Bởi chữ quốc ngữ dù qua một quá trình phát triển dài trọn 100 năm khởi từ đầu thế kỷ 20 vẫn chưa đạt thành hệ thống hoàn chỉnh với tiêu chuẩn rõ ràng về nhiều mặt từ nghĩa chữ cho đến cách viết. Tuy nửa đầu thế kỷ 20, một số học giả như Nguyễn văn Tố, Phan Khôi, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim… đã lưu tâm tới vấn đề, nhưng công trình của các vị này chưa thể hoàn hảo và đáng buồn hơn là đã bị rơi vào quên lãng. Tới nay gần như mỗi người đều thoải mái tự ban nghĩa cho các ngôn từ và thoải mái viết theo sở ý, thậm chí ngay tài liệu giáo khoa cũng chưa hề thống nhất.
Vì thế, Tủ Sách TQH phải tự định một chuẩn hướng theo các chỉ tiêu do cân nhắc chủ quan với mong mỏi không gây hỗn loạn thêm cho cách viết và cách dùng từ. Quyết định này đã khiến cho Tủ Sách khó tránh bất đồng với một số tác giả trong các phạm vi trên do thói quen dùng từ và chuẩn hướng của Tủ Sách.
Cụ thể là với tác phẩm NHÂN VĂN GIAI PHẨM mà quí bạn đang cầm trên tay đã có sự bất đồng về hai từ “sử dụng” và “toàn trị”. Tác giả Thụy Khuê đã yêu cầu TQH giữ nguyên cách viết “sử dụng” cũng như từ “toàn trị”, nhưng TQH lại không thể đi ngược với chuẩn hướng đã đề ra là phải viết “xử dụng” và thay từ “toàn trị” bằng “độc trị”, “đảng trị” hoặc “độc quyền đảng trị.”
Do đó, chúng tôi xin thông báo cùng bạn đọc về quan điểm của tác giả Thụy Khuê và cũng xin nữ sĩ coi những dòng này như lời tạ lỗi của TQH với riêng nữ sĩ do việc đã đổi khác hai từ “sử dụng” và “toàn trị” trong bản thảo.
Chúng tôi cũng xin được nói về lý do chọn cách viết “xử dụng” và không dùng chữ “toàn trị.”
Như chúng ta đều biết, đa số từ Việt ngữ là Hán Việt tức có gốc Hán tự. Chẳng hạn chữ “sử” hoặc “xử” của ta là 5 chữ Hán viết theo các bộ Khẩu, Nhân, Mã, Hô, Mộc. Trước đây, các học giả Thiều Chửu, Đào Duy Anh đã phiên âm 2 chữ viết theo các bộ Khẩu, Nhân, Mã là “sử” và 2 chữ viết theo các bộ Hô, Mộc là “xử.” Các chữ thuộc 3 bộ Khẩu, Mã, Mộc đều có nghĩa rõ ràng riêng biệt nên chỉ còn vấn đề với 2 chữ viết theo bộ Nhân và bộ Hô.
Từ viết theo bộ Nhân được phiên âm là “sử” có nghĩa là “sai khiến” hoặc “phỏng định” dẫn đến các thành ngữ như “giả sử”, “sử nhân dĩ dục”, “sử dân dĩ thời”…, hay chỉ một chức vụ như “thứ sử”, “ngự sử” … và biến âm thành “sứ” để có các từ “sứ thần”, “sứ giả”, “đại sứ”, “sứ quán” …
Riêng từ viết theo bộ Hô phiên âm là “xứ” bao gồm nhiều nghĩa như “thu xếp”, “sắp đặt”, “xét đoán”, “lo liệu”, “phân định”, “vận dụng”, “thể hiện”, “đối đãi…” ghép thành nhiều từ như “xử thế”, “xử trí”, “xử lý”, “xử trị”, “xử sự”, “khu xử”, “hành sử”, “xuất xử”…
Theo cách phân tích này, chúng tôi thấy không thể viết sử dụng vì ở đây không hàm nghĩa “sai khiến” như trong câu “sử nhân dĩ dục” – lấy lòng ham muốn để sai khiến con người – hoặc “sử dân dĩ thời” – dựa theo thời vụ mà sai khiến dân chúng. Chữ “xử” ở đây chỉ đơn thuần mang nghĩa “thu xếp”, “sắp đặt”, “vận dụng”… những thứ gì đang có trong tay mà thôi nên phải viết là “xử dụng.” Do đó, dù hiện nay rất nhiều người viết “sử dụng”, chúng tôi vẫn thấy nên cần viết “xử dụng.”
“Toàn trị” cũng không phải từ mới mà chỉ là một từ cũ được ban cho nghĩa mới trong vòng vài chục năm nay.
Nghĩa vốn có của từ “toàn trị” là “sắp đặt trọn vẹn”, “hoàn toàn an lành” như trong các diễn tả về một thời kỳ “toàn thịnh toàn trị” được rút gọn là “thịnh trị” để nói về mức phát triển tốt đẹp trong tình trạng “ổn định” tuyệt đối. Chữ “toàn” trong Hán tự hàm nghĩa “trọn vẹn” và diễn tả “cái đẹp, cái tốt” nên ta chỉ gặp những từ như “toàn thiện”, “toàn tài”, “toàn hảo”, “toàn mỹ…” chứ không có chữ “toàn” nào ghép với “ác”, “xú”, “độc”…
Ngoài ra, dịch từ totalitarisme thành “toàn trị” chưa hẳn có một từ mới chính xác hơn các từ cũ như “độc quyền đảng trị”, “độc trị”, “độc tài độc đoán…” Đó là chưa kể còn dễ gây hiểu lầm do hàm nghĩa quen thuộc diễn tả ý hướng tốt đẹp của từ “toàn.” Cho nên, dù từ “toàn trị” có thể lôi cuốn một số người, chúng tôi vẫn chọn giữ các từ cũ “độc trị”, “đảng trị”, hoặc “độc quyền đảng trị…”
Một lần nữa xin tác giả Thụy Khuê thông cảm về thế bất khả kháng của chúng tôi và xin thông báo để bạn đọc hiểu lý do khiến các tác phẩm do TQH ấn hành không xuất hiện các từ “sử dụng”, “toàn trị” trong khi xuất hiện nhiều từ với phân biệt dứt khoát có thể khác hẳn cách viết của nhiều người, chẳng hạn như “giòng giõi”, và “dòng chữ” hay “theo dõi”, “giễu cợt” và “diễu binh”, “dây nhợ” và “giây phút”, “dấu hiệu” và”che giấu”, hoặc “réo rắt” và “giắt lưng”, “dắt dẫn”…
Xin được coi đây như một nỗ lực trong mong ước góp phần giảm thiểu mức hỗn loạn về cách viết chữ Việt và nếu chưa thực sự chính xác thì cũng gợi nhắc mỗi người về một vấn đề cần đặc biệt lưu ý trong hướng bảo tồn và truyền bá tiếng mẹ của chúng ta.
