PHẦN MỞ ÐẦU
Mặc dù được bắt đầu nghiên cứu từ thập niên 1980 và 1990 [1,2] và thực hiện vào năm 2006 [3], việc khai thác bauxite và luyện nhôm ở Việt Nam vẫn chưa được chú ý mãi cho đến khi Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, gọi tắt là VINACOMIN (Vietnam Coal Mineral Industry Group), làm lễ khởi công xây cất Nhà máy alumina Tân Rai tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Ðồng vào ngày 26 tháng 7 năm 2008 [4,5] và tổ chức một buổi hội thảo khoa học “Tìm kiếm giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực do khai thác, chế biến quặng bôxít, sản xuất alumin và luyện nhôm đến kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ” tại Gia Nghĩa, tỉnh Ðắk Nông vào hai ngày 22 và 23 tháng 10 năm 2008 [6].
Nhà máy alumina Tân Rai – có trị giá 466 triệu Mỹ Kim (USD), là một phần của Dự án Hỗn hợp bauxite-nhôm Lâm Ðồng rộng 2.300 hecta, có trị giá 687 triệu USD, nhằm mục đích sản xuất 0,6 triệu tấn alumina/năm vào năm 2010 và khoảng 1,2 đến 1,8 triệu tấn alumina/năm vào năm 2105 – sẽ do Công ty Kỹ thuật Nhôm Quốc tế Trung Hoa (China Aluminum International Engineering Corporation (CHALIECO)) phụ trách. Theo hợp đồng được ký kết giữa VINACOMIN và CHALIECO vào ngày 14 tháng 7 năm 2008, CHALIECO được sử dụng 800 nhân viên, chuyên viên, và công nhân của mình để thực hiện việc thiết lập đồ án, xây cất, cung cấp và lắp đặt trang thiết bị của nhà máy trong thời hạn 24 tháng sau khi VINACOMIN bàn giao đất vào trung tuần tháng 7/2008 [7-9].
Buổi hội thảo khoa học ngày 22 và 23 tháng 10 năm 2008 ở Gia Nghĩa, Ðắk Nông – do Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Ðắk Nông phối hợp với Viện Tư vấn và Phát triển (CODE) và VINACOMIN tổ chức – nhằm mục đích trình bày định hướng chiến lược kinh doanh nhôm của VINACOMIN; chương trình phối hành động để phát triển kinh tế xã hội giữa UBND tỉnh Ðắk Nông và VINACOMIN; kế hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, và sử dụng quặng bauxite của VINACOMIN trong giai đoạn 2007-2015; và giới thiệu phương pháp khai thác quặng bauxite, chế biến alumina, và sản xuất nhôm của VINACOMIN [6,10]. Một số “ý kiến phản biện” về khoa học và xã hội được nêu ra trong buổi hội thảo [11-13] hình như đã khơi mào cho làn sóng phản đối mạnh mẽ và ngày càng lan rộng ra nhiều tầng lớp dân chúng ở trong nước, vì việc khai thác bauxite và luyện nhôm của VINACOMIN được cho là có những ảnh hưởng môi trường, kinh tế, xã hội, chánh trị, và quân sự “rất tai hại và nguy hiểm” cho đất nước và dân tộc Việt Nam [14-19].
Dư luận của người Việt ở hải ngoại đối với việc khai thác bauxite và luyện nhôm ở Việt Nam dường như cũng không kém. Một số cá nhân và hội đoàn ở khắp nơi trên thế giới đã, đang, và chắc sẽ còn lên tiếng phản đối kế hoạch khai thác bauxite và luyện nhôm của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay. Ðã có nhiều bài viết và thơ ngỏ được đăng tải trên báo chí và hệ thống internet cùng với các buổi phỏng vấn trên các đài phát thanh và phát hình địa phương và quốc tế [20-34].
Bài viết nầy nhằm mục đích cung cấp thêm một số chi tiết và dữ kiện kỹ thuật (engineering data) về việc khai thác bauxite và luyện nhôm, nói chung, và kế hoạch khai thác bauxite và luyện nhôm của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay, nói riêng.
BAUXITE LÀ GÌ?
Bauxite là một loại quặng nhôm, được đặt tên theo ngôi làng Les Baux ở miền Nam nước Pháp, nơi nó được nhà địa chất Pierre Berthier tìm thấy lần đầu tiên vào năm 1821 [35]. Nó được hình thành trong điều kiện khí hậu nhiệt đới do nước mưa cuốn trôi chất silica trong đá có chứa nhôm. Nó là một loại đá phún xuất (igneous rock) chứ không phải khoáng chất (mineral); có thể rất cứng, nhưng thường thì mềm và giống như đất sét.
Bauxite có thể chứa một hoặc nhiều khoáng chất gibbsite, bohmite, và diaspore. Gibbsite là aluminum hydroxide có công thức hóa học là Al(OH)3, trong khi bohmite và diaspore là aluminum-oxide hydroxide có công thức hóa học là AlO(OH). Nó cũng có thể chứa một số tạp chất khác như ion oxide (Fe2O3), silicon oxide (SiO2), titanium (TiO2), và đất sét. Bauxite có thể có nhiều màu, nhưng thường thì có ít nhiều màu đỏ tùy theo số lượng của ion oxide. Bauxite có thể hiện diện dưới dạng hạt (rời hoặc kết dính) hay dạng khối (tảng đá xốp) [36].
Quặng bauxite có thể tìm thấy dưới dạng thảm (blanket), túi (pocket), lớp (interlayered), và tích tụ (detrital). Thảm bauxite là các lớp liên tục và bằng phẳng, thường ở gần mặt đất, có bề dày thay đổi từ 1 đến 40 m (trung bình từ 4 đến 6 m) và có thể rộng hàng cây số. Túi bauxite là các túi nằm dưới mặt đất, có chiều sâu thay đổi từ dưới 1 cho đến 30 m, nằm cô lập hoặc liên kết với nhau. Lớp bauxite là thảm hoặc túi bauxite bị phủ lấp và ép xuống, cho nên nó bị nén nhiều hơn thảm hoặc túi bauxite do trọng lượng của lớp đất bên trên. Tích tụ bauxite rất hiếm thấy vì nó được cấu tạo do sự tích tụ của bauxite bị xói mòn từ thảm, túi, hay lớp bauxite ở nơi khác [37].
TỪ BAUXITE ÐẾN NHÔM (ALUMINUM)
Nhôm được tinh luyện từ bauxite qua ba giai đoạn. Mỗi giai đoạn sử dụng một phương pháp khác nhau.
