“Hôm nay là ngày vui của tôi”, ứng viên Mitt Romney của đảng Cộng Hòa tươi cười nói với mọi người ngay sau khi đối thủ chính trị Rick Santorum loan báo rời cuộc đua.
Ứng cử viên Mitt Romney (Hình: Spencer Platt/Getty Images)
Dù vẫn còn sự hiện diện của 2 ứng viên “cỡ nhỏ” là ông Newt Gingrich và Ron Paul, nhưng quyết định của ông Santorum khiến con đường được đảng đề cử tranh chức tổng thống mà ông Romney đang đi trở thành rộng thênh thang, đến độ ông lên tiếng nói có thể bắt đầu “nghĩ đến việc chọn người đứng phó”.
Từ “nghĩ” cho đến “chọn” được người để mời đứng chung liên danh “là một đoạn đường khá dài, phải mất vài tháng mới có thể xong”, theo chia sẻ của ông cố vấn chính trị Rich Beeson trong e-mail mới gửi ra hồi sáng Thứ Năm tuần này. Nhân vật đang hoạch định chiến lược tranh cử cho ông Romney bảo thêm chọn người đứng phó “chẳng khác gì cử tri chọn người lãnh đạo quốc gia”, tức sẽ phải dựa vào nhiều yếu tố khác nhau. Trong cuộc đua tranh chức tổng thống, “chọn người đứng chung liên danh lại càng khó hơn” vì người được chọn “phải giúp tăng thêm giá trị cho liên danh”, giúp đường vào Tòa Bạch Ốc trở nên dễ dàng hơn, “không cản trở khí thế mà ông Romney và cử tri khắp nơi đang cùng nhau gầy dựng” và phải có khả năng “đảm nhận vai trò tổng thống khi cần thiết”.
Ðã từng có lúc một số chính trị gia Hoa Kỳ lắc đầu nói rằng làm gì cũng được nhưng “làm phó” thì nhất định chê! Chẳng hạn như cách đây 4 năm Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ James Webb nói nếu có được ông Barack Obama mời ông cũng lắc đầu, vì “tôi không muốn ngày nào cũng mặc quần áo thật đẹp chỉ để đại diện tổng thống đi ăn đám cưới hoặc đi dự đám ma”. Nhưng cũng có những người khi được hỏi ý kiến nhận lời ngay, như hồi gần cuối Hè 2008, ông Joseph Biden khi được ông Obama hỏi “giữa vai trò phó tổng thống và vai trò của một vị ngoại trưởng ông sẽ chọn vai trò nào”. Trước câu hỏi chẳng mấy khó đó, ông Biden trả lời ngay “tôi chọn làm ông phó” và rất vui với vị trí ông hiện đang nắm giữ.
Cũng có những trường hợp hoàn toàn bất ngờ, như hồi năm 2000 ứng viên Cộng Hòa George W. Bush nhờ người bạn thân với gia đình là ông Dick Cheney làm trưởng ban đi tìm và phỏng vấn những người nên mời đứng chung liên danh. Ông Cheney lập một danh sách cả chục ông, nói chuyện với từng người một và sau đó đích thân trình bày cho ông “W” biết hay dở của từng người. Nghe xong bản báo cáo đó, ông “W” bèn hỏi ngay “nếu thế, tại sao ông không đứng phó giúp cho tôi?” Kết quả: Nước Mỹ có một ông phó “quyền lực nhất trong lịch sử”, theo nhận định của báo giới và các sử gia, đồng thời cũng là “ông phó gây nhiều tranh cãi nhất”, cũng theo nhận xét của báo giới và các sử gia.
Những chuyện vừa nêu là điều người Mỹ chưa quên, chính vì thế nên việc ông Romney bảo có thể bắt đầu lo tìm người đứng phó trở thành một trong những để tài được bàn tán khá ầm ĩ, đến độ ông Romney phải đưa ra lời tuyên bố kế tiếp, bảo rằng “đến giờ tôi chưa vẫn có danh sách những người có thể được chọn”.
Ông Romney nói “chưa có danh sách” thì dân ưa bàn chuyện chính trị sẵn sàng lập danh sách hộ cho ông. Cứ nhìn trên mặt báo, theo dõi các cuộc thảo luận truyền hình hay radio thì thấy ngay: Hiện đang có chừng vài chục người được nói đến, ông bà nào cũng có một số điểm từ hay đến thật hay và những điểm từ… không hay cho đến… tệ để ông Romney phải chú ý, phải cân nhắc trước khi quyết định mời đứng chung liên danh nếu muốn trở thành vị tổng thống tương lai của nước Mỹ.
Ðứng đầu danh sách đang được bàn cãi là Dân Biểu Paul Ryan, người vừa soạn thảo bản ngân sách đối chọi với ngân sách được tổng thống Dân Chủ đệ nạp cho Quốc Hội, và bình luận gia nổi tiếng của cánh bảo thủ George Will là một trong những người đưa ý kiến đề nghị ông Romney nên chọn ông này. Ðề nghị ngân sách của ông dân biểu Cộng Hòa mới 42 tuổi có thể tóm gọn vào những điểm sau đây: Chi tiêu ít hơn, vay nợ ít hơn, tiến đến mục tiêu cân bằng ngân sách nhanh hơn.
