Ô. Phạm văn Hàm, Chủ Tịch, Hội Ái Hữu Luật Khoa, Nam CaliforniaẢnh trích từ Video Freevn.net
TP Phạm Văn Hàm: Giới Thiệu Luật Sư Lưu Nguyễn Đạt, Tác Giả LƯU NGUYỄN ĐẠT, DÒNG THƠ 50 NĂM
Kính thưa quý vị quan khách và thân hữu,
Hội Ái Hữu Luật Khoa/Nam California rất hân hạnh được là một trong số những hội đoàn yểm trợ tinh thần cho buổi Ra Mắt Sách ngày hôm nay của đồng nghiệp LS Lưu Nguyễn Đạt và Nhà Nhân Quyền Huỳnh Thục Vy. Nay trân trọng giới thiệu LS Lưu Nguyễn Đạt, tác giả của thi phẩm toàn bộ LƯU NGUYỄN ĐẠT, DÒNG THƠ 50 NĂM với quý vị.
Thưa quý vị,
Chắc hẳn là anh Lưu Nguyễn Đạt không còn xa lạ đối với số đông quý vị hiện diện trong Hội trường ngày hôm nay, bởi vì năm ngoái, vào ngày 7-12-2014, cũng chính tại Hội trường này, thi phẩm song ngữ Lời Của Cát – Paroles De Sable của anh đã được đông đảo chúng ta đón nhận nồng nhiệt với số người tham dự đầy kín hội trường và tràn ra ngoài hành lang. Anh còn được rất nhiều người biết đến qua hoạt động đa dạng của anh trên nhiều lãnh vực như Giáo Dục, Văn hóa, Nghệ thuật & Truyền thống, mà tôi xin trình bầy sau đây:
GIÁO DỤC:
Anh theo học bậc trung học tại các trường Lycée Albert Sarraut Hà-nội và Lycée Yersin Đà-lạt nên có nhiều thuận lợi ở bậc đại học tại hai trường Đaị Học Luật Khoa và Văn Khoa Sài-gòn, giúp anh tốt nghiệp nhanh chóng [Cử Nhân Luật Khoa & Cử Nhân Văn Chương Pháp] và sau đó trở thành Luật sự Thực Thụ Toà Thượng Tham Huế và Sài-gòn. Đồng thời, Anh đã trở về giảng đạy tại Lycée Pascal, Đà-Nẵng và Lycée Yersin, Đà-lạt.
Sau 1975 định cư tại Hoa Kỳ, anh còn tiến xa hơn nữa với văn bằng Cao học và Tiến sị Văn Chương Pháp [MA & PhD] tại Michigan State University; rồi Cao Học và hậu Tiến sĩ Luật tại Đaị Học Howard Law School. Nhờ đó Anh đã trở thành Giảng Sư Pháp Văn tải trường Đaị Học Michigan State [MI], Hood College [MD]; Phối hợp viện giáo huấn đa ngữ đã văn [PEO, School of Education] tại University of Michigan và Director of International Legal Aid Center/Herman M. Sawyer Law Offices tai Fall Church, VA, USA.
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT, BÁO CHÍ, TRUYỀN THÔNG
Anh từng làm Chủ nhiệm sáng lập/Chủ bút các tập san Carrefour (1960, ĐH Văn Khoa Sài-gòn); Group Creation (1976, MSU); Cỏ Thơm (1996), Tư Tưởng Việt (2003); Diễn Đàn Việt Thức (2010). Báo điện tử này được đánh giá cao với tin tức phong phú, được chiếu cố bởi nhiều độc giả tại Hải Ngoại và trong Nước.
Ngoài ra anh còn là một họa sĩ đã có vào khoảng 18 cuộc triển lãm tranh và điêu khắc tại Việt Nam trước 1975 và sau đó tại Hoa Kỳ. Anh cũng từng là Tổng Thư Ký Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam (1973-1975).