Tủ sách TQH.
Trung thành với nguyên văn của Tủ Sách TQH, chúng tôi đã cố gắng hết sức để ghi lại chính xác toàn văn thư ngỏ, kể cả lỗi chính tả “quí bạn” thay vì “quý bạn” cũng như các lỗi chấm câu, chấm lửng bên trong các dấu ngoặc kép một cách tùy tiện… Chúng tôi xem như đó là những lỗi do đánh máy và không nằm trong nội dung bài viết này!
Nội dung chúng tôi muốn đề cập, nằm trong lý lẽ mà TQH đưa ra để phủ nhận giá trị của chữ “sử dụng” và thay đổi bằng “xử dụng” vì tin rằng trường hợp sau đúng hơn.
TQH đã đưa hai chữ Hán là “sử – 使” thuộc bộ Nhân (đứng) và chữ “xử – 處” thuộc bộ Hô và phân tích nghĩa của chúng để đi đến kết luận là phải dùng chữ nào, “sử dụng” hay “xử dụng” để được hợp lẽ. Kết luận của TQH là chọn dùng chữ “xử dụng” cũng được giải thích bởi lẽ các công trình của những học giả uyên thâm về Hán học như Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim… đã không được hoàn thiện(?)
Để phủ nhận giá trị của chữ “sử dụng”, TQH cho rằng:
1. “Sử dụng” không mang nghĩa “sai khiến” như TQH nghĩ là phải có. Có lẽ, khi lập luận, TQH đã quên mất một trong các nghĩa khác nhau của “sử – 使” là “điều khiển”. Liên quan đến nghĩa “điều khiển” này, chúng tôi chợt nhớ đến những chữ khác thường thấy khi đọc tin tức chiến sự trong những năm tháng lửa khói tại VN. Đó là “khả dụng”, “khiển dụng”, “bất khiển dụng”… dùng để chỉ tình trạng có thể sử dụng được hay không của khí tài quân sự hoặc các đơn vị thuộc binh chủng chiến đấu!
Sử dụng một dụng cụ, phương tiện nào đó; rõ ràng đơn giản chỉ là việc điều khiển dụng cụ, phương tiện đó để đạt được mục đích của mình mà thôi!
2. TQH cho rằng, “xử dụng” hợp lý hơn vì mang các nghĩa “thu xếp, sắp đặt, vận dụng…”.
Chúng ta thử so sánh hai đôi câu văn đơn giản dưới đây:
a1) Họa sĩ sử dụng cọ và màu dầu để vẽ tranh.
a2) Họa sĩ điều khiển cọ và màu dầu để vẽ tranh.
b1) Họa sĩ xử dụng cọ và màu dầu để vẽ tranh.
b2) Họa sĩ thu xếp/sắp đặt/vận dụng cọ và màu dầu để vẽ tranh.
Rõ ràng, đôi câu văn a1) và a2) thể hiện chính xác được ý nghĩa Việt ngữ hoàn toàn của câu văn sau đây:
c) Họa sĩ dùng cọ và màu dầu để vẽ tranh.
Đem các câu b1) và b2) dùng để thay thế cho câu c), chắc chắn chúng ta sẽ bị cười chê là người ngoại quốc nói tiếng Việt, không hơn không kém!
3. Trên tất cả những lý lẽ vừa kể, TQH đã mắc phải sơ sót trầm trọng trong quan điểm của mình khi giải thích một từ kép Hán Việt. Sơ sót quan trọng này là TQH đã bất chấp nguyên nghĩa của chữ “sử dụng – 使用” đã được sử dụng ra sao trong Hán văn:
使用-是指按照物的性能和用途加以利用
Sử dụng – Thị chỉ án chiếu vật đích tính năng hòa dụng đồ gia dĩ lợi dụng.
Nếu TQH đã cẩn thận hơn một chút xíu và đọc lời chỉ dẫn của bất kỳ vật dụng bằng Hán văn như trên, có lẽ họ đã không mắc phải sai lầm đáng tiếc.
Nghĩa của “sử dụng – 使用” đơn giản chỉ là “dùng (động từ) và cách dùng (danh từ)”. Trong khi đó, “xử dụng – 處用” được dùng với ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn. Trong đó, “xử” được hiểu là nơi cư trú:
不知何處用將軍?
Bất tri hà xử dụng tướng quân?
Chẳng biết tướng quân đang ở nơi nào?
Mục đích ban đầu của “Thư Gửi Bạn Trước Khi Vào Sách” là trong sáng với mong mỏi “giảm thiểu mức hỗn loạn về cách viết chữ Việt”. Nhưng TQH lại quá tự tin và chủ quan nên chính mình đã góp phần tham dự vào việc hỗn loạn đáng trách nói trên!
