Leo Tolstoy, nhà văn người Nga, là một trong các tiểu thuyết gia bậc nhất trong lịch sử văn chương của Thế Giới. Leo Tolstoy cũng là nhà tư tưởng về luân lý và tôn giáo, một nhà cải cách xã hội. Các tác phẩm của ông, dùng vật liệu là các kinh nghiệm cá nhân, đã gây ảnh hưởng sâu đậm trong nền văn chương của thế kỷ 20 và các lời giảng dạy của ông đã giúp công vào việc hình thành cách suy nghĩ của nhiều nhà lãnh đạo tư tưởng và chính trị sau này, chẳng hạn như trong ba thập niên cuối đời, chủ thuyết bất bạo động đối với các điều xấu của Tolstoy đã ảnh hưởng tới Mahatma Gandhi.
Leo Tolstoy nổi danh nhất vì hai đại tác phẩm “Chiến Tranh và Hòa Bình” và “Anna Karenina“. Đây là những tiểu thuyết hay nhất đã từng được viết ra, trong khi tác phẩm ngắn “Cái Chết của Ivan Ilyich” là một thí dụ về tiểu thuyết ngắn hay nhất (novella).
Theo cách lượng giá của nhà thơ kiêm nhà phê bình người Anh thuộc thế kỷ 19 là Matthew Arnold, một tiểu thuyết của Leo Tolstoy không những là một tác phẩm mà còn là một “mảnh đời” (a piece of life) và Isaak Babel, một tác giả người Nga thuộc thế kỷ 20, đã bình luận rằng nếu thế gian tự nó có thể viết ra được, thì nó sẽ kể lại giống như Tolstoy đã làm.
Các nhà phê bình thuộc các trường phái khác nhau đều đồng ý rằng các tác phẩm của Leo Tolstoy đã tránh né các điều giả tạo. Leo Tolstoy có khả năng nhận ra các thay đổi nhỏ nhất về ý thức (consciousness) rồi ghi lại các biến đổi, các hành động tinh vi nhất. Ý thức đã được Leo Tolstoy chia nhỏ ra và ông đã hiểu rõ các tư tưởng không nói ra được của mọi nhân vật, và các cách phân tích tâm lý của ông đã khiến cho ông trở nên một nhà văn viết tiểu thuyết lớn lao bậc nhất. Leo Tolstoy có thể là hiện thân của lương tâm thế giới, là sự bao gồm bên trong cả thiên nhiên lẫn sức sống thuần nhất, nhưng nếu xét ông qua các tác phẩm, Leo Tolstoy được coi là nhà văn biểu tượng đi tìm ý nghĩa của đời người.
1. Các năm đầu và môt số tác phẩm của Leo N. Tolstoy
Một nhân vật có thể tưởng tượng và viết ra đại tác phẩm “Chiến Tranh và Hòa Bình” không thể nào là một con người tầm thường. Cuộc đời của Leo Tolstoy rất dài và thay đổi vì những kinh nghiệm sống, và các sự kiện trong đời sống của Leo Tolstoy đã được phản ảnh qua các tác phẩm của ông.
Leo Nikolayevich Tolstoy chào đời vào ngày 28 tháng 8 năm 1828 (ngày 9 tháng 9 theo lịch mới) trong vùng đất của gia đình có tên là Yasnaya Polyana thuộc tỉnh Tula, cách thành phố Moscow 210 cây số về phía nam. Tổ tiên của gia đình Tolstoy này là Indris đã từ phương tây tới nước Nga vào năm 1353 với hai người con trai và hàng ngàn gia nhân. Do truyền thống kết hôn giữa các chi tộc của giai cấp quý tộc, Leo Tolstoy có thể được kể như có họ hàng với hầu hết các gia đình cao sang bậc nhất. Hình ảnh các giai cấp của nước Nga có thể được mô tả là một kim tự tháp với phần đỉnh tháp là Sa Hoàng, xuống các giai cấp hoàng gia, viên chức, cư dân thành thị, nông dân và nông nô, và mỗi giai tầng xã hội lại đàn áp các giai tầng ở dưới.
Leo Tolstoy được sinh ra trong một gia đình cổ nhất và sang trọng nhất, gần phần đỉnh của kim tự tháp kể trên, nhưng ông đã tự nguyện sinh sống với giai cấp nông dân nghèo hèn mà ông ưa thích. Cha của Leo là Bá Tước Nikolay Ilich Tolstoy, đã phục vụ quân đội Nga khi Đại Quân của Napoléon xâm lăng nước Nga. Bá Tước Tolstoy bị bắt ngoài mặt trận, bị đưa về nước Pháp và chỉ được thả ra khi quân Nga vào tới tận thủ đô Paris vào tháng 3 năm 1814. Bá Tước Tolstoy đã cưới công chúa Marya Polyana vào năm 1822 và nhờ vậy, ông thừa hưởng miền đất Yasnaya Polyana. Bà Marya là một phụ nữ được giáo dục cao, nhờ vậy đã truyền lại cho các con những kiến thức và đạo đức để chúng tìm hiểu các sự thật trong đời sống hàng ngày. Nhưng không may, bà mẹ Marya đã qua đời khi Leo mới 2 tuổi. Leo Tolstoy được nuôi dạy do bà nội Pelayeya và đã sống trong một niềm êm ấm gia đình, được các gia sư dạy dỗ tại nhà và đời sống hạnh phúc này đã ảnh hưởng tới nhà văn Leo trong suốt cuộc đời và phản ánh qua cuốn truyện bán tự thuật đầu tiên “Tuổi Thơ” (Childhood = Detstvo, 1852).