Phương pháp khai thác bauxite (bauxite mining)
Việc khai thác và chế biến bauxite rất đơn giản và không cần đến kỹ thuật cao. Thông thường, bauxite được khai thác từ các mỏ lộ thiên sau khi ủi đi lớp đất mặt (top soil) và cây cối ở bên trên. Số đất mặt nầy thường được gom lại tại chỗ để dùng vào việc phục hồi vùng mỏ sau khi hoàn tất việc khai thác. Thảm bauxite có chiều dày trung bình từ 4 đến 6 m. Tám mươi phần trăm số lượng bauxite sản xuất trên thế giới được lấy từ các mỏ lộ thiên, số còn lại từ các mỏ được đào dưới mặt đất, hầu hết ở miền Nam Âu Châu và Hungary.
Việc khai thác thường không cần khoan hay đặt thuốc nổ, ngoại trừ trường hợp gặp các lớp bauxite bị nén quá cứng. Sau khi bauxite được đập vụn, nó được chở đến nhà máy xay hoặc rửa (crushing or washing plants) hay đến các bãi chứa (stockpiles).
Khác với các quặng kim loại, phần lớn quặng bauxite đều có đủ tiêu chuẩn. Nếu cần, phẩm chất của quặng có thể được cải thiện bằng cách loại bớt đất đá với những biện pháp đơn giản và ít tốn kém, chẳng hạn như rửa, sàng ướt, thổi, hoặc lựa và nhặt bằng tay [38].
Phương pháp chế biến alumina (alumina refining)
Alumina được chế biến từ bauxite bằng phương pháp Bayer. Phương pháp nầy, được Karl Joseph Bayer phát minh vào năm 1887, là phương pháp ít tốn kém nhất để chế biến alumina và vẫn còn thông dụng cho đến ngày hôm nay [39].
Trước hết, quặng bauxite được nghiền cho đều hạt rồi trộn với sodium hydroxide (NaOH) trong bồn chuyển hóa (digester) dưới áp suất và nhiệt độ cao để tạo thành một dung dịch (solution) gồm sodium aluminate (NaAlO2) và cặn (residues) sắt (ion), silicon, và titanium, thường được gọi là bùn đỏ (red mud). Bùn đỏ được đưa sang bồn lọc (filter), ở đó, cặn sẽ lắng xuống đáy bồn và được loại ra.
Sau đó, dung dịch sodium aluminate được bơm qua bồn kết tủa (precipitator), ở đó, bột alimina nhuyễn được thêm vào để giúp alimina kết tủa khi dung dịch nguội đi. Các hạt alumina sẽ lắng xuống đáy bồn và được đưa sang bồn sấy quay (rotary or fluidised calciner) có nhiệt độ lên đến 1.100 OC để sấy khô thành bột alumina nguyên chất màu trắng. Dung dịch sodium hydroxide được đưa qua bồn chuyển hóa để dùng lại [40]. Phương pháp Bayer cần từ 2 đến 3 tấn bauxite để chế biến 1 tấn alumina.
Phương pháp luyện nhôm
Nhôm được tinh luyện từ alumina bằng phương pháp Hall-Héroult. Ðây là phương pháp điện phân (electrolysis) do hai ông Charles Hall (Hoa Kỳ) và Paul Héroult (Pháp) phát minh độc lập với nhau vào năm 1886 [41].
Alumina được hòa tan trong dung dịch cryolite (sodium aluminum fluoride, Na3AlF6) nóng chảy trong một nồi sắt lớn (pot) có tráng carbon hoặc graphite. Một dòng điện hạ thế (5.25 Volt) một chiều nhưng có cường độ rất cao (200.000 đến 350.000 Ampere) được cho chạy qua chất điện phân từ dương cực (làm bằng than coke) và âm cực (lớp carbon hoặc graphite tráng nồi). Oxy phản ứng với carbon trong alumina tạo ra carbon dioxide và nhôm nóng chảy. Nhôm nóng chảy lắng xuống ở đáy nồi và sẽ được lấy ra định kỳ.
Tiến trình luyện nhôm bằng phương pháp Hall-Héroult là một tiến trình liên tục vì việc ngừng và chạy lại nồi luyện nhôm rất khó khăn. Nếu việc sản xuất bị ngừng quá 4 tiếng đồng hồ do mất điện, nhôm trong nồi sẽ đặc cứng và phải tốn kém để sửa chữa nồi.
Phương pháp Hall-Héroult có thể luyện 2 tấn alumina thành 1 tấn nhôm nhưng đòi hỏi rất nhiều điện năng (khoảng 15.7 kWh/kg hay 15.7 MWh/tấn nhôm). Ðó chính là lý do tại sao các nhà máy luyện nhôm trên thế giới được đặt gần các nguồn điện rẻ và dồi dào (thủy điện, khí đốt, than, hay nguyên tử) [42].
LỢI ÍCH CỦA VIỆC KHAI THÁC BAUXITE VÀ LUYỆN NHÔM
Nói một cách tổng quát trên phương diện phát triển kinh tế và xã hội, việc khai thác bauxite và luyện nhôm có nhiều lợi ích hấp dẫn. Các công ty muốn khai thác quặng bauxite và luyện nhôm để sử dụng hoặc bán lấy lời trong khi người dân ở địa phương có thêm công ăn việc làm và tiện ích công cộng do các công ty hỗ trợ hoặc do việc khai thác mang lại; chẳng hạn như được huấn nghệ và trả lương cao, cải thiện kinh tế, nguồn tài trợ cho các dự án hoặc chương trình xã hội, cơ sở hạ tầng (đường sá, cầu cống, bệnh viện, trường học,…), và bồi thường cho người nghèo hoặc tái định cư. Chánh quyền trung ương và địa phương muốn khai thác bauxite và luyện nhôm, không những vì các lợi ích xã hội vừa nêu mà còn vì tiền thuế thu từ các công ty khai thác bauxite và luyện nhôm [43].
Một mỏ bauxite cần 200 công nhân để sản xuất 1 tấn bauxite/năm hay 11 công nhân/ha và có thể mang lại lợi tức trung bình khoảng 1,4 triệu USD/ha vào năm 1998 [44]. Nếu so sánh giá bán trung bình của bauxite là 22,69 USD/tấn (1998) và 31,20 USD/tấn (2007) [45], lợi tức trung bình hiện nay của việc khai thác bauxite vào khoảng 1,9 triệu USD/ha.
Trong năm 2005, chi phí trung bình để sản xuất 1 tấn alumina vào khoảng 140 USD [46] trong khi giá bán trung bình là 305 USD/tấn [45]. Như vậy, một nhà máy chế biến alumina sẽ thu được một lợi tức khoảng 165 USD cho mỗi tấn alumina được sản xuất vào năm 2005.