Công việc biên tập và hiệu đính cho các ấn phẩm văn hóa vô cùng quan trọng và đòi hỏi không chỉ kiến thức chuyên môn cũng như ngôn ngữ được sử dụng trong ấn phẩm. Nó còn đòi hỏi sự cẩn trọng cần thiết để nếu không làm tăng giá trị của các tác phẩm được ấn loát, thì cũng không nên phá hoại giá trị văn hóa và văn nghệ một cách đáng tiếc như trường hợp lá thư ngỏ của TQH!
Dù lời lẽ trong thư ngỏ quả thật có mềm mỏng, nhưng với thái độ cứng rắn và áp chế đối với tác giả Thụy Khuê nói riêng và các tác giả sáng tác và nghiên cứu khác khi TQH không hiểu được rằng lý lẽ của mình hoàn toàn sai trong việc sử dụng chữ “xử dụng”, chúng tôi e rằng đó là sự xúc phạm không nhỏ. Hơn thế nữa, phủ nhận sự đứng đắn của chữ “sử dụng” trong kho tàng ngữ vựng Hán Việt mà Ông Cha chúng ta để lại; do hiểu biết nông cạn, hời hợt và mang chút ngông cuồng ngạo mạn, cũng là hành vi vong ân đáng tiếc lắm thay!…
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi!
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi, tiếng ru muôn đời!
Tiếng nước tôi bốn ngàn năm ròng rã buồn vui!
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!
Tiếng nước tôi, tiếng Mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!…
(Tình Ca – Phạm Duy)
Chân Phương
San Jose, CA
12/26/12
15 Comments
Duy Nguyen
Tôi hoàn goàn đồng ý với ý lối giải thích của bạn Chân Phương: sử dụng có nghĩa là “dùng”. Ngoài ra tiếng Việt mình còn có cách dùng riêng rẽ: Đừng sử con nít làm bậy. Lúc ấy mới có nghĩa “sai khiến”. Mạnh hơn nữa thì có Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung. (Vua bảo bầy tôi chết, bầy tôi không chịu chết thì bầy tôi không trung thành.)
Duy Nguyên
Chân Phương
Xin cảm ơn sự đồng ý trong lời bình luận của Chú/Bác/Anh/Bạn Duy Nguyên về bài viết đơn sơ này của chúng tôi. Cũng xin cảm ơn một lần nữa về ý kiến chia sẻ và đóng góp các ví dụ như là những chứng cứ giúp củng cố thêm cho quan điểm của người viết.
Trân trọng,
Chân Phương.
Duy Nguyen
Thưa bác Chân Phương,
Tôi đã đọc các bài viết của bác viết liên quan đến tiếng Việt. Cho đến nay thì những điều bác nêu trong cả ba bài đều rất đúng và chính xác.
Đúng ở chỗ, bác đã nhắc lại những gì tôi đã học trên 48 năm trước về các quy tắc chính tả do những người tốt nghiệp ngành ngữ học giảng dạy. Theo đó các vị khuyên học trò nên lưu ý các dấu hỏi/ngã, c/t, n/ng. Và quan trọng hơn nữa là cách dùng từ-ngữ sao cho phú hợp với câu văn và nội dung bài viết. Cần phân biệt rõ: liên lạc, liên hệ, liên quan, liên đới, liên minh, liên hiệp, …; hoặc thiết lập, thiết kế, thiết trí, chế tạo, hoạ đồ, … . Ngày nay người ta giỏi tiếng nước ngoài hơn tiếng Việt nên từ-ngữ tiếng Việt đã và đang trở thành dị dạng. Cái gì cũng “thiết kế”.
Tiếng Việt có bốn đặc tính: 1. có thanh giọng (theo nhịp tim – phù trầm), 2. đơn vần (về phương diện phát âm), 3. cách thể (mỗi chữ là một vần không có thể ghép thêm theo kiểu biến thể của Anh, Pháp, Nga, …) và 4. tiền vị (tiếng chính đứng trước, các bổ tử theo sau, còn gọi là head initial).
Về từ-ngữ, tiếng Việt có trên 40% chia sẻ với tiếng Thái, và mượn thêm gần 60% của tiếng Hán để dùng song song với tiếng Việt (chứ không thay thế hẳn). Khuynh hướng trong nước hiện nay đang dùng tiếng Quảng Đông thay thế cho số tiếng Hán mà cha ông ta đã lọc ra để mượn dùng. Chẳng hạn, dùng “trợ lý” thay cho “phụ tá” (trợ lý là ‘modern Cantonese’) “tiếu liệu” thay bằng “hậu cần” (hậu phương cần vụ). “Nguyên quán tôi là người miền Trung nhưng trú quán là Saigon” thì nay họ chỉ nói là “Tôi đến từ Saigon” (I am from Saigon or I came from Saigon!) Khá nhiều người quên hẳn: nguyên quán, sinh quán, trú quán, v.v…
Bài nói chính xác ở chỗ, rất nhiều người đang quên dần tiếng Việt. Ở VN thì nhà trường dạy dỗ chẳng ra gì. Ở ngoài nước thì việc rèn luyện thêm tiếng Việt không có nhu cầu cấp thiết nên ít ai lưu tâm, bác ạ.
Hiện tôi đang soạn bộ tự điển tiếng Việt. Nếu bác Chân Phương thích việc này và có lòng muốn chia sẻ gánh nặng với tôi, thì tôi vô cùng cảm kích. Công việc có thể kéo dài hàng chục năm, bác ạ.
Vài giòng tâm sự với bác cho vui. Thấy bác buồn với vận nước, tôi cũng chẳng vui tí nào. Tôi ở gần một vị nghiên cứu tiếng Việt cũng trên 40 năm nay nên cũng học hỏi được khá nhiều.
Năm mới 2013 vừa đến. Kính chúc bác Chân Phương, toàn thể độc giả của Việt Thức và ban Biên Tập Trang Việt Thức một năm mới dồi dào sức khoẻ, an bình, thành công, hạnh phúc.
