Kiểm duyệt không phải là điều mới lạ trong lịch sử nhân loại. Nó đã có mặt và đi theo gần suốt chiều dài lịch sử. Để ngăn cản, để tiêu diệt một kẻ thù vô hình và dai sức: tự do diễn đạt.
Sự thể là như thế này: một mặt, con người luôn luôn muốn bày tỏ, muốn nói lên những suy nghĩ của mình về cuộc sống, nhất là khi có chuyện bất như ý, họ lại càng muốn nói ra; mặt khác, những kẻ có nhiệm vụ trị dân lại chỉ muốn “trị”, nghĩa là chỉ muốn nghe những gì mình thích nghe, những gì không có hại cho quyền lợi và địa vị của họ. Tính hình đó đưa đến chỗ: kẻ thì muốn nói, người lại tìm cách không cho nói. Kẻ muốn nói thì thấp cổ bé miệng. Người không muốn nghe lại có gươm, có súng, có quyền. Thế là kẻ có quyền phải tìm cách bịt miệng kẻ vô quyền. Để hợp pháp hóa hành vi bịt miệng, kẻ có quyền bèn tạo ra những quy định, những lệ, những phép…- và khi cần, tự vi phạm chúng – nhằm mục đích buộc mọi người phải khuất phục. Kiểm duyệt!
Hầu hết mọi người đều sợ, nên tự ngậm miệng hay đành chịu để bị bịt miệng. Nhưng cũng có người không sợ, vẫn tìm cách này hay cách khác để nói. Thế là diễn ra cảnh cấm đoán, truy nã, bắt bớ, tù đày và giết chóc. Cấm thì cấm, bắt thì bắt, tù thì tù, giết thì giết, con người vẫn cứ nói.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Phùng Quán
Cấm nói và cứ nói. Kiểm duyệt và tự do diễn đạt.
Cuộc song đấu lịch sử đó vẫn còn tiếp diễn.
Một trong những hình thức kiểm duyệt sớm nhất và phổ biến nhất diễn ra ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ ba trước Tây Lịch (TL). Vào khoảng năm 221 (trước Tây lịch), Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, khi thống nhất đất nước sau hàng chục năm ly loạn, tìm cách tập trung mọi quyền hành trong tay. Là người bị ám ảnh về quyền hành tuyệt đối và sự bất tử của triều đại do mình lập ra, ông luôn luôn cảm thấy bất an về ngôi vị mà mình chiếm được, nên tìm mọi cách khống chế người dân, không những bằng hình phạt, bằng tù đày mà còn bằng tư tưởng. Tiêu diệt tư tưởng tức là tiêu diệt mọi nguồn chống đối nhằm buộc mọi người phải tuyệt đối trung thành với mình. Cao điểm của chính sách kiểm duyệt này là sự kiện “phần thư khanh nho” (đốt sách chôn học trò) xảy ra vào năm 231 (trước TL). Cố vấn Lý Tư tâu với Tần Thủy Hoàng:
Thần xin đốt tất cả các sách sử, trừ những sách sử của nhà Tần. Trừ những người làm chức bác sĩ, ai cất giấu Kinh Thư, Kinh Thi, sách vở của trăm nhà thì đều đem đến các quan thú, quan úy mà đốt đi, hai người dám bàn nhau về việc Kinh Thi, Kinh Thư thì chém giữa chợ, lấy đời xưa mà chê đời nay thì giết cả họ. Quan lại biết mà không tố cáo, thì cũng bị tội. Lệnh ban ra trong ba mươi ngày không đốt sách thì khắc vào mặt cho đi thú để xây và canh giữ trường thành. Những sách không bỏ là sách thuốc, sách bói, sách trồng cây. Ai muốn học pháp luật thì thờ quan lại làm thầy.
Sử ký Tư Mã Thiên
Sau đó là đốt và giết, giết và đốt. Nhưng không giết được hết mà cũng chẳng đốt được hết. Vì chỉ đốt và giết được cái hữu hình, những không giết và đốt được cái vô hình: tư tưởng.
Nhưng nạn nhân đầu tiên của chế độ kiểm duyệt trong lịch sử nhân loại phải nói là Socrates (469-399), nhà hiền triết, sống hơn hai thế kỷ trước Tần Thủy Hoàng tại thành phố Athenes (Hy Lạp). Tuy chấp nhận chế độ dân chủ, và người dân được quyền phát biểu ý kiến của mình, nhưng nhà cầm quyền Athenes vẫn có những hạn chế nếu các phát biểu đụng chạm đến những niềm tin riêng và truyền thống có sẵn. Với sự tin tưởng mãnh liệt vào sức mạnh của các cuộc thảo luận tự do, Socrates không thừa nhận bất cứ hình thức kiểm duyệt nào. Những điều ông phát biểu, vì thế, khác hẳn, thậm chí, đi ngược lại những niềm tin truyền thống của thành phố. Vì thế, nhà cầm quyền đã mang ông ra xử vì tội đã “thứ nhất, không thờ phượng những thần thánh mà thành phố thờ phượng, và đưa vào những thần thánh của riêng mình, và thứ hai, là làm hư hỏng giới trẻ”. Socrates chấp nhận bản án tử hình chứ nhất quyết không chịu thay đổi thái độ. Ông bị buộc uống thuốc độc chết vào năm 399 trước Tây Lịch(TL).
Điều trớ trêu là người môn đệ thân yêu của ông, Platon (428-348), dù kết án những người xử tử thầy mình, nhưng lại không bênh vực quyền tự do tư tưởng. Không những thế, lại còn chủ trương thi hành chặt chẽ chính sách kiểm duyệt. Phác họa một đô thị lý tưởng, kallipolis, trong tác phẩm “Republic”, Platon đòi áp đặt một số giới hạn trên nội dung và phương tiện truyền bá nghệ thuật mà ông cho là hàm chứa sự đe dọa đối với sự công chính, yếu tố mang lại thành công cho đô thị lý tưởng. Thi ca, kịch nghệ và âm nhạc cần được giáo dục cho trẻ con nhưng phải được kiểm duyệt chặt chẽ, nhất là âm nhạc. Vì theo ông, với phẩm tính trừu tượng của nó, âm nhạc có thể tạo nên điều tốt nhưng đồng thời cũng tạo ra điều dữ. Ông đề nghị gửi những nhà thơ và nhà viết kịch ra khỏi đô thị lý tưởng của mình. Đồng thời đòi kiểm duyệt cả những câu chuyện kể của mẹ hay người vú cho những ấu nhi.
