1. Bức Tường Bá Linh Sụp Đổ Vì Chính Sách Perestroika và Tình Hình Đông Âu
Phỏng Vấn GS Phạm Đăng Sum Paris
CT Hội Đồng Đại Diện CĐNVQGTDTP
Paris (NV) 10/11 – Nhân ngày kỷ niệm Bức Tường Bá Linh sụp đổ, Từ Nguyên đã phỏng vấn Giáo Sư Phạm Đăng Sum, chủ tịch Hội Đồng Đại Diện của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Tự Do Tại Pháp về vấn đề này. Ba câu hỏi đặt ra đã được GS Phạm Đăng Sum trả lời như sau.
Perestroika & Tình Hình Đông Âu
Hỏi : Thưa Giáo Sư, Âu Châu đang kỷ niệm 20 năm ngày Bức Tường Bá Linh sụp đổ. Theo Giáo Sư, yếu tố nào có tính cách quyết định đưa tới biến cố này ?
Đáp : Theo tôi nghĩ, chủ trương Perestroika (tái phối trí) do Tổng Bí Thư Liên Sô Mikhail Gorbatchev đề xướng và tình hình chính trị và kinh tế ở Đông Âu và Nga Sô lúc bấy giờ đã giúp cho biến cố Bá Linh được thành hình. Gorbatchev từng tuyên bố tôn trọng nền độc lập của các quốc gia trong khối Cộng Sản, và mong muốn sống chung trong hoà bình, không võ lực. Trong cuộc gặp gỡ với chính quyền Đông Đức, Gorbatchev cho biết sẽ không đưa quân đàn áp như từng làm trước đây ở Tiệp Khắc và Hung gia lợi. Một nhân viên Bộ Chính trị Đông Đức cho loan báo là dân Đông Đức có thể qua Tây Đức không cần giấy phép. Do đó, Bức Tường ô nhục bị dân chúng phá sập , không gặp sự đàn áp.
Lẽ tất nhiên, không thể không nhắc đến ý muốn thống nhất (Ostpolitik) của những nhà lãnh đạo Tây Đức Willy Brandt và Helmut Kohl, cũng như lòng chán ghét Cộng Sản của dân chúng Đông Đức. Họ đã nghe theo huấn thị của Đức Giáo Hoàng Paul II nói với dân Ba Lan : « Đừng sợ hãi ».
Bức Tường tại Việt Nam
Hỏi : Tiếp theo là cuộc thống nhất nước Đức. Giáo Sư nghĩ sao về cuộc « tái thống nhất » hai miền Nam, Bắc Việt Nam ?
Đáp : Trong thực tế, nước nhà đã thống nhất, về địa lý và chính trị, từ 1975. Nhưng đây chỉ là một sự thống nhất cưỡng ép bằng võ lực, không được sự thuận tình của nhân dân. Sự thống nhất được thực hiện trên xác chết của mấy triệu người cùng chung máu mủ, mà kết quả là đã đưa đến sự chia rẽ và hận thù. Tại VN vẫn còn tồn tại Bức Tường do chính quyền CS lập ra, đó là Bức Tường « chế độ Cộng Sản », Bức Tường ngăn chận tự do, ngăn chận nhân quyền, làm trở ngại cho sự thống nhất. Một sự tái thống nhất chỉ có thể thực hiện sau khi Bức Tường này bị sụp đổ. Tôi tin rằng cái gì phải đến sẽ đến, bưc tường này không sớm thì muộn, sẽ sụp đổ như Bức Tường Bá linh.
Nếu VN được thống nhứt như nước Đức !
Hỏi : Xin Giáo Sư thêm một câu để kết thúc.
Đáp : Trông người mà nghĩ đến ta. Nếu VN mà được một sự thống nhất như Đông Đức và Tây Đức, thì người dân trong nước không phải chịu cảnh khốn khổ ngục tù, và chúng ta ở Hải Ngoại không phải chịu đời sống ly hương. Nước VN sẽ tiến xa về kinh tế, và xã hội, văn hoá, mà khỏi phải chịu nhục phải khuất phục Tàu Cộng.
