Trong bài trước, chúng tôi đã từng nhắc lướt qua sự tàn phá chữ Quốc ngữ do việc sử dụng một cách hợp nhất hai mẫu tự “I” và “Y” trong chính tả Việt ngữ. Song song với bài viết trình bày đó, Việt Thức cũng đã cho đăng bài “vẫn chuyện I ngắn và Y dài”, kết hợp bởi ý kiến của cố Giáo Sư Nguyễn Đình Hòa – cựu Khoa trưởng Đại Học Văn Khoa, Saigon; và cũng là sáng lập viên Viện Việt Học tại miền Nam tiểu bang California – cùng bài “BÀN TIẾP VỀ CHUYỆN I NGẮN Y DÀI “ do tác giả Đào Tiến Thi viết vào mùa Thu 2010.
Chúng tôi xin cảm ơn nhã ý của Việt Thức đã đăng bài viết kết hợp nói trên đi kèm cùng bài trình bày “I ngắn hay Y dài?” (Chân Phương). Nó là dịp để độc giả có sự so sánh, đối chiếu, và chọn lựa về các ý kiến khác nhau trên cùng một vấn đề.
Điều đó cũng giúp cho chúng tôi không phải đem dán toàn bài kết hợp của TS Nguyễn Đình Hòa và Thạc Sĩ Đào Tiến Thi vào (hồi thứ hai) của “I ngắn hay Y dài?” của ngày hôm nay, nhằm tiếp tục làm sáng tỏ thêm quan điểm của riêng mình.
Qua bài viết kết hợp nói trên, chúng ta đọc được những ý kiến của giới chuyên môn về ngôn ngữ tiếng Việt chung quanh chính tả của hai con chữ I và Y. Trong số đó, nặng ký nhất phải kể là những ý kiến của các Giáo Sư Nguyễn Đình Hòa và GS Cao Xuân Hạo là những tên tuổi hàng đầu của giới “hàn lâm” về Việt ngữ của cả hai miền Nam-Bắc VN trước 1975.
Tựu chung, với cựu Khoa trưởng Đại Học Văn Khoa Nguyễn Đình Hòa – tác giả của nhiều cuốn từ điển Anh-Việt Việt-Anh được xuất và tái bản nhiều lần trong các thập niên 5, 6, và 70… cho đến sau này; ông ghi nhận rằng Quốc ngữ đã từng có thời gian phân biệt được rạch ròi I và Y trong chính tả mà ông cho rằng có lẽ đó chỉ là do thói quen. Để từ đó ông đã bỏ cuộc và mong rằng, những thay đổi sau này (nếu có) sẽ làm cho Việt ngữ tốt hơn(!)
Giáo Sư Cao Xuân Hạo, người được xem là học giả về Việt ngữ tại miền Bắc VN là người “đơn thương độc mã chống lại chủ trương sáp nhập i ngắn và y dài”, cuối cùng cũng bị “bắt bí” mà không đưa được lời giải thích mạch lạc cho lập trường của mình. Cô đơn và bất lực trong việc đi tìm manh mối cho hai mẫu tự bé tẻo I và Y giữa những ý kiến đối nghịch với mình, Giáo Sư Hạo đành yếu ớt lên tiếng:
“Nhược điểm của chữ Quốc ngữ không phải ở chỗ nó chưa thật là một hệ thống phiên âm vị học, mà ở chỗ nó có tính chất thuần tuý ghi âm, và hoàn toàn bất lực trước nhiệm vụ biểu hiện nghĩa mà lẽ ra nó phải đảm đương, và nhược điểm ấy lộ rõ nhất và tai hại nhất là trong trường hợp các từ đồng âm vốn có rất nhiều trong tiếng Việt. Tuy vậy, cũng giống như chữ Anh và chữ Pháp, những chỗ bị người ta coi là bất hợp lý chính là những chỗ làm cho nó phân biệt nghĩa và cội nguồn của các từ đồng âm như da và gia, lý và lí (trong lí nhí). v.v.. Đáng tiếc là những chỗ như thế không lấy gì làm nhiều”
Tất nhiên, phát biểu của GS Hạo bên trên chứa đựng nhiều bất hợp lý hoặc không được chặt chẽ. Tuy nhiên, trong phạm vi bài này chúng tôi xin chỉ nói đến hai điểm chính là các sai sót khi GS cho rằng chính tả Quốc ngữ đã không làm tròn nhiệm vụ ghi âm (ký phiên âm) và các trường hợp mà ông đã cho rằng đồng âm (da và gia, lí và lý) chỉ là các trường hợp hãn hữu dùng để phân biệt nghĩa của từ vựng mà thôi!
