Sau Thế Chiến Thứ Hai, trong khi các nước thuộc phía tây của châu Âu dần dần phục hổi được nền kinh tế, giành được độc lập về chính trị khi ảnh hưởng của người Mỹ tại châu Âu giảm bớt thì các nước Đông Âu lại theo một con đường khác. Vào cuối Thế Chiến, Liên Xô đã xiết chặt việc kiểm soát các nước được giải phóng tại miền Đông Âu, không cho phép họ tự do chọn lựa chính thể, cách quản trị kinh tế cũng như các cách phát triển khác. Vì vậy sự phục hồi kinh tế của các nước Đông Âu này đã tiến triển theo đường hướng do Liên Xô vạch ra và các cách phát triển kinh tế và chính trị của người dân Đông Âu tùy thuộc vào các thay đổi bên trong của Liên Xô. Cho nên, muốn hiểu rõ các thành quả và thất bại của người dân Đông Âu, cần phải biết rõ các biến chuyển nội bộ của Liên Bang Xô Viết.
1. Các năm cuối của Stalin
Thế Chiến Thứ Hai được người dân Nga coi là cuộc chiến tranh bảo vệ tố quốc trước kẻ xâm lăng là quân Đức Quốc Xã. Tinh thần quốc gia của dân tộc Nga đã được đề cao và người dân Nga đã quên đi các khủng bố tàn bạo do chế độ độc tài toàn trị, tức là chế độ Cộng Sản, bởi vì người dân đã cảm thấy dễ thở hơn trong thời kỳ chiến tranh này. Đã có sự đoàn kết hiếm có giữa dân chúng và các kẻ cai trị là tầng lớp đảng viên. Một nhà khoa học người Nga gốc Do Thái, khi di cư sang xứ Israel vào năm 1972, đã cho một phóng viên người Mỹ biết rằng Thế Chiến Thứ Hai là thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử của Liên Xô bởi vì vào thời kỳ này: người dân Nga cảm thấy gần gũi với chính quyền hơn bất kỳ thời kỳ nào khác, cuộc chiến tranh đã là của chúng tôi. Vào năm 1945, đa số dân chúng Xô Viết hy vọng rằng sau chiến tranh, chính quyền Cộng Sản sẽ cho họ được tự do hơn, được hưởng dân chủ nhiều hơn. Nhưng các hy vọng này đã trở thành các vô vọng.
Trước khi Thế Chiến tranh chấm dứt, Stalin đã hướng đất nước Nga trở về nền độc tài toàn trị. Từ đầu năm 1944, các đảng viên hàng đầu của đảng Cộng Sản đã nhận được một khẩu hiệu mới cần phải phổ biến: Khi cuộc chiến tranh chống chế độ Phát Xít chấm dứt, cuộc chiến tranh chống Chủ Nghĩa Tư Bản bắt đầu và Stalin đã từng nói rằng cuộc chiến sau này không tránh khỏi khi mà chế độ Tư Bản còn tồn tại. Một chế độ độc tài toàn trị không thể sống còn nếu không có kẻ thù, chế độ Tư Bản là một kẻ thù của Liên Xô và tới khi cuộc Chiến Tranh Lạnh dần dần ló dạng thì sự đe dọa của Stalin đã trở thành sự thực.
Một mục đích khác của Stalin sau Thế Chiến là đàn áp hàng triệu người dân Nga sống bên ngoài Liên Bang Xô Viết. Loại này gồm hàng ngàn người là các dân sự sinh sống ở các nước ngoài và theo Liên Xô, cũng có hàng ngàn người khác chống đối Stalin và đã hợp tác với quân Đức, một số lớn khác bị quân Đức Quốc Xã cầm tù. Những người sinh sống bên ngoài Liên Xô đều từ chối trở về quê hương cộng sản. Tại Hội Nghị Yalta, Stalin đã đòi hỏi Roosevelt và Churchill rằng các kẻ phản bội này phải bị trả về cho Xô Viết rồi sau đó, hai nhà lãnh tụ Tây Phương đã giữ lời hứa và các vị chỉ huy quân sự Mỹ và Anh đã từ chối quyền tị nạn chính trí của những nạn nhân kể trên, trong bất cứ trường hợp nào. Vì vậy, gần 2 triệu con người gốc Nga đã bị trao trả về cho Stalin ngoài ý muốn của họ. Sau đó, đa số những nạn nhân này bị bắt bớ, giam cầm và bị gửi đi các trại cải tạo lao động, nơi mà 50 phần trăm tù khổ sai đã bỏ mạng. Nhờ việc thiết lập lại các trại cải tạo này mà một phần sáu các công trình xây dựng mới được thực hiện, phần khác do các người dân bị chế độ cộng sản thanh trừng trong các năm 1945 và 1946.
