Hoa Kỳ muốn sử dụng TPP để tạo ra một nền kinh tế hợp nhất trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương ngõ hầu có thể đối trọng lại với sự phát triển quá nhanh của Trung Quốc. Trung Quốc đã có lúc thể hiện ý định muốn tham gia TPP nhưng nhiều điều khoản hiện tại của TPP dường như được thiết lập để cố tình không cho Trung Quốc có cơ hội gia nhập, chẳng hạn như nguyên tắc dưới đây.
Với TPP các công ty và tập đoàn quốc tế sẽ có khả năng đem chính phủ của các quốc gia thành viên ra Tòa Án Đặc Biệt của TPP, khi các quốc gia này đặt ra các luật lệ, chính sách đi ngược lại với chỉ tiêu của TPP. Tòa án này có quyền bắt chính phủ đền bù không những cho các thiệt hại đã xảy ra mà còn cả những mất mát và cơ hội trong tương lai của các tập đoàn và công ty quốc tế.
Đối với Việt Nam thì TPP là một bước ngoặt, sẽ làm thay đổi cuộc chơi trong nền thương mại Việt Nam đối với thế giới. Sau đây là một số điều căn bản cần biết về hiệp định này. Xin mời qúy độc giả bớt chút thời giờ theo dõi.
Sự vụng tính của G2 và sự xuất hiện của TPP
Cho tới khi xảy ta cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, giới tài phiệt Mỹ đã cấu kết với tư bản cộng sản Tầu để cùng thực hiện ý tưởng Mỹ-Trung đồng ngự trị kinh tế toàn cầu, gọi tắt là G2. Sự hợp tác này được phân công như sau : tư bản CSTQ cung ứng nhân công rẻ tiền còn tư bản tài phiệt Mỹ đóng gòp tiền tài, kỹ thuật, trí óc…
G2 đã biến Trung Quốc thành một công xưởng thế giới chế tạo hàng hóa rẻ tiền, lũng đoạn thị trường kinh tế thế giới. Nhờ sự cộng tác này tư bản Mỹ và Tàu đã thâu được rất nhiều lợi nhuận.
Khi khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra và lan tràn khắp mọi nơi, tư bản Mỹ mới nhận thức được rằng chỉ vì hám lợi, họ đã đưa thòng lọng cho tư bản Tầu thắt cổ mình : công nghệ Mỹ bị đình đốn, thất nghiệp tặng cao, chênh lệch xuất khẩu mỗi ngày một lớn, tạo ra khủng hoảng tài chính.
Để dân Mỹ có tiền tiếp tục mua hàng Tàu, Trung Quốc lấy Đô La thu được từ xuất khẩu đưa lại cho Mỹ vay khiến Mỹ trở thành con nợ lớn nhất của Trung Quốc. Trái lại, để hạ giá hàng xuất khẩu, CSTQ thẳng tay bóc lột sức lao động của 200 triệu công nhân trong nước. Nhóm công nhân này chỉ nhận được 30% GDP còn 70% GDP được phân chia cho các tập đoàn kinh tế của Đảng và cho các tập đoàn tư sản mại bản liên kết với Đảng. Chính vì vậy mà nền kinh tế Trung Quốc giữ được mức tăng trưởng cao nhất thế giới.
Đã vậy Trung Quốc lại còn gian lận. Ăn cắp trí tuệ, bằng sáng chế đề làm đồ “nhái” , khiến hàng cao cấp của Mỹ không xuất khẩu được. Trung Quốc cũng dìm giá đồng Yuan và gắn chặt đồng Yuan với đồng Đôla Mỹ, để dân Mỹ có thể mua hàng Trung Quốc với giá rẻ mạt, trong khi người dân Trung Quốc thì không thể nào mua được hàng nhập khẩu cũa Mỹ vì gía quá đắt. Mỹ nhập siêu của Trung Quốc gấp 4 lần nhiều hơn xuất siêu. Nội trong năm 2010 thâm thủng mậu dịch Mỹ đối với Trung Quốc đã lên tới 270 tỷ USD.
Muốn cắt đứt cái trò gian lận này Mỹ chỉ còn cách đem những quy định của TPP về sở hữu trí tụê, về an ninh xã hội, về bảo vệ môi trường, về chế độ lương bổng làm hàng rào ngăn cản hàng rẻ tiền của Trung Quốc, đồng thời di chuyển những công xưởng sản xuất của Mỹ sang các nước đang phát triển của khối TPP như Việt Nam và Mexique. Chỉ có bằng cách này, cán cân xuất nhập khẩu của Mỹ mới có thể cân bằng hơn.
Đặc tính của TPP, một sáng tác của Mỹ
TPP không phải là hậu thân của P4 (Pacific four closer Economic Partnership) ký năm 2005 giỡa bốn nước Brunei, Singapore, Chile, New Zealand, mà là một sáng kiến của Mỹ. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Việt Nam và 9 nước khác đã hy vọng hoàn thành ký kết TPP trong tháng 10/2015. Sau đây là một số điều căn bản về TPP cần nhận biết.
