Xưa nay, chúng ta quen gọi vùng đất ấy là Cảng Thơm, dịch nôm từ chữ Hương Cảng, rồi Hong Kong, Hồng Kông, Hồng Công, v.v…, một deo đất gồm các bản đảo và quần đảo nhỏ ở cửa sông Châu Giang tuôn ra biển, được Đế quốc Anh xây dựng thành một hải cảng sầm uất trong không khí tự do. Bây giờ thì xin cứ tùy nghi gọi sao cũng được.
Khi vụ khủng hoảng Hương Cảng bùng nổ – tùy khả năng đo đếm thời gian, người ta định vị các cuộc biểu tình vào ngày 22 Tháng Chín, mùng một Tháng Bảy 2014, hay còn sớm hơn nữa – thế giới Tây phương và đa số chúng ta đều nhấn mạnh đến yêu cầu dân chủ của dân Hương Cảng.
Điều ấy rất đúng, không sai – nhưng mà chưa đủ.
Không để chơi chữ, ta chẳng thể quên chuyện hương nhài xuất phát từ “Mùa Xuân Á Rập” vào đầu năm 2011 tại Tunisia ở Bắc Phi.
Khi ấy, người ta nói đến cuộc cách mạng dân chủ, hay cách mạng hoa nhài, hoa lài, hoa jasmine, hoa mạt lợi. Nó phả hương thơm từ Trung Đông vào Trung Quốc mà lãnh đạo Bắc Kinh thấy tựa khói độc. Khi ấy, họ cho kiểm duyệt thông tin trên không gian điện toán, để giới trẻ Trung Quốc hay gốc Hoa ở mọi nơi khác không liên lạc với nhau trong nỗ lực kêu đòi dân chủ.
Nhớ lại thì nổi lên từ ngày 20 Tháng Hai năm 2011, phong trào vận động hoa nhài, hay “Mạt Lợi Hoa Hưng Động”, quy tụ nhiều thành phần dân chúng khác nhau.
Đầu tiên là giới bất đồng chính kiến tại Hoa lục, gồm nhiều luật sư, nhà báo hay giáo sư, trí thức muốn có cải cách chính trị tại Trung Quốc. Năm đó, khuôn mặt nổi bật là nhà văn Lưu Hiểu Ba, vừa lãnh giải Nobel Hoà bình vào Tháng 10 năm 2010 thì bị tống giam. Người kia là nghệ sĩ Ải Vị Vị nổi danh quốc tế thì bị cầm tù 81 ngày về tội danh kinh tế liên quan đến… thuế khóa!
Thứ hai là học sinh và sinh viên thuộc thế hệ sinh sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Họ vẫn nuôi mộng canh tân xứ sở và khá thông thạo kỹ thuật thông tin điện tử nên có móc nối với tuổi trẻ bên ngoài qua các mạng lưới xã hội. Cũng do tinh thần duy tân của giới trẻ có học, gần như là truyền thống tại Trung Quốc từ trăm năm trước, mà sau này, năm nay, ta nghe nói đến hiện tượng “học vận”, vận động của thanh thiếu niên có học. Thiếu niên có học khá tiêu biểu sau này là cậu Joshua Wong, 15 tuổi đã lâm trận và 17 tuổi trở thành kiện tướng của chiến dịch “Chiếm Đóng Trung Hoàng” vừa qua tại trung tâm Hương Cảng,
Thứ ba là thường dân, thành phần ít quan tâm đến các tư tưởng lớn về dân chủ nhưng bất mãn về nhiều chuyện thiết thực trong đời, như nạn tham nhũng, cường hào ác bá cướp đất, gây ô nhiễm môi sinh, tình trạng bất công xã hội, hay nạn dân công thất nghiệp v.v…. Mỗi nhóm bất bình lại tự phát biểu tình vì một số động lực mà chẳng phối hợp với nhau, cho tới khi có những nỗ lực vận động của giới trẻ.
Sau cùng là thanh thiếu niên bên ngoài Hoa lục, tại Đài Loan, Hương Cảng, Singapore, Seoul, và các nước Tây phương, nhất là Hoa Kỳ. Thời ấy, có một nhân vật đáng chú ý là Watson Meng với trang Boxun.com xuất phát tại tiểu bang North Carolina. Họ trao đổi thông tin trong ngoài, và giúp nhau vượt bức tường lửa để phanh phui nhiều chuyện, đôi khi còn tung tin đồn và gây nhiễu âm cho lãnh đạo Trung Quốc rượt đuổi để chống đỡ.
Chúng ta có thể thấy ra một quy luật phổ biến là “đừng tin bất cứ điều gì, cho tới khi nhà nước phủ nhận!”
Dĩ nhiên là nhà nước Bắc Kinh tố cáo các “thế lực thù nghịch” ở bên ngoài với hàm ý là Hoa Kỳ qua các tổ chức phi chính phủ NGO. Nhưng sự thật khó phủ nhận được là bên trong Hoa lục, Trung Quốc đã có sẵn mầm loạn.