Điều này dẫn đến việc nhiều người đi sau đã, đang, và sẽ kế tục những sai sót này của GS Hạo để xây dựng và hình thành những sai sót mới sau này!
Người viết xin được nhắc lại một ý kiến đã nêu trong bài viết trước đây của mình:
Tác hại của Quy Định hành chánh về chính tả I và Y của bộ Giáo Dục vc ban hành ngày 30/11/1984 đã đem đến hậu quả khôn lường. Đó là, ngay cả các học giả tên tuổi của cả hai miền Nam-Bắc VN, của người NV tại trong nước và hải ngoại đến nay cũng hoàn toàn mù mịt mà không tìm được ra manh mối để trở lại với trật tự, với quy củ của nó (lỗi chính tả I và Y) như thuở ban đầu (1945 tại miền Bắc và 1975 tại miền Nam).
Tại sao chúng tôi lại lấy mốc đầu tiên là 1945 tại miền Bắc, khi Quy Định không số của bộ Giáo Dục đến ngày 30 tháng 11 năm 1984 mới được ban hành?
Sau năm 1945, cs VN tại miền Bắc đã bắt đầu phổ biến các tài liệu nhằm mục đích đánh bóng lãnh tụ hcm dưới tên nguyễn ái quốc và nhiều bí danh khác nữa. Trong khi sao chụp lại hình ảnh có thủ bút của hcm và phổ biến, chúng ta cũng nhìn thấy được các lỗi chính tả ký âm một cách cẩu thả và nham nhở mà hcm mắc phải. Thí dụ, “cách mạng” được ghi là “kách mệnh”, “Bắc Cạn” được ghi là “Bắc Kạn”, “quý báu” được ghi là “quí báu”… Điển hình nhất là các bản thảo của chúc thư cũng như bản thảo lời kêu gọi “Giải Phóng miền Nam”. Trong đó, hcm đã viết “không có gì QUÍ hơn độc lập tự do!” thay vì phải viết “không có gì QUÝ hơn độc lập tự do” .
Mùa Hè 1976 khi ra Sơn Tây – miền Bắc – để thuốc thang cho Bà Nội trong những ngày hấp hối của Bà, chúng tôi ngày đó còn là đứa trẻ mười lăm tuổi đã nhìn thấy câu văn “Không có gì QUÍ hơn độc lập tự do” được đúc bằng vàng treo nơi vách tường bên trong lăng kẻ tội đồ của dân tộc. Ngày nay, có lẽ để che dấu cái dốt tiếng Việt của tên gian ác, các tài liệu trong nước và trên internet đã sửa lại cái sai quá lộ liễu kia trở lại thành “không có gì QUÝ hơn độc lập tự do”.
Bồi bút thời nào cũng có, dưới thời cs lại càng nhung nhúc kém chi sâu bọ? Do đó, ngày ấy với chủ trương “nấu phân chủ tịch nước cho thành nước hoa để rải đều khắp nhân gian”, không ít kẻ “trí thức văn hóa” đã uốn lưng và bẻ cong ngòi bút của mình để đổi lấy miếng đỉnh chung. “Cải cách chính tả Quốc ngữ” trong từng giai đoạn với những điều ngu xuẩn của cán bộ văn hóa của csVN chỉ là các thủ đoạn vừa để nịnh bợ lấy điểm vừa nhằm che lấp cái “dốt đặc cán thuổng” về tiếng Việt của lãnh đạo tối cao csVN mà bọn bồi bút đã bày vẽ ra… Ngay cả khi cái thây ma không hồn giữa quảng trường Ba Đình có thối rữa theo thời gian, đám bồi bút kia cũng vẫn còn lợi dụng “tư tưởng hcm” để bòn vét tài nguyên đất nước, bán rẻ tổ quốc cho ngoại bang và tiếp tục kềm kẹp đồng bào để vinh thân phù gia.
