Cụ Nguyễn Hữu Mão, 88 tuổi, nhà ở số 7 Ô Quan Chưởng Hà Nội là một người mê thơ kỳ lạ. Số thơ cụ làm ra trong đời có lẽ phải đến… hàng tạ! Chuyện rằng năm 1946 tiêu thổ kháng chiến, nhà đi tản cư, bao nhiêu vật quý trong nhà cụ không để ý, loay hoay thế nào mà cụ chỉ mang đi có… một gánh thơ(!). Có lần cụ ốm nặng, tưởng sắp lên tiên, người con trai vào thăm, cụ băn khoăn hỏi:
– Trong đời, anh là người con đã làm nhiều điều khiến tôi khó chịu nhất. Anh làm thơ, tôi cũng làm thơ… Bây giờ gần đất xa giời, vậy tôi hỏi thật: thơ tôi hay hơn hay thơ anh hay hơn?
Anh con trai nước mắt lưng tròng:
– Thưa bố, thơ bố hay hơn thơ con là chắc!
Cụ Mão ngồi nhỏm dậy tươi tỉnh:
– Cám ơn anh, thế là anh đã báo hiếu cho tôi rồi đó… Bao nhiêu lầm lỗi của anh tôi tha cho cả…
Cụ Mão chỉ là một trong hàng triệu triệu người mê thơ ở Việt Nam. Niềm đắm say với các con chữ, sự du dương dịu dàng của các vần điệu, đầy rẫy những bất ngờ các kiểu của các niêm luật bằng-trắc, trắc-bằng rồi những vấn đề của thi pháp, các tứ thơ, nội hàm, ngoại diên v.v… khiến cho không biết bao người sống dở chết dở vì thơ.
Thơ hệ lụy với nhà thơ chủ thể, đã đành rồi. Thơ còn hệ lụy với hết thảy người thân của họ: vợ con, bạn bè, chiến hữu, cộng đồng. Thơ phiền phức vô cùng vô tận: một chút trí tuệ, chính trị, kinh tế, xã hội, một chút lửa, nước và… máu! Cả ô-liu nữa (Thơ Loóc-ca: Con ngựa ô/ Vầng trăng đỏ/ Ô-liu đầy túi…). Thơ xã hội hóa. (Thơ Bút Tre: Con ruồi là giống hiểm nguy/ Đôi chân của nó rất vi trùng nhiều). Thơ bói toán, thơ đề, thơ tướng số (Tướng đi chân bước hai hàng/ Giang hồ sinh kế giàu sang bất ngờ…/ Miệng cười môi đỏ trái hồng/ Răng đều hạt bắp là hàng phu nhân…). Thơ đụng chạm đến hết thảy mọi sự, không thiếu thứ gì: thơ hình nhi thượng, hình nhi hạ, thơ thượng tầng kiến trúc, hạ tầng cơ sở… Thơ như không khí, ở đâu cũng có thơ, nơi nào cũng có thơ. Thơ siêu hình, hữu hình… Thơ không để sót điều gì. (Thơ Bùi Giáng hỏi thăm đến cả âm mao của… em: Bây giờ em ở nơi đâu/ Cỏ trên thân thể em sầu ra sao?). Thống kê của Hội Nhà văn Việt Nam cho biết trung bình mỗi ngày có hai tập thơ được in ra!
Thơ quả là phong phú, đa dạng. Vậy thực ra người ta mê thơ vì lý do gì?