Cuộc vận động hương nhài dẫn đến một hiện tượng lạ. Năm đó, người ta kêu gọi nhau quy tụ tại 13 thành phố và các địa điểm đông khách mà không để biểu tình – rất dễ bị nhốt. Họ chỉ gọi nhau khơi khơi xuất hiện thật nhiều và… nhìn nhau. Vì vậy, lực lượng công an, cảnh sát và đám “thành quản” được tung ra khắp nơi và nhìn đâu cũng thấy kẻ thù.
Cái không khí khẩn trương đó mới phơi bày sự lúng túng của bộ máy đàn áp khi rơi vào cảnh ngộ “có tật giật mình”.
Chi tiết còn thiếu trong cuộc vận động này là giải thích cho truyền thông Tây phương hiểu ra kỹ thuật đó. Lần này, thanh thiếu niên Hương Cảng đã cải tiến kỹ thuật đấu tranh và trình bày mạch lạc. Nhưng thế giới Tây phương lại hiểu lầm chuyện này thành một cuộc vận động cho dân chủ. Họ quên rằng cả vạn sinh viên học sinh Hương Cảng đã từng biểu tình hai năm về trước, vào ngày 29 Tháng Bảy 2012, để phản đối giáo trình do Bắc Kinh áp đặt với nội dung đề cao chủ nghĩa ái quốc theo định hướng của nhà nước cộng sản. Đấy là lúc Joshua Wong lần đầu lâm trận!
Thành thử, giới trẻ Hương Cảng, Đài Loan hay nhiều nơi khác không chấp nhận cái chuỗi chân lý lạc hậu: 1) “yêu nước là phải yêu xã hội chủ nghĩa”, 2) “yêu xã hội chủ nghĩa là phải trung thành với đảng”, vì 3) “đảng mới là đại diện chân chính của dân tộc Trung Hoa”. Nôm na là dân Hương Cảng không chỉ kêu đòi dân chủ mà còn phủ nhận cái “định hướng xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa”.
Vì vậy, vụ khủng hoảng không thu gọn vào vai trò của viên Hành chánh Trưởng quan Lương Chấn Anh, hay việc bộ máy chính quyền sở tại phải độc lập với Bắc Kinh, hoặc phải tôn trọng thể thức bầu cử đại diện theo phương thức trực tiếp kể từ năm 2017.
Cơn biến động còn vượt khỏi cuộc tranh luận về nguyên tắc “nhất quốc lưỡng chế” – one contry, two systems – do Đặng Tiểu Bình đề ra khi thu hồi lại Hương Cảng với dụng ý trấn an để sẽ thu hồi cả Đài Loan.
Cuộc khủng hoảng bùng nổ vì nhiều người Hoa không muốn là thần dân của Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Họ chống lại hệ thống chính trị ấy đến độ sẵn sàng làm công dân của một nước Cộng hoà Đài Loan độc lập, hay là “dân Hong Kông”, chứ không muốn là dân Trung Quốc. Chẳng những có tinh thần ly khai và chối bỏ căn cước hay bản sắc Trung Hoa để thành công dân quốc tế trong một thế giới đa nguyên rộng mở, họ còn muốn làm xã hội Trung Quốc đổi thay để theo kịp sự tiến hóa của nhân loại.
Nghĩa là sau 30 năm cải cách kinh tế để thành cường quốc, đảng Cộng sản lại thất bại với dự án phát huy chủ nghĩa quốc gia để củng cố vai trò lãnh đạo của đảng. Thất bại đầu tiên là từ bên trong khi tăng trưởng không đưa tới phát triển mà còn gây ra nhiều vấn đề vượt quá khả năng giải quyết của đảng. Để khỏa lấp nhược điểm ấy, đảng khích động tự ái dân tộc và chỉ ra kẻ thù ở bên ngoài qua các vụ tranh chấp về chủ quyền với lân bang.
Thí dụ điển hình là tranh chấp với Nhật về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bùng nổ vào trung tuần Tháng Tám năm 2012. Khi đó lãnh đạo Bắc Kinh kín đáo cho phép người dân biểu tình chống Nhật tại nhiều thành phố, như Bắc Kinh, Thượng Hải, Trường Sa và cả Hương Cảng. Chỉ ba ngày sau là lại lật đật cấm đoán vì e sợ dân biểu tình sẽ nhân đó quay ra chống đảng!
Khi đó, chúng ta thấy ra hoàn cảnh cưỡi dân như cưỡi cọp của đảng.
Ngồi trên lưng phất cờ chỉ ra kẻ thù ở bát phương tứ hướng mà cứ sợ bị cọp vồ! Bây giờ thì chúng ta hiểu vì sao mà năm đó ngân sách cho việc bảo vệ an ninh trật tự bên trong lại còn cao hơn ngân sách quốc phòng để bành trướng sức mạnh quân sự ra ngoài.
Vì vậy, sau khi lãnh tụ mới là Tập Cận Bình nói đến “Trung Quốc Mộng” với tinh thần mị dân, ta vừa được nghe dân Hương Cảng trả lời về giấc mộng đó. Họ từ chối. Quả thật là cơn ác mộng cho đảng.
“Trung Ác Mộng” là một từ chính xác!