Trong phim “Doctor Zhivago” (thực hiện năm 1965, đạo diễn là David Lean) nhân vật Komarovsky chỉ xuất hiện loáng thoáng, cuối cùng tới Varykino – một làng tuyết coi như cùng đường, mang nàng Lara đi. Lara là người yêu của bác sĩ Zhivago. Hai người “trú đóng” ở ngôi làng cùng đường ấy, không tài sản, khí giới, không phương tiện sống còn, bên ngoài ban đêm chó sói tru. Trước cách mạng Bôn-xê-vích, Lara đã có chồng: một thầy giáo nhiều lý tưởng tên Pasha Antipov tham gia cách mạng, sau đổi tên thành Strelnikov. BS Zhivago đã có vợ, gặp Lara trong một quân y viện. Cả hai “tái hồi” ở một thư viện tại Varykino. Mối tình lâm ly bi đát giữa hai người trong phim khiến khán giả xuýt xoa, thương mến họ. Cuối cùng bên quan tài của bác sĩ, nàng Lara nói lầu bầu như với chính mình: “Một người thì tự bắn vào đầu (Strelnikov). Một người thì ngã quỵ ngoài phố (Zhivago)”.
Rod Steiger, trái trong vai Komarovsky, và Omar Shariff vai Bác sĩ Zhivago đạo diễn David Lean thực hiện năm 1965. Movieweb.com
Còn cái kẻ đáng chết kia thì hãy là “con quái vật, đang chạy rông qua những miền đất của Á châu (Komarovsky)”. Đó là một người hành nghề luật sư ở Mát-scơ-va trước 1917, là kẻ thượng lưu đã quến rũ, phá hoại đời ngây thơ trinh trắng của Lara, đã lại xuất hiện ở Varykino mang nàng đi, nhúng tay vô âm mưu giết đứa con gái của Zhivago còn trong bụng chửa của nàng trước đó. Nguyên tác văn chương (1957) của Boris Pasternak cũng không nói nhiều tới thân thế, học vấn, sự nghiệp, thành quả xã hội gì của Komarovsky. Tên luật sư nầy cũng xuất hiện loáng thoáng trên tác phẩm văn học, sống phè phởn cá nhân – và sống lâu, chạy rông với hoạt động và… đàn bà – lâu lâu phát biểu, đại khái: tôi có làm gì phạm pháp đâu, tôi có gì bậy đâu. Tôi không là gì cả với chế độ mới, “nhưng họ cần tôi”. Cuối cùng, người đọc muốn biết nhân vật nầy còn hay chết ra sao trong tác phẩm, cũng không thấy nói. Nghĩa là tới vãn tuồng, hết sách, cũng còn tiếp tục sống! Hoắc “tái sinh” qua những quyển khác!
Komarovsky là ai? Phải nói, đó là một kẻ ăn nên làm ra với cả hai chế độ cũ và mới, trước và sau cách mạng, một kẻ cơ hội, sống trải những lỗ hổng của luật pháp, tự biến thành kẻ mà “họ cần”. Họ là những kẻ có quyền lực, mưu cầu những quyền lợi cá nhân không dùng bàn tay của chính mình, chỉ cần dùng những bàn tay kẻ khác. Nói khác đi, Komarovsky là kẻ trung gian giữa miệng lưỡi và bàn tay bẩn, giữa ngôn ngữ xã hội hoa mỹ dành cho tha nhân và lòng tham vô độ dành cho cá nhân. Nôm na: Komarovsky là kẻ xuất hiện mọi thời, mọi nơi, khi nào có xuất hiện tham nhũng và thối nát đi đôi với quyền lực. Như vậy, những kẻ nầy có ở đâu? Ở đâu cũng có. Thời nào cũng có! Nước nào cũng có. Chế độ nào cũng có! Hễ có một thiểu số nắm quyền lực là có Komarovsky. Nhất định phải triệt tiêu những Komarovsky nếu muốn có một xã hội trong sáng, lành mạnh, niềm hy vọng của nhiều người hơn. Nhiều người nào?
