1. Người Thổ Nhĩ Kỳ và người Pháp chiếm đóng xứ Ai Cập
Vào thời đại của Đế Quốc Ottoman, cai trị tại xứ Ai Cập là các người Mamlukes với các quan chức cai trị được huấn luyện tại Istanbul và được gọi là pashas. Đội quân Mamlukes đã phát triển nhờ thu nhận thêm các người nô lệ từ miền Caucase, nhưng tới cuối thế kỷ 16, do các quan cai trị chi xài phung phí, đánh thuế tùy tiện và cũng do các âm mưu nội bộ, xứ Ai Cập suy tàn, thêm vào là một trận bệnh dịch vào năm 1719 khiến cho dân chúng bị thưa dần, các thành phố tràn ngập bãi rác.
Vào cuối thế kỷ 18, xứ Ai Cập lại trở nên một quân cờ trong công cuộc tranh giành giữa hai nước Pháp và Anh. Vị Tướng trẻ, nhiều tham vọng là Napoléon Bonaparte đã nhận ra xứ Ai Cập đáng là một nơi dùng để ngăn chặn nền thương mại và nền cai trị xứ Ấn Độ của người Anh.
Vào năm 1789, hạm đội của Tướng Napoléon đổ bộ lên thành phố Alexandria, tại nơi này ông ta đã tuyên bố sẽ giải phóng xứ Ai Cập và sẽ tôn trọng đạo Hồi hơn là các người Mamlukes. Sau đó đạo quân Pháp đã đánh thắng quân Mamlukes và chiếm được thành phố Cairo, nhưng hạm đội Pháp bỏ neo tại Vịnh Abu Qir đã bị phá hủy do hạm đội Anh chỉ huy bởi Đô Đốc Horatio Nelson.
Nhận thấy chiến dịch chinh phục xứ Ai Cập không thành công, Tướng Napoléon trở về Pháp, bỏ lại phía sau đạo quân mà ông ta đã chỉ huy. Mặc dù người Pháp bị thất bại khi tìm cách chiếm đóng xứ sở này, nhưng đi theo quân đội Pháp vào thời đó đã có 154 nhà khoa học, kỹ sư, nhà nhân chủng học, họa sĩ… , họ đã bỏ ra 3 năm trường để nghiên cứu về nền văn minh rực rỡ của xứ Cổ Ai Cập. Kết quả của các công trình nghiên cứu này là bộ sách gồm 24 quyển có tên là “Mô Tả về Xứ Ai Cập” (Description de l’Egypte) , và nhờ bộ sách khảo cứu công phu này mà người dân châu Âu mới tìm hiểu thêm các kỳ quan của thời đại Cổ Ai Cập.
2. Xứ Ai Cập với Vua Muhammad Ali
Sự thất bại của Tướng Napoléon tại Ai Cập đã để lại một khoảng trống về quyền lực và một sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ huy đạo quân Albanian, tên là Muhammad Ali, trong vòng 5 năm, đã vận động thành công để trở nên Phó Vương Ottoman (Ottoman Viceroy) của xứ Ai Cập.
Triều đại của ông Muhammad Ali này đã làm thay đổi xứ Ai Cập tận gốc rễ hơn là các nhà cai trị trước kia, kể từ Salah al-Din, và vì vậy, ông Muhammad Ali được coi là người sáng lập ra xứ Ai Cập tân tiến.
Vào năm 1805, Vua Muhammad Ali (cai trị từ 1805 tới 1848), đã dùng các biện pháp mạnh, chém đầu các nhà lãnh đạo Mamlukes, tịch thu các vùng đất đai tư hữu giàu có và bắt đầu canh tân xứ Ai Cập bằng các chuyên gia người Âu, xây dựng các đường xe lửa, các nhà máy, các kênh đào. Vua Muhammad Ali đã khuyến khích các người châu Âu có tài tới thành phố Cairo và một cựu tướng lãnh trong đạo quân Napoléon trước kia là ông Joseph Sèves đã nhận lãnh cô việc huấn luyện cho đạo quân của Vua Ali này. Về sau, ông Joseph Sèves đã cải sang đạo Hồi, trở thành quan Suleyman Pasha và bức tượng của ông này đã được tạc ra và đặt trong khu thương mại của thành phố Cairo cho tới cuộc cách mạng năm 1952.