Trong phạm vi văn hóa và nghệ thuật, các văn nghệ sĩ cũng bị thanh trừng. Các phong trào ý thức hệ đầy bạo lực đã được một tay lãnh tụ tin cẩn của Stalin phát động: Andrei Zhdanov. Zhdanov đã chê trách nhiều nghệ sĩ danh tiếng, kể cả hai nhà soạn nhạc lừng danh Sergei Prokofiev, Dimitri Shostakovich và nhà đạo diễn phim xuất sắc Sergei Eisentein. Nhà thơ nữ nổi tiếng Anna Akhmatova bị kết tội là một con điếm và nữ tu, đã pha trộn ổ điếm với nơi cầu nguyện.
Andrey Aleksandrovich Zhdanov (1896-1948) đã tham gia vào đảng Bolshevik từ năm 1915, leo dần lên các cấp bực trong đảng Cộng Sản Nga rồi sau cuộc Cách Mạng Tháng 10 năm 1917, Zhdanov trở nên một lãnh tụ đảng của thành phố Leningrad, là người được Stalin tin cẩn, là một ủy viên của Bộ Chính Trị từ năm 1939. Khi thành phố này bị quân Đức Quốc Xã bao vây trong các năm 1941-44, Zhdanov đã chỉ huy công việc phòng thủ và khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, Zhdanov đã siết chặt các hoạt động văn hóa, bắt buộc các văn nghệ sĩ Liên Xô phải theo đúng các đường lối chỉ đạo của ý thức hệ cộng sản, phải bài bác tư tưởng tây phương.
Đầu tiên, các chỉ đạo này được áp dụng cho bộ môn văn chương rồi lan qua các ban ngành khác như y học, sinh học, triết học, khoa học… Hai tạp chí văn chương Zvezda và Leningrad bị phê phán nặng nề vì đã phổ biến các công trình văn học của nhà văn hài hước (satirist) Mikhail Zoshchenko và nhà thơ nữ Anna Akhmatova. Các tác phẩm của họ bị coi như không mang màu sắc đảng, mang tính tư sản (bourgeois) và cá nhân. Anna Akhmatova và nhiều nhà văn, nhà thơ khác đã bị loại ra khỏi Hội Nhà Văn Xô Viết. Khi phong trào chống văn hóa tây phương lên cao điểm, các sáng tác văn học cổ điển Nga cũng bị phê bình và chỉ trích là bị ảnh hưởng của J.J. Rousseau, Molière, Lord Byron, Charles Dickens… Các lý thuyết, phát minh và khám phá của phương tây được sửa lại là do các nhà bác học Nga đã tìm kiếm ra. Qua năm 1949, Stalin còn đả kích tàn bạo các người Nga gốc Do Thái, tố cáo họ là thân phương tây và chống Xã Hội Chủ Nghĩa.
Về phạm vi chính trị, từ năm 1945 Stalin đã xác nhận rằng đảng Cộng Sản kiểm soát hoàn toàn chính quyền và ông ta là chủ nhân tuyệt đối của Đảng. Các chương trình kế hoạch 5 năm lại được đưa ra để xây dựng kinh tế. Một lần nữa, kỹ nghệ nặng và kỹ nghệ quân sự được ưu tiên; nông sản, hàng tiêu dùng và nhà ở bị lơ là. Đời sống của người dân Nga lại trở về với mọi khó khăn cũ. Vào năm 1952, tiền lương của người dân thường chỉ mua được thực phẩm từ 25 tới 40 phần trăm ít hơn, so với năm 1928. Lối sống bi đát của thập niên 1930 đã trở lại dù rằng các khủng bố của công an có bớt đi, so với thời kỳ thanh trừng đỏ.