Cảnh trong phim bác sĩ Zhivago đạo diễn David Lean thực hiện năm 1965. Movieweb.com
Nhiều người đói, dốt và sợ hãi, nạn nhân của những kẻ gây ra đói nghèo, dốt nát và sợ sệt quyền lực trong lúc những kẻ cầm quyền đều nói tới “nhân lại bốn bể đều là anh em”, “mọi người đều bảo đảm được đi học, cầm lên bát cơm do chính mình làm ra, ở trong ngôi nhà do chính mình dựng lên” –nói chung là những quyền con người căn bản. Triệt tiêu những kẻ cơ hội bẩn thỉu ở cả những chế độ đồi táng, người ta nói tới nhân dân trước hết. Như Liên hợp quốc với Quỹ giúp kẻ đói nghèo, Thăng tiến giáo dục và Tôn trọng nhân quyền.
Có lý! Bởi vì khi bớt nghèo đói, được ăn học, con người sẽ bớt sợ hãi, ý thức rõ rệt hơn về nhân quyền căn bản và xây dựng chế độ lành mạnh hơn, hợp với mình hơn. Phải giúp nhân dân trước cái đã.
Kế đó khốn thay, những tên Komarovsky lại xuất hiện! Lại phải làm cách mạng mới. Nhưng chế độ “cách mạng” lại có những “Komarovsky cách mạng” khôn ngoan và luồn lọt, thủ đoạn hơn nhiều. Có người nói, phải cần có những người lành mạnh mới, miễn nhiễm với tham nhũng thối nát dẫn đầu để làm gương cho những kẻ đến sau mặc dầu phải trả một cái giá rất đắt cho hành động dẫn đạo của mình. Lại trên dưới trước sau! Có cái nầy trước thì ắt có cái sau. Chưa nói tới, kẻ lý tưởng nầy không có trong thực tế, hoặc không làm ăn gì được với phương pháp lý tưởng của mình, những phương pháp viễn vong, tĩnh, cá nhân chủ nghĩa, không tác động mạnh mẽ lên đa số! Trong lúc đó, cuộc đời thì động, đang quay, tất cả đều biến đổi.
Thiết nghĩ cần phải đổi lại cách nhìn, cách quan niệm “trên, dưới, trước, sau” của những hiện tượng tiêu cực – diệt cái nầy trước thì ắt có cái lành mạnh hơn sẽ đến. Ai diệt? Thiết nghĩ, trong mỗi con người nắm trong tay quyền lực cũng có những Komarovsky – những mafia, kẻ trung gian buôn bán ma túy, buôn người đi làm lao động, đi làm điếm, buôn trẻ con, buôn khí giới, những tên trung gian tài trợ khủng bố, những tên làm đồ giả, bán buôn các bộ phận thân thể.. Trong văn chương của Prevert là “những tên ngự lâm, những kẻ vác cờ hiệu”. Phải quan niệm một cách biện chứng – mỗi người là một Komarovsky, là kẻ đẻ ra cũng là kẻ mang trách nhiệm triệt tiêu tên luật sư mình đẻ ra nầy. Có lẽ sau một hai thế hệ, với cái nhìn biện chứng nầy, xã hội loài người sẽ tương đối tốt hơn cho con cháu.
Biện chứng? Nghe triết lý quá! Có khi lại dễ tin là triết lý của cộng sản! Engels là bạn đường của Karl Marx. Những năm 1870 ông hoằng dương tư tưởng biện chứng. Quyển sách ông viết: Dialectics of Nature (Biện chứng của Thiên nhiên). Nôm na mà nói, tư tưởng ấy quan niệm bất cứ cái gì cũng có cái đối nghịch trong nó. Dấu cộng và dấu trừ chống nhau mới phát sinh tiến bộ. Và tiến bộ xảy ra không theo chiều hình tròn, tĩnh, mà theo chiều con trốt, động, tiến lên. Nhìn ra là thấy chế độ trước tham nhũng thối nát quá cỡ. Chống lại nó, làm cho nó sập tiệm, quyền lực mới lại đẻ ra tham nhũng mới, thối nát mới. Nhiều người tâm huyết: hãy dẹp chế độ gọi là mới nầy, dẹp tham nhũng và thối nát ắt xã hội sẽ ngon lành hơn, trong sạch hơn, dễ thở hơn. Thậm chí, hiện đang có những người “trong sạch” hơn, “xuất chúng” hơn sẵn sàng trở về diệt trừ tham nhũng, giải phóng đất nước, làm gương cho mọi người. Thí dụ họ – cái trước nầy – thành công. Rồi cái sau, sau đó?
