“Cảm ơn Tú,
Còn một chuyện nhỏ hơn nhưng cũng đã gây bàn tán: Khi nào Tú có thời giờ thì giải thích luôn cho độc giả về bài thơ đó; Xé gan, bẻ CỘT hay là bẻ CẬT. Những người ngâm thơ: có người ngâm là bẻ CẬT để đối với GAN, có người ngâm là bẻ CỘT, để đi với động từ, chữ BẺ… ” (GS Dương Như Nguyện)
Một lần nữa xin được cảm ơn sự ủng hộ và khuyến khích của GS. Dương Như Nguyện, TS. Trần Gia Thái, và LS. Chủ Nhiệm Lưu Nguyễn Đạt. Đó là những người đã động viên, giúp chúng tôi cố gắng tiếp tục phân tích, và giải thích về “Hồ Trường – Nam Phương Ca Khúc” theo ý kiến đơn sơ và phiến diện của mình:
A. Văn bản: Nguyên tác Hán văn, Phiên âm, lời dịch nghĩa, và lời ca của Nam Phương Ca Khúc – Hồ Trường.
Để tiện cho việc phân tích và giải thích về bài thơ/lời ca “Hồ Trường – Nam Phương Ca Khúc”, chúng tôi sắp xếp các câu của lời thơ/ca được đánh số thứ tự từ câu số 1 cho đến câu số 11 của mỗi bài: nguyên tác Hán văn, bản phiên âm Hán-Việt, bản dịch nghĩa (do Chân Phương dịch và giải thích), và bản lời ca của cụ Nguyễn Bá Trác được đăng trong Nam Phong Tạp Chí, dưới tiêu đề “Hạn Mạn Du Ký – HMDK” số 41, trang 400-401.
丈夫生不能披肝折檻,爲世扶綱常。
逍遙四海,胡爲乎此鄉。
囘頭南望邈無極兮,天雲一色徒蒼蒼。
立功不成,學不就,少壯有幾辰兮,坐視百年身世驅陰陽。
撫掌狂歌問斯世,茫茫天地,安得知一知已兮,試來對酌佑予觴。
予觴擲向東溟水,東溟之水萬隊起狂瀾。
予觴擲向西山雨,西山之雨一陣何汪洋。
予觴擲向北風去,北風揚沙走石飛殊方。
予觴擲向南天霧,霧中有人開口一飲蘧然醉。
天地宇宙渾相忘,予不醉矣,予行予志。
南兒自古事桑蓬,何必窮愁泣枌梓。
Cũng để tiện cho việc giải thích, phân tích, và đối chiếu giữa các bản nguyên tác Hán văn, bản phiên âm, dịch nghĩa, và lời ca; chúng tôi sẽ đánh số mỗi câu của các bản thơ-ca nói trên và sắp xếp chúng sóng bước cùng nhau theo thứ tự vừa được nêu ra, như sau:
南方歌曲
Nam Phương Ca Khúc
Khúc Ca Phương Nam
Khúc ca không tên được ghi lại trong HMDK, mà nhân gian thường gán cho chữ “Hồ Trường”
1. 丈夫生不能披肝折檻,為世扶綱常。
Trượng phu sinh bất năng phi can chiết hạm, vị thế phù cương thường.
Kẻ trượng phu sinh ra mà không làm được việc “xé gan bẻ cột” để giúp đời .
Trượng-phu không hay sé gan bẻ cột phù cương-thường ;
2. 逍遙四海,胡為乎此鄉。
Tiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử hương.
Rong chơi cùng bốn biển, hoang đàng khắp chốn tha hương.
Hà-tất tiêu-dao bốn bể, luân-lạc tha-hương.
3. 回頭南望邈無極兮,天雲一色徒蒼蒼。
Hồi đầu nam vọng mạc vô cực hề, thiên vân nhất sắc đồ thương thương
Dõi về phương Nam từ nơi xa thẳm, mây trời xám ngắt một màu.
Trời Nam nghìn dặm thẳm ; mây nước một mầu sương.
4. 立功不成,學不就,少壯有幾辰兮,坐視百年身世驅陰陽。
Lập công bất thành, học bất tựu, thiếu tráng hữu cơ thần hề, toạ thị bách niên thân thế khu âm dương
Công chẳng thành, danh không toại, tuổi tráng niên ai cũng chỉ có lúc, ngẫm nhìn cảnh đời trăm năm chạy theo cuộc thịnh suy.
Học không thành, công chẳng lập, trai-trẻ bao lâu mà đầu bạc ; trăm năm thân-thể bóng tà-dương.
5. 撫掌狂歌問斯世,茫茫天地,安得知一知己兮,試來對酌佑予觴
Phủ chưởng cuồng ca vấn tư thế, mang mang thiên địa, an đắc tri nhất tri kỷ hề, thí lai đối chước hữu dư thương.
Vỗ tay hát nhảm hỏi cuộc đời này, trời đất mênh mông, làm sao có được bạn tri kỷ? Hãy đến giúp ta cạn ấm rượu đầy!
Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang-mang, ai là tri-kỷ lại đây cùng ta một hồ-trường.
5b/(Hồ-trường ! Hồ-trường ! Ta biết rót về đâu ?)
6. 予觴擲向東溟水,東溟之水萬隊起狂瀾。
Dư thương trịch hướng đông minh thủy, đông minh chi thủy vạn đội khởi cuồng lan.
Ta rót (rượu) sang nước biển phương Đông, nước biển Đông tuyệt đối sẽ dậy sóng cuồng.
Rót về đông – phương, nước bể Đông chẩy xiết, sinh cuồng-lạn ;
7. 予觴擲向西山雨,西山之雨一陣何汪洋。
Dư thương trịch hướng Tây sơn vũ, Tây sơn chi vũ nhất trận hà uông dương
Rót (lên) cơn mưa miền Tây sơn, Tây sơn một phen thành (tất chìm trong) biển cả.
Rót về tây-phương, mưa Tây-sơn từng trận chứa-chan ;
8. 予觴擲向北風去,北風揚沙走石飛殊方。
Dư thương trịch hướng bắc phong khứ, bắc phong dương sa tẩu thạch phi thù phương
Rót sang đầu cơn gió Bấc, gió Bấc tung cát ném đá bay đi muôn phương.
Rót về bắc-phương, ngọn bắc-phong vi-vụt, đá chạy cát dương ;
9. 予觴擲向南天霧,霧中有人開口一飲蘧然醉。
Dư thương trịch hướng nam thiên vụ, vụ trung hữu nhân khai khẩu nhất ẩm cừ nhiên túy
Rót về cõi mịt mù của phương Nam, trong sương mờ có kẻ độc ẩm nói cười cuồng điên.
Rót về nam-phương, trời nam mù-mịt, có người quá chén như điên như cuồng.
10. 天地宇宙渾相忘,予不醉矣,予行予志。
Thiên địa vũ trụ hồn tương vong, dư bất túy hĩ, dư hành dư chí
Đất trời vũ trụ hỗn tạp nào xá chi, ta thật không say, việc ta làm ta ghi nhớ (chứ!)
Nào ai tỉnh, nào ai hay, chí ta ta biết lòng ta hay ;
11. 南兒自古事桑蓬,何必窮愁泣枌梓。
Nam nhi tự cổ sự tang bồng, hà tất cùng sầu khấp phần tử
Chí làm trai ở việc kiếm cung, cớ sao mãi buồn khóc cho nước non?
Nam-nhi sự-nghiệp ở hồ-thỉ, hà-tất cùng-sầu đối cỏ cây.
Lời dịch của bài ca Nam Phương Ca Khúc được ghi lại chính xác như ấn bản Nam Phong Tạp Chí, kể cả lỗi chính tả so với ngày nay, các dấu gạch nối được dùng trong từ ngữ ghép (kép), và những khoảng cách (spaces) giữa các mẫu tự cuối và các dấu chấm câu (;), hoặc (?)…
B. Giải nghĩa điển tích, thành ngữ, và ngữ vựng Hán-Việt:
Mười một câu từ nguyên tác Hán văn đã được chuyển thành lời ca Quốc ngữ. Dịch giả của bài thơ-ca đó, cụ Nguyễn Bá Trác đã rộng rãi tặng cho hậu thế thêm câu hỏa hồng (bonus) “Hồ trường! Hồ Trường! Ta biết rót về đâu?”, khi đăng trong Nam Phong Tạp Chí (NPTC) vào năm 1920. Cụ đã chẳng ngờ rằng câu ca hỏa hồng làm nên sự hao tốn nhiều giấy mực của các thế hệ con cháu sau này!…
Vì lẽ đó và được sự gợi ý của GS Dương Như Nguyện, TS Trần Gia Thái; chúng tôi mạo muội viết tiếp bài này nhằm giải thích, phân tích về bài ca có từ lời thơ Hán văn được mang tên “Nam Phương Ca Khúc”. Rất mong rằng đó là cố gắng làm sáng tỏ được đôi điều ngộ nhận mà chính bản thân mình cũng đã từng thắc mắc từ những năm đầu tiên khi đặt chân vào bậc trung học đệ nhất cấp tại Saigon, 1972-1975…
Vắn tắt, xuất thân là một nhà Nho đậu cử nhân năm 1906 chỉ vì đi “thi thuê” kiếm tiền ủng hộ phong trào Đông Du, cụ NBT là chủ bút ấn bản Hán Văn của NPTC vào thời gian đầu thế kỷ hai mươi vừa qua, khi Quốc ngữ còn phôi thai trong sinh hoạt văn chương của nước nhà. Vì thế, ngữ vựng Việt ngữ của cụ dùng trong bản dịch Việt ngữ của HMDK vẫn còn mang nặng màu sắc của các từ ngữ Hán-Việt và các điển xưa tích cũ. Do đó để có thể hiểu nội dung chi tiết của bài thơ-ca đang đề cập; chúng tôi thấy việc giải thích về các ngữ vựng, thành ngữ, và các điển tích là chìa khóa duy nhất không thể bỏ qua được.
