“Little Sè Goòng”, Tại Sao Không?
Câu chuyện bắt đầu từ một mẩu chuyện phiếm, tác giả nói về sự gắn bó thân thiết của địa danh Sài Gòn (không phải cái tên “mới” sau năm 1975) với người dân miền Nam hiền hòa, chơn chất, dẫn chứng bằng mẩu đối thoại ngắn, đại khái:
Tài xế taxi hỏi:
– Thưa cô đi đâu?
– Saigon.
Cháu hỏi Bà:
– Ngoại đi đâu đó?
– Vô Saigon.
Bạn bè hỏi nhau:
– Mày đi đâu đây?
– Ra Saigon.
Đọc tới chỗ này, một ông chủ báo nói với tôi:
– Người viết chỉ phịa ra thôi. Ngoài đời chẳng ai nói “Saigon” cái kiểu không có dấu tiếng Việt như thế cả.
Tôi thắc mắc:
– Vậy thì nói thế nào?
– Nói “Sài gòn”, chứ không nói “Saigon”. Phải là hai âm với hai cái dấu huyền. Khi hỏi “Ngoại đi đâu đó?” thì bà ngoại sẽ trả lời là “Tao dzô Sè goòng”, chứ không phải “Vô Saigon”.
Tất nhiên là tôi không thể nào đồng ý hơn, vì ông này vốn là dân Sài Gòn thứ thiệt, sống lang bạt ở Sài Gòn bao nhiêu năm mãi cho đến ngày thành phố này thay tên đổi chủ. Ông còn cho biết, mỗi khi đọc bài vở, ông cứ phải sửa đi sửa lại những chữ Saigon, Hanoi, Dalat… thành Sài Gòn, Hà Nội, Đà Lạt trước khi cho đăng báo. Ông giải thích:
– Cái tên Sài Gòn của người mình đã có hơn 300 năm, đến khi người Pháp đô hộ nước mình thì họ viết và gọi tên này theo lối của họ. Nay mình đã giành độc lập từ khuya rồi mà vẫn cứ “Saigon” thì vẫn chưa gột bỏ được đầu óc nô lệ.
“Hanoi” cũng thế, ông nói phải viết tách rời ra hai chữ “Hà” và Nội”, và có dấu mũ, dấu huyền, dấu nặng tử tế, chứ không thể viết liền nhau và đọc lơ lớ địa danh này với âm “h câm” (h muet) theo kiểu Tây.
Liệu ông chủ báo này có khó tính lắm không? Liệu có bao nhiêu người cũng “dị ứng” như ông với lối viết mà ông gọi là “học lóm của Tây” ấy?
Tôi ngẫm nghĩ thấy ông nói cũng có lý. Vì sao khi nói thì rõ ràng là “Sài gòn”, “Hà nội”, “Đà lạt”… mà khi viết thì lại… “Saigon”, “Hanoi”, “Dalat”? Theo tôi có thể là, thoạt đầu một số người bắt chước lối viết của người nước ngoài (trong sách, báo, bản đồ…) cho có vẻ văn minh lịch sự kiểu… Tây, rồi sau đó nhiều người cũng viết theo như vậy. Dần dà thành ra thói quen, chứ cũng chẳng ai nghĩ ngợi gì xa xôi.
Chuyện ngược đời là, trong lúc chúng ta tìm cách Việt hóa tên các địa danh của nước ngoài (Hoa Thịnh Đốn, Mạc Tư Khoa, Nữu Ước, Luân Đôn, Bắc Kinh, Thượng Hải…) thì lại đi Tây hóa, Mỹ hóa tên các địa danh của… nước mình.
Liệu chúng ta có cần phải học và viết theo lối viết của người nước ngoài một danh từ riêng về địa lý, lịch sử của đất nước mình? Đâu đến nỗi như thế! Họ muốn viết thế nào thì mặc họ chứ, chúng ta cần viết đúng dạng chữ của “tiếng nước tôi”. Cách viết các tên riêng gồm hai chữ hoặc ba chữ dính liền nhau và không có dấu ấy chắc chắn không phải là cách viết tiếng Việt của người Việt. Không ai dạy chúng ta lối viết như thế cả, và chúng ta cũng không hề dạy cho các em nhỏ lối viết “tiếng Việt” như thế.
