Johann Sebastian Bach là nhạc sĩ, nhà soạn nhạc người Đức, được hậu thế coi là một thiên tài âm nhạc lớn lao nhất trong thời đại Baroque. Giống như các loại nghệ thuật khác của thời đại này, âm nhạc Baroque nhấn mạnh vào giòng nhạc liên tục. Trong các sáng tác âm nhạc, J. S. Bach đã đưa các kỹ thuật âm nhạc như đối điểm (counterpoint) và tẩu khúc (fugue) lên các trình độ cao nhất. Đối điểm là cách trình diễn hai hay nhiều tiết điệu (melodies) đồng thời với nhau còn tẩu khúc là cách sáng tác trong đó các nhạc cụ khác nhau lặp lại cùng một tiết điệu với một chút biến đổi (variations).
J. S. Bach là một nhạc sĩ kiêm nhạc trưởng, đã sáng tác hàng trăm bản nhạc gồm cả 300 hợp khúc thanh nhạc có tính tôn giáo và thế tục, được gọi tên là cantatas.
I. Cuộc đời của J.S. Bach
Bach chào đời vào ngày 21/3/1685 tại Eisenach, miền Thuringia nước Đức, là người con út của ông Johann Ambrosius Bach và bà Elizabeth Laemmerhirt. Vào năm 1695 do cả hai cha và mẹ qua đời, J. S. Bach đã sống với người anh cả tên là Johann Christoph Bach (1671- 1721), một nhạc sĩ chơi đàn organ tại Ordruf. Ông Christoph này là học trò của nhạc sĩ sáng tác đàn keyboard tên là Johann Pachelbel. Như vậy J. S. Bach bắt đầu đi tới trường vào năm 1692 hay 1693 và đã học các bài nhạc đầu tiên với người anh cả, được học cách xử dụng đàn clavichord, hapsichord và đàn vĩ cầm (violin).
Sự học của Bach khá tiến bộ, tới năm 1700 nhờ giọng ca hay, Bach được chọn vào ban hợp ca gồm các học sinh nghèo tại nhà thờ Michaels ở Luneburg. Khi bị vỡ tiếng, Bach tiếp tục sống tại Luneburg trong một thời gian, thường vào đọc sách tại thư viện của nhà trường, đây là nơi có bộ sưu tập loại âm nhạc tôn giáo rất đầy đủ và hiện đại. Có lẽ vào thời gian này Bach cũng được nghe Georg Boehm biểu diễn, ông này là nhạc sĩ đàn organ của nhà thờ Johannis. J. S. Bach cũng thăm viếng Hamburg để tham dự các buổi trình diễn của nhà soạn nhạc và nhạc sĩ đàn organ danh tiếng Johann Adam Reinken tại nhà thờ Katharinen, nghe ban nhạc hòa tấu Pháp của Bá Tước Von Celle.
J. S. Bach trở về Thuringia có lẽ vào cuối mùa hè năm 1702. Nhờ các kinh nghiệm tại Luneburg và vào lúc này đã là một nhạc sĩ đàn keyboard có hạng, Bach thường hay biểu diễn nhạc tôn giáo. Ngoài ra, ông còn là nhạc sĩ giúp vui cho giai cấp thượng lưu và là một nhà giáo dục âm nhạc. J. S. Bach không chủ trương sáng tác âm nhạc cho hậu thế, đã không cầu mong các tác phẩm của mình được các nhạc sĩ đời sau trình diễn.
Từ ngày 4/3/1703, Bach là một nhạc sĩ trong ban nhạc hòa tấu của ông Johann Ernst, Bá Tước miền Weimar rồi từ năm 1703 tới 1707, được chính thức bổ nhiệm làm nhạc sĩ xử dụng cây đàn organ mới của nhà thờ Arnstadt thuộc miền bắc xứ Thuringia. Vào năm 1707, J. S. Bach kết hôn với cô em họ Maria Barbara, họ có 7 người con nhưng bà Barbara qua đời vào năm 1720. Trong số các người con này, 4 người là các nhạc sĩ sáng tác danh tiếng.