Một mục tiêu khác của Stalin là xuất cảng chế độ Stalin-nít qua các xứ Đông Âu. Từ năm 1948, các đảng Cộng Sản thuộc miền Đông Âu đã thiết lập được các nước độc đảng nhờ vào Hồng Quân và tổ chức Công An chìm của Liên Xô. Tại các quốc gia này, việc nhồi sọ các ý thức hệ Cộng Sản, việc đả phá các tôn giáo và tước bỏ các tự do dân sự (civil liberties) là các sự việc hàng ngày. Kỹ nghệ bị quốc hữu hóa, giới trung lưu bị tước bớt tài sản, đời sống kinh tế phải theo khuôn mẫu do Stalin đặt ra với cách nhấn mạnh vào kỹ nghệ nặng mà không quan tâm tới thiệt hại nhân mạng. Nền nông nghiệp bị tập thể hóa và công tác này được thực hiện nhanh hơn tại 2 xứ Bulgaria và Tiệp Khắc, chậm hơn tại Hungary và Ba Lan. Cuối cùng, các xứ vệ tinh của Liên Xô chỉ được trao đổi hàng hóa với Liên Xô theo các điều kiện không thuận lợi trong khi sự liên lạc với các nước tây phương của các nước Đông Âu này bị hạn chế.
Một xứ duy nhất tránh khỏi cách khai thác, bóc lột kinh tế của Liên Xô, là nước Nam Tư. Lãnh tụ của nước này là Josip Tito (1892-1980) đã công khai tuyệt giao với Stalin vào năm 1948 vì không có quân đội Liên Xô trú đóng trên xứ Nam Tư. Việc quảng bá thành công một chế độ cộng sản độc lập với Liên Xô của Tito đã khiến cho nhiều lãnh tụ cộng sản của Đông Âu bị trục xuất khỏi đảng, bị tố cáo tội phản bội do những lời nhận tội không tin được và do các hành hạ, tra tấn không nương tay.
2. Phong trào bài Stalin và cải cách
Vào năm 1953, nhà độc tài Stalin già nua phải qua đời. Từ nay, các nước Đông Âu thay đổi chậm chạp, phần lớn do các lãnh tụ kế vị của Stalin đã nhận thức rằng cải tổ là cần thiết. Sự cải tổ này đầu tiên là do những nỗi sợ hãi và căm ghét chế độ khủng bố chính trị của Stalin, đây là cách đe dọa và đàn áp mọi người thuộc cả cấp trên lẫn cấp dưới bằng các cuộc thanh trừng không ngưng nghỉ và các vụ bắt bớ bất công.
Năm 1947, Zhdanov là một lãnh tụ rất thân cận của Stalin, đã giám sát tổ chức Cominform (Communist Information Bureau), đây là cơ quan tuyên truyền quốc tế Xô Viết. Năm sau, Zhdanov qua đời trong vòng bí mật vào ngày 31/8/1948, rồi tiếp theo đó là cuộc thanh trừng 2,000 đảng viên thân tín và bộ hạ của Zhdanov. Cuộc thanh trừng này được gọi là vụ Leningrad (the Leningrad Affair). Vài người còn tin rằng chính Stalin đã nhúng tay vào vụ thanh trừng này bởi vì bệnh đa nghi cố hữu của ông ta và vì ác ý không muốn cho các lãnh tụ trẻ của khu vực Leningrad nổi trội.