Chi phí trung bình để sản xuất 1 tấn nhôm vào khoảng 1.250 USD vào năm 2005 [46] trong khi giá bán trung bình là 1.900 USD/tấn [47]. Như vậy, một nhà máy luyện nhôm sẽ thu được một lợi tức khoảng 650 USD cho mỗi tấn nhôm được sản xuất vào năm 2005. Giá nhôm trung bình trên thị trường quốc tế lên đến mức kỷ lục là 2.640 USD/tấn trong năm 2007, nhưng cũng tuột rất nhanh vào nửa năm sau của năm 2008. Vào đầu tháng 4/2009, giá nhôm ở thị trường Luân Ðôn chỉ còn khoảng 1.470 USD/tấn [48]. Như vậy, lợi tức trung bình cho mỗi tấn nhôm được sản xuất chỉ còn 220 USD.
ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC KHAI THÁC BAUXITE VÀ LUYỆN NHÔM
Mỗi giai đoạn trong việc khai thác bauxite và luyện nhôm đều có thể có những ảnh hưởng nguy hại đến môi trường và kinh tế xã hội [49]. Những ảnh hưởng nầy được tóm tắt như sau:
Ảnh hưởng của việc khai thác quặng bauxite
Ảnh hưởng quan trọng nhất là việc khai quang cây cối để thăm dò, khai quật, và khai thác quặng mỏ. Tiếp theo đó là ảnh hưởng của việc tống khứ chất thải (dumping of wastes) hay việc quản lý cặn bã (tailings) không đúng cách. Những ảnh hưởng nầy có thể làm suy thoái nơi cư trú (habitat) của động thực vật địa phương và làm cho việc sử dụng đất đai trong lâm nghiệp, nông nghiệp, và chăn nuôi trở nên khó khăn.
Việc khai thác quặng mỏ cũng có thể có ảnh hưởng đến phẩm chất nước và không khí. Nguồn nước mặt có thể bị ô nhiễm, tăng độ acid, và tăng độ đục. Vùng mỏ sẽ bị xói mòn rất nhanh nếu đất không được che phủ hoặc trồng rừng. Việc khai quang cây cối làm mất đi động thực vật, phá hủy nơi cư trú của thú hoang, phát tán mầm bệnh thực vật, gia tăng xói mòn, thay đổi điều kiện thời tiết, gia tăng bụi bặm, và có thể phải gạn lọc nguồn nước mặt. Những vùng bị khai quang có thể mất cảnh quan và ảnh hưởng tiêu cực đến thị giác.
Bụi bặm và tiếng động của cơ giới nặng và chất nổ có thể làm gián đoạn môi trường chung quanh và các khu dân cư lân cận và là một nguy hại cho sức khỏe trong môi trường làm việc.
Ảnh hưởng tai hại về kinh tế xã hội phần lớn tùy thuộc vào khoảng cách từ mỏ đến khu dân cư. Việc khai thác quặng mỏ có thể phá vỡ truyền thống văn hóa, lối sống, và sự ràng buộc bộ tộc; thay đổi hoàn toàn các loại hoa màu và kỹ thuật canh tác cũng như cách thức buôn bán; phát sinh nhu cầu cho công nhân viên như cơ sở hạ tầng, nhà cửa, và phương tiện giáo dục và giải trí.
Ảnh hưởng của việc chế biến alumina
Ảnh hưởng của giai đoạn nầy đối với môi trường tùy thuộc hoàn toàn vào thành phần và phẩm chất của quặng và phương pháp để chế biến bauxite. Nguy cơ chánh yếu là việc tồn trữ (storage) hay tống khứ (disposal) bùn đỏ (red mud) do nhà máy alumina thải ra, khoảng 0,4 tấn bùn đỏ cho mỗi tấn bauxite được sử dụng [50]. Bùn đỏ (lỏng hay đặc) có thể được đổ trên mặt đất, vào các hồ nhân tạo hay thiên nhiên (có hoặc không lót đáy), hoặc xuống biển. Nó có thể có những ảnh hưởng như sau:
- Chất lỏng có độ kiềm cao có thể ngấm xuống đất làm ô nhiễm nguồn nước ngầm sử dụng cho kỹ nghệ, nông nghiệp, hoặc gia dụng;
- Chảy tràn lan vì ống dẫn hoặc đê bao bị bể;
- Làm giảm diện tích đất canh tác;
- Ô nhiễm bụi ở những vùng đất khô;
- và Làm mất mỹ quan.
Các bãi chứa, máy xay, và máy xấy có thể làm ô nhiễm không khí. Các chất ô nhiễm gồm có bụi bauxite, vôi, và alumina; SO2; NO2; và vanadium pentoxide. Các loại khí thải nếu không được thu góp thích hợp, nhất là SO2, có thể làm ô nhiễm nơi làm việc và môi trường chung quanh và có thể gây mưa acid.
Việc đổ tháo có thể xảy ra trong tiến trình chế biến alumina. Nước có độ acid cao, nếu không được trung hòa, có thể gây nguy hại cho động thực vật và con người. Môi trường làm việc rất nguy hiểm do sự hiện diện của các hóa chất ăn mòn, như caustic soda hoặc acid, hoặc của chất độc hại.
Ảnh hưởng của việc luyện nhôm
Trong giai đoạn nầy, ô nhiễm không khí là mối quan tâm hàng đầu, quan trọng nhất là sự phóng thích khí fluoride. Nó có thể có ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe của công nhân trong nhà máy và động thực vật ở chung quanh. Việc luyện nhôm cũng phóng thích bụi bặm, SO2, và NO2.
Việc luyện nhôm cũng có thể gây ô nhiễm nước, chất thải rắn, tiếng động, và nhiệt. Nước thải từ nhà máy luyện nhôm có thể chứa fluorides và chất rắn lơ lửng như alumina và carbon. Chất thải rắn phát sinh từ vật liệu tráng nồi luyện nhôm, được thay thế mỗi 4 hoặc 5 năm. Fluorides và cyanides rỉ ra từ chất thải rắn có thể làm ô nhiễm nước mặt hoặc nước ngầm nếu chúng được chứa trong các hố lộ thiên. Bụi bặm hoặc khí thải phát sinh từ cặn ở các lò nung có thể biến thành ammonia khi bị ướt. Tiếng động, lửa, và nhiệt độ ở các nồi luyện nhôm có thể ảnh hưởng đến công nhân và cư dân địa phương.
Việc luyện nhôm cũng có ảnh hưởng gián tiếp đến môi trường vì mức tiêu thụ năng lượng rất cao của nó. Các nhà máy luyện nhôm thường được đặt gần các nguồn điện rẻ và dồi dào, chẳng hạn như các đập thủy điện. Việc xây cất và điều hành các đập nầy có thể là mối đe dọa đối với môi trường. Vì hồ chứa nước làm ngập một vùng rộng lớn, hệ sinh thái toàn vùng có thể bị thay đổi, động thực vật có thể bị ảnh hưởng không tốt, và sức khỏe con người có thể bị tổn thương.