Tuy vậy, chúng tôi sẽ giới hạn việc đào sâu trong những Hán tự, hoặc Hán-Việt khó hiểu và dễ gây ngộ nhận hoặc đã bị ngộ nhận bởi một số tài liệu khác hiện đang lưu hành bằng sách báo cũng như trên liên mạng toàn cầu. Chúng tôi sẽ không giải thích hết toàn bộ nguyên tác Hán văn vì đã có lời bài dịch trong phần A, dẫn thượng.
1. Nhiều tác giả cho rằng , “phi can” được xem như một điển tích gắn liền việc “xé/moi gan” của lão thừa tướng Tỷ Can đời Trụ vương bên Trung hoa. Nhớ ngày còn thơ say mê đọc Phong Thần. Chúng ta nào giờ chỉ biết Tỷ Can bị hãm hại đến nước phải moi TIM (thất khiếu). Có tuồng tích nào nói chuyện Tỷ Can xé/moi GAN? Lớn lên tìm hiểu thêm, chúng tôi đã lục tung liên mạng toàn cầu cũng như các ấn bản bằng sách báo. Nhưng hoàn toàn không tìm được việc “Tỷ Can xé/moi gan” như đã dẫn. Quý cao nhân nào tìm giúp được điển tích “Tỷ Can xé/moi gan” một cách khả tín, chúng tôi xin được học hỏi!
Chúng tôi tự hỏi, phải chăng “Phi Can- 披肝” và “Tỷ Can-比干” có âm na ná, nên đã bị nhầm lẫn; cho dù mặt chữ và nghĩa của hai chữ can đó “肝 và 干” hoàn toàn khác nhau do có thêm bớt bởi sự hiện diện của chữ nguyệt?
“Phi can – 披肝”, thật ra không phải là điển tích mà chỉ là thành ngữ “Phi can lịch đảm – 披肝瀝膽” đã được tác giả rút ngắn lại. Nghĩa đen của nó là “vạch gan rưới mật”. Thành ngữ này có ít nhất ba nghĩa bóng khác nhau, như sau:
a) Lời nói bộc lộ sự vô tư, ngây thơ, không biết đề phòng đắn đo lợi hại.
b) Sự tiết lộ mang tính cách riêng tư mà người nghe được tin cậy hoàn toàn, “moi hết ruột gan ra mà nói!” hoặc “thổ lộ tim gan – tâm can”
c) Lời nói có khi khó nghe vì thẳng thắn nhưng cương quyết để tỏ lòng lòng trung thành với một lý tưởng, với bậc chủ tể, hay quân vương!
Nghĩa 1c/ vừa được giải thích bên trên này, chính là ý nghĩa được dùng trong nguyên bản Hán văn của “Nam Phương Ca Khúc – Hồ Trường” để cùng sóng đôi, đi với chữ “Chiết hạm – 折檻” một cách biền ngẫu, như trong nguyên tác cũng như trong các lời dịch.
2. (Chiết hạm – 折檻) từ “Chu Vân chiết hạm – 朱雲折檻” là thành ngữ Hán văn xuất phát từ điển tích trong sách Hán Thư.
Lời dịch của cụ NBT, cụ Lãng Nhân, nhiều tác giả/dịch giả khác, và người viết (Chân Phương) đã để cho bài ca gọi “chiết hạm” là “bẻ cột”. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin được giải thích sâu và rõ hơn nữa về lý do đã gọi là “bẻ cột” này.
Tất nhiên trước khi giải thích, chúng tôi đã loại chữ “bẻ cật” của các dị bản khác ra ngoài việc phân tích. Vì rõ ràng, đặt chữ “bẻ cật” vào trong câu là vô nghĩa. Nó hoàn toàn không phù hợp hoặc tương xứng với nguyên tác Hán văn cũng như lời dịch của cụ NBT trong NPTC.
Về điển tích “Chu Vân Chiết Hạm” thời Hán Thành Đế, cụ Lãng Nhân cho chúng ta biết, Chu Vân chức ngang với thừa tướng (tam công) vì lòng trung xin vua giết kẻ gian thần mà phút chốc bị vua nghi ngờ gán cho tội chết. Uất ức bởi nỗi oan khiên chẳng được tỏ, Chu Vân bấu chặt lấy song gỗ bắt nằm ngang dùng làm chấn song (lan can) ngăn cách giữa quần thần phía dưới và bệ rồng có vua ngự ở thềm cao. Lão thừa tướng trung thành đã không buông tay khi quân sĩ lôi kéo và xốc vai ông để đem đi hành hình. Đôi bên ghì-kéo khiến cho thanh chắn lan can bị bẻ gãy. Trong lúc lộn xộn, Chu Vân được cứu đi và thoát chết! Nhờ đó nhà vua đã tỉnh ngộ vì hiểu được lời bảo tấu trung kiên của thừa tướng Chu Vân. Sau đó Thành Đế đã ra lịnh không sửa chiếc lan can bị gãy để ghi nhớ lời khuyên này. Đời sau gọi tích đó là “Chu Vân Chiết Hạm”.