Trong lịch sử của Liên Xô vẫn thường xẩy ra nhiều cuộc thanh trừng kẻ nội thù, tức là các đảng viên với nhau. Hiện chưa biết rõ nguyên nhân nào đưa tới cuộc thanh trừng Leningrad kể trên nhưng có lẽ là do sự tranh giành quyền lực giữa hai phe, một phe thuộc Georgi M. Malenkov và Lavrenty P. Beria còn phe kia gồm các bộ hạ trước kia theo lãnh tụ Zhdanov. Những người bị hành quyết trong vụ thanh trừng gồm có: Nikolay A. Voznesensky, ủy viên Bộ Chính Trị và chủ tịch Ủy Ban Kế Hoạch Nhà Nước (State Planning Commission); người em của ông này là Aleksandr A. Voznesensky, bộ trưởng Giáo Dục của nước Nga; Alesey A. Kuznetsov, bí thư của Ủy Ban Trung Ương (Central Committee secretary) chịu trách nhiệm về các cơ quan công an; Pyotr S. Popkov, bí thư thứ nhất của tổ chức đảng tại thành phố Leningrad; và Mikhail N. Rodionov, chủ tịch của Hội Đồng Bộ Trưởng Nga (chairman of the Russian S.F.S.R. Council of Ministers). Các vụ khủng bố và thanh trừng như vậy thường xuyên diễn ra tại nhiều nơi trên đất nước Liên Xô đã khiến cho ngay cả trùm mật vụ của Stalin là Lavrenti Beria đã phải công khai nói rằng nên chấp nhận cách nới lỏng kiểm soát. Beria sau đó đã bị bắt và bị xử bắn. Sau thời gian này, quyền hạn của công an chìm đã giảm bớt đi và nhiều trại tù lao động cải tạo đã dần dần bị đóng cửa.
Sự thay đổi còn được coi là cần thiết vì các lý do kinh tế. Nền nông nghiệp ở trong tình trạng tồi tệ, các hoàn cảnh thiếu ăn, thiếu hàng tiêu dùng đã khiến cho người dân không muốn làm việc chăm chỉ, không nghĩ ra sáng kiến. Cuối cùng, chính sách ngoại giao hiếu chiến của Stalin đã làm cho người Mỹ giúp đỡ các nước Tây Âu bằng các liên kết quân sự. Liên Xô vì vậy đã bị cô lập và bao vây.
Vấn đề thay đổi đã được đặt ra tại Liên Xô sau khi Stalin qua đời, nhưng các lãnh tụ cộng sản không đồng ý về mức độ thay đổi. Phe bảo thủ, dẫn đầu do Vyacheslav Molotov, vị bộ trưởng ngoại giao rất lâu dài của Stalin và cũng là người có bộ mặt lạnh như tiền, muốn rằng càng ít thay đổi càng tốt. Phe cải cách do Nikita Khrushchev (1894-1971) biện hộ nhiều cải tiến.
Nikita Sergeyevich Khrushchev sinh ngày 17/4/1894 tại Kalinovka, gần Kursk, thuộc phía tây nam của nước Nga. Cha của Khrushchev là một nông dân nghèo, đôi khi làm nghề thợ mỏ. Nikita Khrushchev cũng là một người thợ mỏ không có học vấn, đã theo đảng Bolshevik vào năm 1918 và lên dần tới địa vị cao, vào năm 1929 đổi về thành phố Moscow và do các thành tích hoạt động, đã được các cấp trên khen ngợi. Năm 1939, Khrushchev đã ở trong Bộ Chính Trị và trở thành một lãnh tụ mới. Khi quân Đức Quốc Xã xâm lăng và chiếm xứ Ukraine, Khrushchev đã tổ chức các toán quân kháng chiến đồng thời có công làm cho các nông trại, hầm mỏ và nhà máy thép sản xuất được nhiều. Qua năm 1949, Khrushchev trở nên bí thư của Ủy Ban Trung Ương Đảng. Khi Stalin qua đời vào năm 1953, Georgi Malenkov nắm chức thủ tướng. Sáu tháng sau, Khrushchev trở thành Tổng Bí Thư Đảng, tức là người đứng đầu của Đảng Cộng Sản trên toàn đất nước Liên Xô. Năm 1955, Khrushchev gạt Malenkov ra khỏi chức vụ Thủ Tướng, thay bằng người do mình chọn lựa là Thống Chế Nikolay A. Bulganin.
