Lời Giới Thiệu Cho Tâm Tình Người Con Việt
Khoảng thời gian từ khi tôi được có dịp quen biết Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết cho đến khi tôi viết những dòng chữ này, tính ra chưa đầy hai năm. Chúng tôi quen nhau trong một dịp sinh hoạt của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, một tổ chức được thành lập dưới sự cố vấn của Nhạc sĩ Anh Bằng vào năm 2009. Tuy thời gian và những lần có dịp sinh hoạt chung với nhau không nhiều, nhưng tôi vẫn nhớ lần đầu tiên khi tôi có dịp gặp Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết.
Anh bảo tôi gọi anh bằng “anh” cho thân mật, dù chúng tôi có tuổi đời cách nhau khá nhiều. Tính cởi mở và chân tình đó làm tôi cảm thấy ở anh đức tính bình dị và thân tình. Tôi xin phép độc giả cho tôi dùng chữ “anh” trong suốt bài viết này thay cho danh xưng”Tiến Sĩ” hay “Giáo Sư” Mai Thanh Truyết vì tôi đoán chắc anh cũng muốn như vậy. Khi anh cho biết muốn tôi viết lời bạt cho quyển sách có tựa đề “Tâm Tình Người Con Việt”, tôi thật sự ngạc nhiên vì tôi biết anh có rất nhiều người bạn trong nhiều lĩnh vực khác nhau và có nhiều người đã quen biết hay sinh hoạt với anh lâu hơn tôi rất nhiều. “Anh muốn nghe cảm nghĩ từ một thế hệ trẻ nhận xét về quyển sách này”- Câu nói của anh làm tôi an tâm và tôi nghĩ đây cũng là dịp cho tôi biết nhiều hơn về anh, vì như tựa đề của quyển sách Tâm Tình Người Con Việt, chắc chắn sẽ chất chứa nhiều tâm tình anh sẽ chia sẻ trong đó.
Lần giở những trang sách, tôi bị lôi cuốn bởi những điều anh ghi lại. Không giống như nhiều quyển hồi ký của các tác giả thường kể về những thành tích của “một thời vang bóng” của họ, mà trái lại, khi đọc những mẩu chuyện của anh, tôi có cảm giác như một người anh đi xa lâu ngày không gặp đang ngồi trước mặt tôi để kể lại những gì đã trải qua trong một quảng đời của anh. Bình dị, từ tốn, mộc mạc và chân tình.
Anh là một nhân chứng của lịch sử trong một cuộc đổi đời làm thay đổi vận mệnh của cả quê hương Việt Nam. Anh kể cho chúng ta nghe về khoảng thời gian trước và sau năm 1975, tuy chỉ có vài năm, nhưng chúng ta có thể hình dung lại cả một biến cố lịch sử, những đổi thay khắc nghiệt trong tâm thức con người và cuộc sống, qua lăng kính của một giáo sư trẻ trong khuôn viên của trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Từ cái không gian nhỏ bé này, người đọc có thể liên tưởng được những đổi thay, biến chuyển, bước loạn ly, niểm đau, tiếng nấc nghẹn ngào của một xã hội miền Nam bị nhuộm đỏ bởi cộng sản Bắc Việt in dấu nơi đây.
Bắt đầu từ quyết định của một sinh viên du học vừa mới rời khỏi ghế nhà trường với ý nghĩ “Đi” hay “Ở” trong “Ngày Trở Về” vào một mùa hè của năm 1973. Rồi chính tình yêu quê hương đất nước đã thôi thúc anh trở về quê hương dù biết rằng đất nước đang trong thời chiến tranh loạn ly, thay vì chọn cuộc sống ổn định và an bình nơi xứ người. Cũng chính vì những ươc mơ mà anh đã ấp ủ trong lòng như anh chia sẻ trong quyển sách, dù cho đến ngày hôm nay, có những ươc mơ vẫn chưa thực hiện được, đã thôi thúc anh có quyết định trở về quê hương.
Từ ước mơ “cho Đất Nước thanh bình, con người không còn bốc lột người” đến những điều tưởng chừng rất bình thường như “Tôi ước mơ cho người nông dân mình biết được cách xử dụng phân bón, thuốc trừ sâu rầy, và có một sự hiểu biết về canh nông, chăn nuôi và trồng trọt ứng hợp với việc bảo vệ môi trường” và có lẽ ước mơ lớn nhất trong cuộc đời anh là “sẽ cùng bà con về lại Sài Gòn một ngày đẹp nắng”. Ước mơ đó có lẽ cũng là ước mơ của những người con dân Việt ly hương tị nạn cộng sản, trong đó có cá nhân tôi, nên anh đã tạo được mối dây đồng cảm ngay từ những trang đầu tiên trong quyển sách này.
Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, mà theo anh không biết “Duyên” hay “Nghiệp’, là nơi anh đã ghi lại những kỷ niệm của những ngày đầu nhận nhiệm sở với những cải cách của trường trong thời gian 2 năm anh làm việc ở đó. Cũng tại nơi đây, chúng ta cũng được anh cho thấy những đổi thay sau năm 1975, khi mà “nhà trường trở thành nơi “chế tạo” một thế hệ thanh niên thành công cụ rao giảng cho chế độ, nói tốt cho chế độ, còn việc giảng dạy chuyên môn trở thành thứ yếu.” Thật đau xót thay cho thảm cảnh của nền giáo dục Việt Nam sau năm 1975 và cho mãi đến ngày hôm nay.
Ngoài thời gian dạy học ở Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, anh còn đến làm việc tại Đại Học Cao Đài Tây Ninh. Khi đọc đến chương sách này, tôi cảm phục anh với tinh thần dấn thân, không ngại vượt qua những khó khăn trong thời gian đầu đến một nhiệm sở mới qua việc mở các lớp giảng dạy và các phòng thí nghiệm cho Viện Đại Học ở đây. Cũng chính mảnh đất và con người Tây Ninh mà anh cho biết “triết lý và tinh thần Đạo Cao Đài đã soi rọi và hướng dẫn người viết trên bước đường đời còn lại”.
Như đã viết ở phần đầu, những sự kiện anh viết lại vào những năm tháng đầu sau biến cố 1975, lúc đó tôi còn là một cậu bé 5-6 tuổi. Tuy nhiên, hơn 13 năm phải sống dưới chế độ cộng sản trước khi được đến đất nước tự do này, tôi vẫn có thể cảm nhận những điều anh đã chia sẻ trong quyển sách về những năm tháng đó, vì dẫu là năm 1975 hay mười năm, hai mươi năm sau hay cho đến ngày hôm nay, bản chất của con người cộng sản vẫn không thay đổi, có chăng là sự tráo trở ngày càng tinh vi hơn.
Vì sống dưới hai chế độ khác nhau, anh có dịp chứng kiến được sự khác biệt, và bản chất xấu xa của chế độ cộng sản và những người đại diện cho nó. Trong chương “Bài Học Đầu Tiên”, anh kể lại thái độ khinh bỉ của anh khi lần đầu tiên nghe tên thi sĩ Xuân Diệu dám bêu xấu chế độ Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là giới trí thức miền Nam, giới giáo sư đại học…và ví tất cả như “những cây cổ thụ xum xuê cành là…nhưng không có rễ.” Để đối lại, tôi thích lối so sánh của anh, dùng lại chính hình ảnh của cây cổ thụ, khi anh viết về chủ nghĩa cộng sản sau hơn 36 năm cai trị đất nước, “cây cổ thụ xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện tại là một cây chết khô, không hoa, không lá, không rễ, và thân cây đã mục nát, thậm chí mối và mọt cũng không còn gì có thể gậm nhấm được”. Một lối dùng hình tượng rất thâm thúy khi anh đã nêu lên một sự thật mà cộng sản không thể nào chối cãi được.
Khi đọc đến chương sách anh viết về “Chính sách tuyển sinh XHCN”, những điều anh viết đã đưa tôi trở về những ngày tháng của năm 1986, khi tôi vừa mới tốt nghiệp trung học và chuẩn bị thi vào đại học. Những ngày tháng không thể nào quên mà tôi đã có dịp ghi lại trong câu truyện “My Life” trước đây. Dù khoảng thời gian cách nhau mười năm, nhưng những gì xảy ra vào những năm 1976 vẫn còn kéo dài như bóng ma của chế độ cộng sản ám ảnh đến thế hệ của chúng tôi. Đó là tệ nạn “hồng hơn chuyên”, với hình thức tuyển sinh qua cách thức “xếp đối tượng”, ưu tiên cho những sinh viên “con ông cháu cha”, gia đình “liệt sĩ” hoặc “có công với cách mang” được nhận vào các đại học vơi số điểm rất thấp so với thành phần những thí sinh có cha mẹ là quân nhân hay “làm việc cho chế độ cũ”, v.v. Đó là số lớn tầng lớp những kỹ sư, bác sĩ, v.v. được đào tạo ra trường trong khoảng thời gian đó. Có viết ra những điều như vậy về nền giáo dục đào tạo của Việt Nam, các bạn trẻ ở các thế hệ sau này mới thấu hiểu tại sao quê hương của chúng ta ngày càng thụt lùi mà hệ quả kéo dài cho mãi đến ngày hôm nay. Trên cương vị là một giáo sư trong trường Đại Học Sư Phạm, anh còn cho chúng ta biết thêm về những thảm cảnh đau lòng từ việc ra đề thi, đến chấm bài và ai là những người có quyền quyết định kết quả thi trúng tuyển vào đại học. Đây là những tư liệu rất đáng quý, rất sống thực để cho các thế hệ sau này nhìn thấy một phần nào sự bất công và thối nát của chế độ cộng sản, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục.