Những người ty nạn chúng ta nêu có ai trở lại Camp Pendleton thì sẽ thấy tại cổng trại bức tượng “Bàn Tay Hy Vọng” – “Hand of Hope” [đúc bằng ciment cốt sắt/béton armé, cao 9 ft, móng sâu 9 ft] do LS Lưu Nguyễn Đạt [Hoạ sĩ, điêu khắc gia tạo dựng và tặng Trại TQLC Camp Pendleton, San Clemente, California vào đúng Ngày Độc Lập July 4, 1975. “Bàn Tay Hy Vọng – “Hand of Hope” tiêu biểu cho “Hy Vọng” đứng dậy & khởi phát của [hậu duệ] Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hoa Kỳ và trên Thế Giới Tự Do.
TÁC PHẨM ĐÃ VÀ ĐANG XUẤT BẢN
Anh Lưu Nguyễn Đạt đã trước tác 8 thi phẩm: Vùng Cao Nước Ẩn (Cỏ Thơm, 1999); Hồn Nước (Cỏ Thơm, 2002)); Ca Tụng Niệm (Dạ Hà, 2005); Như Hoa (Dạ Hà, 2006); Nắng Đêm (Việt Thức, 2007); Thơ Xanh (Việt Thức, 2009); Ân Tình (Việt Thức, 2010); Sóng Gào (Việt Thức, 2014).
Ngoài ra, Lời Của Cát— Paroles De Sable là thi phẩm song ngữ do Việt Thức xuất bản năm 2014. Còn Thi phẩm Lưu Nguyễn Đạt, Dòng Thơ 50 Năm (Việt Thức, 2015) là thi phẩm toàn bộ gồm 8 thi phẩm ghi trên.
Anh còn cho xuất bản Văn Luận (Cỏ Thơm, 2000); Cẩm Nang Luật Pháp Hoa Kỳ (Việt Thức, 2010) và Thời Luận Văn Luận (Việt Thức, 2016). Cũng trong năm 2016, Tủ Sách Việt Thức sẽ xuất bản Tuyển Tập Nhân Văn, Mùa Xuân 2016 & Tuyển Tập Nhân Văn, Mùa Thu 2016
Thưa quý vị,
Với thời lượng eo hẹp, tôi e rằng khó mà trình bày đầy đủ việc làm và thành quả của LS Luu Nguyễn Đạt, người đồng môn đa tài và dễ mền.
Với tinh thần hiếu khách, yêu thơ văn cũng như kiên quyết bảo tồn tiếng Việt của Cộng đồng Người Việt tại Nam California, xin quý vị dành cho LS Luu Nguyễn Đạt những cảm tình nồng hậu nhất.
Sau hết, trước thêm năm mới, xin kính chúc quý vị và bưu quyến năm mới AN-KHANG & THỊNH VƯỢNG, một năm toàn hảo nhất.
Xin trân trọng cảm ơn và kính chào.
TP Phạm văn Hàm
Chủ Tịch, Hội Ái Hữu Luật Khoa, Nam California
LƯU NGUYỄN ĐẠT: “Ý Niệm Thơ Văn Nhân Bản, Nhân Nghĩa, Nhân Phẩm”
Văn Thi Sĩ Lưu Nguyễn Đạt. Ảnh trích từ Video Freevn.net
Thưa Quý Vị, Quý Bạn
Thật là một vinh hạnh cho tôi được gặp lại quý vị, quý bạn tại Viện Việt Học, nơi mà tôi rất quý mến nhờ cảm tình mà GS Nguyễn Khắc Hoạch đã dành cho tôi trong quá khứ, gần 60 năm trước đây, nay được nối lại bằng sự tiếp đón nồng hậu của Hội Đồng Điều Hành Viện Việt Học.
Xin cảm ơn Viện Việt Học, Xin cảm ơn TP Phạm Văn Hàm, Chủ Tịch Hội Ái Hữu Luật Khoa, Nam Cali. Xin cảm ơn LS Nguyễn Hữu Thống, LS Hồng Vân, Hội Luật Gia VN đã tới từ San Jose. Xin cảm ơn Ban Tổ Chức. Và nhất là, xin cảm ơn quý Đồng Nghiệp, Quý Bạn Hiền, những tâm hồn hiếu khách, trọng văn đã vui lòng tham dự đông đủ Buổi Ra mắt Sách hôm nay.
Xin cảm ơn nắng ấm Nam Cali mà 40 năm trước đây vợ chồng, con cái chúng tôi đã bước chân tới Vùng Đất Hứa, nơi mà tôi tạo dựng và để lại Bức Tượng Hand of Hope, Bàn Tay Hy Vọng tại Khu Tiếp Cư Trại Marine Camp Pendleton, San Clemente, CA.