Tại gia đình, J. S. Bach là một người cha tận tụy nhưng khi ra ngoài xã hội, ông lại là một người nóng tính khi gặp phải sự chống đối hay bất tài của các người khác. Tại các thị xã Anstadt và Mulhausen, Bach đã cãi nhau với các ông chủ rồi trở về miền Weimar vào năm 1708, làm việc trong triều đình Saxe-Weimar trong 9 năm với chức vụ nhạc sĩ đàn organ và nhạc sĩ thính phòng. Nhiệm vụ của J. S. Bach là sáng tác nhiều hợp khúc tôn giáo cantatas. Chính trong thời gian này đã xuất hiện các bản nhạc xuất sắc dùng cho đàn organ. Nhưng Bach đã có lần cãi cọ với Bá Tước nên rời triều đình này vào năm 1717. Từ 1717 tới 1723, Bach phục vụ Hoàng Tử Leopold của xứ Anhalt-Cothen với chức vụ giám đốc âm nhạc. Các công việc tại triều đình này rất đơn giản, không đòi hỏi nhiều nhạc tôn giáo vì vậy Bach có thể dành thời giờ sáng tác các bản nhạc thế tục dùng cho vài loại đàn phổ thông.
Vào năm 1721, J. S. Bach kết hôn với cô Anna Magdalena Wilcken, một ca sĩ chuyên nghiệp. Họ đã có thêm 13 người con. Trong số 20 người con của Bach, 9 người đã sống tới tuổi trưởng thành. Các người con này đã giúp cha trong công việc chép hàng trăm bản nhạc cantatas dùng trong các buổi lễ tại nhà thờ, cũng như vô số bản nhạc khác dùng vào các dịp Lễ Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh, các lễ hội hay vào việc giảng dạy âm nhạc tại các gia đình.
Tới năm 1723, Bach dọn nhà về Leipzig và sống tại nơi đây tới cuối cuộc đời. J. S. Bach là giám đốc của trường âm nhạc St. Thomas, một nơi đào tạo các nhạc sinh cho các nhà thờ của thành phố. Từ năm 1740, Bach bị bệnh mắt nên gần như bị lòa vào các năm cuối đời rồi qua đời vào ngày 28 tháng 1 năm 1750 vì bị xuất huyết não (stroke).
II. Các công trình âm nhạc của J. S. Bach
Johann Sebastian Bach là một nhạc sĩ đàn organ xuất sắc, một bậc thầy về sáng tác âm nhạc, một người đứng đầu về bộ môn đối điểm của thời đại đó và cũng là một nhà giáo dục âm nhạc có tài. J. S. Bach còn là một tín đồ đạo Lutheran thuần thành, có các cảm xúc tôn giáo biểu hiện qua các sáng tác âm nhạc. Giống như nhiều nhạc sĩ thời Baroque, niềm tin và việc làm của Bach đều mang tính cách tôn giáo bởi vì những người này cho rằng loại tôn giáo này đã che chở cho con người tránh khỏi bị các tư tưởng khoa học, tìm hiểu duy lý của thời kỳ Phục Hưng. Cũng vì Bach thường coi các tài năng của mình là do Thượng Đế ban cho, vì vậy ông ký tắt trên các sáng tác, ngay cả trên các bản nhạc thế tục, bằng 3 chữ INJ có nghĩa là “sáng danh Chúa Jesus” (In the Name of Jesus).
Các người đương thời thường ngợi khen J. S. Bach là một nhạc sĩ đàn organ có tài mà thường quên đi các sáng tác âm nhạc của Bach, những công trình này gồm 60 tập (volumes) nhưng chỉ có 9 hay 10 tập được xuất bản trong thời gian Bach còn sống bởi vì vào thời đại này, người ta cho rằng các bản nhạc của ông quá phức tạp, họ ưa thích loại nhạc phong đơn giản, sống động hơn. Tài năng sáng tác của Bach chỉ được xác nhận đầy đủ vào năm 1829 khi nhạc sĩ người Đức Felix Mendelssohn khám phá ra bản nhạc “Nỗi Khổ Cực của Thánh Matthew” (Passion According to St. Matthew).
J. S. Bach không quan tâm soạn ra lý thuyết âm nhạc cũng không thí nghiệm các thể loại mới mà chỉ dùng các hình thức âm nhạc đương thời, ngoại trừ thể nhạc kịch (opera) nhưng tài năng của Bach đã bao gồm một tầm rộng lớn, từ các đối điểm phức tạp nhất tới các hợp âm đơn giản. Bach cố gắng diễn tả cảm xúc của bản nhạc, cho rằng mục đích của âm nhạc là tạo nên một thứ ảnh hưởng tác dụng (affect). Thứ ảnh hưởng này thường được xác nhận ngay tại phần đầu của bản nhạc rồi tới phần thân bản nhạc trình bày các chi tiết. Đây là sự khác biệt với các bản giao hưởng (symphonies) của Beethoven trong đó bộc lộ rõ sự tương phản về nhạc phong (style) và các nội dung cảm xúc (emotional content) tại mỗi phần của nhạc phẩm. J. S. Bach đã dùng một loại tốc ký âm nhạc tại các hợp âm có bè trầm (the bass part) được chỉ định bằng các con số. Phương pháp này được gọi là bè trầm ghi số (figured bass hay basso continuo = bè trầm liên tục).
