1. Tiếng hét đòi Dân Chủ tại Quảng Trường Thiên An Môn
Trong 7 tuần lễ mùa Xuân năm 1989, các sinh viên Trung Quốc đã chiếm Quảng Trường Thiên An Môn của thành phố Bắc Kinh. Họ đã biểu tình và trưng ra các biểu ngữ, đòi hỏi một đời sống tốt đẹp hơn, một nền dân chủ, một sự thay đổi, một cuộc cải tổ. Họ đã làm ra bằng bìa cứng và thạch cao trắng bức tượng Nữ Thần Dân Chủ trông giống như bức tượng Nữ Thần Tự Do và các bảng chữ của họ đã mang câu nói dập khuôn theo câu của Patrick Henry: Cho tôi Dân Chủ hay cho tôi Chết. Sinh viên Trung Quốc đã hô lớn tên của Martin Luther King, nhà tranh đấu cho dân quyền người Mỹ.
Cuộc nổi dậy của sinh viên Trung Quốc tại Quảng Trường Thiên An Môn năm 1989 là mối đe dọa lớn lao nhất cho tới nay mà chính quyền Trung Cộng đã gặp phải. Chính quyền Cộng Sản này có thể dập tắt ngay các phản đối, các biểu tình nhưng vì lo sợ thể hiện cảnh tàn ác trước các máy truyền hình của thế giới, nhà cầm quyền Trung Cộng đã dần dần kiểm sóat và cắt đứt mọi liên lạc truyền tin và truyền hình từ các địa phương Bắc Kinh và Thượng Hải với thế giới bên ngoài, cũng như vây bắt và trừng trị những sinh viên nào xuất hiện trước máy thu hình ngoại quốc. Rồi trong đêm 4 tháng 6 năm 1989, do chắc chắn rằng mọi truyền hình vệ tinh đã bị gián đoạn hẳn, quân đội Trung Cộng đã thẳng tay đàn áp các sinh viên một cách đẫm máu bằng các chiến xa và lưỡi lê.
Chính quyền Trung Cộng đã cố gắng che đậy cuộc tàn sát các sinh viên tại Thiên An Môn, cố gắng không cho các dân tộc khác trên thế giới nhìn thấy sự thực. Phương cách này có thể hữu hiệu trong một thời gian nào đó, nhưng vì thế giới càng ngày càng trở nên một cộng đồng nhỏ hẹp lại, nên các chính quyền của các quốc gia đều phải đương đầu với một thực tế, đó là các biến cố chính trị không còn mang tính địa phương hay quốc gia mà mang tầm vóc quốc tế, bởi vì, theo như lời nguyên phóng viên Marvin Kalb: Rất khó mà độc tài giữa cuộc Cách Mạng Truyền Thông.
Trước các đòi hỏi của người dân, một chính quyền phải làm gì? Tại sao chính quyền tồn tại và chính quyền của các quốc gia được thành lập ra sao và các quyết định được ban hành như thế nào?
2. Lý thuyết về khế ước xã hội
Để trả lời cho câu hỏi tại sao chính quyền tồn tại, người ta lại đưa ra một câu hỏi khác, đó là cuộc sống của người dân sẽ ra sao nếu không có chính quyền? – sẽ không có trường học, không có cảnh sát, không có tòa án… Ai sẽ là người che chở chúng ta khỏi bị cướp bóc trên đường phố? bảo vệ người dân khỏi các cuộc xâm lăng của nước ngoài?
Một số nhà triết học được gọi là các nhà lý thuyết về Khế Ước Xã Hội đã biện luận rằng đời sống của người dân sẽ khủng khiếp nếu không có một chính quyền tồn tại. Cuộc sống sẽ trở thành ban sơ, không có ý nghĩa. Một triết gia người Anh, ông Thomas Hobbes (1588-1679) đã viết trong cuốn sách Leviathan về tình trạng đời sống nếu không có một chính quyền: chiến tranh giữa người này với người kia. Sẽ không có chỗ dành cho kỹ nghệ vì thành quả này không được bảo đảm và như thế, sẽ không có văn hóa, không có kiến thức về những gì trên mặt đất, không có hiểu biết về thời gian, không nghệ thuật, không văn chương, không xã hội và tệ hơn cả là luôn luôn có sợ hãi và nguy hiểm về chết chóc, tàn bạo, và đời sống con người thì cô đơn, nghèo nàn, vô luân, tàn ác và ngắn ngủi…
Ông Hobbes đã đặt niềm tin vào lý thuyết khế ước xã hội và cho rằng chính quyền thì cần thiết để bảo vệ người dân. Người dân vì thế phải tập họp lại và giao quyền hành cho một giới chức, đó là một nhà vua. Vị quân vương này thiết lập trật tự bằng cách dùng lưỡi gươm của công lý để duy trì luật pháp, trừng trị các kẻ phạm tội và bảo vệ cộng đồng khỏi các cuộc xâm lăng từ bên ngoài. Quân vương như vậy có thể trừng phạt một người dân nào đó và các công dân, do khế ước, đồng ý trao quyền hành cho quân vương và ngược lại, vị quân vương phải bảo vệ trật tự, luật pháp và hòa bình.