Kiểm duyệt, tiếng Anh là “censor”. Truy nguyên gốc gác của từ này đưa ta trở về với sự thành lập “Sở kiểm duyệt” (office of censor) ở Cộng Hòa La Mã (1), vào khoảng năm 443 trước Tây Lịch. Censor, người kiểm kê, là chức năng để chỉ hai viên thẩm phán cao cấp của nước cộng hòa, phụ trách đăng ký và kiểm tra dân số cũng như tài sản của người công dân nhằm mục đích thu thuế, tổ chức bầu cử và tuyển lính. Dần dà, công việc mở rộng và quyền hành của viên chức kiểm kê lớn dần và cuối cùng trở thành một người chính thức có quyền phán xét về tư cách và đạo đức của người công dân. Kiểm kê trở thành kiểm duyệt. Tất cả những công dân La Mã, thường dân cũng như giới giàu có, đều có thể mất đi quyền dân sự của mình nếu những viên chức kiểm duyệt cho là không tuân theo những chuẩn mực đạo đức được đề ra. Vào thời kỳ cuối của Cộng Hòa La Mã (khoảng giữa thế kỷ thứ 1 trước Tây Lịch), censor là viên chức có quyền hành lớn nhất trong Cộng Hòa La Mã.
Đến thời kỳ Đế Quốc La Mã (Roman Empire) (2), khi quyền hành tập trung vào một người có vai trò như là hoàng đế, thì kiểm duyệt lời ăn tiếng nói của người công dân mặc nhiên trở thành một trong những chính sách cốt lõi của nhà cầm quyền. Người công dân, ngoại trừ một thiểu số có đặc quyền đặc lợi, không có quyền phát biểu tự do giữa chốn công cộng, nếu bất tuân, họ sẽ bị xử phạt. Vua chúa mấy ai muốn nghe những lời trái tai. Hoàng đế Nero (37-68 sau TL) nổi tiếng không thua gì Tần Thủy Hoàng về chuyện đày ải những ai dám phê bình mình và sẵn sàng đốt sách của những người trí thức. Constantine (272-337) còn đi xa hơn Nero. Trong khi ban hành những đạo luật hợp pháp hóa Thiên Chúa Giáo, ông ra lệnh đốt tất cả các tác phẩm của triết gia Hy Lạp là Arius chỉ vì nội dung của chúng không phù hợp với tư tưởng đương thời.
Vị vua kế tiếp, Theodolius (347-395), biến Thiên Chúa Giáo thành quốc giáo, đưa đến sự thành lập Giáo Hội Công Giáo La Mã, tạo nên một liên minh chặt chẽ giữa nhà nước và giáo hội, kéo dài hơn mười thế kỷ về sau. Với một hệ thống cai trị bao gồm cả thần quyền lẫn thế quyền, cơ chế Nhà Nước/Giáo Hội trở thành một quyền lực kiểm duyệt bao trùm. Giáo hội quyết định cái gì đúng cái gì sai, cái gì được đọc, cái gì bị cấm chỉ. Nói chung, bất cứ quan điểm nào chống lại hoặc khác với quan điểm của Giáo Hội đều là sai lầm, là tà giáo, phải bị tẩy trừ. Năm 496, một sắc lệnh đặc biệt do Giáo Hoàng Gelasius ban hành, liệt kê tất cả những cuốn sách bị xem là có tính cách tà giáo (heretical) và ngụy tác (aprocryphal) cấm không được lưu hành trong công chúng.
Để tăng cường hơn nữa sự kiểm duyệt, vào năm 1231, giáo hoàng Gregory cho thành lập Tòa Án Dị Giáo (Inquisition), nhằm đưa ra xử những tác giả có quan điểm vượt ra ngoài sự kiểm soát của giáo hội.
Vào giữa thế kỷ thứ 15, máy in được phát minh. Sự xuất hiện của máy in đưa đến một hệ quả lớn lao là sự ra đời của sách in và rồi là báo chí. Con người đột nhiên có thêm một nhu cầu hoàn toàn mới mẻ: thông tin và truyền bá thông tin. Nhu cầu truyền thông đưa đến một dịch vụ mới mẻ khác là ngành bưu điện. Được thành lập ở Pháp cũng vào thế kỷ 15, dịch vụ bưu điện sớm trở thành một phương tiện truyền bá thông tin vô cùng hữu hiệu và sâu rộng giữa cá nhân/cá nhân cũng như giữa quốc gia/quốc gia. Những phát minh và những dịch vụ mới mang lại cho nhà nước và Giáo Hội rất nhiều thuận lợi trong việc phổ biến sâu rộng các chính sách của nhà nước cũng như việc truyền giáo, nhưng đồng thời lại tạo ra những thách thức nghiêm trọng trong việc giữ gìn sự ổn định và truyền thống. Để đối phó với những thách thức đó, Giáo Hội La Mã tìm cách kiểm soát các trường đại học và các nhà xuất bản xuyên qua một sắc lệnh ban hành vào năm 1543, quy định: không cuốn sách nào có thể được in hay được bán ra nếu không có phép của Giáo Hội. Theo chân Giáo Hội, năm 1563, vua Charles IX của Pháp ban hành sắc lệnh tương tự: không cuốn sách nào được in hay bán nếu không có phép của nhà vua. Mặt khác, để chận đứng sự lan truyền các thông tin có hại, nhà nước độc đoán phải đặt một hệ thống kiểm duyệt thư từ và sách báo chuyển qua đường bưu điện.
