS đều có hiểu biết đúng đắn đảng phái là gì thì có lẽ chúng ta cũng không mấy khó khăn để tiến tới một thay đổi khôn ngoan, phù hợp cho dân tộc chúng ta hiện nay. Không nhận thức đúng đắn về đảng phái lâu ngày nó sẽ trở thành văn hóa, nó sẽ biến chúng ta trở thành cuồng tín như bản năng của loài cá hồi tìm mọi cách trở về nơi mình đã được ra đời chỉ để chết.
Thật vậy, nếu mọi người VN chúng ta đều nghĩ đơn giản và hành động như một vị Thủ Thướng Nhật- Vì nước Nhật, cho dù phải đập bỏ một cái đảng nào đó. Tổ Quốc và Dân Tộc là trên hết. Đảng phái chỉ dùng để chuyên chở cho dân Tộc. Nếu phương tiện đó không hữu hiệu hoặc có dấu hiệu đang lao xuống vực thì hãy thản nhiên rời bỏ nó. Rời bỏ nó, đễ hay khó tùy vào nhận thức như thế nào về cái mà tôi vừa đề cập.
Bất cứ một dân tộc nào, nếu đang sở hữu một nền văn hóa thấp kém thường dễ sa vào hiện tượng sùng bái, sùng bái cá nhân, lãnh tụ, sùng bái đảng phái, có khi sùng bái ngay cả những món vật dụng thông thường. Sinh ra một đứa con, mua một chiếc xe, do tình cờ, trùng hợp đúng lúc họ làm ăn thành công thì chuyện sùng bái cũng sẽ xãy ra. Đứa con sẽ được cư xử đặc biệt hoặc chiếc xe đó sẽ được sở hữu và bảo vệ vĩnh viễn… Ngược lại, nếu họ gặp thất bại thì đứa con hoặc chiếc xe đó cũng sẽ mang một số phận không đáng có. Hiện tượng này là thường tình ở VN.
Không chỉ những đảng viên ĐCS, những người có dính dáng quá sâu nặng về quyền lợi đảng phái của họ, mà ngay cả không ít những người dân thường cũng đễ ngộ nhận về ĐCS đối với những sự kiện lịch sử của dân tộc VN. Họ không thể tách bạch, phân biệt được sự khác biệt tận trong bản chất giữa hai phạm trù Dân Tộc và đảng phái. Quyền lợi hoặc ngộ nhận đều dẫn tới sự mù quáng. Và không thể loại trừ trường hợp quyền lợi sẽ lợi dụng sự ngộ này trong dân để thực hiện việc “Lấy ý kiến rộng rãi trong dân” nhằm dễ dàng hợp lý và hợp pháp hóa HP.
Tôi không đủ trình độ lý luận để tạo thành một phong trào trong dư luận, trong cộng đồng nhằm gây ý thức và giúp xã hội nhất là các đối tượng thường dân hiểu rõ hơn về đảng phái. Nên tôi muốn trao đổi với ông Quốc thiển ý này. Nếu ông thấy ít nhiều tôi có lý thì bằng trình độ và khả năng của ông tôi hy vọng tương lai sẽ có nhiều công dân VN giác ngộ ra, đôi khi, những thứ từng được mình thành kính cất giữ chỉ là những thứ vô nghĩa, thậm chí rác rưỡi.