Ý kiến của ông Hobbes đã gây ra tranh luận trong ba thế kỷ và một trong các người chỉ trích quan trọng lý thuyết kể trên là John Locke (1632-1704), nhân vật có quan điểm khác về khế ước xã hội và đã ảnh hưởng lớn lao tới cuộc Cách Mạng Bắc Mỹ và cách tổ chức chính quyền Hoa Kỳ.
John Locke, 1632-1704, English philosopher, political theorist, and founder of Empiricism
John Locke cho rằng lý thuyết của Thomas Hobbes đã đi quá xa vì việc tạo ra một vương quyền đã đủ lấy đi các tự do căn bản của người dân và làm tổn thương tới mục đích của chính quyền. Theo John Locke, lý do tại sao người dân tham dự vào xã hội là vì sự bảo vệ tài sản của họ. Chính quyền sở dĩ tồn tại là để duy trì các quyền lợi tự nhiên của con người: quyền được sống, được tự do, được hưởng thụ tài sản cá nhân. Bản khế ước xã hội phải mang ý nghĩ là người dân – chứ không phải là vị quân vương đầy quyền lực – làm ra các luật lệ, đồng ý tuân theo các luật lệ đó và người dân chỉ định các thẩm quyền để trừng phạt các kẻ vi phạm. Và ông Locke đã cho rằng xã hội phải theo quyết định của đa số, và đa số không được nô lệ hóa thiểu số bởi vì người dân có một số quyền về đời sống, tự do và tài sản riêng tư mà không một chính quyền nào có quyền tước đoạt.
Ý niệm quan trọng trong lý thuyết của John Locke là sự đồng ý, vì người dân phải có tiếng nói trong chính quyền. Không một giới hạn nào được áp đặt lên người dân mà không có sự cho phép của họ. Một chính quyền nào vi phạm các bổn phận theo khế ước xã hội, tước đoạt tài sản của người dân, thì người dân có quyền tự vệ. Họ có quyền nổi lên và làm thay đổi chính quyền đó. Chính quyền của người dân không được cai trị bằng sức mạnh mà bằng sự đồng ý của người dân.
Lý thuyết về khế ước xã hội như vậy đã dẫn tới định nghĩa về chính quyền: đó là một cách tổ chức dùng tới sức mạnh để duy trì trật tự xã hội. Chính quyền dĩ nhiên không phải là một lực lượng cảnh sát lo duy trì trật tự và bảo vệ luật pháp. Chính quyền là tổ chức có quyền quyết định theo đó xã hội được sắp xếp ra sao và các luật lệ được duy trì như thế nào. Chính quyền có thể thu thuế để trả cho các chương trình và dịch vụ công cộng, và trừng phạt những người không tuân hành những điều lệ đã được đặt ra.
Nhế nhưng, chính quyền vẫn tồn tại dù cho không có một khế ước xã hội nào, chẳng hạn tại nước Anh vào các thế kỷ trước, nhà vua đã cai trị xứ sở Anh mà không có sự cho phép của toàn dân. Người dân đã không đồng ý và không tạo ra một vương quốc để đàn áp họ. Như vậy lý thuyết về khế ước xã hội có giá trị khi giúp chúng ta hiểu rõ về các chức năng của chính quyền, bởi vì nếu không có chính quyền thì đời sống của người dân sẽ nghèo khó và tàn nhẫn, và cả hai triết gia Hobbes và Locke đều đồng ý rằng chính quyền tồn tại là để bảo vệ người dân, để duy trì trật tự và luật pháp.