Cũng trong thời gian đó, hạn từ kiểm duyệt có thêm ý nghĩa mới với sự ra đời của “Index Librorum Prohibitorum” do Giáo Hoàng Paul IV ban hành lần đầu tiên vào năm 1559. “Index Librorum Prohibitorum”, nghĩa là danh sách những cuốn sách bị cấm lưu hành, (”List of Prohibited Books) là bảng liệt kê những cuốn sách được xem là nguy hiểm, có nội dung gieo rắc tà đạo. Danh sách này được bổ sung với những điều chỉnh, cập nhật qua nhiều thế kỷ và nhiều triều đại Giáo Hoàng khác nhau. Đợt ban hành cuối cùng là vào năm 1948. Người ta ước chừng trước sau có đến hàng ngàn tác phẩm nằm trong danh sách cấm nói trên. Mãi đến năm 1966 thì Giáo hoàng Paul VI mới chính thức bãi bỏ “Index Librorum Prohibitorum.” (3)
Có thể nói, quyền tự do phát biểu và tự do tư tưởng là một đe dọa đối với những nhà cầm quyền trước kỷ nguyên Thiên Chúa Giáo và lại càng là một đe dọa đối với thời kỳ liên kết giữa nhà nước và giáo hội La Mã. Thành thử, cuộc tranh đấu giành quyền tự do phát biểu luôn luôn đi bên cạnh lịch sử lâu dài của quyền lực kiểm duyệt. Nói một cách khác, lịch sử tư tưởng của nhân loại là lịch sử của cuộc đấu tranh giành giựt quyền tự do được phát biểu từ các nhà cầm quyền chuyên chế. Trong những thời kỳ đen tối nhất, nhiều tác phẩm vẫn được sáng tác, được chép, được bí mật truyền bá, bất chấp sự bắt bớ, tù đày hay giết hại. Đó là một cuộc đấu tranh thụ động, thầm lặng nhưng không kém phần gay gắt chống lại chính sách kiểm duyệt. Trong cuộc đấu tranh không cân sức này, người đấu tranh không hề muốn giành giựt bất cứ một quyền lợi nào khác ngoài một thứ quyền lợi tinh thần, thứ quyền đã được Socrates vinh danh qua cái chết đầy tính cách dâng hiến của mình mấy ngàn năm trước.
Trong thực tế, qua hàng ngàn năm, đó là một cuộc tranh đấu vô hình và bất tương xứng: những con người bé mọn, vô danh, vô quyền đương đầu với những hệ thống quyền lực khổng lồ, năng động và có khi, vô tâm. Mãi cho đến thế kỷ thứ mười bảy, khi lý trí, quyền lợi và phẩm giá cá nhân được coi trọng thì quyền tự do phát biểu mới trở thành chủ đề cho các tranh cãi và sau đó dần dà được luật pháp bảo vệ. Khuôn mặt sáng giá nhất trong cuộc đấu tranh cho quyền tự do phát biểu thời kỳ này là John Milton (1608-1674). Có thể nói, bắt đầu từ Milton, sự tự do phát biểu hay tự do ngôn luận mới trở thành một lý thuyết, một thứ “quyền”.
Milton vừa là nhà văn, nhà thơ, nhà biện thuyết và là một viên chức nhà nước. Ông chịu ảnh hưởng nặng nề của thánh kinh và các quan điểm cổ điển, nhưng lại hoàn toàn đứng ra ngoài giòng tư tưởng chính mạch đương thời. Vào ngày 23/11/1644, ông cho công bố một bài viết có tựa đề “Areopagitica, a Speech for the Liberty of Unlicensed Printing, to the Parliament of England”. Thay vì phát biểu trước Nghị Viện, ông cho in bài diễn văn trong một tập sách nhỏ phân phát cho các nghị viên với hàm ý thách thức với chính sách kiểm duyệt thời bấy giờ. Trong bài diễn văn, ông chống lại đạo luật về kiểm duyệt “Licensing Act” do Nghị Viện ban hành một năm trước đó cho phép phục hồi lại chế độ kiểm duyệt tất cả nội dung sách trước khi xuất bản (pre-publication censorship) đã từng được áp dụng trước đó. Vừa trở về từ Ý sau khi viếng thăm Galileo trong tù, Milton yêu cầu Nghị Viện không nên thay thế sự độc đoán của Giáo Hội Công Giáo bằng sự độc đoán của nhà nước. Cần ghi nhận, Milton không binh vực cho một thứ tự do phát biểu hay in ấn tùy tiện, nhưng chủ trương rằng sách không thể bị trù dập, bị cấm đoán trước khi xuất bản. Theo ông, những cuốn sách có nội dung phản phúc, vu cáo hay báng bổ phải được xử theo luật trước khi bị cấm và tác giả phải chịu hình phạt. Thông tin và các ý tưởng phải được trao đổi một cách tự do để người ta có thêm kiến thức và hiểu biết trên con đường tìm đến chân lý. Chân lý và sai lầm cần phải được tranh cãi và qua tranh cãi, cái chân lý thực sự mới có điều kiện để lộ diện. Milton quả quyết: “Giết một con người cũng giống như tiêu hủy một cuốn sách hay: ai giết một người tức là giết đi một tạo vật có lý trí, hình ảnh của Thượng Đế; nhưng nếu anh ta tiêu hủy một cuốn sách hay, là anh ta vừa giết chết chính lý trí vừa giết chính hình ảnh chân thực của Thượng Đế trong mắt mình” (4). Milton kết luận bài phát biểu bằng cách nhấn mạnh đến tự do tinh thần, tự do ý thức và cho đó là thứ tự do cao hơn tất cả mọi tự do. “Hãy cho tôi tự do tìm biết, tự do phát biểu và tranh cãi một cách tự do theo ý thức, ở trên tất cả mọi thứ tự do.” (5)
Nghị Viện Anh chẳng hề bị thuyết phục bởi lập luận của Milton, và luật kiểm duyệt vẫn được duy trì, nhưng bài diễn văn của Milton đã trở thành một di chứng cho quyền tự do dân sự (civil liberty). Có thể xem đó là bài tham luận quan trọng đầu tiên về tự do ngôn luận, tự do báo chí, là ngọn hải đăng thực sự của thời kỳ ánh sáng. Nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều tác giả đòi hỏi bãi bỏ kiểm duyệt về sau và là một trong những nguồn được trích dẫn nhiều nhất cho các lý luận về quyền tự do phát biểu. Nó cũng góp phần làm mất hiệu lực của đạo luật “Licensing Act” năm mươi năm về sau, năm 1694, và là tiền đề cho các đạo luật bãi bỏ kiểm duyệt ở các nước Châu Âu vào thế kỷ thứ 18. Thụy Điển là nước đầu tiên bãi bỏ kiểm duyệt và đưa ra luật bảo vệ tự do báo chí vào năm 1776. Đan Mạch, Na Uy theo gương vào năm 1770. Năm 1787, Tu Chính Án Thứ Nhất (First Amendment) được đưa vào Hiến Pháp Hoa Kỳ và đạo luật về Quyền Dân Sự (Bill of Rights) sau này cũng được xem như là hiện thân trực tiếp của Areopagitica. Năm 1789, Quốc Hội Pháp thông qua một đạo luât về tự do tư tưởng, xác định rằng “Tự do truyền đạt tư tưởng và ý kiến là một trong những quyền quý giá của con người; mỗi một công dân do đó có thể phát biểu, viết lách và in ấn tự do.