Duy Nguyen
Chuyên môn:
ngữ học, từ/đồng nguyên học
dịch thuật
Van Hong
Kính các Bác,
Tôi xin được góp ý một chút về quan điểm của tủ sách TQH liên quan đến từ ngữ “toàn trị”. Quả quyết của tủ sách về chữ này quả nhiên khá liều lĩnh khi cho rằng, “…chữ “toàn” trong Hán tự hàm nghĩa “trọn vẹn” và diễn tả “cái đẹp, cái tốt” nên ta chỉ gặp những từ như “toàn thiện”, “toàn tài”, “toàn hảo”, “toàn mỹ…” chứ không có chữ “toàn” nào ghép với “ác”, “xú”, “độc”…”
“Toàn” chỉ có nghiã đơn giản giản là “tất cả”. Ngoài ra, “độc trị” và “toàn trị” là hai khía cạnh hoàn toàn khác nhau: “độc trị” là hình thức, “toàn trị” là hành động. Độc trị thường dẫn đến toàn trị, nhưng toàn trị cũng có thể xuất hiện trong những hình thức cai trị khác.
Thế nào là “toàn trị”? Toàn trị xảy ra khi chính quyền thò bàn tay lông lá quyền lực (cũng có thể được dân bầu ra từ một cuộc bầu cử rất dân chủ) của mình vào mọi ngõ ngách của cuộc sống người dân.
Chế độ cộng sản tại Việt Nam hiện nay là một chế độ vừa độc trị vừa toàn trị. Độc trị vì họ không cho phép có đối lập; toàn trị vì họ muốn điều khiển, sử dụng người dân như những phương tiện (trước đây theo quan điểm Marx thì là phương tiện sản xuất: “với sức người sỏi đá cũng thành cơm … độn”; bây giở thì thành phương tiện để bảo vệ chỗ ngồi: “sống và làm theo gương bác Hồ vĩ đại … khái”).
Dịch “totalism” là “toàn trị” ai cũng hiểu, và hiểu đúng. Đổi thành “độc trị” thì đúng là “lợn lành chữa thành lợn què”, rõ chán!
Thêm một điều nữa. Ngôn ngữ là phương tiện để diễn tả tư tưởng nên nó có thể thay đổi theo thời gian. Thói quen dùng là một yếu tố quan trọng. Rất nhiều từ ngữ gốc Hán Việt hiện nay đã không còn mang nghĩa nguyên thủy của nó. Nhưng như thế không có nghĩa là nó sai, mà chỉ đơn giản là nó đã được “Việt hóa”. Vấn đề nằm ở chỗ là người khác sẽ hiểu như thế nào. Khi ông nói “gà” mà bà lại hiểu là “vịt”, thì khi đó vai trò truyền đạt tư tưởng của từ ngữ nào đó phải được điều chỉnh lại.
Van Hong
“totalitarism” là “chế độ/chính sách toàn trị”
hoangdung
Quan điểm của TQH là đúng mức.
Chân Phương
Thưa Bác Duy Nguyen,
Chúng tôi chắc chắn kém Bác cỡ 10 tuổi, do 48 năm trước chỉ vừa lên ba.
Rất đồng ý cùng Bác là ngữ vựng tiếng Việt đang bị dùng sai rất nhiều. Trong đó, ngoài các chữ Bác đã kể còn có “trạng Thái” và ” hiện tượng” bị dùng lẫn lộn một cách vô tội vạ. Và, có thể kể ra hằng trăm trường hợp khác nữa.
Chúng tôi chỉ là thợ chụp ảnh cố gắng kêu gọi lương tâm người cầm bút khi viết ra cho hậu thế noi theo. Đưa vai gánh vác việc chung là điều vô cùng Vinh dự, tuy nhiên hiện nay chúng tôi không dám mơ việc lớn vì nợ áo cơm vẫn khá nặng nề. Sau này, khi giờ giấc ổn định được sẽ xin Liên lạc cùng Bác sau.
Kính
Chân Phương
Chân Phương
Kính Bác Van Hong,
Trong khi khó đồng ý cùng TQH về việc thay thế chứ “sử dụng” bằng “xử dụng”, chúng tôi lại tin vào sự hợp lý của họ trong chữ “toàn trị”. Vì sao? “Cầu toàn”, “bất toàn”… Là các bằng chứng khó phủ nhận lý lẽ của họ.
Tuy nhiên, mục đích trong bài này của người viết đi xa hơn chuyên môn và học thuật:
Như đã viết thoáng qua nơi cuối bài, chúng tôi không rõ TQH có nhìn thấy Thái độ đàn áp của mình bất chấp yêu cầu giữ nguyên chữ “sử dụng” của chính tác giả Thụy Khuê?
Làm điều này đối với tác phẩm tố cáo sự gian trá của ùm và đồng bọn,tác phẩm nói về sự đàn áp đối với Văn nghệ sĩ miền Bắc hơn 50 năm trước, họ có hiểu đó là cái tát rất nặng đối với công trình nghiên cứu 20 năm của nữ sĩ họ Vũ (Thị Tuệ) hay không?
Đối với chữ nghĩa, đôi khi học viết cũng chưa đủ… Đọc cũng đòi hỏi sự chú ý lắm thay!
Kính,
Chân Phương
Chân Phương
Total trong Totalitarism có thể/nên dịch là “tổng” sẽ đúng hơn “toàn”, nếu nói đến chuyên môn và học thuật!
Van Hong
Kính Bác Chân Phương,
Chữ “toàn” từ lâu đã được “Việt hóa”. Ta có thể kể ra một lô những từ ngữ, trong đó chữ “toàn” chỉ đơn giản có nghĩa là “toàn thể, tất cả”, và hoàn toàn không chứa một định lượng giá trị nào cả: toàn dân, toàn thể, toàn cầu, toàn gia, toàn bộ, v.v.
