CẨM NANG LUẬT PHÁP HOA KỲ
LỜI MINH ĐỊNH: Mọi chi tiết trong Cẩm Nang này chỉ có tính cách thông tin nhằm giúp độc giả có thêm kiến thức về luật pháp Hoa Kỳ qua hình thức tóm lược và chuyển ngữ sang tiếng Việt những ý niệm căn bản về pháp chế Hợp Chúng Quốc.
Hữu sự, người gặp khó khăn về luật pháp, có nhu cầu cần được bảo vệ, hoặc bị thiệt thòi về mặt pháp lý, cần tham khảo luật sư nhiệm cách có đủ khả năng chuyên môn và được phép hành nghề tại tiểu bang liên hệ tới nội vụ.
IMPORTANT NOTE: This Publication and any forms in it are intented for informational and educational purposes only. Nothing in this document is to be considered the rendering of any legal or professional advice. Readers are responsible for obtaining advice from an attorney or other qualified professional.
INTERNATIONAL LEGAL AID & FINANCIAL CENTER [ILAF]
TRUNG TÂM TRỢ DẪN LUẬT PHÁP & TÀI CHÍNH QUỐC TẾ
3111 Cranleigh Ct., Fairfax, VA 22031
Tel. [703] 876-2620
Lưu Nguyễn Đạt, PhD. LLM
Herman M. Sawyer, JD. LLM
HÔN NHÂN (MARRIAGE) TẠI HOA KỲ
I. THÀNH LẬP HÔN NHÂN
1. ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP HÔN NHÂN
ĐỊNH NGHĨA HÔN NHÂN VỀ MẶT PHÁP LÝ
Hôn nhân là một khế ước dân sự (civil contract) của một người đàn ông và một người đàn bà để trở thành vợ chồng. Vậy hôn nhân vừa là một sự cam kết ràng buộc cá nhân (private bond), vừa là một định chế xã hội (social institution), với những trách nhiệm và quyền lợi liên đới, hiệp lực, trong cách đối sử giữa hai bên hôn phối và con cái.
Tại đa số các tiểu bang, định chế hôn nhân không được công nhận về căn bản pháp lý giữa những người đồng tính (same sex marriage), nhưng về mặt tinh thần và thực tề, xã hội vẫn phải dành cho họ những hình thức liên kết pháp lý như liên hiệp dân sự (civil union), hùn hạp/hợp doanh gia thuộc (domestic partnership). Vậy quan niệm về truyền thống hôn nhân vẫn còn, nhưng hình thức và sự ứng dụng của nó tiếp tục thay đổi trong xã hội Hợp Chúng Quốc.
ĐIỀU KIỆN KẾT HÔN
- Hai bên có khả năng kết hôn, không dính líu với một cuộc hôn nhân khác (độc thân; đã ly dị) — như vậy cấm đoán hiện tượng song hôn [bigamy], hoặc đa thê, đa phu, nhiều vợ, nhiều chồng [polygamy, polygyny, polyandry];
- đủ tuổi kết hôn (vị thành niên 16, 17 tuổi có thể lập gia đình với sự ưng thuận của bố mẹ, hoặc thẩm phán thụ lý);
- có ý chí và ưng thuận kết hôn;
- không thuộc trực hệ gia đình (close blood relatives).
HỨA HÔN (ENGAGEMENT TO MARRY)
VÀ BỘI ƯỚC HỨA HÔN (BREACH OF ENGAGEMENT)
- Theo truyền thống, hứa hôn là sự hứa hẹn của người đàn ông cưới người đàn bà làm vợ. Thủ tục này rất thông dụng đối với người ngoại quốc xin chiếu khán tạm sang Hoa Kỳ lập gia đình với người hứa hôn có quốc tịch Hoa Kỳ hoặc đang lưu trú vĩnh viễn tại Hợp Chúng Quốc.