KHAI THÁC BAUXITE VÀ LUYỆN NHÔM Ở VIỆT NAM
Quặng bauxite ở Việt Nam
Trữ lượng bauxite ở Việt Nam được ước tính vào khoảng 5,4 tỉ tấn, trong số đó có khoảng 2,1 tỉ tấn có thể khai thác được, là trữ lượng đứng hàng thứ ba trên thế giới sau Guinea (8,6/7,4 tỉ tấn) và Australia (7,9/5,8 tỉ tấn) [35]. Bauxite được tìm thấy ở Hà Giang (0,5%), Cao Bằng (1,8%), và Lạng Sơn (1,4%) ở miền Bắc và ở Konplong-Kanak (Kontum-Gia Lai) (11%), Ðắk Nông (61%), Bảo Lộc-Di Linh (20%), Bình Phước (4,6%), và Quảng Ngải-Phú Yên (0,2%) ở miền Trung [51]. Bauxite ở miền Bắc thuộc loại diaspore (AlO(OH)), trong khi bauxite ở miền Trung thuộc loại gibbsite (Al(OH)3).
Quặng bauxite ở cao nguyên miền Trung thuộc loại thảm nằm trên sườn hay đỉnh đồi, với chiều dày thay đổi từ 4 đến 6 m. Bên trên là lớp đất đỏ basalt có chiều dày đổi từ 0,5 đến 3 m, bên dưới là lớp đất sét kaolinite khá dày [51].
Kế hoạch khai thác bauxite và luyện nhôm
Kế hoạch khai thác bauxite và luyện nhôm ở Việt Nam do VINACOMIN soạn thảo và được chánh phủ phê duyệt qua Quyết định số 167/2007/QÐ-TTg ngày 1 tháng 11 năm 2007. Theo kế hoạch nầy, từ năm 2007 đến 2025, Việt Nam sẽ xây dựng 6 nhà máy chế biến alumina ở Ðắk Nông, Lâm Ðồng, và Bình Phước; 1 nhà máy luyện nhôm tại Bình Thuận; 1 tuyến đường sắt khổ 1.435 mm nối liền Ðắk Nông với Bình Thuận; và cảng Kê Gà ở Bình Thuận. Kế hoạch nầy có thể cần đến 15 tỉ USD nhằm mục đích khai thác mỗi năm 70,9 đến 94,5 triệu tấn bauxite, chế biến mỗi năm 11,8 đến 16,5 triệu tấn alumina, luyện mỗi năm 200.000 đến 400.000 tấn nhôm, và vận chuyển mỗi năm 25 đến 30 triệu tấn hàng hóa vào năm 2025 [51-53].
Kế hoạch được giao cho VINACOMIN chịu trách nhiệm thực hiện bằng phương thức hợp tác đầu tư với nước ngoài qua Công văn số 2728/VPCP-QHQT ngày 2 tháng 5 năm 2008 [55]. VINACOMIN có thể thành lập công ty cổ phần với sự tham gia của các công ty ngoại quốc với phần hùn không quá 40%, VINACOMIN chiếm 51%, và 9% bán cho công chúng. Công ty cổ phần nầy sẽ nộp 10% lợi nhuận sau khi trừ thuế vào ngân sách quốc gia.
VINACOMIN đã mời Tập đoàn ALCOA của Hoa Kỳ tham gia vào dự án Nhân Cơ (Ðắk Nông) với tỉ lệ 40% và Tập đoàn luyện kim Vân Nam (Trung Hoa) tham gia vào dự án Tân Rai (Lâm Ðồng) với tỉ lệ 20%. VINACOMIN cũng sẽ thành lập công ty liên doanh khai thác mỏ và alumina với Tập đoàn Công ty nhôm Trung Hoa (CHALCO). VINACOMIN chiếm 51% phần hùn trong công ty liên doanh khai thác mỏ và 40% phần hùn trong công ty liên doanh khai thác alumina. VINACOMIN cũng dự định mời Tập đoàn Broken Hill Propriety (BHP) Billiton (Anh và Úc) tham gia liên doanh với tỉ lệ 49% và hợp tác khai thác và chế biến bauxite tại Campuchia với tỉ lệ 10% [55]. Ngoài ra, Tập đoàn United Company RUSAL (UC RUSAL), công ty sản xuất nhôm lớn nhất thế giới của Nga, vừa ký kết một biên bản ghi nhớ với Công ty An Viên để xây dựng một nhà máy chế biến alumina có công suất 1,5 triệu tấn/năm ở Bình Phước vào năm 2012. UC RUSAL sẽ giữ 51% phần hùn của công ty liên doanh, trong khi Công ty An Viên giữ 49% [56].
Trong năm 2006, Nippon Light Metal Company Ltd. và Sojitz Corporation của Nhật cũng ký kết thỏa thuận với Tổng công ty hóa chất Việt Nam (VINACHEM) và Công ty hóa chất cơ bản Miền Nam (SBCC) để nghiên cứu khả thi việc xây cất một nhà máy luyện nhôm ở Lâm Ðồng với công suất khoảng 500.000 tấn/năm. Nhà máy nầy sẽ là nhà máy luyện nhôm lớn nhất Á châu, có trị giá khoảng 40 tỉ Yen (347 triệu USD), và sẽ do Ngân hàng Hợp tác Quốc tế của Nhật Bản (Japan Bank of International Cooperation) tài trợ. Một công ty liên doanh giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ được thành lập để xây cất nhà máy, dự trù khởi công vào cuối năm 2008 [57].
Vào tháng 12 năm 2008, tỉnh Cao Bằng được phép thương lượng với các công ty ngoại quốc và thành lập liên doanh để thăm dò, khai thác, và chế biến bauxite ở huyện Quảng Yên và Phục Hòa ở miền núi phía Bắc. Việc khai thác phải do doanh nghiệp Việt Nam giữ cổ phần chi phối và không được quá 50.000 tấn alumina/năm [58].
Lợi hại của việc khai thác bauxite và luyện nhôm ở Việt Nam
Mặc dù kế hoạch khai thác bauxite và luyện nhôm ở Việt Nam đã được cầm quyền và giới chức có trách nhiệm công bố và bắt đầu thực hiện, mặc dù kế hoạch nầy đã gặp phải sự “chống đối” mạnh mẽ của nhiều tầng lớp khác nhau, trong lẫn ngoài nước, cái lợi và cái hại của nó vẫn chưa được phân tích và lượng định một cách khoa học, nhất là về phương diện kinh tế. Ngoại trừ một vài con số rời rạc, mơ hồ, và nhiều khi mâu thuẫn với nhau; lợi hại của kế hoạch hoặc dự án chỉ được “mô tả” một cách chung chung.
