Chưa năm nào phe liền ông trong làng tôi sung sướng bằng những ngày đầu hè năm nay. Các cụ có biết tại sao không? Thưa, vì các nhà quân tử chúng tôi được gặp nhau liên miên trong 3 tuần lễ liền để làm giám khảo cho giải túc cầu Âu Châu. Ôi, sung sướng cực kỳ. Chúng tôi đã gìà nên dư thời giờ rảnh rỗi để họp nhau làm giám khảo cho các trận banh, vừa cho điểm vừa bình luận. Mọi khi vắng mặt một bữa cơm mà không có lý do chính đáng đã là một trọng tội, kỳ này các đức ông chồng được mọi phép lành để vắng nhà dài dài. Xin đội ơn Euro 2012. Xin đội ơn quán rượu ở ngã tư đã đón tiếp chúng tôi ròng rã 20 ngày. Xem đá banh, mắt dán vào màn ảnh, miệng nhai bỏm bẻm miếng pizza nóng hổi rồi tợp một hớp bia lạnh mát rợi, tai nghe những lới bình luận hùng hổ và hùng hồn, chao ơi, sung sướng làm sao. Ban đầu chúng tôi cứ nghĩ khu này xa phố Tàu cho nên chắc chỉ có phe liền ông trong làng tôi là phe nói tiếng Việt duy nhất ở quán này. Nhưng không phải, các cụ ạ. Một hôm khi thần tượng Ronaldo đá lọt lưới Hòa Lan, bỗng chúng tôi nghe thấy tiếng hét rồi vỗ tay rồi mấy tràng tiếng Đức. Cái gì vầy nè? Thì ra đã có mấy cụ VN ghé quán từ lúc đầu mà dân làng tôi không thấy. May mà nhóm các cụ này ngồi xa đặc khu của các nhà quân tử chúng tôi. Và thật may là nhóm các cụ này mỗi ngày đi tham quan một quán. Các cụ đó bảo phải đi tham quan cho đủ các quán lớn để lấy cho hết các cảm giác mạnh. Xin hoan hô các đấng khôn ngoan này. Phe làng tôi thì không khôn ngoan như vậy nên trước sau chỉ một cái quán ấm cúng này mà thôi.
Ông ODP cười ha hả: Xem đá banh phải nói tiếng Đức mới sướng. Mình nói tiếng Đức quen miệng rồi và tai thính chúng cũng đã quen rồi, nay có thính chúng mới thì tự nhiên các giám khảo mất đi nhiều cảm hứng. Xem đá banh mà không nói tiếng Đức khi có những màn gay cấn thì không phải là người sành điệu. Trong quán này không phải chỉ có các nhà quân tử làng tôi mà còn rất nhiều các nhà quân tử các nước khác. Đại đa số họ cũng đến xem các trận banh như chúng tôi. Họ đều là các di dân gốc Âu Châu. Họ cũng hò hét, cũng đập bàn, cũng nói tiếng Đức và tiếng Đan Mạch nhưng họ nói thứ giọng khác, khó hiểu hơn. To tiếng nhất là các ông gốc Ý. Càng gần ngày chung kết các ông càng làm dữ. Ngày chung kết mồng 1 tháng 7 khi Ý đá với Tây Ban Nha, các ông còn mang cờ Ý vào quán. Các ông đã chắc bụng là đội Ý sẽ thắng nên mang cờ quạt và tù-và để ra đường hò reo ăn mừng. Ban đầu không khí quán rượu ầm ĩ, nhưng sau khi đội Ý bị lọt lưới hai trái banh ngay trong hiệp nhất thì tự nhiên không khí quán lắng hẳn xuống, và khi gần hết trận đấu thì quay đi quay lại các ông Ý đã biến hết từ lúc nào.