Để củng cố địa vị của mình và của các đảng viên cải cách, Khrushchev đã phát động một cuộc tấn công Stalin, kể ra rất nhiều tội ác của nhà độc tài này, trong phiên họp kín nhân kỳ Đại Hội Đảng Lần Thứ 20 vào tháng 2 năm 1956. Khrushchev đã mô tả các chi tiết theo đó Stalin là con người tàn ác, lạm dụng quyền hành, đã tố cáo ngụy tạo các người cộng sản vô tội là làm gián điệp, hành hạ họ để lấy lời khai và giết chết hàng ngàn đảng viên trung thành. Stalin đã tin tưởng tuyệt đối vào Hitler, làm hỏng cách phòng thủ quốc gia trước khi quân Đức Quốc Xã xâm lăng vào tháng 6/1941, đã làm suy yếu Hồng Quân do thanh trừng các tướng lãnh cao cấp, đã lưu đầy nhiều sắc dân thiểu số và đề cao cá nhân bằng mọi phương pháp có thể tưởng tượng ra được. Trong hàng giờ, cuộc tấn công này nếu ở vào giai đoạn trước, bị coi như bài diễn văn chống Cộng của phe tây phương.
Vào dịp tố cáo các tội ác to lớn của Stalin, Khrushchev còn nhắc tới vụ thanh trừng Leningrad xẩy ra vào năm 1948 và tin rằng các lời tố cáo về âm mưu và phản bội của các bị cáo đều là giả tạo. Khrushchev đã chỉ rõ Lavrenty P. Beria, tay trùm mật vụ, và V.S. Abakumov, bộ trưởng Công An (minister of state security) là phải chịu trách nhiệm tạo dựng nên vụ sát hại Zhdanov và các đảng viên dưới quyền bằng cách chứng thực các lời tố cáo với Stalin. Abakumov bị hành quyết vào tháng 12 năm 1957 vì can dự vào vụ thanh trừng Leningrad kể trên, đồng thời để củng cố vị trí lãnh tụ đảng, Khrushchev đã khai thác hữu hiệu sự nhúng tay của Malenkov vào nhiều tội ác.
Một trong các nhân vật cộng sản hàng đầu bị Khrushchev tố cáo là Beria. Lavrenty Pavlovich Beria (1899-1953) tham gia đảng Cộng Sản năm 1917, lập nhiều công trạng tại hai xứ Azerbaijan và Georgia trước khi được huấn luyện về các hoạt động tình báo và phản tình báo từ năm 1921. Beria là trưởng cơ quan mật vụ Cheka của miền Georgia, qua năm 1932 trở nên lãnh tụ đảng của miền Transcaucasian rồi là người đích thân giám sát các vụ thanh trừng chính trị của Stalin từ năm 1936 tới năm 1938. Cũng vào năm 1938, Beria là phụ tá của Nikolay Yezhov, trùm mật vụ Xô Viết NKVD. Sau khi Yezhov bị bắt và bị hành quyết theo lệnh của Stalin, Beria là người chỉ huy mật vụ từ năm 1938 tới năm 1953, với nhiệm vụ giám sát các vụ thanh trừng, trông coi các trại cải tạo lao động trên toàn Liên Xô. Tháng 2/1941, Beria là Phó Thủ Tướng rồi trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai, là ủy viên của Ủy Ban Quốc Phòng Nhà Nước (the State Defense Committee), vào lúc này, Beria vừa phụ trách phần an ninh trong nước lẫn công việc sản xuất các nguyên vật liệu do các tù nhân cải tạo. Năm 1945, Beria được phong Thống Chế (hay Nguyên Soái) của Liên Xô (a marshal). Beria là ủy viên của Ủy Ban Trung Ương Đảng (the Central Committee of the Communist Party) từ năm 1934 và ủy viên Bộ Chính Trị (the Politburo) từ năm 1946. Khi Bộ Chính Trị được tổ chức lại thành Chủ Tịch Đoàn (the Presidium) vào năm 1952, Beria vẫn còn nằm trong cơ cấu tối cao này.
Sau khi Stalin qua đời vào tháng 3/1953, Beria là một trong bốn Phó Thủ Tướng và đứng đầu Bộ Nội Vụ. Trong cuộc tranh giành quyền lực, Beria đã muốn dùng địa vị của trùm mật vụ trong cả nước để kế nghiệp Stalin, làm nhà độc tài. Tuy nhiên, qua tháng 7/1953, tập đoàn chống Beria do Georgi M. Malenkov, Vyacheslav M. Molotov và Nikita S. Khrushchev đã thắng. Beria bị bắt, bị tố cáo công khai là một điệp viên của tư bản (an imperialist agent), đã gây nên nhiều tội ác chống Đảng và chống Nhà Nước. Sau phiên tòa xét xử vào tháng 12/1953, Beria bị hành quyết tức khắc.
