Theo Tổng cục thống kê của nhà cầm quyền thì thu nhập bình quân tính theo đầu người GDP của Việt nam năm 2017 là 2.340 usd. Con số này là thực hay giả, nếu là thực thì cách tính đó có chính xác và nói lên được thực trạng của đời sống người dân, hay nó chỉ là con số để tuyên truyền mị dân và nó thực sự công bằng trong sự phân chia phúc lợi xã hội?
Chúng ta hãy tổng hợp ý kiến của các chuyên gia trong lãnh vực này:
Sử dụng chỉ số GDP là cách dễ và nhanh nhất để có được thành tích, vì để tăng trưởng GDP rất đơn giản, chỉ cần đầu tư hạ tầng, đầu tư công trình, thậm chí các hoạt động gây ô nhiễm môi trường… cũng đều có thể làm gia tăng GDP. Thủ đoạn của người lãnh đạo là lấy đó để đánh giá thành tích, báo cáo thành tích, để mị dân và đánh lừa cả quốc tế.
Từ rất lâu các chuyên gia trong nước và quốc tế đã phân tích về chỉ tiêu GDP và chỉ ra nhiều mặt bất cập của nó. Thứ nhất, chỉ tiêu GDP chỉ hiển thị ở sản phẩm hàng hóa. Những sản phẩm không phải là hàng hóa (an sinh, sức khỏe, dịch vụ công…) không được tính đến
Thứ hai, GDP không nói gì đến phẩm chất của tài sản và dịch vụ, cũng không nói gì đến phẩm chất của cuộc sống mà tài sản và dịch vụ mang lại. Những suy giảm về môi trường không được tính đến.
Thứ ba, GDP không nói gì đến sự phân phối thu nhập giữa các nhóm xã hội. Thu nhập quốc dân trung bình tăng lên có thể đi đôi với một sự tăng mạnh ở những nhóm này và giảm ở những nhóm khác.
Còn rất nhiều hạn chế khác nữa nhưng rõ ràng những vấn đề trên cho thấy, GDP chỉ nên được coi như một chỉ số tham khảo, nó chỉ có giá trị khi phải đứng cùng với nhiều chỉ số khác như: thu nhập trung bình của hộ gia đình, số việc làm được tạo ra trong cả hai khu vực là doanh nghiệp và kinh tế hộ gia đình, chỉ số nghèo, chỉ số tiếp cận dịch vụ y tế và giáo dục, v.v.
Đáng lưu ý, chỉ tiêu GDP nhiều khi tạo ra sự phồn vinh giả tạo. Đối với Việt Nam, đầu tư nước ngoài vào nước ta rất nhiều trong khi đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài rất ít. Cho nên phần lớn của cải tạo ra được các nhà đầu tư nước ngoài chuyển về nước họ chứ không để lại hết trên lãnh thổ Việt Nam.
Hiện nay phần lớn các quốc gia trên thế giới xem chỉ tiêu GDP mang tính chất tham khảo hay mang tính chất định hướng chứ không phải là chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá nền kinh tế. Nhiều quốc gia thậm chí không dùng chỉ tiêu này nữa mà chuyển sang dùng chỉ tiêu GNP. Trong khi đó, Việt Nam vẫn coi chỉ tiêu GDP như một thành tựu, một lý do để biện minh cho chế độ độc tài toàn trị, họ lý luận rằng cần có “ổn định chính trị” để có tăng trưởng bền vững!?
Đó là chưa kể những số liệu thống kê không thể kiểm chứng được, thậm chí là con số “ma”. Người dân chúng ta không nên bị đánh lừa bởi những con số hào nhoáng được thể hiện qua chỉ số tăng trưởng GDP hằng năm mà phải tự hỏi rằng cuộc sống của mình thay đổi hay không và thay đổi theo chiều hướng nào?
Chúng ta cần quan tâm đến các chỉ tiêu khác như phẩm chất cuộc sống, chỉ số hạnh phúc… như nhiều quốc gia khác trên thế giới đang hướng đến. Phải biết rằng GDP không phải là tất cả những gì người dân cần, còn có vấn đề về môi trường sinh thái, môi trường xã hội, bộ máy công quyền như thế nào nữa…
Một mâu thuẫn nữa là tại sao với tốc độ tăng trưởng của Việt Nam nhanh như thế, năm nào cũng cao nhưng GDP bình quân đầu người lại thấp? Phẩm chất sống không cao, thậm chí có chiều hướng suy giảm rõ rệt trong mấy năm qua.
Cũng phải lưu ý rằng, đời sống người dân không phải thực sự được nâng cao lên tương ứng với sự tăng trưởng GDP và tăng trưởng GDP bình quân đầu người, vì GDP che giấu trong đó rất nhiều thứ, ví dụ: tất cả những loại hàng hóa, tài sản được sản xuất trên lãnh thổ của một quốc gia, nhưng GDP không hề cho biết ai sản xuất ra tài sản ấy, tài sản ấy được phân phối cho ai, ai được hưởng lợi ích…
Điễn hình là các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam đều sản xuất ra GDP , thậm chí sản xuất rất lớn. Một phần lợi nhuận thu được phân chia cho người dân qua lao động gia công, làm thuê, trong khi phần rất lớn lợi nhuận đó vào tay chủ sở hữu doanh nghiệp, mà những người chủ này không phải người Việt Nam. Như vậy, mức tăng trưởng GDP không có nghĩa là mức độ thụ hưởng của người Việt cũng được tăng lên.
Tập đoàn Samsung đặt trụ sở sản xuất ở Việt Nam, trong đó phần giá trị Việt Nam nhận được chỉ 10-15% nhưng khi xuất đi họ tính sản phẩm này là của Việt Nam và trên nhãn mác vẫn ghi là Made in Vietnam..!
Đó là chưa kể tính khả thi của tham vọng GDP bình quân đầu người của Việt nam giai đoạn 2015-2020, có thể thấy rằng con số đưa ra (3.200-3.500 USD/người/năm) là không thực tế.
Ở Việt nam còn có một hiện tượng phổ biến và khôi hài khác, đó là sử dụng chỉ tiêu GDP như một cách để có được thành tích nhanh nhất. Không ở đâu GDP lại tăng trưởng dễ dàng như ở Việt Nam. Chỉ cần dăm ba năm lại mang vỉa hè ra đào lên rồi lại lấp xuống là lập tức có việc làm, có GDP tăng trưởng bởi kiểu gì nó cũng làm nảy sinh chi phí.
Với một quốc gia, sức mạnh sáng tạo và sản xuất nội địa vẫn là vấn đề quan trọng nhất, nền kinh tế Việt nam thiếu cả hai yếu tố này.
Hiện nay các tổ chức quốc tế đưa ra rất nhiều chỉ tiêu khác nhau để đo lường mức sống của người dân, như mức độ hưởng thụ, mức độ quan tâm của chính quyền đối với người dân. Chẳng hạn: một năm chi cho y tế bao nhiêu, chi cho giáo dục bao nhiêu, an sinh xã hội bao nhiêu, đào tạo nghề nghiệp và kỹ năng bao nhiêu, đời sống văn hóa tinh thần bao nhiêu…
Một nhà cầm quyền sử dụng tăng trưởng GDP để biện minh cho sự độc đoán, để tạo cho người dân cảm giác về sự giàu có- hào nhoáng của quốc gia mà quên đi sự khốn khổ nghèo đói của mình là mị dân. Lúc đó chỉ số GDP cao ngất chỉ là sự phồn vinh giả tạo.
Huỳnh Ngọc Tuấn