Dân gốc Ý ở Toronto rất đông. Nếu mà Ý đá thắng Tây Ban Nha thì thành phố Toronto này đã bị điếc tai nhức óc mấy ngày liền. Chị Ba Biên Hòa bảo tôi là chị có mấy bà bạn gốc Ý. Tháng trước mấy bà này bảo chị là thế nào Ý cũng thắng trận vì đã có điềm báo trước. Các cụ có biết điềm gì không cơ ? Thưa tháng Bảy này có 3 ngày rất đặc biệt mà theo các nhà làm lịch thì phải 823 năm mới có một lần. Mời các cụ nhìn vào lịch mà coi. Tháng Bảy năm nay có 3 ngày lạ lùng liền nhau: 5 ngày Chủ Nhật, 5 ngày Thứ Hai, 5 ngày Thứ Ba. Lạ qúa chứ. Dân Ý cho là điềm tốt. Ai dè, kết qủa đá banh chả tốt tí nào. Giá mà Ý chỉ thua một trái thì còn hiểu được, còn có thể bảo rằng đó là may rủi. Đàng này thua những 4 trái và không hề đá lọt lưới đối phương một quả ! Kỳ quá.
Dân làng tôi cũng cá độ. Anh John và Cụ Chánh đều cá đội Đức sẽ đoạt giải. Ai ngờ trật lấc. Hai vị này đang chuẩn bị một bữa ăn đãi làng để trả nợ đoán sai. Xem xong 30 trận banh, phe liền ông trong làng ai cũng hả hê mãn nguyện vô cùng, chỉ tiếc một điều là không có mặt ông Từ Hoè. Ông này ngày xưa ở VN là một cầu thủ xuất sắc và bình luận trận banh không thua gì ông Huyền Vũ. Giá kỳ vừa qua có ông thì các cuộc bình luận sẽ còn hay và hấp dẫn hơn nữa. Bởi vậy các nhà quân tử trong làng đã quyết định là sẽ mời cho được ông Từ Hoè về làng năm 2014 để tham gia vào ban giám khảo các trận banh thi giải toàn cầu. Ông ODP cười ha hả: ÔngTừ Hoè mà vừa xem đá vừa bình luận thì mái nhà sẽ nổ tung. Mấy năm trước mới chỉ nghe ông bình luận về các cầu thủ danh tiếng như Pelé của Ba tây, Backham của Anh, Henry của Pháp, Ronaldo của Bồ Đào Nha mà cả làng đã thấy hấp dẫn qúa sức rồi. Phe các bà không hề biết đá banh chỉ nguyên nghe ông nói mà đã mê mẩn. Cầu trời dân làng tôi còn sống hết để dự các trận cầu quốc tế nhiều hứa hẹn này. Chúng ta hẹn nhau bình luận tiếp vào mùa World Cup 2014 nha, thưa các cụ.
Mà ông Từ Hoè này thiêng thật. Chắc làng tôi gồm toàn các thánh nhân. Chúng tôi vừa nhắc tới ông Từ Hoè thì ông gọi điện thoại ngay. Ông hỏi thăm từng nhà quân tử trong làng, từng trận banh. Chúng tôi đã thông báo quyết định mời ông về làng năm 2014 để cùng dự giải Túc Cầu thế giới. Ông đã vui vẻ nhận lời ngay vì chính ông cũng nhớ làng lắm. Linh thật chứ. Có viễn cảm mà. Các cụ nhớ nhá. Xin để dành thời giờ nghe ông Từ Hoè dẫn chúng ta qua các trận banh. Chị Ba Biên Hòa đã tiên đoán là năm 2014 đội Tây Ban Nha sẽ thắng nữa đấy các cụ ạ, Dám đúng lắm vì các bà có giác quan thứ 6 cực mạnh mà. Chị bảo nếu chị thua thì chị sẽ đãi phe liền ông chúng tôi một bữa gỏi cá chép sống theo lối Bắc Kỳ với đủ lá sung và lá mơ.