■ ■ ■
Cuộc chiến đấu lâu dài và gian truân của con người qua hàng ngàn năm (có nước mắt và có máu) cho quyền tự do ngôn luận tưởng là đã có thể hoàn toàn chấm dứt vào thế kỷ 20. Không. Trong suốt thế kỷ 20 và kéo qua thế kỷ 21, lấy lý do an ninh quốc gia và quyền lợi đất nước trong thời kỳ có chiến tranh, lấy lý do tôn giáo, lấy lý do chủ nghĩa hay nhiều lý do linh tinh khác, nhiều nước vẫn cho áp dụng chính sách kiểm duyệt để kiểm soát tư tưởng của người dân. Ở những nước đó, quyền tự do phát biểu vẫn còn là điều cấm kỵ.
Nhưng có thể nói, không ở đâu mà chế độ kiểm duyệt kéo dài lâu nhất, tinh vi nhất, khắt nghiệt nhất bằng chế độ kiểm duyệt ở nước Nga Xô Viết. Đế quốc Nga trước đây vốn đã có một truyền thống kiểm duyệt nghiêm khắc, đã phải chịu đựng một sự thay đổi khi các nước Trung Âu phong trào tư tưởng phát triển mạnh mẽ. Nhờ thế nước Nga được hưởng một thời gian kiểm duyệt được nới lỏng. Nhưng chỉ kéo dài khoảng 10 năm, từ 1855 đến 1865 trong thời kỳ trị vì của Nga Hoàng Alexander II. Trong thập niên này, báo chỉ được hưởng nhiều tự do hơn và những tư tưởng cải cách được công khai phát biểu trên báo chí. Nhưng rồi đến năm 1866, luật kiểm duyệt được áp dụng trở lại, làm tan biến mất những ý tưởng cải cách căn bản. Phải đợi đến 40 năm sau, một phần kiểm duyệt mới được bãi bỏ dựa theo luật ban hành vào năm 1905-1906. Cuối cùng, trong những sắc lệnh do Chính Phủ Lâm Thời ban hành ngày 27 tháng 4/1917, tất cả mọi hình thức kiểm duyệt đều bị bãi bỏ. Nhưng người dân Nga không hưởng tự do được lâu. Đến tháng 11/1917, sau khi Lê nin và Đảng Cộng Sản lên nắm chính quyền, một chế độ kiểm duyệt chặt chẽ, lâu dài và toàn diện được áp đặt lên nước Nga và các nước chư hầu, kéo dài mãi đến hơn 70 năm sau.
Để hiểu rõ hơn những ý tưởng nòng cốt của chính sách kiểm duyệt Cộng Sản, không gì bằng tìm hiểu xem người đứng ra lãnh đạo cuộc cách mạng Cộng Sản, Vladimir Ilyich Lenin, quan niệm như thế nào về quyền tự do báo chí. Lenin đã đề cập rải rác về tự do báo chí trong nhiều tài liệu khác nhau, nhưng trong bài viết ngắn này, tôi xin đề cập đến một lá thư mà Lenin gửi cho Gavril Ilyich Myasnikov (1889-1945) đề ngày 5 tháng 8/1921 liên quan đến một bài viết nhan đề “Vexed questions” (Những vấn đề nan giải) của ông này (6). Myasnikov vốn là đồng chí của Lenin, nhưng về sau do có nhiều ý kiến bất đồng đối với các chính sách của trung ương, ông ta xây dựng một nhóm chống đảng ở quận Motovilikha thuộc vùng Perm Gubernia. Tuy không phải là một bài tham luận, nhưng theo tôi, qua lá thư này, quan điểm của Lenin đã được trình bày khá rốt ráo, thẳng thừng và cụ thể, cho ta thấy rõ chính sách nhất quán của nhà nước Cộng Sản đối với vấn đề tự do báo chí. Cho đến nay, đã gần một thế kỷ trôi qua, những ý tưởng của Lenin vẫn là kim chỉ nam cho chính sách đàn áp tư tưởng trong các nước Cộng sản.
Đây là một lá thư khá dài (6 trang), với giọng điệu vừa phê phán vừa thuyết phục. Phần trích đoạn sau đây có hơi dài, nhưng tôi cho là cần thiết để chúng ta thấy rõ được thái độ đầy tự tin, rất dứt khoát của Lenin về chuyện tự do báo chí.