Cũng trong môi trường giáo dục ở ngôi trường Đại Học Sư Phạm này, anh có dịp chứng kiến một “hiện thân” của một con người đại diện tầng lớp “trí thức” cộng sản, sau cuộc đổi đời lên nắm vai trò lãnh đạo. Hình ảnh Trần Thanh Đạm, Hiệu trưởng Đại Học Sư Phạm XHCN đã lột tả phần lớn các tính nết này, với những ranh mãnh, xảo quyệt, đố kị, v.v. đối với thành phần trí thức cũ, mà anh cũng là một trong số những nạn nhân của cuộc đổi đời.
Điều làm tôi cảm phục qua những chương sách anh viết, với những bố cục rất rành mạch, là phần kết thúc với một “lời nhắn”. Đó là những tâm tình, như tựa đề của quyển sách, từ đáy lòng, từ con tim của tác giả, có khi là một lời chia sẻ, một câu nhận xét, một lời lên án đanh thép, hay một góp ý chân tình cho đối tượng từ những người cộng sản trong nước mong họ sớm thức tỉnh đến những thế hệ mai sau chưa nhận ra hết chân tướng và những bản chất của chế độ và giới lãnh đạo cộng sản tham ô và thối nát. Ví dụ như trong một kết luận của chương sách viết về nhân vật Trần Thanh Đạm, anh kết luận như sau:
“Trong suốt 36 năm qua, chính sách giáo dục hoàn toàn không thay đổi, chúng ta vẫn còn thấy nhan nhản những Hiệu trưởng như TTĐ, thậm chí những Bộ trưởng giáo dục hay Phó Thủ tướng phụ trách trong ngành giáo dục vẫn tiếp tục đi theo vết xe cũ, nghĩa là chỉ chăm lo cũng cố quyền lợi và quyền lực mà quên đi mục tiêu tối hậu của giáo dục là đào tạo một tầng lớp công dân có đạo đức và hữu dụng cho công cuộc phát triển quốc gia và tạo dựng thêm của cải vật chất cùng phúc lợi cho xã hội.”
Vì là một nhà giáo, những suy nghĩ và chia sẻ của anh cũng mang nặng tính chất mô phạm qua chương sách viết về “Tính Liêm Sĩ của Người Thầy Giáo” qua câu chuyện kể về người bạn đồng nghiệp Trần Lương:
Anh viết, “Trong xã hội Việt Nam, nghề giáo là một trong những nghề cao quý và được dân chúng quý trọng. Do đó, “tiêu chuẩn” dành cho nghề giáo khắt khe hơn so với tất cả các nghề khác. Vì vậy, đã bước chân vào nghề “Thầy Giáo” cần phải giữ “lề” hơn nữa.” Tuy nhiên, điều đáng buồn như tác giả đã viết là sự thay đổi bản chất của người mang thiên chức của người Thầy trong chế độ “xã hội chủ nghĩa”, chỉ vì những điều rất tầm thường như chút ít địa vị, bổng lộc, miếng ăn hàng ngày, mà ngay cả bạn đồng nghiệp chí thân vẫn có thể phản bội nhau, như trường hợp của người bạn đồng nghiệp Trần Lương.