Xin cảm ơn Giáo Sư Phạm Đăng Sum. (TN)
2. Giải Thể Chế Độ CS Kiểu Stalin Mới Thực Sự Trọng Đại
Phỏng Vấn GS Vũ Quốc Thúc Paris
Nhân ngày kỷ niệm Bức Tường Bá Linh sụp đổ, Từ Nguyên đã được hầu chuyện cùng Giáo Sư Vũ Quốc Thúc về vấn đề này và đặt 3 câu hỏi, được Giáo Sư trả lời nguyên văn như sau :
Hỏi : Thưa Giáo Sư, Âu Châu đang kỷ niệm 20 năm ngày Bức Tường Bá Linh sụp đổ. Theo Giáo Sư, yếu tố nào có tính cách quyết định đưa tới biến cố này ?
Đáp : Việc kỷ niệm long trọng sự phá bỏ Bức Tường Berlin khiến cho nhiều người tưởng lầm sự kiện này là một biến cố trọng đại đối với lịch sử Âu Châu nói riêng và lịch sử nhân loại nói chung. Theo tôi cái gì thực sự trọng đại là sự giải thể của chế độ cộng sản kiểu Stalin ở Liên Xô và các nước Trung, Đông Âu.
Vụ phá bỏ Bức Tường Berlin không phải là khởi điểm mà cũng không phải là tựu điểm của tiến trình giải thể ấy. Sở dĩ người ta đã trọng đại hoá vụ phá bỏ Bức Tường Berlin vì nó có tính cách biểu tượng, rất ngoạn mục mà lại có thể đặt vào một thời điểm đích xác là ngày 09/11/1989 .
Nếu bàn về sự giải thể của chế độ cộng sản kiểu Stalin, tôi nghĩ yếu tố quyết định chính là sự thay đổi đường lối thực hiện bởi Gorbatchev, hay đúng hơn, bởi nhóm lãnh đạo cộng sản tập hợp chung quanh Gorbatchev và đã đưa nhân vật này lên vị trí Tổng Bí Thư. Sự thay đổi đường lối ấy có thể tóm tắt trong 4 điểm :
a) tái cấu trúc chế độ (perestroika) ;
b) minh bạch hoá (glastnost) ;
c) rút quân khỏi các nước Trung, Đông Âu, như vậy là không dùng áp lực quân sự để chi phối chính quyền các nước này nữa ;
d) và trả lại quyền tự quyết cho các Cộng Hoà thành viên của Liên Bang Xô Viết. Ta có thể đặt giả thuyết : ví thử không phải là phe Gorbatchev mà là một nhóm lãnh đạo cực kỳ bảo thủ, ngoan cố bám lấy chính quyền, vào lúc ấy, thì tiến trình giải thể có xảy ra suông sẻ như ta đã thấy không ?
Trường hợp Việt Nam
Hỏi : Tiếp theo là cuộc thống nhất nước Đức. Trông người, gẫm đến ta : Giáo Sư nghĩ sao về cuộc « tái thống nhất » 2 miền Nam, Bắc Việt Nam ?
Đáp : Việc tái thống nhất 2 miền Nam Bắc Việt Nam năm 1975 không phải là kết quả của một cuộc thương thuyết bình đẳng và hoà dịu giữa các phe như Hiệp Định Paris ngày 27/01/1973 đã dự liệu : trái lại nhà cầm quyền cộng sản Hà nội đã dùng quân đi thôn tính miền Nam rồi ép buộc nhân dân miền Nam phải sáp nhập vào cấu trúc xã hội, chính trị, kinh tế, văn hoá … có sẵn ở miền Bắc. Những ai không chịu phục tòng thì chỉ còn một lối thoát là liều mạng vượt biên.
Đường lối này đúng với lý thuyết giai cấp đấu tranh, cụ thể hoá trên lãnh vực quốc tế dưới dạng chiến tranh cục bộ giữa Phe Cộng Sản và Phe Tư Bản. Trong cuộc đấu tranh này, phải có một kẻ thắng, một kẻ bại : kẻ thắng có quyền khai thác triệt để thắng lợi của mình. Đừng nói gì đến Quốc Tế Công Pháp, cũng như các bản thoả hiệp ngoại giao. Khỏi cần nói là sau sự giải thể của các chế độ cộng sản kiểu Stalin ở Liên Xô cũ và các nước Trung, Đông Âu, lý luận này đã chứng tỏ sự sai lầm của nó. Nếu vẫn khư khư bám víu lấy cơ sở lý thuyết ấy thì chẳng khác chi tự sát và đưa dân tộc xuống hố.
