1. Singapore thời xa xưa
Singapore là một hòn đảo nằm tại cuối phía nam của eo biển Malacca, eo biển này là con đường biển ngắn nhất nối liền Ấn Độ và Trung Hoa. Các thủy thủ đã biết tới hòn đảo này từ thế kỷ thứ 3 sau Tây Lịch. Vào thế kỷ thứ 7, Srivijaya là đế quốc đầu tiên ngự trị vùng quần đảo Mã Lai, đã liên kết được nhiều hải cảng và các thành phố dọc theo bờ biển của các miền Java, Sumatra và bán đảo Mã Lai. Singapore đã là một trong các tiền đồn của đế quốc Srivijaya và cũng là một làng nhỏ nhập vô và phân phối hàng hóa, một nơi trao đổi sản phẩm của các thương nhân Ấn Độ, Mã Lai, Thái Lan, Trung Hoa, Nam Dương và Ả Rập.
Vào giữa thế kỷ 13, Singapore trở nên chư hầu của đế quốc Majapahit đặt tại Sumatra rồi sang thế kỷ 14, Singapore lại có tên là Temasek và vẫn chỉ là một hòn đảo nhỏ trơ trụi, nơi thường bị bọn cướp biển quấy phá. Theo truyền thuyết của Mã Lai, một vị hoàng tử của đảo Sumatra đã gặp một con sư tử tại Temasek nên đã đặt cho nơi này là “Singapura” hay “Thành phố Sư Tử ” (the Lion City). Thực ra tại nơi đây không hề có sư tử và cũng không có một thành phố cổ xưa nào. Rồi từ các năm 1390, hoàng tử Parameswara từ miền Palembang, do không còn liên kết với đế quốc Majapahit nữa, nên đã bỏ chạy qua Temasek. Tại đây hoàng tử và băng nhóm đã được tiếp đón nhưng sau đó, Parameswara đã giết chủ nhân của hòn đảo và biến nơi này thành căn cứ của hải tặc. Năm 1398, người Thái đã tấn công Temasek và Parameswara bỏ chạy qua Malacca. Singapore trở nên một miền đất yên tĩnh.
Năm 1414, hoàng tử Parameswara cải theo đạo Hồi và thiết lập nên quốc gia Hồi giáo Malacca và quốc gia này đã kiểm soát phần lớn bán đảo Mã Lai, miền đông đảo Sumatra và các hòn đảo nhỏ ở giữa, bao gồm cả Singapore. Vào thế kỷ 15 này, thành phố Malacca không những là một hải cảng chính trong vùng mà còn là một tụ điểm để phổ biến đạo Hồi tới các miền Đông Nam Á.
Người Trung Hoa trong các chuyến viễn du xuống miền Nam Dương cũng đã ghi nhận về hòn đảo Singapore và vào năm 1349, một nhà hàng hải người Hoa tên là Vương Đại Nguyên (Wang Dayuan) đã ghi tên hòn đảo trong hải trình là Tan-ma-hsi (Danmaxi). Ông ta cũng mô tả nơi định cư của một số người Mã và người Hoa quanh đồi Bukit Larangan (Đồi Cấm), nơi chôn cất các vị vua chúa.
Sang thế kỷ 15, người Bồ Đào Nha đã tiến vào eo biển Malacca với các khẩu đại bác để tranh giành độc quyền buôn bán của người Ả Rập về hương liệu (spice) và tiếp xúc với các thương nhân người Trung Hoa. Khi người Bồ chiếm được thành phố Malacca vào năm 1511, vua Hồi Giáo trị vì đã bỏ chạy qua Johore là phần phía nam của bán đảo Mã Lai. Một quốc gia Hồi giáo mới được thiết lập tại nơi đây và Singapore trở nên một căn cứ của vị quan cao cấp, gọi là Temenggong, cho tới cuối thế kỷ 16. Năm 1613, người Bồ đã đốt khu buôn bán ở cửa sông Temasek và rồi trong hơn một thế kỷ, hòn đảo Singapore đã chìm vào quên lãng khi đế quốc Hồi giáo Johore thăng trầm.
Năm 1722, giống dân Bugis từ đảo Celebes (ngày nay là Sulawesi, Indonesia) đã vượt biển, tới nắm quyền tại nước Hồi giáo Johore. Dưới ảnh hưởng này, một cảng thu nhập và phân phối hàng hóa được đặt tại Riau, phía nam của Singapore. Cũng tại đảo Riau, người Bugis đã trồng tiêu và củ nâu (gambier), một loại cây để nhuộm màu. Các đồn điền trên đảo Bitan trong quần đảo Riau (nay thuộc Nam Dương) cũng đã nhận vô vào năm 1784, khoảng 10,000 công nhân người Trung Hoa, gốc từ miền Hoa Nam. Nước Hồi giáo Malacca khi đó bao gồm phần phía nam của bán đảo Mã Lai, phần kế bên của đảo Sumatra và các hải đảo ở giữa, kể cả Singapore. Nhưng rồi chính quyền trung ương này bị phân hóa, đảo Singapore và vài hải đảo kế bên vào năm 1818 đã thuộc quyền của Temenggong Abdu’r Rahman, là một loại quan cao cấp. Người dân trên đảo đã sống bằng nghề đánh cá, trồng trái cây, buôn bán và cướp biển.