- Trước đây, trong trường hợp bội ước hứa hôn (breach of engagement), người bị bội ước có thể kiện người hứa hôn về mọi thiệt hại kinh tế và tinh thần (heart balm suit). Ngày nay, thủ tục kiện cáo này không còn được áp dụng tại nhiều tiểu bang. Người làm luật nghĩ rằng không nên khuyến khích, ép uổng hôn nhân, nếu người trong cuộc có nghi vấn, hoặc chưa muốn thuận tình kết hôn.
- Trong trường hợp hứa hôn bất thành, hai bên phải hoàn lại tặng vật, quà cưới, nhẫn hứa hôn v.v. Nhưng họ có quyền giữ lại những quà tặng thân tình, nhận lúc hai bên theo đuổi nhau trước ngày hứa hôn (gifts of pursuits).
2. THỦ TỤC CƯỚI XIN
HÔN NHÂN THEO NGHI THỨC (MARRIAGE CEREMONY)
- Tại 37 Tiểu bang, hôn nhân phải được cử hành theo nghi thức: (a) ra Tòa án địa hạt xin cấp giấy phép cử hành hôn nhân (marriage license); (b) trao giấy phép đó cho người chủ hôn (nhiệm cách chính quyền, hoặc đại diện tôn giáo) đứng ra thi hành thủ tục hôn nhân, ghi nhận sự ưng thuận kết hôn của hai bên phối ngẫu, rồi đăng ký chứng thư hôn nhân (marriage license recording) tại tòa án sở tại; (c) cử hành nghi lễ tôn giáo hay dân sự (religious or civil ceremony) tùy theo sự lựa chọn của các đương sự.
- Tại một vài tiểu bang, hôn nhân phải thực sự kết thúc bằng giao hợp (sexual relations) giữa vợ chồng, bằng không, một bên phối ngẫu có quyền xin hủy bỏ cuộc hôn nhân (annulment), coi như cuộc hôn nhân không hề bao giờ có. Tại đa số các tiểu bang, yếu tố giao hợp giữa vợ chồng không ảnh hưởng gì tới sự hình thành của cuộc hộn nhân, khi nghi thức đã được cử hành đúng theo tiêu chuẩn luật định.
- Sau khi thành hôn, người đàn bà có thể chọn đổi tên họ mình theo họ chồng (a) bằng cách liên tục sử dụng tên họ chồng một cách công khai, rõ rệt, (b) hoặc bằng cách chính thức ra tòa án xin cải tên theo họ chồng. Mọi giấy tờ liên hệ (bằng lái xe, thẻ an sinh xã hội, chi phiếu ngân hàng v.v.) cũng cần được điều chỉnh theo tên họ mới, để thuần nhất hóa với tình trạng đổi tên mới.
- Người đàn bà có quyền chọn không đổi tên họ mình, nhất là khi họ có nghề nghiệp, muốn giữ nguyên tên họ con gái (maiden name) để dễ chứng minh giấy tờ cá nhân, nghề nghiệp, bằng cấp.
3. HÔN NHÂN THEO LUẬT TẬP TỤC (COMMON-LAW MARRIAGE)
- Còn lại 13 Tiểu bang (Alabama, Colorado, Georgia, Idaho, Iowa, Kansas, Montana, Ohio, Oklahoma, Pennsylvania, Rhode Island, South Carolina, Texas) và District of Columbia công nhận hôn nhân theo tập tục khi: (a) hai bên nam nữ đủ tuổi lập gia dình, (b) dù không có hôn thú, nhưng sống với nhau như vợ chồng, một cách công khai; (c) người đàn bà lấy chồng theo tập tục, muốn đổi tên sang họ chồng cũng có thể làm như ghi trên; (d) nếu sau đó, muốn chấm dứt cuộc hôn nhân theo tập tục, đương sự cũng phải lập thủ tục ly hôn trước tòa.
