Ông Bill Hayton, tác giả cuốn sách “Vietnam – Rising Dragon” và các chuyên gia sẽ tiếp tục thảo luận về những điều có thể làm để con rồng Việt Nam tiếp tục bay lên.
Thuyền rồng Sông Hương ở Thành Phố Huế. Photo courtesy of vinhcity.gov.vn
Trông chờ và thất vọng
Chị Ngọc Giao: Ngọc Giao nghĩ rằng TS. Quân và ông Bill đều đã nói đến vấn đề quan trọng là quyết định của Đảng Cộng Sản, đó là nhu cầu của đất nước bắt buộc phải có sự thay đổi. Chúng ta nói rằng Đảng tự thay đổi và mọi người đều kỳ vọng suốt 20 năm nay, 30 năm nay rồi. Ngay cả những đảng viên trong đảng họ cũng đã trông chờ, khuyến khích và đã thất vọng.
Ông Bill Hayton: Tôi nghĩ Đảng Cộng Sản sẵn sàng mang lại hòa bình cho mọi người chừng nào họ còn tuân thủ quy định của Đảng. Ngay cả giáo hội công giáo đang tìm một đường lối làm việc với Đảng hay những người dân từ các tổ chức, các doanh nghiệp phương Tây đến Việt Nam, họ cũng phải làm điều tương tự. Vì vậy, vấn đề chủ yếu theo tôi, là Đảng Cộng Sản quan ngại về việc người dân tỏ ra thách thức quyền lực của Đảng (authority). Nếu như bạn chứng tỏ là bạn không có ý đó thì bạn sẽ không gặp vấn đề gì. Vấn đề chỉ đến một khi người ta do ảnh hưởng từ bên ngoài và nhận ra có những mâu thuẫn lợi ích với nhóm đặc quyền địa phương, họ phải tìm cách để đi vào mạng lưới để giải quyết vấn đề, phải tìm hiểu xem mình phải đưa tiền cho ai và đưa bao nhiêu. Những doanh nghiệp châu Á thường đối phó với vấn đề này tốt hơn những doanh nghiệp quen với kiểu làm việc phương Tây.
Vừa thay đổi vừa sợ
TS. Đinh Xuân Quân: Hiện giờ tôi thấy trong xã hội nào cũng vậy, nó có những thay đổi mau chóng và nhiều khu vực thay đổi rất chậm. Ví dụ như tất cả những NGO, là những cơ quan không vụ lợi, thật ra đa số các cơ quan NGO ở Việt Nam là chính phủ trả lương. Thành ra họ ở trong system, trong hệ thống thì những cái đó, vì chính phủ họ muốn kiểm soát nhưng mà nó có những thay đổi mà Việt Nam không thể kiểm soát được, chẳng hạn như vấn đề Biển Đông, nếu không kiểm soát được thì cũng phải thay đổi, nhưng mà (họ) vừa làm vừa sợ. Có bao giờ mình có thể nghĩ là Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ nói chuyện với nhau về vấn đề quân sự không, thì nó đã xảy ra.
Thành ra trong mỗi một xã hội có nhiều cái thay đổi, có thể như chuyện ông Bill Hayton nói là nhiều khi mình không thấy, mình không để ý mà thôi. Nhiều chuyện hồi xưa họ không muốn làm mà cũng phải làm, giống như vấn đề từ chỗ khoán đất tới chỗ trao đất lại cho dân là những thay đổi mà không phải chính phủ hay Đảng Cộng Sản muốn, mà đó là họ phải làm vì không làm thì không giữ quyền được. Nếu Việt Nam đi chơi với phía ngoài thì cái ảnh hưởng cũng có nhưng họ sẽ cố gắng kìm chế có chừng mực, tới chừng nào hay chừng đó, nhưng nhiều khi không giữ được và cũng không kiểm soát được.
Khánh An: Vâng. Chị Ngọc Giao, khi chị đặt câu hỏi như vậy, chị có cái nhìn thế nào về vấn đề chị đưa ra?
Chị Ngọc Giao: Vâng, Giao nghĩ rằng thứ nhất, quyển sách của Bill viết vào giai đoạn 2006 – 2007 và ông Bill lúc đó khi đụng đến những vấn đề tế nhị thì bị đuổi ra khỏi Việt Nam, cho nên có cái nhìn tương đối bi quan và nghĩ rằng Đảng Cộng Sản còn nắm nhiều quyền hành nhưng hôm nay đã là 2010 rồi, trong nửa năm vừa qua, chúng ta thấy có nhiều thay đổi, nhất là tại Biển Đông. Những thay đổi này tạo ra rất nhiều thay đổi khác tại Việt Nam.