2. Singapore và người Anh
Vào đầu thế kỷ 17, người Anh và người Hòa Lan đã gửi đi các đoàn thám hiểm tới miền Đông Ấn (East Indies). Người Anh đã đặt chân lên tiểu lục địa Ấn Độ và dồn nỗ lực vào nơi này trong khi người Hòa Lan, vào năm 1641, đã thay thế người Bồ Đào Nha chiếm được Malacca và là lực lượng áp đảo tại quần đảo Mã Lai. Người Hòa Lan đã thiết lập nên thành phố Batavia (ngày nay là Jakarta) trên đảo Java và tìm cách độc quyền ngành buôn bán hương liệu, nhưng do các chính sách thiển cận và cách đối xử tàn bạo của người Hòa Lan, các dân tộc địa phương đã bị bần cùng, họ quay sang buôn lậu và ăn cướp. Vào năm 1795, các cơ sở thương mại của Hòa Lan tại châu Á đã làm ăn thua lỗ trong khi tại châu Âu, nước Hòa Lan lại giao chiến với nước Pháp. Khi chạy sang nước Anh và trong tình thế bất lợi, Vua Hòa Lan đã ký hiệp ước (the Kew Letters) với nước Anh, chấp nhận đặt các lãnh thổ hải ngoại của Hòa Lan dưới quyền kiểm soát tạm thời của người Anh, để cho các miền đất này không rơi vào tay người Pháp.
Cuối thế kỷ 18 là thời kỳ nước Anh bắt đầu bành trướng thương mại với Trung Hoa từ các căn cứ tại Ấn Độ và qua các thương nhân cũng như qua Công Ty Đông Ấn thuộc Anh (the British East India Company). Công ty này đã chiếm được một vùng định cư nhỏ tại Bencoolen (Benkulu) trên bờ biển phía tây của đảo Sumatra kể từ năm 1684. Công ty cũng thuê vào năm 1791 hòn đảo Penang nằm về phía tây của bán đảo Mã Lai, từ Vua Hồi Giáo Kedah và như thế, trên con đường từ Calcutta, Ấn Độ, tới Quảng Châu, Trung Hoa, người Anh đã có được hai căn cứ là Penang và Bencoolen. Rồi do hiệp ước với Vua Hòa Lan, người Anh cũng tạm thời quản lý từ năm 1795 các vùng thuộc địa của Hòa Lan, kể cả Malacca và Java.
Năm 1814 chấm dứt cuộc chiến tranh với Napoléon tại châu Âu với sự thất bại của nước Pháp. Nước Anh đồng ý trả lại các miền đất Java và Malacca cho Hòa Lan. Năm 1818, người Hòa Lan trở lại miền Đông Ấn và đã ký hiệp ước với Vua Hồi Giáo tại Johore để đặt một căn cứ quân sự tại đảo Riau, ngõ hầu có thể kiểm soát hải lộ Malacca. Các tầu thuyền của Anh khi qua lại eo biển này đã bị đánh thuế và bị gây khó khăn bởi Hải Quân Hòa Lan. Chính phủ Anh và các nhân viên điều hành Công Ty Đông Ấn thuộc Anh, do muốn duy trì sự ôn hòa với Hòa Lan, nên đã giảm bớt các hoạt động tại miền Viễn Đông và chỉ củng cố sự kiểm soát tại Ấn Độ. Người Anh cũng muốn đổi Bencoolen và có lẽ cả Penang cho Hòa Lan để lấy phần đất của Hòa Lan tại tiểu lục địa Ấn Độ.
Thời bấy giờ Sir Thomas Stamford Raffles là Phó Toàn Quyền (Lieutenant Governor) của đảo Java từ năm 1811 tới năm 1816. Ông này khởi đầu là thư ký của Văn Phòng Công Ty Đông Ấn tại London, 23 tuổi được thăng chức và cử đi làm việc tại Penang vào năm 1805. Sir Raffles cũng là một học giả và là người mến chuộng nền văn học châu Á, một nhà quản trị hành chánh không thực tế, đã bị thua lỗ về tài chính nên bị gọi về nước Anh và bị thất sủng. Nhưng vào năm 1817, Sir Raffles trở lại miền Viễn Đông, làm Phó Toàn Quyền tại Bencoolen.
