Cụm từ “tư duy nhiệm kỳ” được phổ biến trên hệ thống tuyên truyền của đảng cộng sản và được nhà cầm quyền dùng để nói về một thực trạng các nhóm lợi ích đua nhau xà xẻo tiền thuế của người dân và khai thác triệt để, bán tống bán tháo tài nguyên quốc gia.
Đi khắp đất nước nhỏ bé này chúng ta thấy một hiện tượng đáng báo động đó là khắp nơi các công ty lớn- nhỏ của các đại gia tư bản đỏ đang lùng sục tài nguyên để khai thác.
Từ rừng núi đến bờ biển, sông ngòi đâu đâu cũng thấy các công ty này hoạt động ngày đêm với đội ngũ những người khai thác vừa là công nhân vừa là xã hội đen để sẵn sàng đánh đập khủng bố người dân nếu ai đó dám chống lại. Chúng ta đã từng chứng kiến những vụ đụng độ đẩm máu xảy ra giữa người dân địa phương và các nhóm xã hội đen này.
Hiện nay rừng núi thì ngỗn ngang bừa bộn những hố hầm dang dỡ, hậu quả của việc đào bới để tìm vàng, tìm những khoán sản quý hiếm.
Bờ biển thì nham nhở những khu đất bị cày xới và bị nhiễm độc bởi nạn khai thác quặng titan tràn lan. Những dòng sông bị chuyển dòng chảy vì nạn khai thác cát quá mứt và không hợp lý dẫn đến tình trạng bị sụt lở nghiêm trọng. Người ta chứng kiến những xóm làng trù phú bị xóa sổ trên hai bờ dòng Tiền Giang, Hậu giang ở miền Tây nam bộ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có hiện tượng đua nhau khai thác tài nguyên một cách điên cuồng như vậy. Câu trả lời là do “tư duy nhiệm kỳ”…
Các ông quan lớn cầm đầu ở các địa phương, các bộ ngành muốn bằng mọi giá, mọi cách để khai thác triệt để tài nguyên trong địa phương mình hoặc do bộ ngành mình quản lý để chia cho nhau trước khi người khác lên thay.
Với nguồn tiền thu được từ việc khai thác tài nguyên các ông quan này lót đường để thăng tiến nhanh hơn cao hơn hoặc có thể an ổn tại vị, hoặc có thể “hạ cánh an toàn”.
Còn một lý do chính trị nữa đó là các ông quan lớn Việt nam muốn đặt chân lên đỉnh cao quyền lực thì phải cần sự hậu thuẫn của thiên triều, cho nên họ đua nhau lấy lòng các nhà lãnh đạo Trung quốc thông qua các tập đoàn kinh tế.
Nắm được yếu tố tâm lý và thực trạng này nên các nhà nhập khẩu Trung quốc ép giá tối đa có thể. Người Trung quốc họ biết rằng các ông quan lớn ở Việt nam thà khai thác tối đa để bán rẻ hơn là để lại cho thế hệ cầm quyền tiếp theo hưởng giá cao.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu quặng và khoáng sản của Việt Nam sang Trung Quốc đang rẻ hơn rất nhiều so với giá trị xuất khẩu quặng sang các thị trường khác.
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2018, lượng quặng và các loại khoáng sản xuất khẩu 4 tháng qua đạt 1,5 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt hơn 65,5 triệu USD. Bình quân, giá quặng xuất khẩu đạt 988.000 đồng/tấn.
Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc, lượng quặng và khoáng sản Việt Nam xuất sang chiếm 80% tổng lượng xuất khẩu, đạt gần 1,2 triệu tấn, kim ngạch hơn 29 triệu USD. Tuy nhiên, giá xuất khẩu trung bình chỉ đạt 560.000 đồng/tấn. Thậm chí, giá bán quặng và khoáng sản cho thị trường Hàn Quốc còn cao gấp 10 lần so với giá bán cho Trung Quốc (5,8 triệu đồng/tấn).
Bình luận về những con số này, GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường cho biết thực trạng bán rẻ quặng và khoáng sản của Việt Nam cho Trung Quốc không hề mới mà đã diễn ra nhiều năm nay. Nó gây ra sự bất bình và cả nỗi buồn cho các nhà khoa học, các nhà kinh tế.
Theo vị chuyên gia, quan hệ kinh tế giữa các quốc gia là sòng phẳng, do đó, Việt Nam không nên và không cần bán rẻ tài nguyên cho bất kỳ quốc gia nào.
