Sáng nay, sau khi vừa thảo xong lá thư từ nhiệm để chuẩn bị gửi lên Ban quản trị của công ty trong vài ngày sắp tới, tôi ngồi bất động bên ly trà nóng. Đây là một quyết định manh nha từ đầu năm 2011. Bụng bảo dạ là đã đến lúc phải nghĩ và “về hưu”. Nhưng lý trí vẫn từ khước và cương quyết bảo cứ ngồi đây để có điều kiện tiếp tục …chiến đấu. Sau cùng, lá thư đã được thảo xong và trong vài ngày tới tôi sẽ rời khỏi căn phòng nầy… từ giã chiếc áo blouse màu trắng mà tôi đã mặc từ năm 1963 cho đến bây giờ.
Tôi sắp sửa từ bỏ nó như đang làm thủ tục “ly dị” một người tình!
Dĩ nhiên là có rất nhiều ray rứt, suy tư ngay cả khi về nhà hay trằn trọc trong đêm thâu. Một quyết định thật khó khăn khi từ bỏ một công việc hết sức nhàn rỗi; nhàn rỗi đến nỗi có thể nói là tôi dùng gần hết “8 giớ vàng ngọc” của sở để: viết bài, đọc tài liệu, liên lạc email và điện thoại đó đây, thậm chí ngay cả những buổi phỏng vấn của truyền thông như báo chí, radio v.v…
Bao nhiêu năm qua, tôi đã được dùng nơi nầy để gửi những thông tin khoa học nghiên cứu môi trường về Việt Nam, hy vọng bà con nơi quê nhà tiếp cận được, để tự cứu lấy mình trước những vấn nạn môi trường vây chặt cuộc sống của họ. Những vấn nạn mà người quản lý đất nước không lo nổi để bảo vệ người dân như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, cùng nhiều vấn đề xã hội khác của quê hương.
Nhìn lại bức hình trên đầu bài viết, hình chụp vào năm 1988 tại một Đại hội của công ty CWMI tại Dallas, quy tụ 22 phòng thí nghiệm khắp nơi trên đất Mỹ về họp bàn vấn đề môi trường tại Hoa kỳ và của thế giới. Trong thời gian nầy tôi đang quản lý một phòng thí nghiệm với khoảng 30 nhân viên làm việc trong một diện tích gần 8.000 mét vuông, trong đó gồm 2 Tiến sĩ, 4 Thạc sĩ, và hơn 10 Cử nhân và số thí nghiệm viên còn lại. Đây là một phòng thí nghiệm được chứng nhận theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ (accredited laboratory) lớn nhứt, và đó là công ty dùng để phân tích, chứng nhận tất cả các chất phế thải lỏng cũng như rắn để quyết định phải xử lý (treat) như thế nào.
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết
Nơi đây cũng là một trung tâm huấn luyện về QA/QC cho các trưởng phòng thí nghiệm ở khắp các tiểu bang Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ của công ty. Hàng ngày, nơi đây tiếp nhận trên 300 mẫu phế thải kỹ nghệ đến từ khắp nơi và cần được phân tích từ finger print (phân tích nhanh) cho đến phân tích toàn diện.
Nói như vậy cho thấy sự bận rộn của mọi nhân viên như thế nào. Đó là chưa kể đến một bộ phận chuyên làm và thử nghiệm các “công thức” (recipe) để xử lý phế thải bằng phương pháp macro-encapsulation. Sau khi thành công trong phòng thí nghiệm, nghĩa là hàm lượng các hóa chất độc hại có trong phế thải dưới định mức quy định của EPA. Công thức trên sẽ được áp dụng cho mỗi “mẻ” xử lý là 20 tấn…phế thải.
Phòng thí nghiệm nằm trên một ngọn đồi cao, do đó theo luật lệ, cần phải theo dõi mức độ ô nhiễm của không khí ở các khu dân cư nằm trong đường bán kính 15 miles.