Giao nghĩ rằng những điều TS. Quân nói cũng đúng, đó là chính quyền Việt Nam cố gắng thay đổi và sự khôn khéo chỉ đến một mức nào thôi, có những điều vượt ra khỏi khả năng của họ. Vì tức nước vỡ bờ, họ sẽ phải thay đổi để giữ được sự ổn định của đất nước. Đây là một điều hy vọng, Giao cũng đồng ý với TS. Quân như vậy. Nhưng Giao nghĩ rằng chúng ta là những người Việt hải ngoại, đặc biệt là những người Việt tại Hoa Kỳ, chúng ta có thể tiếp tay rất nhiều. Chúng ta không muốn đất nước Việt Nam ngay lúc này bị lâm vào tình trạng có nhiều mâu thuẫn và tạo vấn đề cho người dân. Nhưng chúng ta cũng thấy rằng nếu không thay đổi thì đất nước còn tệ hơn nữa.
Cho nên chúng ta cần phải tiếp tay và giúp mang lại dân chủ cho Việt Nam nhanh hơn và một cách êm thắm hơn. Giao nghĩ rằng nếu người Mỹ gốc Việt chúng ta hợp với những người dân trong nước để thấy rằng chúng ta muốn thấy nước Việt Nam tốt đẹp hơn thì đó là điều mà chúng ta có thể làm được và hy vọng sẽ huy động được nhiều người với sức mạnh để có thể chuyển được hướng của Đảng Cộng Sản.
Khó khăn khi vượt ranh giới
Ông Bill Hayton: Đây là một câu hỏi khó. Cảm giác của tôi từ những người mà tôi quen biết trong Đảng là dù cho họ có những ý tưởng tiến bộ, họ cũng phải tin là họ có quyền lãnh đạo đất nước và họ là những người tốt nhất để làm việc này bởi vì họ có quyền lực trong tay và họ không muốn mất nó. Họ nghĩ rằng họ đã đưa đất nước đi đúng đường và trong những tình huống xào xáo thì tình hình sẽ càng tệ hại hơn nếu như họ để cho những người đã bỏ miền Nam ra đi từ năm 1975 trở về hay những người bất đồng chính kiến có được quyền lực trong tay. Tôi cho rằng họ nghĩ đất nước sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn mặc cho ý tưởng mà họ đưa ra có tiến bộ bao nhiêu. Đơn giản bởi vì khi đó đất nước sẽ bị kéo theo nhiều hướng khác nhau, người ta sẽ tranh giành nhau xem ai là người lãnh đạo đất nước hơn là để thời gian phát triển đất nước về mặt kinh tế.
Có thể dễ dàng nhận thấy có những vấn đề liên quan đến nhân quyền và những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam, tuy nhiên cho đến nay, tôi chưa thấy có chính quyền nào trên thế giới nổi giận với chính phủ Việt Nam về vấn đề này. Cho nên, tôi nghĩ rằng điều mà người Việt Nam ở hải ngoại có thể làm là cổ động, giúp cho người dân hiểu được quyền lợi của họ, biết điều gì họ có thể làm được trong vòng luật pháp và thay đổi những gì họ thấy cần. Giả sử một nhóm người đứng lên và bảo chúng tôi yêu cầu phải thay đổi thiết chế, thay đổi vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, thì rõ ràng thế nào họ cũng bị bỏ tù. Nhưng nếu họ nói rằng chúng tôi là những người nông dân nghèo và chúng tôi đòi hỏi công bằng cho mảnh đất của mình, hay chúng tôi yêu cầu ngừng làm ô nhiễm môi trường, chấm dứt việc cho các công ty khai khoáng Trung Quốc khai thác ở Tây Nguyên… rồi từ từ đưa vấn đề lên bàn thảo ở tầm vĩ mô hơn thì họ sẽ không gặp rắc rối.
Thuyền buồm trên Vịnh Hạ Long. Photo courtesy of halongboatcruise.com
Khánh An: Dạ vâng. Thưa ông Bill, câu hỏi cuối cùng dành cho ông là cuốn sách của ông có tên là “Việt Nam – Con rồng đang lên”, vậy theo đánh giá của ông thì với những vấn đề khó khăn như phân tích ở trên, liệu con rồng Việt Nam có tiếp tục bay lên trong tương lai hay không?
Tuy nhiên, càng ngày khủng hoảng càng lớn hơn và hậu quả càng nặng nề hơn. Vì vậy, tôi có viết trong cuốn sách là sẽ rất mạo hiểm cho giới cầm quyền, đặc biệt là khi quyền lực của họ có thể làm cản trở quá trình phát triển, những nhóm đặc quyền có tiền bạc có thể làm thay đổi quá trình phát triển dẫn đến kết cục bế tắc giống như một số nền kinh tế khác, gây ra tình trạng thất nghiệp. Tôi nghĩ Đảng Cộng Sản thời gian qua đã thành công trong lĩnh vực kinh tế và điều này có thể giữ cho họ ổn định nhưng trong tương lai thì có lẽ mọi chuyện sẽ khó khăn hơn.
Khánh An: Vâng, cám ơn ông Bill với những ý kiến vừa rồi và những nhận định, đóng góp sau thời gian ông đã làm việc, có kinh nghiệm và nghiên cứu về Việt Nam. Có lẽ thời gian dành cho chương trình không còn nữa, Khánh An cám ơn tất cả mọi người đã có mặt trong chương trình Café Wifi hôm nay. Cầu chúc quý vị những ngày sắp tới bình yên và vui tươi.
Khánh An [RFA]