Kempeitai (憲兵隊, “Corps of Law Soldiers”)
Kempeitai là tên gọi chính thức của Cơ quan Tình báo Thiên hoàng, do đích thân Văn phòng Hoàng đế Nhật Bản thành lập vào năm 1881, chấm dứt hoạt động năm 1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang thành lập một cơ quan tình báo mới. Theo nhận định của giới chuyên viên phản gián quốc tế am hiểu, Kempeitai là một trong những tổ chức tình báo tinh nhuệ nhất thế giới, được xếp trên cả CIA của người Mỹ và KGB của Liên Xô cũ, ngang ngửa với tổ chức mật vụ MOSSAD lừng danh của người Israel.
Nhân viên của Kempeitai đóng đủ mọi vai như thợ cạo, uốn tóc, làm vườn, nhà buôn… là những vỏ bọc thích hợp cho công tác thu thập tin tình báo. Giới cầm quyền xứ Phù Tang từ bao đời nay đã dạy cho dân chúng “thói quen” theo dõi lẫn nhau, rình mò các công việc bên hàng xóm… Còn khi người Nhật có dịp ra nước ngoài, với bản tính “tò mò cố hữu”, họ để mắt đến mọi thứ, ghi nhớ hết thảy mọi điều có thể… để sử dụng khi về nhà.
Trường đào tạo các nhân viên tình báo Nhật Bản tọa lạc tại khu phố Kodaira ở thủ đô Tokyo, với tên gọi chính thức trong giao tiếp là Trường Cán bộ đặc nhiệm của lực lượng Phòng vệ dân sự. Ở đây, các nhân viên tình báo được dạy về trắc nghiệm tâm lý làm chủ tình thế, cách tạo vỏ bọc, nghệ thuật thu thập và truyền tin. Trong trường còn có cả những trận địa giả dành cho công tác nội chiến đô thị và chiến tranh du kích. Đa số học viên của ngôi trường tuyệt mật này thuộc dòng dõi con ông cháu cha. Các viên sếp tương lai của lực lượng tinh nhuệ Cảnh sát chống bạo động và ổn định trật tự xã hội (Kidotai) cũng được cho “ra lò” đều đặn từ Kodaira.
Sau Thế chiến II, nhất là sau khi có Hiệp ước An ninh Nhật – Mỹ, mọi cơ cấu của tình báo Nhật đều rập khuôn theo tình báo Mỹ. Những điệp viên 007 – Võ sĩ đạo bây giờ áp dụng đủ mọi cách nhằm thu thập tin tức, kể cả các phương thức… bất hợp pháp (!). Họ theo dõi giới chính khách, các dân biểu đối lập, cánh phóng viên tiến bộ, cũng như các nhà hoạt động tích cực trong nhiều tổ chức dân chủ đòi bình quyền khác nhau…
Với bối cảnh hậu chiến tranh lạnh ngày nay, người Nhật rất chú trọng tăng cường công tác phản gián điện tử, kể cả việc dùng vệ tinh do thám có thể thu thập tin tức từ khắp mọi ngóc ngách trên hành tinh, mà không cần phải rải giới gián điệp “bằng xương bằng thịt” ra các nơi như trước nữa. Một trong những trọng tâm xưa nay của Kempeitai là tình báo kinh tế. Đây chính là một trong những yếu tố then chốt tạo nên một “nước Nhật thần kỳ” như bây giờ. Ngay từ cuối thế kỷ XIX, người dân của đất nước Mặt trời mọc đã thu thập mọi thông tin phát triển kinh tế của các quốc gia khác Âu Mỹ. Bởi sau gần 3 thế kỷ tự đóng cửa, Tokyo mới té ngửa ra rằng mình đã tụt hậu so với thế giới văn minh Âu – Mỹ. Và từ đó rất nhiều các nhà bác học, sinh viên, sĩ quan, bác sĩ cùng đại diện của mọi giới khác nữa đã tỏa đi khắp thế giới chỉ nhằm một mục đích duy nhất: học hỏi và thu thập những thứ có thể đem áp dụng ở Nhật.