Điều chúng tôi muốn làm rõ nơi này là chiếc “cột” được đề cập đến thường bị ngộ nhận như cột dùng để chống đỡ mái nhà hoặc mái triều đường. Điều đó không đúng. “Hạm-檻” thật ra là một thanh đòn bằng cây/gỗ ngang không lớn lắm. Nó được dùng làm lan can, bao lơn, hoặc bậc/đố cửa nằm ngang chứ không phải là cột gỗ chống theo chiều đứng (thường được hiểu là cột chính lớn được dựng đứng để chống đỡ mái nhà, mái điện).
Vì thế, “phi can chiết hạm” bao gồm hai thành ngữ mang đầy nghĩa bóng nói lên hành động của người trượng phu có tâm trung thành, cương trực, và ngay thẳng. Các cụ ta xưa kia ít nhiều mang ảnh hưởng Hán học, khi dịch thuật có cường điệu lên một chút trong câu chữ của mình với mục đích nhấn mạnh thành “xé gan, bẻ cột” cũng là cách dịch thoát rất bình thường để gói ghém được ý của mình trong câu ca.
Hiểu được ngữ vựng, thành ngữ, và các điển tích… được dùng trong thơ văn của tiền nhân để lại, sẽ giúp cho chúng ta hiểu được suy nghĩ và tư tưởng của người xưa một cách thấu đáo hơn. Nó cũng giúp làm sống lại những áng văn thơ có giá trị trong di sản văn chương của nước nhà. Nhờ đó, chúng sẽ thoát khỏi cảnh mai một vì không được đánh giá, giải thích, và hiểu đúng như dụng ý của các tác giả!
3. (Hồ vi – 胡為) : Hoang đàng, phá phách
Trong câu 2/ của lời ca, cụ NBT đã thêm ý bằng chữ “hà tất – cớ sao?” vào đầu câu. Đồng thời động từ kép “hồ vị, vi – phá phách” cũng bị lược bớt theo sự cố ý của dịch giả này.
4. (Thương thương – 蒼蒼) : (tĩnh từ), tuy “thương” có nghĩa là “xanh” nhưng “thương thương” lại có nghĩa là “trắng xóa”, “bạc trắng” hoặc “xám ngắt”,… tùy theo danh từ mà nó bổ nghĩa; như “mái tóc bạc trắng”, “mây ngàn xám ngắt,… ”. Các dịch giả kinh nghiệm đã không hề bỏ sót các điểm này.
Đó là lý do lời ca (dịch) của cụ NBT lại gọi là “mây nước một mầu sương”. Màu sương là màu trắng hoặc xám chứ không phải màu xanh, như có thể dễ bị nhầm lẫn!
5. (An đắc – 安得) : Làm sao để có
6. (Tri kỷ – 知己) : Người bạn thân đến độ hiểu ta hoàn toàn.
Trong nguyên tác Hán văn của NPTC, chữ đó được viết là (tri dĩ – 知已) chứ không phải là “tri kỷ”; dù chữ “tri kỷ” này có vẻ như phù hợp hơn với lời dịch bằng Quốc ngữ của cụ NBT.
7. (Tri dĩ – 知已) : Cái “biết” rằng, khi nào là đã đủ rồi.
Chúng tôi có lý do để ngờ rằng, “tri dĩ – 知已” đã không hề là một lỗi đánh máy vô tình trong nguyên tác Hán văn. Bởi vì, “tri nhất tri dĩ – 知一知已” rất dễ đưa những độc giả thông hiểu Hán văn liên tưởng đến thuyết “tri hành hợp nhất – 知行合一” của Vương Thủ Nhân. Nhất là, khi nó hiện diện trong một câu tán thán, được dùng để nói lên tâm sự kín đáo của tác giả bài thơ.
“An đắc tri nhất tri dĩ hề” có thể nào mang ý nghĩa của, “An đắc tri hành hợp nhất, tri dĩ hề!” (Sao cho được học đi đôi với hành, sao cho biết được thế nào là hợp thời đúng lúc.)”?
Nếu quả thật cụ NBT là tác giả của nguyên tác Hán văn, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng được việc thổ lộ chí hướng và tâm sự một cách kín đáo này của cụ trong thời gian bước ra cộng tác với chính quyền nhà Nguyễn, thực dân Pháp, và làm báo Nam Phong. Trong niềm tin của mình và những cộng sự đồng chí hướng năm xưa, các cụ cho rằng công việc canh tân văn hóa nước nhà trong giai đoạn đó là rất cần thiết. Kín đáo vì cụ đã làm điều đó trong nguyên tác Hán văn. Nhưng lại không dịch đúng ra như thế trong ấn bản bằng tiếng Quốc ngữ.
Có thể nói, “phi can chiết hạm” và “tri nhất tri dĩ” là toàn bộ tâm sự và chí hướng không chỉ riêng của cụ NBT, mà còn là tâm sự và chí hướng của toàn bộ Nam Phong Tạp Chí trong công cuộc mở mang chữ Quốc ngữ, dân trí, và văn hóa nước nhà thuộc giai đoạn bao gồm các thập niên đầu tiên của thế kỷ trước!