Tiếng nói của Lẽ Phải
Hỏi : Bây giờ, nói gì … thì cũng muộn ?
Đáp : Thay đổi đường lối không bao giờ muộn, nhưng càng trì hoãn càng gây thêm thiệt hại cho đất nước : Hành động càng sớm càng tốt vì như thế sẽ tránh được những sự bạo động. Những người yêu nước có bổn phận nói lên tiếng nói của lẽ phải trước nhất là để đánh thức lương tri của kẻ đương quyền, thứ chi là tạo áp lực của quảng đại nhân dân để bắt những kẻ đương quyền phải phục thiện.
Xin cảm ơn Giáo Sư Vũ Quốc Thúc.
3. Yếu Tố Chính Là Sự Sụp Đổ Của Liên Sô
Phỏng Vấn Kỹ Sư Võ Long Triều
Paris (NV) 09/11 – Nhân ngày kỷ niệm 20 năm sau khi Bức Tường Bá Linh bị phá sụp, Từ Nguyên đã gửi ba câu hỏi phỏng vấn Kỹ sư Võ Long Triều ở Quận Cam và được ông trả lời nguyên văn như sau.
Hỏi : Yếu tố nào có tính cách quyết định đưa tới sự sụp đổ của Bức Tường Bá Linh ?
Đáp : Thật là khó nói, bởi vì bất cứ một biến cố quan trọng nào, theo tôi nghĩ, cũng có ít hay nhiều nguyên nhân tác động chứ không thể khẳng định một yếu tố nào có tính cách quyết định.
Có lẽ chúng ta nên lùi lại quá khứ một chút. Giai đoạn cuối của Đệ Nhị Thế Chiến, quân Đồng minh giao kết với nhau là không bên nào được đơn phương tiến công vào Berlin trước, phải chờ 4 phe : Hoa Kỳ, Liên-Sô, Anh và Pháp cùng tiến vào Bá-Linh một lượt. Cộng Sản Liên Sô bội phản, tiến vào trước bắt nhiều khoa học gia, những nhà thông thái Đức, vơ vét những tài liệu mật về việc chế tạo hoả tiển V1 và V2 .
Cũng như Staline đã bội hứa là đã dừng quân trước Varsovie không tiến vào, gọi Uỷ Ban Cộng Sản do Lublin đứng đầu tới trình diện và ra lệnh cho Lublin lập chính phủ thay vì tiến chiếm giao quyền cai trị Varsovie lại cho Vua nước Ba Lan lúc đó tản cư sống tại Anh Quốc. Stalin chờ cho tướng cầm đầu kháng chiến và hàng triệu dân Ba Lan trong thành phố nổi dậy theo lệnh của Đồng Minh bị quân Đức tàn sát.
Như vậy ta có thể kết luận :
a/ Yếu tố thứ nhứt là dân chúng Berlin không hề ưa thích và chấp nhận Cộng Sản. Họ chỉ bị trấn áp sau đệ nhị thế chiến mà thôi. Những thủ đoạn tuyên truyền, dù lâu năm không thuyết phục được họ vì những hành động gian ác của bọn Cộng Sản. Tại sao phải có Bức Tường ô nhục ? Tại vì dân chúng chán ghét Cộng Sản nên bỏ Đông Đức tràn qua Tây Đức ngày càng nhiều đến mức nhà cầm quyền phải quyết định xây tường và canh gác cẩn mật. Biết bao nhiêu người đã từng vượt tường bằng mọi cách và có nhiều người đã bị bắn chết. Cũng giống như dân chúng Hung Gia Lợi chán ghét chế độ Cộng Sản đến nổi Thủ Tướng của họ là Imre Nagy chủ trương xoá bỏ chủ nghĩa phi nhân này. Dân chúng xuống đường ủng hộ, nhưng khốn thay, xe tăng của Liên-Sô tràn qua cán chết vô số người, Imre Nagy bị bắt và xử tử.
b/ Yếu tố thứ hai là Đài Phát Thanh Âu Châu Tự Do đã chọc thủng bức màn sắt của Cộng Sản giúp cho dân chúng bên kia hiểu được Thế Giới Tự Do là như thế nào và Cộng Sản phi nhân không phải là một chế độ tốt lành. Ngoài ra dân Đông Đức bên kia tường, ngày và đêm trông thấy những bản quảng cáo trên các tầng cao ốc của Tây Đức phô trương sự tự do giàu có của thế giới Tây Phương.
c/ Yếu tố thứ ba là nhờ biến chuyển chính trị trên thế giới. Những vị lãnh đạo của các nước tự do như Ronald Reagan, Tổng Thống Mỹ, bà Thủ Tướng Anh Quốc Thatcher, và những thành viên lãnh đạo của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Đường lối quân sự, ngoại giao của các nhân vật nầy là một yếu tố thúc đẩy các nhà tranh đấu dân chủ của Đông Đức.
