Khu trục hạm USS Chung-Hoon của Hoa Kỳ. [wikipedia]
Theo tin Yahoo News Online, Hải quân Hoa Kỳ vừa triển khai tàu USS Chung-Hoon, một khu trục hạm có trang bị tên lửa, đến khu vực Biển Đông và Biển Sulu ( Tây Nam Philippines ) trong tuần này để kiểm tra việc thực hiện quyền tự do lưu thông hàng hải tại các vùng biển này.
Nguồn tin nói trên cho biết : « Chiếc tàu này sẽ đi ngang qua những vùng biển mà Hoa Kỳ xem là hải phận quốc tế để giám sát quyền tự do lưu thông và chứng tỏ là cộng đồng quốc tế không chấp nhận những đòi hỏi của các quốc gia trái với quyền tự do lưu thông ấy. »
Về mặt chính thức, theo thông báo của đại sứ quán Mỹ ở Manila, USS Chung-Hoon là một trong những chiến hạm của Hải quân Hoa Kỳ được mời tham gia cuộc tập trận thường niên Mỹ-Philippines trong khuôn khổ hiệp định quốc phòng song phuơng.
Việc triển khai chiến hạm USS Chung-Hoon diễn ra vào lúc căng thẳng đang gia tăng giữa Việt Nam và Philippines với Trung Quốc trên vấn đề chủ quyền Biển Đông, đặc biệt qua hai vụ tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam và cắt dây cáp hai tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Căng thẳng đã tăng thêm một nấc sau khi Việt Nam hôm qua loan báo sẽ diễn tập bắn đạn thật trên Biển Đông, cụ thể là ở khu vực đảo Hòn Ông, thuộc tỉnh Quảng Nam.
Hôm qua, Hoa Kỳ đã kêu gọi giải quyết các căng thẳng trên Biển Đông bằng giải pháp hòa bình. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner tuyên bố rằng: ” Chúng tôi không ủng hộ bất cứ điều gì làm tăng thêm mức độ căng thẳng hiện nay. Những sự biểu dương lực lượng hoặc những cử chỉ tương tự chỉ làm căng thẳng gia tăng”. Theo lời ông Mark Toner, Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế nói chung đều quan tâm đến việc duy trì an ninh hàng hải trong khu vực, để bảo đảm sự tự do lưu thông, phát triển kinh tế và tôn trọng công pháp quốc tế.
Vào cuối tuần trước, tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng đã cảnh báo là xung đột có thể bùng nổ trên Biển Đông, trừ phi các quốc gia tranh chấp chủ quyền thông qua một cơ chế giải quyết một cách hòa bình.
Cho tới nay, lập trường của Washington là không theo phe nào trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nhưng đã nhiều lần các lãnh đạo Hoa Kỳ nhấn mạnh đến quyền tự do lưu thông hàng hải ở khu vực này, xem đây là vấn đề ” quyền lợi quốc gia”. Vậy thì, nếu căng thẳng gia tăng và các vụ đụng độ trên biển diễn ra ngày càng nhiều, thái độ của Mỹ sẽ như thế nào?
Đối với Philippines thì trong trường hợp đó dĩ nhiên là Hoa Kỳ buộc phải can thiệp chiếu theo hiệp ước quốc phòng song phương. Đại sứ Mỹ tại Manila Harry Thomas Jr. cũng vừa lên tiếng bảo đảm là Hoa Kỳ sẽ yểm trợ Philippines chống lại mọi đe dọa đối với an ninh của nước này.
Còn Việt Nam tuy đã tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ trong những năm gần đây, nhưng chưa phải là đồng minh của Washington, nên Hoa Kỳ không thể ra tay yểm trợ trực tiếp. Nhưng hôm qua, theo Reuters, phát ngôn viên Việt Nam đã tuyên bố là «Việt Nam hoan nghênh mọi nỗ lực của quốc tế, kể cả của Hoa Kỳ, nhằm làm dịu căng thẳng trong vùng Biển Đông». Rõ ràng là trước thái độ ngày càng hung hãn của Trung Quốc, Việt Nam buộc phải dựa vào một thế lực khác để chống trả, và thế lực đó chỉ có thể là Hoa Kỳ, hiện vẫn là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, mà lại có quyền lợì quốc gia gắn liền với vấn đề Biển Đông. Cái chính là phải làm sao cho quyền lợi của hai nước tương đồng với nhau.
Thanh Phương [RFI]
Tìm hiểu khu trục hạm USS Chung-Hoon của Mỹ
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ vừa rời Hawaii đi tây Thái bình dương. Tàu có nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo, đảm bảo an ninh và tự do hàng hải. Được vinh dự mang tên của cố Thiếu tướng hải quân Mỹ Gordon Pai’ea Chung-Hoon, tàu khu trục USS Chung-Hoon là một thành viên của Hạm đội Thái Bình Dương.
