Ngày 15/11/2013, Ngoại trưởng Mỹ công bố trên tài khoản Twitter của ông một bức “unselfie” kêu gọi quyên góp giúp nạn nhân bão Haiyan tại Philippines. Ảnh chụp màn hình trang Twitter của ông John Kerry.
Các hoạt động ngoại giao quốc tế không chỉ được thực hiện trong các hành lang của Liên Hiệp Quốc hoặc các ban, bộ hay phòng hội nghị, mà được tiến hành ngày càng nhiều trên mạng Internet. Hoa Kỳ hiện được xem là quốc gia đi đầu trong lãnh vực có thể gọi là “ngoại giao kỹ thuật số”.
Ngoại giao trên mạng Internet trước hết được thể hiện qua sự hiện diện rõ nét hơn của các nhà ngoại giao trên các mạng xã hội. Các đại sứ Mỹ chẳng hạn, đã được khuyến khích thành lập và thường xuyên sử dụng tài khoản Twitter của họ. Trong địa hạt này, nền ngoại giao Pháp quả là rất chậm trễ.
Tại Hoa Kỳ, Ngoại trưởng John Kerry là một người rất tích cực trên mạng Twitter, trái hẳn với người tiền nhiệm là bà Hillary Clinton, hầu như hoàn toàn vắng bóng thời bà còn tại chức. Ông Kerry đã có tài khoản Twitter từ năm 2008, trong lúc bà Clinton chỉ mới xuất hiện công khai trên mạng xã hội này từ tháng 06/2013, tức là từ khi không còn là Ngoại trưởng nữa.
(Có điều là uy tín của cựu đệ nhất phu nhân Mỹ rất lớn, vì trong không đầy một năm, bà Clinton đã có được gần 1,2 triệu follower, tức là những người đi theo, thường xuyên nhận và trao đổi những tin ngắn mà bà gởi đi. Trong khi đó số người theo ông Kerry, tính đến ngày 23/02/2014, chỉ là hơn 124.000).
Hãy “theo” John Kerry trên Twitter
Trở lại với nền ngoại giao Mỹ, trong lúc số “fan” của Ngoại trưởng Kerry trên Twitter có khoảng hơn 120 ngàn người, những người “đi theo” Bộ Ngoại giao Mỹ trên mạng xã hội này đã vượt mức 800.000 người.
Ông Doug Frantz, trợ lý cho Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề công cộng, đã giải thích như sau về tầm quan trọng của mạng Twitter đối với ông John Kerry : “Tôi nghĩ rằng phương tiện đó rất hữu ích. Nó cho phép Ngoại trưởng nói chuyện với các nhà lãnh đạo khác. John Kerry chẳng hạn đã liên lạc bằng Twitter với Tổng thống Iran Hassan Rohani (mà trang tiếng Anh đã có gần 180.000 người theo) và với đồng nhiệm Iran Mohammad Javad Zarif.”
Theo ông Doug Frantz, sự có mặt trên các mạng xã hội không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, mà còn cung cấp cho nền ngoại giao một tính chất nhân bản, thân thiện : “Twitter không phải là công cụ ngoại giao chủ chốt, nhưng nó giúp cho ngành ngoại giao có được một khuôn mặt người cụ thể, và cho thấy rằng ông John Kerry trước tiên hết là một con người. Twitter không thay thế được một cuộc gặp trực diện, nhưng đóng được vai trò một phương tiện khuếch âm”.
Tiếp cận được với càng nhiều người càng tốt
Tại Hoa Kỳ, chính quyền đang hết sức cố gắng để quảng bá các nỗ lực ngoại giao của nước Mỹ, để gởi đến mọi người các thông điệp của Mỹ thông qua mạng tin học toàn cầu.
Ngoài Twitter, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng có mặt trên các mạng xã hội khác như Facebook, Tumblr, Instagram hoặc YouTube. Tính tổng cộng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tự nhận là họ có đến 2,5 triệu “fan” trên các mạng xã hội. Những người giao lưu với Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua internet thường là các nhân vật có ảnh hưởng tại các nước khác trên thế giới, những người có uy tín trong dư luận, giới blogger và nhà báo. Internet do đó đã có tác động và ảnh hưởng rất quan trọng trên các nhà ngoại giao.
