…hậu quả là các thế hệ sau này sẽ chìm trong nợ…
Hôm 2 tháng Sáu, cơ chế hành pháp cao cấp nhất của Liên hiệp châu Âu gồm 27 quốc gia – là Ủy ban châu Âu – đã thông báo kế hoạch thành lập một cơ quan châu Âu có nhiệm vụ thanh tra các công ty lượng cấp tín dụng. Lý do là các công ty này, đa số có hội sở tại Mỹ, đã đưa ra những đánh giá tiêu cực về tình hình trái phiếu châu Âu khiến Liên Âu càng khó giải quyết vụ khủng hoảng hiện nay. Các công ty lượng cấp tín dụng là gì mà Liên Âu quyết định như vậy?
Với sự liên tưởng đến tình hình vay nợ của Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế đài RFA nêu câu hỏi cho nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa trong chương trình chuyên đề do Việt Long thực hiện.
Công ty lượng cấp tín dụng
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Để nói rõ hơn về đề tài mới được giới thiệu thì cơ quan quản lý chứng phiếu và thị trường châu Âu với nhiệm vụ như vừa nói được thành lập hôm mùng hai vừa qua từ trụ sở tại Bruxelles.
Quyết định này được thông báo chỉ một ngày sau khi công ty Standard & Poor’s hạ thấp giá trị các trái phiếu do chính thành phố Bruxelles phát hành và sau hàng loạt điều chỉnh theo hướng tiêu cực tình hình tín dụng của các nước đang bị chấn động tại miền Nam Châu Âu như Hy Lạp hay Tây Ban Nha…
Ông vui lòng trình bày cùng thính giả của đài Á châu Tự do công ty lượng cấp tín dụng ấy là gì mà lại gây ảnh hưởng như vậy?
Chúng ta càng muốn biết rõ chuyện này khi Việt Nam dự tính tăng mức nợ công, tức là sẽ đi vay thêm tiền trên thị trường trái phiếu quốc tế và sẽ được các công ty lượng cấp tín dụng này đánh giá về khả năng hoàn trái, tức là trả nợ. Ông nghĩ sao về những thắc mắc ấy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trong hồ sơ này, ta có ba loại vấn đề khác nhau, từ kinh tế đến chính trị, cho nên tôi xin phép lần lượt giải thích. Thứ nhất, công ty lượng cấp tín dụng là gì? Thứ hai, vì sao Âu châu lại muốn kiểm soát hoạt động của họ? Thứ ba, Việt Nam sẽ gặp rủi ro gì khi định vay thêm tiền bằng cách phát hành trái phiếu trên các thị trường tài chính quốc tế và như ông nói, sẽ bị ảnh hưởng thẩm lượng của các công ty này. Ông đồng ý với các đề mục ấy không?
Việt Long: Vâng thưa ông, ta khởi sự từ định nghĩa chung, rồi nói về tình hình Châu Âu trước khi duyệt lại chuyện Việt Nam. Công ty lượng cấp tín dụng là gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: – “Công ty lượng cấp tín dụng” hay “lượng giá trái phiếu” là doanh nghiệp tư nhân, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế tài chính của các quốc gia hay doanh nghiệp cần vay tiền bằng cách phát hành trái phiếu. Thân chủ thường lại là các khách nợ khi họ cần tới sự thẩm định khả năng trả nợ bởi một cơ quan độc lập vô tư, theo từng cấp từ cao tới thấp nhằm thuyết phục thị trường về việc nên cho vay tiền khi thấy trái phiếu của họ có lời và an toàn.
– Trên thế giới, có khá nhiều doanh nghiệp như vậy, nhưng có ảnh hưởng toàn cầu và kiểm soát tới hơn 90% thị trường trái phiếu thế giới thì có ba công ty Standard and Poor’s, Moody’s và Fitch. Đấy là các cơ sở đã hoạt động từ cả trăm năm nay tại Hoa Kỳ: hãng S&P từ năm 1860; Moody’s từ năm 1909; và Fitch từ năm 1913. Sau này hãng Fitch được doanh nghiệp Pháp mua lại và đang niêm yết hoạt động tại hai thị trường New York và London.