Ðối với nhà cầm quyền và giới chức có trách nhiệm thì việc khai thác bauxite và luyện nhôm ở Việt Nam là “chủ trương lớn” và có lợi vì “… nước ta có nguồn tài nguyên bauxite thuộc loại lớn trên thế giới. Trữ lượng xác định và dự báo khoảng 5,4 tỉ tấn, chủ yếu tập trung ở khu vực Tây Nguyên [cao nguyên miền Trung]. Ðã nhiều năm qua, Tây Nguyên tập trung phát triển tối đa cây công nghiệp nhưng hiệu quả kinh tế rất hạn chế, đời sống đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, hạ tầng cơ sở nghèo nàn… Vì vậy, bauxite được xác định là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực, góp phần ổn định tình hình an ninh – chính trị trên địa bàn” [59]. “Theo ông Ðặng Ðức Yến [Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ðắk Nông], việc phát huy các tài nguyên tiềm năng hiện có, đặc biệt là triển khai dự án khai thác bauxite, luyện alumin, sẽ tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp kinh tế xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo chiều hướng CNH [công nghiệp hóa], HÐH [hiện đại hóa]” [10].
Theo ước tính của VINACOMIN thì “…dự án Nhân Cơ khi đi vào hoạt động sẽ có lãi là 10,59%, dự án Tân Rai sẽ có lãi là 12,45%” [60]. Theo một ước tính không rõ nguồn gốc, “nếu dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên triển khai, mỗi năm ngân sách có thêm 1.500 tỷ đồng” (khoảng 86 triệu USD) [14], nhưng “… theo báo cáo tại cuộc Tọa đàm của chính đ/c Hoàng Sĩ Sơn – phó Chủ tịch tỉnh Lâm Ðồng, các dự án bauxite hàng năm chỉ đóng góp 120-150 tỷ đồng cho ngân sách địa phương (được phóng đại lên 10 lần) như trả lời trên báo chí của đ/c Chủ tịch tỉnh Ðắk Nông” [61]. Theo ông Ðoàn Văn Kiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VINACOMIN, thì “lỗ hay lãi bây giờ chỉ là dự đoán. Chúng tôi nói có lãi, các nhà khoa học bảo không. Khoa học và thực tế bao giờ cũng là 50:50. Vậy thì tốt nhất hãy làm đi, rồi mới kiểm nghiệm được. Thực tế sẽ trả lời [!?]” [62].
Phe chống đối thì cho rằng việc khai thác bauxite và luyện nhôm ở cao nguyên miền Trung “… có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh thái toàn vùng rộng lớn. Việc sản xuất alumina trên Tây Nguyên chắc chắn sẽ tạo ra các hồ bùn đỏ có nguy cơ bị mưa lũ cuốn trôi tràn ra toàn vùng rộng, gây thảm họa về môi trường. Các dự án bô-xít & alumina kém hiệu quả hơn nhiều lần so với dự án cao su và cà phê (với cùng một số tiền vốn bỏ ra), và không giải quyết được vấn đề việc làm cho dân cư địa phương, làm căng thẳng thêm vấn đề hạ tầng cơ sở vốn đã kém phát triển (điện, nước và giao thông vận tải)” [12]. “Khai thác bô-xít Tây Nguyên như đang triển khai, sẽ (1) hủy hoại môi trường đồng thời làm biến đổi khí hậu toàn bộ vùng này và chung quanh, (2) thu hẹp vùng dân cư sinh sống, (3) gây phương hại cho an ninh của đất nước” [16].
Họ hoài nghi về hiệu quả kinh tế của các dự án, “… thậm chí là lỗ,” [63] vì giá cả và nhu cầu của alumina trên thế giới đã giảm rất nhiều so với thời gian nghiên cứu dự án. Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng môi trường cho mỏ Tân Rai, Lâm Ðồng từ năm 1998 của Ðại học Quốc gia Hà Nội cho thấy “… chỉ riêng thiệt hại tài nguyên cây trồng trong 20 năm đầu do hoạt động khai thác và tuyển quặng gây ra là khoảng 1.804 tỷ đồng” (khoảng 103 triệu USD) [14]. Việc khai thác bauxite ở cao nguyên miền Trung thì “… hoàn toàn không có hiệu quả kinh tế. Lý do là hiện nay khu Nhân Cơ và Đắc-Nông là hai khu trồng tiêu và cà phê, đây là hai nguồn lợi rất lớn. Tính ra một hecta tiêu hay một hecta cà phê có thể đem lại nguồn lợi cho người dân hiệu quả kinh tế từ 2 đến 3 ngàn đô la, trong lúc đó khai thác một diện tích bauxit 4 hecta chỉ cho ra 2 tấn alumina. Một tấn alumina có giá trị khoảng 3-4 trăm đô la mà thôi. Nhưng cả vùng đất đó sẽ bị hoang hóa trong tương lai” [64].
Ước tính lợi ích kinh tế của dự án bauxite-nhôm Lâm Ðồng
Lợi ích kinh tế của một dự án có thể được ước tính một cách gần đúng bằng cách phân tích hoa lợi-chi phí (benefit-cost analysis). Ðối với dự án bauxite-nhôm Lâm Ðồng, lợi ích kinh tế có thể ước tính dựa theo những dữ kiện sau đây:
Ðầu tư 687 triệu USD
Sử dụng 2.300 ha đất
Khai thác 3,4 triệu tấn bauxite, sản xuất 600.000 tấn alumina mỗi năm [51]
Chi phí điều hành trung bình 140 USD/tấn alumina [46]
Giá bán alumina 293 USD/tấn (giá tháng 1/2009) [65]
Nếu vốn đầu tư có thể được trả trong 30 năm với lãi suất 5%, thì chi phí đầu tư cho dự án sẽ vào khoảng 74 USD/tấn alumina. Như vậy, dự án bauxite-nhôm Lâm Ðồng sẽ có lợi nhuận vào khoảng 79 USD/tấn alumina sau khi khấu trừ chi phí sản xuất là 214 USD/tấn alumina với một hệ số hoa lợi-chi phí (benefit-cost ratio) là 1,37. Tính trung bình, mỗi một hectare đất sử dụng thu hoạch được một lợi nhuận khoảng 20.600 USD/năm.