Trong các sáng tác, J. S. Bach cẩn thận duy trì dài lâu phong thái âm nhạc (the mood) để diễn tả đặc tính của bản nhạc, dài lâu hơn các nhạc sĩ thời sau, kể cả Beethoven. Bach thường hay trình bày lại một giai điệu bằng cách bắt chước (imitation), lặp lại giai điệu gốc bằng một giọng cao hơn hay trầm hơn, và Bach cũng dùng một nhịp không đổi. Các tác phẩm âm nhạc của Bach hàm chứa sắc thái âm nhạc quốc gia của thời đại, phần lớn là Pháp, Đức, Ý và Anh.
J. S. Bach tin tưởng rằng nhờ âm nhạc, ông có thể phục vụ nhà thờ, cộng đồng và chủ nhân, vì vậy các sáng tác của Bach không chỉ mang lại niềm vui cho người nghe mà còn có giá trị giáo huấn cho các nhạc sĩ trình diễn các bản nhạc đó. Vào thời đại của Bach, ban hợp ca thường nhỏ, gồm 12 người với ban nhạc hòa tấu cũng nhỏ, vì vậy Bach đã tập trung vào cách tạo nên một cảm giác tinh thần hơn là dùng tới tính cách lớn lao của ban nhạc như thời nay.
Các tác phẩm của J.S. Bach được xếp đặt theo chỉ số BWV (Bach-Werke-Verzeichnis) đặt ra do học giả Wolfgang Schmieder, căn cứ vào loại âm nhạc mà không theo thứ tự niên biểu. Nhưng cuộc đời của nhạc sĩ J. S. Bach lại được chia theo 5 giai đoạn. Mỗi giai đoạn lại có các đặc tính do nhiệm vụ của tác giả phải hoàn thành.
1. Giai đoạn thứ nhất (1703–1708): gồm các sáng tác viết tại Arntadt và Mulhausen. Những tác phẩm này chưa theo một đường hướng nhất định mà chịu ảnh hưởng của nhà soạn nhạc Dietrich Buxtehude, một nhạc sĩ bậc thầy tại Lubeck. Hợp khúc cantata mang tên Gottes Zeit, với chủ đích của tác giả là để trình diễn tại các buổi lễ an táng, là một sáng tác mạnh, bộc lộ, của thời gian này.
2. Giai đoạn thứ hai (1708–1717): gồm các sáng tác viết tại Weimar với nhiều hợp khúc cantata và các bản nhạc rực rỡ dùng cho đàn organ, đa số mang nhạc phong của miền Bắc Âu nhưng cũng có một số tác phẩm phản ánh tính trong sáng của loại nhạc Ý. Bản nhạc danh tiếng “Toccata và Tẩu Khúc Rê thứ” (Toccata and Fugue in D minor) được viết trong thời gian này.
3. Giai đoạn thứ ba (1717–1723): gồm các sáng tác viết tại Anhalt-Cothen, đây là những bản nhạc dùng cho nhạc cụ, trình diễn độc tấu hay hòa tấu. J. S. Bach đã hoàn thành vào năm 1722 Tập I của Tác Phẩm “The Well-Tempered Clavier” (Bàn phím dùng thang âm đều theo đó một quãng tám được chia thành 12 bán âm (semitones) cách đều nhau). Tập II được viết xong vào năm 1744, mỗi tập gồm 24 bản dạo khúc (preludes) và tẩu khúc (fugues) viết theo 12 âm giai trưởng và thứ. J. S. Bach còn phổ vào trong các sáng tác những bài thánh ca Lutheran, tập trung trong cuốn “Sách Nhỏ Đàn Organ” (The Little Organ Book). Sáu Concerto Brandenburg (six Brandenburg Concertos) viết vào năm 1721 được Bach đề tặng cho nhà cai trị của thành phố Brandenburg. Bach cũng viết 4 tổ khúc hợp tấu (4 orchestral suites) hay khai khúc (overtures), 6 sonatas dùng cho đàn vĩ cầm độc tấu (solo violin) và 6 tổ khúc (suites) dùng cho đàn hồ cầm độc tấu (solo cello). Ngoài ra còn có các “Tổ Khúc Pháp” (French Suites) dùng cho đàn hapsichord. Cách viết nhạc trong giai đoạn này cho thấy tác giả đang tăng dần việc dùng đối điểm (counterpoint) để thêm phần chất lượng và cấu trúc cho tác phẩm.
