Cuộc nổi dậy đang lan tràn khắp nơi trên lãnh thổ Libye, các cuộc bạo động đã diễn ra ngay cả ở Tripolie, thủ đô của Libye, nhiều thành phố đã bị người nổi dậy chiếm giữ. Theo tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch) đã có 230 người chết trong khi Liên Đoàn Nhân Quyền Quốc Tế (FIDH = Fédération internationale des droits de l’homme) cho là có từ 300 đến 400 người chết. Quân đội của Libye, cũng giống trường hợp ở Tunisie và Ai Cập, đã không chịu đàn áp những người nổi dậy, nhiều đơn vị đã bỏ ngũ ! Có những tin tức trái ngược nhau được đưa ra như tin Benghazi và Syrte bị lọt vào tay người nổi dây (tin của FIDH) trong khi theo AFP, những người ở Syrte đã phủ nhận nguồn tin này.
Ngay trong chánh-quyền của Khadhafi, đã có dấu hiệu rạn nứt, Tổng trưởng tư pháp Moudstapha Abdel Jalil từ chức, phản đối việc “xử dụng bạo lực quá đáng” chống lại những người phản kháng, theo một nguồn tin báo trên mạng điện tử của Libye. Đây là viên chức chánh quyền đầu tiên đứng về phiá người phản kháng. Ngoài ra,đại sứ Lybie tại Ấn Độ và đại sứ Libye tại Trung Hoa cũng đã từ chức để phản đối chánh quyền của ông Khadhafi.
Về phiá công ty khai thác dầu hoả BP, công ty này sẽ cho di tản nhân-viên không phải người Libye trong vòng 48 tiếng. (khoảng 40 người trên tổng số 140 nhân viên ở đây). Những công ty dầu hoả khác sau đó đã theo chân BP như Total, ENI…
Tình hình ở Zaouia rất hỗn loạn,người nổi dậy đã đốt cháy một ngôi nhà của Khadhafi ở đây, tình trạng cướp bóc đã xảy ra, cảnh sát đã rút khỏi vùng này, nhiều nơi có xuất hiện những đám người theo Khadhafi chống lại nhóm người nổi dậy. Tình trạng hỗn loạn, vô chánh phủ.
Tổng thu ký LHQ Ban Ki Moon bày tỏ sự quan ngại gia tăng bạo động và việc đổ máu. Theo Martin Nesirki, phát ngôn viên của tổng thư ký LHQ, ông này định thảo luận những tin tức đến từ Libye với nhà lãnh đạo nước Libye. Có tin ông Khadhafi đã ẩn náu ở một nơi an toàn (có tin nói là ông ta đã có mặt ở Vénézuela nhưng nước này đã cải chính, và trong ngày chủ nhật, tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon còn liên lạc điện thoại với ông ta để yêu cầu ngừng việc đàn áp dân chúng), việc chống lại những cuộc nổi dậy hiện nay do con trai ông ta điều động và ông này đã cảnh cáo sẽ có tắm máu !
Saïf Al-Islam (theo tiếng Ả Rập có nghĩa là lưỡi gươm của hồi giáo) là con của Khadhafi với người vợ thứ nhì. Ông này được coi là người sẽ thừa kế Khadhafi, là người đã tham dự vào việc giải quyết những vấn đề quan trọng giữa Libye và một số nước trên thế giới, điển hình là vụ các nữ y tá người Bảo-gia-lợi, vụ phi cơ Lockheed… Vào ngày chủ nhật 21.02, ông đã xuất-hiện trên truyền hình xác nhận quyết tâm sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng để chống lại cuộc nổi dậy của dân chúng nhưng đồng thời cũng để ngõ cửa bằng cách kêu gọi những người biểu tình ngồi lại thương thuyết ! Theo ông ta, Libye, ngược hẳn với Tunisie và Tunisie, gồm những bộ lạc, những nhóm và những liên minh; ông cảnh cáo việc chia nước Libye thành nhiều quốc gia, nhân dân cần phải lựa chọn hoặc xây dựng một nước “Libye mới” hoặc sẽ chìm đắm vào một cuộc nội chiến !
Trong chiều thứ hai 21.02, đài truyền hình Libye loan báo các lực lượng an ninh đang thi hành một chiến dịch chống lại các “ổ phá hoại và khủng bố” nhưng không nói rõ ở đâu. Theo đài truyền hình, các lực lượng an ninh kêu gọi sự hợp tác của dân chúng “để tái lập an ninh”. Vẫn theo đài truyền hình, chiến dịch này đã làm thiệt mạng một số người, sau đó đài cho truyền hình những cuộc biểu tình ủng hộ Khadhafi tại Tripoli !
Các nguồn tin trên báo chí cũng cho biết đã có những cuộc đàn áp mạnh mẽ ở thủ đô Tripoli, các lực lượng đàn áp biểu tình đã dùng đạn thật và không quân cũng đã được dùng để bắn vào các đám biểu-tình !
Các quốc gia Âu Châu e ngại sẽ có những cuộc tị nạn ở mức độ lớn từ các nước Trung và Cận Đông, Bắc Phi đến Tây Âu. Trong khi đó, Nga cho biết đang tìm kiếm một giải pháp hoà bình để giải quyết những việc nổi dây này.
Phản ứng của các nước Âu Châu không đồng nhất về vấn đề nổi dậy ở Libye. Nếu như Pháp kêu gọi Libye thảo luận với người nổi dây, Ý cho rằng tình hình ở Libye khác hẳn với Tunisie và Ai Cập. Những người nổi dậy ở đây muốn thiết lập một chế độ hồi giáo,… và Libye có một biên giới rộng lớn ở cận đông và Bắc Phi. Việc sụp đổ chế độ của Khadhafi sẽ mở ngỏ cho việc di dân ào ạt ở Phi Châu vào các quốc gia Âu Châu ven địa trung hải.
Sự sụp đổ của chế độ Khadhafi như thế sẽ có một hậu quả quan trọng. Chưa kể chế độ Khadhafi có thể giúp để giải quyết các vấn đề ở Phi Châu vì các nước này nhận được nhiều viện trợ của Libye, ngoài ra Libye còn là nguồn cung cấp khí thắp, dầu hoả cho Âu Châu. Những người nổi dậy ở Libye không có một cái nhìn chánh trị chung, có những người theo phe bảo hoàng (người thấy trong một số nơi cờ Libye trước thời Khadhafi) hoặc theo phe hồi giáo. Vấn đề là nếu quân đội không ủng hộ Khadhafi nữa thì chế độ Khadhafi có thể sụp đổ. Nhưng với sự hỗn loạn với tầm mức đó ở Bắc Phi và Cận Đông, những quốc gia Âu Châu sẽ bị khủng hoảng nặng nề.
Nhữ Đình Hùng / Nhóm suy nghĩ Đất Mới
Tin tổng hợp báo chí Pháp+tin trên mạng internet/21.02.2011