Niềm hy vọng đó hôm nay vẫn tồn tại trong câu chuyện chia sẻ với Quý Vị, Quý Bạn khi chúng ta đề cặp tới “Ý Niệm Thơ Văn Nhân bản, Nhân Nghĩa, Nhân Phẩm” của hai tác giả Lưu Nguyễn Đạt & Huỳnh Thục Vy.
Thưa Quý Vị, Quý Bạn,
Thế nào là “Nhân Bản, Nhân Nghĩa, Nhân Phẩm”?
Trước hết, Nhân Bản” là sự hiện hữu đúng bản ngã, ý trí và đức độ của con người chủ thể một cuộc sống chân chính;
“Nhân nghĩa” là cách thể hiện đúng đức nhân trong cung cách cư xử thích hợp, thuận hoà, công bằng, nhân từ giữa cá nhân với cá nhân; giữa cá nhân với cộng đồng. Trong “Nhân Nghĩa” có Nhân Tâm, Nhân Hoà.
Còn “Nhân Phẩm” là phẩm chất, giá trị, danh dự, lương tâm và đạo đức hướng thượng của con người tự trọng.
Theo quan niệm trên, Chế độ CSVN chỉ thắng chúng ta bằng bạo lực, lừa lọc và gian xảo nên không hề được coi là kẻ “Thắng Cuộc”. Trước toàn dân và dòng lịch sử đích thực, CSVN chỉ là một chế độ tiếm quyền, cướp nước, nên có không có chính danh; lại không có chính nghĩa vì suốt 70 năm qua họ từng coi rẻ, miệt thị, áp bức, sách nhiễu, sát hại người dân dưới mọi hình thức. Họ còn xoá nhoà địa danh, hải phận và quốc hồn Việt Nam; xoá nhoà căn cước và phẩm giá người Dân Việt. Họ hoàn toàn thất nhân tâm và không hề thực sự chủ trương nhân hoà. Cái “Hoà Hợp, Hoà Giải Dân Tộc” của họ nặng mùi bịp bợm, kiểu “Nghị Quyết 36”, trá hình “Cải Tạo”.
Phản ứng chính đáng của chúng ta, thành phần tỵ nạn lưu vong và dân oan tỵ nạn trong nước là tranh đấu, là chống đối CSVN. Nhưng chúng ta không thể “Chống Cộng” chỉ bằng bạo lực, bằng khủng bố trả đũa, bằng gian xảo, vu khống chụp mũ như ngưòi CS, vì chúng ta không thể ác ôn bằng họ. Và nhất là chúng ta không nỡ, không đành lòng phạm pháp và sai quấy như người CS.
Sức mạnh của chúng ta là tranh đấu cho lẽ phải, tức bênh vực và bảo trọng sự thật; bênh vực và bảo trọng cung cách nhân bản, thể hiện qua nhân nghĩa, nhân phẩm.
Sức mạnh thực sự của chúng ta là “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.
Thưa Quý Vị, Quý Bạn: ý niệm nhân bản, nhân nghĩa, nhân phẩm đó cũng là cốt tủy và hy vọng của HUỲNH THỤC VY, qua NHẬN ĐỊNH SỰ THẬT, TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN.
Qua tác phẩm này, chúng ta sẽ thấy tâm hồn của một nữ anh thư trẻ, một công dân Việt tuy bị bạo quyền CSVN sách nhiễu, phương hại, mà vẫn miệt mài dấn thân tranh đấu cho lý tưởng nhân bản, nhân nghĩa, nhân phẩm.
Đối với Huỳnh Thục Vy, người dân không thể mãi mãi là dân oan, là nô dân bị “pháp quyền” [rule by law] hay luật rừng đảng phiệt CSVN thống trị; mà phải là đối tác và đối tượng của nền pháp trị [rule of law] mà mọi pháp thể phải thượng tôn luật pháp, mà người dân vừa có quyền, vừa có trách nhiệm.
Do đó chỉ có sự thật mới giúp người dân lĩnh hội cung cách và vị trí của mình trong xã hội; chỉ có sự thật mới giúp định hướng quốc sách kinh bang tế thế, an dân, cứu nước một cách đích thực.