Năm 1837, gia đình Tolstoy dọn lên thành phố Moscow sinh sống và cũng từ nay, Leo cảm nhận được những giả tạo, bạo lực và chuyên chế, và rồi trong vòng một năm, người cha và bà nội qua đời, để lại lũ trẻ mồ côi. Từ lúc này, người giám hộ của các anh em Leo là cô Alexandra Yergolskaya, người đã kết hôn với một bá tước hơi khùng. Anh em Leo vẫn vui hưởng đời sống quý tộc và vào thời gian này, cậu Leo biết tới tình yêu với hình ảnh của cô nàng Sonya Koloskin còn được lưu giữ trong suốt cuộc đời, giống như nàng Beatrice đối với Dante.
Năm 1841, cô Alexandra qua đời và anh em Leo một lần nữa lại bị chuyển về sống tại Kazan, thuộc phía tây của nước Nga, với một người cô khác tên là Pelayeya Greshkov. Tại Kazan khi theo học trung học, Leo Tolstoy không phải là một học sinh xuất sắc. Năm 1844, Leo ghi danh vào đại học Kazan và theo học các ngôn ngữ Đông Phương nhưng rồi các thành tích học tập kém đã khiến cho Leo phải chuyển qua học Luật và qua một luận văn, Leo Tolstoy đã từng so sánh tác phẩm “Tinh Thần Luật Pháp” (The Spirit of Laws) của nhà triết học chính trị người Pháp Charles de Secondat de Montesquieu với các huấn lệnh về quy luật “nakaz” của Nữ Hoàng Catherine II. Leo Tolstoy cũng ưa thích hai ngành Văn Chương và Đạo Đức, đã dành nhiều thời giờ đọc các tác phẩm của hai tiểu thuyết gia người Anh là Laurence Sterne và Charles Dickens, và đặc biệt là các văn bản của Jean Jacques Rousseau.
Sống thời thanh niên của một nhà quý tộc trẻ, Leo Tolstoy đã theo phong cách phóng đãng, trụy lạc, cố gắng tận hưởng cuộc đời vật chất mà quên đi các giá trị tinh thần. Nhưng rồi Leo Tolstoy đã nhận thức ra, phân tích chính mình và từ năm 1847, ông đã ghi lại thật đầy đủ trong nhật ký các thất bại, các nỗi đắng cay gặp phải, ghi lại các bản chất của động lực và hành động của con người. Bằng nhật ký và trong suốt cuộc đời, Leo Tolstoy đã ghi chép mọi nhận xét về đời người và phân tích bản chất chính mình và nhờ cuốn nhật ký, ông đã là một nhà văn có tiểu sử được ghi lại phong phú nhất.
Năm 1851, Leo Tolstoy tới miền Caucasus tham gia đoàn quân Cossack của người anh tên là Nikolay, một sĩ quan của đoàn quân này, được thưởng huy chương vì đã tham dự vào nhiều chiến trận chống lại quân du kích Tartar, kể cả trận đánh tại Sevastopol trong cuộc chiến tranh Crimea (1853-56). Đây là cuộc chiến mà nước Nga phải đối đầu với các nước Anh, Pháp, Sardina và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi ra khỏi quân đội, Leo Tolstoy bắt đầu viết ra các nhận xét về cuộc đời, về các gốc rễ của động lực và hành động của con người. Tác phẩm “Tuổi Thơ” với tác giả ẩn danh, được gửi cho Tạp Chí Văn Học “Hiện Đại” (The Contemporary = Sovremennik) chủ trương do nhà thơ Nikolay Nekrasov. Nhiều người đã khen ngợi tác phẩm này và Leo Tolstoy được xếp hạng với các nhà văn hiện đại hàng đầu.
Trong các năm kế tiếp, Leo Tolstoy còn cho phổ biến vài truyện ngắn mô tả các kinh nghiệm sống tại miền Caucasus, chẳng hạn như cuốn truyện “Cuộc Bố Ráp” (The Raid = Nabeg, 1853) và cuốn phác thảo “Sevastopol vào tháng 12“, “Sevastopol vào tháng 5” và “Sevastopol vào tháng 8“, tất cả được xuất bản trong khoảng các năm 1855-56. Cuốn phác thảo (sketch) đầu tiên nói về lòng can đảm của một người lính tầm thường. Trong suốt cuộc đời, Leo Tolstoy đã quan tâm về đạo đức khi ông quan sát các nỗi đau khổ của nhiều người khác.
Vài tác phẩm đầu tay của Leo Tolstoy đã được giới văn học của thành phố St. Peterburg chào đón, nhưng nhà văn Leo Tolstoy đã không tham gia vào một nhóm trí thức nào, ông ưa thích hoàn toàn độc lập và thường hay chống đối các khuynh hướng trí thức đang thịnh hành. Leo Tolstoy không đồng ý với các nhà văn thành thị, thuộc giai cấp trung lưu mà đại biểu danh tiếng nhất là Ivan Turgenev, thời đó được coi là bậc thầy của nền văn học Nga. Sở dĩ có sự bất đồng ý bởi vì Leo Tolstoy theo bản chất, là một người hâm mộ nền văn minh Slavic, nền văn chương Nga, ông không ưa thích cách theo đuổi các quan điểm tiến bộ của phía Tây Âu.