Thực ra như lịch sử đã chứng minh rằng những sáng chế kỹ thuật do người Nhật làm ra không đáng kể, so với lượng thông tin khoa học kỹ thuật mà họ đã “mua” được bằng nhiều biện pháp, kể cả bằng cách đánh cắp hoặc sao chép bắt chước. Trong thực tế ngày nay, không có bất cứ một phát minh nào mới xuất hiện trong nền kinh tế quốc tế mà Tokyo không để mắt tới. Vì vậy, quả không sai khi người ta cho rằng tổ chức Kempeitai bao gồm các điệp viên 007 – Samurai là hệ thống phản gián kinh tế hoàn thiện nhất thế giới
Bộ Quốc phòng Nhật Bản thành lập cơ quan tình báo mới
Cơ quan tình báo mới này được biên chế 70 người gồm cả sĩ quan và binh sĩ được lựa chọn rất kỹ càng, có kinh nghiệm trong hoạt động tình báo, chia thành các bộ phận chuyên trách như khai thác, thu thập, nghiên cứu, xử lý, tổng hợp, phân tích, báo cáo, lưu trữ tin tức tình báo.
Theo tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản ngày 31/12/2006, năm 2007, lực lượng lục quân của Cục Phòng vệ Nhật Bản (hiện nay đã nâng cấp lên thành Bộ Quốc phòng) sẽ thành lập một cơ quan tình báo mới với đặc trưng thiên về tình báo con người gọi là đội tình báo hiện trường, để tăng cường các hoạt động tình báo, gián điệp quân sự của Nhật Bản ở nước ngoài, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Đồng thời với việc này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng có kế hoạch sẽ thành lập cơ quan chuyên đào tạo các sĩ quan tình báo và chuyên gia tình báo quân sự chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tình báo quân sự từ nay về sau. Đây được coi là một trong những biện pháp mới của các cơ quan tình báo quân sự nhằm tăng cường khả năng thu thập, xử lý tin tức tình báo quân sự ở bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản.
Vì sao phải thành lập đội tình báo hiện trường?
Theo các chuyên gia quân sự trong và ngoài nước Nhật đánh giá, động thái thành lập cơ quan tình báo con người này xuất phát từ một số lý do sau:
Một là, để tăng cường năng lực thu thập và xử lý tin tức tình báo quân sự, chính trị mang tính kịp thời, hiệu quả và chính xác, đáp ứng nhu cầu khi Cục Phòng vệ được nâng cấp thành Bộ Quốc phòng và thường xuyên đưa quân ra nước ngoài thực hiện các nhiệm vụ quân sự quốc tế.
Hai là, các cơ quan tình báo quân sự Nhật Bản trong những năm qua đã tích cực nghiên cứu và nhận thấy rằng tình báo con người không thể thiếu trong các thủ đoạn, biện pháp hoạt động của tình báo nhà nghề và luôn giữ vai trò, vị trí quan trọng hàng đầu. Các cơ quan tình báo nhà nghề trên thế giới như CIA, GRU, Mossad… đều rất coi trọng tình báo con người trong hoạt động của mình.
Ba là, nhu cầu có được trong tay các tin tức tình báo với độ tin cậy cao và nóng đang là vấn đề rất lớn đặt ra với các cơ quan tình báo nói chung và cơ quan tình báo quân sự của Nhật Bản nói riêng. Khi mở rộng phạm vi hoạt động quân sự ra bên ngoài lãnh thổ, điều đó cũng có nghĩa là các cơ quan tình báo quân sự Nhật Bản phải luôn đi đầu và ở thế chủ động tại khắp nơi trên thế giới nhằm thu thập được những “tin tức tình báo đầu tay” có độ tin cậy rất cao, giúp cho giới lãnh đạo cấp cao đưa ra những quyết sách kịp thời trong chính sách quân sự ngoại giao của Nhật Bản với các nước.