Khẩu hiệu “tự do báo chí” trở nên một khẩu hiệu vĩ đại trên thế giới vào cuối thời Trung Cổ và vẫn còn duy trì đến thế kỷ thứ 19. Tại sao? Tại vì nó diễn tả những ý tưởng của giai cấp tư sản tiến bộ, nghĩa là, diễn tả cuộc tranh đấu của nó chống lại vua chúa và cha cố, đám lãnh chúa phong kiến và bọn chủ đất.
Không có xứ sở nào trên thế giới đã thực hiện việc giải phóng quần chúng khỏi ảnh hưởng của các cha cố và đám chủ đất nhiều như nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Nga đã và đang làm.
Chúng ta đã thực hành chức năng “tự do báo chí” tốt hơn bất cứ ai trên thế giới này.
Trên toàn thế giới, bất cứ nơi đâu có những nhà tư bản, tự do báo chí có nghĩa là tự do mua đứt các tờ nhật báo,mua đứt các cây bút, tự do hối lộ, tự do mua bán và ngụy tạo “dư luận” có lợi cho giai cấp tư bản.
(…) Tự do báo chí ở nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Nga , là nước đang bị bao vây bởi những kẻ thù tư sản trên toàn thế giới, có nghĩa là tự do tổ chức chính trị cho giai cấp tư sản và đám tôi tớ trung thành nhất của bọn chúng, tức là bọn Men-Sê-Vích và bọn Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa.
(…)Tập đoàn tư sản (trên toàn thế giới) vẫn còn mạnh hơn chúng ta rất nhiều. Đặt vào tay bọn chúng một vũ khí khác như tự do tổ chức chính trị (tức là tự do báo chí, vì tự do báo chí là cốt lõi và nền tảng của tổ chức chính trị) có nghĩa là tạo thuận lợi cho công tác của kẻ thù, có nghĩa là giúp đỡ kẻ thù của giai cấp.
Chúng ta không dại gì tự sát và vì thế, chúng ta sẽ không làm điều đó.
Chúng ta nhìn thấy rất rõ sự kiện này: “tự do báo chí” trong thực tế có nghĩa là tập đoàn tư sản quốc tế sẽ ngay lập tức mua đứt đám viết lách của các đảng Dân Chủ Lập Hiến, đảng Cách Mạng Xã Hội và Men Sê Vích, và sẽ tổ chức cơ sở tuyên truyền của chúng và chống lại chúng ta.
Đó là một thực tế. “Bọn chúng” giàu có hơn chúng ta và sẽ mua được một “lực lượng” mười lần lớn hơn lực lượng chúng ta hiện có, để chống lại chúng ta.
Không, chúng ta sẽ không làm như thế; Chúng ta sẽ không giúp bọn tư sản quốc tế
Bác bỏ quan điềm của Myasnikov cho rằng “các sự vi phạm trắng trợn và lạm dụng quyền thế đang hoành hành trong xứ sở, tự do báo chí sẽ giúp vạch trần chúng”, Lenin viết:
Tự do báo chí sẽ giúp cho lực lượng của bọn tư sản quốc tế. Sự thực là “tự do báo chí” sẽ không giúp gì cho Đảng Cộng Sản ở Nga thoát khỏi một số nhược điểm, sai lầm, tai họa và tệ nạn (không thể phủ nhận rằng hiện đang có nhiều tệ nạn), bởi vì điều này không phải là điều mà bọn tư sản quốc tế mong muốn. Nhưng tự do báo chí sẽ là một vũ khi giao vào tay của bọn tư sản thế giới này. Bọn chúng chưa chết; chúng vẫn còn sống. Chúng đang lẫn trốn và rình chờ.
Một lần nữa, Lenin thừa nhận Đảng Cộng Sản có sai lầm, nhưng sai lầm đó “phải được chữa trị bởi giai cấp vô sản các biện pháp của Đảng chứ không phải bằng phương tiện của “tự do” (chỉ dành cho giai cấp tư sản)”
(…) Đồng chí muốn chữa bệnh cho Đảng Cộng Sản và chộp lấy một thứ thuốc sẽ mang lại chết chóc trong tay đồng chí, dĩ nhiên, chứ không phải trong tay bọn tư sản thế giới.
Đồng chí quên đi một điểm nhỏ, rất nhỏ, đó là: bọn tư sản thế giới và cái thứ “tự do” của chúng là để mua đứt báo chí cho chính chúng và những trung tâm tổ chức chính trị. Không, chúng ta sẽ không chấp nhận đường lối này. Chín trăm trên mỗi một ngàn công nhân có ý thức sẽ khước từ đường lối này.
Kết thúc lá thư, Lenin thúc giục Myasnikov hãy ra sức làm việc để chữa trị các tệ nạn, từ từ nhưng chắc chắn, thay vì cứ đuối theo cái bóng ma trơi “tự do báo chí”.
Thế là đã rõ: tự do phát biểu không hề nằm trong chính sách trị dân của đảng Cộng Sản.
Phải chăng Lenin thực sự sợ sức mạnh của tư sản, sợ rằng giai cấp vô sản không đủ tiền tài, sức mạnh và tài trí để đương đầu với phe tư sản trong cuộc cạnh tranh dân chủ, nếu để cho họ được tự do ngôn luận? Không đâu! Tôi cho rằng, thực tế, Lenin chỉ sợ cái bệnh “tự do” truyền nhiễm vào trong chính hàng ngũ của ông (chẳng hạn như “đồng chí” Myasnikov mà ông đang thuyết phục). Giai cấp tư sản chỉ là con ngáo ộp mà Lenin sử dụng để dọa các đồng chí của mình, trong một mục tiêu lâu dài: khép tất cả vào trong một guồng máy được tổ chức chặt chẽ, trong đó, mỗi một người phải tự bịt miệng mình, không dám phát ngôn dù chỉ một câu hay thậm chí một chữ sai khác với những gì đã được cho phép. Rốt cuộc, trong lịch sử suốt 70 năm trị vì, đảng Cộng Sản Liên Xô đã trở thành vừa là vua chúa, vừa là các lãnh chúa phong kiến và vừa là chủ đất. Họ đẩy lùi đất nước của họ vào thời Trung Cổ. Và nạn nhân của chính sách kiểm duyệt toàn diện đó, mỉa mai thay, lại chính là nhân dân Nga và giai cấp vô sản mà họ muốn giải phóng. Một cuộc cưỡng chế sự thật toàn diện và triệt để!
