Hòa Hợp khác hẳn với Hòa Giải nên cần phân tích riêng biệt.[1]
Hòa Hợp
Thế giới ngày nay đã rõ cộng sản vừa sai [2] vừa tai hại, [3] người trí thức tự trọng không ai “hợp” với cái vừa sai vừa tai hại; chế độ cộng sản bất cứ ở đâu cũng phải sớm chấm dứt cho dân đỡ khổ.
Hòa Giải
Hãy so với các Hòa Giải trên thế giới xưa (Hòa Giải nội chiến Hoa Kỳ 1860 – 1865) và nay (Hòa Giải thống nhất Đức Quốc 1989): Binh sĩ bại trận miền Nam Hoa Kỳ thoải mái về quê với lương thực đi đường và được cấp cả ngựa để có thể sinh sống ngay, sĩ quan thua trận vẫn được giữ gươm. Nước Đức thống nhất không súng nổ, không giết ai và ngay Tổng Bí Thư cực đoan Erik Honecker cũng được tha; Tây Đức phải bỏ ra nhiều ngàn tỉ nuôi Đông Đức nghèo và kém phát triển. Chúng ta thấy trách nhiệm và gánh nặng Hòa Giải do kẻ thắng trận đảm nhận, kẻ bại trận mất cả nước, tay trắng không có trách nhiệm.
Hòa Giải Việt Nam (Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa) không giống các cuộc hòa giải trên thế giới vì:
1. Hứa hẹn rất nhiều như “không người thắng kẻ thua,” “xóa bỏ hận thù,” “Hòa Hợp Hòa Giải,” v.v… nhưng thực tế lại ngược hẳn như “tù cải tạo tập trung,” “con cháu ngụy quân ngụy quyền,” “đánh tư sản mại bản,” “đổi tiền,” “đi kinh tế mới,” v.v…
2. Đã hơn ba chục năm mà nhà cầm quyền chưa thực hiện Hòa Giải, mới đây cho chỉnh trang Nghĩa Trang Quân Đội ở Biên Hòa, nhưng lại trốn tránh trách nhiệm, trao cho tỉnh Bình Dương và vẫn chưa chính thức nhân danh một quốc gia hòa giải.
Tinh thần và tấm lòng như Tổng Thống Lincoln sau trận Gettysburg 1863 “những người lính miền Nam hay miền Bắc chết tại nơi đây đều chết cho đất nước Hoa Kỳ” hay hy sinh tiền của để hàn gắn như Tây Đức lo cho Đông Đức xa lạ đối với đã bao thế hệ lãnh đạo CSVN.
Hòa Giải là bước đầu phải có để một nước phục hồi sau nội chiến. Thật vậy Việt Nam đã lụi đụi.[4] Nguy cơ cho dân tộc Việt chìm đắm trong nô dịch rồi mại vong còn rõ rệt hơn bị lấn đất lấn biển.[5] Hòa Giải thật sự và tận gốc là điều thiết yếu để đoàn kết dân tộc cùng phấn chấn xây dựng thịnh vượng đất nước.
Hình ảnh tan hoang của Nghĩa Trang Quân Đội ở Biên Hòa là phản ảnh tình trạng Hòa Giải do CSVN đã nói lên sự thật về Hòa Giải ở Việt Nam. Nên ghi nghĩa trang lính Đức Quốc Xã ở Pháp được chính phủ Pháp trang trọng tu sửa, các nghĩa trang chiến binh miền Nam Hoa Kỳ ly khai được Hoa Kỳ trông nom trang trọng và vẫn phất phới lá cờ miền Nam Hoa Kỳ ly khai. Đề Đốc Hoàng Cơ Minh sau khi tái chiếm Cà Mâu (truoc 1975)đã trang trọng chỉnh trang đài tử sĩ và mộ phần các chiến binh cộng sản.
Nhà cầm quyền cho đến nay vẫn chưa trả lại các tài sản nhà cửa của những người lưu vong, nên nhớ Trung Cộng rất tôn trọng tài sản của dân lưu vong.
Hận thù nên xóa, nhưng bất bình căm phẫn trước cái sai trái, tội ác mà xóa thì chỉ có nơi những người không tim. Dân Do Thái, nhắc mãi tội ác của Đức Quốc Xã, dân Trung Hoa với vụ tàn sát hãm hiếp của quân đội Nhật ở Nam Kinh 1937 và dân Nhật, hai quả bom nguyên tử, v.v…
Hòa Giải tận gốc và hoàn toàn đòi hỏi sự hiểu biết cuộc chiến với cái nhìn của quảng đại nhân dân Việt, đứng trên các phe lâm chiến, [6] phê bình nghiêm khắc các kẻ gây chiến tranh, vinh danh các người chống chiến tranh, vinh danh các người chống chiến tranh cũng như đề nghị các biện pháp tránh nội chiến trong tương lai.