Năm 1857, Leo Tolstoy du lịch qua thành phố Paris, nước Pháp và chỉ về nhà sau khi đã hết tiền vì đánh bạc. Trở về đồn điền Yasnaya Polyana, Leo Tolstoy bắt đầu nghiên cứu phương pháp sư phạm, thiết lập một ngôi trường để dạy chữ cho con cháu các nông nô và vào năm 1862, ông lập gia đình với cô Sonya Andreyevna Bers, con gái của một bác sĩ danh tiếng thuộc thành phố Moscow. Leo Tolstoy đã sống trong cảnh hạnh phúc gia đình, ông có 13 người con với 3 người bị chết yểu.
2. Phần sau cuộc đời của Leo N. Tolstoy
Kể từ năm 1863 cho tới 7 năm về sau, Leo N. Tolstoy bắt đầu viết đại tác phẩm “Chiến Tranh và Hòa Bình“, rồi sau đó lại khởi công viết đại tác phẩm “Anna Karerina“. Được phổ biến từng phần từ năm 1875 tới năm 1877, cuốn tiểu thuyết dài “Anna Karerina” mô tả sự bất trung của công chúa Nga Anna đối với chồng là Karenin. Cuộc tình giữa Anna và Bá Tước Vronsky đã khiến cho hai người coi thường dư luận của thứ xã hội quý phái mà họ là thành viên và rồi những khó khăn trong cuộc liên hệ tình cảm đã khiến cho Anna phải tự sát. Đây là hình ảnh tội lỗi của chính tác giả khi ngoại tình với một nông dân tên là Anna Stepanovna, với một đứa con rơi, và bà Anna này đã tự sát vào năm 1872 bằng cách đâm đầu vào một đoàn xe lửa đang chạy. Anna Karerina không chỉ là một câu chuyện tình yêu bi thảm mà qua đó, tác giả đã khai triển các vấn đề xã hội, đạo đức và triết học của nước Nga và của giới quý tộc vào thập niên 1870. Tác phẩm cũng đề cập tới thái độ đạo đức giả của giới quý tộc với sự ngoại tình, tới niềm tin tôn giáo trong đời sống của một người, qua các tư tưởng và hành động của Konstantin Levin, nhân vật quan trọng thứ hai trong cuốn tiểu thuyết.
Sau khi hai đại tác phẩm xuất hiện, danh tiếng của Leo Tolstoy vang lừng trên văn đàn thế giới và hạnh phúc gia đình đã không làm cho văn hào Tolstoy vui sướng, mà chỉ làm cho ông cảm thấy cuộc đời trống rỗng, vô vị. Leo Tolstoy muốn tìm ra các sự thật cuối cùng của đời người và ông đã tự hỏi “ý nghĩa của cuộc đời là gì?” Ông đã tìm hiểu các tôn giáo Đông Phương và Tây Phương. Ông đã từng thất vọng trước những giáo điều của đạo Chính Thống Nga.
Sự dằn vặt trong tâm hồn của Leo Tolstoy đã kéo dài với cường độ cao, và ông cho rằng cuộc đời chỉ có ý nghĩa trong tình yêu với Thượng Đế và Con Người, trong công việc phục vụ và chịu đựng sự bạo hành, trong công tác tận tụy với nhân loại, và đây là các niềm tin cuối cùng của ông. Leo Tolstoy đã thực hiện được cảnh giàu sang và danh vọng trên mức độ cao, nên đã tới lúc ông phải hiến dâng cuộc đời của mình cho sự toàn hảo về đạo đức. Sự thay đổi niềm tin đã khiến cho Leo Tolstoy từ bỏ tất cả các vinh hoa vật chất để vui sống như một nông dân. Ông đã mô tả công việc tìm hiểu chính mình, tìm hiểu đạo đức và ý nghĩa của cuộc đời trong bài khảo luận “Lời Xưng Tội của Tôi” (My Confession, 1882).
Các khủng hoảng tinh thần đã làm cho Leo Tolstoy thay đổi. Ông đã bác bỏ thẩm quyền của nhà thờ Chính Thống Nga và chủ trương một niềm tin Thiên Chúa Giáo khác, được mô tả trong bài khảo luận “Đất Nước của Thượng Đế ở trong Lòng Anh” (The Kingdom of God is Within You, 1894). Leo Tolstoy tin tưởng rằng con người biết được điều thiện nếu tự xét mình và cải tổ chính mình, và ông tin rằng việc dùng sức mạnh và bạo lực chỉ mang đến tổn hại. Ông phản đối mọi hình thức dùng sức mạnh, bạo động, kể cả khi phải đối phó với những việc làm xấu của chính quyền hay tôn giáo.
Trong các năm từ 1878 tới 1885, Leo Tolstoy đã viết về các niềm tin tôn giáo và các đề tài xã hội, ông từ bỏ tài sản, từ bỏ cuộc sống tình dục, dành cho vợ tác quyền của những tác phẩm văn chương của ông viết trước năm 1881 và ông đã về miền quê, ăn mặc như một nông dân, sống tự túc tới mức tối đa. Các tấm ảnh chụp chung với gia đình vào lúc cuối đời cho thấy Leo Tolstoy là một người đàn ông xấu trai, trông hơi dữ tợn, với tóc và râu dài, mặc bộ quần áo nông dân. Danh tiếng của Leo Tolstoy đã vang lừng trên thế giới khiến cho nhiều người từ bốn phương đã đến viếng thăm ông, và do ảnh hưởng của ông quá lớn, đạo Chính Thống Nga đã trục xuất ông ra khỏi giáo hội vào năm 1901, để làm giảm đi thứ ảnh hưởng kể trên.
