Doanh nhân người Anh Neil Heywood tại Bắc Kinh (hình chụp hồi tháng 4/2011)
Hình: Reuters
Mấy tháng vừa qua, nhân vụ án Bạc Hy Lai (Bo Xilai) ở Trung Quốc, có một doanh nhân Anh bỗng trở thành nổi tiếng cả thế giới. Một sự nổi tiếng muộn màng và đáng tiếc: sau khi ông đã chết. Doanh nhân ấy chính là Neil Heywood.
Heywood sinh năm 1970, tốt nghiệp ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Warwick. Đầu thập niên 1990, mới ngoài 20 tuổi, ông sang Trung Quốc dạy tiếng Anh, sau đó, chuyển sang kinh doanh. Ông có vợ người Trung Quốc và nói tiếng Quan Thoại rất trôi chảy. Ông thành lập công ty Heywood Boddington, đặt trụ sở chính ở London, nhưng công việc chính là làm môi giới và tư vấn, giúp người ngoại quốc đầu tư cũng như kinh doanh ở Trung Quốc. Công ty của ông có vẻ như rất thành công. Khách hàng của ông đông, trong đó có cả những công ty lớn và nổi tiếng khắp thế giới như Beijing Martin và đặc biệt, Rolls-Royce. Nói “có vẻ” vì, sau khi Heywood chết, người ta mới phát hiện tài sản của ông dường như không lớn lắm. Tiền trong trương mục ngân hàng của vợ ông không nhiều. Cả hai vợ chồng chỉ sở hữu một chiếc xe hơi cũ hiệu Jaguar và một căn nhà ba tầng ở ngoại ô Bắc Kinh trị giá khoảng năm, sáu trăm ngàn đô Mỹ. Dĩ nhiên, người ta cũng thừa biết, đó cũng chưa chắc là toàn bộ tài sản mà Heywood để lại. Chung quanh chuyện tài sản của ông vẫn là một bí ẩn. Một số người hoài nghi: chưa chắc Heywood đã cho vợ biết hết các trương mục của mình. Cũng chưa chắc người vợ đã thành thực trong việc cung cấp thông tin tài chính của mình hiện nay.
Điều người ta có thể chắc chắn là suốt thời gian làm ăn ở Trung Quốc, đặc biệt năm bảy năm trước ngày chết, Heywood có quan hệ rất rộng với các quan chức lớn ở Trung Quốc. Ông quen biết nhiều, tham dự nhiều tiệc tùng quan trọng với giới lãnh đạo cấp quốc gia. Ông biết nhiều ngõ ngách trong hậu trường. Nhiều công ty ngoại quốc muốn móc nối làm ăn với Trung Quốc phải nhờ đến ông. Và theo sự đánh giá của họ, Heywood làm việc rất có hiệu quả nhờ các mối quan hệ mật thiết và riêng tư ấy.
Trong các quan chức Trung Quốc mà Heywood thân thiện, người ông cộng tác lâu dài và gần gũi nhất chính là vợ chồng Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai. Mối quan hệ giữa họ kéo dài cả hơn chục năm. Heywood được xem là một trong những nhóm cố vấn thân cận nhất của gia đình Bạc Hy Lai. Chính Heywood là người đứng ra thu xếp chuyện học hành của con trai Bạc Hy Lai, Bạc Qua Qua, ở Anh, trong một trường tư thục nổi tiếng và rất khó được thu nhận, cái trường chính Heywood đã học lúc còn nhỏ. Sau đó cũng chính Heywood đứng ra thu xếp cho Bạc Qua Qua được vào học ở trường Oxford và Harvard. Như vậy quan hệ giữa Heywood và Bạc Hy Lai không chỉ giới hạn trong phạm vi kinh doanh mà còn lấn sang cả phạm vi gia đình. Chính vì vậy, nhiều công ty Anh, khi đến với Trung Quốc, thường xem Heywood như một cửa ngõ và một môi giới quan trọng.
Trong gia đình Bạc Hy Lai, người Heywood gần gũi nhất chính là bà Cốc Khai Lai, vốn là một luật sư, có công ty Luật mang tên bà (bây giờ đã đổi tên thành Beijing Ang-dao Law), rất thành công, và đặc biệt đầy thế lực. Công ty Luật của bà càng nổi tiếng sau khi thắng một vụ kiện hình sự ngay trên đất Mỹ. Về sự kiện ấy, Cốc Khai Lai viết nguyên cả một cuốn sách để kể thành tích, nhan đề “Thắng kiện ở Mỹ” (Winning a Lawsuit in the U.S.) nghe nói là bán rất chạy ở Trung Quốc. Dựa vào thế của Bạc Hy Lai, công ty Khai Lai trở thành độc quyền trong việc tiến hành giấy tờ để ký kết các văn bản đầu tư giữa các công ty ngoại quốc và chính quyền địa phương ở Trùng Khánh với một giá được xem là rất đắt. Nhưng các công ty ngoại quốc không có một chọn lựa nào khác. Đó là lãnh địa của Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai.