Do e ngại sự độc quyền thương mại của người Hòa Lan nên ông Raffles đã đề nghị nước Anh phải tăng cường ảnh hưởng. Năm 1818, Raffles đi thuyền từ Bencoolen tới Ấn Độ, đã thuyết phục Toàn Quyền Lord Hastings về sự cần thiết phải có một địa điểm kiểm soát tại phía nam eo biển Malacca. Lord Hastings đã cho phép Raffles tiến hành công tác đó cho Công Ty Đông Ấn, miễn là không gây rắc rối với người Hòa Lan. Khi tới Penang, Raffles đã thấy Toàn Quyền James Bannerman không muốn cộng tác trong kế hoạch kể trên, trong khi người Hòa Lan đã chiếm đảo Riau và công bố rằng tất cả các miền đất của nước Hồi giáo Johore là thuộc quyền ảnh hưởng của họ. Raffles liền phái đại tá William Farquhar đi khảo sát các đảo Karimun. Đại tá Farquhar là người từng cư ngụ tại Malacca, đã có một người vợ Mã Lai và rất hiểu rõ tình hình chính trị địa phương.
Do khảo sát các văn bản của Mã Lai về đảo Singapore, Sir Raffles quyết định đi tới đó. Ngày 28/1/1819, Raffles và Farquhar đã bỏ neo tại cửa sông Singapore và hai ngày sau, đạt được thỏa thuận với quan cai trị địa phương là Temenggong Abdu’r Rahman và tiểu vương Hồi giáo Hussein để thành lập một địa điểm thương mại cho Công Ty Đông Ấn thuộc Anh, với tiền thuê hàng năm là $5,000 đồng trả cho tiểu vương và $3,000 đồng trả cho Temenggong. Do thấy sự vắng mặt của người Hòa Lan, Raffles đã cho đổ quân lên bờ, khai hoang một miền đất tại bờ đông bắc của con sông Singapore và kéo cờ Anh lên, và Farquhar đã xây dựng được một đồn lũy đơn giản, đồng thời tuyên bố miễn thuế cho tất cả các công việc thương mại tại điểm định cư mới này. Farquhar đã dùng ảnh hưởng riêng lôi cuốn các thương nhân người Mã Lai.
Trước sự mạo hiểm của Raffles, người Hòa Lan rất tức giận vì họ coi Singapore thuộc về miền ảnh hưởng của họ. Họ có thể dùng lực lượng quân sự đánh tan ngay đội quân nhỏ bé của Farquhar nhưng họ đã không ra tay, đồng thời Toàn Quyền Bannerman đã bảo đảm với người Hòa Lan là các thẩm quyền Anh tại Calcutta không tán thành kế hoạch giành đất Singapore. Trong khi đó, cộng đồng thương mại người Anh tại Ấn Độ và tờ báo Calcutta lại cổ võ cho kế hoạch của Raffles và yêu cầu chính phủ Anh phải yểm trợ. Như vậy đã có sự kéo dài trong khi chờ giải quyết.
Cơ hội bán các hàng hóa với giá cao và được miễn thuế tại miền đất mới Singapore đã lôi kéo các thương nhân từ các miền khác tới đảo và trong vòng 6 tuần lễ, đã có hơn 100 thuyền bè Nam Dương bỏ neo cùng với một thuyền Thái Lan và hai tầu của châu Âu. Sir Raffles trở lại thăm đảo vào tháng 5/1919 và đã thấy dân cư Singapore là 5,000 người, bao gồm người Mã Lai, Trung Hoa, Bugis, Ả Rập, Ấn Độ và người Âu, trong đó người Hoa đã chiếm 1,000 dân. Qua 4 tuần lễ, Sir Raffles đã lập kế hoạch xây dựng hải cảng và ký kết với tiểu vương và Temenggong, ấn định các biên giới và quyền hạn. Raffles đã viết cho một người bạn: “Singapore là một địa điểm quan trọng nhất của miền Viễn Đông và nếu xét về những lợi ích hải quân và thương mại thì nơi đây có giá trị cao hơn các lục địa khác”.
3. Singapore và sự phát triển
Sự phát triển nhanh chóng của Singapore một phần nhờ vào việc giao dịch thương mại giữa Ấn Độ và Trung Hoa, một phần cũng nhờ địa điểm thuận tiện, đã thu hút các thương nhân từ Riau và từ các trung tâm thương mại khác. Ngoài ra, những dân di cư cũng dồn tới lập nghiệp tại Singapore: người Mã Lai tới từ Malacca, Penang, Riau và Sumatra, người Trung Hoa từ miền nam Trung Hoa như Quảng Đông, Phúc Kiến để kiếm nơi sinh sống, hoặc từ Nam Dương, Batavia hay Bangkok để tránh thuế và tìm cách làm giầu. Nhiều người Hoa đã lấy vợ người Mã Lai và giòng giống này trở thành người Hoa Baba (the Baba Chinese). Cũng tới Singapore là các người Ấn Độ, họ là thương nhân và binh sĩ. Các thương nhân người Armenia từ Brunei và Manila cũng kéo tới và còn có các gia đình người Ả Rập từ Sumatra. Tiểu vương Hussein cũng mang đến hàng trăm dân chúng và xây lâu đài cùng đặt bản doanh tại Singapore. Còn người Âu gồm nhân viên của Công Ty Đông Ấn thuộc Anh, hay các thủy thủ hồi hưu.