Về sau, trong cuộc tranh luận sôi nổi xẩy ra vào tháng 7 năm 1957, Khrushchev còn chỉ vào hai đệ tử trung kiên của Stalin là Molotov và Kaganovich mà nói: Bàn tay của các anh đã nhuốm máu của các lãnh tụ đảng của chúng ta và máu của vô số đồng chí Bolsheviks vô tội (Your hands are stained with the blood of our party leaders and of innumerable innocent Bolsheviks). Molotov và Kaganovich cũng lớn tiếng đáp lại: Bàn tay của anh cũng vậy (So are yours!). Với sự giúp đỡ của Thống Chế Georgy Zhukov, Khrushchev đã loại vĩnh viễn ra khỏi quyền lực Georgi Malenkov, Vyacheslav M. Molotov và vài nhân vật quan trọng khác, họ bị gán cho là các thành phần chống đảng. Vài tháng sau, vào tháng 10/1957, Thống Chế Zhukov cũng bị mất chức bộ trưởng Quốc Phòng rồi kể từ tháng 3/1958, Nikita S. Khrushchev kiêm nhiệm luôn chức Thủ Tướng của Liên Bang Xô Viết.
Bài diễn văn kín của Khrushchev đã được đọc trong các buổi họp đảng trên khắp nước Liên Xô để làm mạnh thêm phong trào cải cách. Phong trào Bài Stalin đã làm lung lay độc quyền chính trị của đảng Cộng Sản, trong khi đó phong trào cải cách đã chú ý nhiều hơn vào các nhu cầu và các ước muốn của người dân Nga, đã chuyển tài nguyên từ kỹ nghệ nặng và quân sự sang các nông phẩm và hàng tiêu dùng. Cách kiểm soát công nhân theo chế độ Stalin-nít được nới lỏng, tòa án được độc lập hơn trong việc xét xử, nhất là đối với các tội phạm không thuộc chính trị. Nhiều triệu tù nhân chính trị được thả ra khỏi các trại lao động cải tạo của Quần Đảo Ngục Tù Gulag, bầu không khí chính trị trong xứ Liên Xô được tự do hơn đôi phần và lãnh tụ Khrushchev được lòng người dân nhiều hơn.
Trong thập niên 1960, mức sống của người dân Liên Xô đã được cải tiến dần, vào năm 1970, họ có thể mua được gấp hai lần số thực phẩm, ba lần số quần áo và 12 lần số đồ gia dụng hơn là trong thập niến 1950, dù rằng còn rất thấp so với mức sống của người dân Đông Âu.
Phong trào bài Stalin do Khrushchev khởi xướng, đã tạo nên niềm phấn khởi cho các nhà trí thức và các nhà văn bởi vì những người này đang đói khát nền tự do văn hóa. Nhà thơ lớn Boris Pasternak (1890-1960) đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết dày Bác Sĩ Zhivago vào năm 1956, ông ta là người đã sống sót qua thời kỳ thanh trừng của Stalin nhờ ẩn mình phiên dịch các tác phẩm của Shakespeare. Bác Sĩ Zhivago vừa là một tác phẩm văn chương cỡ lớn, vừa là một điều thách đố mạnh mẽ trước chế độ Cộng Sản bởi vì cuốn truyện này đã kể lại một nhân vật trí thức trước thời kỳ Cách Mạng Tháng 10, đã bài bác bạo lực và sự tàn nhẫn của cuộc Cách Mạng năm 1917 và của những năm do Stalin cai trị và theo như cốt truyện, nhân vật chính Iouri dù cho bị hủy diệt nhưng được coi là chiến thắng do bởi tinh thần nhân đạo và thiên chúa giáo. Nhà thơ Boris Pasternak đã được trao tặng Giải Thưởng Nobel về Văn Chương năm 1958 nhưng đã bị chính Khrushchev ép buộc phải từ chối Giải Thưởng danh tiếng kể trên. Từ nay, nhiều nhà văn, nhà thơ có tài người Nga khác đã can đảm theo gương của Pasternak trong việc biểu lộ đặc tính tự do trong sáng tạo.