Đối với Huỳnh Thục Vy, người dân chỉ đạt được tự do, khi vượt thoát sợ hãi, vượt bỏ an toàn giả tạo a tòng thể chế đảng phiệt.
Vậy “Muốn có một nền dân chủ thì phải có trước hết những người dân chủ…hiểu rõ tầm quan trọng của tự do cá nhân và sự đa nguyên của xã hội.”
Huỳnh Thục Vy nhận định một cách sáng suốt, hợp tình, hợp lý: “Có lẽ công bằng không đẹp đẽ như lòng nhân ái, cũng không sáng giá như trí tuệ, nhưng nó lại có thể giúp chúng ta yên tâm sống một cách tự do trong xã hội mà không sợ bị ngược đãi.”
Cuối cùng, nhân phẩm, giá trị, danh dự, lương tâm và đạo đức hướng thượng của con người mới là chính yếu, mới là tối thượng. Theo Huỳnh Thục Vy, “Dân chủ-tự do có thể là mục tiêu của cả một đời người, cả một thế hệ…Nhưng…Nó chỉ là phương tiện để đạt đến một cái đích to lớn và vĩnh cửu: sự phồn thịnh của quốc gia và sự thăng tiến mọi mặt của dân tộc…của nhân loại.”
Thưa Quý Vị, Quý Bạn: ý niệm nhân bản, nhân nghĩa, nhân phẩm đó cũng là cốt tủy và hy vọng của LƯU NGUYỄN ĐẠT, DÒNG THƠ 50 NĂM;
Bên cạnh thi phẩm song ngữ LỜI CỦA CÁT, PAROLES DE SABLE, DÒNG THƠ 50 NĂM gồm 8 thi phẩm với gần 700 bài thơ đã lần lượt quy tụ và phát huy một nhân sinh quan và mộtộ vũ trụ quan trong đó sự đoàn tụ và chia lìa; mất mát và thấy lại là những trạng thái lưỡng thể song hành.
Do đó, đối với Lưu Nguyễn Đạt, thơ thể hiện trào lực tìm kiếm nhân bản của chính mình, tìm kiếm đối tác và đối tượng của một cuộc hành trình đoàn tụ hiện sinh nhân bản.
Thơ là mạch cảm xúc sáng tạo bổ túc cho lý trí hạn hẹp, bế tắc. Từ đó thơ là hy vọng tái tạo ngay trong đổ vỡ, mất mát; là niềm tin của kẻ thất vọng; là mặc khải tư do của tù nhân lương tâm. Như mạch sống của những con song khô cạn, bỗng hồi lực tìm ra biển cả.
Thơ cũng là đam mê chữ nghĩa. Thật vậy, thơ có khả năng soi sáng và đột phá ngôn ngữ tới đáy cùng của dấu hiệu, vì thi ngữ có xu hướng tái tạo mặt chữ khi chữ nghịa khô cằn hay sáo mòn. Thơ sẵn sàng rửa sạch những con chữ bị ô uế bởi chính huấn nhiễm độc, bởi tuyên truyền nhục mạ.
Sứ mạng của thơ là tẩy xoá, tháo gỡ mọi mục nát, tăm tối, mù loà trong cuộc sống hằng ngày để khoác lên ngôn từ những tấm áo tao nhã, đa dạng, và từ đó khơi mào thứ ánh sáng tái tạo màu nhiệm ngay trong tâm tưởng con người khao khát hy vọng và lẽ sống cao đẹp.
Vậy, thơ chính là âm hưởng vang vọng cuộc hành trình thiên-nhân-địa, mà con người là trục nối giữa đất và trời; giữa hà tì và tuyệt đối; giữa đổ vỡ và nguyên vẹn; giữa bất toại và lý tưởng tuyệt mỹ của con người hồi hướng, hồi tâm.
Thơ tôn vinh ân ái, tình người, tình đất nước, tình thiên nhiên ở một nhiệt độ, một vị say hướng thượng, cao quý nhất. Tôi đã dành cả một thi phẩm lấy tên CA TỤNG NIỆM để xác định thơ tự tại ngay trong lời ca tụng những ý niệm cao đẹp, ca tụng sức mãnh liệt mầu nhiệm của tình yêu và hạnh phúc, của lẽ phải nhân hoà.