Xin điểm lại lịch sử của Quốc Ngữ mà chúng ta đang dùng. Tiếng Việt đã được các linh mục Bồ Đào Nha Gaspar do Amaral và Antoine Barbore phiên âm thành mẫu tự Latin từ khoảng 1650 với hai công trình “Từ Vị Annam – Bồ Đào Nha” và “Từ Vị Bồ Đào Nha – Annam”. Sau đó vì các yếu tố lịch sử mà người Bồ Đào Nha đã bỏ dở dang công việc truyền giáo của họ. Người Pháp đã kế tục công cuộc “khai hóa niềm tin và tín ngưỡng” tại đất nước Đàng Ngoài và Alexander De Rhode hoàn thiện công trình của các linh mục người Bồ Đào Nha. Trong quá trình hình thành chữ cho đến đầu thế kỷ 20 và với mục đích truyền đạo, chữ Quốc Ngữ vẫn còn phôi thai và ít được chú ý đến. Vì thế, văn phong của các tác phẩm được viết bằng Quốc ngữ của thời kỳ 1920’s trở về trước nay đọc lại cũng thấy nhiều điều ngây ngô, trúc trắc…
Tuy nhiên, kể từ khi Hán văn đã không còn là ngôn ngữ được dùng trong các trường thi và chữ Quốc Ngữ đã bắt đầu hiện diện trong học đường, thì phong trào vận động và phát triển chữ Quốc Ngữ đã được rầm rộ hưởng ứng sang các lãnh vực văn học, báo chí, cũng như ngoài xã hội. Sau Phong Hóa – Ngày Nay là Tự Lực Văn Đoàn, Tân Văn, Phụ Nữ, Phụ Nữ Tân Văn, phong trào Thơ Mới, phong trào văn chương lãng mạn, tiền chiến… rồi ngay cả Nhân Văn và Giai Phẩm ngoài Bắc sau năm 54 cũng như xã hội, học đường, văn chương của miền Nam cho đến ngày mất nước tháng Tư 1975. Có thể nói, thời kỳ rực rỡ nhất của chữ Quốc Ngữ chính là giai đoạn của Tự Lực Văn Đoàn (1930’s) cho đến 1975 tại Saigon.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi chưa đến năm mươi năm đó, Ông Cha chúng ta đã bỏ ra rất nhiều công sức tạo nên sức sống phong phú và linh động của một ngôn ngữ mới làm thành di sản để lại. Trong các công sức mà Ông Cha chúng ta vun đắp đó, phải kể đến cách ghi âm một cách khoa học mà không phải ai cũng nắm vững cho được.
Rõ ràng, ngay cả các học giả nổi tiếng của cả nước và được nhiều thế hệ người Việt biết đến với những trước tác đầy giá trị như Lê Ngọc Trụ, Cao Xuân Hạo, và Nguyễn Đình Hòa… cũng có phần nhầm lẫn trong các phương pháp ký âm tiếng Việt mà chúng ta được thừa hưởng khi dùng chữ Quốc Ngữ. Các Giáo Sư Lê Ngọc Trụ (người miền Nam) và Cao Xuân Hạo (người miền Trung – Nghệ An – sinh trưởng tại Huế) bị các giới hạn khi phân tích ngữ âm chính tả đã đành. Riêng đối với Giáo Sư Nguyễn Đình Hòa, là người Hanoi, xuất thân từ trường Bưởi; mà cũng “bị kẹt” và chịu thua trước hai mẫu tự I và Y trong chính tả Quốc ngữ sau một thời gian dài tiếp xúc với chữ nghĩa tiếng Việt đang được dùng trong nước, thì đó cũng là điều đáng buồn thay cho tiếng Việt của chúng ta…
Điều này cũng cho thấy di hại của Quy Định quái gở ngày 30/11/1984 đã ảnh hưởng sâu và rộng đến đâu!
Chúng tôi xin được trở lại với các phương pháp và nguyên tắc ký âm trong tiếng Việt:
1/ Đầu tiên, Giáo Sư Cao Xuân Hạo đã cho rằng đồng âm (da và gia, lí và lý) chỉ là các trường hợp hãn hữu dùng để phân biệt nghĩa của từ vựng mà thôi. Theo ông, các chữ da và gia, lý và lí là những chữ đồng âm!