Dân Việt ở Nam hay ở Bắc, không ai và không bao giờ lại muốn cốt nhục tương tàn: Ở miền Nam, bầu cử năm 1967, các liên danh Bồ Câu, Hòa Bình của nhiều nhân vật tượng trưng các thành phần xã hội,[7] liên danh “Bồ Câu” Trương Đình Dzu, một người không nổi tiếng, nhưng có thể đắc cử nếu cuộc bầu cử không gian lận.[8] Trước đó năm 1965, chính phủ dân sự Phan Khắc Sửu với nội các với Phan Huy Quát – Trần Văn Tuyên mưu tìm giải pháp ngoại giao cho Nam Việt đã bị phe quân nhân Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ với giải pháp quân sự cho Việt Nam lật đổ.
Ở miền Bắc, dân chúng không được bày tỏ nguyện vọng như ở miền Nam để chống lại con đường chiến tranh của Hồ Chí Minh. Tại hội nghị các nước phi liên kết Banduung 1956, lãnh tụ trung lập quốc tế Thủ Tướng Nehru đã hết sức thuyết phục Hồ tránh chiến tranh nhưng không hiệu quả. Nhà văn Võ Phiến đã viết: “Năm 1954, sau chín năm ê chề mòn mỏi vì chiến tranh, thấy hòa bình ai nấy nhẹ nhõm, nếu có kẻ nào lúc đó mà xếp đặt một cuộc tàn sát nữa, kẻ ấy tất gan đồng dạ sắt – thì Hồ Chí Minh đã xếp đặt cuộc tàn sát ngay vào thời kỳ ấy”.[9] Tuy nhiên vài năm cuối đời, Hồ động lòng trắc ẩn, muốn ngưng cuộc tàn sát chém giết, nhưng đã muộn vì quyền lực đã rơi vào tay đám đàn em hiếu chiến của Hồ như Lê Đức Thọ, Lê Duẩn, Trường Chinh… Lê Đức Thọ hiếu chiến đến mức vứt giải Hòa Bình Nobel để được xâm chiếm miền Nam, cốt nhục tương tàn. Cuộc chiến mà Dương Thu Dương cho là ngu xuẩn nhất lịch sử dân tộc, cuộc chiến mà Hoa Kỳ, Nga Sô, Trung Cộng, Nam Việt và Bắc Việt đều thiệt hại;[10] chỉ có đảng CSVN đắc lợi. Ước vọng hòa bình được biểu lộ trong Nhân Văn Giai Phẩm (“chỉ thấy mưa xa trên màu cờ đỏ” Trần Dần… ) trong Tự Trào Xét Sai, chống đảng 1956 (“Chung Sống Hòa Bình” với Hoàng Minh Chính v.v…)
Trung Quốc nhiều lần xâm lăng cũng như đô hộ Việt Nam nhiều năm. Đức Trần Hưng Đạo trước khi qua đời đã nói: “Khi giặc xâm lăng ồ ạt không đáng sợ và đáng sợ khi bị xâm chiếm hòa hảo”; Việt Nam đang bị xâm chiếm hòa hảo khi Trugn Quốc thống nhất 1949 và vừa viện trợ cho Miền Bắc Việt Nam vừa lấn biên giới. Ngã theo Trung Quốc hoặc theo Hoa Kỳ, hoặc đứng giữa đều không đúng, thượng sách là Đoàn Kết Dân Tộc, giải pháp mà Hội Nghị Diên Hồng đã chứng minh, giải pháp này đòi hỏi CSVN phải từ bỏ 3 cái độc: độc tôn, độc đảng, và độc tài.[11]
Hơn ba triệu người gốc Việt trên thế giới dù chưa thành một tổ chức nhưng thành một thực thể có tiềm lực mạnh hơn quốc nội về kinh tế, trí tuệ và nhất là ngoại vận. Họ là công dân của các cường quốc và nước văn minh; sức ngoại vận của họ gấp bội, nếu không nói là gấp trăm lần sức ngoại vận của các đại sứ quán CSVN.
Cầu mong, người gốc Việt ở hải ngoại và người Việt tiến bộ trong nước dấn thân đoàn kết dân tộc trong tự do dân chủ cho nước Việt có tương lai.
Nguyễn Tường Bá
Cố vấn Phong Trào Dân Chủ Việt Nam
CHÚ THÍCH
[1] Tuyên truyền CSVN hay dùng chữ mập mờ đánh lận. Thí dụ “yêu nước là yêu Đảng” v.v… minh bạch rõ ràng thiết yếu trong ngăn chận tuyên truyền CSVN. Ngay cả trong các văn kiện hành chánh như Nghị Quyết 36 về Việt Kiều, CSVN cũng mập mờ dùng chữ Việt Kiều mà về pháp lý chỉ gồm những người Việt, nghĩa là có quốc tịch Việt nhưng ở ngoại quốc như các du sinh, các nhân viên đại sứ quán Việt, các người Việt du lịch ngoại quốc, nhưng không gồm chúng ta, những người mang quốc tịch ngoại quốc gốc Việt.