Vua Muhammad Ali còn thuê mướn các thầy giáo và chuyên viên mọi ngành để canh tân xứ Ai Cập đồng thời các học sinh và học giả Ai Cập được gửi đi du học tại châu Âu để tìm hiểu về nền văn minh phương tây. Con trai của vị vua này đã chỉ huy một chiến dịch miền đất phía bắc của xứ Sudan mà kết quả đáng kể là đã mang về xứ sở một loại bông gòn (cotton) đặc biệt để về sau này Ai Cập là địa phương chính yếu xuất cảng bông gòn.
Khi Vua Muhammad Ai qua đời vào năm 1849, người kế vị là Pasha Abbas (cai trị từ 1848-54) đã đóng cửa các nhà máy vá các trường công lập, làm cho công cuộc kỹ nghệ hóa bị chậm lại nhưng một đường xe lửa đã được xây dựng do người Anh, nối từ thành phố Alexandria tới thành phố Cairo. Sau đó Phó Vương Said Pasha (cai trị từ 1854-63) đã giao quyền xử dụng đất đai cho một kỹ sư người Pháp tên là Ferdinand de Lesseps, để đào một con kênh nhân tạo, cắt ngang eo biển Suez. Công trình đào kênh này hoàn thành vào năm 1869.
Cháu nội của Vua Muhammad Ali, tên là Ismail (cai trị từ 1863-79) là người đã từng du học bên Pháp, đã điều khiển các buổi lễ khánh thành Kênh Đào Suez một cách rất xa hoa, tốn kém. Rất nhiều vương giả của châu Âu được mời tới Ai Cập để tham dự các buổi lễ, tất cả chi phí do xứ Ai Cập đài thọ. Cũng vào dịp này nhiều khách sạn và lâu đài đựoc đặc biệt xây cất và kết quả là xứ Ai Cập sắp lâm vào cảnh vỡ nợ do các món vay nợ với lãi xuất cao từ các chủ nợ của châu Âu.
Để tránh khỏi vỡ nợ, Pasha Ismail phải bán các cổ phần của Kênh Đào Suez cho chính quyền nước Anh vào năm 1875 và ông Ismail phải đi sống lưu vong, quyền hành về tay người con là Pasha Tewfiq (cai trị từ 1879-92) và vào lúc này, hai chủ nợ chính của xứ Ai Cập là nước Anh và nước Pháp.
Vì bị kiểm soát về tài chính, nhóm các sĩ quan ái quốc Ai Cập đã bắt Pasha Tewfiq phải bổ nhiệm nhà lãnh tụ của nhóm họ là Ahmed Urabi giữ chức Bộ Trưởng Chiến Tranh. Trước sự việc này, hai nước Pháp và Anh đã phản ứng lại bằng cách gửi các tầu chiến tới bắn phá thành phố Alexandria và cho quân đổ bộ, đánh thắng đạo quân của Ahmed Urabi tại Tel el-Kebir, rồi sau đó phục hồi quyền hành cho Pasha Tewfiq, nhưng thực ra, ông này chỉ là vua bù nhìn dưới quyền kiểm soát của người Anh.