Người đầu tiên hoan nghênh ông Ryan là ông Romney, nói rằng những gì được đưa ra trong đề nghị ngân sách Cộng Hòa cũng chính là mục đích ông sẽ thực hiện khi trở thành người lãnh đạo quốc gia. Nói với cử tri Pennsylvania hồi cuối tuần trước, ông Romney cho hay “ông Obama tiêu quá nhiều tiền mà không cứu được kinh tế, nếu làm tổng thống tôi sẽ cắt ngân sách mà mức phát triển kinh tế của quốc gia sẽ tăng. Ông Obama vay quá nhiều tiền, nếu làm tổng thống tôi sẽ không vay tiền để con em chúng ta không phải lo trả nợ. Ông Obama hứa cân bằng ngân sách mà không làm, nếu làm tổng thống tôi sẽ cân bằng được ngân sách”. Những người ủng hộ vỗ tay hoan hô, vì đó cũng chính là điều họ đang nghĩ đến.
Ông Paul Ryan chẳng phải là người duy nhất nằm trong danh sách mà mọi người đang dự đoán. Bà Tonie Gibson của Delaware cho rằng hầu hết các cuộc bầu cử đều được quyết định bởi lá phiếu của tập thể người lớn tuổi và tập thể quan tâm đến vấn đề xã hội, giáo dục, vì thế “ông Romney nên chọn Thống Ðốc Bobby Jindal của tiểu bang Louisiana”.
Lập luận của nhà phân tích độc lập này nghe cũng khá vững: Ông Jindal là người trẻ (mới 40), năm 20 tuổi lúc còn là sinh viên tập sự ở Quốc Hội đã viết đề nghị cải tổ Medicare để mọi người an tâm khi về già được hưởng trợ cấp y tế, năm 24 tuổi đã được mời làm giám đốc Chương Trình Y Tế và Bệnh Viện tiểu bang, 2 năm sau đó trở lại D.C. điều khiển Hội Ðồng Quốc Gia Cải Tổ Medicare do Quốc Hội thành lập, trước khi làm viện trưởng trường đại học lớn nhất của tiểu bang. Hồi 2001, ông Jindal làm phụ tá tổng trưởng Y tế liên bang, sau đó vào Quốc Hội và hiện đang giữa vai trò thống đốc.
Ngoài những yếu tố vừa nêu, bà Gibson còn đưa ra một số yếu tố khác nữa, chẳng hạn như ông Jindal là người thiểu số gốc Châu Á -nổi tiếng hơn thượng nghị sĩ trẻ tuổi Marco Rubio gốc Cuba của tiểu bang Florida, đồng thời lại là chính trị gia ăn khách ở khu vực miền Nam, nơi ông Romney cần có người giúp để kiếm phiếu.
Lá phiếu của tập thể nữ cử tri thì sao? Trong một buổi trò chuyện, nhà báo Võ Thành Nhân của SBTN-DC là người nêu câu hỏi này, và nhanh nhẹn trả lời “quan trọng lắm”. “Nên nhớ bốn năm trước đây tập thể cử tri này ủng hộ ông Obama, đến cuộc bầu cử giữa kỳ 2010 họ quay sang bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa, nhưng cuộc thăm dò mới nhất cho thấy tỷ lệ nữ cử tri ủng hộ ông Obama hơn tỷ lệ nói sẽ bỏ phiếu cho ông Romney tới 18%. Nếu không thu hút được phiếu của nữ giới, cửa vào Tòa Bạch Ốc của ông Romney sẽ rất hẹp”.
Như vậy, chắc ông Romney phải nghĩ đến chuyện mời một bà đứng phó cho ông. Người ông nên mời là ai? “Bà Michell Bachmann”, anh Võ Thành Nhân nói ngay. “Bà Bachmann từng ra tranh cử, có thời còn đứng đầu danh sách ứng viên Cộng Hòa, thông minh, hiểu biết hơn bà Sarah Palin rất nhiều, có thể đảm nhận vai trò tổng thống khi cần”. Anh nhà báo Việt Nam này còn nói đến chuyện ông Romney cần lá phiếu của nhóm Tea Party “bà Bachmann là người của Tea Party”, đưa bà ra vận động tranh cử “ăn đứt bà Nancy Pelosi của bên Dân Chủ”. (Bà Hillary Clinton không thể đi vận động giúp cho ông Obama vì luật pháp Hoa Kỳ quy định 3 vị tổng trưởng ngoại giao, quốc phòng và tư pháp “không được phép tham dự các sinh hoạt chính trị”.)
Thế còn ông Rick Santorum thì sao? Câu trả lời nên dành cho ông Romney. Trong buổi tiếp xúc với cử tri ở Warwick, Rhode Island, ông Romney nói rằng bất kỳ đối thủ chính trị nào được đảng Cộng Hòa đề cử tranh chức tổng thống, “Tôi cũng hết lòng ủng hộ họ”. Ông bảo tiếp “đương nhiên những ai đã ra tranh cử chung với tôi đều có thể nằm trong danh sách, trong đó có ông Santorum”. Nhưng ông Romney nói rõ “Tôi chưa có danh sách, nên chưa thể nói là ông Santorum có ở trong số những người tôi sẽ mời đứng chung liên danh hay không”.
Ðiều cũng cần nói ở đây: Hiện mới có ông Paul Ryan nói về chuyện làm phó tổng thống. Nguyên văn lời ông phát biểu với báo chí như sau: “Bên ông Romney chưa nói gì với tôi cả. Nếu được hỏi ý kiến, thế nào tôi cũng cân nhắc”.
Nguyễn Văn Khanh