Tại các quốc gia dân chủ việc nhân dân trao quyền cho nhà nước để quản lý xã hội, qua các cuộc bầu cử định kỳ, tự do và kín bằng phương thức phổ thông đầu phiếu, từ lâu đã trở thành một truyền thống. Bằng phương thức trao quyền hợp hiến và hợp pháp này, các vị cầm đầu nhà nước đương nhiên được hưởng sự chính danh trong vai trò lãnh đạo của mình. Mỗi khi có sự trao quyền như vậy, mọi việc thường diễn ra một cách êm đẹp, vì luật chơi đã được mọi người thỏa thuận và tuyệt đối tôn trọng.
Trái lại đối với các nước cộng sản, như mọi người đều biết, sự việc không đơn giản như vừa nói. Tại các quốc gia này, quyền lực của nhà nước không được nhân dân trao chuyển qua các cuộc bầu cử hợp pháp mà luôn luôn là do sự tiếm đoạt bằng bạo lực. Vì thế mà không có chính danh. Hậu quả là những người lãnh đạo cộng sản, Đông cũng như Tây, đã phải nghĩ ra nhiều cách giải thích có tính cách phỉnh gạt và lừa bịp để ru ngủ quần chúng ngõ hầu có thể kéo dài tối đa thời gian ở lại chính quyền.
Thuyết chính danh cần thiết để tìm hiểu quá trình đổ vỡ của khối cộng sản quốc tế và để tiên đoán tương lai của các nước cộng sản còn sót lại trên thế giới vì khủng hoảng chính danh chính là bước đầu của tiến trình tan rã của các thể chế cộng sản nói chung.
Khủng hoảng chính trị trong xã hội cộng sản
Trước khi đi sâu vào sự phân tích các loại khủng hoảng trong xã hội cộng sản, cần phân biệt định nghĩa của thuật ngữ “thể chế” (system) với thuật ngữ chế độ (regime). Thể chế bao gồm tất cả các cơ chế (structure), tiến trình (process) và hiện tượng (phenomenon) liên quan đến chính quyền, trong khi chế độ chỉ nhắm vào một nhóm người lãnh đạo trong một khoảng thời gian nào đó. Thí dụ, người ta có thể nói thể chế cộng sản Liên Xô và chế độ Gorbachev. Các thuật ngữ này sẽ được dùng tới trong những đoạn viết tiếp theo.
Thuyết chính danh giữ vị trí hàng đầu trong thứ tự phát hiện 4 loại khủng hoảng chính trị tại những nước tự coi là xã hội chủ nghĩa theo mẫu hình Stalinít. Hai loại đầu tương đối ít nghiêm trọng, loại thứ ba khá nguy hiếm và loại thứ tư là loại đưa đến sụp đổ hoàn toàn. Điều cần lưu ý ở đây là các loại khủng hoảng này không nhất thiết phải xảy ra một cách tuần tự. Đôi khi một hai loại khủng hoảng có thể xảy ra trong cùng một thời điểm.
Loại khủng hoảng thứ nhất : Loại này xuất hiện khi có sự thay đổi cách giải thích để biện minh cho vai trò lãnh đạo của những người cầm quyền (legitimation shifts) . Nói khác, đây là loại khủng hoảng chính danh theo dung nghĩa của nó. Phải thay đổi cách giải thích tức là đã có vấn đề trong chính trị.
Mặc dầu vấn đề chưa trầm trọng lắm vì đảng cộng sản vẫn còn tin tưởng rằng sau khi thay đổi cách giải thích họ sẽ có thể kéo dài thời gian ở lại chính quyền, nhưng nếu xét theo khung cảnh phát triển của thể chế thì đây là giai đoạn đầu của sự tuột dốc. Chính sách “kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa” của CSVN nằm trong diện khủng hoảng thứ nhất này.
Loại khủng hoảng thứ hai là sự thay đổi chế độ một cách bất bình thường (abnor-mal regime change) . Khủng hoảng này xảy ra khi một nhóm lãnh đạo nào đó, vì mất uy tín, tự ý rút lui hoặc bị đảng quyết định thay thế vì bất lực. Sự thay thế này cần thiết để trấn an dân chúng và gây ảo tưởng là những khó khăn đương gặp phải sẽ được nhóm lãnh đạo mới giải quyết hoặc cải thiện. Hiện tượng lên ngôi vội vàng của Lê Khả Phiêu ở Việt Nam có thể dùng để minh họa loại khủng hoảng thứ hai này.
Loại khủng hoảng thứ ba là sự trở lại lề lối cai trị bằng bạo lực (reversion to coer-cion). Khủng hoảng này xuất hiện khi mọi tiểu sảo dùng để giải thích chính danh đã không còn thuyết phục nữa và ngay cả sự tồn tại của thể chế cũng đang bị các xáo trộn trong nước đe dọa nặng nề. Phản ứng cố hữu của các chính quyền cộng sản trong trường hợp này là quay vê việc dùng bạo lực và khủng bố để cưỡng ép dân chúng tuân theo đường lối cai trị lỗi thời của mình.