Tiếng Việt là của người Việt, tốt hơn hết là nói sao thì viết vậy. Nói “Sài gòn” thì không việc gì phải viết “Saigon”; nói “Hà nội” thì cứ viết là “Hà Nội”; nói “Đà lạt” thì cứ viết là “Đà Lạt” (đâu phải viết “Dalat” thì Tây hơn và “sang” hơn). Người Pháp, người Mỹ viết “Saigon” là vì họ không viết được tiếng Việt. Với anh chàng người Mỹ hay Tây nào thích học tiếng Việt, tôi tin là anh ta sẽ vui lắm khi được khen là viết đúng những cái tên Sài Gòn, Đà Lạt, và lấy làm tự hào rằng trình độ tiếng Việt của mình không thua kém gì người bản xứ.
Thế nhưng, viết như thế nào mới gọi là viết đúng chính tả những địa danh này của người Việt? Khổ nỗi là có những cách viết khác nhau, và đến nay hầu như vẫn chưa có được sự thống nhất cách viết nào gọi là “chuẩn”. Có thể kể ra được:
Sài gòn, Sài Gòn, Sàigòn, SàiGòn, Saigon, SaiGon, Sai Gon, có khi là Saïgon (chữ “i” có hai dấu chấm), chưa kể Sài-Gòn, Sài-gòn, Sai-gon (có gạch nối giữa hai chữ).
Trong số ấy, những cách viết phổ biến là: Sài Gòn, Sài gòn và Saigon, và những cách này cũng rất… tùy nghi, ai thích viết kiểu nào thì viết. Người miền Nam ngày trước lắm lúc cũng tùy tiện, khi viết thế này khi viết thế khác. Một bài nhạc khá phổ biến về Sài Gòn của nhạc sĩ Y Vân có cái tựa là SAIGON, trong lúc một bài nhạc khác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương có tựa là MƯA SÀIGÒN MƯA HÀNỘI. Có khi là Saigon mới, tên tờ nhật báo bán chạy nhất ở miền Nam một thời. Có khi là Saigon năm xưa và SàiGòn tạp pín lù, là các tựa sách cùng một tác giả, cụ Vương Hồng Sển. Có khi là Mặc khách Sài Gòn, tựa một tác phẩm của Tô Kiều Ngân…
Riêng tôi vẫn chuộng cách viết thuần Việt là “Sài Gòn” hoặc “Sài gòn”. Viết “Sài Gòn” gợi cho tôi nhiều cảm xúc về thành phố đầy ắp kỷ niệm và là “thủ đô yêu dấu nước Nam tự do”, (*) hơn bất cứ cách viết nào khác không phải dạng chữ tiếng Việt. Cách viết này cũng thuận tiện cho con em chúng ta khi học Việt ngữ và khi phát âm bằng tiếng Việt hai chữ “Sài Gòn”. Nếu có thêm lý do nào nữa, từ nơi nào sâu thẳm trong tiềm thức tôi, hai tiếng ấy cứ nghe vọng lên và cứ theo tôi, theo tôi mãi sau ngày tôi rời bỏ quê hương.
“Vĩnh biệt Sài Gòn”, chứ không phải “Vĩnh biệt Saigon”.
“Đêm vẫn chưa buông nhưng chiều dần tàn
Mây tím giăng ngang trên trời Sài Gòn”
(“Bước chân chiều Chủ Nhật”, Đỗ Kim Bảng)
Những câu hát như thế đánh thức cả “một trời kỷ niệm” về một nơi chốn nào thân quen.
Sài Gòn trong những câu ca dao bên dưới không thể nào viết là “Saigon” được:
– Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu…
– Trầu Sài Gòn xé ra nửa lá
Thuốc Gò Vấp hút đã một hơi…
– Đất Sài Gòn nam thanh nữ tú
Cột cờ Thủ Ngữ cao thiệt là cao…
– Muốn làm kiểng, lấy gái Sài Gòn
Muốn ăn mắm cái, lấy gái đen giòn Bạc Liêu
Và “Sài-gòn” trong bài Học Thuộc Lòng SÀI-GÒN của cụ Bảo Vân Bùi Văn Bảo (sách giáo khoa):
Sài-gòn có bến Chương-dương
Có dinh Độc-lập , có đường Tự-do
Phường Chợ-quán, khóm Cầu-kho
Bến xe Lục-tỉnh, con đò Thủ-thiêm…
Đấy là nói về những cách viết, còn về cách đọc, cách nói (phát âm) thì “sài-gòn” vẫn là phổ biến nhất. Ngay cả khi viết “Saigon”, ta vẫn phát âm “sài-gòn”.