Tuy nhiên, sự thật không phải thế. Chúng là các chữ được phát âm khác nhau trong tiếng Việt. Do đó, Ông Cha chúng ta đã ghi lại chúng bằng các mặt chữ khác nhau.
2/ Từ nhầm lẫn này của GS Hạo, ông Thạc Sĩ Đào Tiến Thi còn đi xa hơn khi cho rằng các phụ âm d/gi, c/k/q, g/gh, ng/ngh đều là tương đương như nhau. Trước ông Thi, tại Saigon những năm 50 và 60 của thế kỷ trước nhà văn Nguiễn Ngu Í cũng đã từng đưa ra ý kiến cải cách chính tả tiếng Việt và nhất định không viết bút hiệu của mình một cách bình thường là Nguyễn Ngu Ý.
Nói chung, sự nhầm lẫn của các ông GS Hạo, ông Thi, ông Í, và nhiều người khác nữa… có nguyên nhân do không quan tâm đến các điều kiện phát âm và ghi âm tiếng Việt khi hình thành chữ Quốc Ngữ.
Khi hình thành chữ Quốc ngữ, các linh mục Bồ Đào Nha và Pháp cũng như Ông Cha chúng ta đã dựa trên giọng nói, giọng phát âm của người Hanoi để ghi lại. Giọng của người Hanoi trước 1954 và sau này một số đã di cư vào miền Nam là giọng nói trời phú cho không bị một lỗi chính tả nào như vài địa phương khác tại miền Bắc nói riêng và tại cả ba miền Nam, Trung, Bắc của nước ta nói chung.
Trong bài viết nguyên thủy rất dài của ThS. Đào Tiến Thi có đoạn ông viết như sau:
“3.4.1. Chữ QN tuy là chữ ghi âm nhưng khác rất xa các chữ Ấn Âu. Trong các ngôn ngữ Ấn Âu, gần như phải phát âm đầy đủ từng âm vị, thì tiếng Việt phát âm thành từng âm tiết (tiếng), dù âm tiết đó gồm bao nhiêu âm vị thì cũng chỉ phát âm một lần, tiếng có nhiều âm vị cũng có độ dài như tiếng chỉ có một âm vị. Mỗi âm tiết là một khối “tròn vành rõ chữ”, không nối sang nhau (kiểu như Thank you cuả tiếng Anh). Cho nên trong khi các chữ viết Ấn Âu phải ghi từng âm vị thì chữ QN ghi lại âm tiết (tiếng).
Nhận xét được in đậm đó, tưởng như là rất đúng theo sự hiểu biết của ông Thi cũng như đối với những người Nam và người Trung khác của nước ta. Tuy nhiên, nó không đúng trong các phương pháp ký âm trong việc hình thành chữ Quốc ngữ. Những người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ từ hàng trăm năm trước đã nghe và quan sát rất kỹ cách phát âm của người Việt Nam nói chung và giọng Hanoi nói riêng. Từ đó, họ đã ghi lại chính xác hoàn toàn chính tả mà chúng ta từng được thừa hưởng.
Trong đó, các phụ âm đầu [d]/d/ và âm [gi]/gi/ đã được phát âm với độ dài ngắn khác nhau. Âm [gi] dài và được nhấn mạnh hơn âm [d]. Do đó nếu chú ý và đã nghe quen rồi, người miền Nam và miền Trung sẽ nhận ra âm vực và thời lượng khác nhau khi người Bắc nói những câu sau đây:
Trưa nay, con muốn ăn gì?
Cô ấy là chị em con dì với tôi!
Tương tự, các phụ âm đầu [c], [k], và [q] cũng được phát âm khác nhau. (Chính xác hơn, phải viết là [qu] vì trong tiếng Việt không hề có phụ âm [q] độc lập. Điều này tương tự xảy ra đối với phụ âm [p] không được xem là phụ âm độc lập).
“Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc” (BHTQ) và “Quốc gia – Dân tộc”
Trong hai câu và nhóm chữ trên, thì “cuốc” được phát âm ngắn và nhẹ hơn “Quốc”. Chính vì sự nhấn mạnh của nguyên âm kép trong chữ “Quốc” đã khiến cho chúng ta có tựa của cuốn “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” nổi tiếng từ đầu thế kỷ hai mươi.