Tư tưởng của triết gia John Locke đã giúp vào việc soạn thảo Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ và đây là một trong các lời xác nhận hùng hồn nhất về các quyền lợi tự nhiên của con người: Chúng tôi quan niệm rằng những sự thật sau đây là hiển nhiên: tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng và đều được Thượng Đế ban cho những quyền lợi bất khả chuyển nhượng, trong đó có Quyền Sống, Quyền Tự Do và Quyền Theo Đuổi Hạnh Phúc. Để bảo toàn những quyền lợi đó, các chính phủ được con người thiết lập ra, với những quyền lực phát xuất từ sự ưng thuận của người dân.
Vua nước Anh đã không công nhận các quyền lợi của các người thuộc địa Bắc Mỹ, cho nên các nhà Cách Mạng Bắc Mỹ đã tuyên bố rằng họ có quyền thiết lập một chính quyền mới, một thứ quyền lực cai trị vì dân, và cuộc Cách Mạng Bắc Mỹ là một hành động của lý thuyết khế ước xã hội theo đó, luật của đa số là một khế ước, và các cuộc bầu cử định kỳ đã cho phép người dân các cơ hội loại bỏ những nhà lãnh đạo nào mà người dân không bằng lòng. Chính nhờ vào các cuộc bầu cử tự do mà người dân một quốc gia chấp thuận thứ khế ước xã hội của họ.
3. Chức năng của chính quyền
Theo triết gia Hobbes, chức năng sơ khởi của chính quyền là giữ hòa bình, duy trì trật tự, luật pháp và bảo vệ xã hội khỏi những kẻ xâm lăng bên ngoài. Chính quyền lập ra một danh sách các tội ác sẽ bị trừng phạt và quản trị một hệ thống công lý dùng cho xã hội.
Ngày nay, chính quyền có các chức năng thuộc một trong ba loại sau: bảo vệ nền tự do và các quyền lợi cá nhân, cung cấp các dịch vụ công cộng, và che chở người dân khỏi sự gây hấn lẫn nhau và với người nước ngoài. Chính quyền cung cấp cho người dân các công ích và các dịch vụ cụ thể mà các cá nhân không thể lo được. Thí dụ: các chính sách bảo vệ môi trường sống đã cho phép người dân được hít thở không khí trong lành, dùng nguồn nước trong sạch. Chính quyền cấm đoán các độc quyền khiến cho khách tiêu thụ được hưởng các giá hàng thấp. Chính quyền cũng dùng lực lượng quân sự để tránh các cuộc xâm lăng, những công ích này không thể có từ các nguồn khác hơn là chính quyền.
Một loại dịch vụ thứ hai mà chính quyền cung cấp bao gồm các chương trình giúp đỡ những nhóm dân đặc biệt, chẳng hạn các người già và nghèo, các cựu quân nhân và tiền trợ giúp được rút ra từ tiền thuế của người dân, và cũng vì thế, cựu Tổng Thống Gerald Ford thường ưa nói đùa rằng: một chính quyền đủ lớn mạnh để cho bạn mọi thứ bạn cần, cũng là thứ chính quyền đủ lớn mạnh để lấy đi mọi thứ mà bạn có.
Hai chức năng đầu tiên của chính quyền là duy trì trật tự, luật pháp và cung cấp các dịch vụ công cộng, thường tương phản với chức năng thứ ba, đó là bảo vệ các quyền lợi và tự do cá nhân. Chính quyền có các chức năng tương phản, chẳng hạn việc thi hành luật thường vi phạm vào tự do cá nhân. Mọi người chúng ta đều đồng ý rằng các kẻ trộm, kẻ cướp phải bị trừng phạt dù cho làm như vậy là tước bỏ sự tự do của những kẻ phạm pháp đó. Có sự tước bỏ các quyền lợi bởi vì các kẻ có tội đã làm hại người khác và đa số người dân đã tin rằng họ có quyền áp đặt các xét đoán đạo đức lên xã hội.
Các chức năng của chính quyền còn gặp sự tương phản tế nhị hơn. Một số người tin tưởng rằng: một chính quyền tốt nhất là thứ cai trị ít nhất (the best government governs least). Việc tranh luận về vấn đề này thường xẩy ra liên quan tới ngành kinh tế. Năm 1776, nhà kinh tế chính trị học người Tô Cách Lan là Adam Smith đã cho phổ biến một tác phẩm có tên là Tài Sản của các Quốc Gia (the Wealth of Nations). Ông Smith tin rằng người dân cần được tự do trao đổi sản phẩm, tùy ý muốn bán gì và muốn mua gì, và chính quyền phải bảo vệ nền mậu dịch tự do. Phương cách của ông Adam Smith được đặt tên là laissez-faire, có nghĩa là hãy để người dân làm thứ mà họ chọn lựa.
