Gần đây, sự kiện Viện sĩ Chu Thanh (Zhu Qing, 朱清) thuộc Viện Khoa học Trung Quốc vì chuyển qua nghiên cứu Phật giáo và Trung y nên đã gây nhiều tranh luận. Có cơ quan truyền thông phỏng vấn ông, hỏi ông tại sao đang nghiên cứu khoa học lại chuyển sang nghiên cứu Trung y, Phật giáo. Ông trả lời rằng: “Trung y chú trọng cứu đời, Phật giáo cho biết nguyên do để con người phải hành thiện. Tôi biết khoa học rất vĩ đại, nhưng khoa học không dạy người hành thiện.”
Rất nhiều người, đặc biệt là những tín đồ tôn giáo thường nghĩ như thế, cho rằng khoa học là tìm kiếm sự thật, không tìm kiếm sự thiện, tìm kiếm cái thiện là việc của tôn giáo. Quan điểm này rất phổ biến, phải không ạ? Ở đây liên quan hai vấn đề.
Thứ nhất, khoa học có tìm kiếm sự thiện không? Người cho rằng khoa học chỉ tìm kiến sự thật, không tìm sự thiện, nguyên do vì thấy khoa học chỉ đưa ra đánh giá về sự thật, không đánh giá về giá trị, nghĩa là khoa học chỉ cho chúng ta biết là như thế nào, không cho chúng ta biết nên thế nào. Nhưng quan điểm này không đúng. Tuy khoa học chủ yếu nhằm vào sự thật, không phán đoán về giá trị, nhưng trong nhiều vấn đề cần sự thật mới có thể đánh giá về giá trị, nói sự thật là nhận rõ đúng sai, tìm kiếm sự thật cũng là tìm kiếm sự thiện. Ví dụ, khoa học cho chúng ta biết rằng tài nguyên Trái đất có hạn, về tầm quan trọng của tính đa đang sinh vật, của bảo vệ môi trường, tình trạng nguy hiểm của khí hậu toàn cầu nóng lên, nghĩa là kêu gọi chúng ta phải bảo vệ tính đa dạng sinh vật, bảo vệ môi trường, có biện pháp ngăn ngừa khí hậu toàn cầu nóng lên, những hành động phá hoại môi trường gây bất lợi cho sự sống thế hệ mai sau đều là vô đạo đức. Đây là đánh giá cái thật, cũng là đánh giá giá trị, tức là cái thật, cũng là cái thiện. Đó là nhờ khoa học.
Thứ hai, phán đoán giá trị không tách rời hiểu biết cái thật. Nếu không có nền tảng khoa học, phán đoán giá trị trái khoa học, là phán đoán mù quáng. Cái thiện cần xây dựng trên nền tảng cái thật, hành thiện trái khoa học thì hậu quả là đang hành ác.
Ví dụ, tín đồ Phật giáo thích tổ chức hoạt động phóng sinh, dĩ nhiên họ cho rằng đây là hành thiện, nhưng động vật họ phóng sinh có khi xâm phạm vào vật chủng khác, ví dụ như chuyện phóng sinh rùa tai đỏ ở Trung Quốc đã phá hoại nghiêm trọng môi trường sinh thái, dẫn đến hủy hoại vật chủng bản địa, đây chính là đang hành ác. Những tín đồ giáo phái cực đoan hoạt động khủng bố dĩ nhiên cho rằng họ đang hành thiện. Vì thế tuy tôn giáo nêu cao khẩu hiệu tìm kiếm cái thiện, hành thiện, nhưng thực tế có thể ngược lại. Ngay cả Trung y, đó là một hệ thống không khoa học, có rất nhiều nội dung ngu muội, nguy hại cho sức khỏe con người. Y học tất xây dựng trên cơ sở khoa học, Trung y không khoa học tuy nêu cao tinh thần cứu thế, nhưng kết quả lại trở thành hại thế.
Ông Chu Thanh nói: “Tôi rất lo lắng, khoa học mạnh mẽ như thế, nhân tâm nếu không được chế ước thì sẽ trở thành thảm họa cho xã hội.” Thực tế, nếu tôn giáo không có chế ước càng gây thảm họa cho xã hội. Ông ấy phát biểu thế là đang mĩ miều hóa tôn giáo, yêu ma hóa khoa học.
Đoàn Đức Thanh (dịch)
Nguồn: Phương Châu Tử (Fang Zhouzi): Khoa học không dạy người hành thiện? (方舟子: 科学不会教人行善吗), ngày 23.6.2017.
http://www.jintiankansha.me/t/s4yb8nUQc1