TPP là cách viết tắt của “Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement” tức Hiệp Định Hợp Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương , một thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia của khu vực Á Châu-Thái Bình Dương. Các quốc gia đó là Brunei, Úc, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Việt Nam, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Hiệp Định TPP là sự tập hợp kinh tế của các quốc gia thành viên phát triển và đang phát triển thành một cộng đồng thương mại tự do không còn hàng rào quan thuế. Cộng đồng này gồm 800 triệu người, nắm 4o% kinh tế thế giới, 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu, với hai nước chủ chốt là Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Hoa Kỳ muốn TPP sẽ là điểm chốt mới của họ tại Châu Á sau nhiều năm Mỹ đã lún quá sâu vào khu vực Trung Đông, và muốn dùng TPP để tạo ra một nền kinh tế hợp nhất trong khu vực để có thể đối trọng lại với sự phát triển quá nhanh của Trung Quốc.
Phải thành lập TPP vì Hoa Kỳ thấy rằng WTO hiện có tới 161 thành viên. Một trong những nhược điểm của mô hình này là sự khó khăn và mất thời giờ để tiến tới một thỏa thuận chung liên quan đến bất kỳ một vấn đề gì. Chính bản thân TPP sẽ tạo ra những điều luật quốc tế có khả năng điều chỉnh chính sách và hướng đi của luật pháp trong từng quốc gia thành viên. Nhiều điều luật trong TPP còn có ảnh hưởng thay đổi chê độ pháp lý của các quốc gia thành viên nữa.
Thỏa thuận TPP gồm 29 chương trong đó chỉ có 5 chương là trực tiếp lên quan đến vấn đề trao đổi hàng hóa dịch vụ. Các chương còn lại liên quan đến các chuẩn mực, các tiêu chuẩn khác nhau về môi trường, chất lượng lao động, luật lệ tài chính, thực phẩm, thuốc men. Điều đáng chú ý là TPP sẽ bắt loại bỏ nhiều lợi ích của các công ty nhà nước để tạo cơ hội cạnh tranh cho các công ty tư nhân.
Với TPP các công ty nước ngoài và quốc tế sẽ có khả năng đưa các chính phủ của các quốc gia thành viên ra một Tòa Án Đặc Biệt của TPP nếu các quốc gia này đặt ra các luật lệ, chính sách đi ngược lại với các chỉ tiêu của TPP. Tòa án đặc biệt này có quyền bắt chính phủ đền bù không những cho các thiệt hại xảy ra, mà còn cho cả các mất mát vể cơ hội trong tương lại của các tập đoàn hay công ty quốc tế.
Việt Nam và lợi ích trước mắt khi gia nhập TPP
Trong đường dài, TPP có thể sẽ khiến cho nhà cầm quyền cộng sản VIệt Nam khó lòng áp dụng các chính sách bóc lột nhân công, cũng như sử dụng các tài nguyên trong nước một cách bừa bãi vô trách nhiệm.
Đối với Việt Nam nhiều người cho rằng bản hiệp ước này có thể mang lại nhiều lợi ích nhất, trong số 12 nước tham gia TPP. Chẳng hạn như mức xuất cảng của Việt Nam sẽ có thể tăng thêm 68 tỷ USD vào những năm tới.
Việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ và Nhật Bản không còn tính thuế nhập cảng cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra sức kích thích mạnh chẳng hạn như đối với ngành dệt may. Một số các đại công ty trên thế giới đã cân nhắc đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu biến nơi đây thành một trong những cứ điểm quan trọng cho tiến trình sản xuất của họ.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi đó, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khác mặc dầu những bất trắc này có thể kiểm soát được. Để thực thi những điều khoản của Hiệp ước TPP, Việt Nam sẽ phải sửa đổi hay điều chỉnh một sỗ quy định luật pháp về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tụê, lao động và môi trường .
Về sinh hoạt xã hội, TPP có thể làm một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn và làm cho công nhân thất nghiệp lúc ban đầu khi mà những ngành này không thể cạnh tranh nổi với những quốc gia khác.
Các khó khăn về vấn đề Công Đoàn Độc Lập
Vấn đề Công Đoàn Độc Lập đứng ngoài sự kiểm soát của Tổng Công Đoàn Lao Động Việt Nam đã được giới chính trị Mỹ quan tâm. Trong hàng ngàn điều khoản được ký kết giữa Mỹ và các nước trong khuôn khổ hiệp định TPP tờ New York Times đã chọn những điều khoản ký triêng với Việt Nam (Chương 19, Phần III) về hoạt động công đoàn ở Việt Nam để giới thiệu toàn văn hiệp định này trong một bài báo có tựa “Việt Nam đồng ý với các điều kiện của Mỹ về quyền lao động”. Bài báo này trích lời một quan chức ngoại giao Mỹ cho rằng thỏa tuận này đưa đến những cơ hội tốt nhất từ trước đến nay để thay đổi định chế ở Việt Nam.