3. Người Anh chiếm đóng xứ Ai Cập
Người Anh lúc đầu xác nhận rằng họ sẽ thiết lập trật tự cho xứ Ai Cập rồi rút lui nhưng các quyền lợi tại xứ sở này đã khiến cho họ lưu lại nơi đây lâu dài hơn. Nước Ai Cập từ nay bị đặt dưới quyền cai trị của vị Tổng Lãnh Sự Anh (the British Consul-General) là Sir Evelyn Baring rồi về sau là Lord Cromer, vị Toàn Quyền này đã mô tả sự liên hệ giữa hai quốc gia là “sự bảo hộ bằng màn che” (Veiled Protectorate). Kể từ nay, Ai Cập là một xứ thuộc địa của người Anh, nước Anh cung cấp cho xứ sở này các loại hàng hóa kỹ nghệ và khuyến khích người Ai Cập sống nhờ vào số lượng bông gòn xuất cảng.
Cách chiếm đoạt quyền hành này của người Anh đã khiến cho người Ai Cập tức giận rồi vào thời đại của Vua Abbas II, lên ngôi vào năm 1892, một phong trào quốc gia đòi độc lập đã nổi lên, đứng đầu là Luật Sư Mustafa Kamel.
Vào lúc Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ, nước Ai Cập còn là một tỉnh của Đế Quốc Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ trong khi nước sau này lại ngả về phe nước Đức vào năm 1916. Để bảo vệ các quyền lợi chiến lược, người Anh càng gia tăng sự kiểm soát đặt lên xứ Ai Cập. Vào năm 1917, người con trai thứ 6 của Vua Ismail được đưa lên làm Vua Ai Cập với vị Toàn Quyền người Anh là ông Reginal Wingate.
Vào thời kỳ chiến tranh này, phong trào quốc gia tại Ai Cập đã gia tăng. Tới năm 1918, thủ lãnh của phong trào ái quốc là Sa’ad Zaghlul đã đưa cho vị Toàn Quyền Wingate một đòi hỏi tự trị nhưng yêu cầu này đã bị bác bỏ. Một đòi hỏi khác của phong trào quốc gia kể trên là muốn gửi một phái đoàn tới London để khiếu nại, sự việc này đã khiến cho ông Zaghlul bị bắt và bị đưa đi đầy trên đảo Malta.
Vào năm 1922, người Anh đã bãi bỏ chế độ bảo hộ tại Ai Cập và công nhận Ai Cập là xứ sở độc lập nhưng họ vẫn nắm quyền kiểm soát các ngành Quốc Phòng, Tư Pháp và Giao Thông cũng như Kênh Đào Suez. Vào thời gian này, vua Ai Cập là Fouad.
Trong thời gian 20 năm tiếp theo là các cuộc tranh đấu giữa nhà vua Ai Cập, người Anh và đảng Quốc Gia Wafd. Tới năm 1936, người con trai của Vua Fouad là Vua Farouk lên nối ngôi cha, đã ký với người Anh Hiệp Ước Anh Ai Cập (the Anglo-Egyptian Treaty) có giá trị 20 năm, sau đó sẽ chấm dứt sự chiếm đóng của người Anh nhưng quân đội Anh còn được quyền ở lại Vùng Kênh Đào Suez. Qua năm sau, 1937, nước Ai Cập tham gia vào Hội Quốc Liên nhưng cuộc Thế Chiến Thứ Hai đã làm cản trở công việc hoàn thành nền độc lập của xứ sở này.
Tháng 3 năm 1941, Tướng Erwin Rommel của Quân Đoàn Châu Phi (Afrika Korps) của Đức Quốc Xã đã đổ bộ lên xứ Ai Cập và tiến tới gần thành phố Alexandria, chỉ còn cách 111 cây số thì lực lượng Đức bị đẩy lui bởi Lộ Quân Thứ 8 (the Eighth Army) dưới quyền chỉ huy của vị Tướng người Anh Montgomery tại mặt trận El-Alamein vào tháng 10 năm 1942.
Trong thời kỳ chiến tranh này, các nhà lãnh đạo Đảng Wafd tin rằng nền độc lập sẽ được nước Anh trả lại thực sự cho xứ Ai Cập đồng thời họ còn đòi hỏi xứ Sudan phải được sát nhập vào nước Ai Cập, nhưng những yêu cầu này không được người Anh làm theo, vì vậy đã xẩy ra nhiều vụ rối loạn và đình công, xúi dục do Tổ Chức Huynh Đệ Hồi Giáo (the Muslim Brotherhood), khiến cho đã có các vụ đụng độ với quân đội Anh trên vùng Kênh Đào Suez.