Sir Raffles để Farquhar quản trị miền đất mới với ngân khoản rất giới hạn. Vì không muốn gây quỹ bằng cách đánh thuế hay bán đất đai, Farquhar đã cho phép hợp pháp các sòng bạc, việc buôn bán thuốc phiện và rượu arak. Lợi tức thu về được dùng cho các chương trình công cộng. Nhưng khó khăn nhất là việc duy trì trật tự và luật pháp tại vùng cửa cảng. Đã luôn luôn xẩy ra các cuộc va chạm giữa những người định cư gốc Mã lai, gốc Trung Hoa từ Malacca và các đệ tử của Temenggong và tiểu vương. Các thương gia trong thành phố đã phải đóng góp vào lực lượng cảnh sát giữ gìn an ninh ban đêm.
Sir Raffles đã không liên hệ tới sự phát triển của Singapore buổi ban đầu, ông trở lại nơi này vào tháng 10/1822. Sau khi 3 người con của ông bị bệnh và chết, Raffles bị thất vọng nhưng sự trù phú đang gia tăng của Singapore làm ông lên tinh thần. Ông hoãn việc trở lại nước Anh mà ở lại hải đảo này để cải tiến thành phố Singapore.
Raffles đã ra lệnh cho khu thương mại rời qua sông là địa điểm ngày nay và cho san bằng một quả đồi để trở thành Raffles Place. Khu chính phủ được đặt quanh Đồi Cấm (Forbidden Hill, ngày nay là Fort Canning Hill) và tại phía đông của con sông Singapore. Đồi cao được san bớt, đất dư được dùng để lấp đầy các miền thấp. Mục tiêu của Sir Raffles là thiết lập một thành phố có trật tự và theo khoa học, ông tin tưởng rằng sau này Singapore sẽ là “một nơi có tầm vóc đáng kể và quan trọng”. Theo đồ án của Raffles, có các nơi dành riêng cho các tòa nhà thương mại, trạm cảnh sát, nhà thờ, rạp hát, chợ và công viên. Mỗi nhóm dân di cư được chỉ định một nơi lập nghiệp. Người Trung Hoa là nhóm dân phát triển nhanh nhất được cho cả vùng đất tại bờ phía tây của giòng sông Singapore, kế cận với khu thương mại. Thị trấn người Hoa (Chinatown) được chia cho nhiều nhóm dân. Miền phía tây của khu thương mại là phần đất dành cho Temenggong và các người tùy tùng, mỗi sắc dân được phân phối một khu đất lớn, còn các người Âu và Á châu giàu có được khuyến khích sống trong khu an ninh, gần Phủ Toàn Quyền. Vì thiếu các bản văn luật pháp, Sir Raffles đã đề ra các quy tắc, ấn định về đất đai, dùng Luật Tập Tục Anh (English common law) làm tiêu chuẩn mặc dù Luật Hồi Giáo (Muslim law) được dùng trong tôn giáo, hôn nhân và thừa kế đối với người Mã Lai.
Về thuế vụ, Sir Raffles đã quy định rằng “Singapore sẽ lâu bền và mãi mại là một hải cảng tự do (a free port) và không một loại thuế nào được đánh lên thương mại hay kỹ nghệ làm ảnh hưởng tới sự đi lên và thịnh vượng của tương lai”.
Sir Raffles còn là một nhà hành chánh sáng suốt. Ông tin tưởng vào các cải cách và phòng ngừa tội phạm hơn là các cách trừng phạt. Phạm nhân được phép bồi thường thiệt hại, các chương trình làm việc và huấn luyện đã cải hóa tù nhân thành các công dân hữu ích. Ông cũng đóng cửa các sòng bài, đánh thuế rất nặng lên việc buôn bán rượu và thuốc phiện. Ông hủy bỏ chế độ nô lệ vào năm 1823 nhưng đã không diệt trừ tận cỗi rễ việc trả nợ bằng lao dịch trong nhiều năm của các di dân mới, những người này đã trả nợ cho bọn buôn người để đến được miền đất Singapore.
Vào tháng 6 năm 1823, Sir Raffles cũng thuyết phục được Temenggong và tiểu vương Hussein, chịu từ chối các quyền lợi về thuế vụ để đổi lấy phần trợ cấp $1,500 đồng và $800 đồng tiền Singapore mỗi tháng. Vì người Hòa Lan còn phản đối sự hiện diện của người Anh tại Singapore nên Sir Raffles đã không dám đi xa hơn trong các công trình cải cách.