Lợi nhuận trên đây có thể giảm đi nếu những chi phí khác chưa được gộp vào việc ước tính. Những chi phí nầy có thể là chi phí giải quyết những vấn đề xã hội (bồi thường đất đai, tái định cư, cải thiện đời sống,…) chưa được gộp vào chi phí đầu tư của dự án, hoặc chi phí ngăn chận và đề phòng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm do bùn đỏ gây ra và chi phí dành cho vấn đề an ninh chưa được gộp vào chi phí điều hành. Những chi phí nầy rất khó để ước tính nếu chưa biết kế hoạch chi tiết của dự án.
PHẦN KẾT LUẬN
Bauxite, một trong nhiều khoáng sản có thể khai thác ở Việt Nam, là tài nguyên thiên nhiên của quốc gia, tương tự như nông sản, lâm sản, thủy sản, và nước. Tài nguyên thiên nhiên cần phải được khai thác nếu việc khai thác mang lại phúc lợi tối đa cho người dân, có ảnh hưởng tối thiểu đến đời sống của dân cư và môi trường trong vùng khai thác, và góp phần tích cực vào công cuộc phát triển chung của đất nước.
Việc khai thác bauxite và luyện nhôm ở Việt Nam, mặc dù đã có kế hoạch cho đến năm 2025 và đã bắt đầu giai đoạn xây cất từ tháng 7 năm 2009, có mang lại phúc lợi cho người dân hay không, ảnh hưởng đối với đời sống của dân cư và môi trường trong vùng khai thác như thế nào, và mức độ đóng góp vào việc phát triển đất nước là bao nhiêu thì dường như vẫn còn trong vòng tranh cãi, có nhiều lúc rất “gay cấn.” Nhà cầm quyền và giới chức có trách nhiệm thì khẳng định rằng việc khai thác bauxite và luyện nhôm ở Việt Nam là một chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước và là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực, góp phần ổn định tình hình an ninh – chính trị trên địa bàn, tạo bước đột phá trong việc phát triển công nghiệp kinh tế xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Phe chống đối, bao gồm nhiều tầng lớp khác nhau ở trong nước và hải ngoại, thì kết luận rằng việc khai thác bauxite và luyện nhôm ở Việt Nam, nhất là ở vùng cao nguyên miền Trung, không có hiệu quả kinh tế, “thậm chí là lỗ,” có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh thái toàn vùng rộng lớn, gây thảm họa môi trường, hủy diệt văn hóa, xã hội, thổ nhưỡng, gây phương hại cho an ninh của đất nước, và yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam không được khai thác để làm “của để dành [!?]”
Nhưng cái lợi và cái hại của kế hoạch khai thác bauxite và luyện nhôm ở Việt Nam, nói chung, và các dự án khai thác, nói riêng, chỉ được cả nhà cầm quyền và giới chức có trách nhiệm cũng như phe chống đối mô tả một cách “chung chung” chứ không được dựa trên kết quả phân tích hoặc lượng định một cách khoa học và khách quan. Thí dụ theo ước tính của giới chức có trách nhiệm thì nhà máy alumina Tân Rai ở Lâm Ðồng sẽ có “lãi” 12,54%, còn phe chống đối thì “đánh giá” là không có hiệu quả kinh tế, thậm chí là “lỗ.” Nhưng theo kết quả phân tích hoa lợi-chi phí dựa theo một số dữ kiện được công bố, dự án bauxite-nhôm Lâm Ðồng có thể đem lại một lợi nhuận khoảng 79 USD/tấn alumina được sản xuất hay khoảng 20.600 USD/năm cho mỗi hectare đất sử dụng cho dự án, nếu các chi phí giải quyết những vấn đề xã hội, văn hóa, môi trường, và an ninh đã được cộng vào.
Do đó, để có thể có một kết luận chính xác, khoa học, và khách quan về vấn đề “nên hay không nên” khai thác bauxite và luyện nhôm ở Việt Nam, nhà cầm quyền và giới chức có trách nhiệm ở Việt Nam nên làm những việc sau đây:
- Tạm ngưng việc xây cất cả hai nhà máy alumina Tân Rai ở Lâm Ðồng và nhà máy alumina Nhân Cơ ở Ðắk Nông. Thực hiện việc nghiên cứu khả thi kế hoạch khai thác bauxite và luyện nhôm đã được phê duyệt qua Quyết định số 167/2007/QD-TTg ngày 1 tháng 11 năm 2007. Thiết lập kế hoạch và đồ án chi tiết, nghiên cứu khả thi, và lượng định ảnh hưởng đối với môi trường, văn hóa, xã hội, và an ninh cho từng dự án.
- Kế hoạch và đồ án chi tiết; kết quả nghiên cứu khả thi; kết quả lượng định ảnh hưởng đối với môi trường, văn hóa, xã hội, và an ninh; và biện pháp ngăn chận hoặc giảm thiểu thiệt hại của từng dự án phải được công bố rộng rãi đến người dân trong nước và hải ngoại để họ có dịp đóng góp ý kiến. Các ý kiến đóng góp nầy phải được ghi nhận để điều chỉnh lại kế hoạch hoặc dự án.
- Kế hoạch và dự án khai thác bauxite và luyện nhôm ở Việt Nam chỉ được tiến hành nếu việc khai thác mang lại phúc lợi tối đa cho người dân, có ảnh hưởng tối thiểu đối với đời sống của dân cư và môi trường trong vùng khai thác, và góp phần tích cực vào công cuộc phát triển chung của đất nước, và nhất là phải được đại đa số người dân tán đồng. Thành lập một ủy ban độc lập nhưng có thẩm quyền thích đáng, gồm đại diện của nhiều thành phần từ trung ương đến địa phương, để theo dõi và giám sát nếu kế hoạch và dự án được thực hiện.
Khai thác bauxite và luyện nhôm ở Việt Nam hiện nay dường như là một vấn đề chánh trị hơn là khoa học kỹ thuật. Mặc dù chúng là hai yếu tố cần thiết để một dự án được thực hiện một cách hoàn hảo và có hiệu quả, ảnh hưởng và hậu quả của hai yếu tố nầy thì rất khác biệt. Dự án không thể thực hiện được nếu chỉ có khoa học kỹ thuật (cách làm cho đúng và tốt) mà không có chánh trị (tiền). Ngược lại, dự án có thể thực hiện được nếu chỉ có chánh trị (tiền) mà không có khoa học kỹ thuật; nhưng dự án đó chắc chắn sẽ không hoàn hảo và không có hiệu quả. Do đó, khoa học kỹ thuật phải được đặt trước chánh trị, vì không làm dự án vẫn còn hơn là làm dự án mà… mang nợ và họa vào thân!
