Lạm phát của Việt Nam sẽ lên tới gần 20% trong tháng 5
Theo các số liệu do Tổng cục Thống kê công bố hôm nay 24/5, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5 ở Việt Nam được dự báo sẽ lên tới 19,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 8 năm ngoái đến nay, lạm phát ở Việt Nam đã tăng mỗi tháng, nhưng hiện vẫn còn thấp hơn mức kỷ lục 28,3% vào tháng 8/2008.
Một phụ nữ nhập cư bán bánh mì rong trên đường phố Hà Nội. Lạm phát gia tăng, cuộc sống người nghèo càng thêm khốn khó. Ảnh chụp ngày 11/5/11.
Để chống lạm phát, chính phủ Hà Nội đã thắt chặt chính sách tiền tệ và đề ra nhiều mục tiêu, trong đó việc yêu cầu các ngân hàng thương mại kềm chế mức tăng tín dụng dưới 20% trong năm nay và giảm đầu tư công.
Tuy nhiên, theo lời tiến sĩ Lê Đăng Doanh, được hãng tin AFP trích dẫn, lạm phát ở Việt Nam nay đã lên đến mức đáng lo ngại và đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Lê Đăng Doanh cho rằng chính phủ cần xét lại các biện pháp chống tham nhũng.
Vào tháng 2 vừa qua, chính phủ Hà Nội đã phá giá 9,3% tiền đồng Việt Nam, khiến giá nhiên liệu tăng cao. Với lý do là giá dầu hỏa trên thị trường thế giới đang cao, chính phủ Việt Nam vào cuối tháng 3 lại tăng giá nhiên liệu thêm 10%. Cộng thêm với việc tăng giá điện 15%, đời sống của người dân Việt Nam thêm khó khăn. Hãng tin AFP trích lời một chuyên gia kinh tế của công ty tư vấn Capital Economics, ông Vishnu Varathan, cho rằng Ngân hàng Nhà nước muốn tránh phá giá tiền tệ một lần nữa vì sợ giá các mặt hàng nhập khẩu lại tăng thêm nữa.
Theo cơ quan Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam, hiện nay Việt Nam là một trong 5 nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới và hậu quả sẽ là nạn nghèo đói tăng theo.
Thanh Phương
[Nguồn: RFI]
Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2011: Lạm phát 15 % ?
Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2011 sẽ ở mức 6,2%, lạm phát có khả năng sẽ ở mức 15%, và Việt Nam cần các biện pháp trung và dài hạn để duy trì phát triển kinh tế bền vững… là những thông tin được các chuyên gia đưa ra tại buổi công bố Báo cáo khảo sát tình hình kinh tế -xã hội khu vực châu Á- Thái Bình Dương, ngày 5-5 tại Hà Nội.
Ông Pisit Puapan (trái) và PGS. TS Lê Xuân Bá tại buổi công bố báo cáo.
Nợ công đã vượt 50%GDP
Báo cáo do Ủy ban kinh tế xã hội khu vực châu Á- Thái Bình Dương (ESCAP) của Liên Hiệp Quốc công bố về tình hình kinh tế Việt Nam cho thấy sau khi đạt mức tăng trưởng mạnh trong năm 2009, kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh hơn trong năm 2010. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những lo ngại về tình trạng phát triển quá nóng. Lạm phát ở mức cao và có những dấu hiệu rõ ràng về tình trạng quá nóng là những điểm Việt Nam cần lưu ý. Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia có thâm hụt tài khóa cao nhất ở Đông Nam Á với khoản nợ công không ngừng tăng lên, hiện đã vượt 50% GDP. Theo dự báo, trong năm 2011 tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chậm lại, ở mức 6,2%.
Ông Pisit Puapan, chuyên gia phụ trách các vấn đề kinh tế của UN ESCAP cho rằng, khả năng rơi vào bẫy thu nhập trung bình là tình hình không mong muốn ở nhiều nước châu Á. UN ESCAP đã xây dựng hai kịch bản, gồm: một kịch bản có tên Thế kỷ châu Á và một kịch bản bi quan. Việt Nam và Thái Lan đang phải đối diện với tình trạng toàn cầu hóa về giá cả, giá cả tăng lên một mức mà thu nhập nội địa không theo kịp.
Hạ lạm phát: Nhanh cũng phải 6 tháng
PGS.TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trong mấy năm vừa rồi tình hình lạm phát ở Việt Nam tương đối phức tạp và đây là một trong những vấn đề “đau đầu” của Chính phủ. Con số thống kê cho thấy năm 2010, lạm phát ở mức 11,75%. Nếu so với năm 2008 thì mức lạm phát này còn thấp hơn. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra thì con số này là cao. Tính đến hết tháng 4, lạm phát đã lên tới 9,64%, vượt mức lạm phát cả năm mà Quốc hội cho phép. Với diễn biến này, nhiều ý kiến đặt ra về mức lạm phát năm nay. “Tại phiên họp Chính phủ vừa rồi, Chính phủ quyết tâm phấn đấu giữ lạm phát bằng mức của năm 2010. Đây là con số đặt ra để phấn đấu nhưng theo tôi nghĩ là khó thực hiện. Nhiều dự đoán cho rằng từ tháng 5 lạm phát sẽ xuống. Thí dụ lạm phát có giảm xuống 2,5%, cộng với 9,6% của các tháng đầu năm đã bằng con số lạm phát mục tiêu đề ra. Cá nhân tôi dự đoán, nếu chúng ta phấn đấu được lạm phát ở mức thấp hơn 15% cũng là tốt rồi vì để hạ được lạm phát phải có thời gian, có thể 6 tháng, 9 tháng.”- Ông Bá nói.
Ông Bá cho rằng, xét một cách đầy đủ, lạm phát ở Việt Nam là do cơ cấu kinh tế khá lạc hậu. Tăng trưởng của ta là tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào vốn đầu tư, ít dựa vào kinh tế tri thức, khoa học công nghệ. Đồng vốn đầu tư của ta hiệu quả chưa cao, thậm chí có những đồng vốn không hiệu quả. Muốn không có lạm phát hoặc lạm phát ở mức thấp, phải tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả đầu tư. Nếu không lạm phát là vấn đề tương đối thường trực. “Có thể hôm nay bằng biện pháp này khác ta kìm chế được lạm phát nhưng rồi nó sẽ bùng lại bất cứ lúc nào. Phải kết hợp giữa tăng trưởng theo chiều rộng và tăng trưởng theo chiều sâu, phải chú trọng đến việc tăng hàm lượng khoa học công nghệ, tri thức lên”- Ông nói.
Kiểm tra việc doanh nghiệp nước ngoài huy động vốn ở Việt Nam
Theo PGS-TS Lê Xuân Bá, năm 2010 Việt Nam thu hút được hơn 17,2 tỷ USD vốn FDI đăng ký và giải ngân được 11 tỷ USD. Đây là mức giải ngân khá cao nếu so với những năm đầu thu hút FDI của Việt Nam, khi tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 1/3 vốn đăng ký. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng trong số 11 tỷ USD vốn FDI giải ngân của năm 2010, thực chất nhà đầu tư nước ngoài chỉ đưa vào giải ngân 8 tỷ USD, số còn lại là thu hút vốn từ trong nước. Tại cuộc họp của Bộ KH&ĐT trong tuần này, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã yêu cầu vụ chức năng xem kỹ lại có hay không việc này.
Phạm Tuyên
Người lao động nghèo sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi lạm phát tiếp tục tăng cao. Ảnh minh họa: Hoàng Hà