Khi xứ sở Do Thái tuyên bố độc lập vào tháng 5 năm 1948, Ai Cập đã tham gia cùng các lực lượng quân sự Iraq, Jordan và Syria để tấn công người Do Thái, nhưng quân đội Ai Cập đã bị thua trận, Nhiều sĩ quan Ai Cập trong trận chiến này đã bất mãn vì sự bất lực và tham nhũng của các cấp trên, họ đã tham gia vào nhóm âm mưu cách mạng gọi tên là Các Sĩ Quan Tự Do (the Free Officers).
4. Cuộc Cách Mạng Năm 1952
Tại xứ Ai Cập, các cuộc bầu cử được tổ chức lần thứ nhất với đảng Wafd chiếm đa số. Đảng này giành được quyền lập chính phủ với Pasha Nahas làm Thủ Tướng. Năm 1952, Thủ Tướng Nahas bị Quốc Vương Farouk giải nhiệm vì đã tiêu hủy Hiệp Ước Anh-Ai Cập, đồng thời quân đội Ai Cập được phái tới các đường phố để dẹp yên các vụ rối loạn và các người biểu tình.
Ngày 23 tháng 7 năm 1952, các Sĩ Quan Tự Do đã âm mưu một cuộc đảo chính không đổ máu, với quân đội chiếm đóng Quốc Hội, các lâu đài và các Bộ Sở, khiến cho 3 ngày sau, Vua Farouk phải thoái vị rồi đi sống lưu vong. Người đứng đầu cuộc đảo chính này là Trung Tướng Muhammad Naguib, sau đó ông Naguib trở nên vị lãnh đạo quốc gia kiêm Thủ Tướng, nhưng thực quyền ở trong tầm tay của 9 sĩ quan của Hội Đồng Chỉ Huy Cách Mạng (the Revolutionary Command Council) và đứng đầu các tướng lãnh này là Đại Tá Gamal Abdel Nasser.
Vào ngày 26 tháng 7 năm 1953, xứ Ai Cập tuyên bố là một nước Cộng Hòa với chế độ quân chủ bị bãi bỏ, các đảng phái chính trị bị giải tán, hiến pháp được phục hồi trong khi đó vẫn có các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ, rồi cuối cùng, Tướng Naguib bị quản thúc tại gia và Đại Tá Nasser trở nên Tổng Thống của xứ Ai Cập vào tháng 6 năm 1956.
5. Nước Ai Cập vào thời đại Nasser
Tổng Thống Nasser đã tạo được ảnh hưởng lớn lao trên xứ Ai Cập và thế giới Ả Rập cho đến ngày ông qua đời vào năm 1970. Ý thức hệ của ông Nasser là phong trào Quốc Gia Ả Rập (the Arab Nationalism) phối hợp với Xã Hội Chủ Nghĩa (socialism), vì vậy uy tín của ông Nasser trở nên rất phổ biến, lan rộng tới Iraq và Morocco.
Dưới sự lãnh đạo của ông Nasser, Ai Cập ở tuyến đầu trong phong trào chống chủ nghĩa thuộc địa (anti-colonialism), ủng hộ các cuộc đấu tranh giải phóng tại xứ Algeria và tại miền Nam Sa Mạc Sahara. Ai Cập cũng là nước cùng sáng lập ra Phong Trào Không Liên Kết (the Non-Aligned Movement).