Ngày 6/3/1998, công ty công nghệ quốc phòng và không gian vũ trụ toàn cầu Northrop Grumman giành được hợp đồng đóng khu trục hạm USS Chung-Hoon.
Gần 4 năm sau, tàu khu trục thuộc lớp Arleigh Burke với hệ thống điều khiển tác chiến trên biển (Aegis combat system) này được hạ thủy ngày 14/1/2002 tại xưởng đóng tàu Ingalls Shipbuilding ở Mississippi, với sự đỡ đầu của Michelle Punana Chung-Hoon, cháu gái Thiếu tướng quá cố Chung-Hoon. Cảng nhà của USS Chung-Hoon là Trân Châu Cảng ở Hawaii.
Khu trục hạm USS Chung-Hoon. Ảnh: Defense.pk |
Đây là khu trục hạm thứ 43 thuộc lớp Arleigh Burke có trang bị tên lửa dẫn đường Aegis, đội tàu khu trục có sức mạnh nhất của hải quân Mỹ. USS Chung-Hoon có 276 thủy thủ, trong đó có 24 sĩ quan. Sĩ quan chỉ huy hiện nay của tàu là Stephen S. Erb, người tốt nghiệp học viện hải quân Mỹ năm 1992 với tấm bằng Khoa học Máy tính.
USS Chung-Hoon được trang bị tên lửa tiêu chuẩn tầm trung đất đối không (SM-2MR), giàn phóng tên lửa thẳng đứng (VLA), các tên lửa hành trình Tomahawk, 6 ngư lôi Mk-46, các tên lửa Sparrow (ESSM) (DDG 79 AF). Khu trục hạm có trọng tải khoảng 9.200 tấn này còn là bãi đáp của hai trực thăng Seahawk có trang bị các tên lửa Penguin, Hellfire và các ngư lôi Mk-46, Mk-50.
Khu trục hạm có tên đầy đủ USS Chung-Hoon DDG 93 này đã thực hiện rất nhiều hoạt động trên các vùng biển ở châu Á-Thái Bình Dương, với các nhiệm vụ chủ yếu là cứu trợ nhân đạo, đảm bảo an ninh và tự do hàng hải…
Tháng 9/2006, tàu khu trục có vận tốc 30 hải lý/giờ này đóng vai trò tàu chủ nhà khi tiếp đón khu trục hạm lớp Luda mang tên Thanh Đảo của hải quân Trung Quốc tại Trân Châu Cảng. Hai tàu tiến hành các bài diễn tập di chuyển và liên lạc. Đây là lần đầu tiên hải quân hai nước có một cuộc diễn tập chung của các tàu khu trục.
Ba năm sau, vào ngày 12/3/2009, khu trục hạm USS Chung-Hoon được điều động đến hộ tống tàu thăm dò USNS Impeccable (T-AGOS-23) của hải quân Mỹ sau vụ va chạm với tàu đánh cá Trung Quốc trên Biển Đông.
Năm ngoái, USS Chung-Hoon hỗ trợ hải quân Philippine tại vùng biển Sulu trong các hoạt động chống lại các phiến quân Hồi giáo.
Mới đây nhất, tàu khu trục này được điều trở lại khu vực Tây Thái Bình Dương từ ngày 1/6/2011, trong bối cảnh căng thẳng về chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, đang gia tăng.
Ảnh hoạt động của khu trục hạm USS Chung-Hoon
USS Chung-Hoon tại lễ nhận nhiệm vụ trong hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ ngày 18/9/2004. Ảnh: Honoluluadvertiser |
Tàu USS Chung-Hoon được chào đón bằng màn múa hula của các vũ công Hawaii. Ảnh: WN |
USS Chung-Hoon DDG 93 (gần nhất) trong tương quan so sánh với các tàu USS Port Royal (CG 73), USS Lake Erie (CG 70), JDS Setogiri (DD 156), USS Paul Hamilton (DDG 60) trong một hoạt động vào ngày 29/7/2008 tại Thái Bình Dương. Ảnh: Seaforces |
Binh sĩ David Manis mô phỏng thao tác bắn súng máy từ tàu USS Chung-Hoon trong một cuộc diễn tập tấn công các loại tàu nhỏ. Ảnh: Navy.mil |
Một buồng điều khiển của tàu USS Chung-Hoon. Ảnh: Flickr |
Các sĩ quan Singapore theo dõi chuyên viên Jessica Proudfoot điều khiển liên lạc trong một cuộc diễn tập chống tàu ngầm, trên khoang tàu USS Chung-Hoon năm 2010. Ảnh: Navy.mil |
Gia đình và bạn bè của các thủy thủ vẫy tay chào khi tàu USS Chung-Hoon rời Trân Châu Cảng hôm 1/6. Ảnh: Navy.mil |
Tàu USS Chung-Hoon. Ảnh: WordPress |
Phan Lê (theo Navy.mil)