Lúc gọi làng, ông Từ Hoè kể chuyện về chính ông cho chúng tôi nghe. Ông khoe ông đang được sống lại những ngày tuổi thơ mộng mơ năm xưa. Thuở đó trước khi vào lớp là đá banh ở sân trường, rồi vào lớp thì lén thày trao đổi các tập Tintin. À, các cụ còn nhớ sách hình Tintin không ? Chuyện cậu bé có chỏm tóc cao, có con chó Milou luôn bên cạnh, và có ông bạn Capitaine Haddock hay nổi nóng ấy mà. Những tập sách hình này đã làm say mê thế hệ măng non chúng tôi ngày xưa. Ôi chao cái ông hoạ sĩ Hergé người Bỉ sao mà tài ba đến thế. Ông Từ Hoè bảo bây giờ cậu Tintin đang sống lại, không những bằng báo giấy mà còn bằng báo điện cho nên ông bảo ông đang sống trên thiên đàng là vậy. Ông đã thu hình đủ các trận banh Euro 2012 vừa qua, lúc nào buồn thì ông mở ra coi. Mỗi lần coi lại là mỗi lần nhìn ra những đường banh tuyệt vời mà ban đầu không nhìn thấy. Hết xem đá banh thì ông coi Tintin. Ông cứ khen đi khen lại cái ông hoạ sĩ Hergé sao mà giỏi thế. Hergé đã bỏ bùa cho cả thế giới. Sách Tintin ra đời từ năm 1929, đến nay sách đã được dịch ra 50 thứ tiếng và in ra hơn 200 triệu ấn bản, vẫn được coi là một tác phẩm giá trị trong văn học thiếu nhi.
Anh H.O. cũng xin góp chuyện với ông Từ Hoè. Anh bảo mấy đứa bé cháu nội của anh bây giờ cũng mê cậu Tintin. Chúng cũng đòi cắt tóc theo kiểu Tintin, cũng đòi mặc áo kiểu Tintin. Các cụ thấy chưa, anh H.O. đã lên chức ông nội rồi đó. Mới ngày nào từ Mỹ sang đây chơi rồi bị tiếng sét ái tình, rồi ở lại đây luôn, nay không những có con mà còn có cháu.
Chuyện đá banh, chuyện Tintin đã đưa các cụ đi xa quá rồi. Xin mời các cụ về làng để dự lễ quốc khánh Canada ngày đầu tháng Bảy, mừng Canada lên 145 tuổi. Nếu so với các nước khác thì nước này còn trẻ thế đấy. Lại còn rộng lớn kinh khủng mới đáng nể chứ. Nó chiếm cả một miền đất cực bắc của Mỹ Châu bao la, lớn hơn nước VN quê mình những 30 lần. Cụ Chánh cứ bảo cả làng: Canada là nơi Ông Trời cất giữ kho tàng quý báu. Dưói đất bao nhiêu là vàng bạc, dưới nước bao nhiêu là hải sản, dưới lòng biển bao nhiêu là dầu lửa. Thế nhưng đất rộng mà người thưa. Năm lập quốc 1867 chỉ có 3.5 triệu dân, nay 145 năm sau mới chỉ có 34 triệu, tính ra mỗi cây số vuông chưa đầy 4 người. Đây là xứ song ngữ, thống kê cho biết 20 triệu người nói tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh, 6 triệu người nói tiếng Pháp, số còn lại là nói hơn 100 thứ tiếng khác nhau trong đó có dân làng tôi. Làng tôi khi gặp nhau là nói tiếng An Nam ào ào. Khác nhau về ngôn ngữ mẹ đẻ nhưng mọi di dân đều yêu quê hương xứ lạnh tình nồng này.Thống kê nhân lể quốc khánh Mồng Một Tháng Bảy cho biết: 75% dân chúng thuộc hết mọi lời bài quốc ca. Nghe đến đây thì dân làng tôi tròn xoe mắt rồi hỏi nhau: bạn có thuộc quốc ca không? Hỏi xong thì cười xòa. Hóa ra chúng tôi chưa phải là công dân Canada trăm phần trăm, vẫn mới chỉ là công dân trên giấy. Anh John nghe tin này xong thì cười ha ha: Chưa thuộc quốc ca vì dân làng còn ăn nhiều mắm tôm mắm ruốc quá đấy mà.