Adam Smith (1723 – 1790), a Scottish moral philosopher and a pioneer of political economics
Lối lý luận của ông Adam Smith đã cổ võ cho chế độ tư bản (capitalism) theo đó người dân chứ không phải là chính quyền, có tài sản và quyết định muốn mua gì và bán gì trên thị trường tự do. Người dân do cạnh tranh mua và bán sản phẩm nên đã đẩy giá hàng xuống, làm tăng sự đa dạng hàng hoá và như vậy, đã giúp ích cho người tiêu thụ. Thế nhưng, các thị trường đôi khi bất lực, chẳng hạn như khi có độc quyền (monopoly) hay khi các nhà buôn che dấu các sản phẩm độc hại đối với khách tiêu thụ, khi các nhà sản xuất đổ các chất phế thải nguy hiểm xuống nguồn nước công cộng. Trong các trường hợp này, một số người cho rằng chính quyền phải can thiệp để bảo vệ sự hoạt động thích ứng của thị trường.
Nhiều người đã không đồng ý với nhau về vai trò của chính quyền bởi vì các ưu tiên khác nhau. Có người cho rằng chính quyền không được can thiệp vào các thị trường vì các tự do cá nhân, lại có kẻ chấp nhận hy sinh các tự do để duy trì nền trật tự và luật pháp chung. Một tập hợp các niềm tin liên hệ với nhau được gọi là ý thức hệ chính trị (political ideology) theo đó phân biệt các chính sách nào ảnh hưởng tới xã hội và đáng được xử dụng. Có hai cực được nói tới trước.
Một người được coi là bảo thủ (conservative) khi chống lại sự can hiệp của chính quyền vào nền kinh tế, chống lại các cải cách xã hội, ủng hộ việc duy trì đạo đức của chính quyền, muốn có một lực lượng quân sự mạnh và ưa dùng sức mạnh để đạt tới các quyền lợi trong các chính sách đối ngoại. Mặt khác là kẻ cấp tiến (liberal) muốn chính quyền can thiệp vào các thị trường, ủng hộ các chương trình xã hội cứu giúp người nghèo, chống lại các giới hạn của chính quyền về đạo đức và các hoạt động tư, cũng như phản đối việc bành trướng quân sự.
Hai chủ nghĩa bảo thủ và cấp tiến là hai điểm gần trung tâm của quang phổ ý thức hệ chính trị. Ngoài ra, còn có hai cực ngoài của cách phân hạng kể trên, đó là chủ nghĩa hoàn toàn tự do (libertarianism) ở cực phải và chủ nghĩa xã hội ở cực trái. Những người theo chủ nghĩa hoàn toàn tự do cho rằng chính quyền chỉ có một vai trò là bảo vệ quốc gia và duy trì tự do mậu dịch. Họ chống đối các chương trình kinh tế và văn hóa. Họ muốn loại bỏ mọi cơ quan của chính quyền, phản đối luật pháp đã can thiệp vào các trọng tội không có tội nhân như việc dùng ma túy, sách báo dâm ô và mãi dâm. Họ cũng chống đối việc can thiệp quân sự của chính quyền tại các nước ngoài.
Tận cùng về phía trái của quang phổ ý thức hệ là chủ nghĩa xã hội, liên quan tới các tư tưởng của Karl Marx, Engels và một số triết gia khác. Các người theo chủ nghĩa xã hội trông chờ một chính quyền mạnh, điều hành mọi hoạt động của xã hội với các kỹ nghệ thuộc sở hữu công cộng. Họ cho rằng sự hướng dẫn và sở hữu của chính quyền có thể cung cấp các đầu tư và kế hoạch làm lợi cho giới công nhân và xã hội nói chung, để rồi về sau đưa tới chế độ cộng sản. Thế nhưng, chủ nghĩa xã hội đã trở thành ý thức hệ chính thức của các quốc gia như Liên Xô, Trung Cộng, Việt Nam Cộng Sản, đã cưỡng bách người dân làm theo ý muốn của đảng cầm quyền duy nhất.
Tóm lại, các hệ thống chính trị với quyền lực và luật lệ đã ảnh hưởng trực tiếp tới tự do của người dân.
Phạm Văn Tuấn