- 37 Tiểu bang kia tuy không công nhận hôn nhân theo tập tục lập tại ngay tiểu bang mình, nhưng lại công nhận hôn nhân theo tập tục lập tại một trong 13 tiểu bang khác, hoặc lập tại ngoại quốc (thí dụ: cặp vợ chồng có hôn nhân tập tục lập tại District of Columbia và một cặp vợ chồng có hôn nhân tập tục lập trước đây tại Việt Nam đều được coi là vợ chồng tại tiểu bang Virginia, và khi muốn chấm dứt hôn nhân theo tập tục đó, họ phải lập thủ tục ly hôn trước tòa như thể chấm dứt hôn nhân lập theo nghi thức thông thường).
4. CHUNG SỐNG NGOẠI HÔN (LIVING TOGETHER OUTSIDE MARRIAGE)
Tại đa số các tiểu bang, những người chung sống ngoại hôn không còn bị cấm đoán như trước đây, và họ được coi có trách nhiệm và quyền lợi đặt trên căn bản một liên hiệp dân sự (civil union), hoặc một hùn hạp/hợp doanh gia thuộc (domestic partnership), nếu họ minh thị cam kết có liên hiệp với nhau, hoặc mặc nhiên cư sử như vậy.
- Ngoài ra, người chung sống ngoại hôn còn được luật công bình (equity) bảo vệ quyền lợi trên căn bản hợp tình, hợp lý.
5. HÔN NHÂN VÔ HIỆU (INVALID MARRIAGES)
Hôn nhân có thể bị coi vô hiệu khi:
- loạn hôn kết thành giữa trực hệ gia đình (close blood relatives);
- không đủ tuổi kết hôn;
- không có khả năng kết hôn vì bệnh tật tâm lý (không có lý trí kết hôn) hoặc còn liên can tới một hôn khế khác.
- Một vài tiểu bang coi đương sự thành tín (good faith party) của cuộc hôn nhân vô hiệu là người được-coi-là-hôn phối (putative spouse) để hưởng quyền lợi của người hôn phối chính thức.
- Nếu chung sống lâu dài mới biết là cuộc hôn nhân vô hiệu, toà có quyền từ chối không coi đó là vô hiệu và hai bên phối ngẫu muốn hủy bỏ hôn thú phải lập thủ tục ly dị.
6. TRÁCH NHIỆM HÔN NHÂN (DUTIES OF MARRIAGE)
- Vợ hoặc chồng không có quyền ép buộc người phối ngẫu phải làm việc bên ngoài.
- Vợ hoặc chồng không có quyền ép buộc người phối ngẫu phải làm tình với mình (tại một số tiểu bang, vợ chồng cưỡng ép dục tình có thể bị truy tố về tội hiếp dâm. Tuy nhiên, từ chối không chịu làm tình giữa vợ chồng có thể là nguyên cớ xin ly dị trên căn bản bất hợp tính tình (irreconcilable difference) hoặc ngược đãi tâm lý (mental cruelty).
- Vợ chồng có quyền tố cáo nhau khi hai bên kiện tụng trong thủ tục ly thân, ly dị. Một vài tiểu bang cho phép hôn phối tố cáo nhau để đòi bồi thường thương tích.
- Cả hai có bổn phận bảo mật thông tri hôn phối trong giai đoạn kết hôn (commmunications made during marriage) khi làm nhân chứng trong các vụ tranh chấp với đệ tam nhân.
7. BẠO LỰC GIA ĐÌNH (DOMESTIC VIOLENCE)
- Nạn nhân của bạo lực gia đình có thể gọi điện thoại cấp cứu hoặc nhờ công lực cảnh sát tới can thiệp;
- Nạn nhân cũng có thể xin toà cấp án lệnh bảo vệ (protective order) hoặc nhờ các tổ chức thiện nguyện bảo vệ.
- Vợ hoặc chồng bị ngược đãi, hà hiếp đánh đập, có thể gọi xin cầu cứu tới cơ quan The National Coalition Against Domestic Violence, P.O. Box 18749, Denver, CO 80218, Tel. (303) 839-1852, (800) 799-7233, website: www.ncadv.org.