Nguyễn Minh Quang
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Thành Sơn. 24 tháng 10 năm 2008. “Ðại kế hoạch bô-xít ở Tây Nguyên bị phản đối quyết liệt.” Tuần Việt Nam. http://www.tuanvietnam.net/vn
[2] Wu, John C. 2000. “The Mineral Industry of Vietnam.” U.S. Geological Survey Mineral Yearbook – 2000. United States Geological Survey. Reston, Virginia.
[3] V.D. – Translated by Trong Khuong. April 11, 2006. “First Bauxite Mining and Processing Project Launched.” Vietnam News Agency. Hanoi, Vietnam.
[4] TTXVN. 27 tháng 7 năm 2008. “Khởi công nhà máy alumin lớn nhất Việt Nam.” VN Express. http://www.vnexpress.net
[5] Vinacomin. 30 tháng 7 năm 2008. “Lễ khởi công gói thầu EPC Nhà máy Alumin Tân Rai.” Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam. http://www.vinacomin.vn
[6] Văn phòng Tập đoàn TKV. 27 tháng 10 năm 2008. “Hội thảo Khoa học ‘Tìm kiếm giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực do khai thác, chế biến quặng bôxít, sản xuất alumin và luyện nhôm đến kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ’.” Vinacomin. http://www.vinacomin.vn
[7] H.Q. 17 tháng 7 năm 2008. “Dự án tổ hợp bauxite-nhôm Lâm Ðồng, TKV ký hợp đồng EPC cho gói thầu chính.” Báo Lao Ðộng. http://www.laodong.com.vn
[8] Hồng Hải. 21 tháng 7 năm 2008. “Ký kết hợp đồng xây dựng nhà máy Alumin trị giá 466 triệu USD.” Báo Lâm Ðồng. http://www.dalat.gov.vn/baolamdong
[9] Ban BT Website TKV. 16 tháng 7 năm 2009. “Lễ ký hợp đồng gói thầu EPC Nhà máy Alumin Tân Rai.” Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam. http://www.vinacomin.vn
[10] Thảo Lê. 22 tháng 10 năm 2008. “Khai thác bauxite ở Ðác Nông: Lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.” Nhân Dân. http://www.nhandan.com.vn
[11] Nguyễn Thành Sơn. 25 tháng 10 năm 2008. “Nguy cơ hiện hữu trong các dự án bô-xít trên Tây Nguyên.” Tuần Việt Nam. http://www.tuanvietnam.net/vn
[12] Nguyễn Thành Sơn. 26 tháng 10 năm 2008. “Ðại dự án bô-xít Tây Nguyên: người trong cuộc đề xuất gì?” Tuần Việt Nam. http://www.tuanvietnam.net/vn
[13] Nguyên Ngọc. 9 tháng 12 năm 2008. “Cái giá văn hóa-xã hội-chính trị của các đại dự án bô-xít.” Tuần Việt Nam. http://www.tuanvietnam.net/vn
[14] Hoài Giang. 26 tháng 10 năm 2008. “Giấc mơ thoát nghèo từ bauxite và hậu quả khôn lường.” Vietnamnet. http://www.vietnamnet/vn
[15] Tuần Việt Nam. 14 tháng 1 năm 2009. “Ðại tướng Võ Nguyên Giáp góp ý về dự án bô xít Tây Nguyên.” Tuần Việt Nam. http://www.tuanvietnam.net/vn
[16] Nguyễn Trung. 2 tháng 12 năm 2008. “Mất và được trong việc khai thác bô–xít Tây Nguyên.” Vietnamnet. http://www.vietnamnet.vn
[17] Nguyễn Hoàng Thu. 5 tháng 12 năm 2008. “Ðại kế hoạch bô-xít: Lợi ích trước mắt, nguy hại lâu dài.” Tuần Việt Nam. http://www.tuanvietnam.net/vn
[18] Khối 8406. 15 tháng 3 năm 2009. “Kháng thư số 24: Tố cáo Cộng sản Việt Nam về hiểm họa cho Trung Quốc khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Khẩn cấp
phát động phong trào cứu nguy đất nước.” http://khoi8406vn.blogpot.com
[19] Hà Giang. 4 tháng 2 năm 2009. “HT. Thích Quảng Ðộ phản đối kế hoạch khai thác bô xít.” Radio Free Asia. http://www.rfa.org
[20] Vũ Hoài Nam. 6 tháng 2 năm 2009. “Việt-Cộng Ðang Vận-Ðộng Cho Việt-Nam Thành Nô-Lệ Tàu.” Vietland. http://www.vietland.net
[21] Lâm Phong. 10 tháng 2 năm 2009. “Nguyễn Tấn Dũng và kế hoạch khai thác quặng nhôm bauxite.” Tâm Thức Việt Nam. http://www.tamthucviet.com
[22] Ðỗ Thái Nhiên. 12 tháng 2 năm 2009. “Bauxite: Thế trận xôi đậu.” Người Việt Online. http://www.nguoi-viet.com
[23] Gia Ðịnh. 12 tháng 2 năm 2009. “Bauxite: cả ngoại bang lẫn mafia đang thao túng Việt Nam.” Vietland. http://www.vietland.net
[24] Ngô Nhân Dụng. 13 tháng 2 năm 2009. “Ðồng Congo và bauxite Việt Nam.” Người Việt Online. http://www.nguoi-viet.com
[25] Mai Thanh Truyết. 14 tháng 2 năm 2009. “Trung Quốc: những mắc [mắt] xích tiến chiếm Việt Nam?” Vietland. http://www.vietland.net
[26] Giáo Già. 18 tháng 2 năm 2009. “’Bauxite’ Cơn Mê Bắc Thuộc Lần Thứ 5?” Vietland. http://www.vietland.net
[27] Lý Nam Bình. 22 tháng 2 năm 2009. “Tiếng vọng SOS từ Ðắk Nông!” Vietland. http://www.vietland.net
[28] Tiến sĩ Mai Thanh Truyết. Tháng 3 năm 2009. “Vạch Trần Chiến Lược của Trung Cộng Nhằm Biến Cải Ðất Cao Nguyên Miền Nam Việt Nam Thành Tây Tạng Thứ Hai.” Ðại Việt Quốc Dân Ðảng. http://www.daivietquocdandang.com
[29] LM. Vĩnh Sang, DCCT. 16 tháng 3 năm 2009. “Tiếng kêu cứu của núi rừng.” Người Việt Online. http://www.nguoi-viet.com
[30] Sông Lô. 19 tháng 3 năm 2009. “Chuyện dài bành trướng qua việc khai thác Bauxite ở Tây Nguyên Việt Nam.” http://www.dcvonline.net
[31] Bùi Tín. 20 tháng 3 năm 2009. “Tình thế khẩn cấp: Tiếng thét: ngừng ngay lại! Bôxít – stop!” Ðiện Báo Ánh Dương Online. http://www.anhduong.info
[32] Duy Hoang. March 20, 2009. “Open Letter On Exploiting Bauxite in Vietnam’s Central Highlands.” Viet Tan (Vietnam Reform Party). http://www.viettan.org
