Khóc Cười Theo Mệnh Nước Nổi Trôi, Nước Ơi:
Đây Thôn Vỹ Dạ trong Chương Trình Ngữ Văn Trung Học (Trong Nước)
Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mặc Tử (22-9-1912–22-9-2012) Một Vài Ấn Tượng Của Tôi Về Hàn Mặc Tử
Hàn Mặc Tử là một gương mặt lớn trong thi ca Việt Nam. Tuy nhiên, có một thời, tên tuổi của ông cùng với phong trào Thơ Mới bị quên lãng. Thời bao cấp, ở miền Bắc, rất ít ai biết đến Hàn. Trước 1975, ở miền Nam, không ai lạ gì Hàn, nhưng sau đó, tên tuổi của Hàn cũng biến mất trên sách báo một thời gian.
Thế hệ của chúng tôi là cái bản lề trong vấn đề tiếp nhận văn học lãng mạn. Tôi học lớp 12 năm học 1989 – 1990. Học kì I, học sách giáo khoa cũ, nghe người ta chửi Thơ Mới không còn manh giáp gì. Nào là bạc nhược, suy đồi, lai căng, là tiếng nói của giai cấp tiểu tư sản bấp bênh dao động… Nhìn chung, Thơ Mới bị đạp xuống chín tầng địa ngục. Ăn tết xong, chúng tôi vào học kì II và được học sách Phụ lục Văn 12, trong đó, có bài Đây thôn Vĩ Dạ. Ấn tượng đầu tiên của tôi là bài này chẳng có gì xấu xa cả. Nó không nói chuyện chửi bới, chém giết nhau mà chỉ nói một tình yêu trong sáng, thầm kín. Và từ đấy trở đi, tôi thấy người ta nâng Thơ Mới lên tận chín tầng mây. Có điều nghịch lí là, có những người đang say sưa chửi bới Thơ Mới không tiếc lời thì bỗng nhiên đột ngột quay ra tâng bốc Thơ Mới hết lời. Thật không thể hiểu nổi cơ chế tư duy của tầng lớp Người – Vẹt ở Việt Nam!Tôi học đại học trong cái thời người ta tán tụng Thơ Mới lên tuyệt đỉnh thi sơn. Mỗi sinh viên khoa Văn chúng tôi đều có một cuốn sổ ghi đầy những bài Thơ Mới. Hồi đó, tôi thuộc lòng Thơ Mới rất nhiều và rất hâm mộ Hàn Mặc Tử. Trường ĐHSP Qui Nhơn lại nằm gần mộ Hàn nên buổi chiều, chúng tôi thường đi dạo lên đó. Phải nói, chúng tôi rất gần gũi Hàn và nhiều người muốn tập tành sáng tác thơ theo trường phái của Hàn, muốn được nổi tiếng như Hàn. Có năm, khoa Ngữ văn trường ĐHSP Qui Nhơn tổ chức cuộc Hội thảo về các tác phẩm mới được đưa vào sách giáo khoa. Dự kiến cuộc Hội thảo sẽ kéo dài một ngày và bàn tới nhiều tác phẩm. Nhưng trong buổi sáng, người ta dành quá nhiều thời gian cãi nhau về câu “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Có một đại biểu quan trọng bực mình bỏ về giữa Hội thảo. Chủ trì là thầy Nguyễn Văn Giai phải dùng tài thuyết khách để dàn xếp nhưng Hội thảo vẫn tan rã. Buổi chiều hôm ấy, không ai đến dự nữa… ]
(Phạm Ngọc Hiền)
Đoạn trên được trích từ một giáo viên môn Ngữ Văn (Việt Văn) trong nước đăng ngày 9/22/2012 tại link sau đây:
http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=19345
Đoạn trích dẫn của bài tạp văn đã đề cập đến tình trạng bốc… đưa lên mũi ngửi trong môi trường giáo dục mà tác giả (Phạm Ngọc Hiền – PNH) gọi là “tầng lớp Người – Vẹt ở Việt Nam!”.
Tác giả có nhắc đến bài thơ “Đây Thôn Vĩ Dạ” (của thi sĩ bạc mệnh Nguyễn Trọng Trí – Hàn Mặc Tử) đã được đưa vào trong chương trình phụ lục văn học của lớp Mười Hai từ năm 1989-1990. Sau đó, bài thơ này được nằm trong sách giáo khoa chính thức của lớp Mười Một, cho đến nay.