Năm 1954, ông Nasser đạt được thỏa hiệp để quân đội Anh rút lui khỏi vùng Kênh Đào Suez nhưng việc quản trị và lợi tức của kênh đào này vẫn còn ở trong tay các người ngoại quốc, trong khi đó ông Nasser cũng yêu cầu Ngân Hàng Thế Giới (the World Bank) tài trợ cho công cuộc xây dựng Đập Nước Aswan (the Aswan High Dam) cùng với việc mua khí giới để trang bị lại cho quân đội Ai Cập. Khi Liên Xô chấp nhận việc cung cấp võ khí cho Ai Cập thì Hoa Kỳ phủ quyết số tiền cho vay để xây dựng đập nước, sự việc này đã khiến cho ông Nasser không còn cách làm nào khác là quốc hữu hóa Kênh Đào Suez vào tháng 7 năm 1956 để có lợi tức cần dùng.
Việc quốc hữu hóa Kênh Đào Suez đã bị hai nước Anh và Pháp coi là một mối đe dọa tới các quyền lợi thiết yếu của họ, nên 2 nước này đã đồng ý ngầm với nước Do Thái trong cuộc chiến tranh xâm lăng miền Sinai vào tháng 10 năm 1956. Sau các cuộc dội bom, quân nhẩy dù Anh đáp xuống Port Said, Hoa Kỳ bèn đe doạ sẽ làm mất ổn định nền kinh tế Anh nếu lực lượng của họ không rút lui. Kênh Đào Suez nhờ đó được mở cửa lại với sự kiểm soát hoàn toàn thuộc về xứ Ai Cập và ông Nasser được coi là nhà vô địch trong phong trào Quốc Gia Ả Rập (the Arab nationalism).
Khi làn sóng “thuần-Ả Rập” (pan-Arab) lan tràn, 2 nước Ai Cập và Syria đã kết hợp thành nước Cộng Hòa Hợp Nhất Ả Rập (the United Arab Republic) vào năm 1958 nhưng sự xếp đặt này đã gặp thất bại 8 năm về sau.
flag of the United Arab Republic
Vào thời gian này, Ai Cập tiến gần tới Liên Xô hơn do Ai Cập nhận các trợ giúp kinh tế và quân sự ở mức độ rộng lớn, do việc Liên Xô giúp đỡ xây dựng Đâp Nước Aswan, đồng thời Ai Cập cũng ngấm ngầm yểm trợ các vụ khủng bố Fedayeen từ giải đất Gaza để quấy nhiễu xứ Do Thái đang được trang bị quân lực hùng hậu.
Khi quân đội Do Thái đe dọa xâm lăng xứ Syria vào năm 1967, ông Nasser đã gửi binh lực tới Bán Đảo Sinai, ngăn chặn Eo Biển Tiran, không cho các tầu chở hàng tới Hải Cảng Eilat của Do Thái. Vì vậy Do Thái đã đánh trả lại bằng cách tàn phá các lực lượng không quân của Ai Cập vào ngày 5/6/1967, khi đó các máy bay Ai Cập còn đang đậu trên mặt đất, rồi quân Do Thái đã chiếm giữ các miền Sinai, Gaza, Bờ Phía Tây (the West Bank) và Cao Nguyên Golan Heights. Cuộc Chiến Tranh 6 Ngày (the Six Day War) này đã là một thất bại lớn lao cho Khối Ả Rập và đã làm tiêu tan hào quang của ông Nasser tại xứ sở của ông. Ông Nasser đành phải từ bỏ mọi hoạt động, chỉ giữ lại chức vụ Tổng Thống rồi qua đời vì bệnh tim một cách âm thầm 3 năm về sau, nhưng đám tang của ông Nasser được coi là lễ an táng lớn lao nhất từ xưa tới nay của xứ Ai Cập.