NHỮNG VẤN ĐỀ TÀI CHÍNH TRONG HÔN NHÂN (FINANCIAL ASPECTS)
8. KHẾ ƯỚC TIỀN HÔN NHÂN (KUTHN)
(PREMARITAL CONTRACT / PRENUPTIAL AGREEMENT)
- Trước khi thành hôn, hai bên đương sự có quyền lập khế ước tiền hôn nhân (prenuptial agreement) để ấn định trước một số điều kiện thi hành hoặc chấm dứt cuộc hôn nhân, miễn khế ước này không có tính cách phi pháp, vô luân và người ký kết không bị cưỡng ép, dọa nạt.
- Luật Pháp tại đa số các tiểu bang chấp nhận và cho phép thi hành những khế ước tiền hôn nhân ấn định trước cách thức chia của cải khi có ly hôn, hoặc khi người hôn phối mệnh một, với điều kiện khế ước đó có tính cách công bằng cả lúc cam kết lẫn lúc thi hành.
- Thường người hôn phối giàu có ký KUTHN để bảo trì khối tài sản của mình, còn người hôn phối kém thế ký kết để bảo đảm một số quyền lợi được xác định trước, dù có phần thiệt thòi hơn tỷ lệ pháp định. Xem trường hợp của vợ chồng tài phiệt Onassis & Jacqueline Bouvier Kennedy.
- Luật pháp cho phép các đương sự lập KUTHN ấn định miễn trách, không cấp tiền nuôi dưỡng vợ chồng ly dị (alimony, spousal support). Nhưng trong trường hợp người ly dị lâm cảnh túng thiếu tới mức được lãnh trợ cấp xã hội (welfare), người ly dị giầu có vẫn phải cung cấp tiền nuôi dưỡng cho đối phương, dù trong KUTHN có khoản ấn định miễn trách.
- Dù KUTHN có ấn định miễn trách không cung cấp tiền nuôi dưỡng con cái (child support), khoản đặc miễn này sẽ không được toà chuẩn chấp, vì việc nuôi dưỡng con cái được bảo vệ theo tiêu chuẩn pháp định, căn cứ vào quyền lợi của lũ trẻ, chứ không căn cứ vào ý chí chọn lựa của bố mẹ chúng.
9. TÀI SẢN (PROPERTY)
Hai bên hôn phối thông thường có hai loại tài sản: tài sản riêng và tài sản hôn phối.
TÀI SẢN RIÊNG (SEPARATE PROPERTY) GỒM:
- Tài sản mỗi bên hôn phối có trước khi thành lập hôn nhân;
- Bất động sản mỗi bên hôn phối có trước và vẫn đơn phương đứng tên sở hữu chủ;
- Của cải hưởng thừa kế và các tặng dữ do đệ tam nhân trao tặng trong thời kỳ hôn thú;
- Tiền lời, thặng dư giá trị của những tài sản trên;
- Tiền bồi thường thương tích (compensation for personal injuries);
- Khoản tiền ấn định trong KUTHN.
TÀI SẢN HÔN NHÂN (MARITAL PROPERTY) GỒM:
- Tài sản hôn nhân là tài sản thu hoạch trong thời kỳ hôn thú, bất động sản do hai vợ chồng đứng tên đồng sở hữu (joint tenancy) hoặc toàn thể sở hữu (tenancy by entirety).
- Của cải tuy trước riêng, sau này kết nhập (commingled) vào khối tài sản hôn phối (bất động sản cải tên đồng sở hữu chủ; nhập chung ngân khoản).
- Tại 8 tiểu bang Tây Nam Hoa Kỳ (Arizona, California, Idaho, Louisiana, Nevada, New Mexico, Texas, Washington) theo chế độ Tài Sản Chung (Community Property system), mỗi bên hôn phối tự động hưởng một nửa số tài sản hôn phối.