Bây giờ, khối Xô Viết đã tan rã, chủ nghĩa Cộng Sản bị phá sản, nhưng chính quyền Cộng Sản Việt Nam hiện nay vẫn xem các luận điểm của Lenin là bảng chỉ đường. Hãy đọc qua một trích đoạn sau đây:
Có ý kiến cho rằng, có báo tư nhân mới là biểu hiện cụ thể của tự do báo chí. Phải khẳng định rằng không có báo chí tư nhân thì không thể quy chụp là không có “tự do báo chí”. Những người làm báo Việt Nam đã và đang phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân. Những tờ báo hiện nay của các cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị, xã hội, tổ chức nghề nghiệp đã phản ánh đầy đủ những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, vấn đề ra báo tư nhân hiện nay là không cần thiết.
Những kiến nghị của họ đã được công luận phản ánh đầy đủ và được Đảng, Nhà nước tiếp thu, trả lời qua báo, đài. Đó là sự thể hiện quyền được thông tin cũng như quyền ngôn luận của nhân dân. Mặt khác, thực tiễn việc ra đời báo tư nhân ở nhiều nước gây nhiễu thông tin, thậm chí làm vô hiệu hóa sự lãnh đạo của chính quyền, dẫn đến sự rối loạn chính trị-xã hội ở nhiều nước vốn quảng cáo rầm rộ cho cái gọi là “tự do báo chí” đã là bài học thấm thía cho nhân dân ta. Có lẽ nào, chúng ta lại trượt theo vết xe đổ ấy?
Sở dĩ có đòi hỏi vô lý trên, có nguyên nhân từ nhận thức mơ hồ về quyền tự do báo chí và nhiệm vụ của báo chí Việt Nam. Do hiểu phiến diện hoặc cố tình hiểu sai về tự do báo chí, họ đã ra công cổ súy, đấu tranh đòi “tự do báo chí” theo kiểu phương Tây, coi đó là biểu hiện của “tinh thần dân chủ”, tự phong cho mình là “người hăng hái đấu tranh cho dân chủ”. Song, họ không hiểu rằng dân chủ là một thể chế, trong đó quyền tự do báo chí của người này không được làm tổn hại đến quyền tự do của người khác, đến lợi ích của toàn dân tộc. Sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu có sự góp phần của những tờ báo theo khuynh hướng “tự do báo chí” kiểu phương Tây đó.
Mặt khác, trong một số ít người, tư tưởng nêu trên xuất phát từ những toan tính liên quan đến lợi ích, quyền lực, động cơ cá nhân; từ sự bất mãn của họ với Đảng và Nhà nước. Họ luôn luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của đất nước; chính vì thế, họ có những ý kiến lạc lõng, cực đoan, phản lại quyền lợi của dân tộc.
Trong số những người cơ hội chính trị, có người đã thực sự đối lập với lợi ích Tổ quốc, liên kết những phần tử bất mãn ở bên trong cùng với thế lực xấu ở bên ngoài để dùng báo chí chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Họ quay lưng lại với quá khứ vẻ vang, hào hùng của toàn dân tộc, trong đó có sự đóng góp nào đó của gia đình và bản thân họ.
Những bài báo, những hồi ký của họ đầy rẫy sự xuyên tạc, vu cáo hèn hạ, bêu riếu những người dân nước Việt đang ngày đêm cần cù lao động sáng tạo, chắt chiu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Thật trớ trêu khi họ cho rằng, nếu chúng ta không có tự do báo chí như họ mong muốn, thì “đất nước này vẫn không thể cất đầu lên được”, vẫn “sống trong vòng lạc hậu tối tăm” (!). Những người nuôi dã tâm xấu xa đó không có quyền nói đến “tự do báo chí”, theo nghĩa chân chính nhất của từ này.
Tự do báo chí cho ai, vì ai? Câu hỏi lớn đó đã được thực tiễn đổi mới đất nước nói chung và thực tiễn đổi mới báo chí nói riêng trong gần 20 năm qua cùng thực tiễn trên thế giới ngày nay cho ta câu trả lời rành rọt. Thực tiễn luôn luôn là tiêu chuẩn của chân lý. Nhận thức đúng xu thế tiến lên của dân tộc, trong đó có hoạt động rất sôi động và hiệu quả của báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta sẽ có cái nhìn đúng đắn về Việt Nam trong tiến trình đổi mới.