Trong lễ quốc khánh vừa qua, tại thủ đô Ottawa có diễn kịch. Ban kịch quốc gia diễn lại những ngày lịch sử giai đoạn mới lập quốc, như trận đánh 1812 với Hoa Kỳ, như chuyện cô Laura Secord chạy bộ suốt đêm để kịp báo tin quân Mỹ xâm lăng đang tới…
Thời gian mới lập quốc thì Canada và Hoa Kỳ không mặn nồng với nhau bao nhiêu, nay thì mặn nồng qúa sức. ‘Mười sáu chữ vàng’ mà VC thường tuyên xưng mình dính với Tàu Cộng phải đem áp dụng vào Canada và Hoa Kỳ mới đúng. Đây mới là nơi sông liền sông núi liền núi.
Theo thống kê thì hai nước xuất cảng hàng hóa sang nhau nhiều nhất thế giới. Dân chúng hai bên lái xe sang thăm nhau cũng đông nhất thế giới. Nhân nói tới việc lái xe, tôi chợt nhớ tới cây cầu Ambassador giữa hai nước. Một bên là Winsor thuộc bang Ontario, một bên là Detroit thuộc bang Michigan. Cây cầu này đã hơn 83 tuổi và hàng năm đã chuyên chở hơn một phần tư tổng số hàng hóa qua lại giữa hai nước. Mỗi ngày có hơn 8.000 xe hơi chạy qua. Hai bên đều thấy cây cầu qúa tải nên đang có kế hoạch xây thêm một cây cầu mới, song song với cây cầu ‘Đại Sứ’ này. Ngân sách xây cầu mới là 4 tỷ đồng, Hoa Kỳ đứng xây với ngân sách sơ khởi của liên bang là 2 tỷ. Canada sẽ đóng góp đợt đầu 500 triệu. Công việc xây cất gồm cây cầu, các trụ kiểm soát quan thuế và các con đường đưa tới cầu. Thời gian xây được dự kiến là 5 năm. Mọi người đều vỗ tay hoan hô việc xây cầu mới trừ ông tỷ phú Matty Maroun chủ nhân cây cầu cũ Ambassador. Mỗi năm ông thu tiền cầu biết bao nhiêu nên ông bảo rằng cây cầu cũ Ambassador của ông còn ngon lành lắm, xây cầu mới làm chi cho phí tiền. Kệ ông Matty nhà các cụ. Xin kính mời các cụ lái xe từ Hoa Kỳ sang Canada qua cây cầu mới vào cuối thập niên này nha. Nên lái xe để ta được nhìn thấy tận mắt những kỳ công về khoa học kỹ thuật thế kỷ 21 của hai cường quốc Băc Mỹ này nha.
Nhân nói tới việc giao thông giữa hai nước, xin trình các cụ về chuyện một đấng anh hùng Hoa Kỳ đã vào Canada không qua máy bay, không qua xe hơi mà bằng một lối rất độc đáo. Các cụ đã đoán ra ai chưa? Thưa đó là người hùng Nik Wallenda, 33 tuổi, quê ở Florida. Anh đã vào Canada qua ngả thác Niagara, bằng dây thép, băng qua thác Horseshoe Falls vào đêm 15 tháng Sáu vừa qua. Niagara có nhiều thác, nhưng thác ‘ Móng Ngựa’ trên đây là thác dài nhất, cao nhất, đẹp nhất và cũng nguy hiểm nhất. Cuộc đi dây lịch sử này đã được loan báo khắp thế giới, do đài truyền hình ABC bảo trợ. Bao nhiêu triệu người đã theo dõi cuộc đi dây lịch sử này. Đường dây thép dài 550 mét, có đường kính 6 cm, và cách mặt nước 55 mét. Wallenda đã đi xong lộ trình lịch sử 26 phút, vào lúc nửa đêm, giữa một rừng đèn. Anh đi từ phía Mỹ tiến sang Canada. Ai cũng nín thở vì thấy nguy hiểm qúa. Sóng nước ở dưới tung lên cao như tòa nhà 20 tầng. Khi vừa chạm chân xuống đất Canada, giữa tiếng vỗ tay reo hò của mấy trăm ngàn người, anh đã trình thông hành và giấy tờ cho chức sắc di trú Canada. Anh cho biết anh cũng toát mồ hôi khi đi trên dây. Anh nói: ’ Tôi đi giữa gió và bụi nước. Đây là loại gió mà chúng ta không thể tập luyện trước được vì nó thổi ào ào từ mọi phía.’ Báo chí cho biết Nik Wallenda không phải bây giờ mới đi dây lần đầu. Tổ tiên anh mấy đời đã ở trong ngànhxiếc, ngành đu dây và đi dây trên cao. Nhưng dù sao anh đã làm triệu người đứng tim. Tên của anh đã được ghi vào sách kỷ lục.