Trong bài khảo luận “Nghệ Thuật là gì?” (What is Art, 1898), Leo Tolstoy đã chối bỏ tất cả các sáng tác của ông trước thời điểm thay đổi niềm tin vì cho đó là thứ nghệ thuật quý tộc (aristocratic art). Ông cho rằng nghệ thuật phải dạy dỗ đạo đức và cải thiện con người, phải chuyên chở tư tưởng tới những người đơn sơ nhất.
Khi trở lại với công việc viết tác phẩm “Cái Chết của Ivan Ilyich” (The Death of Ivan Ilyich, 1886), Leo Tolstoy đã mô tả nhân vật Ivan, một nạn nhân của một căn bệnh tử vong, và trong khi chấp nhận cõi chết, Ivan đã nhận thấy sự trống rỗng của đời người. Leo Tolstoy cũng viết nhiều vở kịch. Kịch bản danh tiếng nhất của ông là “Sức Mạnh của Bóng Tối” (The Power of Darkness, 1888). Đây là một thảm kịch về một nông dân đã phạm phải nhiều tội ác do đam mê ngoại tình. Leo Tolstoy muốn dùng sân khấu để phổ biến tiếng nói của mình tới thật nhiều thính giả, nhưng các vở kịch của ông đã không thành công bằng các tiểu thuyết và truyện ngắn.
Các tác phẩm trong giai đoạn cuối đời của Leo Tolstoy là cuốn truyện “Phục Sinh” (Resurrection, 1899), mô tả công việc cải thiện tinh thần của một nhà quý tộc trẻ. Đại văn hào Leo Tolstoy đã tấn công mạnh mẽ nền văn minh và biện hộ cho một đời sống khổ hạnh. Hai cuốn tiểu thuyết “Ác Quỷ” (The Devil, 1889) và “Bản nhạc Sô-Nát của Kreutzer” (The Kreutzer Sonata, 1891) nói về tình yêu, lòng ghen tuông, cảnh tàn phá của tình dục. Cuốn truyện “Hadji Murad” xuất bản sau khi Leo Tolstoy qua đời, kể câu chuyện của một nhà lãnh đạo bộ lạc trong miền núi Caucasus và tác phẩm này đã cho thấy Leo Tolstoy là một bậc thầy về Tâm Lý Học và Kỹ Thuật Văn Chương.
Trong các năm cuối đời, Leo Tolstoy muốn rút lui khỏi thế gian, sống ẩn dật, sống trong “hòa bình và cô đơn” để tìm hiểu các bí mật của tình yêu và Thượng Đế. Thế nhưng, các niềm tin của Leo Tolstoy đã không được gia đình ông chấp nhận. Vào tháng 10 năm 1910, Leo Tolstoy đã bỏ nhà ra đi, ông đâu có biết rằng chính mình đang ở trên con đường dẫn tới cõi chết. Tại nhà ga xe lửa Astapova, nay được đổi tên là nhà ga Leo Tolstoy, Đại Văn Hào Tolstoy đã bị cảm lạnh. Người ta đã đặt ông nằm trong căn nhà bé nhỏ của người trưởng ga và Leo Tolstoy qua đời vì bị sưng phổi vào ngày 1 tháng 11 năm 1910, hưởng thọ 82 tuổi. Theo lời kể lại của người con gái của Đại Văn Hào Tolstoy, tên là Dushan, người đã đi theo ông trong cuộc hành trình cuối cùng, thì câu nói chót của Leo Tolstoy là “Sự Thật…. tôi yêu lắm“.
Leo Tolstoy là một nhà văn sáng tạo, một nhà luân lý quan trọng, đã viết ra các tác phẩm mang tính tôn giáo và đạo đức, các sáng tác sâu sắc này là các tiểu thuyết của ông, những tác phẩm đã mô tả toàn cảnh của thời đại, các chân dung tâm lý của các nhân vật, cách nhìn vào bên trong bản chất của con người… Chỉ riêng vào năm 1887, đã xuất hiện 31 bản dịch các sáng tác của Leo Tolstoy sang các thứ tiếng nước ngoài khác nhau.
Cách phân tích tâm lý rất sâu sắc của Leo Tolstoy đã tạo ảnh hưởng tới các nền văn học về sau và các điều giảng dạy về đạo đức và xã hội của ông đã làm thay đổi chiều hướng của thế kỷ 20. Nhà lãnh đạo tinh thần của người Ấn Độ là Mahatma Gandhi đã áp dụng “tư tưởng bất bạo động” của Leo Tolstoy trong việc chống lại chính quyền Anh và giúp công vào việc giành Độc Lập cho người dân Ấn Độ. Sau đó, các tư tưởng của Gandhi lại ảnh hưởng tới Mục Sư Martin Luther King, Jr. trong việc tranh đấu đòi hỏi Dân Quyền tại Hoa Kỳ.
Tolstoy in military uniform, by Sergei Lvovich Levitsky, 1856
3. Bối cảnh lịch sử của cuốn truyện “Chiến Tranh và Hòa Bình”
“Chiến Tranh và Hòa Bình” là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, mang hai ý nghĩa. Thứ nhất, cuốn truyện đề cập tới một giai đoạn của Lịch Sử của nước Nga vào thời gian trước và sau cuộc xâm lăng của Napoléon Bonaparte. Thứ hai, tác giả Leo Tolstoy đã phân tích và chứng minh những gì ông tin tưởng rằng tại sao lịch sử đã diễn ra như thế và phải viết lịch sử ra sao. Tác giả tin rằng không phải những “anh hùng” đã tạo ra “thời thế“, kiểm soát được cách vận hành của định mệnh con người, mà do “sự khích động” (ferment) của dân chúng. Leo Tolstoy đã dùng cuốn truyện “Chiến Tranh và Hòa Bình” để mô tả sự khích động kể trên trong các hoạt động chiến tranh và về phần cuối của tác phẩm, đại văn hào Tolstoy đã hầu như nói về bản chất của lịch sử.