Bài viết ký tên là Hồng Vinh, nguyên phó ban Tuyên Giáo trung ương Đảng Cộng Sản VN. Tuy cách lý luận và ngôn từ với Lenin có khác nhau do khoảng cách thời gian và không gian, nhưng điểm mấu chốt vẫn là: không chấp nhận tự do diễn đạt. Đã có nhiều và nhiều bài viết trong cũng như ngoài nước đối chiếu giữa lời nói và việc làm của nhà nước đồng thời đưa ra những phản biện về cách lý luận như trên. Ở đây, tôi chỉ xin trích dẫn lại một nhận xét khá lý thú của một nhà văn thuộc loại “công thần” của chế độ về cách sử dụng ngôn từ của những người Cộng Sản:
… ngôn từ lại là cái mặt yếu nhất trong các lãnh vực thuộc thượng tầng kiến trúc ở các nước xã hội chủ nghĩa. Công dân của các nước ấy dùng ngôn từ để che đậy chứ không nhằm giao tiếp, hoặc giao tiếp bằng cách che đậy, “nói vậy mà không phải vậy”! Nó là cái vỏ cứng để bảo vệ mọi sự bất trắc, chống lại thói quen hay xét nét lời ăn tiếng nói của công dân của mọi chính quyền chuyên chế. Cái cách tự bảo vệ ấy lại càng rõ rệt ở cấp lãnh đạo và các viên chức nhà nước làm việc ở các cơ quan quyền lực. Họ nói bằng thứ ngôn ngữ khô cứng đã mất hết sinh khí, một thứ ngôn ngữ chết, ngôn ngữ “gỗ”, nói cả buổi mà người nghe vẫn không thể nhặt ra một chút thông tin mới nào. Các buổi trả lời phỏng vấn báo chí, diễn văn tại các buổi lễ kỷ niệm, báo cáo của Đảng, của chính phủ, của quốc hội, tất cả đều dùng các từ rất mơ hồ, ít cá tính và ít trách nhiệm nhất. Người cầm quyền cấp cao nhất và cấp thấp nhất đều biết cách nói mơ hồ, càng nói mơ hồ càng được đánh giá là chín chắn. Và nói dối, nói dối hiển nhiên, không cần che đậy. Vẫn biết rằng nói dối như thế sẽ không thay đổi được gì vì không một ai tin nhưng vẫn cứ nói. Nói đủ thứ chuyện, nói về dân chủ và tự do, về tập trung và dân chủ, về nhân dân là người chủ của đất nước còn người cầm quyền chỉ là nô bộc của nhân dân. Rồi nói về cần kiện liêm chính, về chí công vô tư, về lý tưởng và cả quyết tâm đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra. Hoặc giả hỏi lại và kiểm tra là không được phép, là tối kỵ, dễ gặp tai họa nên không hỏi gì cũng là một phép giữ mình. Người nói nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng cũng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không.
(Nguyễn Khải/Đi tìm cái tôi đã mất)
Ngôn ngữ gỗ! Nói dối ! Nói và nghe trong cái trống không!
Thật hình tượng!
Đáng tiếc là, Nguyễn Khải chỉ trở thành kẻ bất đồng chính kiến khi đã ra người thiên cổ. Không biết ông nguyên phó trưởng ban tuyên giáo Hồng Vinh sẽ phê phán thế nào đối với một người sống thì rất “công thần” mà chết lại trở thành rất “phản động” như nhà văn Nguyễn Khải?
■ ■ ■
Quyền được phát biểu tự do, thực ra, không phải là một quan niệm, một lý thuyết do một cá nhân hay một hoàn cảnh thời đại nào phát sinh. Nó cũng không là sản phẩm của một thế lực nào cả. Đòi hỏi được tự do phát biểu là một nhu cầu nội tại có sẵn trong con người. Phàm vật bất đắc kỳ bình, tắc minh. Được nói ra, được viết ra, được hò được hát một cách tự do thoải mái, không bị câu thúc kềm tỏa vốn là khao khát tự nhiên của con người sống trong bất cứ hoàn cảnh xã hội nào. Chẳng thế mà ngay trong những lúc bị đàn áp dữ dội nhất, vẫn có những cá nhân kiên cường lên tiếng. Trong thực tế, trong hầu hết các trường hợp, họ không hề đòi một cái quyền nào hết. Họ chỉ bày tỏ những nhận thức hay cảm xúc của họ trong cuộc sống. Họ bày tỏ y như họ ăn, họ uống. Họ chẳng cần chọn một phe, hay đứng về một lý thuyết nào. Khi Pasternak viết “Doctor Jivago” hay khi Solzhenitsyn viết “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich” hay “Trại ung thư”, khi hay khi Phùng Quán viết “Lời mẹ dặn”…, họ không đứng về một phe nào, cũng chẳng chống một phe nào. Về bản chất, họ chẳng khác gì người nông dân hát hò trên ruộng đồng, nương rẫy và để lại cho chúng ta những câu ca dao tình tứ. Chính sách kiểm duyệt biến họ thành những nạn nhân. Lịch sử của kiểm duyệt là lịch sử của một danh sách dài những nạn nhân. Điều đáng nói là số nạn nhân càng dài thì chế độ kiểm duyệt càng lùi bước.
Trải qua hàng ngàn năm tranh đấu, bây giờ, tự do ngôn luận đã hiện hữu. Nó đã là một sinh hoạt bình thường trong những xã hội bình thường. Cũng như Internet hay toàn cầu hóa hay kinh tế thị trường… trên thế giới hiện nay, người ta có thể tranh cãi về chuyện vận dụng nó như thế nào để hạn chế cái có hại, xiển dương cái có lợi, chứ không thể đặt vấn đề là có nên có nó hay không. Chân lý, nếu quả tình con người cần một chân lý, không phải thuộc về phe này hay phe kia, thuộc về tôi hay thuộc về anh, mà nằm ngay trong sự va chạm thường xuyên của tư tưởng này và tư tưởng khác. Nói như Milton, chân lý và sai lầm cần phải được đưa ra ánh sáng để tranh cãi.