Ngày 17/3/1824, Hiệp Ước Anh – Hòa Lan tại London được ký kết, chia đôi miền Đông Ấn (East Indies) ra làm hai vùng ảnh hưởng bằng một lằn ranh dọc theo eo biển Malacca: nước Anh được quyền ở phía trên và Hòa Lan có quyền kiểm soát miền đất phía nam của lằn ranh. Như vậy chính quyền Hòa Lan đã công nhận rằng Singapore thuộc nước Anh và đã đổi phần đất Malacca lấy địa điểm Bencoolen. Sau khi chủ quyền Singapore đã được ổn định rồi, chính quyền Anh lại thương lượng với Temenggong và tiểu vương Hồi giáo để họ nhường hẳn Singapore và một vài hòn đảo kế cận cho Công Ty Đông Ấn thuộc Anh cũng như đồng ý trong việc triễu trừ cướp biển, nhưng vấn đề này chỉ được giải quyết nhiều thập niên về sau.
Tháng 10 năm 1823, Sir Raffles rời Singapore về nước Anh vĩnh viễn. Trước khi ra đi, ông đã tặng $2,000 đồng tiền để thiết lập một cơ sở giáo dục, đào tạo các giáo chức và công chức người châu Á và đây cũng là nơi nghiên cứu nền văn hoá địa phương dùng cho các viên chức người châu Âu. Ông cũng đã thay thế Đại Tá Farquhar bằng ông John Crawfurd, người Tô Cách Lan, một nhà quản trị hữu hiệu và thanh bạch. Ông Crawfurd đã tiếp tục các chương trình của Sir Raffles chống lại chế độ nô lệ và cướp biển, nhưng vì thiếu ngân khoản, ông ta đã cho mở lại các sòng bạc để lấy tiền mở rộng đường xá, xây cầu cống và các chương trình công chánh khác. Duy chương trình giáo dục đã không được ông Crawfurd chú tâm, ngoại trừ bậc tiểu học.
Nền thương mại tại Singapore phát triển dần, kiểm soát bởi các công ty của người da trắng trong khi người Trung Hoa hoạt động như các kẻ trung gian. Người Trung Hoa vốn chăm chỉ, thường có tay nghề, họ đã xây dựng nên một cộng đồng để tương trợ nhau về nhà ở và công việc làm ăn, đồng thời cũng đóng góp vào nền móng xã hội mà chính quyền Anh thiếu chăm sóc. Họ cũng lập ra các bang, các hội kín với mục đích lật đổ Triều Đại Mãn Thanh tại lục địa. Các băng đảng phạm pháp của người Trung Hoa cũng từ các hội kín mà ra.
Singapore vẫn tiếp tục không được chính quyền Anh tại Calcutta giúp đỡ về các mặt xã hội, giáo dục, y tế, cho tới thập niên 1860. Trong các năm đầu thuộc về chính quyền Anh, thành phố Singapore đã phát triển dần từ một nơi có vài ngàn dân thành một hải cảng 85,000 người. Năm 1826, Công Ty Đông Ấn thuộc Anh đã kết hợp Singapore với Penang và Malacca, thành miền định cư eo biển (the Strait Settlements) với thủ đô đặt tại Penang. Nhưng dần dần, Singapore đã tỏ ra quan trọng hơn cả Penang với dân số tăng gấp bốn lần. Cuộc khủng hoảng kinh tế vào thập niên 1840 đã cho thấy Singapore đáng được coi là một xứ thuộc địa trực tiếp của nước Anh. Việc phát minh ra tầu thủy chạy bằng hơi nước (steamship) đã khiến cho Singapore kém lệ thuộc vào Calcutta mà chịu ảnh hưởng chính trị và kinh tế của London. Các nhà buôn người Anh với văn phòng chính tại London cũng có chi nhánh tại Singapore. Năm 1851, Lord Dalhousie là Toàn Quyền tại Ấn Độ, đã đặt Singapore dưới quyền điều khiển trực tiếp của ông ta. Sau đó, Bộ Thuộc Địa Anh (the British Colonial Office) đã tách Singapore khỏi quyền hành chánh Anh Quốc đặt tại Ấn Độ và vào ngày 01/4/1867, Singapore chính thức là một thuộc địa hoàng gia (a crown colony) của nước Anh.
Vào năm 1824, nền thương mại của Singapore đã vượt qua Penang với doanh số hàng năm trên $11 triệu đồng Singapore, rồi tới năm 1869, con số này lên tới $89 triệu đồng. Lý do của sự thành công là do không thuế và các hạn chế được giữ ở mức thấp nhất, với các tầu thuyền bốn phương từ Ấn Độ, Thái Lan, Mã Lai, Trung Hoa, Nam Dương… Gió mùa đông bắc vào tháng 1 tới tháng 3 đưa tới hải cảng này các con thuyền từ Trung Hoa, Nam Dương… chở đầy dân lao động nhập cư và các loại hàng hóa như thực phẩm khô và thực phẩm ướp muối, vải lụa, trà và thuốc bắc, đồ sành và đồ sứ. Đầu tháng 5, các con thuyền lại nhờ gió mùa tây nam, rời cảng ra đi với các sản phẩm như hương liệu, vàng và thiếc của quần đảo Mã Lai, thuốc phiện từ Ấn Độ, bông gòn, vải vóc và súng đạn của nước Anh.