NỢ NẦN, THUẾ MÁ
- Vợ chồng chiụ trách nhiệm chung về những nợ nần mà cả hai cùng ký kết, dù chỉ một bên thụ hưởng (khi hai vợ chồng cùng ký xin thẻ tín dụng (credit card), sau đó chỉ một người xử dụng, cả hai vợ chồng đều mắc nợ như nhau).
- Vợ chồng ly thân, ly dị vẫn chiụ trách nhiệm chung về những nợ nần mà cả hai cùng ký kết trước, dù chỉ một bên thụ hưởng. Vậy khi ly thân hoặc ly dị, cần thanh toán phân chia rõ rệt những món nợ chung, tình lẫn tài.
- Theo chế độ Cộng đồng Tài sản (Community Property System) áp dụng tại Arizona, California, Idaho, Louisiana, Nevada, New Mexico, Texas, Washington), vợ chồng có thể cùng chiụ trách nhiệm về những nợ nần mà chỉ một bên ký kết (cả hai vợ chồng đều mắc nợ chung, dù chỉ một bên ký xin thẻ tín dụng để sài riêng).
- Vợ chồng chiụ trách nhiệm chung về những nợ nần cần thiết cho gia đình (thuê nhà, thực phẩm, quần áo, y tế…) dù chỉ một bên ký kết hoặc ưng thuận. Người hôn phối vắng mặt hoặc không ưng thuận trước vẫn bị liên hệ về những món nợ gia đình này.
- Tại các tiểu bang không theo chế độ Cộng đồng Tài sản, vợ chồng không chiụ trách nhiệm về những nợ nần riêng rẽ mà một bên có trước khi lập hôn nhân.
- Nếu khai thuế chung, cả hai vợ chồng cùng chịu trách nhiệm về số thuế phải trả.
- Hai bên vợ chồng đều có quyền tặng dữ cho nhau mà không phải trả thuế tặng dữ.
- Vợ chồng không chiụ trách nhiệm về những nợ nần thương vụ do một bên làm, ngoại trừ cả hai đều ký kết hoặc chung sống tại các tiểu bang theo chế độ Tài Sản Chung.
- Cả hai vợ chồng đều có thể khai phá sản chung, hoặc chi một bên (làm thương vũ riêng).
VẤN ĐỀ CON CÁI
10. QUYỀN SINH ĐẺ
- Căn cứ vào án lệ Roe v. Wade (1973), quyền có con cái (hay không muốn có con cái) thuộc quyền hiến định. Mỗi bên vợ chồng có toàn quyền có con, mà không bị ai chống đối. Ngược lại bên không muốn có con cái có quyền xử dụng các phương pháp trừ ngừa (contraceptives).
- Sự bất đồng tương thuận về việc muốn có hay không có con cái giữa vợ chồng có thể là nguyên cớ xin ly dị trên căn bản bất hợp tính tình (irreconcilable difference) hoặc ngược đãi tâm lý (mental cruelty).
11. QUYỀN PHÁ THAI
- Căn cứ vào án lệ Planned Parenthood v. Casey (1992), người đàn bà có quyền quyết định phá thai trong giai doạn mới thụ thai, hoặc thai còn nhỏ, mà người chồng hoặc toà không có quyền chống đối. Toà chỉ can thiệp để kiểm soát việc phá thai được an toàn hoặc để bảo vệ bào thao đã lớn tháng.
- Căn cứ vào án lệ Casey trên, gái vị thành niên dưới 18 tuổi có quyền phá thai, với sự ưng thuận của bố mẹ hoặc thẩm phán, trong trường hợp không có sự ưng thuận của cha mẹ.
12. TRÁCH NHIỆM & QUYỀN CHA MẸ
- Cha mẹ có quyền nuôi dưỡng, chăm sóc, kiểm soát, dạy dỗ con cái vị thành niên. Cha mẹ quyết định nơi con cái trú ngụ, đi học, về tín ngưỡng tôn giáo và cách thức chữa chạy, cung cấp thuốc men một cách thông thường.