Thơ sẵn có ngay tâm thức của độc giả, của những ai có dịp gần gũi, đối diện dòng thơ, như một ánh lửa, một chất say tự tại, có thể bộc phát khi có cơ hội, và cũng vụt tắt khi không còn người nuôi dưỡng nó.
Thưa Quý Vị, Quý bạn:
Văn học nghệ thuật, vốn là khía cạnh sáng tạo của văn hóa, tiêu biểu cho sự chuyển biến của tư tưởng và cảm xúc, trong không gian và thời gian, để đạt tới một mức độ thăng bằng giữa nhân sinh quan và vũ trụ quan. Như vậy, dù tư tưởng và cảm xúc con người có thay đổi với đà tiến hoá của lịch sử và nhu cầu của cuộc sống, lẽ sinh tồn vẫn cho phép con người hướng về sự bảo toàn của nhân phẩm và hạnh phúc con người, dù là tạm bợ, dù là tương đối.
“Có” nhân phẩm và hạnh phúc trong đời sống phải được coi là một trạng thái bình thường, hoặc một cứu cánh tất nhiên. Ngược lại, “mất” nhân phẩm và “thiếu” hạnh phúc là một khiếm khuyết trầm trọng, một tình trạng bấp bênh, không thể kéo dài mãi mãi.
Vực sâu của những hà tì, những thiếu sót đó phải được bù đắp bằng những trào lực tiếp ứng thành khẩn, những ước vọng và yêu sách chính đáng.
Con người ắt sẽ có hạnh phúc khi ánh sáng đạo đức cốt lõi của tư tưởng nhân bản được khai triển đúng mức. Khi con người chân chính quyết tâm tạo dựng và bảo tồn một xã hội nhân bản có nhân nghĩa, nhân phẩm, nhân hoà.
Xin trân thành cảm ơn Quý Vị, Quý Bạn.
TS LS Lưu Nguyễn Đạt
Viện Việt Học, Westminster, CA
27 tháng 12 năm 2015
Ô. Phạm Thanh Liêm: “Vài Cảm Nhận Về Thơ Văn Lưu Nguyễn Đạt”
Phạm Thanh Liêm, Chủ Tịch Hiệp Hội Người Việt San Diego. Ảnh trích từ Video Freevn.net
Kính Thưa quý vị,
Tôi có dịp được tiếp xúc với nhà thơ Tiến Sĩ Lưu Nguyễn Đạt trong dịp Luật Sư xuống San Diego ra mắt tập thơ Lời Của Cát — Paroles de Sable ở Hiệp Hội Người Việt San Diego, và một dịp nữa khi Luật Sư được mời phát biểu trong dịp tưởng niệm 40 năm ngày Quốc Hận do Hiệp Hội Người Việt San Diego phối họp tổ chức trên Hàng Không Mẫu Hạm Midway và tại trụ sở của Hiệp Hội Người Việt San Diego.
Tôi đã đem tâm tình của tôi vào thơ của thi sĩ qua bài thơ “Chỉ Một”
Tôi chỉ một mối tình
Và chỉ một Quê Hương
Mối tình đó là em
Quê Hương kia em đó
Tôi chỉ một nỗi niềm
Và chỉ một lòng tin
Tình yêu là biển cả
Đời ta là giọt sương
Tôi chỉ một con đường
Và chỉ một bước đi
Tiến hay lui cũng vậy
Em mãi mãi đâu đây
Tôi chỉ một dòng thơ
Hạt cát cùng nước ẩn
Em là nguồn bất tận
Và gốc rể ân cần
Tôi chỉ một nổi nhớ
Từ trước cả thời gian
Từ khi em nhân loại
Từ duyên kiếp hồng hoang
[Lưu Nguyễn Đạt, Lời Của Cát — Paroles De Sable, Việt Thức, 2014]
Hôm nay tôi lại được hân hạnh lên đây thưa chuyện cùng quí vị về tuyển tập “Lưu Nguyễn Đạt, dòng thơ 50 năm”.