8. (Đông minh – 溟水) : Biển Đông
9. (Cuồng lan – 狂瀾) : Con sóng dữ.
<nghĩa bóng> Thời thế, xã hội suy đồi
10. (Nhất trận – 一陣): Một phen, một cơn…
11. (Uông dương – 汪洋): Biển cả
12. (Vụ – 霧): Sương mù.
13. (Khai khẩu – 開口): Nói năng điên cuồng, không kiểm soát được…
14. (Cừ nhiên – 蘧然): Bàng hoàng, kinh hãi, kinh sợ…
Hai chữ “khai khẩu” và “cừ nhiên” góp mặt trong câu số 9/ của nguyên tác NPCK. Đã có một bản dịch nghĩa là “trong mây mù có người há miệng điềm nhiên say tràn”.
Thiết nghĩ, lời dịch nghĩa như thế không được chính xác cho mấy. Vì, “khai khẩu” hoàn toàn không có nghĩa là “há miệng” một cách thụ động và đơn giản như thế: Khai khẩu có nghĩa đen là nói không ngừng nghỉ. Nghĩa bóng của nó là nói những điều ngông cuồng, điên loạn. Và, “cừ nhiên” mang nghĩa “hốt hoảng, bàng hoàng, kinh hãi… ”, chứ không hề là điềm nhiên như lời dịch đã dẫn!
Chính vì thế mà câu ca của cụ NBT trong HMDK dù được dịch rất thoát, nó vẫn mang đủ ý và uyển chuyển mượt mà: “có người quá chén như điên như cuồng”.
15. (Tang bồng – 桑蓬 ) từ thành ngữ “tang hồ bồng thỉ – 桑弧蓬矢” : cung bằng gỗ dâu tằm, mũi tên bằng loại cỏ bồng. Thành ngữ này được kể là nói lên chí vùng vẫy của nam nhi. Không biết hình ảnh (nghĩa bóng) của cánh cung làm bằng gỗ dâu ra sao? Tuy nhiên, ngọn cỏ bồng được biết là loài cỏ dại có hạt mỏng manh rất dễ được phát tán đi muôn phương theo mỗi cơn gió cuốn.
Vì thế, thành ngữ “tang hồ bồng thỉ” có lẽ chỉ là nghĩa bóng được dùng một cách tượng hình. Nó nói lên cái chí làm trai theo quan niệm xưa kia là được vùng vẫy nhằm thi thố TÀI TRÍ, Ý TƯỞNG, và SÁCH LƯỢC,… để rải khắp muôn phương ngõ hầu phục vụ nhân quần. Nó không chỉ bó hẹp trong ý nghĩa chật chội của võ nghiệp qua chữ kiếm cung như có thể bị hiểu lầm là vậy!
16. (Cùng sầu – 窮愁 ): Buồn khổ
17. (Phần tử – 枌梓) từ thành ngữ “枌梓桑梓 – phần du tang tử” : Quê hương, bản quán.
C. NAM PHƯƠNG CA KHÚC – HỒ TRƯỜNG và TÁC GIẢ
1. Hạn Mạn Du Ký trong Nam Phong Tạp Chí dưới ngòi bút của cụ NBT đã giới thiệu cho chúng ta đã biết bài ca Nam Phương Ca Khúc. Đầu tiên bằng Hán văn. Sau đó bằng Việt (Quốc) ngữ. Chữ “Hồ Trường” xuất hiện trong ấn bản Quốc ngữ đã được nhiều người trong lúc trà dư tửu hậu gọi thành tên của bài ca. Rồi được ngâm lên như… thơ: “Hồ trường! Hồ Trường! Ta biết rót vào đâu?”
Trong bài phân tích sơ lậu của ít ngày vừa qua, chúng tôi đã giải thích về chữ Hồ Trường này. Xem ra, chẳng có gì “bí ẩn” như chúng ta đã từng hiểu về nó:
Hồ Trường -壺長- chữ được cụ NBT đổi ở cuối câu số 5/ và thêm vào ngay sau đó, trở thành câu phụ 5b/; là chiếc ấm có vòi dài, bình thường dùng để đựng và rót trà hoặc rượu.
2. Cho đến nay, nhiều người vẫn tin rằng “Nam Phương Ca Khúc – Hồ Trường” là một bài thơ khuyết danh do một người Trung hoa nào đó sáng tác.
Tuy nhiên, xét về mặt tư tưởng và ý nghĩa, khi còn bé được đọc qua Hồ Trường lần thứ nhất chúng tôi đã cảm nhận được ý tứ và hình ảnh gần như trọn vẹn của “chí làm trai” do Uy Viễn Tướng Quân viết ra gần trăm năm trước đó (tính từ 1920 ngược về 1830’s!):
Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc.
Nợ tang bồng vay trả, trả vay.
Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây,
Cho phỉ sức vẩy vùng trong bốn bể.