Mùa thương mại thứ hai bắt đầu vào tháng 9 hay tháng 10 với các thương nhân người Bugis trên các phà chạy nhanh gọi là “prahu”, mang tới Singapore gạo, hạt tiêu, tổ yến, vi cá, ngọc trai, long não… Họ ra đi mang theo các sản phẩm của nước Anh, vải vóc, thuốc phiện và đồ sứ. Vào giữa thế kỷ 19, đã có hơn 20 cửa hàng buôn bán người Anh, rồi tới các người Đức, Pháp, Hòa Lan, Bồ Đào Nha và Thụy Sĩ.
Vấn đề khó khăn nhất mà Singapore phải đối phó là nạn cướp biển, đáng kể nhất là băng nhóm Illanun từ đảo Mindanao, Phi Luật Tân, hay từ miền bắc đảo Bornéo. Cướp biển đã đánh cướp mọi loại tầu thuyền, kể cả các tầu của châu Âu khiến cho các thuyền trưởng Bugis đã dọa sẽ từ bỏ buôn bán với Singapore nếu nạn cướp biển không bị dẹp tan. Năm 1850, Hải Quân Hoàng Gia Anh đã phải dùng tầu thủy chạy bằng hơi nước để tuần tiễu và tiêu trừ cướp biển. Cũng có sự tuần phòng của nước Hòa Lan tại Sumatra, của người Tây Ban Nha tại Phi Luật Tân và nước Trung Hoa cũng đồng ý cộng tác trong công cuộc này từ năm 1860.
Trong việc doanh thương, lớp người trung gian giữa người Âu và người Á là người Trung Hoa. Họ biết nói các ngôn ngữ cần thiết và hiểu rõ mọi nhu cầu của khách hàng. Nhiều người Hoa đã được huấn luyện làm thư ký cho các hãng buôn người Âu. Kinh nghiệm, sự hiểu biết mau lẹ về thương mại, đức tính cần cù và sẵn lòng chấp nhận rủi ro đã khiến cho người Trung Hoa trở nên lớp người trung gian cần thiết. Họ đã mua chịu một số lớn hàng hóa để bán lại cho các con tầu buôn Trung Hoa hay Burgis, hoặc gửi hàng qua Thái Lan hay tới miền đông bán đảo Mã Lai. Mặc dù có các rủi ro như đắm tầu hay thất lạc hàng hóa, việc thương mại của người Hoa vẫn tỏ ra phát đạt.
Sắc dân đông thứ hai vào thời đó là người gốc Mã Lai. Họ là những người hiền lành và chăm chỉ, thường làm nghề đánh cá, chèo thuyền, đốn củi hay thợ mộc.
Người Ấn Độ đến Singapore cũng đông với hy vọng có thể thu gom một số tiền rồi trở về quê hương cũ. Một số người Ấn thuộc đạo quân Anh trú đóng tại Singapore, một số khác là các tội nhân phải làm lao động khổ dịch như phá rừng, làm đường, xây dựng nhà ở.
Singapore đã là một hải cảng phân phối và trao đổi hàng hóa trong vùng bán đảo Mã Lai đồng thời cũng là cảng lên bờ của hàng ngàn di dân người Trung Hoa, Ấn Độ, Mã lai, Nam Dương. Họ được chuyển tới các đồn điền tại Mã Lai hay tại miền Đông Ấn thuộc Hòa Lan. Dù cho các người di dân Trung Hoa phần lớn đã không ở lại Singapore, dân số người Hoa của thành phố này vẫn gia tăng, từ 34,000 vào năm 1878 lên tới 103,000 vào năm 1888. Việc bóc lột lao động người Hoa trong vùng đã khiến cho chính quyền Anh phải bổ nhiệm ông William Pickering làm nhân viên bảo vệ người Hoa (the Protector of Chinese). Đây là viên chức người Anh đầu tiên nói thông thạo tiếng Trung Hoa, có quyền khám xét các tầu thuyền mới cặp bến để che chở những người di dân mới tới. Ngoài ra ông Pickering cũng làm trọng tài trong các cuộc tranh cãi về tài chánh, lao động hay xã hội. Năm 1889, Toàn Quyền Sir Cecil Clementi-Smith đã hỗ trợ một đạo luật cấm đoán các hội kín của người Trung Hoa.