Một ví dụ điển hình : Mới đây, một số cư dân mạng đã yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry công bố một tấm “phi chân dung tự chụp” – tiếng Anh gọi là “unselfie”. Tương tự như là một bức “selfie” truyền thống, tức là một bức ảnh chân dung tự chụp bằng điện thoại di động, “unselfie” là một chân dung tự chụp, nhưng với khuôn mặt bị che bằng một tấm biển hay một tờ giấy.
Ngoại trưởng Mỹ đã sẵn lòng chiều theo ý muốn đó, và ông đã tự chụp hình với một tấm biển bên trên ông ghi một địa chỉ để đóng góp tiền giúp đỡ nạn nhân trận bão Haiyan ở Philippines. Thông điệp trên Twitter giới thiệu bức unselfie của ông ghi rõ : “Hãy truy cập vào trang web này để giúp các nạn nhân của cơn bão Haiyan bất bất cứ cách nào mà bạn có thể làm được – JK.”
Thông điệp trên đây của Ngoại trưởng Mỹ đã có một thành công lớn, quan trọng hơn rất nhiều so với những lời kêu gọi quyên góp cổ điển!
Có hại hay không?
Tuy nhiên, việc sử dụng các mạng xã hội hàm chứa một rủi ro quan trọng vì lẽ rất khó mà kiểm soát được hoàn toàn các thông điệp được tung ra khi tất cả các nhà ngoại giao trong một nước được quyền sử dụng mạng Twitter chẳng hạn. Vì lý do này, rất nhiều chính phủ không muốn cho các nhà ngoại giao của họ tự do dùng các mang xã hội.
Chính Hoa Kỳ cũng thừa nhận rằng có nguy cơ sai sót hay lỡ lời. Cách nay vài tuần chẳng hạn, một đôi vợ chồng nhà ngoại giao Mỹ tại Ấn Độ đã có những nhận xét không mấy tế nhị về nước Ấn trên trang Facebook của họ.
Tuy nhiên, nếu tính đến cùng, thì lợi ích của việc Mỹ cho các nhà ngoại giao của họ sử dụng các mạng xã hội có lợi nhiều hơn là có hại. Và việc nhiều nước đòi hỏi các nhà ngoại giao của họ phải xin phép mỗi khi họ muốn gởi tin lên mạng quả là một cách sử dụng mạng xã hội tồi tệ nhất, bởi vì đối với một phương tiện như Twitter, ưu điểm chính là tính chất tức thời.
Các nước khác dè dặt, Mỹ mặc sức tung hoành
Cho dù vậy, nhiều quốc gia và chính phủ vẫn đang chủ trương khống chế và kiểm soát, hơn là tranh thủ tính chất nhanh nhạy của các mạng xã hội, để rộng chỗ cho Mỹ mặc sức tung hoành.
Một thực tế rõ ràng mà giới làm báo đều phải thừa nhận là tính chất chuyên nghiệp và nhanh nhẹn của ngành ngoại giao Mỹ trong việc tận dụng inetrnet để tuyên truyền trên toàn thế giới về quan điểm, chính sách của nước Mỹ.
Trên trang web của bộ Ngoại giao Mỹ chẳng hạn, các tuyên bố, phát biểu của các quan chức ngoại giao Mỹ quan trọng hầu như luôn luôn được cập nhật tức thời, giúp cho những ai muốn tham khảo, tìm hiểu có thể có được thông tin chính xác ngay lập tức, tránh được tình trạng “tam sao thất bản” khi phải dựa vào lời tường thuật của một người thứ ba.
Ví dụ rõ nhất về điều này là các buổi họp báo thường kỳ của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ. Các trao đổi chi tiết giữa phát ngôn viên và các ký giả đều được ghi lại đầy dủ, kể cả những phần ngập ngừng hay những lời nói bông đùa…, và dưới hai hình thức : Video và văn bản. Trang web lại được mở ra cho mọi người tự do tham khảo, với hệ quả tất yếu là thông điệp mà nước Mỹ muốn gởi đi, đến được mọi nơi trên thế giới trong một thời gian kỷ lục. Đấy chính là ưu thế của nền ngoại giao kỹ thuật số.
Mai Vân