[2] Sự Suy Tàn Của Chủ Nghĩa Mác – do Lucio Colletti, Giáo Sư Triết, Đại Học La Mã, nguyên bản tiếng Ý nhan đề “Tramonto dell’ Ideologia” Laterza, Roma – Bari 1980 – 1981 mà Luật Sư Vương Văn Bắc đã điểm sách khúc triết trong cuốn Suy Tư, Paris 2003 trang 130.
[3] Nghị Quyết 1481 (25/1/2006) của Cộng Đồng Châu Âu lên án các chế độ cộng sản. Lời bình luận của Sử Gia Trần Gia Phụng về tương quan của Nghị Quyết 1481 với Việt Nam được phổ biến trên vnn-news.com vào Tết Bính Tuất.
[4] Học Giả Đỗ Thông Minh trích dẫn Economic Bulletin / Singapore ngày 14/4/2007 trang 738. Thống kê sự thay đổi lợi tức đầu người một năm trong 50 năm qua như sau:
1956 2006
Nhật 215 đô 30,000 đô
Đài Loan 121 12,000
Mã Lai 246 4,520
Thái Lan 64 2,450
Nam Dương 87 1,150
Nam Việt Nam 144 550 (toàn Việt Nam)
Chúng ta thấy sự phát triển của Việt Nam quá chậm so với các nước khác. Năm 1956, Việt Nam Cộng Hòa hơn nhiều nước. Năm 2006, CHXHCN Việt Nam đứng hạng chót và thua xa các nước.[5] Việt Nam nghèo phải trông cậy vào xuất cảng phụ nữ và sức lao động thanh niên cùng tiền gửi về của dân gốc Việt. Làng giàu nhất nước là làng Cương Gián (Hà Tỉnh), toàn nhà gạch, nhiều xe hơi, còn có tên là làng Hàn Quốc vì toàn dân sống bằng lao động ở Hàn Quốc (mọi nghề chân tay kể cả bán thêm, v.v… ). Được CSVN phong tặng là anh hùng lao động năm 2005. Tin và tường thuật do Đoàn Dự, báo Việt Nam Cuối Tuần số 5287 ngày 21-4-2007, San Jose, Hoa Kỳ.
Khoảng cách thua kém với các nước – nhất là so với Trung Quốc lại bị lấn đất chiếm biển – Nguy cơ mất nước đã bắt đầu có nhiều dấu hiệu suy thoái giống như việc mất nước của dân Chàm.
[6] Đối với Hoa Kỳ: “Hoa Kỳ đến Việt Nam vì những quyền lợi chiến lược nhất thời, rời bỏ Việt Nam khi bài toán chiến lược đã đổi thay (với thế liên minh khách quan với Bắc Kinh, với tiến bộ kỹ thuật võ khí… ), và chưa bao giờ Hoa Kỳ là người bạn thật sự của quảng đại nhân dân Việt Nam yêu chuộng tự do” – Vương Văn Bắc – Suy Tư, Paris 2003.
Đối với các lãnh tụ CSVN là chiến tranh ý thức hệ. Đối với Công Pháp Quốc Tế là cuộc xâm chiếm của Bắc Việt với Nam VIệt bất chấp các hiệp ước đã ký. Đối với quân cán chính miền Nam đó là chiến đấu tự vệ và trách nhiệm. Đối với toàn dân Việt, cũng như Sử Xanh, đó là cuộc chiến cốt nhục tương tàn. Bài Gia Tài Của Mẹ của Trịnh Công Sơn có nói lên ý nghĩa cuộc chiến và bị CSVN cấm.
[7] Phật Giáo Tổng Quan, Trần Quang Thuận – Trung Tâm Học Liệu Phật Giáo 2005, trang 237.
[8] Nguyễn Tường Bá và các liên danh bầu cử 1967 tố giác bầu cử gian lận. The Bunker Papers – Volume I, trang 144.
[9] Võ Phiến, Bắt Trẻ Đồng Xanh, một đặc sắc được tái bản do Người Việt xuất bản 2006 trong Võ Phiến Toàn Tập.
[10] Hoa Kỳ phải rút quân, Nga được thuê Cam Ranh nhưng cũng phải bỏ, Trung Cộng phải đánh CSVN năm 1979. Vô số kể bom đạn vũ khí các cường quốc đổ vào Việt Nam để dân ở đây khủng khiếp giết nhau.
11] Đoạn Thay Lời Kết với nhau đề Chờ Mong Gì Nơi Đất Nước Ngày Mai, trong cuốn Nghĩ Về Ngày Mai Đất Nước – Vương Văn Bắc, Phạm Xuân Tích – Paris 2006, Euro 2006.