Viết đến đây để cho bà con thấy việc quản lý chất phế thải rất nhiêu khê và gồm nhiều giai đoạn mà công ty phải cần nhiều nhân lực chuyên môn về phân tích, quản lý, an toàn lao động và nhiều công việc linh tinh khác.
Thủ tục thanh tra từ EPA và giám sát của thành phố đi đến kiểm tra có định kỳ cũng như bất ngờ xảy ra thường xuyên. (Tôi không muốn dùng chữ “đột xuất” của CSVN bây giờ).
Do đó, công việc quản lý và xử lý một chất phế thải rất phức tạp. Mỗi phế thải sau khi được xử lý, sẽ được mang ra đổ ngoài bãi rác (landfill) và hồ sơ, lý lịch cùng địa điểm “chôn rác” phải được giữ trong vòng 5 năm.
Nếu có khiếu nại hay cần kiểm soát lại, chúng ta có thể lấy mẫu để phân tích và chứng minh. Nó không giản dị như quan điểm hiện có ở Việt Nam, là chuyển tải từ nơi xuất phát như nhà ở hay công xưởng …rồi chở ra đổ vào một bãi đất trống mặc cho ruồi muỗi, nước rỉ (leachate) chảy tràn lan khắp lơi…
Bãi rác chứa 13 triệu tấn rác ở LA, CA đang được biến đổi để thiết lập một dự án xây dựng làm sân golf trên đỉnh và một trung tâm nghĩ mát gồm khách sạn, khu thương mại, sân quần vợt, đường cho ngựa chạy v.v…
Trông người mà nghĩ đến ta!
Trong những ngày còn lại bên chiếc máy computer cũ kỹ, tôi cố gắng trang trải ra đây một số suy nghĩ riêng tư của mình, chia xẻ cùng bạn đọc. Trên một mảng tường, tôi dán những hình ảnh “thời gian” trong đó tôi chụp hình cây phong trước phòng thí nghiệm của tôi hàng năm vào tuần lễ đấu tiên của tháng 11, mùa cây thay đổi màu lá…để thấy lại thời tiết…lạnh nhiều hay lạnh ít qua sự thay đổi của trời đất. (Xin xem hình đính kèm).
Rồi đây, trong vài ngày nữa tôi sẽ phải giã từ một khung cảnh thân thương trong mười bảy năm qua.
Giã từ! Từ giã! Biệt ly! Ly biệt!
Chiếc áo blouse màu trắng
Thực sự tôi đã bắt đầu mặc chiếc áo thân thương màu trắng nầy từ năm 1963 khi còn là một cậu sinh viên năm thứ nhứt trường Y khoa Sài Gòn.
Những kỷ niệm nơi đường Trần Quý Cáp góc đường Lê Quý Đôn, nơi sau nầy, Cộng sản Việt Nam biến thành nhà triển lãm tội ác “Mỹ Ngụy”. Nhưng hôm nay, tội ác của Mỹ đâu không thấy mà chỉ thấy những lời “xin-cho” (cố hữu trong não trạng của người cộng sản) người Hoa Kỳ vào lại Việt Nam để làm đối trọng với Trung Cộng. Còn tội ác của “Ngụy” (!) ư? Nếu còn, chỉ là những lời “van xin” khúc ruột ngàn dặm (?) đem đô la về xây dựng đất nước!
Kỷ niệm tại Cơ thể Học viện với Thầy Nguyễn Hữu, Thầy Trần Anh. [1] Sau Cơ thể học viện, rồi đến bịnh viện Chợ Rẫy với Thầy Đặng Văn Chiếu, bịnh viện Từ Dũ với Thầy Hồng (quên họ của Thầy rồi), Bình Dân với Thầy Út, và bịnh viện Nguyễn Văn Học với Thầy Trần Văn Lữ Y…
Một vùng trời kỷ niệm của áo trắng ngày nào. Tuổi thanh niên của tôi lúc nầy thể hiện qua một việc làm nho nhỏ trong chiếc áo trắng vào giữa năm 1963, giai đoạn gay cấn của Đệ nhứt Cộng hòa vì phải đối đầu với giặc ngoài là Việt Cộng và “thù” trong là những người quốc gia (!) xâu xé nhau, gây bất ổn cho chế độ Cộng hòa lúc bấy giờ.