Phân biệt các âm [c] và [qu] như trên quả là khó đối với người miền Trung và miền Nam. Nó vẫn chưa khó khi ngày còn bé chúng tôi phải tập phát âm cho rõ các âm cuối [c] và [ch] giữa các chữ “tíc tắc” và “Tích giang” (tên một con sông chảy qua tỉnh Sơn Tây, Bắc Việt. Độ mạnh của hơi đẩy ra hoặc giữ lại nơi đầu lưỡi hoặc thời lượng giữa việc phát âm hai chữ “tíc” và “tích” này cũng đã có sự khác nhau để người nghe không bị nhầm lẫn.
Các âm [c] và [k] thì sao? Chúng ta hãy xem khi đứa trẻ con em người Bắc di cư 1954 hoặc hiện đang ở trong nước phát âm chữ “con”. Đó là một âm /con/ trọn vẹn trong ký âm Quốc ngữ. Trẻ em miền Nam phát âm thành /koong/ vì âm [k] ngắn hơn âm [c] và [oo] dùng để diễn tả nguyên âm dài hơn của [o]. Tuy nhiên, trẻ em người miền Nam và miền Trung đã không hề viết sai chữ [con] này!
Tóm lại, nếu tìm tòi và hiểu rõ được một cách mạch lạc về các phương ký âm hợp lý trong Quốc ngữ, thì lỗi chính tả sẽ được giảm bớt rất nhiều. Hơn nữa, kiến thức về ký âm được nâng cao cũng giúp phần ngăn chặn các đòi hỏi “cải cách tiếng Việt” một cách ngông cuồng và ngu xuẩn!
Hiểu được phương pháp ký âm, chúng ta sẽ trân trọng hơn đối với di sản kho tàng Quốc ngữ mà chúng ta đang được thừa hưởng mà không tự biến mình thành những kẻ vong ân đối với công sức của tiền nhân.
Trên đây, chúng tôi đã trình bày nguyên nhân chính đưa đến các nhầm lẫn về quan niệm chính tả của các học giả đáng kính như Lê Ngọc Trụ, Cao Xuân Hạo,… Nguyên nhân này xảy ra do tiếng nói địa phương của nơi sinh trưởng của các GS Trụ và Hạo (miền Trung và miền Nam) đã là một rào cản cho việc thẩm thấu cần thiết để có thể ghi âm chính xác theo Quốc ngữ.
Điều đáng tiếc hơn nữa là đối với Giáo Sư Nguyễn Đình Hòa, cựu Khoa Trưởng trường Đại Học Văn Khoa Saigon là người sinh ra và lớn lên tại Hanoi. Trong bài phân tích của GS Hòa, ông đã có thái độ buông xuôi với vấn nạn I ngắn và Y dài vì cũng cho rằng mục đích phân biệt chỉ dùng để cho chữ nghĩa thêm đẹp… Điều này có lẽ phần lớn vì GS Hòa đã cho rằng chữ Quốc ngữ chỉ là vay mượn từ người ngoại quốc (Bồ Đào Nha – Pháp) mà không phải do công sức của Ông Cha của chúng ta bỏ công vun bồi?
Giá như ngày còn sống, GS Hòa đã dùng vốn kiến thức cùng kinh nghiệm hiểu biết của mình về ngữ văn và ưu thế giọng nói Hanoi của mình để phân tích và giảng giải như cố gắng nông cạn của chúng tôi đang làm; thì với uy tín sẵn có của GS, chắc chắn tình hình cũng khả quan hơn thật nhiều. Riêng đối với GS Hạo là người đã sinh sống trong nước và có nhiều thời gian ngay tại Hanoi, việc ông không nhận ra những điểm căn bản trong phát âm và ký âm của người Bắc cũng là điều đáng buồn!
Phải chăng, các nhà ngôn ngữ học chỉ biết đến văn chương bác học để “sáng tác” ra những lý thuyết cao xa không tưởng, thiếu thực tế mà bỏ quên mất căn bản cội nguồn của ngôn ngữ, thông qua sự quan sát bằng thực tế được thể hiện hằng ngày trong tiếng nói của đồng bào sống chung quanh mình?