Việt Long: Nghĩa là đa số đều là doanh nghiệp Mỹ nên mới bị nhiều quốc gia khách nợ Châu Âu nghi ngờ là có ác ý trong cách thẩm định và gây khó khăn cho Châu Âu. Có phải như vậy không? Nhưng vì sao doanh nghiệp Mỹ chứ không phải Châu Âu lại định giá trái phiếu hay công khố phiếu của Châu Âu?
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Thưa ông, câu trả lời là vì… địa dư hình thể! Sau đó mới thành chuyện chính trị giữa hai khối kinh tế Âu-Mỹ. Tôi xin được trình bày thật ngắn gọn như sau:
– Hoa Kỳ có một lãnh thổ vuông vức và thống nhất dưới một thể chế liên bang nên việc huy động vốn hay tư bản để phát triển quốc gia trong hai trăm năm qua đã tiến hành một cách tương đối nhất quán với một hệ thống thông tin thống nhất. Các doanh nghiệp lượng giá tín dụng đã ra đời rất sớm như vậy để đáp ứng yêu cầu về thông tin trên các thị trường vay vốn. Sau đó, trong thế kỷ 20, Hoa Kỳ phát triển hoạt động ra toàn cầu và dịch vụ cung cấp thông tin của họ có tính chất khả tín đáng tin nhất, nên thị trường nào cũng muốn dùng cách định giá của các công ty này.
Việt Long: Trong khi ấy, châu Âu lại không được như vậy, vì sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Âu châu chỉ là một phần của đại lục địa Âu-Á trải dài từ Tây Âu tới Viễn Đông. Trong lịch sử, Âu châu phát triển theo dọc các con sông lớn thành những chợ búa hay thị trường sinh hoạt ở ven sông, trên vùng châu thổ và các hải cảng. Đó là về địa dư.
– Về chính trị, Âu châu phát triển theo những khác biệt địa dư ấy và xây dựng lên từng quốc gia, đế quốc, hay từng khối quốc gia đã liên minh hoặc đối lập lẫn nhau, thậm chí gây chiến với nhau.
Trong 120 năm, từ 1871 đến 1991, Âu châu từng có đại chiến, thế chiến hay chiến tranh lạnh giữa từng khối… Hậu quả là Âu châu không có và không thể có hệ thống thông tin thống nhất về tình hình sinh hoạt hay vay mượn của các thị trường quá khác biệt với nhau. Từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991, Âu châu cố thống nhất sinh hoạt kinh tế và cả tiền tệ, qua một số đồng thuận về chính trị có hạn chế nhưng chưa là thể chế liên bang cho một tập hợp thống nhất. Vì vậy mà dù là cũng có loại công ty lượng giá tín dụng ở cấp địa phương, Âu châu vẫn cần tới công ty lượng cấp loại toàn cầu và vẫn lệ thuộc và ba đại gia mình vừa kể tên.
Việt Long: Vì sao các quốc gia châu Âu không chung vốn lập ra một công ty để cung cấp dịch vụ ấy cho họ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Chúng ta đụng vào một vấn đề cơ bản là mức độ khả tín của các công ty này. Một cách cụ thể, thị trường tự do cần tới sự đánh giá khách quan của các cơ sở có thẩm quyền tham khảo thống kê kinh tế, sổ sách hay ngân sách quốc gia và tự do nghiên cứu để đưa ra nhận định họ cho là vô tư nhất.
– Thí dụ như nếu Hà Nội lập ra công ty lượng giá trái phiếu do chính mình phát hành thì đấy là quảng cáo không đáng tin. Nếu Bruxelles lập công ty thống nhất do các công chức Âu châu trực tiếp điều hành thì cũng vậy. Khi cả Hy Lạp lẫn Hung Gia Lợi đều vừa thú nhận rằng chính quyền đã man khai sổ sách để có vẻ phù hợp với yêu cầu chung của Âu châu thì ta biết được tầm quan trọng của thông tin trung thực, khả tín.
– Ngoài ra, trong vụ tổng suy trầm vừa qua, ta cũng thấy các cơ chế Âu châu như Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB hay Uỷ ban Âu châu đều không thể cấp bách linh động lấy quyết định ứng phó nếu không có sự ủng hộ của tất cả các quốc gia hội viên và quốc gia nào cũng lại muốn can thiệp vào quyết định chung vì quyền lợi riêng.