Chẳng qua, đó chỉ là một việc làm rất nhỏ trong chủ trương tàn phá văn hóa lâu đời của dân tộc ta, khi cs du nhập chủ nghĩa tam vô đem vào đất nước VN bất hạnh của chúng ta, bắt đầu từ tiền bán thế kỷ hai mươi. Nó bắt đầu từ ngày có đứa khật khùng, láo lếu, xấc xược và ghi lên tường của đền Kiếp Bạc mấy câu:
Tôi anh hùng, bác cũng anh hùng
Tôi bác cùng chung việc kiếm cung…
Thật vậy, hãy nhìn xem những kẻ “Người–Vẹt” có trách nhiệm trong bộ Giáo Dục tại VN hiện nay đã và đang dạy học sinh lớp Mười Một về bài thơ “Ở Đây Thôn Vĩ (Đây Thôn Vỹ Dạ – ĐTVD)” này ra sao mà PNH phải than van rằng, [người ta dành quá nhiều thời gian cãi nhau về câu “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”?
Nhận xét của PNH không sai vì chỉ cần google các phần giáo án của môn văn về bài thơ “Đây Thôn Vĩ Dạ” chúng tôi không khỏi kêu trời với những gì học sinh trung học trong nước đang được dạy dỗ về bài thơ này!!!…
Có vô vàn bài viết trên internet ca ngợi, tán tụng, và tranh cãi… lung tung chung quanh nội dung của bài thơ ĐTVD do thi sĩ thiên tài HMT. Chúng tôi sẽ không trích dẫn vào bài bình luận này mà để độc giả có cơ hội tìm theo ý thích cá nhân của mỗi vị.
Trước tiên, chúng ta hãy thưởng thức bài thơ được sáng tác từ ba phần tư thế kỷ trước, 1938 (hoặc 1939 – theo Hoàng Thị Kim Cúc là người được HMT sáng tác và gửi bài thơ này để trả lời chiếc bưu thiếp thăm hỏi của cô khi bịnh phung của ông đã đi đến tình trạng ngày càng trầm trọng – HMT mệnh chung vào ngày 11 tháng 11 năm 1940) :
Sao anh không về thăm thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đỗ bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết, tình ai có đậm đà?
Đầu tiên có thể nói bài thơ “Ở Đây Thôn Vĩ – Đây Thôn Vỹ Dạ” về hình thức, nó là một trong số những bài thơ trong sáng, tuyệt vời, và dễ hiểu nhất của một thiên tài trong thi đàn VN của những năm 1930’s, Nguyễn Trọng Trí – Hàn Mặc Tử.
Tuy nhiên như đã nói, dù chính thức được nằm trong chương trình Văn học lớp Mười Một trung học tại VN, bài thơ ĐTVD đang được hiểu một cách… tùy hứng theo… cảm nhận hoàn toàn chủ quan của mỗi người giảng dạy, bình luận…
Đương nhiên, tình trạng các ban biên tập sách giáo khoa Việt Văn và Thầy Cô giáo dạy học đã không thể hiểu được một một cách rạch ròi về bài thơ trong sáng như ĐTVD đã nói lên sự xuống dốc của Việt Ngữ cũng như khả năng suy tư của đại chúng trong xã hội nói chung và trong những tầng lớp chịu trách nhiệm nói riêng.
Tuy nhiên, sự thiệt thòi vẫn đè nặng lên vai các thế hệ trẻ VN đang bị dạy dỗ những điều sai lạc trong tiếng Mẹ đẻ của mình. Một cách tổng quát, học sinh trung học trong nước đang được dạy về bài thơ ĐTVD như sau:
1. Bài thơ ĐTVD là bài thơ tả cảnh và tả tình. Trong đó, tả cảnh là nói về một thôn làng cụ thể là thôn Vĩ (Vỹ) Dạ với vẻ đẹp đặc biệt trên bờ Hương Giang, là quê nhà của người mà HMT yêu một cách đơn phương trong những năm tháng cuối đời của mình.
2. Bài thơ bắt đầu bằng câu hỏi vừa mang tính trách móc nhẹ nhàng vừa mời gọi của “người tình trong mộng, Hoàng Thị Kim Cúc – HTKC” câu hỏi của nàng, “Sao anh không về thăm thôn Vỹ?” mang ẩn ý trách nhẹ, dùng để bắt đầu cho một khổ thơ bảy chữ mà ba câu còn lại là lời mời gọi thiết tha dịu dàng.
3. Sự nổi loạn trong thi pháp của tác giả, HMT, qua ba đoạn thơ ngắn ngủi… là ba trạng thái tâm lý hoàn toàn khác nhau. Các biến đổi tâm lý được gán cho tác giả đi từ thực tế, siêu thực, rồi đến ảo tưởng … vân vân … và … vân vân (?)