Thưa quí vị,
Trong “dòng thơ 50 năm” thường xuất hiện 3 chữ Tình, Em Và Nước. Tình đây phải chăng là tình dân tộc, tình quê hương. Em đây phải chăng là người yêu nhân loại, thế hệ mai sau. Nước đây phải chăng là nguồn sống, dòng định mệnh.
Hiện tượng “EM” trong “dòng thơ 50 năm” là một khái quát của tác giả đối với đất nước:
Ta đem tư tưởng ân cần
Lên non khép kín
Vực ngâu vũng sầu
Bắt nguồn từ mối tình đầu
Là em là nước
Là cầu bắt ngang
Với lòng yêu nước, ái náy cho lịch sử dân tộc, nhà thơ đã phô bầy cho chúng ta thảm cảnh của một đất nước dưới sự đọa đày của chế độ Cộng Sản:
Tù ải quanh năm gối nhục màu
Cải tạo tay lòng chân xích hậu
Tác giả đã vạch rõ tương lai xây dựng xã hội chủ nghĩa của bọn xâm lăng thực hiện thiên đàng Cộng Sản, Trong đó:
Công lý bẻ cong chử tật nguyền
Nước mắt bờ vây thành hý viện
Đó đây lời lẽ vẫn huyên thuyên
“EM” qua dòng thơ 50 năm còn mang ý nghĩa cao cả hiện thân bất khuất của nguồn gốc dân tộc. Sau khi đất nước gặp thời nghiêng ngã mất vào tay Cộng Sản, thi sĩ khuyên những người con của Âu Cơ còn ở lại đất nước hãy giữ vững tâm trạng để đợi tới một ngày mai có sự thay đổi tươi sáng:
Hẹn con năm chục lên non
Giữ thân nguyên vẹn
Sống còn nay mai.
Đối với những người con ra đi tìm tự do nơi đất khách xa nhà, tác giả mong muốn có sự đoái hoài tới đất nước, hướng dẫn thế hệ trẻ ở hải ngoại đóng góp vào xã hội mới, làm sao gìn giữ được nền văn hoá cổ truyền dân tộc vì văn hoá còn thì đất nước còn.
Năm mươi xuống biển miệt mài
Cùng cha vượt sóng đoái hoài tự do
Thưa quí vị,
Đọc thơ của tác giả tôi đã tìm được sự đồng cảm với thi sĩ trong tình yêu dân tộc với hoài vọng có một ngày lớp trẻ được trở về quê hương xây dựng lại một đất nước có được tự do, nhân quyền. Đây đúng là hình ảnh của bàn tay “Hand of Hope” mà thi sĩ còn là một điêu khắc gia đã thực hiện trong bước đầu tỵ nạn tại căn cứ Camp Pendleton để nói lên bàn tay cưu mang của chính phủ Hoa Kỳ đã mở rộng để các em nhỏ bay bổng trong không gian hướng về một tương lai tươi sáng và mong một ngày trở về quê hương trong thanh bình tự do.
Trân Trọng kính chào quý vị.
Phạm Thanh Liêm
Chủ Tịch Hiệp Hội Người Việt San Diego
MC Đào Bích Ty Giới Thiệu Tác Giả Huỳnh Thục Vy
Kính Thưa quý vị,
Huỳnh Thục Vy [HTV], sinh ngày 20 tháng 11 năm 1985; Quê quán: Tam Kỳ, Quảng Nam, Việt Nam.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau nhiều năm bỏ học đi làm công nhân, HTV tốt nghiệp Cử nhân Luật Kinh tế, đại học viễn thục [distance learning]. HTV mong có dịp học thêm Cao học Chính Trị Học [Master online, Political Science], môn học HTV ưa thích nhất.
Tới nay, HTV đã trau dồi kiến thức qua việc đọc sách, tham khảo trên mạng, và học hỏi qua kinh nghiệm đấu tranh của mình và những người cùng lý tưởng xây dựng dân chủ tự do. Do đó, HTV “muốn ở lại Việt Nam để góp phần giữ lửa đấu tranh. Em nghĩ mình có nhiều việc phải làm ở Việt Nam trong những ngày sắp tới.”