Tóm lại yếu tố quan trọng là lòng dân chán ghét độc tài, gian ác, phi nhân đang thực hiện chế độ « kinh tế chỉ huy » dẫn đến sự bần cùng hoá nhân dân, nên dân chúng đã vùng lên phá tan Bức Tường ô nhục.
Không Hề Có Cuộc Thống Nhất Hai Miền !
Hỏi : Tiếp theo là cuộc thống nhất nước Đức. Trông người, gẫm đến ta : Anh nghĩ gì về cuộc thống nhứt hai miền Nam Bắc Việt Nam ?
Đáp : Việt Nam không hề có cuộc thống nhứt hai miền. Việt Nam chỉ có Cộng Sản Hà Nội theo lệnh của hai quan thầy Liên Sô và TC phải làm « nghĩa vụ quốc tế », đánh chiếm miền Nam với sự trợ giúp tuyệt đối của hai quốc gia nầy. Và sau khi chiếm được, Cộng Sản tổ chức cái gọi là « hiệp thương thống nhứt Hai Miền ». Ban đầu khởi sự mời một vài « con rối » gọi là đại diện « bù nhìn » của miền Nam cùng với Mặt Trận Giải Phóng và Cộng Sản Bắc Việt nói là có sự thoả hiệp để rồi Cộng Sản Hà Nội và Mặt Trận vào Dinh Độc Lập hợp thức hoá trong sự gay cấn, hoài nghi và đàn áp bằng lệnh.
Lúc đó cũng có một vài đảng viên Cộng Sản ngây ngô phản kháng cho là « quá sớm », tất cả bị Hà Nội buộc im miệng và hạ tằng công tác sau này. Sự thật về vụ bắt buộc hiệp thương thống nhứt nầy tôi mô tả khá rõ trong cuốn Hồi Ký Tập II của tôi sắp xuất bản vào đầu năm tới. Tôi biết được vấn đề nầy là do một anh tù Cộng Sản ở chung phòng giam với tôi kể, vì anh ta là cận vệ của Phó Giám Đốc sở Công an thời đó là Tám Nam, nhờ vậy mà được phép có mặt trong buổi hội đó.
Vấn Đề Còn nguyên Vẹn !
Hỏi : Có phải rằng, bây giờ nói gì thì cũng muộn rồi ?
Đáp : Không muộn ! Làm sao mà muộn được ! Bởi vì Việt Nam có thống nhứt hai miền bao giờ đâu ? Cộng Sản cưỡng chiếm rồi cai trị tồi tệ, đã vậy còn dâng đất nước cho Tàu Cộng, vấn đề còn nguyên vẹn. Dân chúng Việt Nam, người Cộng Sản và không Cộng Sản, phải can đảm đứng lên trừ bạo quyền, giải thoát đất nước khỏi sự thống trị của Cộng Sản Hà Nội, và chế độ Bắc thuộc tinh vi theo kiểu mới của TC. Tôi tin rằng trong giới đảng viên cao cấp của Cộng Sản sẽ có một Gorbatchev hay một Yelsin đứng ra cải đổi bằng cách nầy hay cách khác, dẹp bọn gian ác tay sai của Tàu. Và tôi cũng hy vọng trong giới lao động, công nhân hay trí thức trong nước sẽ có một Lech Walesa lãnh đạo cuộc vùng lên phá bức màn tre ô nhục này.
Chúng ta ở hải ngoại phải đồng lòng gây ý thức, vận động, và yểm trợ cho cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ trong nước.
Từ Nguyên : Xin cảm ơn Kỹ sư Võ Long Triều.