Đại tác phẩm “Chiến Tranh và Hòa Bình” là một thiên anh hùng ca, giống như cuốn truyện Odyssey của Homer, với tính cách bách khoa, đề cập tới các điều kiện thiết yếu của đời sống con người. Với tinh thần “anh hùng ca” của quốc gia, tác giả đã cố gắng kêu gọi sự đoàn kết dân tộc Nga, nhận ra những gì được coi là cá tính, bản chất của dân tộc này và phân cách họ với các dân tộc khác. Leo Tolstoy muốn cho độc giả nhận thấy sự ra đời của nước Nga, một quốc gia với chủng tộc khác nhau, tập quán và ngôn ngữ khác nhau, nay có thể đoàn kết lại để chống kẻ xâm lăng. Nước Nga còn lãnh một định mệnh đặc biệt, đó là bảo vệ thế giới.
“Chiến Tranh và Hòa Bình” là một tiểu thuyết cung cấp cho độc giả các kinh nghiệm cá nhân, đã đề cập tới ba gia đình là Rostov, Bolkonsky và Bezuhov. Hình ảnh của gia đình Rostov là bản sao của gia đình Tolstoy trong khi các nhân viên trong gia đình bà mẹ của đại văn hào được nhân cách hóa bằng gia đình Bolkonsky. Hoàng tử Andrew và Pierre là bóng dáng của chính tác giả và các nhân vật khác trong truyện đã được Leo Tolstoy mô tả với độ chính xác rất cao.
Đại tác phẩm “Chiến Tranh và Hòa Bình” được dịch sang tiếng Anh vào năm 1886, gồm 4 cuốn, tổng cộng hơn 1,600 trang, được chia ra làm 15 phần (parts), mỗi phần còn có nhiều chương (chapters). Đây là cuốn tiểu thuyết dài nhất của nước Nga vào thế kỷ 19 và của cả thế giới nữa. Leo Tolstoy đã nghiền ngẫm hầu như tất cả sách thư viện, đã tạo ra 500 nhân vật trong truyện với 100 nhân vật chính. Ngoài ra trong truyện còn nói tới các quân đoàn, đám đông quần chúng, các thú vật đáng nhớ, đặc biệt có các con chó săn và một con chó sói khác thường. Tác giả bắt đầu câu chuyện bằng cách mô tả bối cảnh lịch sử, những nhân vật sống trong bối cảnh đó và họ đã hành xử ra sao.
Vào cuối tháng 10 năm 1799, Sieyès và Napoléon đã thực hiện một cuộc đảo chính, thiết lập nên một chính quyền mới tại nước Pháp với ba Tổng Tài là Napoléon, Sieyès và Pierre Robert Ducos. Do tham vọng không giới hạn, Napoléon chẳng bao lâu nắm toàn quyền kiểm soát nước Pháp bằng danh nghĩa “Tổng Tài Thứ Nhất“. Sau trận đánh Marengo tại nước Ý, Napoléon đã đánh bại quân đội Áo, bắt buộc nước Áo phải ký Hòa Ước Luneville vào tháng 2 năm 1801, công nhận nước Pháp có quyền chiếm đóng các miền đất sông Rhine, dãy núi Alps và vùng đất Pyrénées.
Từ năm 1803 tới năm 1805, chỉ còn hai nước mà Napoléon phải chinh phục, đó là nước Anh ở phía tây và nước Nga ở phía đông. Napoléon đã ra lệnh chuẩn bị công cuộc xâm lăng nước Anh trên một quy mô rộng lớn. Gần 2,000 con tầu chiến được tập trung tại các hải cảng của nước Pháp, nằm giữa quân cảng Brest và thành phố Antwert. Nhưng hạm đội Pháp do Đô Đốc De Villeneuve đã bị Hải Quân Anh đánh bại bên ngoài hải cảng Trafalgar vào ngày 21-10-1805.
Vì muốn lật đổ Napoléon, nước Anh đã trợ giúp các người Pháp bảo hoàng để họ tiếp tục thực hiện các âm mưu và gây rối loạn, và rồi một trong các âm mưu kể trên bị khám phá vào năm 1804. Để làm cho các kẻ chống đối phải khiếp sợ, Napoléon đã ra lệnh bắt cóc Hầu Tước trẻ d’Enghien, đưa ra xét xử và bắn chết. Kết quả của hành động này là Sa Hoàng Alexander I của nước Nga đã triệu hồi đại sứ tại Paris về nước, đồng thời Napoléon cũng cho rút đại sứ Pháp ra khỏi thành phố Petersburg.
Sau lễ đăng quang rực rỡ tổ chức vào ngày 2 tháng 12 năm 1804, Napoléon trở nên “Hoàng Đế của Nước Pháp“, rồi tới năm sau, 1805, tự phong mình làm “Vua của Nước Ý“. Muốn chống lại sự bành trướng của nước Pháp, Sa Hoàng Alexander I tìm cách liên minh với nước Anh và một khối liên hiệp được thành lập gồm các nước Nga, Anh, Thụy Điển, Áo, Phổ và xứ Naples.