Anh bạn thân thiết của tôi là Hoàng Cơ Trường và tôi đã làm công tác chích ngừa cho dân chúng ở những vùng bất an ninh như Cần Giuộc, Cần Đước, và Long Đinh. Hai anh em cùng đi trên chiếc mobylette vàng của tôi dong ruổi trên các đường mòn hẻo lánh nhưng không hề biết sợ những bất trắc có thể mang đến cho mình do bị Việt cộng phục kích! (xin có vài giây phút tưởng niệm đến anh bạn Trường của tôi).
Rồi tôi lại mang chiếc áo trắng thân thương qua Pháp. Những ngày làm sinh viên, những ngày làm assistant laboratoire, rồi làm assistant délégée ở trường Hoá học (Đại học Besancon, Pháp). Chiếc áo trắng trong giai đoạn nầy chính thức mang lại cho tôi lương bổng hàng tháng, để từ đó tôi có thể lo cho vợ con.
Về lại Việt Nam, cũng với chiếc áo blouse trắng cố hữu của tôi lại “phất phơ” nơi phòng hóa học trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn và Đại học Cao Đài Tây Ninh. Trong thời gian ngắn ngủi chưa đầy hai năm làm việc ở hai nơi nầy, chiếc áo trắng cũng giúp tôi làm một số việc nho nhỏ, như gieo cấy ý thức trách nhiệm của sinh viên, qua việc bảo quản phòng ốc của trường Sư phạm…bằng cách cổ động sinh viên, thầy trò tổ chức những ngày đi lau chùi và rửa…nhà vệ sinh của trường!
Nơi Cao Đài, niềm hãnh diện của tôi trong chiếc áo trắng là xây dựng và thiết lập các phòng thí nghiệm hóa học, vật lý, sinh thực động vật trong một thời gian kỷ lục, từ việc thiết kế xây dựng và thu mua các máy móc và dụng cụ, ở ngoại ô Cao Đài.
Từ đó, sinh viên có điều kiện thực tập bên cạnh Chợ Long Hoa, cửa số 1, vì trong nội ô, các việc thí nghiệm nhứt là mổ xẻ động vật là một cấm kỵ của đạo. Việc làm nầy, tôi đã nhờ sự phụ của tôi giúp và của một số giảng nghiệm viên trẻ mà tôi đã thu dụng cùng đồng ý với đường lối mở mang và phát triển trên. Nơi đây, xin cám ơn các anh em đã đóng góp một việc làm không nhỏ cho Viện Đại học Cao Đài.
Ngày nay, dù nơi đây không còn là một đại học đúng nghĩa dưới chế độ mới, nhưng sự hình thành và phát triển đại học đã khơi mào cho người dân nơi đây thấu hiểu được tầm quan trọng của giáo dục và tin tưởng vào tương lai con em của một miền đất khô cằn Tây Ninh.
Sau ngày 30-4-1975 chiếc áo trắng vẫn tiếp tục đeo đuổi tôi, nhưng lần nầy dưới một hình thái khác…là phải bất đắc dĩ làm việc cho chế độ mới. Trong giai đoạn nầy, thực sự tôi có vấn đề với “chiếc áo trắng của tôi”. Sở dĩ tôi gọi là có vấn đề vì chiếc áo trắng tôi mặc trong lúc nầy chỉ là một hành động miễn cưỡng để bảo vệ bản thân và gia đình mà thôi.
Thật sự là tôi đã tạm thời “ly hôn” trong trí óc với người tình của tôi ở giai đoạn “sống chung với “lũ”, giống như chính sách “sống chung với nước lũ” của VC gây ra cho bà con Đồng bằng Sông Cửu Long vì những sai trái trong việc xây dựng đê bao mà không nghiên cứu làm cho lũ lụt ở miền nầy ngày càng trầm trọng và phức tạp hơn lên. Cuộc ly hôn tạm thời nầy chấm dứt ngay sau khi tôi thực hiện thành công “giấc mơ ra biển lớn” năm 1983.