Vào thời đại của ông Nasser, nhiều cải tiến xã hội đã được thực hiện. Công việc đầu tiên của chính quyền mới này là phá bỏ các miền đất phong kiến cũ, chuyển nhượng đất đai cho các nông dân nghèo fellaheen. Nhờ Đập Nước Aswan, diện tích đất canh tác đã tăng được 15 phần trăm và các máy phát điện của đập nước đã cung cấp điện năng cho một cơ bản kỹ nghệ khổng lồ. Các tiến bộ về giáo dục cũng gia tăng, tuổi thọ của người dân Ai Cập tăng từ 43 tới 52 năm. Do bị ảnh hưởng của hệ thống Xô Viết, mọi đảng phái chính trị phải sát nhập vào Liên Hiệp Xã Hội Ả Rập (the Arab Socialist Union) đồng thời sự kiểm duyệt, các giam cầm và hành hạ các kẻ chống đối cũng gia tăng.
6. Nước Ai Cập dưới thời Ông Anwar Sadat
Nhân vật thứ hai của ông Nasser là ông Anwar Sadat được xác nhận là Tổng Thống kế tiếp của nước Ai Cập để canh tân lại xứ sở này sau khi người dân Ai Cập bì xuống tinh thần vì các thất trận, vì các trì trệ và khắc khổ mà người dân phải chịu đựng.
Tổng Thống Anwar Sadat đã thực hiện một cuộc cách mạng “sửa đổi” (corrective revolution) bằng cách lật ngược lại cách kiểm soát kinh tế từ trung ương (centralized economic control), trục xuất hàng loạt các cố vấn Liên Xô ra khỏi xứ Ai Cập và âm thầm hoạch định với 2 xứ Syria và Jordan để tấn công nước Do Thái.
Ngày 6 tháng 10 năm 1973, quân đội Ai Cập băng qua vùng Kênh Đào Suez, tấn công phòng tuyến Bar-Lev để tiến vào miền đất Sinai do quân Do Thái trú đóng. Cuộc chiến tranh này được gọi là Cuộc Chiến Tranh Tháng 10 (the October War) (ngày 10 tháng Ramadan) hay Cuộc Chiến Tranh Yom Kippur, đã là một đòn đánh vào uy tín của nước Do Thái. Sau đó, Ai Cập giành được một dẻo đất ở phía đông của Kênh Đào và chiến thắng này được coi là công lao của ông Sadat.
Sau cuộc chiến tranh kể trên, các tù nhân chính trị được ông Sadat khoan hồng, cách kiểm duyệt của chính phủ bị bãi bỏ, các đảng phái kể cả phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo (the Muslim Brotherhood) được cho phép hoạt động. Ngoài ra, chính sách “mở cửa” (open door = infitah) của ông Sadat đã khuyến khích các loại đầu tư và giảm thiểu ảnh hưởng của chính quyền xen vào phạm vi kinh tế.
Hơn nữa, nhờ các đầu tư của các xứ Ả Rập vùng Vịnh, nhờ các công tác xây dựng lại các thành phố của vùng Kênh Đào mà nền kinh tế của nước Ai Cập đã phát triển rực rỡ. Nhưng, trong khi số người giàu gia tăng thì tình trạng của giới ngheo cũng bi thảm hơn, 5 triệu gia đình Ai Cập phải sinh sống dưới mức 30 mỹ kim một tháng và một triệu rưỡi người Ai Cập phải đi làm mướn cho các nước Vùng Vịnh.
Sau năm 1977, nước Do Thái đã có vũ khí hạt nhân, điều này khiến cho các nước Ả Rập sẽ gặp khó khăn khi muốn tấn công xứ Do Thái và cũng vì vậy, Tổng Thống Anwar Sadat là vị lãnh tụ Ả Rập đầu tiên tới thăm viếng thành phố Jerusalem. Ông Sadat và Thủ Tướng Do Thái là Menachem Begin được trao tặng Giải Thưởng Nobel Hòa Bình vào năm 1978 vì đã đóng góp vào sự ổn định của miền Trung Đông rồi sau đó, Ai Cập và Do Thái ký kết Thỏa Ước Trại David (the Camp David Agreement) vào ngày 17 tháng 9 năm 1978 theo đó Ai Cập công nhận quyền tồn tại của xứ Do Thái và Do Thái đồng ý rút quân ra khỏi Bán Đảo Sinai. Sự liên lạc này khiến cho Liên Hiệp Ả Rập (the Arab League) bất bình, họ đã di chuyển Bộ Chỉ Huy của họ từ thành phố Cairo qua xứ Tunis và gây nhiều khó khăn cho sự ngoại giao với xứ Ai Cập.