Ngày 02 tháng 12 năm 1805, Napoléon Bonaparte đã kín đáo chuyển Đại Quân đánh bất ngờ vào các đạo quân liên hiệp Nga-Áo tại làng Austerlitz, gây thiệt hại cho địch quân là 27,000 người so với 9,000 quân tổn thất của nước Pháp. Sau trận đánh lừng danh này, trên lục địa châu Âu đã lan truyền lời nói của Napoléon: “Ta đã đánh bại đạo quân Nga-Áo do 2 Hoàng Đế chỉ huy”.
Tới ngày 14 tháng 10 năm 1806, Napoléon Bonaparte đã đánh bại các đạo quân Phổ tại Jena và Auerstadt rồi qua năm sau, đạo quân Pháp tiến vào xứ Ba Lan. Sau các lần liên minh quân sự với nước Anh, Sa Hoàng Alexander I của nước Nga đã cảm thấy mệt mỏi và chán nản, nên đã hẹn gặp Napoléon Bonaparte trên một cái bè nhỏ thả nổi trên giòng sông Niemen tại Tilsit, một nơi biên giới giữa hai xứ Nga và Đông Phổ. Hai Hoàng Đế Pháp và Nga đã ký một thỏa ước chia đôi châu Âu.
Mùa Xuân năm 1812, Napoléon Bonaparte đưa quân vào xứ Ba Lan, đe dọa biên giới của Sa Hoàng rồi sau khi các thỏa hiệp với nước Nga không thành, Đại Quân của Napoléon gồm khoảng 453,000 người đã vượt qua giòng sông Niemen, tiến sang đất Nga. Vào tháng 8 năm 1812, Napoléon chiếm thành phố Smolensk nhưng người dân Nga thuộc các thành phố đã “kháng chiến” một cách khác hẳn, họ đã “tiêu thổ” tài sản và nhà cửa. Quân đội Pháp tiến tới đâu trên lãnh thổ Nga cũng gặp cảnh không người, không lương thực…
Ngày 7 tháng 9 năm 1812, quân đội Nga do Thống Chế Mikhail Illarionovich Kutuzov chỉ huy, đã dàn trận, chờ đánh đoàn quân Pháp tại làng Borodino, cách thành phố Moscow 110 cây số (70 dặm) về phía tây nam. Quân đội Nga có vào khoảng 125,000 người, lực lượng Pháp gồm 130,000 lính. Đã diễn ra trận chiến rất đẫm máu và rất tàn ác. Quân Nga thua trận, thiệt hại vào khoảng 42,000 người và đây là tổn thất cao nhất của nước Nga vào thế kỷ 19. Napoléon bị mất 32,000 quân. Trận đánh Borodino được Đại Văn Hào Leo Tolstoy mô tả trong đại tác phẩm “Chiến Tranh và Hòa Bình“.
4. Các nhân vật chính trong đại tác phẩm “Chiến Tranh và Hòa Bình”
a- Gia đình Bolkonsky
Ông Hoàng Nikolay Andreivitch Bolkonsky: là một vị cao tuổi, biểu tượng của một gia đình cổ và danh giá, là người đặt nặng các giá trị của một xã hội phong kiến đã lỗi thời.
Hoàng Tử Andrey Bolkonsky: con trai, người thừa kế của ông hoàng Nikolay và là một người trẻ trí thức, theo thuyết hư vô (nihilism). Đây là một trong hai nhân vật chính của cuốn truyện.
Công Chúa Marya Bolkonsky là em gái của Andrey, một thiếu nữ bình thường, vô duyên, có đức tin Thiên Chúa.
Cô Bourienne, một thiếu nữ Pháp mồ côi, có bản chất nông nổi và theo cơ hội, là bạn của Maya.
b- Gia đình Bezuhov
Bá Tước Kirill Vladimirovitch Bezuhov: một vị cao tuổi, trước là quan đại thần của triều đình Nữ Hoàng Catherine, đã qua đời sớm, để lại tài sản lớn cho con trai.
Pierre Bezuhov: con trai của Bá Tước Kirill, là một trong hai nhân vật chính và cũng là anh hùng của cuốn truyện. Cách phát triển tư tưởng của nhân vật này biểu hiện triết lý của tác giả.
c- Gia đình Rostov
Bá Tước Ilya Rostov: một người đàn ông của gia đình, bản chất tốt, ưa thích giao thiệp và vì chủ trương hưởng thụ cho gia đình nên hết dần tài sản.
Nữ Bá Tước Natalya Rostov: vợ của bá tước Ilya, một người đàn bà quý phải kiểu mẫu, chỉ quan tâm tới gia đình.
Natasha Rostov: con gái của bá tước Ilya, nhân vật nữ anh hùng của cuốn truyện, là một thiếu nữ biểu hiện tình yêu, nữ tính và hồn nhiên.
Nikolay Rostov: con trai lớn của bá tước Ilya, một sĩ quan, sau này lập gia đình với Marya Bolkonsky. Nikolay là một thanh niên thiếu óc tưởng tượng.
Vera Rostov: chị của Natasha, người kết hôn với Alphonse Berg, một người trẻ tuổi gốc Đức theo cơ hội.
d- Gia đình Kuragin
Hoàng Tử Vassily Kuragin: một nhà quý tộc, đã làm quan đại thần, có cuộc đời hoạt động chính trị để gây uy tín.
Ippolit Kuragin: con trai lớn của ông Vassily, một người thiếu thông minh.