Nhận định lạc quan của viên chức này không được chia sẻ một cách phổ quát. AFL-CIO, tổ chức liên đoàn lao động Mỹ đã lên tiếng bày tỏ sự ngờ vực tính thực tiễn của các điều khoản nói trên. Trong những ngày này, khi Hiệp Định TPP chưa được quốc hội Mỹ thông qua, AFL-CIO vẫn vận động để quốc hội Mỹ đánh bại nó. Nhưng trong các trao đổi riêng, những người lãnh đạo lao động Mỹ thừa nhận rằng, nếu Việt Nam tôn trọng và thực thi các điều khoản đã ký kết với Mỹ thì đây là một cơ hội lớn chưa bao giờ có để giới lao động Mỹ liên kết với giới lao động Việt Nam trong cuộc đấu tranh chung của người lao động ở hai quốc gia.
Ba thập niên “Đổi Mới” đã trôi qua và đã làm diện mạo của nền kinh tế Việt Nam thay đổi. Tuy nhiên có một thứ không hề đổi thay : đó là tổ chức của người lao động. Tổng Công Đoàn Lao Động VN, mặc dầu trên danh nghĩa là tổ chức của người lao động VN, nhưng điều duy nhất họ làm được trong 30 năm qua là kìm hãm sự phát triển về nhận thức và về tổ chức của hàng triệu người lao động mà họ đại diện.
Thế giới đã bước sang thế kỷ 21 nhưng người lao động Việt Nam vẫn chưa có một tổ chức để đấu tranh với giới chủ nhằm bảo vệ quyền lợi thiết thân của họ. Cho đến khi Việt Nam gia nhập TPP với Mỹ và 10 nước khác, lần đầu tiên trong gần nửa thế kỷ, lịch sử lao động Việt Nam mới có triệu chứng lạc quan.
Việc Việt Nam gia nhập TPP sẽ làm cho giới lao động Mỹ hỗ trợ lao động Việt Nam trong việc tổ chức và đấu tranh cho quyền lợi của mình. Họ làm như thế không phải vì “lý tưởng” lao động thế giới mà vì chính quyền lợi thiết thân của họ.
Những hỗ trợ ban đầu của AFL-CIO sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giới lao động Việt Nam tự hoàn thiện về nhận thức tổ chức, cũng như về sinh hoạt tổ chức. Những hỗ trợ đó đặt nền móng cho sự phát triển tiếp tục và trưởng thành của Công Đoàn Độc Lập ở Việt Nam, thúc đẩy tiến trình thay đổi các định chế chính trị, xã hội và dân chủ hóa. Công đoàn độc lập là một định chế quan trọng trong tiến trình chuyển tiếp dân chủ.
Hoạt động công đoàn là một việc khó khăn, trong điều kiện giới hạn về nhận thức và kinh nghiệm tổ chức. Hoạt động này đòi hỏi những nghiệp vụ có tính cách chuyên môn cao. Người hoạt động công đoàn phải hiểu về hệ thống pháp lý, có kinh nghiệm về tổ chức và về các quan hệ lao động. Đó là chưa nói đến các trở lực chính trị trong và ngoài nước đôi khi còn đe dọa cả đến tính mạng.
Sự thành công hay thất bại của việc xây dựng công đoàn độc lập sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của việc chuyển tiếp dân chủ. Dù sao hì việc Việt Nam gia nhập TPP cũng là một tín hiệu đáng mừng. Nếu những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam thực tâm tôn trọng cam kết này thì Việt Nam sẽ có một tổ chức dân sự quan trọng cho đời sống dân chủ có triệu chứng đang phát khởi của đất nước.
Nhìn lại động thái bán nước lầm lỡ tại Thành Đô của thế hệ lãnh đạo cộng sản thứ hai, các thành viên của thế hệ lãnh đạo công sản thứ ba phải có can đảm và cái nhìn sáng suốt để sửa sai thì mới mong cứu vãn được tiền đồ của tổ quốc.
Trong lần sang thăm Việt Nam vừa qua, Tập Cận Bình đã nhắc khéo về thời hạn 30 năm mà thế hệ lãnh đạo cộng sản thứ hai đã cam kết Hán hóa Việt Nam để gia nhập đại gia đình Trung Quốc. Thời hạn đó đã trôi qua một nửa, chỉ còn lại 15 năm để hoàn tất thi hành. Nói khác, chỉ còn lại 15 năm nữa, nếu những người lãnh đạo hôm nay và nhân dân không tỉnh ngộ để nắm chặt lấy cơ hội dân chủ hóa đất nước thì mối nguy hiểm tiêu vong đã gần kề.
TPP dù khó khăn đến đâu cũng là cơ hội tốt nhất để thoát khỏi bàn tay Hán hóa của Trung Quốc. Hãy đặt quyền lợi cùa tổ quốc lên trên quyền lợi của Đảng để cùng nhân dân nhanh chóng cứu nguy đất nước trước cơn nguy biến.
Nguyễn Cao Quyền