Một nhà văn danh tiếng khác là ông Alexander Solzhenitsyn (1918-2008) cũng viết ra tác phẩm Một Ngày trong Cuộc Đời của Ivan Denisovich (One Day in the Life of Ivan Denisovich) vào năm 1962. Cuốn tiểu thuyết này mô tả cuộc sống ảm đạm trong một trại tù cải tạo dưới thời Stalin, đây là kinh nghiệm thực sự của chính tác giả khi bị kết án một cách bất công và phải chịu cảnh hành hạ tàn nhẫn.
Về phương diện ngoại giao, Khrushchev cũng bài Stalin trong các chính sách đối ngoại bằng cách biện luận rằng đối với chế độ tư bản, có thể sống chung hòa bình được và có thể tránh khỏi cuộc chiến tranh toàn cầu. Trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng Thống Hoa Kỳ Dwight Eisenhower, Khrushchev đã đồng ý vào năm 1955 về một nước Áo (Austria) trung lập sau khi nước này ở dưới quyền chiếm đóng của các quốc gia Đồng Minh. Đây là cách giảm bớt căng thẳng trong cuộc chiến tranh lạnh và Khrushchev còn tuyên bố rằng có nhiều con đường dẫn tới Xã Hội Chủ nghĩa, tức là hòa dịu với lãnh tụ Josif Tito của nước Nam Tư. Đồng thời, Khrushchev cũng ve vãn các nước thuộc châu Á và châu Phi, hứa hẹn với họ các trợ giúp.
Chủ trương bài Stalin của Khrushchev đã khuyến khích các nước vệ tinh Đông Âu nổi dậy. Do phải chịu đựng quá nhiều đau khổ dưới thời Stalin, các nhà cải cách Cộng Sản và dân chúng Đông Âu đã lợi dụng cơ hội này để sớm tìm kiếm thêm các thứ tự do và nền độc lập quốc gia. Ba Lan là nước dẫn đầu trong cách đòi hỏi dân chủ vào tháng ba năm 1956. Tại nước Ba Lan, giới nông dân không bị bắt buộc tham gia vào các nông trường tập thể và đạo Cơ Đốc (Catholic) còn được phép hoạt động. Các cuộc bạo động phản đối chính quyền tại Ba Lan đã khiến cho nhà cầm quyền cộng sản địa phương phải thả ra khỏi nhà tù hơn 9,000 tù nhân chính trị, kể cả một nhân vật trước kia bị thanh trừng là ông Wladyslaw Gomulka. Ông Gomulka đã bị tống giam vào năm 1951 vì muốn thiết lập nên một chính quyền cộng sản độc lập với Liên Xô. Khi lên nắm quyền hành lần này, ông Gomulka đã khéo léo làm dịu các tư tưởng chống Liên Xô và đạt được nhiều quyền tự trị cho xứ Ba Lan.
Xứ Hungary đã trải qua một cuộc nổi dậy bi thảm. Khởi đầu do các sinh viên và các công nhân, tức là thành phần cách mạng đô thị cổ điển, người dân Budapest đã thiết lập nên một chính quyền cộng sản cải cách mới vào ngày 23 tháng 10 năm 1956, đòi hỏi quân đội Liên Xô phải rút ra khỏi xứ này, đòi hủy bỏ chế độ độc đảng độc tài và hứa hẹn các tự do bầu cử, tự do biểu lộ tư tưởng cũng như nhiều thay đổi xã hội. Điều đáng lo ngại nhất đối với Liên Xô vào thời kỳ đó là chính quyền Hungary mới chủ trương trung lập, từ bỏ liên kết quân sự với Liên Xô. Giống như năm 1849, Liên Xô đã cho quân đội đàn áp tàn bạo cuộc cách mạng dân chủ này.
Vào ngày 4 tháng 11 năm 1956, lực lượng Xô Viết gồm 4,000 chiến xa, đã tấn công và chiếm thành phố Budapest cũng như nhiều thành phố khác. Từ 25,000 tới 50,000 người nổi dậy bị giết cùng với 7,000 quân Xô Viết thiệt mạng. Hơn 200,000 người dân Hungary bỏ chạy ra khỏi xứ trong khi đó hàng ngàn người khác bị bắt, bị hành quyết hay đưa qua các trại tù lao động cải tạo bên trong xứ Liên Xô. Người cộng sản Nga đã thiết lập tại đây một chính quyền mới, thân Liên Xô, dưới quyền lãnh đạo của ông Janos Kadar.