Nhân nói tới Niagara Falls, xin trình các cụ phương xa điều này: Thác Niagara phải xem từ phía Canada mới đẹp. Tuy thác là gạch nối giữa hai nước, nhưng đầu nối ở Canada mới hùng tráng, mới thơ mộng. Các phim ảnh có cảnh Niagara đều được quay từ phía Canada. Tôi nói sự thực này có làm mất lòng các cụ bên Mỹ không cơ? Ngoài ra nếu các cụ đến ngắm cảnh thác nước hùng vĩ ở đây, khi ngắm xong, chụp ảnh quay phim xong, xin kính mời các cụ đi thăm mấy hãng rượu vang Canada ở miền này nha. Rượu vang Niagara cũng có tiếng lắm đó. Đặc biệt rượu khai vị ‘Ice Wine’. Chỉ ở miền này mới có. Ice Wine được chế tạo từ trái nho đã đông thành đá ở giữa trời mùa đông vào khoảng tháng Giêng hay tháng Hai. Hương vị nó rất lạ. Xin lặp lại: Ice Wine, rượu làm từ trái nho đã hóa đá hái từ vườn nho ngoài trời. Chỉ có ice wine làm ở miền Niagara mới ngon các cụ ạ. Lạ ha.
Ông ODP, bồ chữ thông thái của làng tôi, nghe tôi ca ice wine của Canada nhiều quá thì giơ tay xin phát biểu. Ông bảo Ice Wine là loại rượu khai vị đưọc xếp vào loại ngon và lạ miệng mà thôi, chứ các nhà sành uống rượu trên thế giới đã lập một danh sách kê khai 10 thiên đường rượu vang, trong đó Pháp đứng đầu với rượu miền Bordeaux và Champagne-Ardenne, Ý với Tuscani, Hoa Kỳ ở miền California với Napa Valley và Sonoma Valley. Tây Ban Nha với La Rioja, Chile với Valle Central, Úc với Barossa Valley, Tân Tây Lan với Marlborough, Nam Phi với Steellenbosch.
Các cụ đã thấy ông ODP thông thái và có một trí nhớ siêu đẳng chưa. Dân làng nghe ông liệt kê xong thì ai cũng hít hà thán phục. Nể ngài qúa.
Dân làng đã mừng lễ quốc khánh Canada ở nhà anh John, theo đúng thông lệ hàng năm. Anh đã làm dân làng sửng sốt và sung sướng khôn tả khi đầu bữa ăn anh đã mở rượu Ice Wine đãi mọi người. Nhâm nhi ice wine khai vị, ai cũng thấy lòng lâng lâng sướng khoái, một niềm vui khó tả. Anh đã nhân danh chủ nhà đọc lời cám ơn và chúc tụng Thiên Chúa vì Ngài đã cho mọi người được sống vui vẻ và sung mãn trên miền đất hạnh phúc này, và cám ơn mọi người đã coi nhau như anh ruột thịt một nhà. Mọi người nâng ly trong niềm hoan lạc chân tình. Các cụ phương xa đã thấy dân làng tôi hạnh phúc chưa?