Trong các sách tự điển nước ngoài như Anh, Pháp, từ ngữ “Saigon” hầu hết đều phiên âm là [saɪˈgɒn]. Các tự điển phát âm cũng đọc là “sài-gòn” (chứ không “sái-gân” sái khớp chi cả).
Người nước ngoài viết “Miss Saigon”, “The Fall of Saigon”, “The Last Day of Saigon”… nhưng khi nói thì vẫn “Việt hóa” theo lối phát âm của người Việt là “Miss sài-gòn”… (Tôi nhớ từng được nghe không ít người Việt phát âm chữ “Paris” trong Paris by Night theo lối “Mỹ hóa” [ˈpærɪs] hay [ˈpærəs] để tỏ ra văn minh lịch sự kiểu… Mỹ).
Cách dùng chữ “Saigon” ở trong nước cũng khá tùy tiện, chẳng hạn đặt tên cho một thương hiệu thức uống là Bia Saigon (chữ trước, “bia”, thì Việt hóa; chữ sau, “Saigon”, thì lại Tây hóa).
Ngoài cách gọi thông thường “Sài Gòn”, ta còn gặp những cách viết, cách gọi ngồ ngộ, vui vui như “Sè Goòng”, “Sè Ghềnh”, “Thầy Gòn”… Sè Goòng là cách viết nhại theo lối phát âm của người Sài Gòn, cũng tựa như Hà Lội, nhại theo lối phát âm của người Hà Nội.(**)
Vài cách nói khá phổ biến ngày nay:
– Em gái Sè Goòng, anh giai Hà Lội.
– Ô mai Hà Lội, xí muội Sè Goòng.
– Nói đâu xa, tui mới là dân Sè-Goòng chánh cống nè.
Dân Sài Gòn chánh hiệu “con nai dzàng” đời nào chịu thay tên đổi họ Sài Gòn bằng bất cứ tên nào khác:
– Gọi Sè Goòng từ hồi nảo hồi nào tới giờ, mắc mớ gì kêu là Thành phố Hồ Chấy Minh lạ hoắc lạ huơ. Hổng thích à nhen!
Tại California và các tiểu bang có đông người Mỹ gốc Việt sinh sống, người ta đọc thấy khá nhiều bảng tên có dòng chữ “Little Saigon”, từ “Welcome to Little Saigon” đến những tấm biển chỉ đường nơi các trục lộ giao thông, đến nhiều bảng hiệu lớn nhỏ trên đường phố và trong khu thương mại của người Việt. Hiếm thấy có bảng tên nào ghi là “Little Sài Gòn” hoặc cái tên có dấu tiếng Việt, hầu hết đều là “Little Saigon”.
Chúng ta viết “Little Saigon”, nhưng nói “Little Sài Gòn”, “Sài Gòn Nhỏ” hoặc “Tiểu Sài Gòn”. Thế thì vì sao không viết “Little Sài Gòn” luôn cho “tiện việc sổ sách”, nghĩa là thuận tiện cho cả nghe, nói, đọc, viết. Danh từ riêng thì có sao để vậy. Hãy để cho người nước ngoài có cơ hội làm quen và quen mắt với cái tên “Sài Gòn” viết đúng theo lối viết của người Việt mình (viết rời hai chữ, với hai cái dấu huyền đặt trên hai nguyên âm “a” và “o”).
Người Sài Gòn vốn quen lối sống phóng khoáng, thoải mái và giản dị. “Little Sài Gòn”, “Sè Goòng Nhỏ”, “Tiểu Sè Goòng” và cả “Little Sè Goòng” nữa đều là những cách viết, cách nói thoải mái, nghe rất gần gũi, thân thiết, mang đậm dấu ấn và phong cách Sài Gòn.
Viết “Little Sài Gòn”; nói “Little Sè Goòng”. Được quá đi chứ, sao không?
Lê Hữu
(*) “Ghé bến Sài Gòn”, nhạc Văn Phụng
(**) Lối phát âm (ngọng) của người “Hà Nội Mới”/tứ xứ/sau 1954. Người “Hà Nội Cũ”/gốc (còn sót lại, tại Hà Nội hay đã di cư vào Nam, ra Hải Ngoại) vẫn phát âm “Hà Nội”.