“Tôi đã nhiều lần đặt câu hỏi: Tại sao Việt Nam lại bán rẻ quặng và khoáng sản cho Trung Quốc? Đánh đổi như thế để được cái gì? Nếu một số loại quặng quý hiếm như đất hiếm và các loại quặng khác có giá trị cao mà bán như thế thì rất nguy hiểm. Việc này cơ quan quản lý Nhà nước và cả TKV phải giải thích cho rõ.
Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo được, được bao nhiêu cứ bán hết thì còn gì cho con cháu đời sau? Phải bảo tồn, gìn giữ tài nguyên, giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc bán tài nguyên thô, nếu sử dụng thì phải sử dụng hữu ích. Bán tài nguyên thô đã nguy hiểm, bán rẻ lại càng tai hại hơn. Khoáng sản là tài sản của nhân dân, bán rẻ thì chỉ có dân thiệt, còn doanh nghiệp chỉ cần tiền trao cháo múc, tiền tươi thóc thật cầm về, tiêu cực cũng nảy sinh từ đây”.
Vị chuyên gia không tin rằng vì khoảng cách địa lý Việt Nam gần Trung Quốc, giá vận chuyển rẻ khiến giá bán quặng và khoáng sản cho Trung Quốc rẻ hơn mức trung bình. Bởi theo ông, đối với những quặng quý, hiếm như đất hiếm, titan, crôm… thì khoảng cách địa lý xa gần không phải là vấn đề.
“Một trong những nguyên nhân khiến quặng và khoáng sản Việt Nam bị bán rẻ có thể là do người xuất khẩu không biết “của đau con xót”. Chúng ta đã có bài học than – bán than cho Trung Quốc rồi lại nhập than Trung Quốc về với giá cao nhưng có vẻ học bao nhiêu thì vẫn không có gì thay đổi.
Chưa kể, việc bán rẻ còn tạo tiền lệ xấu cho doanh nghiệp xuất khẩu – cứ bán rẻ cũng không sao. Chính vì thế, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải đánh động tình trạng này. Nếu cứ thế này, chẳng mấy chốc Việt Nam sẽ cạn kiệt tài nguyên mà cái được thì không tương xứng”.
Đáng lưu ý, GS Bá cảnh báo về tham vọng độc quyền khoáng sản quý của Trung Quốc nhằm kiểm soát thị trường thế giới. Cách làm của họ là thâu tóm các mỏ trên thế giới, sử dụng nguồn cung độc quyền như một công cụ điều khiển giá cả, đồng thời ép buộc các công ty lớn phải đầu tư tại Trung Quốc để đổi lấy nguồn nguyên liệu quý giá này.
“Ở trong nước, Trung Quốc hạn chế khai thác khoáng sản, nhưng họ gom quặng, liên kết khai thác quặng ở nước ngoài, nhất là quặng quý hiếm để đưa về nước họ. Sau này, khi thế giới thiếu họ mới bung ra bán với giá cao, đó là một kiểu tích trữ đầu cơ.
Có những quặng rất cần cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0, cho công nghệ vũ trụ mà vì trình độ Việt Nam chưa cao, không biết nó rất quý, cứ bán đơn giản như vậy thì rất nguy hiểm. Trong khi đó, Trung Quốc có nền công nghiệp chế biến chế tạo phát triển, họ thu mua khoáng sản thô về chế biến, đầu cơ.
Ví dụ, đối với quặng đất hiếm, Trung Quốc chiếm tới hơn 90% trữ lượng đất hiếm của thế giới nhưng họ vẫn mua loại tài nguyên này với giá rẻ, tinh chế ra được những nguyên liệu tiền công nghiệp có giá trị cao. Đến khi thế giới kiệt quệ, Trung Quốc mới tung ra”
Từ những mối nguy trên, GS.TSKH Lê Huy Bá nhấn mạnh, đã đến lúc Việt Nam không thể cứ đào, xúc, hút mãi tài nguyên rồi đem bán. Việt Nam vẫn đang là một thị trường cung cấp khoáng sản thô quan trọng của Trung Quốc, Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng lợi thế này để có chính sách ép giá ngược lại với Trung Quốc, theo đó, trả rẻ thì không bán nữa.
“Quan trọng là phải đứng trên quan điểm độc lập, bảo tồn tài sản của dân tộc, trên cơ sở quan hệ kinh tế sòng phẳng với tất cả các quốc gia”.
Huỳnh Ngọc Tuấn