Và một việc lạ lùng đã xảy ra ngay đầu bữa ăn. Đó là Cụ B.95 đã đứng lên phát biểu. Trông cụ đẹp lão như một bà tiên. Cụ bảo cụ xin hiệp ý với anh John để cám ơn Thượng Đế và cám ơn tình thương yêu của mọi người. Riêng hôm nay thì Cụ xin cám ơn Chị Ba Biên Hòa vì cụ vừa học thêm được một điều mới lạ từ chị Ba. Cụ bảo cụ đã già quá, những 90 năm cuộc đời, đã được ăn đủ mọi món ngon vật lạ, thế mà chưa hề biết hết cái ngon của một món ăn hàng ngày. Đó là cái bao tử con cá. Cụ bảo cụ là dân Bắc Kỳ chính cống, nay đã già thì mới bìết cái bao tử con cá là món ngon nhất theo cái bếp người Nam Kỳ. Ngồi ăn cá với người Nam Kỳ thì bạn nhớ phải dành cái bao tử con cá cho vị đáng kính nhất trong bàn ăn nha. Bạn mà gắp ăn cái bao tử là bạn bất lịch sự lắm đấy.
Dân làng gốc Bắc Kỳ nghe xong lời cụ B.95 thì cũng ngạc nhiên và ngỡ ngàng không kém. Vây sao. Bao tử con cá là món ngon nhất trong con cá sao? Thế mà nhóm dân gốc Bắc kỳ này không hề biết, xưa nay ngồi ăn là ăn bất kể, ăn tưới hạt sen.
Chuyện bao tử con cá bữa nay làm tôi nhớ tới chuyện con cá hấp năm 1975. Hồi đó tôi vừa sang Canada, nghèo túng mọi bề và thèm khát đủ thứ. Một buổi tối kia vừa đi làm về thì điện thoại reo. Một vị khách lạ nói tiếng Việt. Ông xưng mình vừa từ Đài Loan tới Toronto dự một hội nghị. Ông bảo ông đã ăn mấy ngày cơm tây nay không chịu nổi nữa. Ông thèm cơm Tàu, và ông muốn nhờ một người VN dẫn đi ăn. Vì ông không quen ai ở Toronto cả nên ông mở sổ điện thoại tìm người VN, và ông gặp tên tôi. Được qúa chứ, phải không các cụ? Tôi bèn nhận lời ngay và đến khách sạn dẫn ông đi. Tôi chọn nhà hàng Tàu lớn nhất. Tôi để ông chọn món ăn. Ông kêu xúp vi cá và một con cá hấp rất bự. Và ông ăn bụng cá, đầu cá và đuôi cá một cách rất ngon lành, còn hai lườn cá thì ông để cho tôi. Thấy tôi e dè ngần ngại thì ông cười rất thân ái rồi bảo: Tôi ở Đài Loan đã lâu, cái miệng của tôi đã thành miệng người Đài Loan. Theo khẩu vị của Đài loan thì bụng cá, đầu cá và đuôi cá là 3 món ngon nhất nơi một con cá. À, ra thế. Tôi bỗng mở mắt từ hôm đó. Rồi tôi nghiệm ra những ngưòi sành ăn bao giờ cũng chọn ăn bụng cá. Và hôm nay tôi biết thêm một điều mới nữa: cái bao tử trong bụng con cá là món ngon nhất.
Chị Ba Biên Hoà bữa nay được Cụ B.95 ca ngợi đích danh thì tỏ ra cảm động và sung sướng lắm. Được dân làng vỗ tay tán dương thì má chị đỏ lên, miệng thì ấp úng mấy câu giọng Bắc Kỳ học được từ bọn tôi: Em không dám ạ. Chị đã cao tuổi mà con người chị vẫn đầy ắp mùa xuân.
