Vụ khủng bố ở Paris lại thêm một bằng chứng nữa về cái mà nhiều học giả uy tín từng nói đến: Vấn đề Hồi giáo. Đó là vấn đề mà học giả Samuel Huntington đã viết thành một cuốn sách nổi tiếng nhưng cũng gây ra nhiều tranh cãi. Tôi vẫn nghĩ cho đến nay, những tiên đoán của giáo sư Huntington về sự xung đột giữa thế giới phương Tây và Hồi giáo dần dần trở thành hiện thực — một cách đáng sợ.
Những ai không biết hay chưa nghe đến Samuel Huntington, tôi cần phải có vài dòng về học giả này. Ông từng là một giáo sư chính trị học của ĐH Harvard, tác giả của cuốn sách nổi tiếng The Clash of Civilizations (Xung đột giữa các nền văn minh), và gây ra nhiều tranh cãi. Ông còn là một chuyên gia cố vấn chiến lược trong thời chiến tranh ở Việt Nam, và là cha đẻ của ý tưởng Ấp Chiến Lược. Ông là một học giả xuất sắc, uyên bác, và có nhiều ảnh hưởng đến các chính phủ Mĩ. (Ngoài ra, ông còn là một người viết văn tuyệt vời, mà tôi hay nhắc đến mỗi khi ai hỏi về học tiếng Anh).
Cuốn “Xung đột giữa các nền văn minh” xuất phát từ những bài viết và bài nói chuyện của ông trong thập niên 1990. Trong đó, ông lí giải rằng thế kỉ 21 là thế kỉ của văn hoá, vì các quốc gia trên thế giới sẽ qui tụ với nhau thành nhiều nhóm dựa trên văn hóa và tôn giáo, nhưng không dựa trên ý thức hệ (như tự do và cộng sản) trong thời gian qua.Trong thế kỉ 21, người ta sẽ hỏi “Anh là ai” thay vì thay vì “Anh thuộc phe nào” như trong thời Chiến tranh lạnh. Câu hỏi đó thể hiện một sự chuyển biến về tư duy từ phe phái sang căn cước tính. Theo Huntington, sau thời kì Chiến tranh lạnh, các quốc gia trên thế giới sẽ tập trung thành 8 nhóm văn minh:
• Tây phương (chủ yếu là các nước theo đạo Kitô giáo);
• Châu Mĩ Latin;
• Phi châu;
• Chính thống giáo (tức các nước Đông Âu như Nga, Ukraine …);
• Ấn Độ giáo;
• Hồi giáo;
• Khổng giáo (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam); và
• Một khối gồm các quốc gia khác như Nhật.
• Châu Mĩ Latin;
• Phi châu;
• Chính thống giáo (tức các nước Đông Âu như Nga, Ukraine …);
• Ấn Độ giáo;
• Hồi giáo;
• Khổng giáo (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam); và
• Một khối gồm các quốc gia khác như Nhật.
Sau khi lí giải và phân loại các nền văn minh trên thế giới, Huntington tiên đoán những xung đột sẽ xảy ra trong tương lai. Cái luận án chính của cuốn sách “Xung đột giữa các nền văn minh” là: Cội nguồn của những xung đột trên thế giới trong tương lai là xung đột giữa các nền văn hoá và văn minh, chứ không phải là chia rẽ ý thức hệ giữa cộng sản và thế giới tự do, hay cạnh tranh kinh tế. Huntington cho rằng cái “fault line” (lằn ranh khuyết điểm) giữa các nền văn minh sẽ là những chiến trận của tương lai.
Nhưng nguy cơ lớn nhất, theo Huntington, là xung đột giữa Hồi giáo và phương Tây. Bằng cách sử dụng dữ liệu thống kê một cách thông minh, ông đưa ra những kiến giải (theo tôi là) rất thuyết phục. Qua những dữ liệu thống kê về chiến tranh và xung đột trong quá khứ, ông đi kến nhận định rằng biên giới của các nước Hồi giáo được xây dựng bằng chiến tranh và bằng máu. Thêm vào đó là Hồi giáo — một nền văn minh mà trong đó dân chúng tin rằng họ có một nền văn hoá ưu việt hơn nhưng lại kém quyền lực hơn văn minh phương Tây, nên người Hồi giáo vừa có mặc cảm yếu kém, vừa ngạo mạn về truyền thống vẽ vang của họ. Do đó, ông thẳng thừng tiên đoán rằng trong tương lai sẽ có sự xung đột lớn nhất và nguy hiểm nhất giữa hai nền văn minh phương Tây và khối Hồi giáo.
Nhiều học giả không đồng tình với luận án của Huntington, và họ có những kiến giải thông minh. Nhưng kiến giải của họ, nói theo khoa học, là bị lu mờ bởi những gì xảy ra trong thực tế. Nhìn qua “bản đồ” của những khủng bố gần đây (xem hình) thì quả thật những dự báo của Huntington đã thành hiện thực. Tất cả những vụ khủng bố đình đám và chết người đều dính dáng đến người Hồi giáo. Thử liệt kê: Barcelona 19/6/1987; vụ 9/11 ở Mĩ; Madrid 11/3/2004; London 7/7/2005; Paris 7/1/2015; Paris 13/11/2015. Tất cả đều do những tay súng người Hồi giáo chủ mưu và thực hiện.