Ở một chương sách khác, anh viết “Đã 48 năm hương lửa bên nhau, em và tôi không thể nào đoạn tuyệt với nhau được. Và dĩ nhiên là phải có tiếp nối. Tiếp nối trong một giai đoạn thăng hoa mới của cuộc đời trong tương lai. Chắc chắn em và tôi sẽ bước những bước song hành trên con đường về Quê Hương dưới ánh bình minh rực sáng…”
Khi đọc những đoạn văn này, có lẽ người đọc sẽ nghĩ đó là những lời tâm tình của anh dành cho người bạn đời. Nhưng không, đó là những lời anh dành cho… chiếc áo blouse trắng, một người bạn đồng hành của anh trong suốt khoảng thời gian từ khi anh còn là một sinh viên y khoa, cho đến khi anh bước lên cương vị của một giáo sư, rồi một người có trách nhiệm cho một công ty dưới sự giám sát của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ cho đến những ngày cuối tại nhiệm sở như anh kể với một giọng văn khá hóm hỉnh trong chương “Lời Cuối Cho Một Cuộc Tình…”. Đây là một chương mà tôi rất thích thú khi đọc vì nó gói ghém nhiều tâm tư của anh trong đó, qua những lời thổ lộ tâm tình với người bạn đồng hành “chiếc áo khoác trắng”.
Trong phần phụ bản, chúng ta sẽ được đọc thêm những tâm tình của anh qua “Tôi Nói Với Tôi” với Quê Hương, Cha, Mẹ, con cái, bạn bè và ngay cả với những kẻ cầm quyền trong nước. Điều trăn trở của người con xa quê hương, như bao nhiêu người tị nạn khác, được anh ghi lại trong bài viết “Tản Mạn về Quê Tôi”, nhưng điểm đặc biệt ở đây, theo tôi, không phải là những ký ức, kỷ niệm về một nơi chôn nhau cắt rốn, mà qua lời tâm tình nhắn gửi của anh ở đoạn cuối của bài, khi anh viết “Bạn không sống gần QUÊ, trong QUÊ, nhưng QUÊ vẫn có trong bạn. Hồn Quê vẫn sống trong tiềm thức của bạn. Và Hồn Quê tôi muốn nói nơi đây, chính là HỒN NƯỚC đó bạn ạ! HỒN NƯỚC đang réo gọi chúng ta mau về dựng lại bức dư đồ rách do những người vô tâm đang dày xéo Đất và Nước chúng ta.”
Có lẽ bạn đọc sẽ đồng ý với tôi không còn lời tâm tình nào sâu sắc và đầy ý nghĩ hơn, từ tâm khảm của người môt người con xa quê. Tâm tư đó cũng được tác giả trải bày qua bài viết ngắn “Hoa Sen” mà nơi đó, ta tìm được tâm hồn thanh cao của tác giả qua lời bộc bạch:
“Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn…
Tôi thành tâm ước vọng mình được làm bông sen dù trong giây phút để giũ sạch tất cả những vương bận của cuộc sống hàng ngày”.
Một trong những bài học hay mà tác giả đã chia sẻ trong những tháng ở trại tị nạn mà giới lãnh đạo trong nước không bao giờ làm theo, đó là “quyết định chọn nhân dân, nghĩa là chấp nhận chia sẻ nóng bức và áp bức cùng với đồng bào…” (Tôi Đi Vượt Biên). Chẳng trách gì bọn cộng sản cầm quyền ngày càng xa rời và dửng dưng trước những nỗi thống khổ của người dân vì chúng đâu bao giờ quan tâm hay tự nguyện sống, dù chỉ là một vài giây phút, trong hoàn cảnh của những người dân đang sống trong những cảnh đời khốn khó.
Sau cùng, đó là những lời tâm tình của anh trước thời cuộc, đến sự can đảm vùng lên của giới trẻ Việt Nam, qua bài viết ngắn, “Cùng Tuổi Trẻ Việt Nam” với lời khuyên hết sức chân tình và thực tế:
“Đi biểu tình không cần mang cờ máu theo làm “khiêng” che chở. Đi thẳng vào căn cứ địa cùa TC. Đó là Tòa Đại sứ và Tổng Lãnh Sự”.
Tôi tin rằng, những lời tâm tình của người con Việt tuy sống xa quê, nhưng lòng lúc nào cũng hướng về quê hương đất nước với những trăn trở muốn sớt chia của anh, từ những ngày còn là một sinh viên mới ra trường, cho đến khi bôn ba nơi hải ngoại sẽ được lắng nghe và trân trọng. Một ngày nào đó, khi những tâm tình này được biến thành hiện thực, thì ước mơ “sẽ cùng bà con về Sài Gòn một ngày đẹp nắng” có lẽ sẽ không xa.
Cao Minh Hưng