Và các câu chuyện vui trong bữa ăn đã nổ ra. Vì bắt đầu từ cái bao tử con cá của cụ B.95 nên các tiếng cười đều loanh quanh về các món ăn. Anh John chủ tiệc đã nêu lên câu hỏi tại sao đồng bánh ‘da lợn’ không có tí da con lợn mà lại gọi là da lợn? Ông ODP trả lời ngay: Nếu xét về mặt ngôn ngữ thì tên nhiều đồng bánh rất vô lý. Như ‘Bánh Bò’ đâu có tí thịt bò nào đâu, như ‘Bánh Tiêu’ đâu có tí hạt tiêu nào đâu, như ‘Bánh Dày’ thì mỏng teo nếu so với bánh chưng, như ‘Bành Chưng’ thì luộc rõ ràng chứ có chưng bằng hơi nước đâu. Anh John giơ tay xin tiếp sức: trong tiếng Anh cũng nhiều thứ vô lý y như vậy, như ‘Hamburger’ thì không hề có chút thịt heo ‘ham’, như bánh ‘Hotdog’ không hề có thịt chó, như trái dứa pineapple không hề có mùi táo và mùì cây thông…
Nói đến đây xong thì anh John cười ha ha. Anh xin trở về đồng bánh da lợn. Ngoài cái việc lạ lùng là đồng bánh này không hề có tí thịt lợn, nó còn cái lạ lùng này nữa: nó là bánh của Nam kỳ mà nó mang tên Bắc kỳ. Đang lẽ phải nói ‘bánh da heo’ mới đúng chứ. Tiếng ‘lợn’ rõ ràng là tiếng Bắc kỳ mà.
Ông ODP nhảy vào ngay. Ông bảo tiếng ‘bánh da lợn’ nói ở trong Nam đó là dấu vết ghi lại cuộc Nam tiến ngày xưa. Theo ngữ học, người di dân đi đến đâu thì mang theo tiếng nóí của mình đến đó. Gốc nguyên thủy của người VN là gốc ở Bắc Kỳ, sau mới nam tiến. Cũng y như ở Canada này. Ở tỉnh bang Québec người ta nói tiếng Pháp nhưng tiếng Pháp ở Quebec mang dấu vết từ thế kỷ 17, thời gian các tổ phụ từ Pháp sang lập nghiệp. Mà nói đâu xa, chúng ta bỏ nước ra đi năm 1975, bây giờ chúng ta đang nói tiếng Việt của Saigon 1975. Chúng ta đâu có nói hồ hởi, mặt bằng, khẩn trương, nhất trí, bức xúc, sự cố… như người Saigon và Hà Nội bây giờ…
Chị Ba Biên Hòa không muốn bàn sang chuyện ngôn ngữ của VC nên chị chuyển đề. Chị bảo nhân chuyện ngôn ngữ đi theo những người Bắc Kỳ nam tiến, xin cho tôi hỏi cả làng ai là người có công nhất về việc mở mang bờ cõi về phía nam này? Câu hỏi mang tính chất lịch sử và bất ngờ qúa, phải không ạ. Bồ chữ ODP trả lời rằng đó là công nghiệp của mấy vua nhà Trần nhà Nguyễn những thế kỷ trước. Rồi ông ODP tương kế tựu kế, ông hỏi ngược lại Chị Ba, xin chị cho biết câu trả lời. Cả làng đều nghĩ là Chị Ba sẽ gặp khó về việc này, ai dè Chị cười thích thú rồi trả lời tỉnh bơ:
– Theo tôi thì hai người có công nhất trong việc bành trướng lãnh thổ là hai vị liệt nữ thuộc phe liền bà chúng tôi, chứ không phải phe liền ông các bạn. Thứ nhất là Công Chúa Huyền Trân cuối thế kỷ 13. Công chúa này đã vâng lời vua anh là Trần Anh Tông mà lấy vua Chế Mân nước Chiêm Thành. Nhờ cuộc hôn nhân này mà chúng ta có sính lễ là Châu Ô và Châu Ri tức là Thuận Hóa ngày nay. Thứ hai là công chúa Ngọc Vạn của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên thế kỷ 17. Công chúa đã bàng lòng lấy vua Chân Lạp là Che Chetta, nhờ thế mà người Việt mới có thể di dân xuống phía nam, tới tận Biên Hòa, quê cha đất tổ của tôi.