Từ ngày đặt chân đến vùng đất tự do, chiếc áo trắng đã được tôi nâng niu thực sự với sức bật của tuổi trung niên, với những việc làm ở Medical School ở Minnesota sau ba năm làm postdoctorate qua đề tài nghiên cứu về các màng của tế bào máu hồng huyết cầu.
Tôi đã thực hiện được hai publication bằng cách chứng minh chính màng (membrane) thứ tư tên Actin 4.1 của hồng huyết cầu là nơi chuyên chở Oxy, và Phosphate đi khắp nơi trong cơ thể. Đây cũng là nơi dừng chân của một gốc tự do (free radical), NO (nitroso…), và chất nầy chính là nguyên tố trung gian để chuyển các hóa chất cần thiết (hay chữa bịnh) lên óc. Đây là một phương pháp trị liệu tương đối còn mới mẻ lúc bấy giờ.
Rời Minnesota, người tình của tôi vẫn còn trung thành và dường như có một duyên (hay nghiệp nào đó), khiến tôi mang người tình vào một nơi không mấy “vệ sinh”. Đó là, tôi và người tình sống chung trong các bãi rác kỹ nghệ và rác sinh hoạt gia đình…từ năm 1987 cho đến giây phút hiện tại đang ngồi “gỏ mõ” bằng hai ngón tay cho bài viết nầy. (tuy chỉ gỏ mõ bằng hai ngón tay, nhưng tôi rất hãnh diện và chấp nhận “thi đấu” với các “bạn già” của tôi để …thi đánh máy!
17 năm qua với tất cả vui buồn trong những lần bị “thanh tra” (inspection) thình lình do EPA Region 9 đến từ San Francisco, hay DTSC (Department of Toxic Substance Control) từ Sacramento, hay từ AQMD (Air Quality Management District) từ Los Angeles, Sanitation District of LA, hoặc Health Department cùa City West Covina, CA.
Chiếc ghế trong hình là cái thứ ba tôi đã thay nơi đây trong suốt 17 năm ngồi ở văn phòng nầy.
Tội nghiệp “em” tôi, trong suốt 24 năm sau cùng nầy, em tôi phải chịu đựng tất cả những mùi xú uế trên cõi đời ô trọc nầy khi em theo tôi đi cùng khắp các nơi tôi làm việc. Khứu giác của tôi rất nhạy cảm, tôi có khả năng ngữi được những mùi quen thuộc của những hóa chất hiện diện trong chất phế thải (không giống như Madison Nguyễn khi viếng thăm bãi rác Đa Phước mà vẫn thấy ….mùi thơm của tiền tài và chủ nghĩa!).
Nhờ khả năng khứu giác nầy, nó đã làm cho tôi giải quyết các công việc chuyên môn một cách nhanh chóng. Nào là mùi các hóa chất sát trùng, hóa chất trừ nấm mốc, hóa chất diệt cỏ dại trong đó có chất 2,4,5-T, một thành phần trong hổn hợp của chất Da Cam. Nhờ mùi, tôi dễ dàng phân biệt được hóa chất nào dẫn xuất từ Arsenic, hay Phosphate, hay Carbamate v.v…
Chính những sự tiếp xúc nầy làm cho em tôi bị “ô nhiễm”, nhưng với một tình yêu sắt son, em vẫn trung thành với tôi, em vẫn âm thầm chịu đựng như nội dung của bài mưỡu Mẹ Mốc trong văn chương Việt Nam.