Mô hình hoạt động của đội tình báo hiện trườngCơ quan tình báo mới này được biên chế 70 người gồm cả sĩ quan và binh sĩ được lựa chọn rất kỹ càng, có kinh nghiệm trong hoạt động tình báo, chia thành các bộ phận chuyên trách như khai thác, thu thập, nghiên cứu, xử lý, tổng hợp, phân tích, báo cáo, lưu trữ tin tức tình báo.
Nhiệm vụ của đội tình báo hiện trường là phái các sĩ quan và nhân viên của mình đến các nước trên thế giới trong vỏ bọc dân sự để tìm kiếm, tuyển mộ và phát triển đặc tình người bản địa và người nước ngoài thành những cộng sự đắc lực của tình báo Nhật Bản và thông qua những người này thu thập tin tức tình báo. Hơn nữa, những nhân viên tình báo này còn làm nhiệm vụ tiên phong khi quân đội Nhật triển khai lực lượng ra nước ngoài.
Sau khi ra đời, cơ quan tình báo này sẽ có cơ chế làm việc liên thông và nhận được sự hỗ trợ rất hiệu quả cả về tài lực và nhân lực của các cơ quan, đơn vị trong lực lượng quân sự của Nhật Bản. Chẳng hạn các đơn vị sẽ ưu tiên tối đa cho Đội tình báo hiện trường trong việc tuyển chọn nhân sự.
Không những vậy, cơ quan an ninh tình báo mà Cục Phòng vệ Nhật Bản đã thành lập trước đây với nhiệm vụ chủ yếu là phòng ngừa và ngăn chặn các tin tức tình báo quân sự của Nhật bị tiết lộ ra ngoài, sẽ hỗ trợ bằng mọi biện pháp nhằm đảm bảo yếu tố bí mật và an toàn cho các điệp viên của Đội tình báo hiện trường khi được phái ra nước ngoài hoạt động.
Đây là sự điều chỉnh lớn lần thứ hai về phương diện tình báo của Cục Phòng vệ Nhật Bản kể từ năm 1997. Vào năm 1997, Cục Phòng vệ Nhật Bản đã điều chỉnh cơ cấu, chức năng của các cơ quan tình báo trực thuộc 3 lực lượng là lục quân, hải quân và không quân để thành lập cơ quan tình báo thống nhất. Cơ quan tình báo chung ra đời, với 5 bộ phận là cơ quan tổng bộ, cơ quan kế hoạch, cơ quan đồ bản, cơ quan điện tín, cơ quan phân tích.
Thành lập cơ quan chuyên trách đào tạo nhân viên tình báo quân sự
Đồng thời với việc thành lập các cơ quan tình báo mới mang tính chuyên nghiệp, để hỗ trợ công tác đào tạo điệp viên và chuyên gia tình báo cho các cơ quan tình báo quân sự nói chung và Đội tình báo hiện trường nói riêng, vào năm 2009, Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự định sẽ thành lập một cơ quan tình báo đào tạo chuyên trách với nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện các sĩ quan làm công tác tình báo và các chuyên gia tình báo quân sự, tạo ra sự thống nhất và liên hoàn trong công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện của các cơ quan tình báo quân sự, nâng cao chất lượng và trình độ điệp viên quân sự hiện nay.
Cơ quan đào tạo tình báo này sẽ tập trung huấn luyện, đào tạo về ngoại ngữ, kỹ thuật thu thập, xử lý thông tin, kỹ thuật nguỵ trang, kỹ thuật bắn súng, lái xe, lái máy bay và các kỹ năng khác để phục vụ cho hoạt động tình báo quân sự sau này của điệp viên ở trong và ngoài nước.
Đối tượng tuyển chọn là những người có sở trường về lĩnh vực nói trên ở các đơn vị cơ sở và các cơ quan tình báo trực thuộc của Bộ Quốc phòng. Theo kế hoạch đến năm 2014, cơ quan này sẽ đào tạo khoảng 1.300 sĩ quan và chuyên gia tình báo quân sự với quân hàm cấp úy trở lên, được lựa chọn từ 150.000 sĩ quan và binh sĩ của Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
VIỆT THỨC [Tin tổng hợp]