Tổng bí thư đảng cộng sản Việt nam đã có chuyến công du Pháp quốc trong 3 ngày kể từ 25 tháng 3 – 2018.
Trong chuyến đi này Nguyễn Phú Trọng hội kiến cùng những nhân vật lãnh đạo cao nhất của nước Pháp, như chủ tịch Hạ viện, chủ tịch Thượng viện, Thủ tướng và Tổng thống Pháp.
Nguyễn Phú Trọng là một tổng bí thư đảng chứ không phải là người lãnh đạo quốc gia, vậy tại sao ông ta lại được chính phủ Pháp mời như một lãnh đạo quốc gia thực sự?
Rất đơn giản vì nước Pháp hay bất cứ quốc gia nào trên thế giới tuy không công khai nhưng họ thừa biết rằng tại Việt nam ngày hôm nay đảng cộng sản là quyền lực độc tôn, là quyền lực tuyệt đối. Cho nên để bảo vệ quyền lợi của mình các nước phải chấp nhận nói chuyện với một nhân vật lãnh đạo tuy về danh nghĩa là không chính thức nhưng lại có thực quyền đó là lãnh đạo đảng cộng sản.
Ngoại giao và thực tế đã chứng minh cho chúng ta thấy tại Việt nam không hề tồn tại một nhà nước, một chính phủ, một quốc hội đúng nghĩa, tất cả những tên gọi đó chỉ là cái bóng của đảng cộng sản mà thôi. Chỉ là một vai tuồng do đảng cộng sản chỉ đạo.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Nguyễn Phú Trọng sang thăm Pháp quốc trong thời điểm này?.
Thứ nhất: Để củng cố lại niềm tin đang bị lung lay của nhân dân Việt nam về một chế độ cực kỳ tham nhũng và bế tắc trong đối ngoại và an ninh quốc phòng. Và cũng như chuyến công du Mỹ năm 2015 là để tìm kiếm sự chính danh từ một chính phủ phương Tây có uy tín như nước Pháp.
Thứ hai: Sau khủng hoảng ngoại giao với Đức và châu Âu vì vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Đức đưa về Việt nam, nhà cầm quyền cộng sản đã bị trừng phạt từ nước Đức tuy hậu quả không lớn về kinh tế nhưng uy tín và hình ảnh của một chế độ toàn trị bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nguyễn Phú Trọng và đảng cộng sản Việt nam hy vọng qua chuyến công du này sẽ hâm nóng lại mối quan hệ với châu Âu, và qua đó từng bước làm lành với Đức .
Pháp và Đức là hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu, ảnh hưởng của Pháp tại châu Âu cũng lớn, nên việc thắt chặt quan hệ với Pháp sẽ hóa giải được tình thế bất lợi hiện nay của cộng sản Việt nam trên trường quốc tế.
Nhưng đó chưa phải là mục đích lớn của cả Việt cộng và Pháp.
Mục tiêu lớn mà hai nước nhắm tới là để đối phó với tham vọng độc chiếm biển Đông và thống trị khu vực từ Trung quốc.
Xét thấy nước Mỹ đã bị “phân tâm- tản lực” vì phải đối diện với nhiều hồ sơ và khủng hoảng trên khắp thế giới, nhất là Trung đông, Nam Á, đông bắc Á và cả với nước Nga, nên Mỹ cảm thấy mệt mỏi và không thể ôm đồm tất cả, biển Đông trở thành một “nhược điểm” của Mỹ trên bàn cờ chiến lược toàn cầu sau nhiều thập niên bỏ ngỏ cho Trung quốc tự tung tự tác.
Nước Pháp và Việt nam có một mối liên hệ lịch sử gần gũi, một bộ phận khá lớn người Việt vẫn dành cho nước Pháp một cảm tình sâu sắc.
Sau khi bị Mỹ hất cẳng ra khỏi Đông dương kể từ 1954, nước Pháp không còn quan tâm đến Đông dương và Việt nam nữa vì không gian chính trị ở đây đã bị Mỹ chi phối.
Giờ đây với sự trổi dậy mạnh mẽ và đầy tham vọng của Trung quốc, với chính sách “nước Mỹ trên hết” của vị tổng thống thực dụng Donald Trump, Mỹ không muốn hoặc không còn năng lực để ôm đồm như trước, và biển Đông- Đông dương và cả đông nam Á trở thành “vùng trắng” về an ninh để Trung quốc tự do hành động.
Xét thấy chủ nghĩa dân tộc đại Hán đang trổi dậy ở Trung quốc đang đe dọa đến an ninh và trật tự toàn cầu, nước Pháp không thể không can dự vì quyền lợi của mình trong tầm nhìn dài hạn.
Trở lại Việt nam và cả Đông dương để cân bằng cán cân chiến lược tại biển Đông và Đông Dương là mục tiêu chiến lược của Pháp và cũng để chia sẻ gánh nặng cho Mỹ, giúp Mỹ ổn định trật tự thế giới.
Cộng sản Việt nam lo ngại người đồng chí anh em Trung quốc đang từng bước chiếm đoạt hết tài nguyên và đe dọa đến chiếc ngai vàng cùng tài sản khổng lồ của mình, trong khi nhận thấy Mỹ không còn mặn mà (hoặc không đủ nguồn lực) để can dự vào khu vực, cộng sản Việt nam hy vọng nước Pháp với thực lực hải quân khá hùng mạnh và kinh nghiệm về Đông Dương sẽ là một sự bảo đảm an ninh cho biển Đông và Đông dương.
Với thực lực và kinh nghiệm của mình về Việt nam và Đông dương nước Pháp hoàn toàn có thể thay thế vai trò của Mỹ để cân bằng với sức mạnh của Trung quốc và có thể ngăn chặn Trung quốc bành trướng khắp khu vực.
Nước Mỹ ngày hôm nay không còn đủ thế và lực để thống trị thế giới như sau đệ nhị thế chiến, cho nên việc chia sẻ quyền lực (mà thực ra là gánh nặng) cho các cường quốc khác gánh vác là một sự lựa chọn thông minh?
Nước Pháp cũng không thể “bình chân như vại” đứng nhìn nhà người khác cháy mà không can thiệp vì Trung quốc ngày hôm nay đã trở thành mối đe dọa toàn cầu khi sự tăng trưởng kinh tế vũ bão trở thành phương tiện và động lực để vũ trang hùng hậu và kích động cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Chúng ta hy vọng sự can dự của nước Pháp sẽ ổn định được trật tự tại biển Đông và Đông dương, mang lại một luồng sinh khí cho đất nước Việt nam, vì nước Pháp là quốc gia luôn chú trọng đến việc bảo vệ nhân quyền..
Huỳnh Ngọc Tuấn
28/3/2018