4. Người yêu trong mộng của HMT, cô HTKC có gương mặt chữ điền phúc hậu như câu cuối của khổ đầu tiên diễn tả, “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Cũng có thể “mặt chữ điền” là chiếc bình phong bằng cement che trước cổng nhà quyền quý được xem là “đặc sản” của các gia đình trâm anh thế phiệt ven bờ Hương Giang, nội-ngoại ô của cố đô Huế.
Ngoài bốn ý tổng quát đã nêu trên, còn nhiều ý khác lạ hơn nữa… Nhưng chúng tôi sẽ không bàn tới và đem vào đây. Bấy nhiêu cũng đã quá nhiều để học sinh cả nước phải chịu học hỏi không chỉ sai về mặt kiến thức, mà còn sai trong phương pháp suy nghĩ một cách khoa học cho các vấn đề thường thức hằng ngày… Chỉ bấy nhiêu cho một bài thơ của mình, cũng đủ cho thi nhân (HMT) khó có thể yên nghỉ nơi bãi biển Ghềnh Ráng, cho dù đã được cải táng hơn năm mươi năm về trước!!!…
Thật ra có gì là quá khó hiểu đối với bài thơ ĐTVD của Hàn Mặc Tử? Phải chăng nó đã quá khó đối với những người soạn chương trình môn Ngữ Văn (Việt Văn)? Nếu đúng như thế, thì họ cũng nên bỏ bài thơ ra khỏi chương trình giảng dạy để không phải nói hươu tán vượn về bài thơ một cách tệ hại như đang xảy ra. Người ta làm việc bình giảng thơ-văn mà không hề hiểu rõ những điều họ đang nói là cái giống gì:
1. Về cấu trúc, ĐTVD không phải là một bài thơ tả cảnh hoặc tả tình. Nó là một “lá thư” được dùng để trả lời cho tấm bưu thiếp của cô HTKC gửi đến thăm hỏi bệnh trạng của HMT qua tay người em thúc bá là Hoàng Tùng Ngâm, bạn thân của thi sĩ. Chính Hoàng Tùng Ngâm cũng là con chim xanh đưa “thư hồi âm ĐTVD” về cho HTKC. Do đó nếu chúng ta không đọc như một “lá thư hồi âm” thì sẽ không cách nào hiểu được ý nghĩa của “bài thơ ĐTVD” này được.
Sai lầm chung của những người cố gắng bình giảng ĐTVD đã bắt đầu từ điểm căn bản này đây!
2. Khi đã hiểu được rằng ĐTVD là một “lá thư hồi âm”, chúng ta sẽ hiểu ngay chữ “anh” được dùng trong câu đầu tiên của bài thơ là một đại danh từ ngôi thứ… NHẤT. Chữ “anh” đó, KHÔNG PHẢI NGÔI THỨ HAI, như nhiều người nhầm lẫn… Vì thế, bốn câu đầu tiên của khổ thứ nhất được tác giả (HMT) viết ra như một lời trần tình trực tiếp:
3. Vâng, khổ thơ thứ nhất gồm bốn câu là một lời trần tình trực tiếp cho người nghe/đọc là HTKC mà chúng tôi sẽ giải thích trong phần sau, số 4.
Trong “thư hồi âm, ĐTVD” thi sĩ HMT đã không hề nổi loạn trong thi pháp của mình. Ông cũng không hề biến đổi trạng thái tâm lý như sự suy diễn bậy bạ của những người bình thơ ông.
Hãy theo dõi mạch thơ từ khổ thơ thứ nhất, thứ hai, và khổ thơ thứ ba; chúng ta sẽ rõ. Và, hãy nhớ rằng khi viết “thư hồi âm”, thi sĩ HMT trong thân phận bị đọa đày bởi cơn bạo bệnh, vẫn hoàn toàn làm chủ ý thức của mình để hiểu rằng, lời thăm hỏi của người đẹp trong bưu thiếp chỉ là sự thương hại, là lời an ủi cho một “tâm hồn đơn côi đáng thương”, mà thôi!