- Cha mẹ có thể bị kiện về tội bỏ bê con cái vị thành niên (child neglect) nếu không cung cấp đầy đủ thực phẩn, nơi trú ngụ, quần áo, thuốc men, giáo dục cho chúng. Toà có thể gửi chúng tới nơi giám hộ tạm thời hoặc vĩnh viễn.
- Cha mẹ có bổn phận nuôi nâng con cái tới tuổi trưởng thành (18 tuổi).
- Cha mẹ thường chỉ trách nhiệm giới hạn về tổn hại do con cái có lỗi gây ra. Bảo hiểm tai nạn xe cộ phải thanh toán các tổn thất do con cái người được bảo hiểm gây ra khi chúng xử dụng xe cộâ của cha mẹ chúng.
- Cha mẹ ly dị phải trợ cấp tiền nuôi dưỡng con cái theo ngạch pháp định. Toà có thể ra án lệnh cưỡng bách đòi trợ cấp, sai áp tài sản (garnishment & seizure of property) hoặc truy tố cha mẹ ly dị thiếu sót bổn phận trợ cấp con cái.
13. XIN CON NUÔI (ADOPTION)
- Vợ chồng có thể xin nhận lãnh con nuôi qua sự can thiệp, kiểm soát của các sở hội được phép tìm kiếm con nuôi.
- Họ cũng có thể nhờ luật sư và y sĩ tìm kiếm con trẻ để nuôi khi cha mẹ tư sinh thuận tình chuyển cho, sau khi được giúp trả các phí tổn hộ sinh, thuốc men và nuôi dưỡng bào thai. Mọi hình thức dùng tiền quá đáng để nhận lãnh con nuôi đều bị coi là phi pháp (mua-bán-con nuôi/black-market-adoption).
- Người mẹ tư sinh (biological mother) có quyền đổi ý không cho con nữa, nhưng phải quyết định trong vòng vài tuần ngay sau khi sinh đẻ. Nếu người mẹ tư sinh bị lừa hoặc bị cưỡng ép, thởi gian đương sự quyết định lại bắt đầu từ khi chấm dứt những áp lực trên.
- Người cha tư sinh (biological father) có quyền quyết định cho đứa trẻ làm con nuôi hay không, khi rõ tung tích người cha và người này không trốn tránh. Nếu người cha tư sinh không biết về việc sinh nở của đứa trẻ, người cha có thời hạn vài tháng sau ngày sinh đẻ của đứa trẻ để chống đối việc cho và nhận con nuôi.
- Sau khi cho con làm con nuôi người khác, cha mẹ tư sinh (biological parents) mất mọi quyền hạn, không được thăm hỏi và không còn trách nhiệm gì về đứa trẻ này. Gần đây có khuynh hướng Nuôi Con Nuôi Cởi Mở/Open Adoption, theo đó, bố mẹ tư sinh được quyền tiếp tục thăm hỏi đứa con đem cho, căn cứ vào khoản cam kết ước dịnh.
- Người độc thân (single), và cả những cặp đồng tính (homosexual/gay/lesbian) sống chung cũng có quyền nhận lãnh con nuôi, nhưng thủ tục khó khăn, kỹ lưỡng hơn, căn cứ vào quyền lợi của đứa trẻ (best interests of the child).
- Phải có lệnh Toà mới được phép mở xét hồ sơ cho và xin con nuôi.
- Con nuôi có quyền ngang với con đẻ. Bố mẹ nuôi cũng có quyền và bổn phận đối với đứa con nuôi y như đối với con do chính họ sinh đẻ.
14. TƯ CÁCH PHỤ HỆ (PATERNITY)
- Thử máu chỉ chính xác trong việc phủ nhận liên hệ cha con của các đương sự, chứ không mấy bảo đảm tư cách phụ hệ của người cha tư sinh đối với đứa trẻ. Chỉ thủ tục khoa học thử tố di truyền DNA mới đúng thực trong việc xác định phụ hệ.