Cứ cho rằng chữ “toàn” ở nguyên nghĩa tiếng Hán mang ám chỉ định giá theo nghĩa “tốt”, nhưng yếu tồ “thói quen” trong ngôn ngữ rõ ràng vẫn đóng vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất. Một danh từ được dùng để gọi, để nhận dạng, để ám chỉ một sự vật, sự việc cụ thể nào đó. Nếu nó bị hiểu sai thì nó tự đánh mất chức năng của nó.
Thái độ của TQH đối với với tác giả Thụy Khuê tôi không dám bàn, vì không rõ sự tình bên trong. Nhưng khi chỉ trưng dẫn những từ ngữ “toàn mỹ, toàn thiện…” để viện dẫn lý lẽ của mình, thì TQH xem ra hơi cẩu thả, bởi lẽ chỉ cần dở bất cứ cuốn tự điển tiếng Việt nào ra thì ta cũng sẽ gặp hàng tá những từ bắt đầu bằng “toàn” không mang ý nghĩa đó. Ngoài ra, không nên quên một điều đơn giản là:”Nhân Văn Giai Phẩm” là một tác phẩm tiếng Việt, của một tác giả người Việt, viết cho người Việt đọc!
Chân Phương
Kính Bác Van Hong,
Thái độ đàn áp được chính TQH công khai tuyên bố một cách tự hào trong thư ngỏ của mình. Xin Bác đọc lại lá thư đó một lần nữa!
Chữ “toàn” đã được Việt hoá với nghĩa là tất cả/toàn thể mà Bác nói đến, là một trạng từ chỉ số lượng. Trong cấu trúc Văn phạm Việt ngữ, vị trí của nó đứng trước danh từ theo sau.
Trong cấu trúc Văn phạm Hán/Hán-Việt, chữ “toàn” sẽ là tĩnh từ nếu đứng trước một danh từ.
Hiểu được vai trò Văn phạm khác nhau của cùng một vị trí trong từ kép/ghép giữa hai cấu trúc Việt ngữ và Hán-Việt sẽ giúp chúng ta tránh được việc ghép chữ một cách bừa bãi và cẩu thả.
TQH đã làm tốt việc phân tích cái sai trong chữ “toàn trị”. Tiếc thay, đến lượt họ cũng vướng phải sai lầm khi chế ra một chữ ngây ngô khác là “chuẩn hướng”. Điều này khiến chúng tôi nhớ lúc còn bé đã giễu cợt các cán ngố bằng lời giải thích: Ưu thế nghĩa là “ưu thời mẫn thế”.
Van Hong
Kính Bác Chân Phương,
cám ơn Bác đã nhắc đến một nguyên tắc quan trọng mà hầu như ít được để tâm đến: trạng từ hay tĩnh từ.
Trở lại chữ “toàn trị” thì đúng như Bác nói, chữ toàn là trạng từ chỉ số lượng, giống như các chữ: toàn dân, toàn thể… Đây là thói quen theo tiếng Việt. Ngược lại những chữ toàn đứng sau một tĩnh từ như an toàn, bảo toàn… là những danh từ hiểu theo nghĩa “trọn vẹn”.
Đây là khía cạnh độc đáo để thấy sự khác biệt giữa Việt Ngữ và Hán-Việt Ngữ (hay là tiếng Việt và tiếng Hán-Việt). Mỹ nhân và người đẹp là một, nhưng kẻ thì gốc Hoa, người thì gốc Việt.
Theo tôi biết thì tính từ (dấu sắc) có ba thể loại ứng dụng:
1) chỉ thuộc tính của một danh từ, thí dụ: mỹ nhân (Hán-Việt) hoặc người đẹp (Việt). Trong HV tính từ đứng trước danh từ, trong V thì đứng sau.
2) trong tương quan với động từ “là” (to be) để gọi rõ tính chất của chủ từ. Thí dụ: cô ấy (là/thì) đẹp. bầu trời (là/thì) xanh. Trong tiếng Việt động từ “thì/là” trong cấu trúc câu này thường không được viết/nói ra.
3) được sử dụng để diễn tả thuộc tính của động từ. Thí dụ: vũ công múa rất đẹp. Chữ đẹp chỉ thuộc tính của động từ múa.
Nếu theo cách nhìn này thì chữ “toàn” trước một danh từ thuộc về nguyên tắc 1). Theo tôi, cách phân biệt “trạng từ/tĩnh từ” khá rối rắm và khó hiểu.
Như vậy, toàn trị, toàn năng, toàn dân… mặc dù Việt hoá nhưng vẫn mang cấu trúc Hán Việt; toàn là tính từ.
Hai nguyên tắc sau không tạo vấn đề.
ChânPhương
Kính Bác Van Hong,
Thông thường, tĩnh từ được dùng để bổ nghĩa cho (môt tả tính cách hay còn được gọi là thuộc tính của) một danh từ.
Trong văn phạm Việt ngữ, vị trí của tĩnh từ nằm ở phía sau một danh từ. Thí dụ, trong “cô gái đẹp” chúng ta có “đẹp” là tĩnh từ dùng để bổ nghĩa cho danh từ “cô gái” đứng ngay trước nó.
Trong văn phạm Hán văn và Hán-Việt, chúng ta có điều ngược lại. Đó là, tĩnh từ đứng trước danh từ. Thí dụ, “mỹ nhân” là người đẹp,…
Tương tự, “Toàn năng” là một tiếng Hán Việt do đó được phân tích như sau: “năng” = khả năng/năng lực (danh từ) + “toàn” = trọn vẹn (tĩnh từ). Vì thế, nghĩa của “toàn năng” là khả năng/năng lực trọn vẹn. Chúng ta gọi Đấng Toàn Năng để chỉ Thượng Đế là Người có khả năng hoàn hảo hoặc có năng lực trọn vẹn là thế!
Vài ngoại lệ của tĩnh từ trong đó có việc kết hợp cùng danh từ qua trung gian các động từ thì/là như Bác đã nêu. Ngoại lệ này vẫn xem đó là tĩnh từ theo như trường hợp số 2/ của Bác.