Biết vậy, nên nội dung thơ hồi âm ĐTVD nói rằng (diễn xuôi):
a. Khổ thơ đầu tiên, “Em à,
Vì sao anh đã không thể thăm thôn Vỹ Dạ để được ngắm nắng ban mai trải trên hàng cau trước mảnh vườn xanh màu ngọc bích… , em có hay chăng?”
b. Khổ thơ thứ hai,
“Thế nhưng, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ – Tiên Điền. Vì thế, lòng anh đang ngổn ngang thế này:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đổ bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Tâm hồn và ý chí dù có vững vàng cách mấy, nhưng trong cơn đau vật vã của thể xác, thì gió mặc gió, mây mặc mây… Thuyền, trăng, và nước trên dòng Hương Giang, hoa bắp đang mùa nở rộ cũng chẳng còn làm lòng anh rung động nổi nữa rồi!”
c. Khổ thứ ba, “Thân mang bạo bệnh, không còn dám nghĩ đến chuyện ghé thăm em nơi thôn Vỹ xa xăm đã đành… Anh chỉ còn biết mơ thầm có người đến thăm mình tại đất Tuy Hòa, vùng nắng biển chói chang đến hoa cả mắt này đây.
Trong cái nắng biển hanh nồng và cơn đau thể xác hành hạ, nếu em có đến thăm, anh cũng chỉ như kẻ lòa đang nhìn qua làn sương khói mà thôi… Hơn nữa đó chỉ là mộng mơ của riêng anh, vì tình em đâu đủ đậm đà để đến thăm trong hoạn nạn của anh (HMT)”.
Nói chung, tuy mô tả về ước mơ của chính mình mong mỏi được người đẹp làm “khách đường xa” đến thăm mình; nhưng HMT cũng đã “tả chân” một cách rất chính xác các ảo giác gây ra vừa do khí hậu vùng biển nhiệt đới của xứ Bình Định, Tuy Hòa áp đặt lên trên thể chất của một người đang bị quật ngã bởi chứng nan y.
Trong câu cuối cùng của bài thơ, chỉ cần một dấu phẩy ngắt sau chữ “Ai biết” và chú ý đến nó; thì ý nghĩa của cả khổ thơ hoàn toàn rõ ràng hơn bao giờ hết. Chúng tôi xin ghi lại khổ thơ cuối như sau:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết, tình ai có đậm đà?
“Ai biết, tình ai có đậm đà?” Mơ ước được người đẹp một lần ghé thăm để mang được niềm an ủi nào đó cho tâm hồn cô quạnh của chính mình. Nhưng rồi HMT cũng chấp nhận rằng điều đó không thể nào xảy ra được, vì ông tự nghĩ rằng tình cảm của nàng dành cho mình chưa đủ sâu đậm để từ Huế vào thăm “cố nhân” hoạn nạn. Đó chính là tâm tình, là những lời cuối mà tác giả có thể thốt được với “người ấy” trong lá thư tám mươi bốn chữ của ông.
4. Chúng tôi không rõ nếu nghe được lời bình rằng “mặt chữ điền phúc hậu” được dùng để diễn tả gương mặt của HTKC, thì bản thân bà hay nhà thơ sẽ đau khổ nhiều hơn?
Tuy nhiên, chúng tôi biết chắc rằng ngày nay học sinh trung học bị nhồi nhét những kiến thức nhảm nhí như thế này hằng ngày, cũng là điều đau khổ khôn nguôi cho tương lai của đất nước chúng ta!
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Có lẽ nào, trong cả nước VN hiện nay từ bộ Giáo Dục cho đến các Thầy, Cô giáo cũng như rất nhiều người viết bài phê bình văn học đều không hiểu được ba câu thơ trên của Hàn Mặc Tử để mà viết nhảm và hàng ngày nhồi nhét kiến thức bậy bạ cho con trẻ?
Có lẽ nào, trong số họ chưa có ai từng cầm cọ để vẽ hoặc cầm chiếc máy chụp hình phong cảnh để hiểu được thi sĩ đang diễn tả cái gì?
Đơn giản, chẳng có gì đơn giản hơn: thi nhân đang diễn tả luật “cận viễn chiếu” trong phối cảnh cũng như quy luật về ánh sáng trong hội họa. Điều này cũng được áp dụng chính xác trong nhiếp ảnh xưa và nay:
i. “Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên” đã chẳng phải là ánh sáng ven hoặc ngược sáng (back or directional light) hay sao? Thứ ánh sáng này tạo thành các đường viền sáng trên các thân cây cau mọc thẳng đứng trong vườn ai (ám chỉ vườn nhà HTKC).