4. KINH TÊ NGA VÀ ĐÔNG ÂU SUY SỤP !
Phỏng Vấn Nhà Báo Ngô Nhân Dụng
PARIS (NV) 10.11.- Nhân ngày kỷ niệm bức tường Bá Linh sụp đổ, Từ Nguyên đã gửi thư phỏng vân nhà báo Ngô Nhân Dụng về vấn đề này và được trả lời nguyên văn như sau :
Hỏi : Âu Châu vừa kỷ niệm 20 năm ngày bức tường Bá Linh sụp đổ. Theo anh, yếu tố nào có tính cách quyết định đưa tới biến cố này ?
Đáp : Yếu tố quyết định là năm 1989, kinh tế các nước Nga và Đông Âu đã suy sụp. Nga phải vay Tây phương 100 tỷ đô la để mua lúa mì. Dân Đông Đức bỏ chạy qua Hungary rồi qua Tây Đức 200 000 người, toàn là những người trẻ và chuyên nghiệp.
THỐNG NHẤT KIỂU ĐỨC THÌ HƠN !
Hỏi : Tiêp theo là cuộc thống nhất nước Đức. Trông người, ngẫm đến ta : Anh nghĩ sao về cuộc «tái thống nhất» hai miền Nam, Bắc Việt Nam ?
Đáp : Đồng bào ngoài Bắc bấy giờ cũng thấy rằng cuộc chiến tranh chiêm Miền Nam là vô ích và chỉ mong được thống nhất như người Đông Đức thì hơn !
VẪN PHẢI NÓI CHỚ !
Hỏi : Có phải bây giờ, nói gì…thì cũng muộn ?
Đáp : Vẫn phải nói chớ ! Phải nói về cuộc sụp đổ của Cộng sản Đông Âu để đồng bào ta thấy cần thay đổi chế độ Cộng sản, đất nước mới khá được.
Từ Nguyên : Xin cám ơn Anh Ngô Nhân Dụng.
5. YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH LÀ LÒNG DÂN ĐÔNG ĐỨC
Phỏng vấn Luật sư Lê Trọng Quát
PARIS (NV) 10.11.- Nhân ngày kỷ niệm bức tường Bá Linh sụp đổ, Từ Nguyên đã phỏng vấn Luật sư Lê Trọng Quát về vấn đề này. Ba câu hỏi đặt ra đã được Luật sư Lê Trọng Quát trả lời như sau :
Hỏi : Âu Châu đang kỷ niệm 20 năm ngày bức tường Bá Linh sụp đổ. Theo Anh, yếu tố nào có tính cách quyết định đưa tới biến cố này ?
Đáp : Sự sụp đổ của bức tường Bá Linh mang tầm vóc lớn vượt quá khuôn khổ của nước Đức và cần được xem như một chấn động mạnh làm rung chuyển toàn khối cộng sản Đông Âu ngay vào đêm mồng 9 tháng 11, 1989. Vì vậy, ngoài yếu tố quyết định đưa tới biến cố này là lòng dân Đông Đức, còn phải lưu ý đến những yếu tố khác phát xuất từ bên ngoài nước Đức.
Thật vậy, trước hết phải nói đến sự chán ngán đến tột độ của đại đa số dân chúng Đông Đức đã chịu đựng trong hơn 40 năm qua một chế độ vừa tước đoạt tự do của họ, vừa kìm hãm dân tộc nhiều khả năng này trong tình trạng chậm tiến nghèo nàn không lối thoát. Trong lúc ấy, đồng bào của họ ở ngay Tây Bá linh, ở Tây Đức và xa hơn dân các nước Tây Âu láng giềng sống hoàn toàn tự do, sung túc, thịnh vượng. Sự bất bằng của họ đã được thể hiện một cách cụ thể và can đảm qua những vụ vượt bức tường Bá Linh với hơn 150 người bỏ mạng ở chân tường, cố nhiên chưa kể hơn hai triệu người đã ra đi trước mà không trở lại.
Sự chán ngán và bất bằng trong bao nhiêu năm đã tạo nên bước đường cùng, thúc đẩy họ phải đứng dậy đòi quyền sống, quyền tự do qua bên kia lằn ranh chia đôi đất nước để được sống một cuộc đời đáng sống hơn với đồng bào của họ. Những cuộc biểu tình vĩ đại liên tiếp trong những ngày trước khi bức tường bị phá sập đã vượt khỏi sự kiểm soát của chính quyền Đông Đức như chúng ta đã chứng kiến và đưa đến sự thống nhất nước Đức một cách nhanh chóng và không đổ một giọt máu nào.
