Hiện tương cộng sản thân hữu là một chủ đề nóng bỏng tại hiện nay tại Trung Quốc và Việt Nam. Tại Việt Nam, trong thời gian trước mắt, vấn đề này sẽ còn tiếp tục nằm ở hàng đầu chương trình nghị sự của Bộ Chính Trị. Vì hiện tượng này liên quan mật thiết với các thành phần tư bản đỏ, cho nên chúng ta phải bớt chút thời giờ tìm hiểu xem mối tương quan giữa hai thuật ngữ này như thế nào.
Xin mời qúy vị độc giả đọc tiếp những đoạn viết sau đây.
Hiện tượng thân hữu (Cronyism) trong chính trị
Tinh thần thân hữu là một điều tốt đẹp đáng được trân trọng. Tuy nhiên, một khi tinh thần này được áp dụng vào lãnh vực chính trị, nhất là công quyền, thì nó trở thành một tệ nạn, có khi làm băng hoại cả một chế độ.
Cronyism trong chính trị là một thói xấu, một tập quán không lành mạnh. Đó là tập quán của những người nắm quyền lực, thích bổ nhiệm bạn bè hay những người quen biết mình vào những chứv vụ công quyền mà không quan tâm gì đến năng lực hoặc phẩm chất của người được cất nhắc.
Trong chính trị,,đây là nguồn gốc của nạn tham nhũng. Ở các quốc gia dân chủ, để phòng ngừa căn bệnh này, người ta có những nguyên tắc, những quy định chặt chẽ trong việc bổ nhiệm các chức vụ công quyền. Nhưng ở các nước độc tài, như Trung Quốc và Việt Nam, thì đây là những mảnh đất tốt cho tệ nạn này phát triển.
Ở Việt Nam, gần đây, đã có những tiếng la hoảng về chuyện lãnh đạo đưa bà con thân thích vào chức vụ này, chức vụ kia. Cho nên hiện tượng thân hữu (hay thân tộc)cần được nghiên cứu rõ ràng, minh bạch, để loại trừ nó khỏi nền văn hóa chính trị của nước ta.
Bản chất của tư bản thân hữu
Từ ý nghĩa ban đầu của danh từ crony (bạn bè, thân tín) đã phát sinh thêm một ý nghĩa mới được dùng để chỉ một nhà “tư bản thân hữu” nghĩa là một nhà tư bản thông đồng, móc ngoặc với các quan chức trong chính quyền để tìm kiếm lợi ích cho riêng mình bất chấp lợi ích chung của toàn xã hội.
Sự khác nhau căn bản giữa các nhà tư bản thông thường và các nhà tư bản thân hữu là ở chỗ: trong khi các nhà tư bản thông thường tìm kiếm “lợi nhuận” (profit-seeking) thì các nhà tư bản thân hữu lại tìm kiếm “đặc lợi” (rent-seeking).
“Lợi nhuận” là tìm kiếm được bằng cách làm ăn chân chính làm cho của cải tăng lên, hoặc làm cho dịch vụ có phẩm chất cao hơn, trong khi “đặc lợi”, còn gọi là siêu lợi nhuận, thì không làm như thế. Đặc lợi như vay vốn ưu đãi hoặc nhận tài trợ của chính phủ, là tìm cách có nhiều tiền hơn mà không sản xuất nhiều hơn. Đó là nguồn gốc của nạn tham nhũng.
Cronyism (hiện tượng thân hữu), không những chỉ cản trở phát triển kinh tế mà còn làm mất tự do vì nó đàn áp tự do ngôn luận, loại bỏ các cố gắng nghiên cứu, và gây nguy hiểm cho các cơ hội về nghề nghiệp.
Sự phát triển của cronyism có thể đưa đến chế độ “đạo tặc”(kleptocracy) là một chế độ trong đó các nhà lãnh đạo thường coi ngân khố quốc gia như là một kho tiền cho bản thân và gia đình tùy tiện tiêu xài theo ý muốn. Các nhà lãnh đạo kiểu đạo tặc này thường chuyển tiền ăn cắp vào các cảng trú ẩn thuế (tax haven) ở nước ngoài.
Các cảng trú ẩn thuế hiện nay ơ quần đảo Virgin thuộc Anh hay quần đảo Cook hoặc Samoa. Những người có tài khoản lớn tại các ngân hàng này là : con trai của Ôn Gia Bảo, con rể của Tập Cận Bình, cá nhân của Hồ Cẩm Đào, cá nhân của Lý Bằng, cá nhân của Đặng Tiểu Bình…
Hiện tượng cộng sản thân hữu và tư bản đỏ
Tại Trung Quốc ngày nay, bên cạnh hiện tượng “tư bản thân hữu” còn có hiện tượng “cộng sản thân hữu” và các nhà “tư bản đỏ” tức là các nhà tư bản đồng thời là đảng viên cộng sản.
Mặc dầu viêc kết nạp các nhà tư bản đã bị cấm chỉ từ sau sự kiện Thiên An Môn (1989) nhưng từ năm 2001, sau khi Giang Trạch Dân đọc bài diễn văn nổi tiếng về học thuyết Ba Đại Diện thì Đảng cầm quyền đã mở lại cửa để đón nhận những nhà tư bản làm ăn giỏi.