ii. Chính trong mảnh vườn xanh mướt của HTKC, các thân cau cao vút sẽ bị lẫn vào một màu nếu không có ánh sáng ban mai tạo thành các viền sáng (rim light) chạy dọc theo thân cau (được xem như một phần của chủ đề trong bức tranh vẽ hoặc ảnh chụp). Mảnh vườn xanh mướt đó, chính là background mà các thân cau cao vút được nổi bật lên nhờ ánh sáng ngược hoặc xiên của buổi bình minh. Trong con mắt của nhà thơ, ba chiếc thân cau cao nổi bật trong mảnh vườn chính là ba nét xổ.
iii. Nay thêm câu cuối, ba chiếc “lá trúc che ngang”; rõ ràng tạo ra được hình ảnh một chữ điền (田) với ba nét xổ và ba nét hoành.
iv. Trong tầm nhìn của tác giả, HMT, ông đã áp dụng chặt chẽ các định luật về ánh sáng và cận viễn chiếu của hội họa. Rõ ràng, các nét xổ làm từ thân cau cao vút từ xa được thu gọn lại so với kích thước của những chiếc lá trúc nhỏ hơn nhưng lại ở gần tạo thành các nét hoành (ngang) trong chữ điền…
v. Cũng trong mục số 4. này, chúng tôi sẽ không đề cập đến các tấm bình phong được xem là “đặc sản” của thôn Vĩ Dạ. Điều đó hoàn toàn không đáng tin cậy, vì ngày còn bé chúng tôi từng chứng kiến những tấm bình phong đó không chỉ quanh vùng Saigon – Gia Định – Cholon trong các thâp niên 60’s, 70’s, và ngay cả 80’s. Mà hầu hết các tỉnh trong Nam lẫn ngoài miền Trung đều có các tấm bình phong đó trước cửa những kiến trúc xưa cũ còn để lại…
Tóm lại, chúng ta chỉ có thể ca ngợi hoặc phê bình một bài thơ, một tác phẩm văn chương khi đã THỰC SỰ HIỂU được ý nghĩa mà tác giả cố gắng trình bày trong tác phẩm của họ. Nếu không hiểu được tác giả nói gì, thì làm sao có thể ca ngợi hoặc bình phẩm; mà cũng cố làm cho được?
Ngược lại, đọc một tác phẩm văn chương xong mà vẫn không hiểu tác giả nói gì, nhưng lại cố bốc phét cho có vẻ sành sỏi; chính là việc đang làm hàng ngày của những kẻ có trách nhiệm soạn sách giáo khoa, giảng dạy, và phê bình các tác phẩm văn chương trong nước hiện nay. Mà bài thơ “Đây Thôn Vỹ Dạ” của Hàn Mặc Tử chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân đau khổ của họ.
Nhưng suy cho cùng, thì nạn nhân chính của tình trạng kệch cỡm này vẫn là các thế hệ học sinh trung học đáng thương vì phải sinh ra, lớn lên, và học hành trong môi trường giáo dục trong nước… Mà trong số các nạn nhân đó, có cả chính các vị Thầy, Cô giáo ngày nay đang đứng trên bục để giảng dạy môn Ngữ Văn (Việt Văn) vì đã từng bị nhồi nhét bằng những thứ “kiến thức” trời ơi đất hỡi tương tự như các lời bình luận về “Đây Thôn Vỹ Dạ” mà chúng tôi vừa đề cập trong bài bình luận này.
Cả hai thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa tại miền Nam trong thời chiến đều chú trọng và xem việc giáo dục – đào tạo nhân tài cho đất nước là việc đào tạo “tài nguyên nhân lực của quốc gia”. Ngày nay, tài nguyên về vật chất trong nước đã bị cs đào bới bán dần cho ngoại bang chưa kể đất liền và biển khơi…
Chỉ còn “tài nguyên về nhân lực” là điều mà tương lai của đất nước sẽ nương tựa vào, thì được cs dạy dỗ một cách cẩu thả vô lương lâm như thế; lẽ nào chúng ta không hề đau lòng?
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi!
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi, tiếng ru muôn đời!
Tiếng nước tôi bốn ngàn năm ròng rã buồn vui!
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!
Tiếng nước tôi, tiếng Mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!…
(Tình Ca – Phạm Duy)
Falls Church, VA.
8/31/13
Chân Phương
One Comment
DungDung
Tài hoa mệnh bạc! thi sĩ Hàn
Thôn Vỹ bàng hoàng.. lặng mênh mang
Cau khô se sắt lòng trông ngóng
Khách đường xa biền biệt mù tăm
Tâm tình gởi gió cuốn lá thơ
Về đây thôn Vỹ lặng ơ hờ !
Cảnh cũ người xưa đong tiếc nuối
Phảng phất u hoài chỉ hồn thơ