Anatole Kuragin: con trai nhỏ của ông Vassily, một con người hư hỏng, theo chủ nghĩa khoái lạc, có vẻ đẹp trai hấp dẫn cả Natasha và công chúa Marya là người anh ta muốn kết hôn để lấy tài sản.
Ellen Kuragin: con gái của ông Vassily, một người đẹp theo chủ nghĩa khoái lạc và đã kết hôn với Pierre.
e- Các nhân vật lịch sử
Napoléon: Hoàng Đế của nước Pháp, là một thí dụ đặc sắc của một vĩ nhân.
Kutuzov: Tư Lệnh đạo quân Nga, người được coi là “người Nga của dân tộc Nga“, đã góp công vào chiến thắng.
Alexander I: Sa Hoàng của nước Nga, là hình ảnh của một lãnh tụ quý tộc.
Hoàng Tử Peter Bagration: chỉ huy đạo quân Nga, được ca ngợi là anh hùng trong Trận Austerlitz, nhưng được mô tả theo thực tế chỉ là một vị chỉ huy thụ động trong nhiều biến cố của Trận Austerlitz.
Platon Karataev: một người lính Nga gốc nông dân, bị bắt và là bạn tù của Pierre.
Dolohov: một sĩ quan, một kẻ đánh bạc, một người bạn thiếu thận trọng của Anatole Kuragin. Sự can đảm và tính tàn bạo của Dolohov đã thể hiện qua nhiều biến cố xẩy ra trong truyện.
5. Sơ lược cốt truyện “Chiến Tranh và Hòa Bình”
Nhân một buổi dạ tiệc tại nhà của Anna Pavlovna, Hoàng Tử Andrey và Pierre thảo luận với nhau về những gì họ nên thực hiện trong tương lai, về Napoléon, “con người của định mệnh” (the man of destiny) sắp xâm lăng nước Nga, về nhiệm vụ mà Thượng Đế giao cho Sa Hoàng là phải cứu nguy châu Âu và nền văn minh… Pierre là một người độc thân giàu có, danh vọng, thừa hưởng di sản của Bá Tước Bezuhov. Thời điểm này là vào tháng 7 năm 1805.
Nikolay Rostov và Hoàng Tử Andrey đã trải qua các kinh nghiệm đầu tiên tại mặt trận Schoengraben. Mỗi người tìm thấy sự bất lực của cá nhân trong hoàn cảnh của một khối đông người. Nikolay nhận làm một cái chốt trong một bộ máy còn Andrey từ chối ở trong lực lượng điều hành mà chọn chiến đấu ngoài mặt trận.
Sau đó tới sự việc Pierre cưới Ellen. Anatole ve vãn Marya nhưng không thành công. Andrey tham dự hội đồng chiến tranh vào hôm trước trận đánh Austerlitz rồi bị thương, tuy nhiên đối với Andrey, Napoléon có vẻ như không đáng kể.
Nikolay cùng với Denisov được nghỉ phép, nhưng đã không quên người yêu là Sonya. Do Ellen bị nghi ngờ bất trung, nên Pierre đã đấu gươm với Dolohov và khiến cho anh chàng này bị thương. Lisa Bolkonsky qua đời sau khi sanh một con trai, để lại cho Andrey nỗi buồn không nguôi. Dolohov mê Sonya nhưng đã bị từ chối và về sau đã lường gạt Nikokay trong một canh bạc.
Sống xa vợ, Pierre hiến thân cho công việc canh tân miền đất đai của mình. Pierre và Andrey lúc này đã về nhà, cùng nhau thảo luận về ý nghĩa của đời người, ý nghĩa của cõi chết và Andrey hy vọng ở tương lai. Vào lúc này Nikolay lại tham gia quân đội và Denisov bị đưa ra tòa vì ăn trộm thực phẩm. Nikolay xin Sa Hoàng ân xá cho Denisov và được chứng kiến cảnh hội ngộ giữa Napoléon và Sa Hoàng, và cảnh này tượng trưng cho hai loại chính quyền mới và cũ.
Andrey tham gia vào nhóm cải cách của Speransky. Andrey trở nên mê Natasha và công chúa Marya không được hạnh phúc vì các hành động của cha. Các vấn đề tài chính của gia đình Rostov gia tăng và Andrey đi qua Thụy Sĩ. Gia đình Rostov vui hưởng mùa Giáng Sinh cuối cùng với cảnh săn chó sói, trượt tuyết bằng xe. Khi Andrey vắng mặt, Natasha bồn chồn và đã gặp Anatole trong một buổi ca nhạc. Trong lúc tinh thần bị căng thẳng, Natasha được Pierre an ủi.
Cuộc kháng chiến chống lại quân đội Pháp bắt đầu khi Napoléon là một con người ham danh vọng, ưa chinh phục các miền đất mới. Andrey phục vụ trong đoàn quân Nga và Nikolay được tặng huy chương vì lòng cam đảm. Natasha bình phục dần dần nhờ niềm tin tôn giáo. Petya tham gia quân đội. Trước sự de dọa xâm lăng của Napoléon, người dân Nga đã phản ứng mạnh. Pierre thấy được ở trong tâm hồn mình một nhiệm vụ phức tạp đối với tình yêu, sao chổi, Napoléon và chiến tranh.