Vào cuối thế kỷ 19, chính quyền Mãn Thanh tại lục địa Trung Hoa bắt đầu chú ý đến những người Hoa hải ngoại để lôi cuốn sự trung thành và nguồn tài chính của họ. Các lãnh sự quán Trung Hoa được đặt tại Singapore, Mã Lai, trên các phần đất Đông Ấn thuộc Hòa Lan và các miền khác của xứ Nam Dương. Tại Singapore cũng xuất hiện tờ báo bằng tiếng Hoa và các trường học dạy tiếng Hoa đã duy trì và phổ biến nền Văn Hóa Trung Hoa cho thế hệ trẻ. Sau đó vào năm 1906, ông Tôn Dật Tiên cũng lập nên tại Singapore một chi nhánh của Đồng Minh Hội (Tongmeng Hui), tiền thân của Quốc Dân Đảng và mãi tới năm 1911, người Hoa Singapore mới ủng hộ vị Cha Già của Cách Mạng Trung Hoa. Thời đó chi nhánh Quốc Dân Đảng tại Singapore đã tích cực hoạt động từ năm 1912 và các thương gia người Hoa đã tẩy chay hàng hóa của Nhật Bản vào năm 1915 để phản đối 21 đòi hỏi của Nhật Bản đối với nước Trung Hoa. Người Hoa tại Singapore cũng đóng góp các món tiền rất lớn lao để thiết lập các cơ sở kỹ nghệ và các đại học tại lục địa. Đại học Hạ Môn được xây cất vào năm 1924 do số tiền hơn $4 triệu đồng Singapore tặng góp của ông Tan Kah Kee. Quốc Dân Đảng cũng gửi các giáo sư và sách giáo khoa tới các trường trung học tại Singapore để khuyến khích việc dùng tiếng Quan Thoại (Mandarin) vì đây là một yếu tố để đoàn kết tất cả các người gốc Trung Hoa.
4. Singapore và cuộc Thế Chiến Thứ Hai
Cũng tại Singapore, đảng Cộng Sản Trung Hoa đã được thành lập vào năm 1928 rồi sau đổi tên là đảng Cộng Sản Mã Lai vào năm 1930. Chính quyền thuộc địa người Anh vào thời kỳ này đã tìm cách dẹp tan các tổ chức lao động và đình công của cả hai đảng phái chính trị Trung Hoa. Năm 1937 xẩy ra cuộc Chiến Tranh Nhật-Hoa. Quốc Dân Đảng và đảng Cộng Sản Trung Hoa thời đó đã hợp thành một mặt trận để chống lại việc xâm lăng của người Nhật. Hàng hóa của Nhật Bản bị tẩy chay tại Singapore và người Trung Hoa cũng không vào các cửa tiệm của người Mã hay người Ấn Độ bán hàng hóa Nhật Bản, đồng thời đã có nhiều biểu ngữ, bài hát kháng Nhật tại các trường học người Hoa. Chính quyền Anh thời đó vẫn tìm cách làm dịu bớt cao trào bài Nhật trong khi hai đảng Cộng Sản và Quốc Gia vẫn cố gắng tranh giành, len lỏi vào các tổ chức quần chúng địa phương.
Vào đầu thập niên 1930, Nhật Bản tiến quân vào Mãn Châu và miền bắc Trung Hoa đồng thời gia tăng thế lực hải quân. Để đối phó, người Anh tìm cách chuyển Singapore thành một căn cứ quân sự. Công sự chính của căn cứ này là Cầu Tầu Vua George VI (the King George VI Graving Dock) được hoàn tất vào tháng 3 năm 1938, đây là cầu tầu cạn (dry dock) dài hơn 300 mét, được coi là dài nhất thế giới vào thời đó. Hoàn tất năm 1941, căn cứ hải quân Singapore với các đại pháo 15 inches, đèn chiếu và phi trường Tengah, còn được gọi là “Gibraltar của miền Đông”. Căn cứ này cũng có cầu tầu nổi dài 275 mét, lớn hàng thứ ba trên thế giới và có thể chứa 60,000 công nhân, ngoài ra là các phương tiện như các cần cẩu lớn, cơ xưởng sửa chữa và tồn trữ cùng với nước uống, nhiên liệu và đạn dược, tất cả đủ dùng cho Hải Quân Anh trong 6 tháng. Một thiếu thốn duy nhất của căn cứ là tầu chiến.
Năm 1940, hạm đội và các lực lượng quân sự Anh đều vướng mắc tại châu Âu và vùng Trung Đông nên không thể đối phó với các đe dọa tại châu Á. Đầu năm 1941, Singapore không bị ảnh hưởng của chiến tranh và công việc chính của miền Mã Lai – Singapore là sản xuất cao su và thiếc, sao cho đáp ứng được nhu cầu của Đồng Minh. Quốc Hội Anh và giới thẩm quyền cai trị tại Singapore vẫn lạc quan về pháo đài của miền Đông này vì nơi đây còn được bảo vệ bởi chiến hạm Prince of Wales, một niềm kiêu hãnh của Hải Quân Hoàng Gia, bởi tuần dương hạm Repulse và 4 khu trục hạm.