Cũng theo cách thông thường, trạng từ trong Việt ngữ được dùng để mô tả tính cách của một hành vi. Nói cách khác, trạng từ được dùng để bổ nghĩa cho một động từ. Vị trí của trạng từ trong một câu văn viết (hoặc nói) thường không nhất định. Chúng có thể đứng trước hoặc sau một động từ. Cũng có khi, nó được đặt ngay đầu câu hoặc được dùng để kết thúc một câu văn. Điều này thường xảy ra trong các trường hợp áp dụng một loại mỹ từ pháp được gọi là “đảo ngữ”. Nó xuất hiện cả trong văn vần và văn xuôi.
Như đã viết bên trên, nhiệm vụ của trạng từ là bổ nghĩa cho động từ. Tuy nhiên, trong một số ngoại lệ của trạng từ, chúng lại được dùng để bổ nghĩa cho danh từ. Thí dụ, các trạng từ chỉ nơi chốn, thời gian, số lượng (định lượng)… Điều này đã gây ra cái mà Bác đang gọi là rối rắm và khó hiểu.
Trở lại các thí dụ của Bác; bao gồm các chữ toàn trị, toàn năng, toàn dân…
“Toàn năng” như đã phân tích, nó là một từ kép Hán Việt với “toàn” mang vai trò của một tĩnh từ và có nghĩa “hoàn toàn/trọn vẹn”. Do đó, nghĩa của
“toàn năng” là “Khả năng (danh từ)hoàn hảo (tĩnh từ)”.
“Toàn dân” là từ vựng đã hoàn toàn được Việt-hóa, do đó “toàn” là trạng từ chỉ số lượng và có nghĩa “tổng thể/tổng số”. Nghĩa của “toàn dân” là “tổng số dân chúng”. (a)
Nay xét tới chữ “toàn trị”:
1/ Nếu xem “toàn trị” là tiếng Hán-Việt, thì “toàn” là tĩnh từ và mang nghĩa là hoàn toàn/hoàn hảo/trọn vẹn. Đây là quan điểm của Tủ Sách TQH.
2/ Nếu xem “toàn trị” là tiếng được Việt hóa thì chữ “toàn” là trạng từ chỉ số lượng và mang nghĩa “tổng thể/tổng cộng” như ý kiến cho rằng “toàn trị” là total-ism. Với sự chấp nhận này, chữ “toàn trị” sẽ được giải thích theo cấu trúc văn phạm Việt Ngữ và mang nghĩa “tổng số (các sự/việc) cai trị”.
Đây là điều hoàn toàn bất ngờ đối với những người cho rằng có thể dịch chữ “total-ism” thành “toàn trị”. Họ đã không hiểu rằng chúng ta chỉ được quyền chọn một trong hai cấu trúc văn phạm hoặc là văn phạm Việt ngữ hoặc là văn phạm Hán văn/Hán Việt.
Tiếp tục trộn lẫn hai thứ văn phạm này với nhau, chỉ một thời gian ngắn sau này; ngữ vựng của chúng ta sẽ không còn sự trong sáng và rõ rệt vốn dĩ cần phải có trong mọi thứ ngôn ngữ dùng để trò chuyện và truyền đạt ý tưởng. Nó bắt đầu từ việc người đọc/nghe phải đoán mò ý của người viết/nói. Đến một lúc nào đó, tiếng Việt của chúng ta không còn giữ được vai trò làm trung gian cho người Việt hiểu nhau nữa… người ta gọi nó là tử ngữ…
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi!
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi, tiếng ru muôn đời!
Tiếng nước tôi bốn ngàn năm ròng rã buồn vui!
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!
Tiếng nước tôi, tiếng Mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!…
(Tình Ca – Phạm Duy)
Van Hong
Kính Bác Chân Phương,
Trong điểm 2) Bác giải thích rằng: “Nếu xem “toàn trị” là tiếng được Việt hóa thì chữ “toàn” là trạng từ chỉ số lượng và mang nghĩa “tổng thể/tổng cộng” như ý kiến cho rằng “toàn trị” là total-ism. Với sự chấp nhận này, chữ “toàn trị” sẽ được giải thích theo cấu trúc văn phạm Việt Ngữ và mang nghĩa “tổng số (các sự/việc) cai trị”.”
Khi Bác giải thích ở trên “toàn là trạng từ chỉ số lượng và mang nghĩa “tổng thể/tổng cộng” rồi bên dưới lại cho rằng “toàn trị (…) mang nghĩa “tổng số (các sự/việc) cai trị” thì đó là hai cách giải thích khác nhau và khá miễn cưỡng. Bởi lẽ, như trong chữ “toàn dân” có nghĩa là “tất cả mọi người dân”, thì chữ “toàn trị” cũng chỉ mang nghĩa là “cai trị tất cả”.
Cũng vậy, từ ngữ “toàn năng” phải được hiểu là “có khả năng/năng lực cho tất cả (mọi chuyện)”; nói “trọn vẹn” hay “hoàn hảo” thì đã là suy diễn rồi! Người Đức dùng từ “allmächtig” và người Anh dùng từ “all-powerfull” thì cũng hiểu “toàn” trong từ “toàn năng” theo nghiã là “tất cả”.
Ngoài ra, tôi xin góp ý về hai khái niệm “trạng từ” và “tĩnh từ”.
Theo định nghĩa ta đã được học ở trường, thì trạng từ là tiếng bổ nghĩa cho động từ và tĩnh (dấu ngã)từ là tiếng bổ nghĩa cho danh từ. Tôi thấy cách định nghĩa này bất cập và phi lý:
1) “Tĩnh” là đối nghĩa của “động”. Trong khi đó “trạng” (trong nghĩa “trạng thái/trạng huống”) thì đối nghĩa cho một sự vật.
2) Khi dịch (và đây là điều chắc chắn, vì trước đây ta không có cấu trúc văn phạm này trong chữ Nôm) từ “adjective” là “tĩnh từ” và “adverb” là “trạng từ” thì ta đã gán ghép cho mình một thể loại “quy luật” không đúng.