Đại Quân Pháp tiến vào nước Nga. Marya rời gia đình về Moscow. Mặc dù chiến tranh tới gần, các buổi hội họp tại Petersburg vẫn còn tiếp tục. Marya và Nikolay đã gặp nhau lần đầu tiên trong mối tình lãnh mạn. Pierre thăm viếng Andrey vào buổi chiều hôm trước trận đánh Borodino. Trận chiến này được mô tả là một cuộc đấu sức sinh tử với quân đội Nga thắng thế về mặt tinh thần và đây là khúc quanh cho chiến thắng của nước Nga.
Đại Quân Pháp tiến tới. Thành phố Moscow bị bỏ trống và đốt cháy để cứu nguy cho nước Nga. Gia đình Rostov rời Moscow bằng một đoàn xe trong đó có Hoàng Tử Andrey bị thương nặng. Andrey đoàn tụ với Natasha và được chăm sóc. Khi gần với cõi chết, Andrey mới hiểu rõ tình yêu cao cả. Sự thật hiện ra khi sống và chết đối diện với nhau. Pierre dự mưu ám sát Napoléon nhưng các biến cố khác đã làm cho âm mưu này thất bại.
Nikolay và Marya gặp lại nhau rồi Marya đi thăm người anh là Andrey. Marya và Natasha ở với Andrey lúc người anh này qua đời. Pierre bị tố cáo đã gây ra hỏa hoạn và suýt nữa bị người Pháp hành quyết, đã sống lại nhờ Karataev, một nhân vật tượng trưng cho cuộc sống và cõi chết, tình ghét và tình yêu.
Tối ngày 6 tháng 10, quân Pháp bắt đầu rút lui và trong giai đoạn đánh du kích của người Nga có Denisov và Dolohov tham gia, Pierre được giải thoát. Petya và Karataev bị chết. Sự tàn lụi và sự chết là một phần của tiến trình phát triển trong đời sống. Chiến tranh qua dần và sự nghiệp của Kutuzov cũng tới hồi kết thúc. Một kỷ nguyên mới bắt đầu với nước Nga tham dự vào các biến chuyển quốc tế. Các nhân vật trong truyện như Nikolay và Marya Rostov, Pierre Bezuhov và Natasha kết hôn với nhau. Một chu kỳ mới bắt đầu với người con của Andrey là Nikolinka ước muốn sau này kế tiếp các công việc của cha và Pierre.
“Chiến Tranh và Hòa Bình” là một đại tác phẩm trình bày về đời sống con người với nhiều thăng trầm, gồm đủ hy vọng, tham vọng, thỏa mãn, đau thương, tương khắc… Đại Văn Hào Leo Tolstoy đã mô tả đời sống là gì bằng nhiều hình thức và tác giả đã tìm hiểu ý nghĩa của đời người với các mặt xấu như lòng ích kỷ, lòng tham vật chất và những yếu tố cản trở cách phát triển những đức tính tốt, tương phản với tình yêu là thứ giúp vào sự phát triển, làm cho con người hạnh phúc.
Qua đại tác phẩm này, các tương phản đã diễn ra: vui với buồn, hy vọng với thất vọng, gia đình tương phản với xã hội, tinh thần khác với vật chất, tính ích kỷ so với lòng nhân đạo. Các nhân vật cũng trái ngược nhau: Andrey hạnh phúc và Pierre gian nan, đau khổ, Helene theo vật chất, ích kỷ, vô luân, trái ngược với Natasha có tình thương và các đức tính tốt khác.
Đời người phát triển theo nhịp lên xuống, gặp các chống đối, gặp cõi chết hay đổi hướng đi. Cuộc đời của Pierre sẽ ra sao nếu không kết hôn với Helene, nếu không tham dự vào trận chiến Borodino? Giòng đời tới các khúc quanh mà tác giả gọi là chiến tranh. Một số nhân vật đã dùng nghị lực để chuyển hướng cuộc đời như Dolohov, Boris, Berg và tác giả Leo Tolstoy cho rằng sự chịu đựng gian nan làm tinh thần phát triển. Việc cứu xét các anh hùng, các vĩ nhân có phải là công việc tìm hiểu lịch sử không? Napoléon tượng trưng cho sự tự do của nhân loại hay mối đe dọa nền hòa bình của châu Âu?
Đại Văn Hào Leo Tolstoy đã viết ra đại tác phẩm “Chiến Tranh và Hòa Bình” để bàn luận về phương pháp tìm hiểu lịch sử, tìm hiểu về đời người và cõi chết, và tác giả cho rằng các hiện tượng xã hội, chính trị, kinh tế chỉ là các biến cố bên ngoài (outer accidents) và các biến chuyển bên trong (inner events) chính là các kinh nghiệm thực sự, tức thời của đời người. Cõi chết tới với mọi người và chỉ có tình thương yêu (love) mới làm cho con người hạnh phúc.
Nhà phê bình văn học William Lyon Phelps đã gọi đại tác phẩm “Chiến Tranh và Hòa Bình” là một cuốn từ điển về đời người, bao gồm bên trong muôn vàn kinh nghiệm sống. Và qua các tác phẩm, Đại Văn Hào Leo Tolstoy đã gây ảnh hưởng tới nhiều nhà viết tiểu thuyết sau này như Thomas Mann, người đoạt Giải Thưởng Nobel về Văn Học, tới Marcel Proust, tác giả bộ tiểu thuyết “Đi tìm Thời Gian đã mất” (In Search of Lost Time), tới Stephen Crane với tác phẩm “Biểu hiệu đỏ của lòng Can Đảm” (The Red Badge of Courage), tới Henry James và James Joyce trong cách đối thoại nội tâm (interior monologues).