Người dân Hungary đã chống cự quân đội ngoại quốc Liên Xô vì tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ can thiệp và giúp đỡ theo như lời tuyên truyền, nhưng khi sự việc này không xẩy ra bởi vì Hoa Kỳ không muốn vướng mắc vào một cuộc chiến tranh toàn diện, dân chúng Hungary đành phải khuất phục trước bạo quyền và từ nay, đất nước này lại phải theo đúng các đường lối do Liên Xô vạch ra.
3. Khrushchev bị hạ bệ
Vào tháng 10 năm 1962, nhà thơ trẻ được nhiều người biết tới là Yevgeny Yevtushenko đã phổ biến trên tờ báo Sự Thật (Pravda) một bài thơ có tên là Các Người Thừa Kế của Stalin (Stalin’s Heirs), công kích các đảng viên bảo thủ Stalin-nít. Bài thơ có tính cách chính trị này đã được sự chấp thuận của chính Khrushchev. Đây là lời phản kháng cuối cùng, bởi vì trong vòng hai năm, Khrushchev bị hạ bệ khi đang đi nghỉ ngơi trên bờ biển Crimea, bởi nhóm đảng viên cao cấp theo Leonid Brezhnev. Phong trào bài Stalin lan rộng đã khiến cho quyền hành độc tài của đảng Cộng Sản bị đe dọa, các chỉ trích có thể tới tầm vóc không thể kiểm soát nổi và đảng Cộng Sản phải siết lại phong trào này khi còn hạn chế được, vì vậy đây là lúc Khrushchev phải ra đi.
Một lý do khác khiến cho Khrushchev bị hạ bệ là chính sách ngoại giao của ông ta. Mặc dù vài thành công tại Ai Cập và Ấn Độ, đường lối của Khrushchev bị coi là không thành công. Vào năm 1958, Khrushchev đã ra lệnh cho các đồng minh phương tây phải rời khỏi Tây Bá Linh trong vòng 6 tháng, sự việc này đã khiến cho phe phương tây đoàn kết lại. Rồi sau đó liên lạc với Trung Cộng suy giảm thảm hại và ông ta còn ra lệnh xây dựng bức tường ngăn cách giữa hai miền Đông và Tây Bá Linh, vi phạm các thỏa ước với các siêu cường khi trước. Khrushchev còn ra lệnh đặt các phi đạn nguyên tử tại xứ cộng sản Cuba khiến cho Tổng Thống Kennedy đã phong tỏa Cuba, khủng hoảng ngoại giao rất căng thẳng khiến cho các hỏa tiễn Liên Xô phải bị tháo gỡ và rút lui, rồi sau biến cố này, uy tín của Khrushchev xuống dốc rất nhanh.
Sau khi Brezhnev lên nắm quyền vào năm 1964, các người Cộng Sản chỉ nhắc tới các ưu điểm của Stalin mà cố quên đi các tội ác to lớn của nhà độc tài này. Họ chỉ ca tụng các thành quả nhanh chóng về kỹ nghệ hóa và các chiến thắng Đức Quốc Xã của thời đại Stalin và nhắc nhở cho dân chúng Nga biết rằng sẽ không có các thay đổi đáng kể. Liên Xô từ nay lại bắt đầu các chương trình lớn lao xây dựng các lực lượng hải quân và không quân để có thể can thiệp vào các nơi xa xôi như Cuba, Afganistan và Việt Nam. Brezhnev đã theo đuổi đường lối thận trọng hơn, tránh đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ và tỏ ra sẵn lòng sống chung hòa bình với khối phương tây.
Các cố gắng cải tiến hệ thống cộng sản Xô Viết của Nikita S. Khrushchev đã gây được nhiều ảnh hưởng đáng kể tới giới trẻ tại Liên Xô, những người này về sau đã phục vụ chính quyền dưới thời của nhà lãnh tụ Mikhail Gorbachev .
Phạm Văn Tuấn