Khủng hoảng này là hậu quả tất yếu của tầm nhìn thiển cận và bản chất tham quyền cố vị của những người lãnh đạo cộng sản, nhất là những người lãnh đạo cộng sản A Châu. Những người này không bao giờ chịu tự giác nhìn nhận là họ đã mất hết hả năng điều khiển đất nước. Trường hợp của Tiệp Khắc năm 1969, Ba Lan năm 1981 và của Trung Cộng năm 1989 (với vụ thảm sát Thiên An Môn) là những trường hợp nằm trong loại khủng hoảng thứ ba này.
Loại khủng hoảng thứ tư là khủng hoảng về bản chất của thể chế (identity crisis). Khủng hoảng này xảy ra khi nào tất cả hay một số lãnh tụ có uy tín nhận xét rằng họ đã mất hết khả năng cai trị và cái thể chế họ phục vụ không còn lý do tồn tại. Đây là loại khủng hoảng đưa đến sự sụp đổ hoàn toàn. Tiến trình sụp đổ gồm hai giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất : Trong giai đoạn này nhóm lãnh đạo cộng sản bị bắt buộc phải ly khai với kinh tế hoạch định để chuyển sang kinh tế thị trường, điều mà trước đây họ coi như tuyệt đối cấm kỵ vì trái với bản chất của chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên với sự ly khai này, họ chỉ chịu thị trường hóa kinh tế trong khi vẫn ngoan cố không chịu dân chủ hóa chính trị.
Hậu quả của chính sách cải cách nửa vời này là thể chế trở nên lai căng với tất cả thói hư tật xấu của sự lai căng đó., trong khi những nét tích cực của kinh tế thị trường thì lại hoàn toàn thiếu vắng. Giai đoạn này càng kéo dài bao nhiêu thì xã hội càng thối nát, dân chúng càng bất mãn và chính quyền càng bị cô lập bấy nhiêu.
Giai đoạn thứ hai : Trong giai đoạn này nhóm lãnh đạo cộng sản ý thức được rằng cái mẫu hình phát triển đất nước mà từ trước đến giờ họ theo đuổi thật ra chỉ là ảo tưởng. Do đó họ quyết định rời bỏ chính quyền và thể chế sụp đổ. Giai đoạn thứ hai này đã xảy ra tại Đông u vào năm 1989. Đối với Trung Quốc và Việt Nam thì giai đoạn thứ nhất của cuộc khủng hoảng này vẫn còn đang tiếp tục.
Dự đoán tương lai của Trung Quốc và Việt Nam
Trước khi xảy ra cuộc cách mạng dân chủ năm 1989 tại Đông u, các lãnh tụ cộng sản Trung Quốc và Việt Nam đã được hưởng một thời vàng son vì nhân dân hai nước này đã nhắm mắt theo họ để mong thoát khỏi cảnh nghèo đói lạc hậu và tiến lên thiên đường cộng sản. Những người nông dân Trung Hoa và Việt Nam, mà đa số là nông dân thực thà, chất phác và ít học, đã chịu hy sinh đủ mọi thứ, kể cả tự do và nhân phẩm, để theo đuổi một ảo vọng không bao giờ đạt tới.
Ngày nay thì tình thế đã hoàn toàn đổi khác. Sau khi các quốc gia cộng sản Đông u và “quê hương cách mạng Liên Sô” sụp đổ, không ai còn tin vào kinh tế hoạch định và thiên đường cộng sản nữa. Trước mắt người dân Trung Quốc cũng như Việt Nam, một mẫu hình tốt đẹp hơn và thực tế hơn để đạt hạnh phúc đã xuất hiện : đó là kinh tế thị trường và thể chế dân chủ tự do mà trước đây để năm độc quyền lãnh đạo, các lãnh tụ cộng sản đã dụng tâm bôi nhọ bầng những xảo thuật tuyên truyền lừa bịp.
Chính các lãnh tụ cộng sản Trung Quốc và ViệtNam cũng tự thấy là họ đã đi lầm đường, nhưng vì đang ở thế cưỡi lưng cọp nên họ không dám làm gì khác hơn là nhắm mắt đi theo con đường cũ. Tuy nhiên, những tiếng nói của họ nhằm đề cao vở tuồng “xã hội chủ nghĩa” lỗi thời, giờ đây, nghe như lạc long vì nhân dân đã tỉnh ngộ.