Thế nhưng, ngoài yếu tố quyết định vừa kể, chúng ta không thể lượng giá thấp hai yếu tố ngoại lai đã đóng góp đáng kể cho sự sụp đổ bức tường Bá Linh và tiếp theo, sự giải thể chế độ cộng sản ở Đông Âu và Nga Sô.
Thứ nhất, sự im lặng để yên cho bức tường sụp đổ khi Chủ Tịch Nga Sô Gorbatchev được báo tin trong đêm 9 tháng 11. Một thái độ thể hiện chính sách đối ngoại mới của Nga Sô : không can thiệp vào nội tình của các nước cộng sản anh em ở bất cứ đâu mà Gorbatchev đã loan báo trước cho Đông Đức và các nước chư hầu khác. Chính tân chính sách này đã khuyến khích như một sự bảo đảm của đàn anh Nga sô cho dân chúng các nước ở Đông Âu rằng Nga Sô sẽ không hành động như dưới các thời trước của Staline, Khroutchev, Brejnev nếu họ chống đối chính quyền của nước họ.
Thứ nhì, Hoa Kỳ công khai yêu cầu phá bỏ bức tường Bá Linh khi Tổng Thống Reagan đến thăm Bá Linh năm 1987 và trong diễn từ đọc ớ đây đã trịnh trọng tuyên bố : “Ông Gorbatchev,hãy phá sập bức tường này” (“Mr Gorbatchev, tear down this wall.”). Với chính sách đối ngoại mới, Gorbatchev muốn chấm dứt chính sách cũ “đối đầu” (confrontation) với Hoa Kỳ và chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh âm ỷ từ gần nửa thế kỷ nên đã không phản đối lời yêu cầu như ra lệnh này của ông Reagan. Thái độ không phản ứng này của ông Gorbatchev đã đươc hiểu bởi nhiều giới quan sát chính trị như một sự phó mặc số phận của bức tường này cho dân chúng nươc Đức. Nó không thể phương hại đến chính sách toàn cầu của Gorbatchev.
CƯỠNG BÁCH SỐNG CHUNG TRONG HẬN THÙ
Hỏi : Tiếp theo cuộc thống nhất nước Đức. Trông người mà gẫm đến ta, Anh nghĩ sao về cuộc “tái thống nhất” hai Miền Nam Bắc Việt Nam ?
Đáp : Cuộc “thống nhất” đất nước năm 1975 bằng bạo lực của cuộc chiến tranh xâm lăng của Cộng sản Bắc Việt chỉ là một sự cưỡng bách sống chung trong hận thù và chia rẽ sâu đậm. Vì vậy, nếu bây giờ không nói đến sự chia hai đất nước nữa thì một sự thống nhất thực sự thực hiện bởi nguyện vọng của toàn dân phát biểu tự do và hòa bình như ở nước Đức là một lối thoát cho tình trạng hiện thời để toàn dân cùng nhau xây dựng một vận hội mới tươi sáng cho xứ sở.
KHÔNG CÓ GÌ LÀ MUỘN !
Hỏi : Bây giờ nói gì thì cũng muộn chăng ?
Đáp : Tôi nghĩ không muộn vì chúng ta phải tính theo chiều dài của lịch sử. Nước Đức thống nhất sau hơn bốn mươi năm phân chia. Nước Nga sau bảy mươi bốn năm xã hội chủ nghĩa đã tìm lại được tự do. Các nước xã hội chủ nghĩa khác ở Đông Âu cũng vậy, sau bốn mươi lăm năm lặng chìm sau bức màn sắt. Vậy thì chưa có gì muộn đối với Việt Nam.
Nhưng vấn đề là đảng Cộng sản Việt Nam có muốn lưu lại một tiếng tốt trong lịch sử của dân tộc hay để bị đào thải bởi dân tộc một ngày nào đó chưa biết được trong nay mai.
Từ Nguyên : Xin cảm ơn Luật sư Lê Trọng Quát.
LS Lê Trọng Quát là tác giả tập biên khảo: Việt Nam Đi Về Đâu – Huyền Thoại và Sự Thật, 1930 -2002. 1 022 trang, xuất bản năm 2003, giá 32 $
Từ Nguyên