[33] Lê Thành Nhân. 25 tháng 3 năm 2009. “Trung Cộng khai thác mỏ bauxite Tây Nguyên.” http://trangdenonline.com
[34] Nguyễn Ðức Hiệp. 25 tháng 3 năm 2009. “Bài học khai thác bauxite ở Tây Nguyên.” http://www.tiengnoitudodanchu.org
[35] Wikipedia, The Free Encyclopedia. Accessed April 2, 2009. “Bauxite.” http://en.wikipedia.org/wiki/bauxite
[36] Lamb, Caitlin. December 6, 2005. “Bauxite.” http://www.earlham.edu
[37] International Aluminium Institute. Acessed March 29, 2009. “Geology of bauxite.” http://www.world-aluminium.org
[38] International Aluminium Institute. Acessed April 3, 2009. “Bauxite mining.” http://www.world-aluminium.org
[39] Wikipedia, The Free Encyclopedia. Accessed April 3, 2009. “Bayer process.” http://en.wikipedia.org/wiki/bauxite
[40] International Aluminium Institute. Acessed April 3, 2009. “Alumina refining.” http://www.world-aluminium.org
[41] Wikipedia. The Free Encyclopedia. Accessed April 3, 2009. “Hall-Héroult Process.” http://en.wikipedia.org/wiki
[42] Reynolds Aluminum, Alcoa Aluminum, and Aluminum Institute. May 16, 1999. “How Aluminum is Produced?” http://www.rocksandminerals.com/aluminum/process.htm
[43] International Aluminium Institute. Accessed April 9, 2009. “Community benefits.” http://www.world-aluminium.org
[44] Minerals Zone. Accessed April 9, 2009. “Bauxite.” http://www.mineralszone.com/minerals/bauxite.htm
[45] Buckingham, D.A., P.A. Plunkert, and E.L. Bray. September 24, 2008. “Bauxite Statistics.” United States Geological Survey.
12 13
http://minerals.usgs.gov/ds/2005/140/bauxitealumina.xls
[46] Potok & Co., Inc. October 2005. “Report to the USW, Aluminum Industry Dynamics, Global Update.” United Steelworkers in Canada. http://www.usw.ca/program/
[47] Index Mundi. Accessed April 9, 2009. “Aluminum Monthly Price.” http://www.indexmundi.com/commodities/
[48] Steve James. April 3, 2009. “Alcoa, hurt by aluminum price, set report loss.” Reuters. New York, New York.
[49] Liliana Acero. No date. “Chapter 7. Environmental Management in the Bauxite, Alumina, and Aluminum Industry in Brazil.” Mining and Environment. International Development Research Center. Ottawa, Canada. http://www.idrc.ca/en/
[50] Mohamad Fofana, et al. August 15, 1995. “Treatment of Red Mud from Alumina Production by High-Intensity Magnetic Separation.” Magnetic and Electrical Separation. Vol. 6, pp. 243-251. Overseas Publishers Association. Malaysia.
[51] Nguyễn Thanh Liêm. 22 tháng 10 năm 2008. “Tổng quan về tài nguyên quặng Bauxite và Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015 có xét đến năm 2025.” Hội thảo Gia Nghĩa 22-23/10/2008. Ðắk Nông, Việt Nam.
[52] Phước Hà. 23 tháng 5 năm 2007. “Cần 10 tỷ USD để phát triển ngành công nghiệp nhôm.” VietNamNet. http://www.vietnamnet.vn
[53] Theo Website Chính Phủ. 6 tháng 11 năm 2007. “11-15 tỷ USD cho khai thác quặng nhôm đến 2025.” VietNamNet. http://www.vietnamnet.vn
[54] Nguyễn Chí Quang. 22 tháng 10 năm 2008. “Giới thiệu về định hướng phát triển bền vững quy trình, công nghệ, mô hình khai thác quặng bauxite, chế biến và sản xuất Alumin và Nhôm kim loại.” Hội thảo Gia Nghĩa 22-23/10/2008. Ðắk Nông, Việt Nam.
[55] Theo TTXVN. 3 tháng 5 năm 2008. “Hợp tác với nước ngoài phát triển dự án Bauxit-Alumin.” VietNamNet. http://www.vietnamnet.vn
[56] Thanh Nien Online. October 29, 2008. “Russia, Vietnam sign deals on energy and alumina.” Thanh Nien. http://www.thanhniennews.com
[57] Sojitz Corporation. November 20, 2006. “Nippon Light Metal Company Ltd. and Sojitz Corpporation Sign Basic Agreement with Vietnam National Chemical Corporation and South Basic Chemicals on Feasibility Study for Construction of Aluminum Hydroxide Plant for Chemical Processing Applications – Asia’s largest project to produce aluminum hydroxide for chemical processing applications.” http://www.sojitz.com/en/news/
[58] Thời sự Chính trị. 18 tháng 12 năm 2008. “Chính phủ cho lập liên doanh khai thác bô-xít ở Cao Bằng.” Kinh Tế Hợp Tác Việt Nam. http://www.baokinhteht.com.vn
[59] Thế Dũng. 10 tháng 4 năm 2009. “Khai thác bauxite, sản xuất alumina: Ðộng lực phát triển Tây Nguyên.” Người Lao Ðộng. http://www.nld.com.vn
[60] Phương Loan – T. Lam. 10 tháng 4 năm 2008. “Chính phủ sẽ xem lại hiệu quả kinh tế bô-xít Tây Nguyên.” Vietnamnet. http://www.vietnamnet.vn
[61] Ts. Nguyễn Thành Sơn. 19 tháng 3 năm 2009. “Làm rõ một số ý kiến tại cuộc Tọa đàm về bauxite.” http://www.trangdenonline.com
[62] Trường Minh – Loan Anh. 13 tháng 4 năm 2009. “TKV: “Làm bô-xít hiệu quả hay không, chờ thực tế mới biết.” Tuần Việt Nam. http://www.tuanvietnam.net/vn
[63] BBC. 10 tháng 4 năm 2009. “Khai thác bauxite là ‘không hợp pháp’.” http://www.bbc.co.uk./vietnamese/
[64] Mặc Lâm. 5 tháng 3 năm 2009. “Nên hay không nên khai thác quặng bauxite?” RFA. http://www.rfa.org/vietnamese/
[65] Shanghai Daily. January 6, 2009. “Alumina cut again by Chalco.” http://www.china.org.cn/business/