Nay chúng tôi xin trở lại cùng các nguyên tắc chính tả của I và Y trong Quốc ngữ của chúng ta:
1/ Nguyên tắc đầu tiên, như đã viết trong bài trước, đứng liền sau các phụ âm kép luôn luôn là “I” mà không phải là “Y”.
2/ Nguyên tắc thứ hai, sau tất cả các phụ âm b, d, đ, g, n, s, x; chúng ta chỉ được viết “I” mà không viết Y, ngoại trừ một vài biệt lệ cho mẫu tự “n” khi đó là danh từ riêng mà thôi. Các biệt lệ này không hề nói đến chữ phiên âm các từ các ngôn ngữ ngoại quốc khác, ny-lông là một ví dụ!
3/ Sau phụ âm [qu] luôn luôn phải là “Y” mà không bao giờ được là “I”.
Viết [quy, quý, quỳ, quỷ, quỹ, quỵ, quấn quýt, ăn quỵt… ] (1) là đúng.
Viết [qui, quí, quì, quỉ, quĩ, quị, quấn quít, ăn quịt … ] (2) là hoàn toàn sai.
Không ít người sẽ hỏi tại sao chúng ta có nguyên tắc này. Xin thưa:
Hãy so sánh với hai phụ âm gần gũi [c] và [h] của [qu] cũng như các phụ âm Thông thường khác khi chúng ta phát âm các chữ viết sau đây sẽ rõ:
[huy, hùy, hủy, huýt, tuy, tùy, tủy, tuýt… ] (3)
Các phần nguyên âm của các nhóm (1) và (3) phù hợp với nhau. Ngược lại, với cấu trúc của nhóm (2), chúng ta sẽ có:
[hui, húi, hủi, tủi, túi, tùi… ] (4) Nhóm (4) này là băng chứng cho thấy nhóm (2) [qui, quí, quì, quỉ, quĩ, quị, quấn quít, ăn quịt …] bao gồm những từ vựng hoàn toàn vô nghĩa trong cách ký âm Quốc ngữ.
4/ Qua ba nguyên tắc căn bản và giản dị vừa nêu, chúng ta đã giải quyết gần hết các kết hợp trong phương pháp ký âm giữa các phụ âm Việt ngữ cùng hai nguyên âm I và Y. Chỉ còn lại năm phụ âm h, k, l, m, và t là những phụ âm có nhiều lẫn lộn và khó nhớ nếu không tìm ra biện pháp thích hợp để hiểu và nhớ.
Tuy nhiên, chúng tôi xin được trở lại cùng bài viết của ông Đào Tiến Thi khi ông dùng Y trong kết hợp với phụ âm [s]. Việc kết hợp này trong ký âm Quốc ngữ (chính tả) là hoàn toàn sai trái. Chúng tôi nghi ngờ rằng trước khi làm điều này, không biết ông Thi đã bỏ chút thời gian quý báu của mình để tra tự điển Việt Ngữ mà ông đang có?
Chúng tôi tự hỏi khi viết ra những chữ [ngu sy, sy tình, sỷ nhụcsỹ tử, sỹ phu, sỹ diện], ông Thạc Sĩ của nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam đã có được một chút ý thức nào về việc mình đang làm: ông đang tiếp tay phá hoại cho sự rối rắm và tối tăm của hai nguyên âm I và Y trong Việt ngữ ngày nay.
“Chân lý mới” mà ông Thạc Sĩ vừa phát kiến cho rằng các chữ Hán Việt thì được viết bằng Y như [tu my, tự ty … ] hoàn toàn khiến chúng tôi chưng hửng trước lập luận của ông. Lập luận này là lời nhắc nhở đối với câu nói của người xưa “biết thì thưa thốt… ”
Giá như các nhà “ngôn ngữ học” Việt Nam như các ông Dân, ông Dõi, ông Thi bớt đi phần nào sự ngạo mạn của họ và biết đặt lương tâm của người cầm bút lên trên những điều viết ra… các con chữ nguyên âm I và Y đã sớm thoát khỏi phận bèo dạt, mây trôi, lênh đênh không bến đỗ như ngày nay…
Tiếng nước tôi ! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi ! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi
(Tình Ca – Phạm Duy)
Chân Phương
Falls Church, VA.
12/21/12