Nhìn xem cái cách mà nhà cầm quyền Cộng Sản Trung Quốc hay Việt Nam hiện nay đang loay hoay đối phó với sự phổ biến thông tin và tư tưởng, quả thật là buồn cười. Chận đầu này, chúng tràn vào đầu khác. Chận bên ngoài, chúng lại trào ra từ bên trong. O ép bên trong, chúng lại chảy vào từ bên ngoài. Ngày xưa, Lenin cảnh báo rằng, chấp nhận tự do báo chí là giao vũ khí cho bọn tư sản quốc tế chống lại đảng Cộng Sản, bây giờ tự do báo chí diễn ra ngay trong lòng của cái cơ chế kiểm duyệt của nhà nước Cộng Sản. Như con siêu vi, tự do diễn đạt, tự do báo chí xâm nhập ngay trong mỗi tế bào của nhà nước toàn trị để phát triển và tồn tại. Nó chẳng cần tập đoàn tư bản nào tài trợ, cũng chẳng chống lại ai. Chẳng lạ gì, trong thời gian vừa qua, các “sự cố” báo chí, “sự cố” tự do phát biểu cứ tiếp tục xảy ra trong nước, và đặc biệt từ trong nội bộ đảng Cộng Sản. Hoặc là chuyện tố cáo tham nhũng, hoặc là chuyện Hoàng Sa Trường Sa, hoặc là chuyện chiến tranh biên giới 1979 hay gần đây nhất là chuyện khai thác Bâu-Xít ở Tây nguyên, việc tịch thu các tác phẩm văn chương có “vấn đề” vân vân và vân vân. Không có ai đòi hỏi tự do phát biểu cả. Họ chỉ lên tiếng phát biểu những điều bức xúc trong cuộc sống. Nói một cách khác, trong cái thế giới mở của ngày hôm nay, tự do phát biểu đã dần dần trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Dù sớm dù muộn, nó phải diễn ra, và là một điều không thể tránh khỏi.
Chống lại tự do diễn đạt rõ là chống lại chính mình, chống lại chính cái quyền mỗi người đều có trong cuộc sống. Tôi tin rằng bài viết “Đi tìm cái tôi đã mất” của Nguyễn Khải hay bài thơ “Ai? Tôi?” (7) của Chế Lan Viên chẳng hạn, chúng có sẵn trong mỗi người ngay lúc họ tỏ ra là “công thần” nhất khi còn sống. Nhưng họ cố dồn ép chúng vào trong vô thức để được tồn tại. Tồn tại như một trốn chạy, một từ khước hiện thực hay như một hư cấu, một trống không. Và các độc giả của họ chỉ nghe tiếng vang của cái trống không. Y như thế chúng đã bị rút hết ruột.
Cũng thế, tôi tin rằng, trong đầu óc của những nhà trí thức hay nhà văn nhà thơ mà các sản phẩm được sản xuất ra đầy lập trường “chính thống” nhất trong nước hiện nay, đều tự biết mình đang là cái trống không. Và ai cũng có sẵn những văn bản kiểu “Đi tìm cái tôi đã mất” hay “Ai? Tôi?” cất giấu đâu đó mà họ xem là cái tôi chân thật của mình.
Thời đại mới, vận hội mới. Mong mọi người không ai đánh mất cái tôi chân thực. Hãy giữ nó lại và cho nó ra đời trước khi bị đánh mất.
Để khỏi mất công tìm.
Trần Doãn Nho
Ghi Chú:
(1) Cộng Hòa La Mã, chế độ cộng hòa đầu tiên trong lịch sử nhân loại, bắt đầu từ năm 510 đến năm 44 (trước TL)
(2) Đế Quốc La Mã bắt đầu từ năm 27 (trước TL) khi Augustus trở thành hoàng đế, sau khi trải qua một thời kỳ chuyển tiếp từ năm 44 (trước TL), lúc Julius Caesar tự tuyên xưng mình là nhà độc tài suốt đời (perpetual dictator).
(3) “Giáo hội Công Giáo và chuyện kiểm duyệt” có thể tìm thấy nhiều tài liệu trên Internet. Ở đây, tôi chỉ lược qua một vài sự kiện nổi bật, để dành đi vào phần chính ở đoạn sau. Một vài tài liệu ngắn nhưng tóm lược khá rõ ràng có thể tìm thấy ở hai bài viết “The Catholic Church and Censorship in Literature, Books, Drama, and Film” và “Censorship of Books” , địa chỉ trang mạng ở phần tài liệu tham khảo.
(4) As good almost kill a man as kill a good book: who kills a man kills a reasonable creature, God’s image; but he who destroys a good book, kills reason itself, kills the image of God, as it were, in the eye.
(5) Give me the liberty to know, to utter, and to argue freely according to conscience, above all liberties.
(6) V. I. Lenin, Collected Works, Volume 32, trang 504-509
(7) Có thể xem ở: http://www.i4vn.com.vn/forum/tho/29993-tho-che-lan-vien.html
Ai? Tôi!
Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó ?
Tôi!
Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong.
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận
về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ,
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy ?
Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu thơ
giải đáp về đời,
Tôi ú ớ.
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ.
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười.
Chế Lan Viên
Tài liệu tham khảo:
– Sử ký Tư mã Thiên (Bản dịch Phan Ngọc) http://www.avsnonline.net/library/ebooks/vn/SuKy/index.htm
– Mette Newth, The long history of censorship http://www.beaconforfreedom.org/about_project/history.html
– Censorship http://library.thinkquest.org/C004203/political/political05.htm
– Censor http://www.livius.org/cb-cf/censor/censor.html
– William Smith, Censor http://penelope.uchicago.edu/Thayer/E/Roman/Texts/secondary/SMIGRA*/Censor.html
– John Milton: Areopagitica, a Speech for the Liberty of Unlicensed Printing, to the Parliament of England. http://www.dartmouth.edu/~milton/reading_room/areopagitica/
– Analytic Teaching Vol. 23, No 2, The Catholic Church and Censorship in Literature, Books, Drama, and Film http://www.viterbo.edu/analytic/Vol%2023%20No.%202/The%20catholic%20Church%20and%20censorship.pdf
– Censorship of Books, http://www.newadvent.org/cathen/03519d.htm
– Hồng Vinh/Tự do báo chí ở Việt Nam http://www.vietnamjournalism.com/module.html?name=News&file=article&sid=828
– Nguyễn Khải: Đi tìm cái tôi đã mất http://www.viet-studies.info/NguyenKhai_DiTimCaiToiDaMat.htm
– Plato and Censorship www.unca.edu/philosophy/ugradphconf/Archives/conf2005/papers2005/Plato and Censorship.
doc
– V. I. Lenin, Collected Works, 1st English Edition, Progress Publishers, Moscow, 1965, Volume 32.