Thứ Tư tuần trước, một mẩu tin đăng trên báo chí Anh báo hiệu rằng thế hệ của những người như kẻ viết bài này nay đã đến lúc phải nhường chỗ cho những thế hệ mới đến sau. Ðiều dẫn kẻ viết bài này đến một suy ngẫm như vậy là vì ở một góc cuối cùng của trang nhất nhật báo Financial Times của Luân Ðôn là một mẩu tin với tựa đề “Facebook nay đã lớn hơn là Google.”
Theo mẩu tin này, tại Hoa Kỳ số người truy cập vào mạng lưới kết bạn Facebook này để viết lên trên “tường” của nhau những lời chúc tụng hoặc để trao đổi hình ảnh kể cả những hình ảnh say mèm tại những “parties” nay đông hơn là những người truy cập vào Google để tìm mua hàng, chỉ dẫn đường đi hay là kiếm các phim ảnh khiêu dâm.
Trong lịch sử phát triển của mạng Internet – mặc dầu chỉ ngắn ngủi mới có chưa đầy 20 năm nay, nhưng có lẽ các mạng lưới kết bạn như Facebook đã là ngưỡng cửa quan trọng nhất phân chia những thế hệ trẻ và già, Trong hầu hết những khía cạnh khác, không có bao nhiêu điều có thể phân biệt giữa già và trẻ, giữa tuổi 60 và tuổi 16 ngoại trừ kinh nghiệm sống và một mớ tóc bạc. Tại các nước như Anh hoặc Mỹ bây giờ, hầu như ai cũng mặc jean, ai cũng có một máy computer ở nhà. Nhưng những người ở tuổi 16 thì hầu như là sống trong Facebook trong khi đa số những người 60 tuổi thì chẳng hiểu gì về địa chỉ này cả.
Ðây không phải là một chuyện nhỏ mà là một sự khác biệt khổng lồ cho thấy sự cách biệt giữa những thế hệ đối với một vấn đề không phải chỉ là một phương thức khác để truyền thông liên lạc mà là một lối sống hoàn toàn khác biệt.
Ðối với những người già, tìm kiếm qua việc truy cập trong Google là một chuyện tự nhiên. Tất cả chúng ta ngay từ khi học tiểu học đã được dạy dỗ làm sao tìm kiếm những dữ kiện qua sách vở, báo chí… Thành ra đối với những người lớn tuổi, Google có thể được coi như là một thư viện; một thư viện tiện lợi hơn một thư viện thực nhiều vì chúng ta không phải lặn lội đi lên xe bus tìm đến và những tin tức chúng ta tìm kiếm thì hầu như lúc nào cũng có tại chỗ chứ không phải như thư viện thật, nhiều khi cuốn sách chúng ta muốn đọc lại bị người khác mượn trước. E-mail và text messaging cũng là những chuyện rất tự nhiên đối với thế hệ già. Người ta có thể vật lộn không hiểu làm sao sử dụng một số những ký hiệu gọi là “emoticon” cũng như là những cung cách viết tắt cho nhanh khi “text,” nhưng nguyên tắc thì thế hệ lớn tuổi ai cũng hiểu rất rõ. Viết thư là một chuyện người ta đã làm quen từ không biết bao nhiêu đời rồi. Một người liên lạc với một hoặc nhiều người khác qua những hàng chữ. Và e-mail chỉ khác với thư thường ở chỗ nó xảy ra nhanh hơn nhiều so với ông Bưu Ðiện. Và ngay cả Twitter và Blog cũng không phải là khó gì đối với thế hệ già. Nó cũng chỉ là một hình thức làm luận như đã được học ở dưới mái nhà trường mà thôi.
Nhưng Facebook thì đối với thế hệ già quả thật là một điều hầu như hoàn toàn xa lạ. Ðối với tôi, điều quan trọng của việc đối thoại là một sự liên lạc đồng thuận giữa hai cá nhân. Trò chuyện đối với tôi chỉ thích thú khi có hai hoặc nhiều lắm là ba bốn người, một điều có thể giúp cho người ta thay đổi câu chuyện và lời nói cho thích hợp với những người đối thoại với mình. Khi phải đối đáp với nhiều người một lúc thì tự nhiên người ta bối rối. Nếu quý vị nào không tin cứ thử nghĩ lại đến những “parties” mà mình có dịp tham dự mà coi. Thành ra ý tưởng đối thoại trở thành một kiểu phát thanh một cách ngẫu nhiên cho 500 người “bạn” mà nhiều khi mình chưa từng gặp về những gì mình vừa mới làm hôm qua quả là một điều mà những người già không thể hiểu được. Tương tự như vậy, ý tưởng rằng người ta có thể ngồi hàng giờ trước màn hình máy computer để đọc những bài dớ dẫn của nhóm “bạn” khổng lồ trên mạng và bàn cãi về những chuyện họ làm quả thật là một điều làm tôi không thể hiểu nổi.
Khoảng cách giữa thế hệ Facebook và thế hệ không Facebook đối với tôi còn sâu đậm hơn là khoảng cách giữa thế hệ của tôi và thế hệ của của bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi không biết đến computer, và quả thật một bà chị lớn của tôi cho đến nay vẫn từ chối không chịu đụng đến vi tính. Tôi thích nhạc Beatles và Rolling Stones trong khi bố tôi coi những bài nhạc đó như là những tiếng ồn vô nghĩa, nhưng dù sao chăng nữa các cụ cũng hiểu được và thích nghe những bản nhạc Việt Nam trữ tình.
Tôi đã bảo các con tôi giải thích Facebook cho tôi nghe nhưng kết cục rằng tôi cũng vẫn không hiểu gì thêm cả. Chúng không thể giải thích cho tôi hiểu được vì chúng không hiểu tôi muốn hỏi gì. Mức độ thắc mắc của tôi vượt qua tầm hiểu biết của chúng.
Nhưng dù sao chăng nữa, có lẽ sớm muộn gì thì thế hệ già này cũng đành phải gia nhập. Tôi có một đứa cháu sắp lấy vợ, nhưng không biết lúc nào làm đám cưới. Mãi gần đây nhân nói chuyện điện thoại với mẹ nó mới biết được ngày giờ. Thì ra bây giờ nó chỉ loan báo trên Facebook mà thôi. Và vừa qua, tôi nghe một đứa bạn của con gái tôi than phiền rằng ông nội nó không ở trong Facebook để nó có thể chúc mừng sinh nhật. Cái ý tưởng cầm điện thoại lên gọi hoặc mua một tấm thiệp hầu như không được cô bé này nghĩ đến. Và tin vừa qua trong tờ FT nay cho ta thấy rõ. Nếu trong tương lai ta muốn nhận được thiệp sinh nhật hoặc là liên lạc với những ai dưới 40 tuổi thì ta đành phải gia nhập Facebook dù chúng ta có hiểu hay không hiểu.
Lê Mạnh Hùng