– Vì vậy, quả là doanh nghiệp Âu châu có nhu cầu lập ra công ty lượng cấp tín dụng loại toàn cầu nếu có thể cạnh tranh với các đại gia hiện hành. Chứ các chính quyền mà đòi lập cơ quan giám sát các đại gia này thì sẽ tự gây vấn đề rất nặng vì thứ nhất, làm sao thống nhất luật lệ thẩm định cho các thị trường quá khác biệt của Âu châu, và thứ hai trong việc đưa ra khuôn khổ luật lệ ấy, làm sao giải trừ được những mâu thuẫn quyền lợi của từng quốc gia với nhau?
– Câu kết luận của tôi là Âu châu muốn đổi cái nhiệt kế đo lường mức nóng lạnh của con bệnh kinh tế thay vì trực tiếp cứu chữa con bệnh vì cứu khó nổi khi mỗi quốc gia lại ưu tiên bảo vệ quyền lợi của mình. Và họ chơi trò chính trị là đổ lỗi cho doanh nghiệp Mỹ có ý đồ xấu!
Vai trò của các công ty lượng giá
Việt Long: Vai trò các công ty lượng giá là gì trong cuộc khủng hoảng hiện nay của Hy Lạp, của đồng Euro hay của khá nhiều quốc gia đang mắc nạn mà ta từng nói tới?
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Câu hỏi này rất xác đáng vì cho thấy vòng luẩn quẩn tài chánh Âu châu phức tạp của mà Việt Nam lăm le nhảy vào, dù trình độ chuyên môn còn thấp hơn cả thế kỷ.
– Khi bị bội chi ngân sách – chi nhiều hơn thu – thì một quốc gia vay tiền qua phát hành công khố phiếu. Năm nay, Chính phủ Hy Lạp phải phát hành chừng 53 tỷ Euro (gần 73 tỷ Mỹ kim) và tìm nơi tài trợ rẻ nhất bằng cách gọi thầu trong giới đầu tư. Giới đầu tư cạnh tranh với nhau để cho họ vay với phân lời rẻ hơn cả. Đấy là lúc Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB bước vào.
– Trong vụ suy trầm toàn cầu năm 2008-2009, Ngân hàng ECB cần bơm hiện kim tiền mặt vào hệ thống ngân hàng. Từ tháng 10 năm 2008, ECB nhận cung cấp thanh khoản gần như vô hạn về lượng cho các ngân hàng, trong hạn kỳ ba hay sáu tháng, hoặc cả năm. Đổi lại, ECB nhận chứng phiếu của các ngân hàng như tài sản để đương, đảm bảo – trong đó có cả công khố phiếu. Nhờ vậy, các ngân hàng càng muốn có thêm loại phiếu quốc trái ấy và giới đầu tư được khuyến khích cho các chính phủ vay tiền khi mua công khố phiếu.
– Khi thấy ECB mở cửa cho cơ hội giao dịch ấy, các ngân hàng Âu châu lật đật chui vào kiếm lời vì nộp tài sản có đảm bảo ấy – là công khố phiếu – để được tái tài trợ với lãi suất rất rẻ là có 1%. Trong năm 2009, họ chui vào khung cửa tài trợ này, nhờ vậy công khố phiếu lại là cách đầu tư hấp dẫn và phân lời mới giảm.
– Ngân hàng ECB càng muốn cứu hệ thống tài chánh Âu châu khỏi nguy cơ ách tắc tín dụng bằng cách bơm thêm tiền thì càng nới lỏng tiêu chuẩn về tài sản đảm bảo – kể cả quốc trái là trái phiếu của quốc gia. Và tiêu chuẩn ấy có cả cách lượng giá của các công ty lượng cấp tín dụng! Thí dụ như ECB đồng ý nhận cả công trái từ loại A- tới BBB-. Hạn kỳ đặc biệt ấy sẽ dứt vào cuối năm nay.