Ở Trùng Khánh, Cốc Khai Lai sống và hành xử như một nữ hoàng. Khó có dự án đầu tư nào thành công nếu không được bà chấp thuận. Ai cũng khiếp sợ bà. Vào tiệm ăn, thấy ồn ào quá, bà quát nạt. Người ta vẫn tiếp tục ồn, bà cầm điện thoại di động gọi ngay cho cảnh sát, đàn em của chồng bà, đến dẹp yên, như là dẹp các cuộc nổi loạn. Năm 2007, khi công ty của bà bị điều tra vì có dấu hiệu tham nhũng, bà tập hợp tất cả những tay chân thuộc loại thân cận, trong đó có Heywood, yêu cầu họ ly dị vợ và thề trung thành với bà. Heywood từ chối lời yêu cầu ấy.
Thế nhưng lại có tin đồn cho rằng quan hệ giữa Heywood và Cốc Khai Lai vượt ra ngoài phạm vi làm ăn thông thường. Hình như giữa họ còn có quan hệ tình cảm. Cốc Khai Lai đã tin cậy giao cho Heywood những công việc cực kỳ quan trọng, trong đó, có việc giúp bà chuyển tiền ra nước ngoài. Một số nguồn tin cho số tiền ấy lên đến khoảng một tỉ rưỡi đô la. Có điều là, trong quá trình chuyển tiền này, quan hệ giữa hai người bắt đầu đổ vỡ. Dường như giữa họ có sự tranh chấp nào đó. Có thể là Heywood đòi một số tiền hoa hồng lớn hơn điều Cốc Khai Lai muốn. Trong các cuộc cãi cọ, có thể Heywood đã đe dọa sẽ tiết lộ con đường chuyển tiền được xem là tuyệt mật ấy. Heywood tâm sự với một vài người bạn là ông đã để lại hồ sơ chuyển tiền ấy cho luật sư riêng của ông ở London như một cách để tự phòng vệ (cho đến nay dường như người ta chưa tìm ra các tài liệu này; hoặc đã tìm thấy, nhưng vì một lý do nào đó, chưa công bố. Giới truyền thông hoàn toàn không biết gì cả.)
Sự đe dọa ấy như một giọt nước làm tràn ly.
Ngày 13 tháng 10 năm 2011, Cốc Khai Lai nhắn Heywood từ Bắc Kinh về Trùng Khánh. Suốt ba ngày sau, vợ ông hoàn toàn không nhận được tin tức gì của ông cả. Ngày 16, công an Trùng Khánh điện thoại cho bà, báo tin Heywood đã chết. Bà không tin. Sau đó, bà liên lạc với Tòa Đại sứ Anh ở Bắc Kinh và được xác nhận là chồng bà đã chết vì nhồi máu cơ tim sau khi uống quá nhiều rượu. Ngày 18, không hề được xét nghiệm, thi hài của Heywood được mang đi hỏa táng. Vợ của Heywood cũng như cả gia đình của ông ở London không hề có chút nghi ngờ nào. Trước đó, bố của Heywood cũng đã từng chết vì bệnh nhồi máu cơ tim lúc mới ngoài 60 tuổi. Người ta xem đó như một thứ bệnh di truyền.
Có lẽ sẽ không ai biết nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của Heywood nếu nó không được Vương Lập Quân, nguyên phó thị trưởng thành phố và cựu giám đốc công an Trùng Khánh tiết lộ khi ông chạy vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô (gần Trùng Khánh) để trốn cuộc truy đuổi của Bạc Hy Lai. Theo Vương Lập Quân, Heywood chết là do bị bắt phải uống rượu độc. Ly đầu tiên bị đổ ra ngoài. Ly thứ hai, nhiều chất độc hơn, đã được rót thẳng vào miệng Heywood. Người chủ mưu vụ giết người ấy chính là Cốc Khai Lai.
Những sự tiết lộ của Vương Lập Quân đã làm sụp đổ hoàn toàn con đường công danh của Bạc Hy Lai, ủy viên Bộ chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Và, chúng cũng cho thấy công việc làm ăn với giới lãnh đạo Trung Quốc bất trắc như thế nào.
Cơ cấu kinh tế, xã hội và quyền lực ở Việt Nam cũng giống Trung Quốc. Như đúc. Những gì xảy ra ở Trung Quốc cũng có thể sẽ xảy ra ở Việt Nam.
Hoặc đã xảy ra rồi, không chừng.
TS. Nguyễn Hưng Quốc