Thật vậy, Huỳnh Thục Vy là một nhà hoạt động chính trị trẻ can trường trong nước và được quý mến tại hải ngoại. Cô là con gái của nhà văn bất đồng chính kiến Huỳnh Ngọc Tuấn, cựu tù nhân chính trị bị bắt năm 1992, ở tù cộng sản 10 năm và 4 năm quản chế. Em trai, Huỳnh Trọng Hiếu và em gái Huỳnh Khánh Vy đều là “bloggers” bất đồng chính kiến, bảo về nhân quyền.
Huỳnh Thục Vy cùng gia đình thường phát biểu lập trường văn hoá, chính trị, tôn giáo khác với quan điểm của nhà cầm quyền Hà-Nội, do đó cô và gia đình luôn luôn bị sách nhiễu và trừng phạt tại Tam Kỳ, Sài Gòn, Hà Nội.
Về nghề nghiệp, HTV là nhà báo tự do, viết cho các báo mạng và diễn đàn mạng tự do, chia sẻ về quan điểm bất đồng với chế độ độc tài hiện tại ở Việt Nam
Kể từ 2011, HTV vừa viết báo vừa chuyển sang hướng hoạt động bảo vệ Nhân quyền. Ngày 25.11.2013, tổ chức Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam được thành lập, với sự tham gia của các phụ nữ trên khắp nước và HTV là một trong 9 sáng lập viên & vận động viên của Tổ chức.
Trong năm 2012, Huỳnh Thục Vy được tặng Giải Hellmen/Hammett của Human Rights Watch và Giải Nhân quyền của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam. Nhưng HTV đã bị nhà cầm quyền Hà-Nội cấm xuất cảnh nên không được tới Hoa Kỳ nhận giải phẩm.
Những giải phẩm Bảo Vệ Nhân Quyền vẫn còn đó đợi Huỳnh Thục Vy tới lãnh.
Khi Cô trở thành Người Tự Do.
Khi Đất Nước và Dân Tộc Việt thoát Trung.
Khi Đất Nước và Dân Tộc Việt thoát Cộng.
ĐÀO BÍCH TY
Ô. Phạm Trần Anh: “Huỳnh Thục Vy & Trào Lực Tranh Đâu Cho Tự Do Nhân Quyền Trong Nước”
Huỳnh Thục Vy, con của chiến sĩ Dân chủ Huỳnh Ngọc Tuấn cùng ở tù trong “Thung Lũng của Tử Thần” A 20, nơi mà ai đã đến cũng một đời nhớ mãi, đói rét đọa đày, thần chết vây quanh. Dưới mắt chúng ta, Huỳnh Thục Vy chỉ là một cô bé dễ thương nhưng trên thực tế, Huỳnh Thục Vy là một chiến sĩ dân chủ kiên cường, một nhà bình luận sâu sắc thâm thúy đang góp phần cùng toàn dân chuyển đổi lịch sử.
Huỳnh Thục Vy đã trải hết nỗi lòng để tâm sự với người yêu:“ Em sẽ dành cả cuộc đời này để thương yêu anh, cũng như chúng ta sẽ dành cả cuộc đời này để thương yêu đất nước này…” để rồi chỉ ngồi trong song cửa, không phải để ngắm nhìn anh đứng tựa vườn hoa mà: “Qua ô cửa sổ nhỏ nhìn ra bầu trời, em cảm thấy người dân mình cần tự do biết là bao nhiêu!!!”. Chỉ một ý nghĩ, một câu nói thôi đã quá đủ để thấy được giá trị của Huỳnh Thục Vy. Vâng, thưa quý vị, chính những khó khăn của cuộc sống, những khắc nghiệt của hoàn cảnh địa lý nhân sinh đã hun đúc chí khí con người tạo nên một ý chí siêu vượt của một Phan Chu Trinh, một Trần Cao Vân, một Phan Khôi của xứ sở Địa linh nhân kiệt Ngũ Phụng Tề Phi để tiếp nối hào khí của Hai Bà Trưng, Bà Triệu…
“Tôi không được dạy để trở thành một người viết chuyên nghiệp. Ngay từ những ngày đầu cầm bút, tôi chỉ tâm niệm một điều là viết xuống những điều mình thực sự suy nghĩ, để chia xẻ quan điểm đối lập với nhà cầm quyền độc tài của một người trẻ trong bối cảnh hoàn toàn không có tự do ngôn luận ở Việt Nam.