- Nếu tư cách phụ hệ được công nhận, người cha tư sinh phải trợ cấp đứa con tư sinh như một người cha chính thức và còn phải bồi hoàn phi tổn thai nghén, thuốc men và dịch vụ hộ sinh cho mẹ đứa trẻ.
- Nếu người cha tư sinh khước từ trợ cấp, toà có thể ra án lệnh cưỡng bách đòi trợ cấp, sai áp tài sản (garnishment & seizure of property) hoặc truy tố đương sự về mặt hình.
- Người chồng có vợ sinh con ngoại hôn, trong vòng hai năm sau ngày sinh đẻ đứa trẻ, có quyền lập thủ tục xin khước từ phụ hệ (disprove paternity).
15. BỎ BÊ CON CÁI TRẺ THƠ (CHILD NEGLECT)
- Cha mẹ hoặc người giám hộ pháp định có thể bị quy tội bỏ bê con cái, trẻ thơ (child neglect) khi cố ý sao nhãng bổn phận cung cấp đầy đủ thực phẩm, nơi trú ngụ, quần áo, thuốc men, giáo dục cho con cái, trẻ thơ mà đương sự có trách nhiệm nuôi dưỡng, giám hộ, nên đã gây phương hại cho chúng (child endangerment).
16. NGƯỢC ĐÃI, HÀNH HẠ CON CÁI TRẺ THƠ (CHILD ABUSE)
- Cha mẹ, người giám hộ, người trông trẻ, thầy giáo, các thành niên liên hệ có thể bị quy tội hành hạ con cái, trẻ thơ (child abuse) nếu họ trừng phạt chúng quá đáng, đánh đập, gây thương tích, bắt chúng nhịn đói, hành hạ tinh thần, đầy đoạ làm chúng tủi nhục.
- Cũng bị quy tội trên nếu họ cho phép người khác hành hạ, hoặc không can thiệp cứu vãn đứa trẻ, khi họ có bổn phận và khả năng bảo vệ chúng.
17. TRÁCH NHIỆM BÁO CÁO BỎ BÊ, NGƯỢC ĐÃI, HÀNH HẠ TRẺ THƠ (DUTY TO REPORT NEGLECT & ABUSE)
- Nhữnh đương sự gần gũi với trẻ thơ bị ngược đãi (giao chức, nhà trường, y sĩ, nhân viên xã hội) có bổn phận báo cáo tình trạng bỏ bê, hành hạ trẻ thơ trên. Nếu họ đích thực có trọng trách với đứa trẻ mà lại lơ là trách nhiệm, họ có thể bị kiện về mặt dân sự và hình sự.
- Trẻ thơ bị ngược đãi, bỏ bê, hành hạ sẽ được toà thụ lý cho phép thuyên chuyển tạm hoặc vĩnh viễn (temporary or permanent removal) tới nơi an toàn hoặc được đặt làm con nuôi/giám hộ/ trong gia đình nào sẵn sàng bảo vệ chúng.
- Gia đình nuôi dưỡng/giám hộ/ cũng có thể bị quy tội trên nếu họ hành hạ hay cho phép người khác hành hạ, hoặc không can thiệp cứu vãn đứa trẻ nạn nhân, khi họ có bổn phận và khả năng bảo vệ chúng.
18. VÀI ĐỊA CHỈ CẦN BIẾT ĐỂ GIÚP TRẺ BỊ NGƯỢC ĐÃI:
- Child Welfare League of America, 440 First Street NW, Suite 310, Washington, DC 20001 / www.cwla.org <http://www.cwla.org>. Tel. (202) 638-2952.
- National Council for Adoption / www.ncfa.org/home.html <http://www.ncfa.org/home.html>.
- National Center for Missing and Exploited Children, 2101 Wilson Boulevard, Suite 550, Arlington, VA 22201 / www.missingkids.com <http://www.missingkids.com> Tel. (800) 843-5678 (toll-free).3
Lưu Nguyễn Đạt, PhD. LLM
Herman M. Sawyer, JD. LLM