Khi phân tích tâm lý con người, các nhà tâm lý học đã từng chỉ ra sự lười biếng cũng như sự rụt rè, e ngại va chạm là những đặc tính của người tư hữu và những kẻ có ý thức cá nhân. Biết quá rõ ta chỉ sống một lần trong cuộc đời, ta chỉ là một trường hợp đặc thù, duy nhất nên thâm tâm con người rất ích kỷ. Thơ là một phép màu, một kiểu trị liệu mơn trớn lòng ích kỷ, sự lười biếng, thói hoang tưởng mơ mộng và dục vọng ở người ta. Thường khi yêu đấy là trạng thái dễ nảy sinh ra thơ nhất, bởi vậy người xưa nghiêm khắc từng cho thơ là biểu hiện của sự dâm đãng và tính dục. ở những xã hội có trật tự kỷ cương nghiêm khắc, thơ rất tiết chế, các thể thơ phải tuân thủ những niêm luật chặt chẽ (hai-ku ở Nhật, xon-nê ở Pháp, thơ Đường luật và các phép tứ tuyệt, ngũ ngôn, thất ngôn v.v… ở Tàu). Người ta đã từng kiềm chế thơ giống như việc bó chân cho phụ nữ hay quy định các kiểu nội y (sau này các nhà thời trang hiện đại tế nhị gọi là quần con, áo con) và ngoại y (quy định màu sắc, rộng hẹp, vắn dài). Cũng là thơ nhưng các nhà tu hành Phật giáo chuyển sang hình thức kệcó lẽ để tránh sự nhàm và phàm tục. Kệ khô khan, không tình tứ hoặc bay bướm, thậm chí có phần đánh đố (để gợi suy nghĩ), đơn sơ thanh đạm chứ không cầu kỳ thôi xao như thơ. Chính sự tiết độ và quy củ hà khắc của hình thức thơ cũng là một cách giáo dục lễ cho người làm thơ, cho cá nhân thi sĩ (Puskin: Thi sĩ đi tròn đôi mắt mở/ Nhưng mắt chàng nào có thấy chi…).
Khi thơ quá phát triển, quá lạm phát, người đời cũng có phần nào cảm thấy ghê ghê các nhà thơ. Nhà nho theo nghiệp thi cử đã từng coi trọng người giỏi phú và văn sách hơn người làm thơ; người hay thơ từng bị coi là hạng phóng dật, thiếu đứng đắn. Khi có nhiều thơ quá thì thậm chí người ta coi đấy là dấu hiệu của phong hóa suy đồi (nghĩa là đạo đức xã hội có phần đi xuống).
Ở Việt Nam, có người từng tự hào đây là đất nước của thơ! Tự hào thì tự hào thật nhưng thấy cũng buồn cười! Mà cũng ngượng! Cũng đã từng có lý thuyết nói rằng thơ bắt nguồn từ lao động nhưng cũng nên thử đánh dấu hỏi cho lý thuyết này vì thật ra lao động sinh ra đủ thứ trên đời, đâu phải chỉ có riêng thơ? Rất có thể thơ cũng đã sinh ra từ lòng vị kỷ hiếu thắng, từ sự dễ dãi mơ mộng và tính hiếu dâm chứ không phải là từ ý thức siêng năng và đức ôn nhu thuần hậu.
Đương nhiên, cũng có người làm thơ để tự sửa mình, để luyện ý chí hoặc để tự giải buồn mà thôi. Có người làm thơ như ghi nhật ký để tu thân, không in, không xuất bản. Đấy cũng là những cao nhân đáng trọng. Cũng có người làm thơ như tập thể dục, như tập đánh kiếm, để tự tu tâm rèn tính cho mình. Đi ra đường ta vẫn thấy khối người giỏi võ mà không đánh nhau, chỉ có ai đánh mình thì mình mới đánh, mi không đụng đến ta thì ta không đụng đến mi. Thơ không phải chỉ là… văn mà có khi lại còn là… võ!
Cụ Nguyễn Hữu Mão, 88 tuổi, nhà ở số 7 Ô Quan Chưởng Hà Nội làm thơ chỉ để tự tu dưỡng chứ không công bố, không xuất bản. Cụ đã có một nửa thế kỷ làm thơ dễ gì đã ai có được?
Thơ thật là đa dạng, phong phú.
Cũng như cuộc đời!
Mà cuộc đời là gì?
Xin lấy một bài thơ nhan đề Cuộc đời của một nhà thơ khuyết danh để kết:
– Lưới!
Nguyễn Huy Thiệp
4/7/2000
One Comment
5 Tran
Nhạt như nước ốc ao bèo.