3) Theo tôi biết, một số ngôn ngữ Bắc Âu, trong đó có tiếng Đức, thì “Adjektive” có ba thể loại ứng dụng:
a) chỉ thuộc tính của một danh từ, thí dụ: mỹ nhân (Hán-Việt) hoặc người đẹp (Việt). Trong tiếng Hán-Việt nó đứng trước danh từ, trong tiếng Việt thì đứng sau.
b) trong tương quan với động từ “là” (to be) để gọi rõ tính chất của chủ từ. Thí dụ: cô ấy (là/thì) đẹp. bầu trời (là/thì) xanh. (Trong tiếng Việt động từ “thì/là” trong cấu trúc câu này thường không được viết/nói ra.)
c) được sử dụng để diễn tả thuộc tính của động từ (adverbial). Thí dụ: vũ công múa rất đẹp. Chữ đẹp chỉ thuộc tính của động từ múa.
Tiếp đầu ngữ “ad” trước “Sub/Ob-jective” mang nghĩa “trợ”. Như vậy, ta có thể gọi những từ bổ nghĩa cho một chủ từ hoặc một túc từ (theo ứng dụng a) là “trợ từ”, và dùng cho cả hai trường hợp b và c như đã nêu trên.
* Chuyện “tĩnh/động”.
– Khi ta nói: “Con bò đứng ở XA”, và “con bò SA xuống hố” thì đúng là ta có nguyên tắc “tĩnh/động”. XA là trợ từ (ở thể tĩnh) của ĐỨNG (theo các ứng dụng c). SA là động từ.
– Khi nói “con bò leo lên dốc” thì LÊN là trợ từ (ở thể động) của LEO.
* Chuyện “trạng thái/sự vật”:
Chữ “toàn” đi SAU một trợ từ (theo cách Hán-Việt) như: an toàn, bảo toàn, song toàn, bất toàn …. mang nghĩa “trọn vẹn” và là một DANH TỪ (chứ không phải là trợ từ!) chỉ một trạng thái.
Nhưng khi ta nói: “anh ta là một người bất toàn” thì chữ “bất toàn” (cả hai chữ) trở thành trợ từ cho danh từ “người”, đứng sau vì đã được Việt hóa!
ChânPhương
Kính Bác Van Hong,
Chúng tôi xin lỗi vì đã trả lời muộn do công việc dồn dập trở lại nơi sở làm, sau ba tuần nghỉ phép cuối năm.
Theo như Bác viết: [Bởi lẽ, như trong chữ “toàn dân” có nghĩa là “tất cả mọi người dân”, thì chữ “toàn trị” cũng chỉ mang nghĩa là “cai trị tất cả”.] thì lập luận trên đã không được chặt chẽ vì tự nó đã mất cân đối nếu không muốn nói là mâu thuẫn.
Mâu thuẫn do mất cân đối trong lập luận này xảy ra, vì một khi Bác đã cho rằng [“toàn dân” có nghĩa là “TẤT CẢ MỌI (người) dân”], thì dựa theo mệnh đề này chúng ta sẽ có mệnh đề theo sau phải là [thì chữ “toàn trị” cũng chỉ mang nghĩa là “TẤT CẢ MỌI (việc) cai trị”.]; chứ không thể là [thì chữ “toàn trị” cũng chỉ mang nghĩa là “cai trị tất cả”.] như Bác đã nghĩ.
Hy vọng lần này Bác có thể nhìn thấy được lý lẽ của TQH trên sự phân tích và giải thích một cách rõ ràng hơn!
Với những ai chưa quen thuộc với sự khác biệt giữa cấu trúc văn phạm Việt Ngữ và văn phạm Hán Việt (Hán Văn), họ sẽ lúng túng và khó nhận ra sự trặc trẹo trong việc tạo thành từ kép/ghép sao cho hợp lý!
Khó khăn đó thường có nguyên nhân từ cấu trúc câu Việt Ngữ của chúng ta gần gũi với cấu trúc câu trong văn phạm Anh/Pháp Ngữ. Điều đó cũng tương tự trong việc hình thành các từ kép/ghép của ta và của Anh/Pháp Ngữ là như nhau trong vị trí của mỗi thành phần trong từ kép/ghép đó. Tuy nhiên, khi ghép các từ ngữ Hán Văn hoặc Hán Việt, trật tự này đã bị đảo lộn hoàn toàn… Khiến cho nhiều người phải chóng mặt, nhức đầu vì nó nếu không quen!
Bác cũng cho rằng: [Ngoài ra, tôi xin góp ý về hai khái niệm “trạng từ” và “tĩnh từ”.
Theo định nghĩa ta đã được học ở trường, thì trạng từ là tiếng bổ nghĩa cho động từ và tĩnh (dấu ngã)từ là tiếng bổ nghĩa cho danh từ. Tôi thấy cách định nghĩa này bất cập và phi lý:]
Như chúng tôi đã trình bày bên trên trong mục trả lời hôm nay, văn phạm và cấu trúc câu văn của ta (Quốc ngữ) tương tự như của Anh/Pháp văn đã là ưu điểm thứ nhất so với Hán văn cũng như các thứ ngôn ngữ liên quan như tiếng Triều Tiên và Nhật Bản. Nay chúng ta cũng thấy rằng ưu điểm thứ hai và quan trọng nhất trong văn phạm của ta là không hề có các động từ bất quy tắc khó nhớ cũng như không cần phải chia đến mười bảy thì khác nhau. Như thế, lẽ ra văn phạm của chúng ta phải dễ hiểu hơn rất nhiều so với Anh và Pháp văn. Ngày xưa khi còn ở tiểu học, có lẽ Bác cũng đã được học giống như chúng tôi là, [Theo định nghĩa ta đã được học ở trường, thì trạng từ là tiếng bổ nghĩa cho động từ và tĩnh (dấu ngã)từ là tiếng bổ nghĩa cho danh từ.]. Sau đó, lên đến trung học thì học văn phạm Anh hoặc Pháp văn cho đến hết lớp Mười của chương trình 12 năm. Các lớp sau đó và lên đại học, sinh viên học sinh đã không còn phải học văn phạm nếu không vào các khoa văn chương hoặc Sư Phạm ban văn chương.