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
Đã chắc rằng ai nhục ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ.
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong.
Chí những toan xẻ núi lấp sông,
Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ.
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng, vỗ tay reo
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.
Kìa nọ, cũng bầu rượu, vỗ tay, reo cười, vùng vẫy (nay thành rót rượu) bốn phương Đông-Tây-Nam-Bắc… Cũng tang bồng, bốn bể, sóng cuồng, gió cả, mưa tuôn… Và, cả “cuồng lan – 狂瀾” từ “Kẻ Sĩ”. Cả hai bài này, Kẻ Sĩ và Chí Làm Trai, đều được cụ Nguyễn Công Trứ trước tác bằng chữ Nôm.
Người Trung hoa đọc được chữ Nôm để bắt chước theo ý tứ của cụ qua bài “Chí Làm Trai” rồi viết thành Hán văn “Nam Phương Ca Khúc”; chẳng phải là điều hiếm thấy hay sao?
Nó lại còn khó tin hơn nữa nếu chúng ta cho rằng một người Trung hoa nào đó đọc được tư tưởng của Uy Viễn Tướng Quân từ đầu thế kỷ mười chín rồi sáng tác thành bài thơ-ca “Nam Phương Ca Khúc”; Để rồi gần trăm năm sau, đầu thế kỷ hai mươi, có người Việt khác là cụ Nguyễn Bá Trác lại học được bài thơ ấy bằng Hán văn và dịch thơ để thuật lại trong truyện du ký và đem đi đăng báo.
Ngày nay, người Tàu tại Hoa lục cũng như khắp thế giới không biết gì về bài thơ Hán văn đó. Chúng tôi lục tìm trên liên mạng toàn cầu, nhưng hoàn toàn không thấy tăm hơi của bài thơ được nói đến trong cộng đồng những người dùng Hán văn (người Tàu). Các links nhận được trong khi lục lọi, chỉ toàn các websites của người VN!
Điều này cũng tương tự như chữ “phi can – xé gan” được gắn liền như điển tích “Tỷ Can moi gan” trong văn thi đàn nước Nam. Tuyệt nhiên “điển tích” này đã không hề nghe nói hoặc tồn tại trong văn hóa nơi quê hương của thừa tướng Tỷ Can trong suốt hai mươi thế kỷ vừa qua!…
Giả thuyết cho rằng nguyên tác Hán văn của Nam Phương Ca Khúc là một bài thơ có tác giả khuyết danh là người Trung hoa xem ra nhiều phần không đứng vững!
3. Bốn thập niên trước – năm 1973 tại Saigon, chúng tôi từng đọc được câu “Trượng phu sinh bất năng phi can chiết hạm, vị thế phù cương thường.” [Dường như nằm trong tập san Phổ Thông của Nguyễn Vỹ (xuất bản từ những năm 56-57 gì đó… ) giữa một bài thơ mang tựa là “Tiễn bạn lên đường”, được xem là của Cao Chu Thần].
Đến nay lục lọi trên internet để đối chiếu với trí nhớ kém cỏi của mình, chúng tôi tìm ra được cái này:
“Bả bút tặng quân thỉnh quân biệt
ức ngã nhân chi hoàn hữu thuyết
thử bang cổ vị phú danh nhân
Tiều Ẩn Ức Trai đĩnh song tuyệt
Trượng phu sinh bất năng phi can
chiết hạm vị thế phù cương thường
Tọa thị đương đạo kiêu sài lang
Bạch đầu trú cẩm ô cố hương
Tiễn bạn có đôi giòng thay rượu
Ấy tiện đây tôi nhắn điều này:
Danh nhân Thường Tín có đầy
Chu An, Nguyễn Trãi bậc thầy thế gian
Chí làm trai ở trong trời đất
Không xé gan bẻ cột giúp đời
Khoanh tay nhìn quỷ giết người
Mai về mũ áo bẩn đường quê hương”
(Chu Thần – Cao Bá Quát)
http://tuongvuanhthy.blogspot.
Một bài thơ-ca dù được viết bằng Hán văn mà mượn lời của Cao Chu Thần Bá Quát ngay từ câu đầu và mượn hình ảnh cùng với ý tứ của Uy Viễn Tướng Quân ta trong toàn bài, nay lại bị xem là của tác giả khuyết danh người Trung hoa, chẳng phải là chuyện diễu cợt lắm hay sao?
4. Vâng, trong khi tìm hiểu ý nghĩa mỗi ngữ vựng, thành ngữ, điển tích có trong “Nam Phương Ca Khúc – Hồ Trường” cũng như khảo sát việc mượn lời mượn ý từ các tác giả tiền bối là Chu Thần và Uy Viễn, chúng tôi tin rằng bài ca nguyên tác Hán văn chính là trước tác của cụ Nguyễn Bá Trác. Chúng tôi tin rằng đó là trước tác của cụ vì nó phù hợp với hoàn cảnh, tâm tình, và chí hướng của chính cụ trong hồi ký Hạn Mạn Du Ký hơn ngay cả đối với nhân vật “Nguyên quân”, người bạn đồng chí đã cất lên lời ca trong truyện du ký kỳ thú.