Con số 17 làm tôi nhớ lại một mối tình học trò ở tuồi 17, khi học Đệ nhị ban B. Năm đó, toàn hội đồng thi cho ban B chỉ có khoảng 1000 thí sinh, và tôi đi thi ở trường tiểu học Bàn Cờ. Ở Việt Nam, số thứ tự của thí sinh được sắp xếp theo tên, chứ không theo họ, và phòng thi của tôi lại đối diện với phòng thi của nàng vì nàng có tên bắt đầu bằng chữ Th…
Vào hôm thi toán, tôi cố gắng làm xong trong vòng hai giờ đồng hồ (trong 4 giờ thi) để rồi nộp bài và đi ra để xem có thể giúp nàng được không. Nhìn thấy nàng cúi đầu đăm chiêu và sau đó ngước lên bắt gặp được ánh mắt của tôi, nàng nhẹ lắc đầu. Lần đầu tiên tôi cảm thấy “bất lực” trong việc phụ giúp người mình “thương”! Viết những dòng chữ nầy, tôi muốn ghi lại một chút kỷ niệm của thời niên thiếu và tôi không ân hận gì cả vì lúc đó tôi chưa…kết duyên với người tình áo trắng của tôi.
Chỉ còn một vài ngày nữa tôi sẽ rời nơi đây. Chắc chắn tôi sẽ mang một chiếc áo trắng còn mới và sạch mang về nhà. Chiếc áo trắng bây giờ sẽ về hưu trong vài ngày nữa, sẽ không cùng tôi mang tiền hàng tháng về, nhưng chắc chắn rằng, người tình của tôi sẽ không bỏ tôi và tôi cũng chằng bao giờ phụ em tôi trong những ngày còn lại trong đời.
Bao giờ mai lại nở, trên khắp quê hương mình, là mùa xuân đến đó, cho thanh bình muôn người.
Tuy là “lời cuối cho một cuộc tình” nhưng điều đó không có nghiã là cuộc tình đã chấm dứt, vì mối tình giữa tôi và em vẫn chưa thể nào đi đến kết cuộc được khi mà Đất và Nước đang còn điêu linh, 86 triệu người dân (không kể 3 triệu đảng viên CS) đang còn dưới ách của cường quyền.
Vì sao?
Vì, “dù sao, dù sao đi nữa, tôi vẫn…yêu em”.[2] Đã 48 năm hương lửa bên nhau, em và tôi không thể nào đoạn tuyệt với nhau được. Dĩ nhiên là phải có tiếp nối và sẽ được tiếp nối trong một giai đoạn thăng hoa mới của cuộc đời trong tương lai. Chắc chắn em và tôi sẽ bước những bước song hành trên con đường về Quê Hương dưới ánh bình minh rực sáng.
On recommence par le commencement!
Một ngày mới sắp bắt đầu.
Em, tôi chuẩn bị cùng nhau lên đường.
Mai Thanh Truyết
West Covina 20/7/2011.
Ghi chú:
[1] Tôi có gặp lại Thầy Hữu khi Thầy lưu vong qua Pháp và tội nghiệp thay cho Thầy phải mở một quán ăn nhỏ và bị thất bại. Sau đó, Thầy nhờ một anh hoc trò cũ phụ tá cho Thầy ở Cơ thể học viện là anh Nguyễn Mộng Hùng nằm trong nhóm mỗ tim nổi tiếng thời bấy giờ của Bs. Bernard. Anh Hùng đã vận động cho Thầy vào một chân “Assistant”.
[2] Lời của bài hát “Niệm Khúc Cuối” của Ngô Thụy Miên.
One Comment
Võ Văn Rân
Kính Dr
Tôi đọc “Lời cuối cuộc tình” rất cảm động, vì biết ít ngày nữa Dr sẽ giả từ cuộc tình cũ, một cuộc tình đã đưa Dr vào nhóm các nhà Khoa học hạng cao nhất cuả Hoa kỳ ….Tôi nghỉ Dr giả từ cuộc tình cũ, để bắt đầu cuộc tình mới, một cuộc tình say đắm hơn, nó không bị gò bó giờ giấc, thời gian nhưng đổi lại với sự đam mê khoa học của Dr thì không phải giới hạn trong 8 tiếng/1ngày mà mười tiếng, mười hai tiếng trở lên, đến khi mệt thì nghỉ thôi.
Kính chúc Dr sẽ tìm vui trong cuộc tình mới
Võ văn Rân