Dân làng nghe đến đây thì vỗ tay râm ran. Không ngờ Chị Ba có gốc lớn như vậy. Không chừng chị dám thuộc hoàng tộc có họ với công chúa Ngọc Vạn ngày xưa lắm đó. Đáng nể chưa các cụ.
Chị Ba cám ơn mọi người đã chú ý nghe và đã vô tay khen công nghiệp mở nước của hai công chúa VN. Rôi chị quay vào anh H.O.: Mọi khi tôi thấy anh góp nhiều chuyện vui lắm mà hôm nay chưa hề thấy? Đưọc lời như cởi tấm lòng, anh H.O. lên tiếng ngay:
– Tôi có một chuyện vui mà chưa dám nói vì thấy dân làng nói toàn những chuyện văn chương chữ nghĩa và lịch sử. Chuyện của tôi là một câu đố. Tôi mới đi Montréal về, ở đó đông người Việt lắm, nghe đâu hơn 40 ngàn người. Chợ VN, nhà hàng VN nhan nhản khắp nơi. Bạn tôi đưa tôi đến một quán VN nổi tiếng với món Bò Bảy Món và hủ tiếu Mỹ Tho. Đó là quán Ông Cả Cần. Quả là ngon thật. Vì cái tên quán, ở Montreál này thiên hạ đố nhau một câu đối, không biết tác giả là ai, nhưng ai cũng thích cái câu này. Đây là câu thách đối: Ông Cả Cần cần chi có cả. Hay quá chứ, phải không cơ?
Tôi xin ghi câu thách đối này để mong các cụ tứ phương đối lại. Tôi nhớ ngày xưa bạn tôi ở VN đã gửi cho tôi câu thách đối ‘ Gái Củ Chi chỉ cu hỏi củ chi?’ Tôi đã phổ biến rộng rãi và có rất nhiều người đã đối, nhưng những câu đối lại này đều không hay, không ngang tầm được câu thách đối.
Vậy nhân đây, một lần nữa tôi xin ghi lại 2 câu thách đối:
Gái Củ Chi chỉ cu hỏi củ chi ?
Ông Cả Cần cần chi có cả
Cuối bữa ăn, cụ Chánh tiên chỉ được mời góp ý kiến. Cụ nói ngay:
Mỗi buổi họp làng đều có bữa ăn ngon. Món ăn ngon đã là một cái sướng, mà không khí vui vẻ chân tình còn làm cho buổi họp và bữa ăn thành cái sướng to hơn nữa. Lão hằng mong muốn và hằng cầu nguyện cho dân làng ai cũng được sướng mãi mãi, hạnh phúc mãi mãi. Hàng ngày đọc sách báo nhiều nhưng nhớ chẳng được bao nhiêu nên những gì cần nhớ thì lão phải ghi ra giấy. Bữa nay lão xin đọc một bài để chia sẻ với cả làng vài điều. Đây là kho kinh nghiệm sống:
– Mỉm cười thì không mệt, tức giận mới mệt
– Đơn giản thì không mệt, phức tạp mới mệt
– Tương ái thì không mệt, tương tàn mới mệt
– Chung tình thì không mệt, đa tình mới mệt
– Tình bằng hữu thì không mệt, tư tình mới mệt
– Chân tình thì không mệt, giả dối mới mệt
– Rộng rãi thì không mệt, ích kỷ mới mệt
– Được mất thì không mệt, tính toán mới mệt
Bài này như cô đọng nhiều triết lý cuộc đời. Lão muốn sửa câu số một, sửa một chút thôi, câu của lão như thế này: Cười giòn thì không mệt, không cười dòn mới mệt. Tiếng cười dòn là tiếng của con tim vui vẻ hạnh phúc. Chúc làng ta lúc nào củng đầy tiếng cười, tiếng cười giòn, rộn rã.
TRÀ LŨ