Trong nước Ai Cập, Tổng Thống Sadat đã nâng đỡ các nhóm Hồi Giáo để chống lại các đảng phái khuynh tả nhưng rồi phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo càng ngày càng lớn mạnh, đã phản đối Tổng Thống Sadat vì Thỏa Ước Trại David, kết quả là nhiều đảng viên của phong trào Huynh Đệ này đã bị lùng bắt, giam cầm và cuối cùng, Tổng Thống Anwar Sadat đã bị ám sát chết vào tháng 10 năm 1981 vì bọn dân quân cực đoan Hồi Giáo kể trên.
7. Nước Ai Cập dưới thời Ông Hosni Mubarak
Người kế nghiệp ông Anwar Sadat là ông Hosni Mubarak, là Phó Tổng Thông từ năm 1975 và Tư Lệnh Không Quân Ai Cập từ tháng 10 năm 1973. Ông Mubarak là Tổng Thống thứ ba, đã cai trị xứ Ai Cập bằng hệ thống toàn trị (an authoritarian system), đây là đường lối cai trị không thay đổi từ thời ông Nasser.
Sau khi ông Anwar Sadat bị ám sát chết, các đạo luật khẩn trương (the emergency laws) đã được áp dụng nghiêm ngặt, các cuộc biểu tình bị cấm đoán, công an cảnh sát hành hạ người dân mà không bị xét xử, các nhà hoạt động vì nhân quyền bị lùng bắt và các cuộc bầu cử bị gian lận.
Vào năm 2005, khi ông Hosni Mubarak ra tái cử nhiệm kỳ tổng thống lần thú 5 thì ứng cử viên đối lập là ông Ayman Nour đã bị nhốt tù trong khi đó, có tin đồn vị Tổng Thống 80 tuổi Mubarak muốn truyền lại chức vụ cho người con trai tên là Gamal Mubarak, mà thực ra cậu trai này chỉ là một kẻ ăn chơi (a playboy), lo thừa hưởng gia tài lớn lao của gia đình.
Trong khi đó, Ai Cập là xứ sở đang gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ có 3 phần trăm diện tích đất đai dùng để canh tác trong khi dân số tăng lên mỗi năm trên một triệu người. Xứ Ai Cập phải nhập cảng một nửa số thực phẩm cần thiết và nếu không có viện trợ 2 tỉ mỹ kim một năm của Hoa Kỳ thì nền kinh tế của Ai Cập sẽ bị sụp đổ.
Xã hội Ai Cập đồng thời cũng bị phân hóa, sự cách biệt giàu nghèo quá lớn, trong chính quyền chứa đầy cảnh tham nhũng. Vào năm 2009, nạn lạm phát đã khiến xẩy ra các vụ đình công và chiếm đóng các nhà máy dệt tại các tỉnh miền Đồng Bằng (Delta)
Nước Ai Cập vào năm 2010 đã gặp phải rất nhiều vấn đề nan giải, đó là chế độ độc tài toàn trị, sự hạn chế các tự do căn bản, nạn tham nhũng, nạn thất nghiệp, nạn lạm phát, các bất công xã hội, các điều kiện sinh sống quá nghèo nàn của người dân, nạn dân số gia tăng quá nhanh cùng với các khủng hoảng môi trường (environmental crisis) tại vùng Đồng Bằng, nơi đây mực nước biển dâng lên cao làm mất đi các diện tích đất đai canh tác. Tất cả các vấn đề kể trên đã là các khó khăn cho xứ Ai Cập.
Phạm Văn Tuấn
© www.Vietthuc.org