4. Giai đoạn thứ tư (1723–1745): gồm các sáng tác viết tại thành phố Leipzig. Đây là các tác phẩm chính dành cho ban hợp ca và dàn nhạc hòa tấu (orchestra) nhưng cũng gồm các bộ bản nhạc độc tấu. Các hợp khúc cantata của Bach vào thời gian này mang tính quy củ hơn các sáng tác trước kia.
Ý tưởng của J. S. Bach muốn diễn tả một câu chuyện bi hài mà không dùng sân khấu hay các dàn cảnh, đã được thể hiện qua bản nhạc “Nỗi Khổ Cực của Thánh John” (The Passion According to St. John, 1723) và “Nỗi Khổ Cực của Thánh Matthew” (The Passion According to St. Matthew, 1729). Các sáng tác này là các chuyện kể, giống như hợp khúc “Coffee Cantata” (Thanh Nhạc Cà Phê) có nội dung khác biệt với các hợp khúc cantata tôn giáo. Loạt 6 cantatas viết vào năm 1734 có tên là “Christmas Oratorio” là các suy tư về Lễ Giáng Sinh hơn là một câu chuyện về Lễ Giáng Sinh.
Trong các phân đoạn của các bản nhạc, J. S. Bach thường dùng tới các giai điệu (melodies) hay hợp âm (chords) để mô tả một sự việc (event) như lúc gà gáy sáng, hay tình trạng được đưa lên thiên đường. Qua bản nhạc “Thánh Lễ theo cung Si thứ” (Mass in B minor), Bach đã dùng các hình thức giống như nhạc kịch (opera) vào mục đích tôn giáo, đã diễn tả ý tưởng toàn cầu của tinh thần Thiên Chúa giáo. Tập nhạc “Thực Hành Keyboard” (Keyboard Practice) là cách phối hợp cách luyện tập âm nhạc với việc thờ phượng. Tập nhạc này gồm có bản nhạc “Concerto theo nhạc phong Ý” (Concerto in the Italian style), nhạc phẩm danh tiếng “Aria với 30 Biến Khúc” (Aria with 30 Variations), còn được gọi là “Các Biến Khúc Goldberg” (Goldberg Variations) và 6 Partitas (biến đề) dùng cho đàn hapsichord.
J. S. Bach đã cho thấy khả năng đưa các loại sáng tác từ thuở ban đầu lên độ hoàn hảo cao hơn, chẳng hạn vào năm 1723, ông đã viết ra bản nhạc rực rỡ “Magnificat” rồi 15 năm sau là tác phẩm “Thánh Lễ cung Si thứ” rất danh tiếng. Tập II của bộ sách nhạc “The Well-Tempered Clavier” của Bach đã không trình bày một cách hệ thống các cung như trong tập I. Trong giai đoạn thứ tư này, Bach cũng viết các concertos dùng cho 1, 2, 3 hay 4 đàn hapsichords, với phần đệm của dàn nhạc.
5. Giai đoạn thứ năm (1745–1750): gồm 5 năm cuối đời của Bach. Các sáng tác trong giai đoạn này thường dùng một giai điệu nhưng trình bày rõ ràng đường lối tổ chức với các tác phẩm chính là “Nghệ Thuật của Tẩu Khúc” (The Art of Fugue), “Các Biến Khúc Canonic viết cho bài đồng ca Von Himmel hoch” (Canonic Variations on the chorale Von Himmel hoch), “Dâng Cúng Âm Nhạc” (Musical Offering). Riêng trong tập nhạc “Nghệ Thuật của Tẩu Khúc”, chưa hoàn thành nhưng gồm 18 phần, xếp đặt theo độ khó tăng dần, với tất cả bản nhạc được viết căn cứ vào một giòng giai điệu.
Âm nhạc của J. S. Bach có nội dung chuyển chở các ảnh hưởng (affects) tới người nghe, giống như nhà hùng biện muốn làm thay đổi ý định, thành kiến của các thính giả. Như vậy một sáng tác âm nhạc là một loại hùng biện về cung điệu (an oration in tones). Nhà tiểu sử học đầu tiên viết về Bach vào năm 1802 là ông J. N. Forkel đã khen ngợi J. S. Bach không chỉ là một nhạc sĩ sáng tác có tài, mà còn là “một nhà thơ âm thanh và một nhà hùng biện âm nhạc lớn bậc nhất, xưa và nay chưa từng có”.
© Phạm Văn Tuấn © www.Vietthuc.org