Rồi sẽ có một loại Komarovsky mới xuất hiện! Chúng ta lại than thở kế tiếp: Những tên ngự lâm, những kẻ vác cờ hiệu. Những tên đao phủ khốn nạn. Hệt như những tên trước” (J. Prevert –La Pluie et le beau temps, 1947). Những tên Komarovsky nầy, những tên đao phủ loại nầy lại thủ đoạn hơn nhiều, ranh ma hơn nhiều. Nhưng chúng ta chưa đề cập tới những nạn nhân của chúng nó. Chính những nạn nhân nầy đã lớn lên và trưởng thành hơn nhiều, đã cảnh giác chống lại, triệt tiêu chúng nó. Nói khác đi, một xã hội lành mạnh là công của dân trí, không phải của kẻ cầm quyền, dù hôm qua kẻ ấy tay trơn nay đang cầm quyền, là dấu trừ bi đát của xã hội đồi táng cũ. Hễ xã hội biến đổi thì con người cũng biến đổi – xấu lẫn tốt, Komarovsky lẫn nạn nhân của chúng nó. Lord of War (Trùm Chiến tranh) xuất hiện năm 2005 với câu cuối trên màn ảnh: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung quốc là 5 nước trong Hội đồng bảo an thường trực LHQ. Bạn đọc còn nhớ, phim ấy có một tên trung gian bán vũ khí cho các nước, làm giàu. Tên Komarovsky nầy vênh váo: Tôi có làm chiến tranh đâu? Tôi buôn bán mà (I trade). Interpol nói với tên đó: “Tôi không nói ông sẽ xuống địa ngục, ông đang ở trong đó.” The Godfather (Người cha đỡ đầu) là loạt phim thành công từ 1972 của Francis Ford Coppola.
Nhưng phim ấy nói về những Komarovsky gốc Ý sống mái với nhau trên đất Mỹ. Quyền lực của họ xài tới cả trực thăng bắn nát, tàn sát đối phương. Một kẻ đầu sỏ, đỡ đầu gốc Sicile, trở về đất cũ bên Ý ngang nhiên bắn chết một ông già đối thủ. Bọn mafia Ý coi nhà nước như pha, nhưng coi giòng họ, gia tộc, phe phái của mình là trên hết. Thủ lãnh là một Godfather của cả bọn. Phim ấy coi mát mắt, nhưng không phải là sự thể hiện những Komarovsky của xã hội. Phải đợi đến Traffic (2000) của đạo diễn Steven Soderberg mới thấy Michael Douglas là kẻ lãnh nhiệm vụ diệt trừ ma túy mà con gái lại chơi ma túy, phải làm điếm, phải vào trại cai nghiện. Rất tiếc phim vạch mặt thật rõ những tên Komarovsky làm ăn ở xã hội Mexico. Còn ở Mỹ, “chống ma túy thật là khó vì đụng tới các gia đình Mỹ. Có ai trong chúng ta gây chiến với kẻ thù là gia đình chúng ta không?” Diễn viên Michael Douglas có nói (trên phim): “Bọn buôn lậu ma túy là kẻ cung cấp. Nhưng đâu là nhu cầu?” Những tên Komarovsky của xã hội vô cùng nhạy bén với “nhu cầu” của quyền lực hoặc được quyền lực ấy bao che. Nói tới nhu cầu, chúng ta giật mình:
Chúng ta cũng có nhu cầu, như vậy những tên Komarovsky có khi được đẻ ra bởi chúng ta, được mang mể trong người bởi chúng ta, được làm ngơ với tội ác của chúng nó bởi gia đình chúng ta, bởi chúng ta coi tội ác của chúng nó là trách nhiệm của ông nào khác, bà nào khác ở phương trời nào khác, mạnh hơn! Michael Douglas nay thấy dấu ấn trên mặt của diễn viên biểu lộ nét thời gian. Ít thấy màn ảnh nào có diễn viên lạnh lùng, từ giã quyền thế giao trách nhiệm cho mình, cương quyết chống lại một xã hội tiêu cực, mặc dầu biết tỏng mình và gia đình sẽ đau khổ do hậu quả cuộc tranh đấu ấy. Cha nào con nấy. Nhớ ngày hãy còn đi học mấy mươi năm trước đây, xem Kirk Douglas trên màn ảnh Spartacus (1960), màn ảnh cho thấy ông mộc mạc với sức mạnh lực lưỡng, nụ cười chất phác và chiến đấu như hổ với đối thủ giác đấu do quyền lực cao hơn ấn định (đành chịu chết với tập quán) và tình yêu dân giả – Jean Simmons – (trong vài phút lỏng ra) .. thật lấy làm cảm kích với hai bộ mặt của ông.
CAO THANH TÙNG