Chế độ chính trị và an sinh xã hội có mối liên hệ nào không? Xin thưa là có. Ở các nước tự do dân chủ, đa nguyên, đa đảng và pháp trị luôn có chính sách an sinh xã hội tốt vì đó là đòi hỏi của xã hội.
Các đảng phái trong nhà nước dân chủ tự do luôn phải cạnh tranh với nhau để nắm quyền lực, muốn vậy họ phải có một đề án chính trị tốt, một đường lối điều hành xã hội và đất nước tốt nhất có thể. Phục vụ đất nước và xã hội cũng là phục vụ cho quyền lợi của chính họ, vì muốn cầm quyền các đảng phái chính trị phải tranh thủ được sự ủng hộ của người dân thông qua các cuộc bầu cử dân chủ và tự do.
Chính vì vậy khi nắm quyền họ phải có chính sách an sinh xã hội tốt nhất, trong đó có chính sách về chăm sóc y tế, về giáo dục miễn phí cho người nghèo, hợp lý cho người giàu, chính sách về trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp về tai nạn… để không một ai bị gạt ra bên lề cuộc sống, không một ai bị bỏ rơi.
Những chính sách an sinh xã hội khác như xây dựng nhà ở giá rẻ hoặc miễn phí cho người nghèo, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông để phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân và sự phát triển kinh tế xã hội. Tất cả đều từ ngân sách quốc gia, từ tiền thuế của dân đóng góp.
Các đảng cầm quyền phải chịu trách nhiệm về sự an nguy, thịnh suy của quốc gia- xã hội, nếu đảng phái nào bất xứng, bất lực sẽ bị loại trừ. Đây là một áp lực mang tính sinh tử chi phối các đảng phái chính trị buộc họ phải hoàn thiện mình để làm hài lòng người dân.
Còn ở Việt nam chỉ có một đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo, họ không phải cạnh tranh với bất cứ đảng phái nào, cho nên họ không có nhu cầu hoặc áp lực phải hoàn thiện mình.
Đảng cộng sản hiện nay không chịu sự kiểm soát, đàn hặc của người dân và họ cũng không cần người dân ủng hộ họ, họ chỉ cần có công an và quân đội để bảo vệ chế độ và kiểm soát người dân.
Chính vì vậy không có lý do gì để họ phải phục vụ người dân bằng một chính sách an sinh xã hội tốt, cho nên Việt nam hiện nay dưới danh nghĩa là một nước “xã hội chủ nghĩa” nhưng không hề có một chính sách an sinh xã hội nào, người dân phải trả học phí, viện phí và rất nhiều thứ phí khác.
Người dân phải mua nhà với giá cắt cổ vì giới tư bản địa ốc bắt tay với nhà cầm quyền đầu cơ thổi giá đất lên cao ngất ngưỡng để trục lợi.
Người dân phải mua bảo hiểm Y tế, nhưng không được chăm sóc đúng với quyền lợi và nhu cầu chính đáng của mình.
Bộ Y tế thì móc ngoặc với gian thương nhập thuốc giả về bán.
Người dân phải trả học phí cho con cái, phải mua sách giáo khoa (mỗi năm thay đổi một lần). Theo ước tính của các nhà chuyên môn, nhà xuất bản Giáo dục hiện nay thu về hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm nhờ độc quyền xuất bản sách giáo khoa.
Nền giáo dục hiện nay là một nền giáo dục vì lợi nhuận và bóc lột được gọi một cách mỹ miều là “xã hội hóa giáo dục”!
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông chỉ tạo thêm gánh nặng cho người dân vì tham nhũng, vì phí đường bộ cao ngất bởi sự lạm thu của các ông chủ những dự án BOT. Đây là lý do làm cho hàng hóa, dịch vụ tăng giá, dẫn đến xã hội trì trệ.
Nhưng bất công nhất là Việt nam nằm trong số các quốc gia xuất khẩu dầu thô với hàng chục tỷ usd mỗi năm, nhưng người dân phải trả tiền cho một lít xăng dầu cao hơn nước Mỹ.
Một lít xăng dầu của Việt nam phải cỏng trên lưng hơn 70% thuế phí.
Bị bóc lột, nhưng người dân không có quyền phản đối.
Ai bất bình, phản đối các chính sách sai lầm của đảng cầm quyền đều có thể bị đàn áp, đánh đập, khủng bố và bỏ tù với những tội danh mơ hồ.
Chúng ta đưa ra một vài nét căn bản để so sánh.
Vậy người dân Việt nam nên chọn cho mình thể chế chính trị nào?
Huỳnh Ngọc Tuấn