Trước khi phân tích xa hơn về các ẩn ý mà cụ Nguyễn Bá Trác đã gửi gắm một cách kín đáo trong bài ca bằng Hán văn của mình; chúng tôi xin được bàn về bốn câu số 6, 7, 8, và số 9 trong nguyên tác Hán văn cũng như trong bản dịch của cụ NBT.
Rõ ràng về mặt địa lý thiên nhiên và thời tiết, khi đọc nội dung của bốn câu số 6, 7, 8, và số 9 nói trên ngay từ bản Hán văn theo các hướng Đông-Tây-Nam-Bắc; chúng ta đã không cảm thấy điều gì rất quen thuộc với một người sinh trưởng từ đồng bằng Nam-Ngãi-Định như cụ Trác hay sao? Hay ít ra, địa lý thiên nhiên và thời tiết đó trong lời ca cũng đã quen thuộc lắm lắm với bao triệu con dân của nước Nam chúng ta, ngay từ thuở lọt lòng:
Từ nơi chôn nhau cắt rốn của mình, cụ NBT đã thấy gì khi nhìn sang bốn hướng Đông-Tây-Nam-Bắc?
Chẳng là biển Đông dậy sóng cuồng tiếp nối từ khơi xa Thái Bình?
Chẳng là mưa tràn trên dãy Tây (Trường) Sơn trong khí hậu miền nhiệt đới?
Chẳng là cát chạy đá bay nơi bình và thảo nguyên phương Bắc?
(Phương Bắc ở đây chắc chắn đã được hiểu xa hơn nữa là sang đến tận Lưỡng Quảng xa xôi hay mãi ở miền lưu vực sông Dương Tử của đất nước Trung hoa.)
Chẳng là trời sương mịt mù phương Nam có kẻ độc ẩm cuồng say mà tác giả cũng như Nguyên quân hình dung ra được khi dõi mắt u hoài nhìn về cố hương?
(Nam phương ở đây, rất nhiều phần vừa là tác giả đã dùng lời nhân vật “Nguyên quân” trong truyện ký –đã/đang sống và hát lời ca tại Thượng Hải, năm 1910/1912- để nói lên lòng thương nhớ quê hương bản quán của chính mình -NBT- mà thôi!)
5. Lại nữa, cũng từ bốn câu số 6, 7, 8, và số 9 vừa kể; hãy xét đến nội dung chuyện kể trong HMDK của cụ NBT khi đó trong khoảng 1912, tại Thượng Hải:
Những Đông-Tây-Nam-Bắc về chính sự đã chẳng phải là các xứ người mà cụ NBT đã từng bôn tẩu, tha hương từ năm 1908? Đó chẳng là Xiêm (Thái-lan) ở phương Tây? Chẳng là Nhật nơi phương Đông? Chẳng là đất Tàu nơi phương Bắc mà cụ đã bôn ba đặt chân đến, sau khi buộc lòng phải rời Nhật?
Nhớ lại chính sự của vùng Đông Á ngay trong đầu thế kỷ hai mươi mà xem:
a) Các phong trào Duy Tân, Quang Phục, và Đông Du trong hàng ngũ sĩ phu kháng Pháp của nước ta đã nổi lên rầm rộ rồi mau chóng chựng lại vì sự bất hợp tác của nước Nhật, giữa những năm 1906-1911 chẳng là những cơn “cuồng lan” mà cụ NBT nói về “phương Đông” trong bài thơ-ca của mình? Nghĩa đen trong Hán văn, “cuồng-lan” là con sóng cả, sóng lớn. Nhưng nghĩa bóng của nó lại là sự suy thoái, suy đồi, sự thoái hóa của một phong trào văn hóa, chính trị, hay xã hội … Nhà Nho thâm trầm như NBT khó có thể bỏ qua được ý nghĩa này của nó khi vận dụng trong thơ-ca của mình!
b) Trong những năm bôn ba nơi xứ người và trong những nơi đã từng để lại vết chân của mình, chẳng phải cụ NBT đã mô tả phương Bắc bằng những biến động mạnh mẽ nhất hay sao? Chính sự cuối triều Mãn Thanh là thế: sau các phong trào nổi loạn khắp trung nguyên, Hoa lục; là nạn “bát quốc liên minh” và “chiến tranh nha phiến”… Rồi cuối cùng là cách mạng Tân Hợi 1911… đi đến lãnh chúa cát cứ vô chính phủ… Như đã nói bên trên, bài ca có phần mượn ý về bốn phương vẫy vùng Đông-Tây-Nam-Bắc của cụ Nguyễn Công Trứ. Tuy nhiên tâm trạng người tráng sĩ xuất bôn của ngày ấy, đã chẳng thể nào mà tránh được việc tán than cho thời thế không chiều lòng người có tâm vị dân vị quốc…
c) Bởi vì, nhìn về phương Nam nơi cố thổ, chẳng là hình ảnh của tráng sĩ đang phải tiêu sầu, khắc khoải, và vùi mình trong hơi men để tìm quên sự tình bất đắc, đối với “chí nam nhi”?