Ấy thế mà vì lí do nào đó, giới lãnh đạo phương Tây vẫn cho rằng những vụ khủng bố đó chẳng liên quan gì đến Hồi giáo. Thật vậy, cứ mỗi lần có khủng bố thì các nhà lãnh đạo thường có những phát biểu quen thuộc: Chẳng có liên quan gì đến Hồi giáo cả; chỉ có một nhóm thiểu số cực đoan mượn danh Hồi giáo gây rối thôi. Nhưng tôi không chắc là họ thật sự tin vào những gì họ nói. Trong thực tế, rất có thể họ chỉ thốt lên những lời nói phải đạo, những lời nói mà Tây hay gọi là “lời nói dối quí phái” (noble lies). Trong thực tế, tất cả những vụ khủng bố đình đám và chết người đều có dính dáng đến người Hồi giáo — cực đoan hay không cực đoan.
Làm sao chúng ta có thể tin là không có dính dáng gì đến Hồi giáo, trong khi những tên giết người đó lúc hành sự đều hô “Allah is great” (Allah vĩ đại). Họ còn mang theo cờ quạt biểu tượng của Hồi giáo trong những trận khủng bố. Do đó, tôi đồng ý với ông dân biểu Anh Sajid Javid khi ông nói rằng “Câu trả lời lười biếng là những hành động khủng bố chẳng dính dáng gì đến Hồi giáo hay tín đồ Hồi giáo. Nhưng đó là câu trả lời sai và lười biếng.”
Sẽ có người phản bác rằng đạo nào cũng dạy người ta sống có đạo đức và vì lẽ phải, chỉ có tín đồ là làm bậy nhân danh tôn giáo mà thôi. Điều này chỉ đúng một phần, nhưng có thể không hẳn đúng cho Hồi giáo. Một cách công bằng, phần lớn các tôn giáo trong thời sơ khai và tranh giành lãnh địa đều có những bạo động. Nhưng sự bạo động của Hồi giáo phải nói là đặc biệt và tàn bạo hơn. Chưa thấy sách nào nói rằng Jesus và Phật Thích Ca cầm dao giết người, và hai vị này cũng chưa bao giờ kêu gọi đệ tử mình giết những người không theo đạo của mình. Nhưng sách sử Hồi giáo thì ghi nhận nhà tiên tri Mohamed từng tự tay mình chặt đầu cả bộ lạc người Do Thái vào năm 627 sau Công Nguyên.
Đọc lại những đoạn tả Mohamed chặt đầu người Do Thái làm chúng ta phải liên tưởng đến những tên IS đã chặt đầu các kí giả phương Tây và người Nhật. Truyền thống? Những hành động tàn bạo của những kẻ giết người trong nhóm IS làm cho những người Hồi giáo chính thống … líu lưỡi. Bằng chứng là một đại học ở Ai Cập tuyên bố rằng IS là những kẻ khủng bố, nhưng không thể xem họ là “dị giáo”!
Tôi có những người bạn Hồi giáo rất tốt. Nhưng qua quan sát chung quanh (ở Úc này) tôi có thể nói là người Hồi giáo, đặc biệt là người Ả Rập, rất ghét phương Tây. Ngay cả giới trí thức Hồi giáo cũng nghĩ thế. Họ rất ghét Mĩ, và lúc nào cũng xem Mĩ là kẻ thù, là nguồn cội của mọi vấn đề trong thế giới Hồi giáo. Họ lúc nào cũng tìm kẻ khác để đổ thừa cho những thất bại của họ, mà không chịu tự mình nhìn lại mình. Vì Úc thân Mĩ, họ cũng ghét luôn Úc — ghét cái nước mà họ phải xin sang đây tị nạn! Mới đây, một cậu bé chỉ mới 15 tuổi mà dám cầm súng bắn chết một nhân viên dân sự trong Sở Cảnh Sát ở một thành phố Úc — cậu bé này cũng là người Hồi giáo. Trước đó (năm ngoái), một tên khủng bố khống chế con tin ngay tại trung tâm thành phố Sydney, làm cho cảnh sát phải hành động gây chết cho 1 người — thủ phạm cũng là một người Hồi giáo gốc Iran và đến Úc theo qui chế tị nạn!
Thật tình, tôi không tin những gì giới lãnh đạo phương Tây nói là những vụ khủng bố không liên quan đến Hồi giáo. Bằng chứng thực tế đều chỉ ra rõ ràng rằng có nhiều người Hồi giáo thiếu tính khoan dung và không muốn hội nhập với thế giới, cho dù họ đang sống trong thế giới đó và được thế giới đó cưu mang. Huntington thật có lí khi ông dự báo rằng những xung đột trong tương lai sẽ xuất phát từ sự tương tác giữa tính ngạo mạn của phương Tây và tính bất khoan dung của Hồi giáo (và ông còn thêm ở một đoạn cuối của cuốn sách rằng, sự xung đột cũng sẽ xảy ra giữa sự suy thoái của phương Tây và sự quyết đoán của Tàu cộng). Ở đây, Huntington càng có lí khi ông nhận xét rằng các học giả phương Tây hay biện minh rằng phương Tây chẳng có vấn đề gì với Hồi giáo, mà chỉ có vấn đề với Hội giáo cực đoan, nhưng các học giả này đã sai, sai từ hơn 1400 năm trước.
Nguyễn Văn Tuấn