Biển Đông có phải là nơi các nước đang theo dõi nhau, đang rình nhau, đang thả lưới gài bẫy nhau?
Có phải Biển Đông hầu hết đã thực tế đang nằm trong tay của Trung Quốc, và Việt Nam đang lặng lẽ đứng ngó trong khi Philippines níu áo Liên Hiệp Quốc một cách tuyệt vọng?
Phóng viên Alan Robles từ Manila viết trên báo South China Morning Post (tòa soạn ở Hồng kông) hôm Thứ Tư 2-4-2014 nói rằng TQ đang gài bẫy Philippines ở Biển Đông (tên ghi theo Việt Nam — nhưng TQ gọi là Biển Hoa Nam, và Philippines gọi là Biển Tây Phi).
Có đúng như thế chăng?
Bản tin ghi lời Chito Santa Romana — cựu Trưởng Phòng của cơ quan truyền thông ABC News tại Beijing, cũng từng nằm trong danh sách những người được xem xét có thể trở thành Đại sứ Philippines ở TQ — nói trong hội nghị có tên là “Understanding 21st century China” (Hiểu về một Trung Quốc thế kỷ 21) rằng nguy hiểm là có thể có một cuộc chiến nhanh, gọn, lẹ chỉ vì một tính toán sai lầm, “Họ rình chúng ta làm một sai nhầm, như tông vào tàu của họ, hay bắt một ngư dân cuả họ, hay bắn vào một ngư dân Tàu — nếu chúng ta làm như thế, tôi nghĩ chúng ta sẽ bị mất một hòn đảo. Nếu chúng ta nhầm lẫn thêm một bước nữa, TQ sẽ tiếp tục nắm các yếu điểm… và họ muốn kiểm soát toàn bộ các đảo đang tranh chấp trước khi có một quyết định từ ủy ban quốc tế dựa vào luật biển đưa ra. Do vậy, ngay cả khi TQ thưa kiện, cũng không còn gì để nói nữa (vì họ chiếm trọn rồi)…”
Không chỉ lấn ép Philippines, Trung Quốc vẫn hung hăng với Việt Nam, bất kể “tình đồng chí xã hội chủ nghĩa thiêng liêng.”
Báo Tin Nóng ghi về trường hợp nhà nước TQ ép công nhân VN vào TQ phải ký giấy “bán nước…”
Bản tin hôm 2-4-2015 viết:
“Trung Quốc ép lao động VN công nhận chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa?
Tại phiên họp Chính phủ ngày 1.4, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN Nguyễn Thiện Nhân cho biết thời gian qua, lao động không chính thức của Việt Nam khi vào Trung Quốc bị hải quan nước này yêu cầu ký giấy công nhận Hoàng Sa, Trường Sa của Trung Quốc mới cho vào làm việc. Chủ tịch MTTQ VN đề nghị Chính phủ lưu ý và giải quyết thực trạng này.” (hết trích)
Than ôi. Còn trời đất nào nữa.
Trong khi đó, bản tin VOA hôm 2-4-2015 có tựa đề “Các nước sử dụng chiến thuật gì ở biển Đông?” đã ghi nhận:
“Một cuộc nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia (INSS) thuộc Đại học Quốc phòng Quốc gia Hoa Kỳ mới công bố cho thấy nhiều chiến thuật đã được các quốc gia có tranh chấp ở biển Đông sử dụng để củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình.
Trong cuộc nghiên cứu kéo dài một năm, INSS đã thu thập các tài liệu liên quan tới các hành động và chiến thuật của các quốc gia liên quan từ năm 1995 tới năm 2012.
Tiến sỹ Christopher Young cùng với một trợ lý đã tập hợp tất cả các bài báo từ các nguồn mở về hoạt động của các nước Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei ở biển Đông để rút ra các kết luận về các chiến thuật được sử dụng…
Ông nói: “Quốc gia sử dụng các hành động quân sự và bán quân sự nhiều nhất là Trung Quốc. Nếu tính tất cả các hành động quân sự xảy ra từ năm 1995, thì hơn 50% số đó là từ Trung Quốc. Tôi cũng phải nhấn mạnh rằng con số này chỉ dựa trên các thông tin mở, đã được công bố. Chúng tôi có thể bỏ lỡ một số sự kiện không được công bố hay thuộc diện bí mật. Đứng sau Trung Quốc là Philippines và Đài Loan. Rất ngạc nhiên là Việt Nam tiến hành các hành động quân sự ít hơn các nước vừa kể”.
Liên quan tới việc Philippines đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế, ông Young nói đó là một trong các chuỗi chiến thuật về mặt pháp lý nhằm củng cố chủ quyền ở biển Đông của Manila.