Tuy nhiên, khả năng Việt Ngữ nói chung và văn phạm nói riêng của sinh viên học sinh Saigon trước năm 1975 rất vững. Vì sao? Xin thưa, vì chương trình văn phạm Việt Ngữ (Quốc Văn) ngày xưa đã được soạn thảo cẩn thận và đúng hướng cả về chuyên môn lẫn phương pháp giáo dục!
Hãy nhìn lại Saigon và miền Nam trong hai mươi năm chiến tranh chống trả sự xâm lăng của cs Bắc Việt: trong suốt thời gian lửa khói, chúng ta đã không hề có được một viện ngôn ngữ với con số GS TS đong được hàng rổ như Hanoi hiện nay sau 37 năm hòa bình. Chưa nói đến sự đần độn về văn phạm Quốc ngữ của các GS TS “ngôn ngữ học” do cs đào tạo và tự phong, Bác hãy tìm xem có một GSTS nào của Hanoi mà không viết sai chính tả?
Nguyên nhân chính là chương trình văn phạm hiện nay mà cs gọi là “ngữ văn” đã và đang dạy trong nước. Môn học được gọi là “ngữ văn” trong nước đang dùng được viết bởi những thứ mán từ hang Pác Bó cũng như khỉ Trường Sơn đã khiến cho văn phạm Việt Ngữ vốn dĩ ngày xưa chúng ta học rất trong sáng và dễ hiểu, nay trở thành một mớ bòng bong rối rắm không lối ra. Nó rối rắm đến độ, những vấn đề từng là ấu trĩ đối với học sinh trung học đệ nhất cấp (dưới lớp Mười) của thập niên 1970 tại Saigon; nay đã là các “công trình nghiên cứu” đầy gian lao vất vả của các GS TS của “viện ngôn ngữ”. Chính sách ngu dân của đảng csVN trong vài mươi năm qua đã hoàn toàn thành công trong nước. Không những thế, nó còn len lỏi được vào ngay cả hàng ngũ những người tự xem là “trí thức về ngôn ngữ” tại hải ngoại, khi họ thiếu cảnh giác trong tiếp xúc với các tài liệu giảng dạy môn Văn học trong nước!
Dông dài chúng tôi chỉ muốn nói rằng, khi Bác viết: [Theo định nghĩa ta đã được học ở trường, thì trạng từ là tiếng bổ nghĩa cho động từ và tĩnh (dấu ngã)từ là tiếng bổ nghĩa cho danh từ.] thì đó là điều vô cùng căn bản mà chúng ta cần nắm vững để không bị sa vào đám lầy chữ nghĩa tối tăm!
Nếu Bác viết thêm, [Tôi thấy cách định nghĩa này bất cập và phi lý:… ] thì đó là điều vô cùng đáng tiếc: chúng ta đang giã từ ánh sáng để đi lạc vào vùng đen tối mà không tìm ra được lối thoát. Bởi vì đơn giản vô cùng, trong bài trả lời trước, chúng tôi dùng các định nghĩa về danh từ, tĩnh từ, và trạng từ… chỉ để nói đến vai trò của các loại từ kể trên trong một cấu tạo của từ kép/ghép mà thôi!
Sau khi một từ kép/ghép đã được hình thành rồi, thì vai trò văn phạm của từ kép/ghép đó trong câu sẽ tùy thuộc vào người dùng đặt nó vào vị trí nào chứ không thể có một quy luật bất di bất dịch!
Thí dụ, với chữ “an toàn”; Bác có thể đặt các câu sau đây:
1/ An toàn là bạn. Tai nạn là thù. (1)
Trong câu này, “An toàn” là một danh từ và là chủ từ trong câu.
2/ Hắn lái xe trong một cung cách an toàn. (2)
Trong câu này, “An toàn” là một tĩnh từ bổ nghĩa cho danh từ “cung cách”.
3/ Hắn điều khiển chiếc tàu một cách an toàn và tự tin. (3)
Trong câu này, “An toàn” lại trở thành một trạng từ bổ nghĩa cho động từ “điều khiển”.
Với việc chấp nhận các khái niệm adjective = tĩnh từ, adverb = động từ và xem các gramatical terms này chỉ là tên gọi, cho dù không chính xác tuyệt đối như Bác mong muốn; việc phân tích câu cũng như vai trò văn phạm của từng thành phần trong câu văn sẽ được giản dị đi rất nhiều.
Trong các phương pháp sư phạm đứng đắn, thì các biện pháp làm giản dị hóa các khái niệm và từ ngữ liên quan là bước khởi đầu của sự thành công cho việc đem kiến thức truyền thụ cho người khác.
Trong môn Văn Phạm Việt Ngữ nói riêng và Việt Văn/Quốc Văn cũng không là ngoại lệ. cs càng đặt ra nhiều quy luật bừa bãi và ngu xuẩn, Quốc Ngữ của chúng ta ngày càng khó hiểu và suy thoái trầm trọng hơn. Nó càng trầm trọng hơn không chỉ tại trong nước. Trí thức tại hải ngoại nếu thiếu trách nhiệm và vô ý thức sẽ vô tình tự biến mình thành cái loa tuyên truyền và phổ biến cái sai của chúng, ít nhất về mặt chuyên môn vào trong cộng đồng chung.
Nhiều lời chia sẻ cùng bác chung quanh chữ “toàn trị”. Mong rằng từ đó Bác đã rõ được lý lẽ của TQH khi phân tích cách dùng sai của chữ này!
Kính,
Chân Phương.