Tại Trung Quốc và Việt Nam ngày nay, người ta đã phát hiện một loại khế ước xã hội mặc nhiên giữa chính quyền cộng sản và nhân dân. Khế ước đó được hiểu như sau : chúng tôi cam kết làm việc nghiêm túc nhưng qúy vị cũng phải cam kết trả lương cho chúng tôi đúng kỳ hạn. Nói khác nếu nền kinh tế tiếp tục phát triển thì nhân dân tiếp tục sống trong trật tự và những người lãnh đạo cứ việc tiếp tục ở lại chính quyền. Ngược lại nếu nền kinh tế trở nên suy sụp làm cho đời sống gặp khó khăn thì nhân dân sẽ nổi lọan để đòi lại quyền làm chủ đất nước.
Một câu hỏi được nêu lên là : nếu nền kinh tế những nước đó cứ tăng trưởng đều đều thì việc gì sẽ xảy ra ? Tác giả Tsuyoshi Hasegawa, sau khi nghiên cứu trường hợp của Trung Quốc và Việt Nam cho rằng nếu không có sự lật đổ bằng một cuộc cách mạng thì sư ̣ chuyển thể chính trị tại các quốc gia này, từ thể chế toàn tài sang thể chế dân chủ sẽ kinh qua ba giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất. Trong giai đoạn đầu, chính quyền cộng sản bắt buộc phải chuyển từ toàn tài (totalitarianism) sang độc tài (authoritarianism). Sở dĩ như vậy là vì sau Chiến Tranh Lạnh, sư biến dạng của Liên Sô trên bàn đồ chính trị thế giới, sự thức tỉnh chính trị của nhân dân Trung Quốc và Việt Nam, và sự tác động của hiện tượng kinh tế toàn cầu đã là những lực cản vô hình không cho phép chính quyền cộng sản ở các nước này quá sức lộng hành.
Mặc dầu tình trạng độc đảng vẫn còn nhưng một số tự do đã được công nhận. Chính trị vẫn bị kiểm soát chặt chẽ nhưng kinh tế đã được nới lỏng đôi phần. Bắc Kinh hiện đang có những cố gắng âm thầm để thực hiện bước chuyển mình này trong khi Việt Nam vẫn u mê chưa biết phải làm gì để tìm ra một lối thoát cho công cuộc khủng hoảng toàn diện hiện nay.
Giai đoạn thứ hai được mệnh danh là giai đoạn dân chủ hiến ̣định (constitutionel democracy). Chế độ độc đảng vẫn còn nhưng những quyền tự do quy định trong hiến pháp được công nhận, và mọi thực thể chính trị ở trong nước, kể cả đảng cộng sản, đều nhất nhất phải tuân hành hiến pháp và luật pháp. Ở Trung Quốc đã có một vài dấu hiệu cho thấy là chĩnh quyền cộng sản muốn nhanh chóng tiến tới một nền dân chủ hiến định để giảm áp lực quốc tế và thu hẹp mâu thuẫn quốc nội. Tại Việt Nam người ta chưa ghi nhận được một sự chuyển biến nào tương tự.
Giai đoạn thứ ba là giai đoạn dân chủ hóa thực sự. Độc quyền lãnh đạo của Đảng bị hủy bỏ để nhường chỗ cho sinh hoạt chính trị đa nguyên, cho những cuộc bầu cử định kỳ bằng phổ thông đầu phiếu, cho tự do báo chí và những tự do căn bản khác. Xã hội sẽ là một xã hội công dân trong đó dân quyền và nhân quyền được mọi người tôn trọng. Kinh tế thị trường cũng sẽ được hoàn chỉnh và đất nước sẽ hội nhập trọn vẹn vào giòng chủ lưu của nhân loại. Việt Nam có thể tiến nhanh hơn Trung Quốc vì kích thước nhỏ hẹp hơn, nhưng với điều kiện là các người lãnh đạo cộng sản phải chịu mở mắt để nhìn thấy đưởng đi.
Nhiều người bi quan cho rằng có lẽ phải chờ cho một vài thế hệ lãnh đạo cộng sản già nua theo nhau xuống âm phủ thì đất nước mới có cơ may được sống thoải mái và mở mày mớ mặt. Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu thời cuộc lại cho rằng thể chế cộng sản tại Việt Nam sẽ chấm dứt nhanh chậm tùy theo sự thất bại hay thành công của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam trong việc phát triển kinh tế, tùy theo tốc độ và quy mô phổ biến của hiện tượng toàn cầu hóa, và tùy theo nhịp độ tiến bộ của các phương tiện truyền thông đại chúng.
Loại phân tích tình hình chính trị của các nước cộng sản độc tài toàn trị căn cứ trên những dữ kiện liên quan đến việc phát triển kinh tế, hiện tượng toàn cầu hóa và phương tiện truyền thông đại chúng, đã tỏ ra chính xác và đáng tin cậy vì đã tiên liệu được một số biến cố chính trị xảy ra trên thế giới.
Nguyễn Cao Quyền
Tháng 5 năm 2015