Ông Young cho rằng việc Philippines gần đây kêu gọi các nước khác như Việt Nam cùng kiện Bắc Kinh tại tòa quốc tế là một chiến thuật tốt…”(hết trích)
Cần ghi nhận rằng, Việt Nam chỉ lặng lẽ đứng ngoài vụ kiện do Manila trình lên Tòa án Quốc tế với hồ sơ kiện dày 4,000 trang.
Tuy nhiên, có vẻ như Việt Nam đang kết hợp với nhiều quốc gia để có chiến lược mới về Biển Đông.
Bản tin RFI hôm 2-4-2014 ghi nhận trường hợp Thủ tướng Malaysia tuần này sẽ tới thăm Việt Nam: Cơ hội phối hợp hành động về Biển Đông…
Bản tin RFI viết:
“Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã đến thành phố Perth, ở miền Tây Nam nước Úc và hôm nay 02/04/2014. Theo chương trình dự kiến, được báo chí Malaysia tiết lộ, ngay vào tối mai, 03/04, ông Najib Razak sẽ rời Úc để dẫn đầu một phái đoàn chính thức công du Việt Nam trong ba ngày…
…có hai vấn đề thời sự nóng bỏng sẽ được lãnh đạo Malaysia gợi lên với nước chủ nhà. Trước hết là việc Việt Nam đã hết sức nỗ lực góp sức vào công cuộc tìm kiếm chiếc phi cơ bị nạn tại vùng Biển Đông trong thời gian đầu, một nỗ lực sau đó đã trở thành lãng phí khi Malaysia xác định là phi cơ của họ đã chuyển ngược hướng bay và rơi ở vùng Nam Ấn Độ Dương.
Một hồ sơ thứ hai quan trọng hơn là tranh chấp Biển Đông, với việc cả Malaysia lẫn Việt Nam đều bị Trung Quốc dọa nạt trong thời gian gần đây. Đối với Malaysia, việc một đội tàu chiến Trung Quốc hùng hậu vào tháng giêng vừa qua, đến tuyên bố chủ quyền trên bãi James Shoal ở nam Biển Đông, gần sát Malaysia, là một lời cảnh tỉnh cho Kuala Lumpur, thúc đẩy nước này xích lại gần Việt Nam và Philippines hơn trong việc phối hợp hành động chống lại sức ép của Trung Quốc.
Chuyến đi thăm Việt Nam của người đứng đầu chính phủ Malaysia sẽ là dịp tốt để hai bên bàn thảo về mối quan ngại chung đó, một tháng trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức công du Malaysia và Philippines, với hồ sơ Biển Đông chắc chắn nằm trong chương trình nghị sự của người đứng đầu Nhà Trắng.”(hết trích)
Có phải Tổng Thống Obama đã nhở Malaysia tiếp cận phối hợp chiến lươc Biển Đông với Việt Nam? Có thể suy luận như thế…
Có một dấu hiệu mới cho thấy Việt Nam đang tới gần Hoa Kỳ bằng những cách tiếp cận khác.
Điển hình là trong mấy ngày qua, xuyên qua cách tiếp cận với Đức Đạt Lai Lạt Ma, người bị Trung Quốc căm thù ra mặt và gọi là “kẻ muốn đưa Tây Tạng ly khai ra khỏi đất mẹ Đại Hán” — nhà nước Việt Nam đã bày tỏ vị trí Đức Đạt Lai Lạt Ma ở thứ tự cao hơn các Đức Pháp Chủ khác khi đăng các điện văn chia buồn Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, vị Phó Pháp chủ – Chủ Tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN vừa thâu thần viên tịch ở tuổi 97.
Thư Chia Buồn của Đức Đạt Lai Lạt Ma được đăng trên một số báo nhà nước VN, theo thứ tự đứng trước Thư Chia Buồn của: HT.Tep Vong (Đại Tăng thống PG Vương quốc Campuchia), Hòa thượng Lokynayak Ashva Ghosh Mahanayak Mahathera (Phó chủ tịch Giáo hội Phật giáo Bangladesh), Thượng tọa Tiến sĩ Mahinda Deegalle (Trường Nhân văn và Công nghệ Văn hóa Vương Quốc Anh), Thượng tọa Thích Đại Nguyện (Shi Dayuan — Tổng thư ký Ủy ban Tổ chức quốc tế Lễ hội Văn hóa Phật giáo châu Á, Trụ trì chùa Lục Tổ, Quảng Đông, Trung Quốc)… và lãnh đạo Phật Giáo nhiều nước khác.
Xin chú ý chi tiết này trên báo Việt Nam: Tên của Đức Đạt Lai Lạt Ma đặt trước, đặt trên Thượng tọa Thích Đại Nguyện, lãnh đaọ Phật Giáo Trung Quốc…
Không thể nói là các báo Hà Nô vô tình… Vì công nhận vị trí cao nhất của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong các Giáo hội Phật giáo toàn cầu là điều tối kỵ, điều nhức nhối của Bắc Kinh vậy.
Hẳn cũng là từ hiệu ứng Biển Đông vậy.
Trần Khải