6. Có những khoảng cách vừa đủ giữa nguyên tác Hán văn và bản dịch lời ca trong NPTC của cụ NBT. Những khoảng cách đó, ngoài việc nắn nót cho vừa tròn âm Việt ngữ trong lời ca “Hồ Trường”; dường như chúng là nơi mà tác giả, cụ NBT, đã dùng để chất chứa những nỗi niềm của mình, của nhóm NPTC với công cuộc canh tân văn hóa và xã hội trong quãng đầu thế kỷ hai mươi vừa qua. Nơi ấy, đáng chú ý không phải chỉ có các thành ngữ và điển tích “phi can chiết hạm”, “tri nhất tri dĩ”,… nói lên sự kiên định và nỗi lòng tha thiết với tiền đồ phát triển văn hóa của dân tộc trong gan ruột của những bậc tài trí đi trước, nhìn xa hơn thiên hạ… Chúng còn thể hiện nỗi ngậm ngùi chấp nhận (hoặc đúng hơn là bất chấp) cái nhìn, búa rìu của sự phán xét đầy bất công (và đôi khi còn là vô ơn) bên ngoài của dư luận, của thế nhân… thường là những kẻ mang trong người nhận thức còn kém hơn mình rất nhiều!
7. Có thể nói, qua lời ca “Nam Phương Ca Khúc” đến từ cửa miệng của Nguyên quân trong Mạn Đàm Du Ký, tâm tình người chủ bút về ấn bản Hán văn nói riêng và của Nam Phong Tạp Chí nói chung; đã được cụ NBT thổ lộ tuy có phần kín đáo theo phong cách của một nhà Nho, nhưng lại vô cùng rõ ràng khiến cho những người đáng được gọi là “tri kỷ” của các cụ có thể hiểu được!
Có là tri kỷ mới hiểu ra được tâm nguyện nhau, của người xưa đã đem gửi gắm vào hai câu cuối cùng mà dịch giả (NBT) vừa là tác giả đã cố tình dịch sai lệch đi ít nhiều; Để cho tâm sự của người trí nhân không trở thành lộ liễu một cách tầm thường:
“Thiên địa vũ trụ hồn tương vong, dư bất túy hĩ, dư hành dư chí
Nam nhi tự cổ sự tang bồng, hà tất cùng sầu khấp phần tử
Đất trời vũ trụ hỗn tạp nào có xá chi! Ta thật không say, việc ta làm ta ghi nhớ (chứ!)
Chí làm trai ở việc kiếm cung, cớ sao phải buồn khóc mãi cho phận nước non?”
THAY LỜI KẾT
Cuối cùng, một thắc mắc về kỹ thuật đến với chúng tôi từ nhiều năm trước kia: [Cụ NBT có “đạo văn” của Cao Chu Thần (vì đã “mượn” nguyên một câu Hán văn mà không hề chú thích rằng đã trích dẫn từ nơi nào theo kiểu “tử viết này, nọ…”) hay không?]
Về mặt kỹ thuật trong mạch văn du ký của mình, cụ NBT đã gặp phải những yếu tố bất khả kháng. Chẳng hạn như không thể tiết lộ tên người thật mà phải ghi là Trần mỗ, Lưu mỗ, Nguyên quân,…
Bài thơ, lời ca Nam Phương Ca Khúc do chính mình làm ra, chỉ mượn ý của Uy Viễn Tướng Quân và câu đầu tiên của Cao Chu Thần; thì bản thân cụ NBT cũng đã kín đáo không nhận là của mình để mạch truyện được tự nhiên. Thế thì cớ gì cụ lại phải ghi rõ rằng câu đầu tiên là “mượn từ Chu Thần” để “lạy ông tôi ở bụi này!” để hỏng mất cả thiên du ký có giá trị?
Chúng ta khó có thể hiểu được lòng thành, chí hướng, tâm tình của người xưa nếu không thật sự hiểu được nội dung, ý nghĩa của các trước tác do tiền nhân để lại.
Giải thích về ngữ vựng, thành ngữ, và điển tích cũng như phân tích ý nghĩa, lai lịch xuất xứ, và tác giả của “Nam Phương Ca Khúc – Hồ Trường”; chúng tôi mong ước góp phần nhỏ nhoi trong việc xóa tan những thiên kiến xã hội và lịch sử đã từng bao trùm một cách bất công (và vô ơn) đối với Nam Phong Tạp Chí cũng như các lãnh đạo văn hóa có công và giàu lòng yêu nước trong các giai đoạn ngặt nghèo nhất của dân tộc ta, từ đầu thế kỷ hai mươi vừa qua!
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi!
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi, tiếng ru muôn đời!
Tiếng nước tôi bốn ngàn năm ròng rã buồn vui!
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!
Tiếng nước tôi, tiếng Mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!…
(Tình Ca – Phạm Duy)
Chân Phương
Falls Church, VA
8/13/13