Căn cứ này bao gồm một bến cảng cho một hàng không mẫu hạm chạy bằng nguyên tử lực, một hệ thống hỏa tiển phòng thủ, bãi tập bắn đạn thật và nới rộng căn cứ không quân đã có trên hòn đảo này. Đây sẽ là một sự đầu tư lớn nhất cho một căn cứ quân sự ở vùng tây Thái Bình Dương kể từ Đệ Nhị Thế chiến, và một sự chi tiêu lớn nhất cho một hạ tầng cấu trúc của hải quân trong mấy thập niên vừa qua.
Tuy nhiên, người dân đảo Guam sợ sự xây dựng này có thể gây thiệt hại hệ sinh thái và nền kinh tế vốn phụ thuộc vào ngành du lịch của họ.
Những bản ước tính gợi ý là nhân số của đảo Guam sẽ tăng 50 phần trăm so với mức 173.000 như hiện nay ở thời điểm xây dựng cao nhất. Căn cứ này cuối cùng sẽ chứa 19.000 lính thủy quân lục chiến được chuyển về đây từ quần đảo Okinawa của Nhật Bản, nơi mà lính Mỹ không được người dân bản xứ ưa chuộng.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (US’s EPA) nói căn cứ siêu quân sự này ở Guam có khả năng gây nên nạn thiếu nước trầm trọng. EPA cũng nói việc vét cảng để cho hàng không mẫu hạm vào được bến cảng sẽ làm hư hại 71 mẫu anh gồm những bãi san hô ngầm có từ lâu đời. Bản báo cáo của EPA cho hay việc xây căn cứ quân sự ở đây sẽ “làm cho điều kiện môi trường vốn không đạt yêu cầu ở Guam sẽ trở nên trầm trọng hơn.”
Tuy nhiên, mối quan tâm của người dân địa phương ở đây đã bị cho ra ngoài lề vì sự cạnh tranh mang tính chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trung Quốc đã gia tăng tiềm năng hải quân một cách đáng kể trong thập niên qua, tìm cách ngăn chận, không cho Hoa Kỳ can thiệp quân sự vào bất cứ tranh chấp nào giữa Trung Quốc và Đài Loan trong tương lai, mà Bắc Kinh cho là lãnh thổ của Trung Quốc, và để hướng sức mạnh về những tranh chấp lãnh hải trong vùng biển Nam Hải vốn giàu dầu và khí đốt.
Một chiếc B-1B Lancer cất cánh ở căn cứ không quân Andersen, Guam. Nguồn: Getty Images
Sự gia tăng sức mạnh hải quân của Bắc Kinh cũng để nhắm vào sự kiểm soát những thủy lộ từ Trung Đông, là nơi mà Trung Quốc sẽ nhập cảng ước tính khoảng 70-80 phần trăm lượng dầu cần thiết ở năm 2035 và Bắc Kinh sợ Hoa Kỳ có thể chận họng Trung Quốc ngay tại điểm này nếu có một xung đột quân sự xảy ra giữa hai bên.
Vì lẽ đó, Trung Quốc đã đầu tư vào cái gọi là “sợi dây chuyền ngọc trai” của họ, một mạng lưới bao gồm nhiều căn cứ quân sự chạy dài dọc vành đai Ấn Độ Dương, như Hambantota ở Sri Lanka và Gwadar ở Pakistan và Trung Quốc đang phát triển một hải quân có khả năng hoạt động xa bờ.
Các chuyên gia đều đồng ý là Trung Quốc hiện không có khả năng thách đố tính ưu thế của Hoa Kỳ trong vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. “Trung Quốc thèm và muốn ăn nhiều,” một nhà phân tích ở Viện Chính sách Chiến lược Úc ông Carl Ungerer nói, “nhưng Trung Quốc không có đủ răng để ăn.”
Nhưng Trung Quốc rõ ràng có ý tăng cường kho vũ khí hải quân của mình. Trung Quốc đã mua nhiều tàu ngầm và khu trục hạm do Nga chế tạo. Công xưởng đóng tàu của Trung Quốc đang đóng tàu ngầm chạy bằng nguyên tử lực mới, cũng như hàng không mẫu hạm. Đã có những bản báo cáo cho rằng Trung Quốc đang có dự định thử nghiệm loại hoả tiển đạn đạo mang tên Dong Feng 21D, có khả năng vô hiệu hoá khả năng phòng thủ của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, một cách hiệu quả.
“Sự phòng thủ duyên dáng, nhẹ nhàng của Trung Quốc giờ không còn nữa,” một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á châu ở Singapore ông Ian Storey nói, “và cung cách được bày tỏ cho thấy cái mà người ta có thể gọi đó mà một chính sách ngoại giao trẻ trung, sung sức. Trung Quốc đang phô diễn sức mạnh quân sự của mình, và để cho chúng ta thấy họ sẽ không bị đẩy qua đá lại.”
Hoa Kỳ cũng đang đầu tư hơn 200 triệu đô-la khác để nâng cấp hạ tầng cơ sở ở nhóm đảo Diego Garcia nằm ở Ấn Độ Dương và thuộc nước Anh, khoảng 700 dặm về phía nam của Sri Lanka.
Sự nâng cấp chính ở Diego Garcia dự trù sẽ hoàn tất trong năm 2013, là khả năng sửa chữa tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và có trang bị hệ thống hoả tiển điều khiển, đây là loại tàu ngầm có thể mang đến 154 hỏa tiển tấn công với hoả lực mạnh bằng hoả lực của toàn bộ một hải đoàn tấn công gồm cả hàng không mẫu hạm.
Diego Garcia, trước đây đã từng là điểm xuất phát cho những cuộc không tập đánh Iraq và Afghanistan, hiện đã là căn cứ cho một phần ba của cái mà Hải quân Hoa Kỳ gọi là Lực lượng Hải vận Bố trí Chiến lược (Afloat Prepositioned Force), gồm dụng cụ, máy móc nằm trong tình trạng sẵn sàng để yểm trợ cho quân đội điều quân đi khắp bất cứ chỗ nào trên thế giới.
Praveen Swami
[Nguồn: DCVOnline]