Đó là ngôi nhà cổ của dòng họ Nguyễn, chi Nguyễn Viết. Không chỉ con cháu dòng họ Nguyễn mà hầu như tất cả người dân trong thôn, ai cũng tự hào về ngôi nhà cổ đó. Bất kỳ ai mới đặt chân tới làng, người dân Sơn Đồng đều tự hào kể với người ấy nghe câu chuyện về ngôi nhà cổ chừng 342 tuổi ấy. Ông Nguyễn Viết Vũ (xóm Đình, xã Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội) kể điển tích về một ngôi nhà cổ thời xưa ấy.
Năm 1675, dưới đời vua Lê Hy Tông thế kỷ 17, Đô đốc Thái bảo Nguyễn Công Triều (1614-1690) mượn voi của triều đình để kéo nguyên vật liệu xây đình chùa đường sá cho dân chúng làng Đông Lao, phủ Hoài Đức (nay là thôn Đông Lao, xã Đông Lao, Hoài Đức, Hà Nội) nhưng một chú voi đã bị chết. Theo luật ngày đó, người làm chết voi hoặc sẽ phải đền một chú voi bằng vàng có trọng lượng bằng chú voi đã chết, hoặc sẽ phải chịu chặt đầu.
Ngôi nhà cổ được xây dựng chỉ trong một đêm |
Vụ án ấy được giao cho quan Tham tụng Hình bộ Thượng thư Nguyễn Viết Thứ xét xử. Với bản tính liêm khiết, thương người, ông đã trăn trở rất nhiều với án tử hình mà Đô đốc Nguyễn Công Triều sắp phải chịu. Nhân buổi hầu bàn cờ với Vua, ông kể chuyện một anh tá điền nghèo phải đi cày thuê nhưng con trâu bị ốm rồi lăn quay ra chết, người địa chủ bắt anh tá điền phải đền trâu nếu không sẽ phải đổi mạng. Vua nghe đến đây thì tức tối nói, con trâu chết là tại trời, cớ sao bắt tá điền chịu oan. Ngay lúc đó, Thượng Thư Nguyễn Viết Thứ bẩm với Vua về trường hợp của Đô đốc Nguyễn Công Triều và án tử hình được xóa bỏ.
Quá cảm kích ơn cứu mạng, Đô đốc Thái bảo muốn dựng một ngôi nhà ở Sơn Đồng cho cha mẹ quan Thượng Thư Nguyễn Viết Thứ an hưởng tuổi già. Muốn thoái thác món quà, Nguyễn Viết Thứ nói thách: “Ta trọng cái ơn của ngươi lắm lắm nhưng ta sẽ chỉ nhận ngôi nhà nếu ngươi làm xong chỉ trong một đêm”.
Ông Nguyễn Viết Vũ, vừa làm vừa kể cho phóng viên nghe |
Không ngờ, chỉ trong một đêm đầu năm 1676, hàng trăm người người cùng voi, ngựa, trâu kéo nguyên vật liệu đến. Mọi người hợp sức đào đất, san nền, nhóm kia đục rui mè, đẽo cột, dựng khung người lát nền, cất nóc, kéo gỗ, xúc đất, chuyển gạch. Kinh ngạc thay, khi trời vừa mờ sáng, một ngôi nhà 5 gian, 2 chái, dài 18,5m và rộng 7,2m đã hoàn thành. Đến nay, sau hai lần tu sửa vào năm 1975 và 1995, ngôi nhà này vẫn giữ được nguyên vẹn phần khung chính.
Hiện giờ, gia đình cụ Nguyễn Viết Vi ở và trông nom ngôi nhà. Ông Nguyễn Viết Vũ, hậu duệ của dòng họ Nguyễn Viết cho biết ngôi nhà đã từng được dùng làm nơi hội họp và dạy bình dân học vụ. Sau này, dòng họ Nguyễn Viết đã xin lại và lưu giữ đến hiện tại. Những dịp một chi trong họ tụ họp, các cụ cao niên vẫn chỉ lên 3 chữ “đức dã viễn” (lưu giữ đức lâu dài) ghi trên tấm hoành phi để nhắc nhở con cháu giữ cho đức bền lâu. Dòng họ cũng muốn lưu giữ lại ngôi nhà xây trong một đêm cùng tích xưa để kể lại cho hậu thế.