– Về trường hợp Hy Lạp, với công khố phiếu đang được đánh giá ở cấp BBB+, nếu tình hình sa sút hơn thì các ngân hàng hết dám nhận lại tài sản loại giấy lộn này. Và bề nào thì từ đầu năm tới, nếu trái phiếu Hy Lạp không lên tới cấp A- thì sẽ không được chiếu cố…
– Nói lại cho gọn, Âu Châu mở ra quy luật: “đi vay với tài sản bảo đảm là giấy nợ của chính phủ, để chính phủ lại tiếp tục đi vay, cho các ngân hàng có thể đi vay tiếp”… Và bây giờ đòi can thiệp vào cách định giá tài sản bằng chế độ thanh tra kiểm soát các công ty lượng cấp trái phiếu.
Liên tưởng đến tình hình Việt Nam
Việt Long: Chuyện ấy dẫn ta về hoàn cảnh Việt Nam khi chính quyền Hà Nội trù tính nâng mức vay nợ của chính phủ lên quá 50% tổng sản lượng GDP kể từ năm tới, bên trong lại có cả loại trái phiếu của doanh nghiệp nhà nước được chính quyền bảo đảm. Thủ tướng Nhật được hỏi, thì cho rằng không sao, vì Việt Nam có khả năng trả nợ. Nhưng cùng lúc đó thì Quỹ Tiền tệ Quốc tế lại khuyến cáo Tokyo phải giảm nợ công. Riêng ông thì ông cho rằng Việt Nam sẽ gặp rủi ro tài chính nếu cứ quyết định thi hành kế hoạch đó. Nhờ ông vui lòng giải thích lý do.
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Thông thường thì vay ai, với lãi suất bao nhiêu và làm sao trả sau này là quyết định kinh tế. Tại Việt Nam, vay để làm gì là một quyết định chính trị vì mọi việc tập trung vào trong tay nhà nước, kể cả doanh nghiệp nhà nước, tức là trong tay một số người có khả năng không xứng với trách nhiệm nếu ta nhìn ngay vào kết quả của doanh nghiệp nhà nước đang mắc nợ quá nặng và sẽ phá sản nay mai là Vinashin. Vụ Vinashin này đã được báo chí nêu lên từ năm ngoái mà không có kết quả kiểm tra, và lại còn được đi vay thêm!
– Trường hợp ông Thủ tướng Nhật thì có thể tại hoàn cảnh nước Nhật bây giờ đã nợ tới 217% GDP, trong khi nước Nhật đang bị khủng hoảng từ 20 năm nay! Mình lấy đó làm mẫu mực thì mình chết. Và như ông vừa trình bày, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đưa ra khuyến cáo gần như can ngăn chuyện đó là khuyến cáo đúng.
– Từ bên ngoài thì các định chế quốc tế đều nêu nghi vấn về mức vay mượn thực tế đã cao hơn thống kê chính thức của nhà nước, cụ thể là đã quá 50% tổng sản lượng GDP rồi. Đi vào chi tiết thì loại thông tin mập mờ đó chỉ khiến Việt Nam đi vay với phân lời cao hơn, nghĩa là đắt hơn vì bị cả rủi ro tín dụng là hết tiền trả nợ vì bội chi ngân sách, lẫn rủi ro ngoại hối là trả nợ đắt hơn vì tỷ giá đồng bạc bị sụt. Nếu lại cho doanh nghiệp nhà nước có thêm phương tiện tung hoành thì đấy là con đường dẫn tới phá sản.
– Các nước Âu châu dân chủ mà còn bị tai họa vung tay quá trán thì Việt Nam thiếu dân chủ và thiếu thông tin minh bạch càng dễ tuột vào con dốc đó. Trong bối cảnh khủng hoảng vì vay mượn quá nhiều ở Âu châu thì quyết định ấy của Hà Nội cho thấy khả năng tự sát cao độ của chế độ, với hậu quả là các thế hệ sau này sẽ chìm trong nợ nhưng trước mắt thì một số đảng viên cán bộ hiện nay quơ được một số tiền lớn. Nếu thực sự là đại diện của dân, Quốc hội Việt Nam nên nhìn kỹ hơn vào vấn đề này!
Việt Long & Nguyễn Xuân Nghĩa