Nhà nước cộng sản và giới doanh nhân hợp tác với nhau vì họ có chung một mục tiêu : đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Do đó hình thành một mối quan hệ cộng sinh đầm ấm và ổn định. Các nhà tư sản ủng hộ dân chủ tại Trung Quốc chi chiếm một số rất nhỏ trong quan hệ cộng sinh này, trong khi đa số là các nhà tư bản đỏ đã công khai cộng tác với Đảng cầm quyền để cùng tồn tại và cùng hưởng lợi.
Nói tóm lại, các nhà tư bản đỏ là cái gạch nối giữa đảng cộng sản cầm quyền và giai cấp tư bản đỏ. Quyền và tiền quyện chặt với nhau để trở thảnh nguồn gốc của nạn tham nhũng càng ngày càng trầm trọng tại Trung Hoa lục địa.
Tại đây, giai cấp tư sản đỏ phát triển rất nhanh chóng. Vào thời điểm 3/2/1015 báo cáo của Hurun Report cho biết Trung Quốc có 430 tỷ phú, chỉ sau Hoa Kỳ có khoảng hơn 100 người, nhưng cũng theo báo cáo này thì vào ngày 15/10/2015 Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới với 596 tỷ phú, vượt Hoa Kỳ khoảng150 người. Uông Kiệm Lâm là người giàu nhất Trung Hoa lục địa hiện nay.
Các nhà tư bản đỏ đang là xương sống của hiện tượng cộng sản thân hữu tại Trung Quốc.
Nó trở thành một tệ nạn khó chữa vì mối liên hệ giữa quyền và tiền đem lại tính chính danh mà các nhà nghiên cứu trong thế giới văn minh Tây Phương chưa nhìn thấy.
Nhiều người không tin tưởng vào sự thành công của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”của Tập Cận Bình mà chỉ coi đó là một nỗ lực chống tham nhũng bình thường, một cuộc đấu đá nội bộ nhằm hạ bệ một phe phái khác để củng cố quyền lực cho tập đoàn lãnh đạo mới.
Bào Đồng, nguyên cố vấn lâu năm cho Triệu Tử Dương nhận xét một cách thực tế rằng : “Mao Trạch Đông quốc hữu hoá tài sản cá nhân. Đặng Tiểu Bình chuyển giao tài sản quốc gia vào tay giới tinh hoa của Đảng. Kết quả là hiện nay các “thái tử Đảng”kiểm soát phần lớn của cải ở Trung Quốc”. Vì thế ông không tin là cuộc đấu tranh của Tập Cận Bình sẽ dẫn đến một kết quả cụ thể nào. Nếu Trung Quốc còn tiếp tục đi theo con đường của Đặng Tiểu Bình thì quốc gia này sẽ không giải quyết được nạn tham nhũng.
Việt Nam và mô hình Trung Quốc
Tại Việt Nam hiện tượng cộng sản thân hữu cũng phát triển theo cùng một hướng với Trung Quốc, tuy có phần hơi chậm.
Mãi đến năm 1986 Đảng CSVN mới quyết định đổi mới kinh tế. Mười lăm năm sau (2001) Đại Hội 9 mới chính thức thừa nhận kinh tế tư nhân là bộ phận quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tại Đại Hội 10 (2006) đảng CSVN mới chính thức cho phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân. Có thể coi đây là một bước ngoặt quan trọng : một đảng được thành lập nhân danh nhân dân lao động bắt đầu từ thời gian này đã trở thành một đảng của quyền và tiền.
Từ nay, đảng viên CSVN có thể làm giàu và trở thành tư bản mà không sợ mang tiếng là bóc lột và áp bức, chỉ cần tuyệt đối trung thành với Đảng. Các nhà tư bản đỏ của nền kinh tế thị trường theo định ướng xã hội chủ nghĩa được gọi là doanh nhân. Các hội doanh nhân mọc lên như nấm: ngoài các hội doanh nhân thông thường còn có các hội nữ doanh nhân, doanh nhân trẻ, doanh nhân cựu chiến binh…
Trong thực tế tham nhũng và hối lộ đã rộng khắp và trở thành chất dầu bôi trơn cho cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kể cả những người được coi là cứng cỏi nhất cũng phải chấp nhận quy luật này.
Ở Việt Nam, ngoài các nhà tư bản đỏ còn có các “tập thể tư bản đỏ”của chính quyền và của Đảng đua nhau lao vào lãnh vự kinh doanh. Vì vậy mà Việt Nam đã thành hình một mạng lưới của hiện tượng cộng sản thân hữu khắp nơi với hàng ngàn, hàng vạn cửa ngõ thông thương giữa Đảng, Nhà Nước và lãnh vực kinh doanh. Chính vì lý do này mà công cuộc chống tham nhũng so với bên Trung Quốc còn khó khăn gấp bội.
Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính Trị mới sẽ chọn con đường nào ? Chống tham nhũng bằng cách làm trong sạch Đảng từ bên trong, giống như bên Trung Quốc, hay chống tham nhũng bằng cách mở cửa cho toàn dân tham gia.
Đi theo con đường thứ hai sẽ có thể lảm “vỡ bình” như Trọng đã có lần lưu ý, nghĩa là có thễ làm tổn thương đến Đảng, nhưng Đảng thì không bao giờ quan trọng bằng quốc gia, dân tộc . Nếu không nhanh trí và can đảm nhận ra được con đường thích hợp thì nhân dân sẽ đứng lên để tự mình tìm con đường phải đi theo .
Nguyễn Cao Quyền
Tháng 7 năm 2016