Ngày 8 tháng 12 năm 1941, quân đội Nhật Bản chia làm 2 cánh, từ các căn cứ tại đảo Hải Nam và miền Nam Việt Nam, đã đổ bộ lên Singora (bây giờ là Songkhla), lên Patani thuộc miền nam Thái Lan và Kota Baharu thuộc miền bắc Mã Lai. Đây là một đội quân rất tinh nhuệ của Nhật Bản, gồm 27,000 binh sĩ đặt dưới quyền của Tướng Yamashita Tomoyuki. Phi trường của Anh tại Kota Baharu bị Nhật chiếm và thành phố Singapore bắt đầu bị phi cơ Nhật Bản oanh tạc. Với hy vọng chận đánh hạm đội Nhật, 2 chiến hạm Anh là Prince of Wales và Repulse đã tiến lên mạn bắc và vì thiếu không lực che chở, cả 2 tầu chiến Anh này đã bị không quân Nhật đánh chìm vào ngày 10 tháng 12.
Lực lượng Nhật Bản sau đó di chuyển xuống phía nam. Các sư đoàn Nhật được trang bị 18,000 xe đạp và các thuyền bơm hơi. Mỗi khi gặp kháng cự, đội quân này dùng xe đạp hay thuyền nhẹ để đi vòng, cắt đường tiếp tế và đánh tập hậu vào quân Anh. Thành phố Penang thất thủ vào ngày 18/12, rồi tới Kuala Lumpur ngày 11/1/1942, Malacca ngày 15/1 và Johore Baru ngày 31/1/1942. Đội quân Anh cuối cùng rút lui về Singapore sau khi đã phá hủy đoạn đường nối (causeway) dài 50 mét, nối Singapore với bán đảo Mã Lai.
Từ giữa tháng 1/1942, thành phố Singapore chịu đựng các cuộc oanh tạc của phi cơ Nhật Bản mỗi ngày. Dân tị nạn từ bán đảo Mã Lai đổ về, gấp hai lần số 550,000 dân của Singapore trong khi căn cứ quân sự này lại gồm các binh sĩ người Úc và người Ấn Độ mới được tuyển mộ, thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Tới lúc này Quốc Dân Đảng và đảng Cộng Sản Trung Hoa tại Singapore đã liên hợp trong các công tác kháng chiến. Ngoài ra còn có tiểu đoàn tình nguyện người Hoa chống Nhật (the Singapore Chinese Anti-Japanese Volunteer Batallion) còn được gọi là Dalforce, do tên của vị chỉ huy là Trung Tá John Dalley thuộc lực lượng cảnh sát.
Trong các ngày từ mồng 1 tới mồng 8 tháng 2 năm 1942, hai lực lượng Nhật, 30,000 quân, và Anh, 70,000 người, đối đầu nhau tại eo biển Johore. Nhật Bản gia tăng oanh tạc các phi trường, căn cứ hải quân và vùng hải cảng. Bom cũng rơi xuống các khu thương mại và gia cư, gây thương vong cho rất nhiều thường dân. Điều khiển công cuộc phòng thủ Singapore thời bấy giờ là Trung Tướng Arthur E. Percival, dưới quyền Tướng Archibal Wavell đặt bộ chỉ huy tại Java.
Đêm mồng 8 tháng 2, quân đội Nhật Bản dùng thuyền cao su đổ bộ lên bờ phía tây bắc của Singapore, sau đó 2 sư đoàn Nhật với Pháo Binh đã củng cố được trên đất liền, chiếm phi trường Tengah, chiếm đồi Bukit Timah là điểm cao nhất vào ngày 11/2. Lực lượng Anh đành phải thu về quanh thành phố. Ngày 13/2, quân Nhật đã chiếm được Pasir Panjang, khiến cho toàn thể thành phố Singapore nằm trong tầm trọng pháo, trong khi không lực Nhật Bản hoàn toàn làm chủ trên bầu trời, oanh tạc cả ngày lẫn đêm khiến cho mỗi ngày có tới 2,000 người bị thương và bị chết. Tướng Nhật Yamashita lúc đó kêu gọi quân đội Anh đầu hàng. Toàn Quyền Anh Shenton Thomas đã gửi điện tín về London, nói rằng “hiện nay có một triệu người dân trong đường kính 3 dậm. Nhiều người nằm chết trên đường phố và không thể chôn cất nổi. Chúng tôi đang bị hoàn toàn thiếu nước, điều này sẽ đưa tới bệnh dịch…”.
Ngày 13/2, Tướng Percival gửi điện tín cho Tướng Wavell, xin phép đầu hàng để tránh cuộc tàn sát trong thành phố và được Thủ Tướng Winston Churchill chấp thuận. Chiều ngày 15/2/1942, lực lượng Anh đã đầu hàng vô điều kiện và thành phố Singapore bị nằm dưới ách đô hộ của quân đội Nhật Bản trong 3 năm, tới năm 1945.
© Phạm Văn Tuấn
© www.Vietthuc.org